Bước tới nội dung

Đảo hang cọp/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
ĐẢO HANG CỌP
của NAM CAO


I

NGƯỜI bố già ở nhà trên xuống. Dũng vội vàng níu lấy:

— Bố đi đâu mãi thế? Tôi đợi mãi. Kể truyện cổ tích đi!

— Kể! kể cái gì! Đang vội chết người đây!

— Vội làm gì? Để tôi làm đỡ bố.

— Thu xếp cho cả nhà đi đâu chả biết, ngay bây giờ.

— Ngay bây giờ? Đi đêm à?

Dũng ngạc nhiên. Nó toan hỏi nữa, nhưng bố già đã lại lên nhà trên mất. Dũng nằm xuống, cau mày, lẩm bẩm:

— Đi đâu mà mải mốt thế? Lạ thật thôi!...

Lạ thật thôi, chỉ là câu nói để phàn nàn. Dũng phàn nàn vì mất một tối, không được nghe truyện của bố già. Có thế thôi! Còn cái việc giọn đồ đạc ra đi bất thình lình, giữa ban đêm, chẳng lạ gì. Cụ tuần Lộ còn làm những việc lạ bằng mười. Ngay đến cái việc cụ đến ở vùng này, cũng đã là sự lạ. Ở chỗ này, biển giáp rừng. Giặc cướp thường dùng làm một chỗ đặt chân để tiến, lui. Ngoài ra, chỉ còn một ít dân chài lưới, rất nghèo nàn. Giàu có như cụ tuần mà đến ở chỗ này, có khác gì đem thân vào miệng cọp? Thế mà cụ tuần cứ ở, tất phải có một cớ gì bí mật. Có người nói: cụ đem cái nhục của mình tới đây cho khuất mắt người đời. Nguyên cụ có phạm một lỗi lớn trong lúc làm quan, và bị triều đình cách chức, đuổi về. Nhưng có người thì lại cho rằng: đoán vậy là nhầm. Thật ra thì cụ chỉ ăn thông với bọn giặc bể và những quân buôn lậu. Cũng có thể như vậy lắm. Cụ đi lại với những người rất đáng ngờ. Nhà cụ lại mỗi ngày một giầu thêm, tuy cụ chẳng làm gì. Trong nhà, những vật quí, những đồ cổ rất nhiều. Thế mà cụ chưa hề bị bọn giặc khách đến quấy nhiễu bao giờ. Trong khi ấy, những làng ở xa mãi vào trong, bị phá phách luôn luôn. Nếu chính mình không phải là một tay cũng vào hạng quấy nước chọc trời, sao có được chúng kiêng nể vậy?

Nhưng đó là việc riêng của cụ. Bọn dân chài lưới ở vùng này không để ý quá quắt làm gì. Dũng lại càng không để ý

Dũng là con trai một tên đầy tớ cũ của cụ tuần. Bố Dũng ngày xưa rất trung thành. Y đã cứu chủ khỏi chết nhiều lần. Có lần một bọn khá đông đến vây nhà, toan giết cụ tuần, y phải đỡ cụ trèo qua bức tường sau rồi cõng cụ mà chạy trốn. Bây giờ vợ chồng y chết cả rồi. Cụ tuần nghĩ đến cái nghĩa của y xưa, nuôi nấng Dũng thay y. Nhưng có lẽ cụ nghĩ rằng đối với đứa con của một thằng đầy tớ, thì cho được có nơi ăn, chốn ngủ cũng đã là trọng hậu lắm rồi. Cụ chẳng cần săn sóc gì hơn. Vì thế mà Dũng sống lủi thủi như một con mèo, con chó ở đâu lạc đến, chẳng ai cần để ý. Vả lại, có lẽ chính Dũng cũng chẳng muốn ai để ý đến nó làm gì. Dũng không thích bọn đày tớ nhà này. Chúng có vẻ nham hiểm, ghê ghê. Mặt anh nào cũng lạnh lùng, cũng lầm lì.

Dũng chỉ yêu có bố già. Bố hiền lành. Bố là bạn của cha Dũng ngày xưa. Những khi Dũng mải chơi, quên cả bữa ăn, chỉ mình bố nhớ để phần cơm. Cái áo nó rách, bố cũng phải vá cho. Khi nó ốm, bố săn sóc, hỏi han. Khi nó hư, bố quở mắng, khuyên răn. Bố vừa là cha, lại vừa là mẹ nó. Bố biết võ. Bố lại biết nhiều truyện rất hay. Những buổi tối, khi đã giọn giẹp xong, tối thì bố dạy nó đánh quần thảo, đánh kiếm, đánh roi... tối thì bố kể cho nó nghe những truyện cổ tích hay những truyện ma, truyện cướp...

*

Khi bố già lại xuống, thì Dũng đã nằm còng queo ngủ. Bố lay nó dậy. Bố dựng đứng nó lên. Nó vừa dụi đôi mắt nheo nheo, vừa ú ớ:

— Gì thế, bố?

— Đi lên nhà trên mà ngủ!

— Đi lên nhà trên ngủ à?... Sao vậy?

— Cả nhà đi vắng. Mày nằm một buồng, tao nằm một buồng để coi nhà. Khóa cửa trong lại nhé!...

Vào khoảng nửa đêm, Dũng giật mình. Có những tiếng phá cửa ầm ầm. Nó tung chăn, nhỏm người lên. Ôi chao! cái gì đây? Ngoài sân, ở nhà ngoài, sáng rực. Có rất nhiều bó đóm. Có rất nhiều người lố nhố. Những con dao mã tấu sáng choang. Dũng sợ cuống cuồng. Gần như không có định ý gì, nó nhảy từ trên giường xuống đất. Cái cánh cửa buồng kêu thình thình, rung bần bật. Dũng tưởng như cả bốn bức tường cũng rung lên. Nó hoảng hốt, trông trước, trông sau, chạy đi, chạy lại, như một con chuột bị úp trong cái rổ. Bọn cướp vừa phá cửa, vừa quát tháo. Không phải tiếng ta. À thôi! đích là bọn cướp khách rồi! Dũng tái người đi. Nó cố trấn tĩnh mình, nhìn khắp phòng một lượt. Nó cố tìm một chỗ nào để chui vào ẩn. Nhưng giữa lúc ấy thì một tiếng còi ngắn thét lên, tiếp theo ba tiếng nữa dài hơn. Những tiếng phá cửa tự nhiên ngừng. Bọn cướp chạy ra sân cả. Tiếng quát tháo, tiếng khí giới chạm vào nhau, tiếng hò reo tăng lên gấp bội. Gậy chạm vào gậy kêu chan chát. Sắt chạm vào sắt kêu loảng xoảng. Và Dũng chợt nghe thấy một thứ tiếng sang sảng quát:

— Đánh đi! đánh đi! xông vào!... Thằng nào lùi, tao chém cổ!

Chính là tiếng cụ tuần. Cụ tuần ở đâu mà đã về chóng thế? Một tia sáng lòe ra trong đầu Dũng. Thật ra thì cụ tuần chẳng đi đâu cả. Cụ biết tin bọn cướp định vào ăn cướp. Cụ khuân hết những vật quí ra ngoài. Cụ để cho một bố già với một thằng bé mỗi người ở trong một cái phòng, để đóng cửa phòng ở phía trong, vừa để cho khó phá, vừa để đánh lừa bọn cướp vào. Còn những người khỏe mạnh chực sẵn ở ngoài, đợi bọn cướp vào nhà rồi mới bổ vây mà đánh. Hãm chúng vẫn còn hơn để cho chúng hãm. Đứng ngoài mà đánh, nếu đuối thế, rút lui còn dễ. Dũng muốn thử xem nó đoán có đúng không. Nó mở thử những cái hòm lớn ở trong phòng. Quả nhiên chỉ còn hòm rỗng. Cũng có hòm còn sót lại ít quần áo không đáng kể.., Dũng chợt có ý lợi dụng lúc này để đánh bạo, mở cửa buồng. thoát ra ngoài. Nó sẽ trốn ra vườn. Đứng trong này, nhỡ bọn cướp lại quay vào thì khốn. Nó vội vàng rút cái then sắt chặn cửa ra. Nó cầm lấy cái chìa khóa, sắp quay. Trước khi quay, nó cẩn thận ghé mắt vào khe cửa, nhòm ra. Nó giật mình. Một tên cướp lại đang xồng xộc chạy vào. Một thằng nữa theo sau. Rồi hai, ba thằng nữa. Cái cánh cửa lại kêu thình thịch. Dũng hoảng hồn. Nó không kịp cài then. Nó chạy vào. Cái cánh cửa rung ầm ầm, chực bật tung ra. Dũng bí quá, vội mở một cái hòm, rúc ngay vào. Nó vơ mải, vơ mốt những quần áo bên trong, đắp lên người. Cánh cửa bật mạnh ra, đập vào tường. Có tiếng chân người rình rịch vào buồng. Một lưỡi dao bổ đến phập xuống một cái hòm. Tiếng gỗ bị nạy toác ra. Ối chao ôi! nếu chúng chém đến cái hòm trong có Dũng nằm! Dũng lạnh giá người. Lòng nó hoang mang. Nó gần chết ngất đi. Nó chực nhảy vọt ra, chạy trốn, nhưng không còn sức mà động đậy. Nó nằm im, nín thở. Một cái hòm thứ hai bị bổ. Cha mẹ ôi! phen này thì Dũng chết! Đích là Dũng chết! Nhưng bọn cướp không bổ nữa. Chúng xì xồ bàn tán với nhau. Chúng hiểu rồi. Đấy là những hòm không. Chúng mở từng cái xem, rất vội vàng. Dũng nghe tiếng những cái nắp hòm mở lên và ập xuống. Rồi bọn cướp lại ra. Hú vía! ấy thế là Dũng thoát. Dũng đã dám thở mạnh hơn. Nhưng chỉ một lúc sau là chúng lại vào. Còn cái gì đây? Trời đất ơi! chúng lại mở hòm. Cái nắp hòm trên đầu Dũng cũng bị lật lên, nhưng lại được lập xuống ngay. Thế là nghĩa làm sao? Dũng chưa kịp nghĩ ngợi gì thì đã bị lắc mạnh một cái ở trong hòm. Rồi cái hòm của Dũng bị nhấc bổng lên. Rồi từ đấy Dũng cứ bị nghiêng bên nọ, lắc bên kia, theo cái đà chạy huỳnh huỵch của hai thằng cướp...

Chúng đã thu thập ít đồ đạc ở ngoài xếp vào hòm. Rồi chúng hấp tấp khiêng cả bằng ấy cái hòm mà rút lui, trong khi bọn gia đình nhà chủ với dân làng, bị đánh riết quá, phải tạm lùi cho chúng ra, rồi mới đuổi. Nhưng chúng đã vất tung những mồi lửa lên những nóc nhà quanh đấy. Cháy tứ tung. Dân làng rối loạn. Bọn cướp vừa chém giết, vừa rầm rộ kéo ra khỏi làng, dễ dãi như giữa chỗ không có người.....