Bước tới nội dung

Đại sứ Osius phát biểu tại Đại học Stanford: Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam – Hôm nay và Ngày mai

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đại sứ Osius phát biểu tại Đại học Stanford: Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam – Hôm nay và Ngày mai  (2016) 
của Ted Osius, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Bài phát biểu ngày 30 tháng 9 năm 2016.

Ngày 30 tháng 9 năm 2016

Đại học Stanford

Thưa tất cả quý vị, hôm nay tôi hân hạnh được phát biểu và thảo luận với quý vị về tương lai của mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam. Năm 1995, hai nước chúng ta đã có sự lựa chọn dũng cảm để cùng nhau bắt đầu một đại hành trình mới. Hai mươi năm trước, tôi hân hạnh được làm việc tại Việt Nam khi chúng ta đang đi những bước đầu tiên trên con đường tiến tới mối quan hệ sống động và đầy kết quả mà chúng ta có hôm nay. Tôi có thể trực tiếp chứng minh chúng ta đã cùng nhau tiến xa như thế nào.

Năm ngoái, chúng ta đã đánh dấu một mốc lớn trên hành trình của mình khi chúng ta kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao và củng cố hơn nữa Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước. Ngày nay, các công dân trẻ của chúng ta với số lượng kỷ lục đang vượt đại dương sang học tại các trường đại học của nhau và khám phá nền văn hóa của mỗi nước. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang kinh doanh ngày càng nhiều với Việt Nam trong bối cảnh thương mại hai chiều hàng năm đã tăng từ 500 triệu USD lên 45 tỷ USD. Những mối liên kết mà chúng ta vui mừng có được hôm nay đã từng là không thể tưởng tượng được cách đây hai thập kỷ, và chúng ta cần phải tự hào về tiến triển đó. Tương lai của Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước giờ đây tươi sáng hơn bao giờ hết. Nhưng hành trình của chúng ta chưa kết thúc; chúng ta còn chặng đường xa phải đi.

Nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn đã từng viết: “Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng.” Ông hiểu rằng xã hội phải được xây dựng trên một nền móng rộng lớn, nơi mà mọi người đều tham gia và mọi người đều có thể đóng góp tài năng của mình cho thành công lớn hơn. Quan điểm sáng suốt này vẫn đúng cho đến ngày nay. Trên tinh thần đó, vào tháng 5 năm nay Tổng thống Obama và Chủ tịch Trần Đại Quang trong bản Tuyên bố Chung  đã đề ra một kế hoạch đầy tham vọng và có phạm vi rộng lớn nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác đang lớn mạnh của chúng ta. Chúng ta đã đề ra cho mình những mục tiêu toàn diện từ loại bỏ các rào cản thương mại và cải thiện hợp tác an ninh, đến hợp tác về tự do tôn giáo và thúc đẩy các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Chúng ta cam kết vươn xa tầm nhìn ra ngoài biên giới mỗi nước và giải quyết những thách thức toàn cầu như tình trạng biến đổi khí hậu và nạn buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã. Đó là sự thể hiện quan trọng cam kết chung của chính phủ hai nước chúng ta về đầu tư vào một tương lai hòa bình, bền vững và thịnh vượng hơn cho cả hai nước. Hôm nay, tôi tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ nhằm đạt được những mục tiêu đó.

Nhưng chúng ta không thể hài lòng chỉ bằng những tuyên bố. Việc đề ra các mục tiêu là đáng hoan nghênh, và là một bước đầu tiên cần thiết. Nhưng những mục tiêu đó phải được thực hiện; chúng ta phải làm cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo hai nước trở thành hiện thực. Sẽ có những cản trở phải vượt qua, nhưng tôi tin tưởng vững chắc rằng người Việt và người Mỹ có thể cùng nhau chuyển những cam kết đó thành hành động.

Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Trong một thời gian khá ngắn, Việt Nam đã vươn lên gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình và xây dựng một tầng lớp trung lưu thành đạt bằng cách mở cửa thị trường của mình với thế giới bên ngoài, cho phép tự do trao đổi ý kiến trên Facebook, và tạo ra một lực lượng lao động trẻ và có tinh thần khởi nghiệp. Ở mọi nơi tôi đến tại Việt Nam, tôi đều có thể thấy những kết quả mà quá trình này mang lại: hàng triệu người được thoát nghèo; giới trẻ rất lạc quan về tương lai của họ; các cộng đồng được bảo vệ an toàn hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trong bản Tuyên bố Chung, cả hai nước đã cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn hoạt động hợp tác kinh tế của chúng ta. Và điều đó đã đang diễn ra. Trên thực tế, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 44%. Con số đó thật ấn tượng! Xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng tăng 12%, đưa thương mại song phương tăng lên 17%.  Trong số 50 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ, chỉ có 3 thị trường có mức tăng trưởng hai chữ số. Và, trong 3 thị trường đó thì Việt Nam là thị trường lớn nhất.

Nhìn về phía trước, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ là nền tảng của nỗ lực này. Thực hiện đầy đủ TPP sẽ cho phép Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và làm đông thêm tầng lớp trung lưu của mình. Điều đó sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào bất cứ thị trường đơn lẻ nào. Điều đó sẽ củng cố các mối kết nối không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với các nước láng giềng của Việt Nam trong khu vực và với các đối tác mới ở bên kia đại dương.

Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng vẫn còn những việc khó khăn phải làm tại Việt Nam trước khi Việt Nam có thể khai thác được đầy đủ lợi thế của tất cả các cơ hội mới này. Việt Nam đã tiến hành một số bước để cải cách hệ thống các doanh nghiệp nhà nước của mình, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Việt Nam phải tạo không gian trong nền kinh tế của mình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh để nền kinh tế Việt Nam khai thác được đầy đủ tiềm năng của mình. Các cơ chế về hải quan phải được hiện đại hóa để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Các công ty nước ngoài phải tin rằng tài sản trí tuệ của họ sẽ được bảo vệ để họ có thể mang công nghệ của mình tới Việt Nam. Họ phải biết rằng các thông lệ lao động công bằng sẽ được thực thi ở mọi nơi, và rằng các đối thủ cạnh tranh của họ sẽ phải cùng đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường như họ. Họ phải hiểu rằng pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng một cách công bằng, minh bạch và nhất quán.

Tôi vui mừng nói rằng Việt Nam đã sẵn sàng sải những bước lớn hướng tới từng mục tiêu trong số đó. Và những lợi ích đã bắt đầu xuất hiện khi các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm. Giới kinh doanh Hoa Kỳ lạc quan về Việt Nam, và các lãnh đạo doanh nghiệp của chúng tôi đang theo dõi sát sao xem những cải cách của Việt Nam có được hiện thực hóa hay không. Chúng ta chưa đến được đích đó, nhưng tôi muốn nói với quý vị hôm nay rằng Hoa Kỳ có lợi khi Việt Nam trở thành một đối tác mạnh với một nền kinh tế phát triển tốt và bền vững.

Trong khi hợp tác kinh tế là trọng yếu đối với tương lai của quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, quan hệ đối tác sâu sắc hơn mà chúng ta hướng tới phải vươn ra ngoài phạm vi mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và tạo các cơ hội kinh doanh và thương mại. Nếu chúng ta muốn xây dựng một Quan hệ Đối tác Toàn diện thực sự – một mối quan hệ mà chúng ta đến với nhau không chỉ với tư cách là các chính phủ, mà còn với tư cách là các quốc gia – thì chúng ta phải tạo cơ hội cho các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước. Mark Twain từng viết: “Du hành là kẻ tử thù của thành kiến, thói cố chấp và hẹp hòi”. Ông muốn nói rằng không có gì xây dựng lòng tin và loại bỏ hiểu lầm giữa các dân tộc hơn việc trực tiếp khám phá nền văn hóa của nhau. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng không có hình thức giao lưu nào hiệu quả hơn trong việc loại bỏ thành kiến và tạo ra các mối gắn kết xã hội bằng việc đầu tư vào giáo dục thế hệ trẻ của chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi rất phấn khởi về việc sắp khởi động hai sáng kiến giáo dục quan trọng: Đoàn Hòa bình (Peace Corps) tại Việt Nam, và trường Đại học Fulbright Việt Nam. Khi phái bộ Đoàn Hòa bình bắt đầu chính thức hoạt động trong tương lai gần, tổ chức này sẽ mang đến Việt Nam một số trong những điều tốt đẹp nhất mà nước Mỹ mang tặng. Các tình nguyện viên giỏi, năng động, tận tụy và là người nói tiếng Anh bản ngữ sẽ là một nguồn lực độc đáo cho các sinh viên hiếu học của Việt Nam.  Và trường Đại học Fulbright – trường đại học kiểu Mỹ, tư thục và phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam – sẽ cho thấy giá trị của một phương thức tiếp cận xuyên ngành và tự do học thuật. Tôi hy vọng rằng đó sẽ mới chỉ là hai chương trình đầu tiên trong nhiều chương trình giao lưu tương tự mà sẽ tạo nên những mối gắn kết suốt đời giữa giới trẻ của hai nước chúng ta.

Đào tạo về tiếng Anh và tăng thêm các cơ hội học hành sẽ không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng lên trên toàn cầu về lao động có trình độ. Những điều đó còn giúp Việt Nam trở nên ngày càng nổi bật trong các thể chế khu vực, trong đó có Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đề xuất rằng chúng ta cần mở rộng mối quan hệ đối tác của chúng ta vượt xa hơn sự hợp tác song phương hiện nay để vươn vào hợp tác khu vực và toàn cầu. Làm việc thông qua các thể chế quốc tế là một phương thức vô giá để xây dựng lòng tin. Như Tổng thống Obama đã lưu ý chúng ta hồi tháng 5, gốc rễ của trật tự quốc tế mà an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc là nằm trong những nguyên tắc và chuẩn mực được chia sẻ trong các thể chế này. Các diễn đàn đa phương đó cũng là những tuyến trọng yếu để đạt tiến triển về một số trong những vấn đề quan tâm cấp bách nhất của chúng ta, trong đó có tình trạng biến đổi khí hậu, các vấn đề sức khỏe trong khu vực và toàn cầu, và nạn buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã. Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc để củng cố các thể chế này nhằm đảm bảo rằng đó tiếp tục sẽ là những đầu tàu thúc đẩy các phương thức giải quyết xung đột một cách hòa bình và tôn trọng chủ quyền của tất cả các thành viên.

Trong  bản Tuyên bố Chung, chúng ta cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và xây dựng lòng tin hơn nữa giữa các quân nhân của hai nước. Quyết định của Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán trang thiết bị quốc phòng sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận nhiều hơn những công cụ các bạn cần để đảm bảo an ninh của mình. Tôi mong đợi mở rộng hoạt động của chúng ta trong việc nâng cao năng lực biển của Việt Nam và hợp tác về cứu trợ nhân đạo trong trường hợp thiên tai.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, và kể từ đó chúng ta đã đi được một chặng đường dài. Nhưng quá trình hòa giải cho tất cả mọi người – trong đó có những người Mỹ gốc Việt bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quá khứ – vẫn chưa hoàn tất. Bị đè nặng bởi những ký ức đau thương sâu thẳm, những người Mỹ đó chưa giao lưu với nước Việt Nam mới, ngày càng hội nhập, đã nổi lên trong những năm gần đây. Họ vẫn xa cách, điều đó đã chia rẽ cộng đồng người Mỹ gốc Việt và hạn chế tiềm năng của mối quan hệ song phương. Nhưng chúng ta biết, và tôi tin, rằng chúng ta có cơ hội để thay đổi mối tương tác này. Ngày càng có nhiều người từng trải qua đau khổ ở cả hai nước nói với chúng tôi rằng đã đến lúc phải vượt qua những điều chia rẽ, trân trọng ký ức về những người đã ngã xuống ở cả hai bên, và tiến về phía trước trên tinh thần tôn trọng và hòa giải. Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết tạo thuận lợi cho việc giao lưu giữa cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ với người dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đối thoại thẳng thắn với mục tiêu tạo thuận lợi cho quá trình hàn gắn. Quá trình đó sẽ đòi hỏi phải xây dựng lòng tin ở cả hai bên, một việc khó nhưng cần thiết nếu chúng ta muốn khép lại một chương khó khăn của quá khứ với sự tôn trọng, và chuyển trọng tâm của chúng ta vào tương lai. Tôi tin rằng đó là điều đúng đắn cần làm, và nó sẽ mang lại những lợi ích to lớn bằng việc tái đoàn tụ các gia đình và bạn bè, làm gia tăng hoạt động đầu tư, thúc đẩy du lịch, và hơn nữa. Tôi mong đợi được tiếp tục cuộc đối thoại này trong thời gian tôi ở đây và khi tôi trở lại Việt Nam.

Cuối cùng, khi chúng ta xây dựng mối quan hệ đối tác của chúng ta trong những lĩnh vực mà tôi vừa đề cập, chúng ta cũng không được ngại xem xét những vấn đề mà chúng ta còn có khác biệt. Các đối tác nói thật với nhau và chia sẻ những điều quan ngại ngay cả khi làm như vậy có thể là khó khăn. Chúng tôi làm như vậy với tất cả các đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới, bởi vì chúng tôi biết rằng chưa nước nào tìm được công thức hoàn hảo. Tôi bao hàm Hoa Kỳ trong ý này, bởi vì chúng tôi chắc chắn có những nhược điểm của riêng mình, một số nhược điểm đó chúng tôi đã vượt qua, nhưng còn nhiều nhược điểm mà hiện nay chúng tôi vẫn phải xoay xở. Tuy nhiên, tôi tin là Hoa Kỳ đã hiểu được rằng sự tăng trưởng, tiến bộ, hòa bình và ổn định đều sẽ được thúc đẩy tối đa bằng việc cho phép mọi tiếng nói đều được lắng nghe. Mấy hôm trước, phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nơi đào tạo các cán bộ Đảng, tôi đã nói: Việt Nam sẽ chỉ khai thác được tối đa tiềm năng của mình khi xã hội dân sự có thể được hưởng những quyền tự do lớn hơn để thành lập tổ chức một cách ôn hòa, tự do trao đổi ý kiến trên Internet và mạng xã hội, và tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Hoa Kỳ không tìm cách ra điều kiện hay áp đặt những điều chúng tôi tin là đúng lên bất kỳ đối tác nào của chúng tôi. Trên thực tế, nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam là tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và hệ thống chính trị khác biệt. Nhưng tôi đã mời các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhất là khi tìm lời giải cho những câu hỏi khó, coi Hoa Kỳ là một nguồn hữu ích. Trong quá trình chúng tôi phát triển thành một quốc gia như hiện nay, chúng tôi đã phải xoay xở với nhiều trong số những thách thức như vậy, và tôi tin rằng chúng tôi có thể chia sẻ những bài học chúng tôi đã thu được.

Thưa quý vị, Hoa Kỳ và Việt Nam hiện nay đang ở tại một thời khắc quyết định trong hành trình tuyệt vời của chúng ta. Và cũng như đối với bất kỳ thời khắc nào như thế, chúng ta giờ đây có một lựa chọn. Chúng ta có thể chọn đáp ứng mong đợi của những người hoài nghi về vận mệnh của chúng ta; những người nói rằng các nguyện vọng của chúng ta là quá lớn, ý chí chính trị của chúng ta quá yếu, hoặc lợi ích chung của chúng ta trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương của chúng ta quá là một sự tiện lợi địa chính trị nhất thời. Chúng ta có thể đồng ý với những mục tiêu do chính chúng ta đặt ra rồi nói rằng những mục tiêu đó là quá khó, để lúc khác mới thực hiện, và chờ cho những mục tiêu đó bị quên lãng. Chúng ta có thể thất bại, và nói rằng đó là điều không thể tránh khỏi.

Hoặc chúng ta có thể chọn làm tốt hơn. Chúng ta có thể chọn làm những nhà lãnh đạo sáng suốt, làm tiêu tan mong đợi của những kẻ hoài nghi, và để cho mối quan hệ đối tác của chúng ta trở thành một điển hình cho thế giới. Chúng ta có thể tạo ra những mối gắn kết thông qua hoạt động thương mại cởi mở, đi lại nhanh chóng, và giao lưu chân thành. Chúng ta có thể thể hiện điều đó bằng việc làm và cho thấy rằng hai nước có thể, trong khoảng thời gian chỉ một thế hệ, dùng lịch sử mà chúng ta chia sẻ để tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và sự hợp tác.

Thưa tất cả quý vị và các bạn, chúng ta hãy cho thế giới thấy rằng, cùng nhau, không có điều gì là không thể.

Xin cảm ơn!

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: