Bước tới nội dung

Điều đình cái án quốc học/Lời giới thiệu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Lời giới thiệu của Hội trưởng hội Trí Tri Hải Dương.

Thưa các ngài,

Hội Trí tri là một hội học, nhà chi hội Hải Dương đây lại ở vào một nơi có tiếng văn học ngày xưa; theo mục đích của hội, tôi muốn thời thường mở cuộc họp mặt cùng nhau ở đây, đem những vấn đề cổ học mà chuyện trò đàm đạo, nhắc lại cái văn hoá cũ, cho ta nhớ lại cũng là một sự có ích cho tinh thần học vấn, tức như năm 1929 hội ta đây đã mời được ba ông Nguyễn Văn Bình, Trịnh Đình Rư và Nguyễn Trọng Thuật giúp cho ba kỳ diễn thuyết. Lại năm ngoái thì diễn giải các khoa tân học để cho rộng tri thức, tức như quan kỹ sư Moussié diễn thuyết về vô tuyến điện thoại và quan bác sĩ Berret diễn về bệnh ho lao và bệnh hủi, khiến cho hội thêm vui vẻ và có ích cho sự học lắm. Năm nay tôi lại mời các ông ấy giúp cho vài ba kỳ, thì nay ông Nguyễn Trọng Thuật đã vui lòng viết bài sẽ nói ra để các ngài nghe.

Ông Nguyễn có đưa tôi xem bài thì bài đề là Điều đình cái án quốc học. Nguyên vì hiện nay trong xã hội học giả đương tranh luận với nhau về cái vấn đề quốc học. Ông Lê Dư ở Hà Nội thì nói ta có quốc học, ông Phan Khôi ở Sài Gòn thì cãi ta không có quốc học. Hai ông biện luận đã nhiều, chưa ai chịu ai, tức là thành một cái học án đó. Ấy vì thế mà người thứ ba ra điều đình là ông Nguyễn Trọng Thuật này đây. Ông phân ra rằng trong học giới các nước có hai cái học, là cái học riêng của một nước với cái học chung của thế giới. Cái học riêng của một nước, ấy là quốc học, tức là quốc sử, quốc văn, quốc chính, quốc tục, vân vân, nước nào có tính cách riêng của nước ấy. Cái học chung của thế giới, tức là cái khoa học và những cái học nguyên lý về các khoa như luân lý, triết học, hóa học, vân vân, các nước học chung của nhau được. Như thế rồi, đối với nước ta, về quốc học ông sẽ nói ta có những tài liệu gì; về thế giới công học, ông đem các thời đại nước ta chịu Hán học, cho đến gần đây so sánh với học giả các nước Á Đông đồng thời, xem tiền nhân ta sở đắc thế nào và vì sự gì mà không được thịnh hành.

Như thế thì ra quốc học là cái có sẵn mà chưa biệt ra đó thôi. Còn thế giới công học thì tiền nhân ta trước cũng có thể gọi là đã nhiều người có tư cách biết học và cũng đã có biết chăm về cái học nghĩa lý.

Những học thuyết, học phái của ta, ông tìm ra biểu chương lên rồi đặt thành tên mới cả, cái đó còn để xem các nhà thạc học trong nước sẽ bình luận ra thế nào. Còn tôi thì tôi cứ xét công việc của ông viết bài này thực là dụng công tìm kiếm, so sánh kỹ càng mà nghị luận thành thực rõ ràng, giữ được thái độ bình tình không thiên vị, ông tự nhận là điều đình cũng đáng.

NGÔ VI LIỄN