Động Hương Tích (Dương Khuê)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xem tác phẩm có tựa đề tương tự tại Động Hương Tích.
Động Hương Tích
của Dương Khuê

Thú thiên-nhiên đâu bằng Hương-Tích,
Đủ thanh tao cảnh lịch trăm chiều!
Người thời vui sô, nạp, ngư, tiều[1],
Kẻ thời thích yên, hà, phong, nguyệt[2],
Kho vô-tận những thế nào chưa biết,
Thú hữu tình sơn thủy thực là vui!
Khi đăng lâm[3] có lối lên trời,
Mây dưới gót đủ xanh, đen, vàng, đỏ, trắng!
Lúc vào động ngắm sơn-quynh thạch-đắng[4],
Bút thần ngoan chưa khéo vẽ cho cùng.
Riêng một bầu sắc sắc không không[5],
Khắp mọi vẻ kỳ kỳ quái quái!

  Thơ rằng: Động chủ hữu linh thần bút tại,
                         峒 主 有 靈 神 筆 在
                    Hóa nhi vô ý tự nhiên công[6]!
                         化 兒 無 意 自 然 功

Khách trèo non ngoảnh lại mà trông,
Lòng mến cảnh dời chân đi hóa đứng!
Chén vân dịch[7] nghiêng bầu uống gắng;
Bức thơ tiên mở túi liền đề,
Giải-oan[8] ra, tẩy tục lại thêm hay,
Thiên-trù[9] tới, vong cơ[10] càng thấy khỏe!
Làng thi tửu còn đâu hơn đấy nhỉ?
Chẳng Bồng-lai Nhược-thủy[11] cũng thần tiên!
Rõ ràng « Đệ-nhất Nam-thiên[12] »,
Mang đi sợ để thần tiên mất lòng!
Thôi thì để đấy chơi chung.

   




Chú thích

  1. Người cắt cỏ, người đi săn, người đánh cá, người kiếm củi.
  2. Là khói, mây, gió, trăng: chỉ cảnh-sắc thiên-nhiên.
  3. Là lên tới núi.
  4. Là cửa núi, bậc đá.
  5. Chữ trong kinh Phật: Sắc: cõi có hình, không: cõi vô hình, phép Phật vượt qua cõi có hình đến cõi vô hình.
  6. Nghĩa là: Chủ động có thiêng, nét bút thần vẫn nguyên; trẻ tạo-hóa không cố ý, tự-nhiên mà thấy khéo.
  7. Một thứ rượu tiên.
  8. Lối vào động có một cái suối nước trong tự trong đá chảy ra, gọi là « suối Giải-oan ».
  9. Thiên-trù (bếp trời) là tên chữ một ngôi chùa làm gần động, thường gọi là chùa ngoài, đến đấy rồi mới đến động.
  10. Quên đói: có bếp nên không sợ đói.
  11. Đảo Bồng-lai, sông Nhược-thủy, là nơi tiên cảnh.
  12. Chúa Trịnh xưa khắc ở cửa động năm chữ: « Nam-thiên đệ-nhất động » động thứ nhất ở trời Nam.


Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.