Đoạn tình/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Nhà riêng của Thuần ở trong đường Cây Quéo, thuộc tỉnh Gia Ðịnh. Một tòa nhà lầu cất kiểu tối tân, giữa một cái vườn rộng rãi. Ðường xe vô nhà dọn trịch qua bên phía tay phải bởi vậy trước nhà còn nguyên một khoảng đất rộng lớn. Trong hàng rào đúc sạn rào dọc theo lộ Cây Quéo, mà đối với cửa cái trong nhà ngay bót, thì có cây xoài thật lớn, gốc cả ôm, tàn chần vần, lá xum xuê, dưới gốc cây cổ thụ ấy có một cái băng đá, để lúc chiều mát, hoặc trăng trong, ngồi mà hứng gió. Sân thì xẻ đường ngang đường dọc, dài theo mỗi đường thì đắp lề thành liếp, rải phân rồi khoảng trồng hường, khoảng trồng gấm (?), khoảng trồng chuối nước[1] khoảng trồng cẩm nhung. Dài theo đường xe vô và trong mấy vuông đất trước sân trì trồng mít tố nữ, sa bô chê[2], mãng cầu xiêm, lu-cu-ma[3], tuy cây còn nhỏ nên chưa có trái, song nhờ có giếng đào tại gốc rào, nước có sẵn cho gia đinh tưới hàng ngày, nên cây lên sởn sơ, đọt đơm mạnh mẽ.

Còn trong nhà, từng dưới, mà phía trước, thì để trọn làm phòng tiếp khách, phía trong, mà chính giữa là phòng ăn cơm, bên tay mặt là phòng khách đàn bà, bên tay trái là phòng đọc sách. Phía sau nữa, một bên là phòng rửa mặt, còn một bên là phòng tắm, hai phòng nầy có đặt máy nước kim thời.

Từng trên lầu, phía trước dọn chỗ thờ ông bà, phía sau dùng làm buồng ngủ, trước sau đều khoảng khoát mát mẻ.

Cuộc ở đẹp đẽ rộng rãi nầy, Thuần mới tạo ra vừa một năm nay mà thôi, về mua đất, về cất nhà, tốn gần 40 ngàn đồng bạc. Thuần thuộc về hạng tân học, có chí làm ăn lớn. Cách 6 năm trước, Thuần học bên Pháp thi đậu bằng Bác vật[4] rồi trở về lập hãng xe hơi và cưới vợ, thì quyết dùng hết nghị lực và trí não mà tranh lợi quyền chớ không tính hưởng mùi sung sướng của tiền bạc. Nhờ cuộc làm ăn càng ngày càng thêm thạnh phát, tiền bạc dư dả nhiều. Thuần thấy vợ con mướn nhà ở ngoài Sài Gòn chật hẹp, nực nội, nên mới tạo cuộc nầy cho vợ con vui hưởng chút thanh nhàn hạnh phước, đặng mình an lòng mà tranh đấu trong trường thương mại kỹ nghệ với thiên hạ.

Hôm nay Thuần về nhà đã quá 7 giờ rưỡi tối rồi, mệt trí nhọc lòng cả ngày, tính sẽ hiệp với vợ con đặng vui thú gia đình mà tạm quên các việc lo lắng. Thuần cho xe chạy thẳng vô nhà sau mà cất. Thằng bé Hậu là con của vợ chồng Thuần, năm nay đã được 4 tuổi, đương chạy chơi trên cái sân gạch ở phía sau, có con xẩm giữ ràng theo một bên mà coi chừng, nó thấy xe của ba nó về thì lăng xăng chạy lại kêu: "Ba... Ba..." inh ỏi, con xẩm phải nắm tay mà ngừng bớt nó lại, Thuần cất xe rồi bước ra. Bé Hậu a lại ôm chân cha mà mừng, tóc bay phất phơ, miệng cười hịt hạt. Thuần cúi xuống ôm con mà hôn mấy cái rồi bồng luôn đi lại cửa sau mà vô nhà.

Vợ của Thuần là cô Hòa năm nay đã đuợc 25 tuổi. Vì có thai nghén hơn 5 tháng, nên không trang điểm, cô mặc quần lụa trắng với áo pyjama[5] lụa màu hường, nghe chồng về thì cô ra đứng dựa cửa sau mà chờ.

Thuần bồng con xâm xâm bước lên thềm, ngó thấy vợ thì thầm mong vợ nói một vài câu vui vẻ mà tỏ ý thân thiết ái ân, đặng mình quên hết những nỗi mệt nhọc. Trái với sự mơ ước của chồng, cô Hòa đã không giải phá dùm nỗi lo cho Thuần, mà cô lại cau mày quạu quọ nói:

- Ði đâu mà chừng nầy mới về, để người ta ở nhà đợi chờ đói bụng muốn rã ruột. Muốn ta bà (đi chơi rày đây mai đó) thì ít nữa cũng phải nói trước cho người ta biết chớ.

Mấy lời trách cay đắng ấy lọt vào tai Thuần chẳng khác nào một thùng nước lạnh xối vào tâm can, bởi vậy Thuần thở dài một cái để con đứng xuống gạch mà nói:

- Bầy trẻ sửa xe rồi cho chạy thử máy, rủi đụng người ta gẫy chân, tôi phải lo đi điều đình vụ ấy cho êm chớ đi đâu. Ở nhà đói bụng sao không ăn cơm trước đi, chờ làm chi.

Cô Hòa dường như không muốn để ý tới vụ chồng nói đó, cô không hỏi thăm, mà cô lại kêu người nhà bảo dọn cơm cho mau.

Thuần cổi áo máng trên giá rồi vô phòng rửa mặt mà gội rửa cho mát mẻ. Chừng Thuần trở ra thì thấy cô Hòa đã ngồi tại bàn ăn mà ăn trước một mình, gương mặt điềm nhiên. Thuần không biết đói bụng hết muốn ăn cơm, đi thẳng ra cửa trước đứng ngó mông, trong lòng bàng hoàng, ngoài mặt lơ lửng.

Bé Hậu đi theo, vói níu tay cha mà hỏi:

- Sao ba không đi ăn cơm vậy ba? Má ăn kia, ba vô ăn với má đi.

Thuần chúm chím cười và vỗ đầu con mà đáp:

- Ðể ba nghỉ chút rồi ba sẽ ăn. Con ăn cơm rồi hay chưa?

- Con ăn rồi hồi chiều.

- Con muốn ăn thêm hay không?

- Không. Con no lắm.

- Con buồn ngủ hay chưa?

- Chưa.

- Thôi, con vô đây coi ba má ăn chơi.

Thuần nắm tay dắt con trở vô bàn ăn, để con ngồi trên cái ghế tại đầu bàn, rồi mình ngồi ngang mặt vợ mà ăn, con ngồi chính giữa.

Ðèn khí[6] chiếu trong nhà sáng trưng làm cho cái quang cảnh có vẻ rất đẹp đẽ mà cũng rất đầm ấm. Trong nhà bàn ghế rực rỡ, lại thêm vợ chồng với con sum hiệp một bàn, cảnh hạnh phúc nào bằng cảnh gia đình phong phú hòa hiệp nầy. Tiếc thay bề ngoài thì là vậy, vì cô Hòa không vui rồi làm Thuần cũng không vui, bởi vậy cái hạnh phúc gia đình của Thuần đã dày công tạo nó vẫn phảng phất lờ mờ, chớ không hiện ra tỏ rõ được.

Thuần đang ngồi ăn mà trong lòng lạnh ngắt, thình lình nghe tiếng xe hơi chạy vô sân rồi ngừng. Không hiểu xe ai đến, vợ chồng Thuần chăm chú ngó ra cửa. Vợ chồng giáo sư Kiểm là bạn học của Thuần hồi ở bên Ba Lê[7] bước vô. Giáo sư Kiểm thấy vợ chồng Thuần đương ăn cơm thì la lớn: "Người ta mời 8 giờ rưỡi dự tiệc đám cưới mà sao lại lén ăn cơm vậy?"

Vợ chồng Thuần buông đũa đứng dậy chào mừng khách và mời ngồi.

Thuần bợ ngợ nói:

- Ma-pham (ma femme, vợ tôi) có nghén không đi đám cưới được, còn moa thì công việc đa đoan mệt quá, nên hồi sớm mơi moa đã có viết thơ cho Thậm mà cáo từ rồi.

Giáo sư Kiểm lắc đầu nói giọng quả quyết:

- Không được, không được! Anh em đã nhứt định không ai được trốn ở nhà. Ma-phăm Thuần có thai nghén có lẽ được viện cớ ấy mà cáo từ, tuy bây giờ bọn tân học chúng ta không cố chấp mấy tục lệ dị đoan hủ bại đó nữa. Còn phần toa thì toa không được phép kiếm cớ mà trốn anh em. Thậm mời đám cưới nó có nói: Bọn tân học chúng ta ở bên Pháp trở về xứ, ai cũng mắc lo chức nghiệp, nên ít có dịp hội nhau mà đàm luận vui chơi. Nhân lễ cưới của nó, nó kiếm mời đủ anh em hết thảy đặng hội nhau vui chơi một đêm. Nó rước ban nhạc Ma-Ní (Manille, ý nói ban nhạc Phi Luật Tân) tài tình; nó lại còn kêu bọn xẩm khiêu vũ Thượng Hãi, để ăn uống xong rồi chúng ta nhảy đầm chơi tới sáng. Nó có cái hảo ý với chúng ta nên mới sắp đặt như vậy đó, anh em ai cũng hứa đi hết thảy, sao toa lại thối thác không muốn đi? Toa tính phân rẽ bạn xưa mà chơi riêng hả? Ðừng có làm như vậy anh em phiền. Toa thay đồ cho mau đặng đi với moa, kẻo trể.

Cô Hòa hỏi Kiểm:

- Ông Thậm làm đám cưới mà đãi tiệc ở đâu?

- Ðãi tiệc trong Chợ Lớn, tại tửu lầu "Tiểu Ðịa Võng".

- Nhà tôi có nói với tôi sự ông Thậm mời đám cưới, song tôi không nhớ mời bữa nào. Phận tôi có mang nên không thể đi được, tôi tưởng nhà tôi đi một mình, chớ tôi có dè cáo từ đâu.

- Thôi ma-đam ở nhà, để Thuần đi với tôi nghe hông.

- Nhà tôi phải đi chớ, trốn ở nhà coi sao được.

Kiểm day qua nói với Thuần:

- Thuần, ta-pham[8] cũng xử toa phải đi, toa có nghe hay không? Đi thay đồ đi cho mau, a lê!

Thuần đã chán cảnh gia đình buồn hiu hồi nãy, rồi nghe những lý luận của Kiểm trưng ra mà ép đi, lại còn thấy ý vợ muốn thôi thúc mình nữa, bởi vậy chàng đã xiêu lòng, song còn gượng mà cãi với Kiểm:

- Anh em bày đặt buộc phải bận áo dài, bịt khăn đen. Moa không có khăn đen áo dài nên moa đi không được.

- Phải, anh em nghĩ bọn lão thành thủ cựu họ khinh bỉ nhóm thanh niên tân học chúng ta, họ thường chê chúng ta học theo Âu Tây rồi vong bổn. Anh em muốn phản đối lời chê khờ khạo ấy, nên nhứt định hễ trong nhóm thanh niên tân học chúng ta mà có lễ quan hôn tang tế, thì chúng ta phải giữ lễ nghi của nước nhà, chúng ta phải mặc quốc phục, khăn đen áo dài đàng hoàng. Tuy anh em định như vậy, song mình không sẵn khăn đen áo dài, mình mua sắm không kịp, thì mình mặc Âu phục chớ biết làm sao. Toa thay đồ Tây mà đi, moa cũng mặc đồ tây đây vậy.

- Moa mệt quá nên không muốn đi. Moa tính ăn cơm rồi thì chạy xe một vòng hứng mát và giải trí đặng ngũ cho khỏe.

Kiểm đưa hai tay nắm vai Thuần mà xô mà nói:

- A-Lông[9], a-lông! Ði thay đồ cho mau, đừng có nhiều chuyện nữa. Nếu toa còn dụ dự nữa, thì moa dẽ bắt trói toa mà bỏ lên xe rồi moa chở toa đi đa.

Cô Hòa tiếp lời:

- Mình phải thay đồ đi với ông giáo sư chớ. Chẳng nên vắng mặt mà làm cho anh em phiền.

Thuần rùn vai rồi đi lên lầu mà thay y phục.

Cô Hòa mời vợ chồng Kiểm uống trà và hỏi Kiểm:

- Không biết ông Thậm cưới vợ ở đâu vậy?

- Cưới con một vị thương gia ngoài Sài Gòn.

- Chắc bên vợ ông giàu lắm hả?

- Tự nhiên. Bọn thanh niên đời nay họ nghĩ nếu cưới vợ nghèo là đem cái họa lớn vào nhà, còn cưới vợ xấu thì phải chịu tiếng nhạo báng trọn đời, bởi vậy ai cũng phải ráng mà kiếm vợ giàu, vợ đẹp.

- Nếu vậy con gái nghèo với con gái xấu làm sao có chồng cho được?

Kiểm rùn vai tiếp:

- Họ làm sao được thì họ làm, hơi nào mình lo cho họ.

Bà Kiểm tiếp lời:

- Ðời nay hễ có tiền nhiều dầu không có sắc đẹp cũng dễ lấy chồng, chớ không có tiền, dầu có sắc hay có hạnh cũng không mong có chồng được.

Kiểm lật đật kết luận câu chuyện:

- Nói tóm lại, thì đời nầy giấy xăng[10] qúy hơn tài, sắc, đức, hạnh hết thảy!

Ba người cười xòa.

Thuần thay đồ rồi ở trên lầu lon ton đi xuống, chân mang giày da láng ngời, mình mặc bộ đồ xăn tung thật khéo, cổ thắt nơ đen đàng hoàng. Vợ chồng Kiểm đứng dậy thúc Thuần ra xe mà đi liền. Cô Hòa đưa ra sân, xe chạy đã lâu mà cô vẫn cứ thơ thẩn hoài, không chịu đi nghỉ.

Vô tới tửu lầu "Tiểu Ðịa Võng", Kiểm đậu xe sát trong lề đường, khóa máy kỹ lưỡng, kéo ống quần sửa bâu áo, rồi dắt vợ và Thuần lên lầu; nhạc đánh rập rình. Lúc lên thang Thuần đưa đồng hồ tay ra mà coi rồi nói với Kiểm:

- Ðã 8 giờ 40 rồi. Mình đi trễ một chút.

Kiểm day lại mà đáp:

- Thiệp mời 8 giờ 30 mình đến 8 giờ 40 mà trễ nỗi gì?

- Trễ 10 phút, chớ sao lại không trễ.

- Toa quê mùa quá. Theo lễ nghi của Việt Nam bây giờ, tiệc mời 8 giờ 30, nếu mình đến đúng giờ thì mình là nhà quê. Người sang trọng thượng lưu phải để 9 giờ rồi sẽ đến. Ðể lên lầu rồi toa sẽ biết, mình đến đây sớm hơn người ta nhiều.

- Lễ nghi gì mà kỳ vậy! Khách mời đông người, chớ không phải một mình mình. Nếu mình đi trễ để người ta chờ đợi thì mình thất lễ quá.

- Ấy! Bực sang trọng thì phải làm như vậy, phải để cho người ta chờ đợi, rồi họ đói bụng họ hỏi còn chờ ai nữa, đặng cho chủ tiệc nói: "Còn chờ ông nầy, còn thiếu ông kia", làm thế ấy mới có danh, hiểu chưa?

- Danh gì vậy?... danh thất giáo hả?

- Không. Họ tính làm quảng cáo cho tên tuổi của họ chớ.

- Gớm quá!

- Còn nhiều cái gớm hơn nữa kia chớ!

Y như lời của Kiểm đoán trước, lên tới phòng tiệc thật quả Thuần chưa thấy một bạn nào hết.

Thậm mặc quốc phục vừa thấy Thuần với vợ chồng Kiểm thì lật đật chạy ra cửa mời vào. Thậm nói với Thuần:

- Hồi sớm mai moa được thơ toa kiếu từ, moa giận lung lắm. Nếu chiều nay không có mặt toa, thì moa sẽ tuyệt giao với toa. Toa vô đây là may lắm. Thôi, ngồi uống rượu khai vị mà chờ anh em.

Kiểm nói:

- Thuần tính trốn. Moa ghé nhà moa bắt nên mới đi với moa đó.

Thuần gật đầu cười.

Thuần đứng ngó cùng khắp trong phòng tiệc, thấy dọn hai bàn song song, bàn nào cũng chưng bông rực rỡ, cũng có để rượu ê hề, song một bàn thì khách ngồi gần đủ, còn một bàn thì còn trống trơn, chưa có ai ngồi hết. Ðầu ngoài, gần chỗ nhạc, lại có dọn thêm một cái bàn ngang để cho đàn bà ngồi, bàn ấy cũng có khách đủ rồi, có bà già, có đàn bà, có con gái, người nào y phục cũng xinh đẹp.

Thậm cắt nghĩa cho Thuần với vợ chồng Kiểm hiểu rằng khách ngồi một bàn dài với một bàn ngang là đàng gái, còn cái bàn chưa ai ngồi là bàn của khách đàng trai.

Thuần liếc thấy họ đàng gái có vài người Pháp, có viên quan Việt Nam, có ít vị Hội đồng, có vài vị thi văn sĩ, còn bao nhiêu đều là thương gia có tên tuổi trong xã hội Sài Gòn. Trong đám khách ấy chỉ có một ông già mặc quốc phục, còn bao nhiêu đều mặc Âu phục.

Thuần với Kiểm thấy họ đàng trai chưa tới nên không chịu ngồi, dắt nhau ra ngoài đứng ngó xuống đường chơi, để mặc cho Thậm thong thả mà sắp đặt cuộc tiếp khách.

Quá 9 giờ, họ đàng trai mới lần lượt đến, có người dắt vợ, song phần nhiều thì đi một người, mà hầu hết đề là hạng thanh niên tân học, duy có vài vị mặc Âu phục, còn gần 30 vị bịt khăn đen, mặc áo dài, cũng như chàng rễ.

Hai họ ngồi riêng, nên không ai chào ai, bởi vậy tuy hội chung một phòng, hai bàn cách nhau chừng vài thước, mà cũng như có vách tường phân rẽ hay là có đường mương cản ngăn.

Mấy vị mặc quốc phục buộc mấy vị mặc Âu phục phải ngồi riêng một khoảng với phụ nữ, để cho hạng giữ lễ xưa ngồi chung với nhau.

Thuần không làm theo phần đông nên trong lòng ái ngại, song thầm nghĩ bàn bên kia của họ đàng gái đều mặc y phục như mình, thì chắc mình không đến nỗi thất lễ.

Khách ngồi vừa yên thì bồi bưng rượu mời khai vị. Mấy vị tân học mặc quốc phục, vị nào cũng biểu rót rượu mạnh thật đậm, rồi cụng ly với nhau. Ban đầu còn có thứ tự, câu chuyện nghe êm ái. Uống được vài tuần rồi, không hiểu vì bị ông men hành, hay vì là nhớ lễ nghĩa quen thuở nay, mà mỗi vị đều lớn tiếng om sòm, ai cũng nói hết thảy, tuy ai không thèm nghe ai, kẻ nói người la, chẳng khác nào trong sân đá banh, thiên hạ nhốn nhao lúc banh lọt vô lưới vậy.

Thuần thấy thái độ hai bàn khác nhau, một bên ồn ào một bên trầm tĩnh, thì trong lòng khó chịu, ra dấu vợ chồng Kiểm bảo ra về. Kiểm chau mày suy nghĩ, có lẽ thầm tính thoát thân. May tiệc gần mãn mấy ông quốc phục bây giờ muốn khiêu vũ, nên xin mấy bà ngồi cái bàn ngang đứng dậy đặng lo dọn cho trống chỗ mà nhãy. Bàn khiêng đi rồi, bồi chưa kịp quét, mà họ đã đốc nhạc đánh lên, rồi có ông thì cặp đàn bà, có ông thì cặp anh em bạn mà nhảy.

Có một điều rất tức cười, là có hai ông ôm nhau nhẩy rồi té lăng cù đùng, gây một trận cười cho bọn tửu bảo chi-na[11]. Còn một điều đáng tức cười hơn nữa, là có một vị tân học mặc áo bà ba trắng quần[12] một phụ nữ mà nhảy, sắc mặt hân hoan như thường, không dè việc mình làm đó là một việc nhục nhã, nhục nhã cho mình, nhục nhã cho điệu khiêu vũ là cái điệu chơi thanh nhã của người Âu châu.

Nhờ có khiêu vũ lộn xộn, nên Thuần mới kêu vợ chồng Kiểm mà rủ về, rồi dắt nhau đi êm, không thèm giã từ ai hết, dường như chạy trốn cho khỏi cái chốn nhục nhã gớm ghiếc ấy.

Kiểm cho xe chạy lên đường Bình Hòa, tính về ngã Lăng Cha Cả, đặng hóng gió một chút. Thuần ngồi một bên Kiểm, cái quang cảnh tồi tệ dơ dáy hồi nãy còn chàng ràng trước mắt, làm cho trong lòng khó chịu, nên buồn hiu không nói chi hết.

Chừng xe ra tới đường trống, Kiểm mới nói với Thuần:

- Mới lần thứ nhứt moa thấy tiệc cưới như vậy đó. Nếu moa biết trước, dầu Thậm nó lạy mà mời, moa cũng không thèm đi. Moa xin toa tha cái tội moa ép buộc toa đi với moa đó. Ma-đam Thuần ở nhà thật là may lắm.

Bà Kiểm ngồi một mình ở phía sau, mà tức giận quá, dằn lòng không được nên bà nói lớn:

- Khốn nạn hết sức! Tôi thề từ rày sắp lên tôi không dự tiệc với những người ấy nữa. Họ không biết lễ nghĩa gì hết, không phải Tây mà cũng không phải Việt Nam.

Thuần day lại nói với bà Kiểm:

- Bà giận đáng lắm, bởi vì người ta thất lễ với phụ nữ nhiều. Mà hai anh em chúng tôi đây thuộc trong bọn tân học, chúng tôi còn giận nhiều hơn nữa. Họ làm nhục lây cả bọn chúng tôi hết thảy.

- Phải, họ làm xấu chung cho cả bọn.

- Chớ chi trong tiệc duy có bọn chúng tôi mà thôi, thì họ muốn vui chơi cách nào cũng được. Ngặt vì trong tiệc có cả trăm người, có đàn bà, có người sang trọng tử tế, có mấy người Pháp, có một đám tửu bảo, rồi đây những người ấy họ sẽ bình phẩm về nhân cách, về giáo dục của bọn chúng tôi mới là khổ. Thuở nay bọn chúng tôi thường khoe khoang: "Thanh niên tân học là hy vọng của nước nhà, là hoa thơm của non sông". Chắc từ rày người ta sẽ lấy quang cảnh bữa tiệc nầy làm bằng cớ mà nói: "Non sông có những đám hoa như vậy coi dơ chớ không đẹp; nước nhà có thanh niên tân học như vậy ắt thất vọng chớ không hy vọng". Họ nói như vậy rồi chúng tôi làm sao mà cãi với họ?

Kiểm liền thở ra mà đáp với Thuần:

- May trong bọn tân học còn nhiều người khác nữa chớ chẳng phải bao nhiêu đó.

- Nói ngay ra thì anh em họ phiền, chớ moa coi trong bọn mình có nhiều người không kể luân lý không biết giáo dục gì hết, họ chỉ trù nghĩ phương chước làm cho có tiền, dầu phải dùng phương pháp nào cũng được, có tiền cho nhiều đặng hưởng, đặng sung sướng xác thịt, đặng lòe loẹt bề ngoài, họ không kể gì đến mạng vận của nhà nước, đến luân lý của xã hội, đến quyền lợi của chủng tộc.

- Toa nói trúng lắm. Moa cũng thấy như toa vậy. Moa lại thấy cái làn sóng vô luân lý, vô giáo dục nầy nó càng lên mạnh thêm hoài; nếu không ai tìm phương mà ngăn cản, thì nó sẽ tràn khắp trong nước rồi cái xã hội Việt Nam, khi xưa tôn trọng đạo đức nên được cao thượng cứng cỏi, sẽ thành ra một xã hội hỗn độn tham lam, nên phải thấp hèn yếu ớt. Nền luân lý xưa của chúng ta đã xiêu ngã, bây giờ cần phải bồi đắp lại cho mau, phải tập cho người mình có cái óc tấn thủ cho cứng cỏi, có cái chí lập gia đình cho vững chắc, có lòng ái quốc nồng nàn, thì họa may mới khỏi hổ với thiên hạ.

- Toa làm giáo sư, toa có thiên chức giáo dục. Ðó là phận sự của toa.

- Một mình moa mà chống muôn xe sao nổi?

- Toa cũng phải ráng, chẳng nên thối chí.

Câu chuyện mới tới đó thì xe đã tới nhà Thuần, nên ngừng. Thuần từ giã vợ chồng Kiểm rồi mở cửa rào đi vô, đường kia nẻo nọ ngổn ngang trong trí.

   




Chú thích

  1. Một loại kiểng đặc biệt ở miền Nam
  2. (sapotier) giống cây được nhập từ Java, trái chín ngọt đậm
  3. (lékima) loại cây du nhập từ Java
  4. Kỹ sư
  5. Áo ngủ
  6. Ý nói đèn điện
  7. (Paris) thủ đô Pháp
  8. (ta femme) vợ anh
  9. (allons) chúng ta đi
  10. (cent=100) giấy bạc 100 đồng
  11. (China) Trung Quốc
  12. Đưa tới đưa lui