Anh phải sống/Dưới bóng hoa đào

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

dưới bóng hoa dào

Trời đông mưa phùn lấm tấm. Bên kia dãy nhà lá núp dưới chân đê Yên-phụ, nóc không cao quá mặt đường, nước hồ Tây mù mịt, bát ngát, mênh mông, như một cửa biển chìm đắm trong cảnh sương mù buổi sáng.

Ðứng nhìn xuống, con đường làng lát gạch lờ mờ quanh co tựa con rắn nâu dài quặn mình lượn khúc ở giữa hai làn nước xám.

Như không nghĩ tới mưa rét, không nghĩ tới bùn lầy, hai người vận âu phục, tay thọc trong túi áo tơi cài kín, mạnh bạo nện gót trên đường. Ðến một lối giốc, có cổng tre cánh phên nứa, đưa tới một cái vườn trồng đầy cúc, hai người từ từ dừng bước. Tống-Bình quay lại nhìn Nam-Chân. Nam-Chân mỉm cười khẽ hỏi:

— Xuống nhé?

— Ừ thì xuống. Nhưng...

Nam-Chân chắc đã thừa hiểu ý bạn, nói gạt ngay:

— Mặc chứ!

Tống-Bình ngần ngại:

— Nhưng cũng hơi quá. Luôn năm hôm đến mua hoa cúc năm lần. Chắc nó ngờ ngượng chết!

— Nó ngờ mặc nó!... mình đi sắm tết kia mà!

Nam-Chân nhìn bạn cười:

— Làm gì mà bẻn lẽn như cô dâu mới về nhà chồng thế?

— Còn anh thì làm gì mà si tình thế, để tôi phải lặn lội trời mưa rét mướt.

— Rõ khéo, ai bắt anh đi?

— Nhưng anh cứ rủ...

— Ai cấm anh không theo? Kỳ tình cu cậu cũng muốn chết đi kia! Thôi đã đến đây thì xuống.

Con đường giốc đất vàng lẫn nước vừa lội vừa trơn. Hai người, bùn bắn lấm tấm ống quần, phải vịn vào những cọc chống hàng giậu phên nứa, mới lần từng bước xuống được vườn. Một con chó trắng ở trong chiếc nhà lá xồ ra, làm hai người suýt ngã.

Một cậu bộ rạng láu lỉnh trông như học trò, đầu để trần, chân đi guốc, mình mặc chiếc áo nịt đen trùm ra ngoài áo cộc trắng, thong thả đi ra. Gặp khách hàng quen, cậu em nhách mép ngả đầu chào:

— Thưa hai ông lại đến mua cúc?

Ðó chỉ là câu hỏi tự nhiên của người bán hàng, nhưng Tống-Bình cảm thấy có ngụ rất nhiều ý tứ, liền bấm bạn, nói thầm:

— Ðấy, đã bảo mà!

Nam-Chân, nét mặt thản nhiên, tươi cười đáp lại cậu bán hàng hoa:

— Phải, chúng tôi đi mua cúc. Cúc còn nở đẹp chúng tôi còn mua mãi.

— Vậy mời hai ông vào vườn. Hai ông mua cúc ở vườn này hay ở vườn trong?

Cậu giơ tay trỏ:

— Ở tận trong kia... chỗ chị tôi đương sới đất ấy.

Hai chàng xăm xăm tiến bước. Nam-Chân vừa đi vừa nói:

— Thế thì vườn trong hoa đẹp hơn.

Cậu bán hoa cũng theo liền sau. Cậu cười một cách láu lỉnh, bảo hai người khách:

— Các ông đi từ từ chứ kẻo trơn ngã.

Rồi gọi to:

— Chị Mai ơi! Có khách mua hoa đấy,

Bỗng ở giữa đám cúc vàng, đứng dậy một người con gái chít khăn xuông, mặt trái xoan, da trắng mát. Chắc hẳn cô đã trông thấy khách mua hàng quen ở phía ngoài giậu phên. Cậu em nói sẽ với hai ông khách:

— Xin hai ông hãy đứng chờ đây một phút, cho phép cháu vào hỏi chị cháu tí việc riêng.

Dứt lời, cậu chạy vào trong vườn, ghé tai chị thì thầm:

— Chị nhớ lời em dặn nhé... Ở đời cần gì, Phải chiều người lấy của chứ. Chị cứ nói thật cao bao nhiêu người ta cũng trả.

Mai mủm mỉm cười.

— Vậy họ dẫu hỏi ngớ ngẫn thế nào, chị cũng đừng gắt như hôm qua, cứ trả lời ôn tồn người ta nhé? Bu cũng bảo thế đấy.

Mai vẫn mủm mỉm cười, hai má đỏ hây hây trước luồng gió lạnh, vẻ đẹp càng tăng bội phần:

— Ðược! Cậu không lo. Thế nào chốc nữa cũng có hai đồng bạc tiêu. Cậu cứ về nhà, để mình chị ở đây.

Cậu em ra tới cổng vườn còn dặn với chị cốt để hai người khách nghe rõ và không ngờ vực.

— Chị nhớ nhé! Chẳng mai phiên chợ rồi đấy.

Quay lại cậu nói với hai người:

— Mời hai ông vào chọn hoa, đã có chị cháu, cháu xin về lấy giỏ để đựng cây.

Cô hàng hoa cất giọng oanh thỏ thẻ:

— Thưa hai ông mua cúc gì?

Nam-Chân tiến lại gần, ngớ ngẩn hỏi:

— Cúc gì đẹp như... cô nhỉ?

— Thưa ông, ở vườn em, cúc gì cũng đẹp. Ông muốn mua thứ gì thì mua?

Rồi cô đăm đăm nhìn Tống-Bình, hỏi sẽ Nam-Chân:

— Thưa ông, ông kia là bạn ông?

— Phải. Sao?

— Thưa ông, trông ông ấy bẻn lẽn như con gái.

Nam-Chân cười, quay lại, thấy Tống-Bình vẫn đứng gần cổng, liền gọi:

— Này, anh Tống-Bình...

Sợ Nam-Chân ôn lại cho bạn nghe câu mình vừa nói, Mai hai má đỏ bừng, vội vàng cúi mặt xuống nói:

— Ấy, em lậy ông, ông đừng... đấy!

Truyện vẩn vơ một lúc, rồi khi cúc đã cho vào giỏ, tiền đã trả, hai người đứng mãi cũng ngượng, liền tính đường lui. Mỗi người khệ nệ mang hai giỏ cúc, ra đến cổng vườn còn quay lại nhìn. Cô bán hoa đứng trong vườn cúc, cũng trong theo, nói:

— Vài hôm nữa, hai ông lại xuống mua đào nhà em, nhé?

Nam-Chân chạm vào vai bạn:

— Tình không?

Ði khuất hàng rào, Tống-Bình nhìn xuống hai giỏ cúc, phàn nàn:

— Nặng quá... thôi tôi vứt lại đây, ai muốn lấy thì lấy. Khuân về làm gì cho nhọc xác lại rác nhà. Chỉ tại anh đấy mà!

— Thôi, chịu khó đem về làm kỷ niệm.

Tống-Bình gắt:

— Kỷ niệm gì, nó lừa mình nó lấy tiền. Con bé ấy nó láu lắm. Tình nghĩa gì!

Hai hôm sau, Nam-Chân lại rủ Tống-Bình đi mua hoa, nhưng Tống-Bình từ chối. Nam-Chân cũng không ép để bạn ở nhà, đi một mình. Lần này, mới đến chỗ giốc, chàng nhìn xuống đã thấy cô hàng hoa đứng ở vườn ngoài, dựa vào gốc đào chăm chăm cặp mắt nhìn lên đường. Nam-Chân dừng lại ngắm nghía. Mái tóc mây lẩn dưới vành khăn đen láy, (vì hôm nay cô không chít khăn vuông) khuôn mặt dịu dàng, nước da trắng hồng in trong cái khung tròn màu hồng phơn phớt của cây đào đầy hoa, khiến Nam-Chân lại nhớ đến bức tranh nhật-bản mà chàng được ngắm ở một hàng sơn.

Nam-Chân xuống vườn. Mai ra đón, ngơ ngác nhìn lên đường hỏi:

— Còn ông bạn ông?

Nam-Chân có dáng không bằng lòng, hỏi lại.

— Bạn nào?

Mai bẽn lẽn, cúi đầu thỏ thẻ:

— Ông bạn vẫn đi với ông, ông Bình ấy mà.

— Cô nhớ kỹ tên ông ấy nhỉ?

Rồi lạnh lùng chàng nói:

— Ông ấy không đến.

Mai có vẻ buồn.

Lần này, hai người tuy vẫn nói truyện với nhau, nhưng lời nói cứng cỏi, nét mặt cau có. Lại thêm cậu em ở bên nhà sang, cứ đứng nói bông, thỉnh thoảng lại đưa mắt ra hiệu nhắc chị.

Nam-Chân chê thứ cúc nọ hoa gầy, thứ cúc kia hoa rữa, rồi chẳng mua khóm nào.

Lúc chàng ra về, Mai theo đến tận cổng vườn. Bỗng cô quay lại bảo em:

— À cậu, cậu về thay nước hộ chị mấy chục bát thủy tiên nhé. Sáng nay chị quên bẳng đi mất.

Cậu em ngoan ngoãn lắm, vui vẻ về ngay. Nam-Chân đoán rằng Mai muốn ở lại một mình để nói câu chuyện riêng gì, thấp thỏm mừng thầm. Quả thực, chàng đoán không sai.

Mai lại gần, tươi cười nói sẽ:

— Thưa ông, em muốn nhờ ông một việc, chả biết ông có giúp cho không?

— Ðược, cô cứ nói, thế nào tôi cũng giúp.

— Hôm nay, ông không mua hoa...

— Vậy cô muốn tôi mua? Ừ thì tôi mua.

— Thưa ông, cái đó có hề, ông mua cũng đã nhiều rồi. Hôm nay ông không mua hoa, vậy em nhờ ông tiện xe cho em gửi đôi khóm cúc với cành hoa của ông... bạn ông mua hôm qua nhưng còn gửi lại.

Nam-Chân tuy tức uất người, phần giận cô hàng chỉ nghĩ đến Tống-Bình, phần giận bạn lẻn đi mà không rủ mình. Song đã trót hứa giúp thì chàng cũng phải nhận lời.

Lúc chàng về tới nhà, Tống-Bình ra đón cửa hỏi:

— Anh lại mua hoa cúc? Lại thêm cả cành đào, đẹp nhỉ!

Nam Chân bĩu môi:

— Lại còn vờ!

Tống-Bình ngơ ngác:

— Anh bảo tôi vờ cái gì?

Nam-Chân dằn từng tiếng:

— Vờ cái gì! Hôm qua lẻn đi một mình... rồi mua hoa lại không đem về, bắt người ta phải hầu, lại còn vờ cái gì nữa.

Tống-Bình biết rằng bạn tức giận lắm, ôn tồn phân trần:

— Thì sáng hôm qua, tôi ngồi bàn giấy với anh từ sáu giờ tới mười một giờ, anh không nhớ?

Nam-Chân ngẩn người ra, ngẫm nghĩ. Nhưng lúc hiểu câu truyện chàng lại ghen đầy ruột:

— Hừ! Con bé!...

Tống-Bình hỏi rồn:

— Con bé nó bảo anh cái gì? Cái gì thế? Nó bảo anh đem hộ cho tôi hai giỏ cúc và cành đào này à?

Tống-Bình yên lặng một lúc, rồi mủm mỉm cười, nói một mình.

— Tình tứ quá!

Trong lòng tự nhiên chàng thấy sung sướng.

Ngồi chống tay vào cằm, Nam-Chân cười mát bảo bạn:

— Thế thì con bé giỏi thật nó đánh lừa mình để bắt mình đem hoa tặng tình nhân nó.

Hôm sau Tống-Bình thấy bạn vẫn còn tức tối, đến khẽ vỗ vai:

— Này, đi mua hoa đi?

Nam-Chân quay lại trợn mắt nhìn bạn, đáp:

— Anh muốn đi thì cứ đi, tôi đi làm gì?

Tống-Bình thân mật hỏi:

— Anh giận em đấy à?

Nam-Chân giọng khinh bỉ:

— Vì cớ gì tôi lại giận anh? Phải! Vì cớ gì?

Biết bạn bực tức, Tống-Bình kéo ghế ngồi liền bên cạnh, thong thả nói:

— Hỏi đùa anh đấy... chứ tôi không đi đâu! Chúng ta không nên đi vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất, anh em ta không nên vì một cô hàng hoa mà đến giận nhau, có khi đến lìa nhau. Lẽ thứ hai, ta chỉ nên coi cô bé ấy như một khóm cúc ở trong vườn cô ta.

« Ta cứ để khóm cúc mọc ở vườn thì sang năm ta lại cùng nhau xuống Yên-phụ ngắm nghía, vì còn ở vườn, nó còn năm ấy sang năm khác nẩy chồi phát hoa, chứ về nhà ta thì bất quá chơi được ba hôm tết, rồi nhị tàn cánh úa, ta chẳng khỏi ném nó vào trong chiếc xe rác qua đường.

« Vả, có lẽ chỉ ở vườn, nó mới đẹp, chứ khi trồng nó vào chậu sứ để trong nhà thì vị tất nó sẽ còn đẹp... Vậy thôi đấy nhé. Phải để dành, nó đấy đến sang năm. »

Nam-Chân nghe bạn nói, ngẫm-nghĩ một lúc rồi thở dài

— Anh nghĩ thế mà phải.

Từ hôm ấy, Nam-Chân và Tống-Bình không đi mua hoa cúc nữa.

Còn cô Mai chiều chiều nhớ đến người mua hoa, vẫn đứng dựa gốc đào trông ngóng. Nhưng người đi không trở lại, rồi tết hết, xuân qua, tình cô cũng một ngày một phai như hoa đào dần dẩn tàn run trước gió...