Bước tới nội dung

Bài văn bia đền thờ ông Chu Văn An

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bài văn bia đền thờ ông Chu Văn An  (1707) 
của Nguyễn Công Thái, do Dương Quảng Hàm dịch

Bài văn bia này làm năm Vĩnh Thịnh thứ ba (1707) đời vua Lê Dụ Tông.

Tiên-sinh họ Chu húy là An, người huyện Thanh-đàm[1] xưa. Ở về đời Trần, trải bốn đời vua[2]. Sau ẩn về ở núi Chí-linh[3], được phong tặng là Văn-Trinh-công và được tùng-tự[4] ở văn-miếu. Đền này là chỗ thờ riêng ngài, tục truyền là nơi ngài giảng-học khi xưa. Mấy đời đều có gia-phong, đến nay thờ làm phúc-thần. Xưa có bia chép sự-tích ngài, sau lâu ngày chữ đã mòn cả. Nay dân làng phụng thờ lại, đến xin tôi soạn lại. Tôi là kẻ hậu-sinh, lại là người đồng-huyện, không dám vì mình còn thiển vụng mà từ chối. Vậy xin chắp tay làm bài tự này.

Ôi! Người sĩ-quân-tử hơn người là ở điều dốc đạo bền lòng, cử-động theo nghĩa, không theo thói thường mà tự dối mình. Hễ bàn đến các bực nho-sĩ nước Việt ta, chỉ có tiên-sinh là đáng trọng hơn cả. Đương lúc làm quan, không tham danh-lợi, hạnh thật là cao! Những khi ở nhà, chăm giảng kinh điển, học thật là chính! Lại đáng kính-phục nữa là đạo thầy rất mực tôn-nghiêm, học-trò nhiều người thành-tựu. Cái ơn tiên-sinh đào-tạo nên người thật là vô cùng vậy!

Niên-hiệu Khai-thái[5], sung chức tư-nghiệp, trông nom việc dạy thái-tử, làm mô-phạm cho bọn học-trò, danh tiếng thật là vòi-vọi! Triều vua Thiệu-phong[6], giận kẻ quyền-thần, dâng sớ xin chém bảy đầu, làm rùng mình cả bọn gian-nịnh, trung nghĩa thật là chói-lọi! Nói vua không nghe, liền xin từ chức, lui về làng cũ, vui vẻ núi non. Sau lại vời cho làm quan không chịu làm. Vì đã rõ thời-cơ thế-cục, không chịu đổi tiết thơm lấy công-hầu.

Than ôi! Đời thánh-hiền đã xa, không có ông làm gương thì kẻ học-giả lấy ai làm Thái-sơn[7]? Thói liêm-sỉ đã tệ, không có ông cao-thượng thì kẻ sĩ-phu lấy ai làm nêu cột? Ông lúc mất đặt hiệu là Văn-Trinh thật không phải là hư-danh vậy. Nghìn năm phụng thờ thật là sứng đáng! Tuy vậy thói hay của ông cùng với sông Thanh-đàm còn chảy dài mãi, khí thiêng của ông cùng với núi Chí-linh còn cao ngất mãi. Trăm đời về sau hương thơm không dứt, há còn phải dựng bia đá nữa ru? Song mấy hàng chữ này khắc vào đá vững thì đạo-đức, sự-nghiệp, thanh-danh, khí-tiết của ông lại càng rõ rệt thêm, khiến cho người sau mắt thấy phải mộ phải theo, phải sùng phải ngưỡng, một để khích bụng liêm-sỉ, một để sửa thói siểm-nịnh. Thế thì dựng miếng bia này cũng có quan-hệ đến việc răn đời, cho nên chép.

   




Chú thích

  1. Nay là huyện Thanh-trì tỉnh Hà-đông.
  2. Là những đời vua Trần Minh-tôn, Hiến-tôn, Dụ-tôn và Nghệ-tôn.
  3. Núi Chí-linh ở tỉnh Hải-dương; sau khi ông về trí-sĩ, ông làm nhà ở đấy.
  4. Văn-miếu nguyên thờ đức Khổng-tử, các bực tiên-hiền cao-sĩ thường được thờ kèm ở đấy, gọi là tùng-tự.
  5. Niên-hiệu vua Trần Minh-tôn (1324-1329).
  6. Niên-hiệu vua Trần Dụ-tôn (1341-1358).
  7. Thái-sơn là một trái núi cao có tiếng bên Tàu; đây nói bóng là cái mô-phạm tôn-nghiêm cho người ta ngưỡng-vọng.


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1930, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1975. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)