Bước tới nội dung

Anh phải sống/Sóng gió Đồ-sơn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Sóng gió Đồ-sơn

Năm giờ sáng. Sau hàng lan can chạy thẳng ngăn bãi cát lượn vòng theo hình bán nguyệt, rặng nhà phố Ðồ-sơn cửa chớp đóng kín như có nhiều hờn giận vừng thái dương vội mọc. Những khóm thông rung rinh đương thì thầm cùng nhau câu chuyện bí mật được nghe tối hôm qua ở trên bãi biển. Cho chí làn sóng buổi chiều xô đẩy vào bờ nô đùa, gầm hét dữ dội như thế, giờ cũng như chán nản, lặng lẽ, từ từ kéo nhau xa lánh. Phố Ðồ-sơn sau một buổi nhộn nhịp, vui cười, bây giờ như đương miên man trong giấc mộng.

Trên bãi cát vàng bỗng có tiếng cười khanh khách: Ba cô thung thăng đi đi lại lại trò truyện huyên thiên. Cô Bạch-Tuyết bảo cô Vân-Lan và cô Thu-Cúc:

— Hai cậu ạ, nhất định em không sợ, em cứ để hắn hy vọng hão.

Thu-Cúc mỉm cười:

— Liệu hồn! Không đùa lại hóa thật!

— Tức cười chết đi hai cậu ạ. Nếu em đưa hai cậu xem bức thư hắn gởi cho em chiều hôm qua thì hai cậu phải vỡ bụng.

Vân-Lan vội hỏi:

— Ðâu? Thư đâu?

— Rõ khéo, thư riêng của chị ấy lại đòi xem.

— Ðốt cậu đi! Riêng với tây gì? Ðây, thư đây. Cậu Thu-Cúc có muốn giữ làm mẫu thì em cũng xin biếu.

Vừa nói, Bạch-Tuyết vừa mở túi lấy ra một tập giấy màu tím nực những mùi nước hoa và đọc:

Thưa Bạch-Tuyết tiểu thư.

Từ khi được giáp mặt hoa đào, ngày đêm tôi âu sầu tưởng nhớ. Ðã nhiều phen mượn giọt mực đen, tờ giấy tím để giải tỏ tấm gan vàng với người mắt xanh...

Đọc đến đây, Bạch-Tuyết cười sằng sặc, đánh rơi bức thư xuống đất:

— Trời ơi, hai cậu coi, lối văn bốn màu: mực đen, giấy tím, gan vàng, mắt xanh, chỉ thiếu có một màu trắng là đủ ngũ sắc. Ước gì khối tình của cậu Văn-Hải tôi cũng được nhiều màu như thế.

Vân-Lan nửa nghiêm khắc, nửa riễu cợt:

— Chị thì cứ cả đời! Có đọc nốt cho người ta nghe với không?

— Có tài thánh thư dài bảy, tám trang thế này, ai đọc hết được?... Nhưng có một đoạn cảm động lắm, câu này thi sĩ Thu-Cúc vảnh tai lắng tinh thần mà nghe:

« Thưa tiểu thư, tôi yêu tiểu thư ngay từ cái phút đầu mới gặp. Tôi theo tiểu thư như cái bóng. Một buổi chiều mùa đông tôi đứng nấp ở trước cửa nhà tiểu thư tôi chờ, tôi mong, tôi ao ước được liếc trộm dung quang. Ðợi trong hai tiếng đồng hồ, gió bấc mưa phùn rét buốt tận xương, thì tấm lòng thành thực của tôi như động đến tâm linh tiểu thư, khiến tiểu thư ra nơi cửa sổ nhìn xuống. Trời ơi! Tôi suýt ngất đi... Trái tim tôi nó hồi hộp, nó đập thình thình như muốn phá ngực ra mà bay lên trước dung nhan. Tiểu thư ôn lại trong trí xem có còn nhớ cái buổi chiều đáng kỷ niệm ấy không (Bạch-Tuyết làm bộ ngẫm nghĩ rồi cười, nói: không, không nhớ). Nửa người tiểu thư đứng trong cái khung cửa hình như bán thân một tiên nga vẽ trong bức tranh tuyệt bút. Tóc tiểu thư bỏ xõa như đám mây buổi hoàng hôn, hai con mắt tiểu thư lấp la lấp lánh như hai ngôi sao sáng nhất trên trời... »

Bạch-Tuyết lại cười:

— Anh chàng ngày dáng chừng là một nhà thi sĩ.

Thu-Cúc lúc nghe đọc thư hai mắt chớp luôn hình như có vẻ cảm động lắm. Cô dịu dàng bảo bạn:

— Sao chị vô tình đến thế? Nỡ đem tình thành thật của người ta ra mà chế riễu.

— Cậu bênh kia à? Cậu muốn yêu thì tôi nhường cho đấy. Trong thư, Văn-Hải nói chiều nay hắn ra, « moa » giới thiệu cho nhé?

Bỗng ở lan can có tiếng gọi:

— Tuyết? Mời hai chị về ăn sáng, con.

Nghe tiếng mẹ gọi, Bạch-Tuyết cùng hai bạn vội chạy về nhà.


Chiều hôm ấy trong khi hàng trăm con người vừa đàn ông đàn bà, già trẻ, vùng vẫy nô đùa với làn sóng nhấp nhô, thì trên bãi cát trước cửa biệt thự « Dương-liễu » một chàng vận âu phục đầu chải lật bóng loáng, đương thung thăng bách bộ, mắt chăm chăm nhìn lên cửa sổ trên gác.

Một tràng cười ròn ở sau lưng khiến chàng quay cổ lại: Ba cô thiếu nữa, đầu rẽ lệch, vận quần trắng áo màu, đứng cách chàng chỉ độ ba bước. Một cô nói như có ý trêu ghẹo:

— Thưa ông, ông muốn hỏi ai ở cái nhà ấy, mà cứ thấy ông ngửng mãi đầu lên nhìn cửa sổ?

Ấp úng, lúng túng, hai má ửng tận tai, chàng kia lắp bắp:

— Thưa cô... tôi là... Văn-Hải.

Bạch-Tuyết, hồi chuông điện của dịp cười lại bấm:

— Thưa ông, còn tôi, thì tôi là Bạch-Tuyết.

Thu-Cúc hai ba lần kéo áo, cùng bấm chị, nhưng Bạch-Tuyết như không lưu ý, cứ nghiễm nhiên vừa cười vừa nói:

— Thưa ông, chỉ có thế? Hay ông còn muốn hỏi điều gì nữa?

Chả biết nói gì, Văn-Hải ngả đầu chào rồi định quay đi, thì Bạch-Tuyết vẫn chưa tha, lại gọi giật lại:

— Này ông Văn-Hải. Ông đánh rơi bức thư, tôi lượm được thấy có tên ông ký ở dưới, vậy xin nộp lại ông.

Văn-Hải, vì có Thu-Cúc và Vân-Lan, nên xấu hổ quá, mặt đỏ như viên gạch nung. May sao Bạch-Tuyết lại nói tiếp luôn:

— Hay ông bằng lòng cho tôi để tôi tập lối viết văn rất hay của ông thì tôi cũng xin cảm ơn mà nhận.

Văn-Hải như người chết đuối vớ được mảnh ván, liền gượng cười đáp lại:

— Vâng, xin biếu cô.

— Không có điều gì quan hệ trong thư đấy chứ?

Văn-Hải đã bạo hơn trước:

— Thưa cô, cái đó tùy ở cô.

— Nghĩa là thế nào?

— Nghĩa là nếu cô cho là quan hệ thì quan hệ.

— Tôi vẫn không hiểu... À quên, tôi xin giới thiệu ông hai chị tôi đây là Vân-Lan và Thu-Cúc cùng học năm thứ ba tại trường Nữ sư-phạm với tôi. Chị Thu-Cúc tôi cũng là một thi sĩ như ông.

Văn-Hải ngả đầu chào. Còn Thu-Cúc thì bẻn lẽn, cúi đầu, mũi giầy bấm xuống cát:

— Chị rõ lôi thôi lắm! Ai là thi sĩ!

Nào Bạch-Tuyết đã tha cho đâu:

— Thưa ông, bây giờ thì thật hết truyện. Vậy chị em chúng tôi xin phép từ giã ông, để đi dạo chơi.

Dứt lời, cô giắt tay hai bạn đi đến một đống đá chồng chất ngổn ngang, nước thủy triều chàn rũa lâu ngày đã nhẵn bóng. Ba người vừa trèo lên ngồi vắt vẻo, khúc khích cười với nhau, thì đã thấy Văn-Hải lượn lại gần đánh bạo hỏi to:

— Thưa ba cô, ba cô không tắm?

Bạch Tuyết khom hai bàn tay đặt vào miệng làm như cái loa, rồi vừa cười vừa đáp lại:

— Thưa ông không, chúng tôi sợ cá lợn lắm!

Cụt hứng, Văn-Hải lảng xa.

Thu-Cúc thấy bạn quá tàn nhẫn, trách:

— Chị trêu người ta làm gì mãi thế!

— Thì việc gì đến chị?... Ðạo đức mãi! Ra ngoài này nếu không có truyện ngộ nghĩnh như thế thì buồn chết, thà về Hanội còn hơn.

Thu-Cúc thở dài, nói một mình:

— Vô tình đến thế là cùng!

Hai hôm sau, Vân-Lan về Hanội. Suốt nửa tháng. Chiều nào Bạch-Tuyết và Thu-Cúc đi chơi hay đi tắm cũng gặp Văn-Hải lượn quanh. Mà lần nào Bạch-Tuyết nhận được thư của chàng cũng đem đọc cho bạn nghe. Thu-Cúc thấy vậy sinh cáu, mấy lần định cự tuyệt.

Một hôm hai chị em gặp Văn-Hải tay cầm cuốn sách. Bạch-Tuyết hỏi đùa:

— Quyển gì đấy ông?

— Thưa cô quyển l'Amie et la Maîtresse[1].

— Bạn và bà chủ, hay bạn và cô giáo, thưa ông?

Văn Hải mỉm cười.

— Thưa ông, có hay không?

— Thưa cô, hay lắm!

— Chúng tôi đọc được chứ? Ông cho mượn nhé?

— Xin vâng.

Về tới phòng, Bạch-Tuyết quẳng cuốn sách vào ngăn kéo, Thu-Cúc cười, hỏi:

— Mượn về không xem thì mượn làm gì?

— Trêu nó chơi, chứ xem xiết gì! Ðấy cậu có đọc thì đọc... Ðọc xong kể lại truyện cho tôi nghe với nhé. Mấy hôm nữa nhỡ hắn hỏi, nếu chả biết đằng nào mà trả lời thì hắn sẽ khinh chết.

Thu-Cúc thong thả đáp:

— Ðược, chị để tôi đọc cho.

Tối hôm ấy Bạch-Tuyết đi ngủ đã từ lâu. Một mình Thu-Cúc vẫn loay hoay với pho tiểu thuyết. Mà nào cô có đọc! Cô chỉ gấp sách chống tay vào cằm ngồi mơ mộng, cảm động về những câu tư tưởng và những bài thơ của Văn-Hải viết ở các rìa sách. Thu-Cúc nghĩ thầm:

— Ðáng thương! Con người đa tình mà đi yêu một tảng đá!

Hai giọt nước mắt long lanh ở cặp mi như hạt sương buổi sáng rung rinh trên lá... Bổng Thu-Cúc phì cười:

— Rõ mình cũng khéo cảm động hão!

Nhưng cũng nên bảo cho anh đồ biết mà thôi đi, đừng đeo đuổi nó mãi vô ích. Phải đấy, ta làm phúc bảo giùm! Hay ta họa một bài thơ chơi.

Thu-Cúc liền mở từ đầu quyển sách lại một lượt để tìm bài thơ nào tình tứ nhất thì họa.

Song những câu tư tưởng và các bài thơ viết toàn bằng chữ pháp. Có một bài đề tặng một người bạn gái, đại ý như sau này:

Ái tình là gì? Là một lời vĩnh biệt làm tan nát lòng người chăng?

Hay là nụ cười chua chát ở cặp môi thắm.

Rơi vào luồng gió nó cuốn đi trên đôi cánh hồng?

Nếu ái tình là thế, thì than ôi! Sầu thảm biết bao!

Vì tưới bằng nước mắt nhân loại.

Những bông lúa tốt tươi, những hoa hồng rực rỡ.

Chỉ sẽ là những vật rã rời khô héo dưới trời xanh.

Bài thơ nầy cũng như mọi bài khác tuy chỉ toàn bằng những ý tưởng sáo, theo trong các tập thơ Lamartine và Musset, song Thu-Cúc cho là tuyệt bút, đặc sắc chẳng kém gì những bài thơ hay của các thi hào bên Pháp.

Ðọc xong, Thu-Cúc mỉm cười:

— Họa lại được cũng khó lòng. Thì ta cứ trả lời bằng một bài thơ quốc âm đã sao. Cốt anh chàng hiểu thôi mà, tiện nhất cho ta là phê vào đây một câu.

Sáng tinh sương, Văn-Hải đương thơ thẩn ngồi chơi bên chòm đá, bỗng vơ vẩn mắt chàng đặt tới một tảng đá có bốn chữ lớn viết bằng gạch non Văn-Hải — Thu-Cúc, chàng nghĩ thầm, lẩm bẩm:

— Chả có lẽ lại thế.

Chàng còn đương phân vân thì con hầu nhà Bạch-Tuyết lại gần đưa trả quyển sách:

— Thưa cậu, cô con bảo đem nộp cậu quyển sách cậu cho mượn hôm nọ.

— Cô nào?

— Cô Thu Cúc con.

— Thôi được.

Văn-Hải vội vàng mở sách ra xem lại những chổ mình có đề thơ, thì dưới bài « Ái tình » thấy có phê một câu:

« Ái tình nào chỉ có thế? Nó còn ngoắt ngoét hơn nhiều kia! — Nụ cười chua chát cũng chưa tệ chưa ác. Có khi nụ cười dịu dàng thời như đóa hoa hàm tiếu mà trái tim kẻ kia vẩn lạnh như đồng, trơ như đá ».

Văn-Hải xem xong, mỉm cười nói:

— Ðược, ta nghĩ ra mưu kế rồi.

Chiều hôm ấy Bạch-Tuyết và Thu-Cúc đương đi chơi trên bãi cát thì Văn-Hải tay cắp vài quyển sách tiến đến trước mặt cất mũ, ngã đầu chào:

— Thưa cô, vì thấy cô thích đọc tiểu thuyết nên tôi lại đưa cô mượn mấy quyển nữa. Ở đây ngoài sự tắm bể với sự xem sách dễ chả có chi là thú.

Bạch-Tuyết không biết rằng Thu-Cúc đã trả sách, vội vàng tự tạ:

— Thưa ông, quyển sách ông cho mượn bữa nọ chúng tôi xem chưa xong, ông hãy đễ thong thả.

Văn-Hải cười nhạt, dằn từng tiếng:

— Thưa cô, tôi nói cô Thu-Cúc kia ạ. Tôi vẫn biết cô không ưa đọc sách. Có phải không thưa cô Thu-Cúc?

Thu-Cúc phần sung sướng, phần xấu hổ, bẻn lẽn cúi đầu, không trả lời. Còn Bạch-Tuyết thì tuy tức uất người nhưng cố giữ không để nộ khí biểu lộ ra nét mặt, vừa cười vừa cố nói một cách tự nhiên:

— Ðấy! Tôi đã bảo mà. Có sai đâu! Hai hồn thơ rồi thế nào cũng gặp nhau, cũng hiểu nhau, cũng... yêu nhau.

Thu-Cúc cau mày gắt:

— Bậy! Ðùa gì cứ đùa quá!

Hai người nói truyện bằng sách với nhau như thế được một tuần lễ. Mục đích Văn-Hải là chỉ cốt để trêu tức Bạch-Tuyết, nhưng Bạch-Tuyết hình như không hề để tâm đến, gặp Thu-Cúc xem sách cô chẳng nói chi hết, đến nỗi Thu-Cúc thấy bạn quá lãnh đạm phải lấy làm ngượng, và khó chịu.

Một đêm Thu-Cúc thức giấc không thấy bạn nằm bên. Nhìn ra hiên thì đèn điện vẫn sáng. Tò mò, rón rén dậy, nấp xem bạn làm gì, thì thấy Bạch-Tuyết ngồi ghế hai tay ôm đầu, cặm cụi đọc sách.

Bấy giờ vào khoảng một, hai giờ sáng; nước thủy triều đương lên to, ầm ầm đánh vào đống đá chân tường hoa. Gió thổi vù vù, lá thông réo, rít... Nếu vạn vật dữ dội kia im tiếng độ một phút thì sẽ nghe thấy tim của Bạch-Tuyết đập rất mạnh.

Thu-Cúc lại vào giường nằm. Nhưng đường kia nổi nọ, trăm mối vấn vương, không sao ngủ được. Phần cảm động về những bài thơ của ai, phần căm tức bạn ban ngày làm ra mặt lãnh đạm đối với Văn Hải, mà đêm khuya chờ mọi người yên giấc, trở dậy lấy trộm sách ra xem.

Thu-Cúc liền lại trở dậy, rón bước ra hiên. Thì thấy Bạch-Tuyết gục đầu xuống quyển tiểu thuyết đương khóc nức nở. Thu-Cúc vốn đa cảm thấy thế động tâm thương hại, lền đến gần dịu dàng đặt tay lên tay bạn, Bạch-Tuyết giật mình đứng phắt dậy hỏi:

— Ai?.. Chị đấy à?..

— Khuya rồi đi ngủ thôi chứ!

— Ðược, chị cứ đi ngủ trước đi. Tôi chưa buồn ngủ.

— Lại còn trước với sau. Gần sáng rồi. Mê đọc truyện thế mà làm bộ không thích tiểu thuyết.

— Rõ khéo! Việc gì đến chị?

Chị giận em đấy à?

— Ai hơi đâu!

Dứt lời Bạch-Tuyết vùng vằng quay vào phòng. Thu-Cúc theo sau hỏi:

— Chị giận em thực đấy à?... Có truyện gì cho em biết với, xem em có thể an ủi được chị chăng? Can chi chỗ chị em với nhau, chị cứ giấu em thế?

Bạch-Tuyết ngồi phịch xuống giường:

— Chị giấu em thì có... Sao chị với Văn-Hải cùng nhau họa thơ mà...

— Vậy chị yêu Văn-Hải?

Bạch-Tuyết không trả lời, hai dòng lệ ràn rụa trên má.

Thu-Cúc nói:

— Em xin thề với chị rằng em không có tình gì với Văn-Hải hết. Chẳng qua buồn thì họa thơ chơi đó thôi.

Lòng trắc ẩn đã khiến Thu-Cúc thề một câu không thực.

Thì ra ái-tình thật lạ!

Hơn một năm trời, Văn-Hải thầm yêu Bạch-Tuyết đến nỗi mất ăn mất ngủ, bỏ nhãng cả việc học. Trước Bạch-Tuyết còn không lưu ý đến, sau thấy anh cứ luôn luôn bên mình, thì lấy làm khó chịu, tìm hết sức trêu ghẹo cho bõ ghét.

Song từ hôm ra Ðồ-sơn Bạch-Tuyết thấy tính tình đổi khác hẳn. Khi mặt trời mọc, khi mặt trời lặn, khi ánh trăng chơi vơi trên làn sóng, khi tiếng gió vù vù thổi rạp lá thông, Bạch-Tuyết đều cảm thấy trong lòng nẩy ra một mối tình vô hạn. Có buổi chiều, ngồi một mình trên mỏm đá, ngắm chiếc thuyền nhấp nhô mặt biển, Bạch-Tuyết thấy trái tim đập mạnh như hồi hộp vì ai.

— Hay ta yêu? Nhưng yêu ai?

Trong khi ấy thì Văn-Hải luôn luôn quanh lượn bên mình.

Ðối với chàng trước cô còn ghét, sau lãnh đạm, dần dần nói đùa trêu ghẹo. Thành thử cái lòng yêu, buổi mới nó chỉ miên man cùng vừng trăng, cùng làn sóng, nay thấy liên can tới người mình gặp giữa cảnh trăng soi sóng vỗ.

Lại thêm mấy hôm trước ngồi buồn, mở một quyển tiểu thuyết của Văn-Hải ra đọc, cô thấy nhan nhản những thơ tình đề ở rìa sách. Những bài thơ ấy giá hai ba tháng trước lọt vào mắt Bạch-Tuyết thì Bạch-Tuyết cho là gàn, là dở. Nay thì cô thấy hay, đọc lên thấy cảm động. Chỉ vì những bài thơ tình ấy nay đặt vào trong một cái khung thích hợp với ái tình.

Hai hôm sau, Bạch-Tuyết thấy mình ghét Thu-Cúc... Ghét rồi ghen. Người đời vẫn thế cái gì dẫu mình không thích, khi thấy vào tay người khác mình cũng lấy làm khó chịu. Huống cái thích của người, — tuy người ấy là bạn thân, nay lại trở nên cái thích của mình.

¤

Một buổi sáng Văn-Hải nhận được bức thư có vài giòng vắn tắt:

« Ông nên viết thư an ủi Bạch-Tuyết là người đương phiền não âu sầu vì ông. Và tôi ước mong rằng chẳng bao lâu bạn thân của tôi sẽ là Bà Văn-Hải... »

Thu-Cúc thấy Bạch-Tuyết yêu Văn-Hải, và thấy đối với mình Văn-Hải một ngày một thêm quyến luyến, nên quả quyết hi sinh ái tình vì bạn.

   




Chú thích

  1. Bạn và tình nhân.