Bước tới nội dung

Đại nghĩa diệt thân/Chương 1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Hồi tưởng ngày xưa, chúng ta chẳng khỏi ngậm ngùi về nỗi thảm của tổ tiên ta, cách gần một trăm năm hồi trước, phải chịu cái cảnh thê lương nước mất nhà tan, sao dời vật đổi.

Trong lúc ấy trời Ðồng Nhâm ở đất Gia Ðịnh rung rinh, cây cỏ héo xàu, sanh linh đồ thán. Nhắc lại tình cảnh đó để truy niệm đau khổ của người trước, mà cũng để đề phòng về việc sau, đặng suy cổ nghiệm kim rồi ung đúc tâm hồn mà giữ gìn non nước, làm như vậy tưởng không phải là làm việc vô ích.

Năm Tự Ðức thứ 11, nhằm năm Mậu Ngọ 1858 nước Pháp lấy cớ tri ều đình Việt Nam cấm đạo bèn phái Hải quân Trung Tướng Rigault de Genouilly chỉ huy một đoàn chuyến thuyền qua đổ bộ lên đánh hải khẩu Ðà Nẵng (Tourane) có một tiểu đoàn binh Tây Ban Nha theo trợ lực. Giặc chiếm Ðà Nẳng toan đánh vào đô thành Huế, nhưng gặp binh ta chống ngăn mạnh mẽ nên tiến không nổi.

Qua tháng giêng năm sau là năm 1858. Trung tướng Genouilly bèn đổi chiến lược để một tiểu đoàn ở lại giữ mấy đoàn vùng Ðà Nẵng, còn bao nhiêu binh thì chở hết xuống chiến thuyền đặng vào miền Nam tính xâm chiếm đất Gia Ðịnh là vùng có tiếng phì nhiêu phong phú. Binh Pháp vào cửa Cần Giờ, hắn phá những phần tàu đóng hai bên sông Ðồng Nai, rồi tiến thẳng lên đánh thành Gia Ðịnh.

Quan hộ đốc giữ thành Gia Ðịnh là cụ Võ Duy Ninh vừa hay tin binh đội Pháp khai chiến thì cụ tức tốc đến các tỉnh kêu binh lên tiếp viện đặng chống với giặc. Viện binh đến chưa kịp còn quân lính trong thành đủ, song thiếu huấn luyện, thiếu tinh thần chiến đấu, bởi vừa không biết cách phòng thủ để cho giặc tự do vào đánh có hai ngày đoạt được thành. Cụ Võ Duy Ninh phải tự tử cho toàn tiết nghĩa. Giặc tóm thâu tất cả súng đại bác, thuốc đạn bạc tiền và lúa gạo. Rất tiếc thay!

Trung tướng Rigault de Genouilly phân binh để Trung tá Jauré Guiberry ở lại giữ thành Gia Ðịnh, còn bao nhiêu binh thì chở trở ra Ðà Nẵng đánh nữa, cũng không thắng nổi binh ta, lại nhuốm bịnh. Pháp định sai Thiếu tướng Page qua thay thế cho Trung tướng Rigault de Genouilly về Pháp an dưỡng.

Kế đó nước Pháp với nước Anh có việc bất hòa nên hai nước hội binh đi đánh Tàu. Chánh phủ Pháp sai Trung tướng Charner chỉ huy một đoàn chuyến thuyền qua Viễn Ðông, lại dạy Thiếu tướng Page phải rút binh Ðà Nẵng và Gia Ðịnh đi theo Trung tướng Charner đặng tiếp chiến.

Tháng 3 năm 1860, Thiếu tướng Page rút hết binh Ðà Nẵng về hội binh tại Gia Định, phái Ðại tá d´Ariès ở lại giữ Gia Ðịnh với 800 binh Pháp và 200 binh Ma-ni (Manille) của Tây Ban Nha, còn bao nhiêu thì chở hết theo Trung tướng Charner qua đánh Trung Hoa.

Triều đình Huế phái cụ Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương vào Nam lập kế khắc phục Gia Ðịnh, có cho cụ Phạm Thế Hiển làm Tham Tán quân sư.

Tháng 7 năm đó hai cụ vào tới có binh tri ều đi theo lại có binh mấy tỉnh do cụ Tôn Thất Hàn đã gần về. Số binh ta đông bằng mười số binh Pháp ở trong thành Gia Ðịnh. Thế mà cụ Nguyễn Tri Phương không nghĩ đến sự công thành, cụ lại truyền lịnh lập đại đồn tại Chí Hòa và phân binh lập hệ thống phòng thủ tại vùng Gò Vấp qua Chí Hòa, Phú Thọ, vô tới ngọn Rạch Cát.

Bên kia Trung Hoa thất bại chịu ký tờ hòa ước với Pháp và Anh.

Ðến tháng giêng năm 1861, Trung tướng Charner trở lại Gia Ðịnh với 70 chiến thuyền và 3500 lính, đổ binh lên thành, liền mở cuộc tiến công đại đồn của ta. Giao chiến trót hai ngày hai đêm, hai bên đều tổn thất nặng nhưng binh pháp lão luyện lại có súng nhiều hơn, đại bác bắn nát đồn lũy của ta, nên binh ta phải vỡ tan, một phần rút về Biên Hòa, nhưng số đông thì chạy tứ tán.

Giặc thừa thắng phát binh rượt theo và chiếm Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gò Công, Tân An chiếm luôn tỉnh Ðịnh Tường (Mỹ Tho) nữa. Qua tháng 10 Thiếu tướng Bonard qua thế cho Trung tướng Charner về Pháp nghỉ.

Tháng 11 Thiếu tướng Bonard đem binh chiếm luôn tỉnh Biên Hòa với Bà Rịa, rồi qua tháng 3 năm sau (1862) còn đánh lấy luôn tỉnh Vĩnh Long.

Triều đình không làm gì hết, chừng thấy giặc lấy mất tới bốn tỉnh mới rúng động nên sai Phan Thanh Giản cùng với Lâm Duy Hiệp vào Nam nghị hòa.

Quân Pháp đã được lịnh xâm chiếm nước ta nên chịu thương thuyết, nhưng không chịu trả đất. Phái bộ của ta nói hết sức họ mới chịu trả lại tỉnh Vĩnh Long, nhưng họ buộc.

1) Phải để cho binh Pháp cứ đóng tại tỉnh lỵ Vĩnh Long cho tới chừng nào họ dẹp yên giặc giã ở mấy tỉnh trên rồi họ sẽ rút về.

2) Phải nhường đứt cho nước Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh và Ðịnh Tường.

3) Phải để cho giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha được tự do vào nước Việt Nam giảng đạo và để cho nhơn dân tự do theo đạo.

4) Phải để cho chiến thuyền pháp được tự do vô ra cảng sông Cửu Long.

5) Nước Pháp với Tây Ban Nha được tự do vô ra mấy hải cảng mà buôn bán.

6) Việt Nam không được đem binh khí và thuốc đạn đi qua ba tỉnh đã nhường cho Pháp.

7) Việt Nam muốn giao thiệp với nước nào thì phải cho Chánh phủ Pháp biết và nếu muốn nhường đất cho nước nào cũng phải tùy ý nước Pháp ưng thuận cho mới được.

8) Việt Nam phải chịu tiền binh phí 4 triệu đồng bạc phân trả 10 năm mỗi năm 40 muôn đồng.

Tờ hòa ước lập ngày mùng 9 tháng 5 năm 1862 gồm, cả thảy 12 điều chỉ lược biên mấy điều quan hệ ra đây mà thôi. Tờ ấy Thiếu tướng Bonard ký với hai sứ của ta là Phan Thanh Giản với Lâm Duy Hiệp. Triều đình ta không vừa lòng về sự mất 3 tỉnh nhưng không ai dâng kế đánh mà đòi lại bày cho một phái bộ đi sứ qua Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh mất.

Năm Tự Đức thứ 16 là năm 1863. Hải quân Thiếu tướng de la Grandière qua thay thế cho Thiếu tướng Bonard với sứ mạng giữ vững tỉnh đã lấy, rồi thừa cơ hội mở rộng thêm nữa để làm thuộc địa. Thế mà tháng 6 năm đó, tri ều đình còn gởi một sứ bộ đi sứ qua Pháp xin chuộc lại ba tỉnh mất. Phái bộ ấy gồm có:

- Phan Thanh Giản, Hiệp Biện Đại học sĩ, chánh sứ.

- Phạm Phú Thứ, Tá Tham tri Lại bộ.

- Nguyễn Khắc Ðản, Án Sát xứ Quảng Nam.

Triều đình lấy nhu nhược ôn hòa mà đối phó với xâm lăng cương quyết, làm cho nhơn dân đất Ðồng Nai kẻ ngẩn ngơ người bực tức. Bởi vậy từ ngày thất Ðại đồn, bực hữu trách rút về tri ều đặng mão cao áo rộng mà kháng chiến trước cung điện, chớ không cầm thương lên ngựa mà sông lướt ngoài sa trường nữa thì lòng dân trong Nam xao xiển[1] cứ hỏi nhau: "Phải làm sao?"

Pháp chiếm được mấy tỉnh rồi, thì một mặt họ lo dùng võ lực mà gìn giữ đất đai, còn một mặt thì lo khuyến dụ sĩ phu ra hiệp tác đặng tổ chức cuộc cai trị. Thiệt đời hồi đó những tư tưởng đại đồng chưa gieo rắc trong dân gian, người có học thức khư khư ôm áo chủ nghĩa quốc gia, ai cũng thương giống nòi mến đất nước. Vì vậy nên lời khuyến dụ của Pháp không có hiệu quả tốt đẹp. Những người ra phe giúp với nhà cầm quyền Pháp đó thuộc hạng người thiếu học, không có lương tâm không biết Tổ quốc. Họ là cặn bã, chớ không phải tinh hoa của đất nước. Họ tính thừa thời thế để lên mặt lên mày, để trèo lên địa vị cao sang, là chỗ lúc bình thường họ chẳng hề dám mong mỏi.

Trong hàng học thức chỉ có Tôn Thọ Tường ra đầu giặc. Quân Pháp hết sức quí trọng, ban cho chức Tri phủ, rồi thăng lên Ðốc phủ để làm mồi mà dụ sĩ phu. Chẳng dè Tôn Thọ Tường bị hàng học thức như mấy cụ Cử Trị, Thủ Khoa Nghĩa, Huỳnh Mẫn Ðạt khinh bỉ quá, làm cho hổ thẹn phải lân la chùa Cây Mai đặng sống theo thú phong lưu, không giúp ai mà cũng không hại ai, để cho bọn thiếu học tranh giành mặc tình phế cựu nghinh tân mà lãnh được quyền và đựng sự nghiệp.

Hàng sĩ phu không nỡ xu hướng thời thế mà làm như bọn thất học vậy được, nên người nóng nảy thì ẩn núp theo xóm theo làng kêu gọi đồng bào đứng dậy mà gìn giữ non sông. Còn người già yếu thì tản mác hoặc rút xuống mấy tỉnh phía Hậu Giang mà chờ xem thời cuộc biến chuyển hoặc bỏ cả nhà cửa ruộng vườn đem gia quyến ra Bình Thuận, Khánh Hòa mà cư ngụ, không muốn gần gũi với kẻ thù, không chịu làm tôi người ngoại quốc.

Dân đàm xôn xao như vậy nên nước Pháp tuy lấy được ba tỉnh và đặt binh lính chiếm giữ mấy chỗ địa đầu, song tình hình trong vùng vẫn cứ rối beng, không làm sao đem an ninh lại được mà tổ chức hành chánh.

Cụ Nguyễn Trung Trực luôn luôn làm náo động vùng Nhựt Tảo, Bến Lức. Cụ Thủ Khoa Huân chiêu tập nghĩa binh khuấy rối vùng Bình Cách, Bến Tranh. Cụ Trương Công Ðịnh hùng cứ vùng Gò Công. Cụ Thiên Hộ Dương hùng cứ vùng Tháp Mười.

Binh Pháp không biết địa thế, lại không hiểu phong tục và thổ âm, nên khó mà đánh dẹp hoặc ruồng bắt cho được. Họ phải cậy những tay vì danh vì lợi ra đầu thú đặng lãnh chức lãnh quyền giúp sức đem đường chỉ nẻo cho họ trừ loạn đặt an. Bọn nầy đua nhau lập công đặng hưởng vị cao quyền trọng. Chúng dựa hơi mà hống hách, chém giết người vô tội mà thị oai, tra khảo nhà phú hào đặng ăn hối lộ. Chúng làm nhiều việc tàn ác không thể kể xiết.

Nhơn dân trong lúc ấy khốn khổ đủ mọi bề, nghịch cũng chết mà thuận cũng không còn, vậy thì thà nghịch cho tròn nợ với non sông, hơn là sống mà mang ách nô lệ chịu cho chúng dày bừa bóc lột.

   




Chú thích

  1. xao xuyến: không an tâm