Bài tựa chữ Nôm viết cho "Hợp quần doanh sinh thuyết"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bài tựa chữ Nôm viết cho "Hợp quần doanh sinh thuyết"
của Phan Châu Trinh

Chương Thâu phiên âm theo nguyên bản chữ Nôm - sách của Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu: VNV.224

Mở bản họa đồ của hai nửa địa cầu, xem sử dân tộc trong năm mảnh đại châu, mà nhìn rộng ra, hơn hai mươi triệu loài người, hàm răng đội tóc, vuông chân tròn đầu, hỏi xem có nước nào: lập quốc ở trước mặt đất hơn hai nghìn dặm, tự Bắc chí Nam, nào ven bể nào đất liền hơn hai nghìn dặm; năm loại kim khắp đất, năm trăm giống thóc đầy đồng; nào rừng tre nào miễu gỗ, nào muối mắm chăn tằm, cất chân tìm là đủ ăn no bụng. Những muối mắm chăn tằm, cất chân tìm là được đủ ăn no bụng. Những kẻ bước chân đến nước mình, kiếm ăn đến xứ mình, đều lưng vốn gấp nghìn, hàng bày đủ mặt; mà cái ông chủ ngồi ôm lấy cái non sông gấm vóc đó, cứ lì lì, lười chân biếng tay, bịt tai nhắm mắt, học không hay cày không biết, công chẳng thiết thương chẳng cần; mùa được mà gào đói, nằm ấm mà than rét; trừ cách cúi đầu quỳ gót, khóc lóc van xin người ngoài, không còn có một nghề gì, một nghiệp gì để tự độ lấy thân cả; hẹp đất chật trời, không còn gì là thú sống; ốm hen hoi hả, sớm chẳng chắc chiều, như người nước ta vậy không ? Chắc hẳn là không có ...

Hỏi xem có giống người nào: quây quần hơn hai nghìn vạn, cùng sinh một đất, cùng bơi một dòng; trong ngoài(1) cùng một tục truyền, Nam Bắc cùng một thứ tiếng; khoe khoang nhau bằng lễ nghi văn hiến, xưng hô nhau bằng chú bác anh em; thế mà đãi giống khác, tiếp người ngoài(2) thì vâng theo chiều chuộng, chỉ sợ không chu; đến như cùng giống cùng nòi, lại nỡ coi như quân thù, lạt như nước lã; ngã đau chẳng xót, mẹo lừa lẫn nhau; không có một chút nào là tình liên lạc, không có một mảy nào là bụng thương yêu; không có cái đoàn thể bền chặt nào là đông quá ba người, không có một hội xã lợi ích nào là vốn hơn trăm bạc; chùa Phật điện Thần, vàng son rực rỡ; tiệc ca chiếu rượu, mâm chén ngổn ngang; ném món tiền nghìn lạng để cầu một chức quan, phá nghiệp nhà bậc trung để lấy một tên đỗ; thế mà nói đến chuyện lập hội buôn, mở trường học, dựng xưởng thợ, khẩn đồn điền thì thu tay đứng nhìn, một cái lông không muốn mất; lợi bằng cái tóc thì so kè, họa bằng cái núi thì không nghĩ; như người nước ta ấy không ? Chắc hẳn là không có ...

Than ôi ! Lấy sợi tóc mảnh mà buộc nặng ngàn cân, hơi xểnh cửa sinh là lâm vào đất chết; ruổi cho mau, nối cái tình thương yêu đây đấy, bỏ cái nhầm gián cách nọ kia; hợp sông làm bể, giùm cây nên rừng; phàm việc sống phải nhớ, trừ ra chết mới bỏ; mưu sống như thế, còn sợ không toàn; huống hồ lại họp một bọn vô số những hạng người cổ xưa, không học thức, không lý tưởng, không nghề nghiệp, không công đức, mà cho ra chống chọi trong giữa chừng mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết này, ta không biết trông mong gì chẳng đem lòng lo sợ.

Ấy vì thế nên những người có biết, phải khóc máu sôi tim, mỏi mồm khan tiếng, mà ngay ngáy lo đồng bào ta trong bước sau này. Bài "Hợp quần doanh sinh" của ông Mai Sơn có lẽ cũng có ý ấy chăng ? Cũng có chí ấy chăng ? Ông là một người có tiếng ở Bắc Kỳ, nay lại đem sức theo đòi học mới; bể dâu biến cải, từng trải đã nhiều; nấn ná bấy lâu, ta biết rằng không có thể cứ nín thít mà nằm yên được, muốn ra tay tổ chức một công cuộc cho xã hội, mà trước hết viết bài này để hỏi người đời; ngẫm nghĩ ý trong bài thì chẳng qua là lấy họp đoàn thể, mở thực nghiệp là cái nghĩa thứ nhất trong lúc mở màn.

Song lại sợ dân đức, dân trí nước mình, còn chưa đủ để nói chuyện ấy chăng. Nên lại lấy những tập tục hủ bại từ trước, những tình trạng khốn nạn hiện nay, đem ra mà ghép nên lời, tỉ tót cân quyền, ba tiếng than sau, theo với một câu xướng trước.

Tôi đến Hà Thành mới đầy vài tháng, muốn tìm những văn nghị luận của các sĩ phu ngoài Bắc, đã lâu mà chưa được bài nào. Gần đây ở nhà ông Nghiêm(3) là chủ hội Hà Thành Quảng Hợp Ích Thương hội, được xem bài này của ông (Mai Sơn) không xiết vui mừng, vội khuyên để xuất bản. Lại được sớm hôm đi lại, cùng nhau bàn bạc, thời sự, mới biết rằng ông đối với tiền đồ Tổ quốc, sắp nói trong một bộ sách lớn, mà bài này chẳng qua một mảnh lông trong chiếc áo cát quang đó thôi. Vả chẳng cứ như điều được biết, thời cái thế kỷ hai mươi này, chính là cái cuộc đời của người văn minh, cùng người bán khai, đương ganh đua lấy bước sinh tồn. Các nước châu Âu châu Mỹ trong vòng năm mươi năm nay; cái dây gắn bó của dân tộc, muôn người cùng lòng, còn đường tiến hóa của nước nhà, một ngày ngàn dặm; mà những kẻ lo sâu nghĩ xa ở trong nước, còn không ngại mòn óc nát tim, ráo môi khô lưỡi; hằng ngày xây một cái huyễn tưởng sắp tới, rất hiếm rất nguy, để rền rĩ ngay cạnh nách; hằng ngày nêu một cái mục đích, rất tươi rất tốt, để khua múa ngay bên cạnh mình; mà các nước Á Đông chúng ta cùng rung động xôn xao về cơn sóng gió mới của toàn thế giới. Những bậc chân nhân chí sĩ giật mình về những cơ sống chết mất còn của dân của nước, cùng nhau xuôi ngược kêu rao, ngậm ngùi than vãn; sớm viết một tập sách, chiều ra một tờ báo; để hàng ngày gõ vào đầu, khua vào óc cho người trong nước; khác nào vớt chết đuối, chữa cháy nhà, không thể một khắc nào là để chậm; khác nào đói ăn cơm, khát uống nước, không thể một người nào là nhạt nhẽo. Ấy thế mà một người rên trăm người hỏi, một người xướng trăm người theo, đọc những sách, xem những lời bàn; cơ hồ không biết là nét chữ hay là dòng châu, là nét mực hay là dòng máu; khiến cho người xem phải khóc phải ngâm, phải nghe phải tức, phải dựng chân tóc, phải đau khúc lòng. Đến nay xếp vào nhà có thể chật đến xà ngang, tải lên xe có thể nhọc cho trâu kéo(4). Thế mà thế vẫn chưa thôi, nước ta trong mấy mươi năm nay, thế nước rất đỗi khó khăn, lòng người ngày càng suy kém; cái gương mờ ám trước mắt, cái đường nguy hiểm sau này; đều có cái thế tan hoang không đợi trọn ngày, điều đó chẳng cần phải kể; người biết thời mới xét được ra, người khéo miệng mới bày được gió. Thế mà những kẻ đọc sách biết chữ trong nước, chưa có ai làm được một bài bàn, viết được một quyển sách, đăng được một tờ báo, để gọi là lay tỉnh người nước ta trong một phần muôn. Dẫu có một vài ông học sĩ, đôi ba cậu thiếu niên, gọi độc lập, nói tự do ... song chẳng qua khí khái hão mà tức tối xằng; chắp nhặt vài ba danh từ mới, để làm câu nói đầu lưỡi; chứ thực thì không phương châm, cũng không mục đích; không lòng kiên nhẫn, không chí lâu bền; lúc xoay đông, lúc lại chuyển tây; chốc nóng bốc, chốc đã lạnh ngắt. Giá phỏng có ai lấy lời ngông ý hỏi mà bẻ bai, đem mặt giận tiếng to mà dọa nạt; thời lại hồn mê chí quẩn, mặt xám mày run; lấm lét bàng hoàng, bỏ ngay chủ ý. Tìm lấy kẻ đã ngã thêm hăng, trăm lay chẳng chuyển, thời thực là chưa thấy được mấy người. Sĩ đã thế rồi, dân lại càng quá, còn mong gì không chồn không khuất, tự đứng tự đi; trơ trơ giữ vững trong vòng, đối mặt bi ca, dưới chỗ mấy lần áp chế, mở toang lối quậy, quát lớn gào to; phá tan giấc mơ mộng cho triệu người, cứu vớt kiếp đắm chìm cho muôn thuở; để mở một con đường sinh hoạt cho nhân dân, phóng một tia sáng quang minh cho Tổ quốc nữa đâu !

Than ôi ! Non sông Hồ Lạc, bể dâu chưa tắt khí thiêng; thời buổi gió mấy, thảo dã(5) còn nhiều người giỏi. Lên cao gọi một tiếng: nước ta còn có người nữa không ? Ta chắc rằng trong vòng gió bụi, dưới chốn suối rừng, tất nhiên có một ông Mai Sơn vùng ngồi dậy, nhoẻn miệng cười mà rằng: "Việc đó không phải là việc lạ lùng gì lắm", mơ màng nghĩ đến, tinh thần tìm đến, ta lại chắc rằng ông Mai Sơn cũng cho câu nói của ta, phải như Hà Hán(6) đâu xa mà ngờ !

Chú thích

(1) Trong ngoài: tức là đàng trong đàng ngoài

(2) Giống khác, nước ngoài: chỉ người Pháp

(3) Ông Nghiêm: có lẽ là Nghiêm Xuân Quảng, một nhân sĩ Bắc Kỳ có tham gia lập hội buôn hồi đó

(4) Nguyên văn là "thử chi vị hãn ngưu sung đống": chính là bảo làm chảy mồ hôi trâu, làm đầy cả xà nhà

(5) Thảo dã: đồng cỏ, chỉ nơi thôn quê, núi rừng

(6) Hà Hán: nghĩa đen chỉ sông Ngân Hà ở trên trời. Nghĩa bóng chỉ điều viễn vông, xa cách khó thực hiện được