Bước tới nội dung

Anh phải sống/Tình tuyệt vọng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tình tuyệt vọng

Một đêm lễ Noel. Chung quanh chiếc bàn bầu dục phủ khăn trắng trên bày la liệt các món ăn lạnh, năm người ngồi như có chiều mỏi mệt, có dáng buồn rầu. Vì thức khuya chăng? Lúc đó đã gần hai giờ sáng. Vì nghe bài thuyết giáo quá nghiêm khắc của cố B. vừa diễn ra ở nhà thờ chăng?

Tối hôm ấy, hăm bốn tháng chạp tây, cũng như mọi năm, năm người bạn vừa đi dự lễ « Nửa đêm » về, tuy trong năm người không ai theo đạo Thiên-Chúa. Chẳng qua sống trong cảnh phong lưu, họ chỉ tìm cơ hội để cùng nhau yến lạc cho thỏa thích.

Nhưng sao gà vịt đầy bàn, sâm banh đầy cốc, mà chủ khách ngồi ủ rũ như chẳng muốn ăn, như chẳng buồn uống?

Người ủ rũ nhất là thi sĩ Văn-Châu. Linh hồn chàng như đương phiêu diễn nơi xa. Mà chính chàng đã gây nên làn không khí lạnh lùng tẻ ngắt ấy nó lan rộng, nó bao bọc lấy cái bàn tiệc đương đầy những tiếng cười đùa vui vẻ. Chàng nghĩ thơ chăng? Chàng say rượu chăng? Ðều không phải. Chàng chỉ nhớ tới một ngày trong quãng đường đã qua, ngày bạn Tùng-Thiện cưới vợ mà chàng đi phù rể.

Văn-Châu còn nhớ rõ ràng buổi chiều hôm ấy lái chiếc ô-tô theo con đường cong queo về một cái làng hẻo lánh đón dâu. Nghe nói trong đám phù dâu có một cô đẹp lắm, chàng nóng lòng mong cho chóng đến lúc lễ nhà thờ. Một lát, như bầy tiên nữ xuống trần, các cô ung dung yểu điệu ở trong buồng bước ra. Bỗng Văn-Châu ngây người đứng nhìn đăm đăm, không chớp mắt: Chàng không hiểu vì cớ gì, nhưng mới thoạt trông thấy cô dâu là chàng đã đem lòng yêu ngay, cái yêu vô nghĩa lý, nhưng nó mạnh vô chừng, tưởng như hai người vốn sẵn duyên kiếp từ đời nào, đã hẹn hò cùng nhau ở kiếp này mà đến bây giờ mới gặp gỡ.

Từ bấy đến nay đã năm năm. Ðã năm năm Văn-Châu ngày ngày đến chơi nhà bạn, trong lòng chôn một khối tình vô-lý.

Một lúc lâu, Tùng Thiện uể oải cất tiếng hỏi:

— Ăn xong rồi ta làm gì?

— Rồi ta lại ăn!

Mọi người cười ồ. Cười, vì câu trả lời của bà Tùng-Thiện có lý thú, nhưng nhất là vì bà Tùng-Thiện đẹp, đẹp lộng lẫy, đẹp rực rỡ. Trong bọn năm người, trông bà lộ hẳn ra, nước da trắng hồng đôi mắt sáng quắc như hai ngôi sao, cặp môi son cười tươi tựa đóa hoa hồng hàm tiếu.

Cái vui lúc chập tối, hầu biến mất hình như đã theo câu khôi hài của một mỹ nhân mà trở lại xung quanh bàn bầu dục. Phải! có nhan sắc diễm lệ như thế thì muốn gì mà chẳng được! Muốn người buồn, người phải buồn, muốn người vui, người phải vui.

— Chị Tùng-Thiện nói thì ra dáng ăn khỏe lắm, nhưng chỉ thấy chị ngồi nhìn đĩa, chẳng chịu đụng tới món nào.

Bà chủ nhà, vừa nói vừa cười, vừa đặt vào đĩa bà khách một cái tỏi gà thiến quay. Ngồi đối diện vợ, Tùng-Thiện nói đùa:

— Ðã thế thì sực hết cái đùi gà, lại bắt ăn một cái cánh vịt nữa.

— Sợ gì!

Ngồi xát cạnh bà Tùng-Thiện, chủ nhân Văn-Bình mỉm cười nói tiếp:

— Thế mới thực đáng là bậc đàn chị chứ.

— Còn anh Văn-Châu chỉ ngồi mà nhìn thôi à? Hay lại tìm vần thơ đấy?

— Thưa bà, không. Trí tôi đang ôn lại bài thuyết giáo của nhà giáo sĩ diễn ban nẩy.

— Nghĩ tới làm gì! Chúng ta cứ yên trí rằng thế nào cũng sẽ được lên thiên đường cả là đủ rồi.

— Thưa bà, trừ tôi, vì tôi phạm một tội nặng lắm.

— Thú đi, tôi rửa tội cho.

— Tội tôi, không thể thú mà cũng không thể rửa được... vì tôi chôn sâu nó ở trong lòng tôi âu yếm nó, thờ phụng nó...

— Trời ôi! ai lại thờ phụng tội lỗi bao giờ?

— Văn-Châu, bạn yêu quí của chúng ta phạm « tội khả ái » rồi, mợ ạ.

— Tội khả ái! nghĩa là gì thế?

— Là tội đáng yêu.

Văn-Châu đỡ lời:

— Là ái tình tuyệt vọng.

Bà Tùng-Thiện díu đôi lông mày, ngẫm nghĩ:

— Tôi vẫn không hiểu.

Tùng-Thiện mỉm cười, âu yếm nhìn bạn, rồi quay lại nói với vợ:

— Có gì mà mợ không hiểu. Thí dụ Văn-Châu yêu một người đàn bà. Yêu ngay từ buổi, ngay từ phút mới gặp lần đầu. Song yêu mà không bao giờ dám hé môi, vì người mình yêu có lẽ là vợ bạn thân. Ðó, tình tuyệt vọng, tội khả ái chỉ là thế.

« Này! anh Văn-Châu, anh cho phép tôi thay lời người anh yêu trộm, nhớ thầm mà an ủi anh mấy câu:

« Ở đời không có hạnh phúc nào cao thượng bằng hạnh phúc của ái tình tuyệt vọng... Yêu nên chiều, chiều nhưng không dám, không dám nên kính trọng, kính trọng nên càng yêu. Sướng lắm, sướng trong tinh thần, trong linh hồn, trong lý tưởng. Anh đừng tưởng anh yêu thế là có tội. Không có tội, thì anh cứ yêu, nhưng cứ yêu như thế thôi.

« Nếu anh lại muốn vượt qua giới hạn cái yêu suông — anh cho là suông thì nó suông, chứ thực ra nó không suông đâu! — Nếu anh lại muốn ái tình ấy được hoàn toàn, — hoàn toàn như ý anh tưởng tượng, — thì ngay mà anh quả quyết phạm vào tội nhục thể, sẽ là ngày đưa đám cái hạnh phúc tuyệt đích của anh. Vì nếu người đàn bà có chồng cự tuyệt anh, thì anh mặt mũi nào còn dám nhìn tới người anh kính yêu xưa nay nữa. Mà nếu người đàn bà siêu lòng vì những lời cuồng bột tà dâm, thì thiên tiểu thuyết ái-tình của anh sẽ đầy dẫy những sự khốn nạn, nhỏ nhen, nhơ nhuốc nó bắt anh tự khinh anh và bỉ người mà trước anh yêu, anh kính. Cho đến cái tình bằng hữu thiêng liêng kia cũng thành giả dối, giả dối với lương tâm anh.

« Vậy thì anh cứ yêu, cứ yêu như anh đương yêu. Yêu như thế không có tội gì hết, mà người chồng dẫu có biết, cũng chỉ thương anh chớ không ngờ vực anh đâu ».

Bà Tùng-Thiện nhích một nụ cười:

— Cậu rõ đáng ghét. Câu truyện khôi hài, mà làm như người đứng diễn thuyết... Sao không thêm một tràng « vạn tuế » vào luôn thể!

— Chứ sao! Ái tình vạn tuế! Bằng hữu vạn tuế!

Mọi người vỗ tay, cười vang. Văn-Châu đứng dậy lớn tiếng hô:

— Thiếu niên vạn tuế!

Rồi nâng cốc sâm banh nói luôn:

— Xin uống cạn cốc nầy đễ mừng cho tuổi thiếu niên, cái tuổi có đủ các đức tốt, cả đức hay tha thứ... Xong rồi, tôi đọc cho các anh, các chị nghe bài đoản thi tôi dịch của Arvers sang quốc văn.

— Ðọc đi đã, rồi mới uống rượu!

— Bài ấy tôi dịch đã năm năm nay, có chỗ nào kém, các anh phủ chính cho nhé!

— Nhún mãi! mỗi cái đọc đi!

Văn-Châu cúi mặt xuống nhìn bàn, đọc thẳng một hơi bài thơ đã thuộc lòng:

Lòng ta chôn một khối tình.
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
Tình tuyệt vọng, nổi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay
Hỡi ơi! người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Truyện riêng dễ dám một lần hé môi?
Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Ðường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong,
Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng,
« Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây? »

Mọi người vỗ tay. Tùng-Thiện nói:

— Ừ có thế chứ! xuýt nữa anh quên mở túi thơ của anh ra.. Nhưng trời gần sáng rồi, xin nhà thi sĩ nâng cốc lần cuối cùng để chúc tụng với chúng tôi cái lòng trinh tiết của bà Nodier và những tấm ái-tình tuyệt vọng của nhân loại.

Ðêm hôm ấy, tuy ngủ được có trong vòng hai tiếng đồng hồ, nhưng là cái đêm khoái nhất của đời Văn-Châu. Cảm phục tấm lòng quân tử của bạn, lương tâm Văn-Châu như vừa trút được một khối nặng, nó đè nén đã suốt năm năm.