Bước tới nội dung

Độ Hoa Phong

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Độ Hoa Phong - 渡華封
của Hồ Xuân Hương

Vũng Hoa Phong: vịnh Hạ Long, lấy tên huyện xưa, năm 1847 đổi làm Nghiêu Phong vì kiêng tên mẹ vua Thiệu Trị. Huyện này gồm nhiều đảo.

Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

片帆無急渡華封,
峭壁丹崖出水中。
水勢每隨山面轉,
山形斜靠水門通。
魚龍雜處秋煙薄,
鷗鷺齊飛日照紅。
玉洞雲房三百六,
不知誰是水晶宮。

Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong,
Tiễu bích đan nhai xuất thủy trung.
Thủy thế mỗi tùy sơn diện chuyển,
Sơn hình tà kháo thủy môn thông.
Ngư long[1] tạp xử thu yên bạc,
Âu[2] lộ tề phi nhật chiếu hồng.
Ngọc động vân phòng tam bách lục[3]
Bất tri thùy thị Thủy Tinh cung[4].

Lá buồm không vội vượt qua vũng Hoa Phong,
Vách đá đứng, sườn núi đỏ, giữa nước chỏi dựng lên.
Thế nước tùy chỗ theo mặt núi mà biến chuyển.
Hình núi nghiêng mình, nép tựa cửa lạch để nước thông qua.
Cá rồng lẫn lộn, tăm khuất dưới từng hơi nước mỏng mùa thu.
Âu cò cùng bay trong ánh đỏ mặt trời chiều.
Cõi Tiên có ba trăm sáu động ngọc và phòng mây,
Đây không biết chốn nào là cung Thủy Tinh.

   




Chú thích

  1. Cá rồng: Trỏ chung các loài sống dưới nước. Riêng đây thì tục truyền xưa có rồng xuống, cho nên được đặt tên Hạ Long. Trong thời cận đại, các thủy thủ, kể cả các thủy quân Pháp, mách rằng đã từng thấy con "rắn bể" nổi lên uốn khúc lòi lên trên mặt nước, dài trên ba mươi mét
  2. Âu: là thứ chim nước đầu giống bồ câu, chân giống vịt, sống chung quanh vũng nước lớn, thường nằm im nổi trên mặt nước
  3. Xưa tin rằng người ta có thể tu luyện trở thành bất tử, gọi là Tiên, ở những nơi hẻo lánh trên núi, bể xa, trong hang động, thường mây phủ. Văn bản chép số 306, nhưng trong các văn thơ thường chỉ nói "ba mươi sáu động Tiên". Hoặc tác giả cố ý muốn trỏ số rất nhiều
  4. Trỏ cung điện mà người xưa tưởng là nơi cư trú của Tiên ở ngoài bể