Bước tới nội dung

Đời cách mạng Phan Bội Châu/Rước Kỳ ngoại hầu xuất dương

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

RƯỚC KỲ-NGOẠI-HẦU XUẤT DƯƠNG

BAN đầu tôi xuất-dương chỉ cố chú-ý vào vấn-đề quân-giới.

Trong khoảng mấy tháng cơm hàng ngủ trọ ở Đông-kinh, tôi được nhân dịp biết rõ câu chuyện Nhật Nga đánh nhau và thấy được cái hiện-trạng của nước Nhật về chánh-trị, giáo-dục, ngoại-giao, thực-nghiệp.

Thấy người ta rồi, mình hết sức hổ thầm cho mình lúc trước kia chỉ ngồi co-ro trong nước, hèn nào chẳng kiến-văn mù-mờ, tư-tưởng bế tắc không, biết gì cả. Hết thảy anh em đồng chí với tôi cũng đều như tôi cả; tôi nghĩ lấy làm tiếc sao không dời được tất cả bà con mình qua ở Anh-hoa tam đảo (tức là Nhật-bản) để cho khối óc và tầm con mắt thay đổi mới lạ hẳn đi!

Sau khi quyết định rước Hội-chủ xuất-dương, tôi tính phải về nước một chuyến mới được.

Thượng tuần tháng 7 năm Ất-tị tôi với ông Đặng-tử-Kính đáp tầu ở Hoành-tân về nước.

Tôi qua Nhật-Bản chuyến này, đối với việc đảng sai khiến phó thác, mà tôi bỏ dở dang nửa đường như vầy, thật không khỏi tự lấy làm hổ thẹn.

Nhưng có hai việc, có thể gỡ tội cho mình.

Một là mưu phò được Hội-chủ xuất-dương, thì càng thêm vững lòng khuynh hướng của anh em trong nước, mà lại khỏi lo có sự gì nguy-hiểm gì xẩy tới.

Hai là đem những sự tai nghe mắt thấy mới lạ, cùng là việc mình mưu toan, dễ bộc bạch với anh em đồng-bào, chắc hẳn có phần bổ ích cho cuộc cải-lương tấn-phát mai sau.

Vịn vào hai lẽ đó, tôi mạnh bạo trở về.

Tháng 8, về tới Hảiphòng, ở nhà một người bạn trong đảng. Sự vui mừng không tả ra cho hết.

Là vì lúc tôi đến Bắc-Hải, đánh liều đáp xuống một chiếc tầu tây, nhờ cậy được một người đồng-bào đốt than trong tầu che chở dùm. Tới lúc ngưới tây xuống tầu khám xét thới va giấu tôi ở khoang tầu dưới chót, chung quanh chất đầy than đá, tôi nằm lọt vô giữa im lìm không giám hó hé. Nhờ vậy mà ngưới tây không hay, tôi mới lén về trong nước đặng. Đó cũng là một việc mạo hiểm mà thành công.

Lên bến Haiphong rồi, tôi đáp xe lửa đi về Nghệ-An.

Trên xe lửa, tình cờ gặp lão tuần phủ X... tỉnh Thái-bình vốn là tay bợm hót giỏi trong đám quan trường. Lão viết mấy chữ trên miếng giấy nhỏ đưa cho tôi xem, như vầy:

« Ông trốn đi chưa đầy tuần-lễ, mật-thám đã bủa khắp nơi. Vậy ông sớm liệu đào tẩu cho mau, không thì nguy đấy. »

Tôi hơi lo.

Nhưng cái mục đích mình trở về nước nhà chưa đạt được, thì chưa có thể nào đào tẩu, ta cứ việc ở nhà đã, ra sao thì ra.

Tôi bèn trốn trở về Hà-tĩnh, ước hẹn những anh em kín đáo tới hội họp tại nhà Đặng-quân. Còn Tử-Kính thì đem giấy tờ trọng yếu vô Huế trước để yết kiến Hội-chủ, rồi đi thẳng vô Quảng Nam, nói việc mình định mưu-tính vậy vậy cho đồng chí hai tỉnh Nam Nghĩa hay.

Tôi ở quanh quẩn trong miền Nghệ-Tĩnh, ngày ngày cùng các đảng-hữu bàn định việc làm. Kế đó có thư của đồng-chí ở Kinh và Quảng gởi tới thôi thúc tôi nên gấp đi ra ngoài. Vì đất Nghệ Tĩnh là đất người Tây để ý dòm nom coi chừng hơn hết, cho nên các đồng-chí không muốn tôi ở lần-lựa trong chỗ nguy-hiểm đó lâu.

Vừa may gặp ông Trần-đông-Phong đem lại 15 nén bạc và 200 đồng tặng tôi làm lộ phí, và giục tôi khởi-trình.

Thế là tôi lại từ-giã non nước Hồng Lam, lên đường bô bá.

Lúc ra đi, tôi lưu Tử-Kính ở lại Huế, dặn dò ông Đặng-thái-Thên lo việc hộ-vệ Hội-chủ xuất dương cho thật vẹn toàn; lại viết thư nhắc-nhở cho anh em phải liệu định sẵn sàng món tiền mua sắm và chuyên chở khí giới để sắp đặt khởi-sự mai sau.

Thượng tuần tháng 9, tôi vời Nguyễn-quân Thức-Canh từ bến đò Chế-giang ra đi.

Cuối tháng ấy chúng tôi tới Haiphong, gặp được một người làm bồi dưới chiếc tàu tây, tên là Lý-Tuệ, tính dùm cho tôi cái kế thoát hiểm.

Lý-Tuệ là người có gan dạ, mưu mô, thâm hiểu nghĩa lớn. Về sau ông ta ngầm giúp công việc kia khác cho đảng chúng tôi được nhiều lắm. Lúc này tìm cách đưa tôi xuất dương, ấy là bước đường thứ nhứt của ông ta dấn mình vào quốc sự vậy. Thật là một người hâm hở làm việc nghĩa, gặp nạn coi chết như không. Tôi không ngờ giửa lúc mình gió bụi xông pha lại gặp được người như thế. Nghe nói bây giờ ông ta đã bị đày, còn sống hay chết rồi không rõ.

Tháng 10 năm ấy, tôi đến Hoành-Tân, vô ở nhà trọ cũ, thấy một vị thanh-niên học sinh ta, là Lương-quân Lập-Nham đã tới ở đó trước rồi. Tôi xem ra người có khí phách hăng hái, đầu tóc đang để bờm sờm; dò hỏi mới biết ông ta bỏ nhà vượt biển trốn sang Nhật có một mình, lúc lên bờ trong túi chỉ còn vỏn vẹn có ba đồng xu.

Thấy vậy, tôi vừa vui mừng vừa chưng hửng. Vì bạn tuổi nhỏ ở nước nhà, một thân một bóng mà dám liều mạng xông pha sóng gió muôn trùng, tới một nước thuở nay chưa nghe biết bao giờ, Lương quân chính là người thứ nhất vậy. Té ra Lương-quân vốn là người chứa sẵn kỳ-khí, chỉ nghe nói tôi qua Đông, thành ra mạnh bạo bỏ nhà bỏ nước ra đi. Bạn thiếu-niên anh-tuấn của ta sau này, có mấy người được như Lương-quân?

Kế đó tôi bôn-tẩu giữa khoảng Đông-kinh Hoành-tân, thường thường cùng những người tai mắt trong dân-đảng nước Nhật nối liền thinh-khí, nhờ họ chỉ vẻ điều hay việc phải cho mình rất nhiều.

Nhân đấy tôi nghĩ lại dân-trí nước mình còn quá thấp thói, mà nhân-tài cũng thiếu thốn không có. Chừng ấy tôi tự ăn năn việc mình lo toan lúc trước là nông nổi, chỉ bo bo về vấn-đề quân-giới, nào có phải đó là cái kế tuyệt hay để mưu tính công cuộc độc-lập cho nước mình được đâu!

Một bữa nọ, tôi đến nhà Lương-khải-Siêu, trong lúc bút-đàm, có đem ý kiến ấy ra nói, Lương bảo tôi như vầy:

— « Cái kế-hoạch độc-lập của quý-quốc có ba đề-mục lớn. Một là thực-lực riêng ở trong nước các ông. Hai là nhờ hai tỉnh Quảng nước tôi cứu viện. Ba là nhờ sức cứu viện của Nhật.

« Hai tỉnh Quảng giúp chỉ là giúp dùm khí-giới. Mà Nhật có giúp cũng chỉ là giúp về mặt ngoại giao. Còn thì nhất thiết đều trông cậy ở thực-lực của quý-quốc mà thôi.