Đảo hang cọp/III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

III

SÀO huyệt của đảng cướp này ở trên một hòn đảo nhỏ, núi non hiểm trở. Hòn đảo ở trơ vơ giữa quãng Bắc Hải, xế ra ngoài khơi vũng biển Trung quốc, đối ngang vào với đường cương giới tỉnh Quảng Đông về phía Bắc. Thực là trơ vơ, thực là hoang vắng. Ở đấy là một mình chiếm cứ một giang sơn vẫy vùng...

Đầu đảng tên gọi Lý-Sâm. Lý-Sâm là giòng giõi một cựu thần của nhà Minh. Khi người Mãn-châu xâm chiếm đất Trung-hoa, ông tổ Lý-Sâm, không phục nhà Thanh, trốn sang nước Việt-nam. Ở đấy, ông nuôi một chi phục thù. Bởi thế, ông cha Lý-Sâm, dẫu rằng sinh ra ở nước người, nhưng cũng cùng một lòng tha thiết đến quê hương Mỗi một lần, người Trung-hoa nổi lên chống nhà Thanh, họ đều có trở về nước, gom góp sức với những ngưới đồng chí. Đến đời Lý-Sâm cũng vậy. Tuy là con một người mẹ Việt-nam, chàng vẫn không quên chí hướng của cha. Năm mười tám tuổi, chàng cũng trở về Tàu; dự vào một đảng loạn kia. Nhưng chẳng bao lâu, đảng loạn bị giẹp tan. Lý-Sâm cùng một số quân lính dưới quyền chàng, trốn được ra hòn đảo hoang nói trên. Cạn lương ăn, chàng phải đi cướp phá. Một vị anh hùng bắt đầu thành một tên tướng cướp.

Mới đầu, Lý Sâm không phải không buồn. Nhưng chàng tự bảo thế này để an ủi chính mình: « Đây chỉ là một phương kế tạm thời; ta sẽ chẳng ăn cướp suốt đời đâu. Vả lại, ta chỉ cướp của những hạng giầu có bất lương thôi, ta không chạm đến những người nghèo khó và những người lương thiện ». Nhưng mà tháng ngày qua. Chí anh hùng mòn mỏi mãi đi. Tình thế và hoàn cảnh làm hư hỏng dần chàng. Bây giờ thì chàng đã hoàn toàn là một tên tướng cướp rồi. Người ta đánh giá cái đầu chàng. Người ta gọi chàng là ông Cọp, người ta gọi chỗ ở của chàng là hang Cọp và cái đảo hoang ấy gọi là đảo Hang Cọp. Dân cư các vùng duyên hải ở gần đảo Hang Cọp, cũng như các lái buôn có thuyền bè qua lại vào khoảng ấy, sợ chàng như sợ một vị hung thần.

Tuy nhiên, cái tâm tính tốt chưa chết hẳn ở trong chàng. Dù thế nào đi nữa, người có bao giờ mất hẳn được tính người? Mà cái bản tính tự nhiên của loài người, vốn không phải là ác. Vả lại Lý-Sâm đã có một thời niên thiếu rất sạch trong. Cha chàng đã dạy cho chàng cái chí khí trượng phu; mẹ chàng đã dạy cho chàng sự yêu thương.

Vì vậy, khi trông thấy Dũng, khi đã hỏi han cặn kẽ nó rồi, chàng có cảm tình với nó ngay. Nhất là khi đã thử thách nó xong, biết nó là một thằng bé có gan, chàng lại càng yêu nó. Chàng nghĩ bụng: « nó cũng giống ta hồi còn nhỏ... ». Nhưng đến lúc thấy nó cứ nằn nì xin về không thích làm kẻ cướp, thì chàng mới thật là cảm động. Chàng tưởng như tim chàng run lên một cái. Trong một thoáng, chàng thấy hiện ra đôi mắt nghiêm khắc của cha chàng, đôi mắt buồn rầu, đẫm lệ, của mẹ chàng. Và đôi mắt lạnh như thép của chàng tự nhiên dịu lại. Chàng nắm lấy ban tay Dũng; nhìn vào mắt Dũng. Giọng chàng dìu dịu, buồn buồn:

— Tao không bắt em làm kẻ cướp đâu. Nhưng tao cần có một đứa như em, để làm chứng cho tao rằng: tao không hẳn là một thằng chỉ biết có một việc là làm ác. Ít nhất cũng phải có một kẻ hiểu lòng cho tao!

Dũng mở to đôi mắt ngạc nhiên. Nó khẽ kêu lên:

— Thế ra ông cũng không muốn ăn cướp?

Lý Sâm cười buồn, khẽ lắc đầu...

— Thế thì ông thôi quách đi có được không?

Lý Sâm không đáp, chỉ lắc đầu. Dũng mân mê cái ống tay áo của chàng:

— Tại sao?

— Rồi em sẽ hiểu. Nhưng em cần ở đây.

Lần này Dũng không sịu mặt. Trái lại, mặt nó sáng bừng. Nó bảo:

— Phải đấy. Tôi cần ở đây. Ở đây để không cho ông đi ăn cướp nữa. Rồi ông sẽ đưa tôi về...

Nó ngừng lại, mặt có vẻ băn khoăn; rồi đột nhiên nó hỏi:

— À, mà ông có biết làm thuốc không?

Lý Sâm ngạc nhiên vì câu hỏi chẳng ăn nhập vào đâu hết:

— Tại sao mày hỏi thế?

— À, để khi nào ông không đi ăn cướp nữa thì ông đi bán thuốc. Như mấy chú khách ê vẫn đến làng tôi ấy mà!

Lý Sâm bật cười. Nhưng bỗng một tiếng dặng hắng to làm tiếng cười của chàng ngừng bặt. Mặt chàng tự nhiên nghiêm nghị lại. Chàng chợt nhớ chàng đang đứng trước mặt bao nhiêu bộ hạ. Chúng đang theo rõi chàng từng cử chỉ. Chúng có vẻ khó chịu vì những tiếng cười đùa ấy. Bao nhiêu người đứng sắp hàng đợi lệnh. Mà chủ tướng thì mặc kệ chúng, cứ việc đùa nghịch với một thằng con nít! nhiều đứa bất bình ra mặt. Mã-Tùng cũng thuộc vào bọn ấy. Hắn thấy Lý-Sâm bắt hắn đấu kiếm với một thằng bé con, đã cho là mình bị khinh rồi. Thế rồi hai thanh kiếm vừa mới chạm nhau, Lý-Sâm lại bắt thôi. Có phải là chủ tướng hắn, bắt hắn làm trò đùa với một thằng bé con, để làm nhục hắn không? Hắn đã tức mình, dặng cái tiếng dặng rất to nó khiến Lý-Sâm sực tỉnh...

Chàng quay lại. Cái nhìn của chàng, có sức mạnh khiến bao nhiêu cặp mắt, đang ngầu ngầu vẻ giận, phải trớp xuống như nhận tội.

Chàng ngoắt tay, gọi:

— Lưu-Đường!

Một anh chàng còn trẻ, tiến lên, chào...

— Anh thay ta, trông cho anh em kiểm soát đồ.

— Xin tuân lệnh!

— Xong đâu đấy, trao tất cả cho người giữ kho.

— Xin tuân lệnh!

— Bữa trưa hôm nay, phát cho mọi người rượu và thức ăn gấp đôi mọi ngày.

— Xin tuân lệnh!

Mọi người cúi rạp, chào chủ tướng. Chàng giắt Dũng về phòng riêng. Chàng đi khỏi rồi, mọi người, mới lại đứng thẳng lên. Người ta thấy Mã Tùng mặt tím bầm. Hắn cho là hắn lại vừa bị nhục thêm lần nữa: Lý-Sâm đã chọn Lưu-Đường, chứ không phải hắn, như mọi bận, đứng thay quyền trông coi...