Bước tới nội dung

Đoạn tình/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bốn giờ rưỡi chiều, mặt trời trịch xuống khuất ngọn cây, hết dọi nắng vào vườn hoa nữa. Gió chướng thổi loa xao xô lá cây lúc lắc, lại đưa hơi nắng hồi trưa đi mất hết.

Cô Hòa mời cô Vân ra trước sân mà xem cây trồng, nhứt là thưởng hoa nở chơi cho mát. Hai cô dắt nhau đi dài theo mấy liếp bông, lúc cúi xuống ngưởi bông hường vừa chớm nở, khi đứng trầm trồ bông cẩm nhung tươi tốt. Mùi hoa pha lộn với mùi thơm của hai cô, làm cho quang cảnh rực rỡ lại thơm tho bát ngát.

Ði tới cây xoài lớn dựa rào, hai cô bèn ngồi xuống cái băng dưới gốc cây xoài, day mặt vô nhà. Trước mặt một cái sân hoa nở đủ các màu pha lộn nhau. Ngó xa vô nữa thì một tòa nhà nguy nga đẹp đẽ. Cô Vân ngắm cảnh một hồi, cô sanh cảm trong lòng nên cô day qua nói với bạn:

- Chị có phước lắm. Tôi thấy chị được như vầy thật tôi mừng biết chừng nào. Người ta nói mấy ông học bên Tây, nếu họ về xứ mà họ lập gia đình, thì chủ ý kiếm tiền cho nhiều đặng ăn chơi sung sướng. Anh Thuần không có ý đó, anh lập gia thất đặng lo làm ăn, làm ăn cho có tiền đặng bồi đắp nền hạnh phúc cho vợ con hưởng. Đàn bà con gái có chồng như vầy thì phỉ nguyện rồi. Tôi mừng cho chị lắm.

Cô Hòa chau mày lặng thinh một chút rồi thủng thẳng đáp:

- Ở đời chẳng có hạnh phúc nào mà được hoàn toàn bao giờ, hễ được cái nầy thì mất cái kia...

- Chị khó quá! Vậy chớ chị còn muốn thế nào mới gọi là hoàn toàn hạnh phúc?

- Tôi có muốn gì đâu? Thế nào tôi cũng bằng lòng hết thảy... Nhưng mà tôi nghĩ hạnh phúc gia đình ở chỗ nào chớ không phải nhờ nhà đẹp, xe tốt, ăn ngon sung sướng, bạc tiền đầy dãy, mà gây ra được. Có người lấy chồng rồi ở trong một cái chòi tranh mà họ còn vui vẻ hơn nhiều...

Nghe mấy lời ấy, cô Vân lấy làm lạ, nên ngó sững bạn rồi hỏi nho nhỏ:

- Anh Thuần không thương chị hay sao?

- Thương chớ, vợ chồng ở với nhau hơn 5 năm đã có con có cái, sao lại không thương.

- Vậy thì sao chị lại nói như có ý phiền anh? Anh có khinh rẻ chị hay không?

- Không, trọng tôi lắm chớ.

- À, nếu vậy thì tôi không hiểu ý chị rồi.

- Ðể thủng thẳng rồi tôi nói việc nhà của tôi cho chị hiểu.

- Ðược. Mà tôi muốn hiểu liền bây giờ, bởi vì tôi thương chị như ruột thịt, nếu chị buồn tôi chịu không được.

- Không, tôi chưa đến nỗi buồn.... Tôi mới không được vui mà thôi.

- Không vui thì là buồn chớ gì.

Cô Hòa chúm chím cười, rồi không muốn nói việc riêng của mình nữa, nên xoay câu chuyện mà hỏi Vân:

- Chị thi đậu về nhà đã hai năm rồi, sao chị chưa chịu lấy chồng?

Cô Vân cười ngất mà đáp:

- Chồng không chịu cưới thì tôi làm sao mà lấy chồng được?

- Sao lại không chịu cưới?

- Họ không chịu cưới, nghĩa là không chịu cưới chớ có sao đâu?

- Chị nói khó hiểu quá. chị cứ giễu cợt hoài. Nói rõ cho tôi nghe nào.

- Tâm sự của chị thì chị muốn giấu, chị không chịu nói thật cho tôi biết, sao chị lại ép tôi phải nói tâm sự của tôi cho chị nghe? Chị nói thật chuyện của chị trước đi, rồi tôi sẽ nói chuyện của tôi.

- Chuyện của tôi nhỏ mọn, không có gì đáng nghe. Chuyện của chị là quan trọng, chị phải nói trước.

- Có gì đâu mà quan trọng. Chồng nói rồi nó hồi, nó không thèm cưới.

- Chuyện như vậy mà chị nói không quan trọng, vậy chớ còn đợi sao nữa?

- Quan trọng lắm hay sao? Tôi cho là việc nhỏ mọn, tôi không để ý chút nào. Chị muốn biết thì tôi nói cho chị biết... Trong làng của tôi có một vị hương chức có ít mẫu ruộng, cày cấy đủ ăn, chớ không phải nhà giàu. Nhưng mà ông có một người con trai tên là Toàn, học giỏi, mới 20 tuổi đã thi đậu tú tài, trong làng ai cũng khen giỏi. Toàn muốn đi qua Tây mà học thêm nữa, ngặt vì cha mẹ không đủ sức chịu tốn hao, nên Toàn buồn lắm. Lúc ấy tôi mới 19 tuổi đương học trên Sài Gòn. Má tôi nghe chuyện Toàn muốn đi học nữa mà không tiền, thì mời cha mẹ Toàn xuống nhà hỏi thăm, rồi nói nếu hai ông bà hứa làm sui thì má tôi sẽ ra tiền cho toàn đi học, chừng nào thành danh trở về rồi sẽ làm lễ cưới tôi. Hai ông bà mừng nên hứa làm sui liền. Cách ít ngày, nhân dịp lễ nghỉ học, tôi về thăm nhà. Má tôi cho cha mẹ Toàn hay, rồi hai ông bà dắt Toàn xuống nhà tôi đặng cho tôi với Toàn biết nhau. Trong ít bữa sau đó, má tôi đưa một ngàn đồng bạc cho Toàn đi Tây. Từ ngày ra đi, mỗi tháng Toàn đều có gởi một bức thơ về mà thăm má và tôi, thơ gởi ngay cho má, và viết thơ cũng kêu má tôi bằng má như con rể vậy. Toàn học y khoa, mỗi bức thơ đều nói sự học cho má tôi biết. Má tôi thương Toàn lung lắm, hễ tôi về nhà thì má tôi đưa hết thơ của Toàn cho tôi coi, rồi khen ngợi Toàn và khuyên tôi phải ráng mà học cho giỏi, ráng tập rèn công, dung, ngôn, hạnh, đặng ngày sau làm vợ một vị Ðốc-tơ cho xứng đáng. Trong 5 năm trường, hễ vài ba tháng thì má tôi đưa 300 đồng bạc cho ông già Toàn đặng gởi qua cho Toàn ăn học. Năm ngoái gởi thơ về nói đã đậu thi bằng Ðốc-tơ được rồi, song còn phải ráng ở học thêm nữa, học chuyên môn về bịnh mắt. Má tôi lấy làm vui lòng nên cũng cứ đưa bạc đặng gởi cho Toàn hoài. Thình lình hôm tháng chạp năm ngoái, ông già Toàn xuống nhà đưa một bức thơ của Toàn cho má tôi coi, trong thơ Toàn nói vì lỡ thương cô đầm, ăn ở với nhau đã được một mặt con, không thể dứt được, nên cậy cha mẹ xin lỗi dùm với má tôi và khuyên tôi đừng trông đợi, bởi vì Toàn không thể về cưới tôi được!

Cô Hòa nghe thuật chuyện tới đó thì cô nổi giận, dằn lòng không được, cô vụt nói:

- Người gì mà vong ân bội nghĩa quá như vậy?

Cô Vân vỗ vai cô Hòa cười mà đáp:

- Người Việt Nam chớ người gì. Người thanh niên trí thức đời nay đó.

- Khốn nạn, khốn nạn lắm, không có luân lý gì hết! Thuật chuyện như vậy mà chị cười được, thật tôi không hiểu chị là người gì!

- Tôi cũng là người Việt Nam chớ người gì?

- Sao chị không nổi giận.

- Giận ai? Giận Toàn hay là giận người Toàn yêu?

- Giận hết thảy.

- Chị nóng nảy quá. Trai họ có cái óc mới, thì mình cũng phải có cái óc mới như họ vậy chớ, giận làm chi. Tôi cười, chớ tôi không giận. Chị nghĩ kỹ lại coi. Toàn rèn tập theo cách giáo dục kiếm ăn, thì tự nhiên trí não tánh tình như vậy, có gì lạ. Mình có giận thì giận cách giáo dục kiếm ăn đó, chớ không nên giận Toàn. Còn người Toàn yêu và yêu Toàn đó, thì họ có biết mình đâu mà mình giận họ.

- Người ta giựt chồng chị mà chị nói nghe như chơi...

- Chớ chị bảo tôi phải khóc, phải la hay sao?

- Phải làm sao, chớ để êm đềm sao được.

- Người ta không cưới thì thôi, chớ làm sao bây giờ? Tôi chắc tại tôi không có duyên nợ với Toàn, nên trời khiến như vậy đó đa chị. Mà tôi khỏi kết duyên với Toàn có lẽ đó là cái may của tôi, biết chừng đâu.

Cô Hòa ngồi trầm ngâm suy nghĩ một hồi rồi nói:

- Tôi hiểu rồi, mất chồng mà chị không tức giận, ấy là tại chị không có tình với Toàn, chớ không phải là duyên nợ hay là tại cớ nào khác phải không?

Cô Vân gật đầu đáp:

- Có lẽ chị nói trúng.

Cô Hòa vội lấy một nhánh cây khô cầm mà vẽ trên cát rồi hỏi tiếp:

- Bây giờ chị tính lẽ nào? Thôi, lấy chồng khác phứt đi, kẻo họ tưởng hễ họ không cưới thì chị ế chồng.

- Chồng ở đâu mà lấy? Mà lấy chồng có ích gì hay sao, nên chị khuyên tôi phải lấy chồng? Lẽ trời và tục người đều buộc con gái lớn lên thì phải lấy chồng. Tôi đã vâng theo lẽ trời và tục người rồi; nếu người ta không cưới thì lỗi tại người ta chớ không phải tại tôi. Trả nợ hồng trần theo phận gái đã xong rồi, bây giờ tôi được thong thả mà học vẽ học đờn, tập làm thi chơi, khỏi lo phải làm mọi người ta nữa, thì tôi vui lắm vậy.

- Chị nói như vậy mà tôi chắc bề nào rồi đây chị cũng phải lấy chồng. Chị ưa đờn ưa vẽ ưa ngâm thì tự nhiên chị sẵn có cái tâm hồn lãng mạn, thì dễ cảm ái tình lôi cuốn, rồi dầu chị không muốn, chị cũng phải có chồng.

- Thuở nay tôi chưa biết ái tình là cái gì, mà dầu tình ấy có phát ra, tôi cũng kiếm thế xa lánh, chớ tôi không cho nó làm lụy cái tự do của tôi.

- Chị không chịu lấy chồng mà sao chị thấy có chồng có con, chị lại khen tôi có phước?

- Tại ý chị khác hơn ý tôi; chị thích gia đình hơn tự do. Nay chị được hưởng gia thất đầm ấm, thì tôi mừng cho chị chớ sao. À, hồi nãy tôi khen chị có hạnh phước gia đình thì chị nói hạnh phước ấy không hoàn toàn, tại sao vậy? Tôi tỏ tâm sự của tôi rồi bây giờ chị phải nói việc nhà của chị cho tôi nghe một chút.

- Việc của tôi khó nói ra được... Mà việc cũng không đáng nói nên chị chẳng cần biết làm chi.

- Chị cứ giấu hoài! Chuyện tuy không đáng nói mà tôi muốn nghe. Vậy chị phải nói... Anh chơi bời hay mèo chuột nên chị ghen chớ gì, phải như vậy không?

Cô Hòa cúi đầu lặng thinh không chịu đáp.

Cô Vân chưa chắc lời mình nói đã trúng ý bạn, cô muốn dọ lòng thêm nữa nên cô nói tiếp: "Ðời nay đàn ông họ rộng đường giao thiệp, nhứt là bậc trí thức có anh em nhiều, dầu không muốn chơi bời, mà cũng phải ép lòng đi chơi với anh em. Làm đàn bà chẳng nên cố chấp thái quá; phải để cho chồng thong thả, miễn họ giữ trọn đạo làm chồng thì thôi. Tôi tưởng vợ chồng nếu người nầy có quấy chút đỉnh, người kia phải nhắm mắt, đừng thèm ngó, thì gia đạo mới hòa thuận vững bền."

Cô Hòa châu mày mà nói:

- Chị chưa có chồng, chị không hiểu tình vợ chồng là thế nào, nên chị mới nói dễ như chuyện chơi. Ðể chừng chị có chồng rồi chị sẽ biết. Có nhiều cái nó làm cho mình muốn điên, muốn chết đa chị.

Bây giờ cô Vân biết mình đã rờ nhằm chỗ đau của bạn rồi, bởi vậy cô cười ngất mà hỏi:

- Chị ghen lắm hả? Chị bị chứng ghen hèn chi chị không vui. Mà chị biết chắc anh có vợ bé hay là có mèo ở đâu không mà chị ghen?

- Nếu tôi biết thì tôi phanh thây nó liền, tôi có để yên đâu mà nói.

- Chị không biết mà chị ghen nỗi gì?

- Bởi không biết nên mới tức chớ?

- Nếu chị không biết thì phải lập thế đặng biết, rồi chị ghen mới có cớ chớ. Tôi khuyên chị đừng nói chi hết, chị cứ vui vẻ như thường mà dọ dẫm. Chừng nào chị biết anh có tình với ai rồi, chị sẽ to nhỏ mà khuyên lơn anh. Theo con mắt tôi thấy, thì anh là người biết trọng gia đình, chớ không phải là người hoang đàng. Nếu rủi anh có lỡ đi chơi lầm đường quấy, chị êm ái mà cắt nghĩa cho anh nghe, tôi chắc anh sẽ bỏ liền, chị chẳng cần phải ôm ấp sự phiền não trong lòng chị.

- Hễ tôi nhớ tới sự đó, thì tôi bực tức sùng sục trong lòng, không vui được thì làm sao mà êm ái.

- Mà cử chỉ của anh thế nào nên chị ghen như vậy?

- Tôi nói thật với chị, nhà tôi đối với mẹ con tôi thì đúng lắm, tôi không có chỗ nào mà trách được. Tôi phiền có một điều là cứ đi hoài, bỏ mẹ con tôi tiu hiu ở nhà như vãi giữ chùa, đi tối ngày, có khi còn đi thâm tới ban đêm nữa. Tôi buồn là buồn chỗ đó.

- Ảnh làm chủ hãng, tự nhiên anh phải bổn thân quản xuất. Nếu anh lơ mơ ở nhà hoài, không xem xét việc trong hãng, thì cuộc làm ăn hư hại còn gì. Chị trách ảnh về khoản đó tôi e quá đáng.

- Nói ra ngoài hãng. Mà tôi có biết ra đó hay là đi đâu?

- Chị nghi quá vậy sao được. Vợ chồng phải tin bụng nhau thì ở đời với nhau mới được chớ.

- Tôi biết bụng tôi, chớ làm sao tôi biết bụng nhà tôi được mà tin.

- Ồ! Cái nhiệt độ về sự ghen của chị cao quá! Chị phải nguội bớt, chị phải dằn xuống chớ.

- Tôi dằn hết sức đa chị. Nếu tôi không dằn thì có còn vợ chồng gì nữa đâu. Như hồi trưa mình ghé ngoài hãng đó, chị thấy hay không?

- Thấy việc gì?

- Hồi hai chị em mình xô cửa vô phòng làm việc của nhà tôi đó, chị không thấy giống gì hay sao? Có con đánh máy nó ở trong phòng với nhà tôi đó.

- Người phụ sự đem đồ vô cho chủ ký tên, ấy là sự thường, có lạ gì đâu.

- Mướn người phụ sự mà mướn đàn bà con gái chi vậy, thiếu gì mấy thầy sao không mướn?

- Cha chả! Chị ghen tới kẻ phụ sự của ảnh à? Chị để ý tới chỗ đó thì tôi sợ nhẹ danh giá cho ảnh.

- Chỗ nào tôi cũng để ý, mà dầu ai tôi cũng ghen hết thảy. Người giúp việc thì mướn con gái; trong phòng làm việc lại có sắm ghế "canapé", làm như vậy biểu đừng nổi xung sao được. Tôi nói thiệt với chị, gia đạo của tôi người ngoài dòm vô ai cũng cho là có phước hết thảy. Nhưng mà tôi buồn lắm. Tuy ở nhà lầu đi xe hơi, đeo hột xoàn, muốn vật chi cũng có, song tôi không biết vui chút nào hết. Tôi sợ một ngày kia tôi phải tự vận mà chết, bằng không chết thì tôi cũng điên.

Cô Hòa nói tới đây thì sắc mặt cô rất buồn bực. Cô Vân thấy bạn đau đớn như vậy, thì cô không dám giễu cợt nữa, cô nghiêm sắc mặt mà nói:

- Chị Hòa, chị bị bịnh ghen nặng quá. Tôi biết vì chị thương chồng nhiều nên chị mới ghen. Nhưng mà bịnh ghen là cái họa lớn trong gia đình. Vậy phải làm thế nào mà trừ cho gấp, nếu để dây dưa sợ nó phá gia đình rời rã. Nay tôi biết chứng bịnh của chị rồi, không lẽ tôi làm lơ, để cho gia đình chị xào xáo. Thôi, để mai mốt tôi thừa dịp nào anh Thuần rảnh, tôi sẽ tỏ bày nỗi phiền não của chị cho anh hay biết, đặng anh liệu đường làm chị hết ghen. Chị cho phép tôi nói thiệt với anh không?

Cô Hòa do dự một chút rồi mới đáp:

- Có lẽ nhà tôi đã dư biết nỗi buồn của tôi; song muốn để như vậy cho tôi chết đặng cưới vợ khác!

- Ồ! Sao chị coi anh Thuần rẻ quá vậy? anh là người biết trọng gia đình, nên tuy mắc lo làm ăn, song cũng sắm nhà cửa tử tế đặng vợ con ở cho sung sướng. Người có ý tốt như vậy, lẽ nào lại có cái ý xấu như vậy.

- Thôi chị muốn nói thì nói, nói thử coi nhà tôi đáp thế nào?

- Chị cho phép phải không?

- Tôi cho.

- Mà tôi nói chuyện với ảnh, tôi sợ chị ghen tới tôi nữa!

Cô Vân nói câu nầy rồi cười ngất. Cô Hòa cũng cười mà đáp:

- Tôi với chị thương nhau như ruột thịt. Có lẽ nào chị đành giựt chồng tôi hay sao mà tôi ghen.

Hai cô cười xòa.

Thuần ở ngoài hãng về, ngừng xe trước thềm nhà. Bé Hậu đương chơi phía sau chạy ra mừng cha, rồi cha con ôm nhau mà hôn.

Cô Hòa với cô Vân đứng dậy thủng thẳng đi vô nhà.

Thuần ngó vợ mà nói:

- Mới 6 giờ 15, thay đồ đi chơi một vòng, chừng 7 giờ 30 sẽ ăn cơm. Ði đặng cho cô Vân hứng gió một chút.

Hai cô thay đồ rồi dắt bé Hậu lên xe. Thuần cầm tay bánh cho xe chạy qua phía Gò Vấp.