Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2021
BÁO CÁO TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ VIỆT NAM 2021
Tóm tắt
[sửa]Hiến pháp Việt Nam quy định tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp luật quy định sự kiểm soát đáng kể của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo và có những quy định mập mờ cho phép hạn chế tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vẫn duy trì một quy trình đăng ký và công nhận các nhóm tôn giáo gồm nhiều bước. Một số chức sắc tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm chưa yêu cầu công nhận hoặc đăng ký, hoặc chưa được công nhận chính thức, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cho biết chính quyền có nhiều hình thức sách nhiễu – bao gồm việc hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác. Một số tổ chức xã hội dân sự báo cáo có những cuộc đàn áp nghiêm trọng vào thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên. Các nhà hoạt động về tự do tôn giáo cho biết nhà chức trách địa phương chấp thuận các hồ sơ đăng ký dựa trên lập trường chính trị của các nhóm tôn giáo hơn là dựa trên giáo lý. Trong năm qua, chính quyền không công nhận tổ chức tôn giáo mới nào. Nhiều chức sắc tôn giáo trên cả nước cho biết một số điều kiện đang được cải thiện so với các năm trước, chẳng hạn như các nhóm tôn giáo chưa đăng ký có mối quan hệ tốt hơn với chính quyền địa phương, và các hình thức sách nhiễu hung hăng đã giảm đi. Thành viên các nhóm tôn giáo đã được công nhận hoặc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nói rằng nhìn chung họ có thể thực hành tín ngưỡng mà ít bị chính quyền can thiệp hơn. Thành viên của một số nhóm tôn giáo tiếp tục báo cáo rằng một số chính quyền địa phương và cấp tỉnh viện dẫn việc họ không tuân thủ các trình tự đăng ký bắt buộc để trì hoãn, phủ nhận tính hợp pháp và trấn áp hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính quyền về cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc hội họp và các hoạt động khác của họ. Chính quyền không truy cứu trách nhiệm đối với bất kỳ quan chức chính phủ nào về việc không tuân thủ thời hạn theo luật định và không tuân thủ các yêu cầu thông báo bằng văn bản khi từ chối hồ sơ đăng ký được quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Có các báo cáo về các vụ xung đột, đôi khi có bạo lực, giữa thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký với các nhóm tôn giáo đã đăng ký hoặc đã được công nhận, hoặc giữa những người theo và không theo tôn giáo. Các nhà hoạt động tôn giáo quy kết nhà chức trách “thao túng” các nhóm tôn giáo đã được công nhận và cáo buộc các đặc vụ của họ gây ra xung đột nhằm trấn áp hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký.
Đại sứ và các quan chức cấp cao khác của đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ thường xuyên hối thúc chính quyền cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do. Họ yêu cầu giảm mức độ can thiệp của chính quyền vào công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo đã được công nhận và đăng ký, và kêu gọi chấm dứt các hạn chế và sách nhiễu đối với các nhóm tôn giáo chưa được công nhận hoặc chưa đăng ký. Họ nhấn mạnh với các quan chức chính phủ rằng tiến bộ về tự do tôn giáo và quyền con người có ý nghĩa cốt yếu đối với việc cải thiện quan hệ song phương. Đại sứ, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh và các viên chức chính quyền và viên chức sứ quán cấp cao khác đã vận động cho tự do tôn giáo trong các chuyến thăm trên cả nước, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam. Với Ban Tôn giáo Chính phủ (Ban TGCP), Bộ Ngoại giao, chính quyền cấp tỉnh và cấp địa phương, các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán đã nêu ra các vụ việc cụ thể về lạm dụng và sách nhiễu của chính quyền đối với các nhóm Công giáo, Tin lành, trong đó có các nhóm Ngũ tuần độc lập; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; các nhóm Hòa Hảo độc lập; các nhóm Cao Đài độc lập; các hội thánh tư gia của người dân tộc thiểu số như đạo Dương Văn Mình. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi tăng cường việc cấp đăng ký cho các giáo đoàn trên cả nước và cải thiện chính sách đăng ký sao cho thống nhất và minh bạch hơn, đồng thời họ cũng hối thúc chính phủ Việt Nam giải quyết các tranh chấp đất đai còn tồn đọng với các tổ chức tôn giáo một cách hòa bình. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cũng kêu gọi cho phép tù nhân được tiếp cận không hạn chế đối với các tài liệu tôn giáo. Đại sứ và các quan chức đại sứ quán, tổng lãnh sự quán đã gặp gỡ các chức sắc tôn giáo của các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký, cũng như tham dự các cuộc lễ tôn giáo để bày tỏ sự ủng hộ đối với tự do tôn giáo.
Phần I. Thống kê về tôn giáo
[sửa]Chính phủ Hoa Kỳ ước tính dân số Việt Nam là 102 triệu người (tính đến giữa năm 2021). Theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019 của chính phủ, có khoảng 13 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 14% dân số. Theo báo cáo này, Công giáo La Mã có số lượng tín đồ lớn nhất với 6 triệu tín đồ, chiếm 45% tổng số tín đồ tôn giáo trên cả nước và 6% dân số. Báo cáo xếp đạo Phật vào nhóm tôn giáo lớn thứ hai, với 5 triệu tín đồ, chiếm 35% tổng số tín đồ tôn giáo trên cả nước và 5% dân số, tuy nhiên Báo cáo này chỉ ghi nhận những tín đồ đạo Phật có đăng ký chính thức với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo số liệu tổng điều tra dân số, thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam giảm từ hơn 7 triệu người năm 2009 xuống khoảng 5 triệu người năm 2019. Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu ý rằng con số này không tính đến hàng chục triệu người khác tin và thực hành đạo Phật ở các mức độ khác nhau mà không chính thức tham gia vào một nhóm Phật giáo đã đăng ký. Ban TGCP ước tính rằng số lượng tín đồ đạo Phật là hơn 10 triệu người. Trong cộng đồng tín đồ Phật giáo, Phật giáo Bắc Tông là tôn giáo chính của dân tộc đa số người Kinh (Việt), còn lại khoảng 1% dân số, hầu hết là nhóm dân tộc thiểu số Khmer, thực hành Phật giáo Nam Tông.
Theo kết quả tổng điều tra dân số, đạo Tin lành là nhóm tôn giáo lớn thứ ba với gần 1 triệu tín đồ, chiếm 7% tổng số tín đồ tôn giáo trên cả nước và 1% dân số. Kết quả tổng điều tra dân số trái ngược với số liệu thống kê tháng 1 năm 2018 của Ban TGCP trong đó 26% dân số được xếp vào các tín đồ tôn giáo tham gia các hoạt động tôn giáo đã được đăng ký, với 15% là tín đồ đạo Phật, 7% là tín đồ Công giáo, 2% là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, 1% là tín đồ đạo Cao Đài, và 1% là tín đồ đạo Tin lành. Tuy nhiên, các quan chức Ban TGCP cũng ước tính 90% dân số theo một đạo truyền thống nào đó, có đăng ký hoặc không đăng ký. Theo các quan sát viên, nhiều tín đồ tôn giáo không tiết lộ công khai tôn giáo của mình do lo sợ các hậu quả bất lợi, dẫn đến có sự khác biệt đáng kể giữa các số liệu thống kê khác nhau.
Theo số liệu thống kê của chính phủ, tổng số tín đồ tôn giáo đã giảm khoảng 2,5 triệu người và tỷ lệ tín đồ tôn giáo trên tổng dân số đã giảm từ hơn 18% xuống còn 14% trong khoảng thời gian giữa hai lần tổng điều tra dân số từ năm 2009 đến năm 2019. Theo số liệu tổng điều tra dân số, số lượng tín đồ Công giáo và đạo Tin lành có tăng, trong khi số lượng tín đồ đạo Phật và các nhóm tôn giáo dựa trên truyền thống bản địa lại giảm. Tuy nhiên, các báo cáo của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công giáo và đạo Tin lành ở cấp tỉnh lại cho thấy số lượng thành viên tất cả các nhóm tôn giáo này tiếp tục gia tăng.
Các nhóm tôn giáo nhỏ hơn cộng lại chỉ chiếm dưới 0,16% dân số, bao gồm đạo Hinđu (chủ yếu là khoảng 70.000 người dân tộc Chăm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ); khoảng 80.000 tín đồ Hồi giáo sống rải rác trên cả nước (trong đó khoảng 40% theo dòng Sunni; 60% còn lại theo dòng Bani Islam); khoảng 3.000 người theo đạo Baha’i; và xấp xỉ 1.000 người là tín đồ thuộc Giáo hội các tín hữu ngày sau của Chúa Giê su Ki tô (Giáo hội Mặc môn). Các nhóm tôn giáo bản địa (đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn) chiếm tổng cộng 0,34% dân số. Một nhóm nhỏ, phần lớn là người nước ngoài, theo đạo Do Thái cư trú ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các số liệu thống kê tín đồ tôn giáo trên toàn quốc của Ban TGCP và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập hợp các tổ chức gắn với chính quyền dưới sự bảo trợ của Đảng Cộng sản Việt Nam, được cho là thiếu tính toàn diện hơn, bởi các số liệu này không tính đến thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký.
Các công dân khác không theo tôn giáo nào, hoặc theo các tín ngưỡng thờ linh vật, thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, các vị thánh bảo hộ, các anh hùng dân tộc, hoặc những người được kính trọng ở địa phương. Nhiều cá nhân kết hợp giữa các hình thức thờ cúng truyền thống và giáo lý tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Các cơ sở nghiên cứu, trong đó có Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ước tính rằng có khoảng 100 “tôn giáo mới”, hầu hết ở miền núi phía bắc và Tây Nguyên.
Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số. Dựa theo ước tính của các tín đồ, có khoảng 2/3 tín đồ đạo Tin lành là người dân tộc thiểu số, bao gồm các nhóm ở khu vực Tây Bắc (H’mông, Dao, Thái và các dân tộc khác) và Tây Nguyên (Êđê, Jarai, Xêđăng, M’nông và các dân tộc khác). Nhóm dân tộc Khmer Krom chủ yếu theo dòng Phật giáo Nam Tông.
Phần II. Tình hình tôn trọng tự do tôn giáo của Chính phủ
[sửa]Khung pháp lý
[sửa]Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do không theo một tôn giáo nào. Hiến pháp thừa nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của những người bị hạn chế quyền, bao gồm phạm nhân hoặc người nước ngoài và người không có quốc tịch. Hiến pháp quy định tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp cấm công dân vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 hướng dẫn thi hành Luật là các văn bản pháp luật chủ yếu điều chỉnh các nhóm tôn giáo và hoạt động của họ. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tái khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và cũng quy định rằng các cá nhân không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh; tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Chính phủ đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo riêng biệt theo phân loại của Chính phủ. 16 tôn giáo đó là: Phật giáo, Hồi giáo, Bahai, Công giáo, Tin lành, Mặc môn, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu, đạo Bà la môn Khơ me, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm. Các hệ phái thuộc mỗi tôn giáo này phải làm thủ tục đăng ký và/hoặc công nhận riêng. Còn năm nhóm nữa là Hội thánh Phúc âm ngũ tuần, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, và Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ki tô đã được cấp “đăng ký hoạt động tôn giáo” nhưng chưa được công nhận là tổ chức tôn giáo chính thức.
Luật quy định cụ thể rằng các tổ chức tôn giáo đã được công nhận và các nhóm tôn giáo trực thuộc của chúng là các pháp nhân phi thương mại. Luật cũng quy định rằng các tổ chức tôn giáo được phép tiến hành các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan. Chính phủ không cho phép các tổ chức chưa được công nhận tiến hành quyên góp hoặc phân phối hàng cứu trợ mà chưa được chính quyền chấp thuận và đăng ký.
Ban TGCP, một trong 18 đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm thi hành các luật và nghị định về tôn giáo, có hệ thống cơ quan ở cấp trung ương, cấp tỉnh, và ở một số khu vực còn có văn phòng ở cấp huyện. Luật quy định trách nhiệm cụ thể của Ban Tôn giáo ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp địa phương, và giao một số nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến tôn giáo cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp địa phương (tức là giao cho lãnh đạo địa phương). Ban TGCP cấp trung ương có trách nhiệm phổ biến thông tin cho các cấp chính quyền và bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật về tôn giáo ở các cấp tỉnh, huyện, xã và thôn.
Luật cấm ép buộc người khác theo hoặc từ bỏ một tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
Nghĩa vụ quân sự là phổ thông và bắt buộc đối với nam giới từ 18 đến 25 tuổi, mặc dù có các ngoại lệ. Không có ngoại lệ nào liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật quy định các cá nhân phải đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cấp xã nơi “đặt địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo” và quy định một quy trình hợp pháp hóa gồm hai bước để các tổ chức tôn giáo có thể tập trung tại một địa điểm xác định để “thực hành nghi lễ thờ cúng, cầu nguyện, hoặc bày tỏ niềm tin tôn giáo”. Bước đầu tiên là “đăng ký hoạt động tôn giáo” tại Ban Tôn giáo cấp tỉnh hoặc cấp trung ương, tùy thuộc vào phạm vi hoạt động về mặt địa lý của tổ chức đó. Việc đăng ký hoạt động tôn giáo cho phép nhóm tôn giáo được tổ chức các cuộc lễ tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo; giảng đạo và tổ chức các lớp học tôn giáo tại địa điểm đã được duyệt; bầu, bổ nhiệm, hoặc suy cử các chức sắc tôn giáo; sửa chữa, cải tạo trụ sở; thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo; tổ chức đại hội để thông qua hiến chương của tổ chức. Để được cấp đăng ký, nhóm tôn giáo phải nộp một bộ hồ sơ chi tiết với thông tin về giáo lý, quá trình hoạt động, điều lệ, ban lãnh đạo, các thành viên và minh chứng về việc có địa điểm hội họp hợp pháp. Ban Tôn giáo cấp tỉnh hoặc Bộ Nội vụ, tùy thuộc vào việc tổ chức tôn giáo xin cấp đăng ký đang hoạt động ở một hay nhiều tỉnh, có trách nhiệm chấp thuận hồ sơ đăng ký hợp lệ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Luật yêu cầu Ban Tôn giáo cấp tỉnh hoặc Bộ Nội vụ phải trả lời bằng văn bản nếu từ chối cấp đăng ký.
Bước thứ hai trong quy trình hợp pháp hóa là công nhận. Một tổ chức tôn giáo có thể làm thủ tục xin được công nhận sau khi đã hoạt động liên tục trong ít nhất năm năm kể từ ngày được cấp “đăng ký hoạt động tôn giáo”. Tổ chức tôn giáo đó phải có hiến chương và điều lệ hợp pháp, ban lãnh đạo có lý lịch tốt và không có án tích, và đã tự chủ trong quản lý tài sản và thực hiện các giao dịch. Để được công nhận, tổ chức tôn giáo phải nộp một bộ hồ sơ chi tiết cho Ban Tôn giáo cấp tỉnh hoặc cấp trung ương, tùy thuộc vào phạm vi hoạt động về địa lý của tổ chức đó. Hồ sơ phải bao gồm đơn đề nghị công nhận bằng văn bản, nêu rõ cơ cấu tổ chức, thành viên, phạm vi hoạt động về địa lý và địa điểm đặt trụ sở; bản tóm tắt quá trình hoạt động, giáo lý, giáo luật và lễ nghi; danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp và bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức; hiến chương; bản kê khai tài sản hợp pháp của tổ chức; và giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền hoặc Bộ Nội vụ có trách nhiệm chấp thuận hồ sơ đề nghị công nhận hợp lệ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ Nội vụ phải trả lời bằng văn bản nếu từ chối hồ sơ. Tổ chức tôn giáo đã được công nhận được phép tiến hành hoạt động tôn giáo phù hợp với hiến chương của tổ chức; tổ chức sinh hoạt tôn giáo; xuất bản các kinh sách tôn giáo và các ấn phẩm khác; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các văn hóa phẩm tôn giáo và đồ dùng tôn giáo; cải tạo, nâng cấp, hoặc xây dựng các cơ sở tôn giáo mới; nhận tài trợ hợp pháp từ các nguồn trong nước và nước ngoài, bên cạnh các quyền khác.
Luật quy định rằng các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc và tín đồ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính đối với cán bộ hoặc cơ quan nhà nước theo các luật và nghị định có liên quan. Luật cũng quy định rằng các tổ chức tôn giáo và cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án về hành vi của các nhóm tôn giáo hoặc các tín đồ tôn giáo. Trong pháp luật trước đây không có quy định tương tự.
Theo luật, tổ chức tôn giáo được định nghĩa là “nhóm tôn giáo đã được chính quyền công nhận về mặt pháp lý”. Luật quy định một quy trình riêng để các tổ chức tôn giáo chưa đăng ký, chưa được công nhận được phép tiến hành một số hoạt động tôn giáo cụ thể bằng cách nộp hồ sơ cho ủy ban nhân dân cấp xã. Pháp luật yêu cầu ủy ban nhân dân phải trả lời bằng văn bản về hồ sơ đó trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Luật quy định cụ thể nhiều hoạt động tôn giáo phải được chính quyền trung ương và/hoặc địa phương chấp thuận trước hoặc được đăng ký. Các hoạt động này bao gồm “hoạt động tín ngưỡng” (được định nghĩa là các sinh hoạt làng xã truyền thống liên quan đến thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng, hoặc thờ cúng dân gian); “lễ hội tín ngưỡng” được tổ chức lần đầu; thành lập, chia, tách, hoặc sáp nhập các tổ chức tôn giáo trực thuộc; phong phẩm, bổ nhiệm, hoặc suy cử các chức sắc, chức việc (hoặc người có chức vụ trong tổ chức); thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; tổ chức các lớp bồi dưỡng về tôn giáo; tổ chức đại hội tôn giáo; tổ chức các sự kiện tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo bên ngoài các địa điểm đã được phê duyệt; đi ra nước ngoài để tiến hành các hoạt động tôn giáo hoặc đào tạo; tham gia tổ chức tôn giáo nước ngoài.
Một số hoạt động tôn giáo không buộc phải được chấp thuận trước, nhưng phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các hoạt động phải thông báo bao gồm “các lễ hội tín ngưỡng” thường xuyên hoặc theo định kỳ; cách chức, bãi nhiệm chức sắc; tiến hành các hoạt động quyên góp; thông báo về số lượng tuyển sinh tại chủng viện hoặc trường học tôn giáo; sửa chữa, cải tạo cơ sở tôn giáo không phải là di tích lịch sử-văn hóa; phong phẩm, bổ nhiệm, suy cử chức sắc tôn giáo (chẳng hạn hòa thượng); thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc (hoặc người có chức vụ trong tổ chức); thực hiện các hoạt động tại cơ sở đào tạo tôn giáo đã được phê duyệt; các hoạt động tôn giáo thường xuyên (được định nghĩa là “truyền bá tôn giáo, thực hành giáo lý, lễ nghi tôn giáo và quản lý tổ chức tôn giáo”); và các hội nghị nội bộ của tổ chức tôn giáo..
Luật quy định tù nhân được tiếp cận người tư vấn tôn giáo cũng như các tài liệu tôn giáo trong khi bị giam giữ với các điều kiện nhất định. Luật bảo lưu quyền của chính phủ trong việc hạn chế “bảo đảm” quyền này. Nghị định 162 quy định rằng người bị giam giữ có thể sử dụng các tài liệu tôn giáo được xuất bản và lưu hành hợp pháp, phù hợp với các quy định pháp luật về tạm giữ, tạm giam, phạt tù hoặc các hình thức giam giữ khác. Tuy nhiên, việc tiếp cận người tư vấn tôn giáo và các tài liệu tôn giáo của tù nhân không được ảnh hưởng đến quyền tự do có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo của những người khác và không được trái với các luật có liên quan. Nghị định quy định rằng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý các tài liệu tôn giáo, thời gian, địa điểm sử dụng các tài liệu này.
Luật quy định các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ nhiều luật khác đối với một số hoạt động nhất định. Các tổ chức tôn giáo được phép tiến hành các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật, nhưng luật không quy định rõ hoạt động nào là được phép. Ngoài ra, việc xây dựng hoặc cải tạo các cơ sở tôn giáo phải tuân thủ các luật và quy định có liên quan về xây dựng, và người nước ngoài tham gia các hoạt động tôn giáo phải tuân thủ pháp luật về nhập cảnh.
Việc xuất bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các kinh sách tôn giáo phải tuân thủ các luật và quy định có liên quan đến xuất bản. Luật quy định mọi nhà xuất bản phải là các tổ chức công đã được cấp phép hoặc là doanh nghiệp nhà nước. Các nhà xuất bản phải được chính phủ phê duyệt trước khi xuất bản tất cả các ấn phẩm, trong đó có các kinh sách tôn giáo. Theo quy định trong nghị định, chỉ Nhà xuất bản Tôn giáo mới có thể xuất bản sách tôn giáo, tuy nhiên quy định này không được thực thi trong mọi trường hợp. Bất kỳ nhà sách nào cũng có thể bán kinh sách tôn giáo và các tài liệu tôn giáo khác đã được xuất bản một cách hợp pháp.
Hiến pháp quy định nhà nước đại diện cho toàn dân sở hữu và quản lý toàn bộ đất đai. Theo luật, việc sử dụng đất của các tổ chức tôn giáo phải phù hợp với luật đất đai và các nghị định có liên quan. Luật đất đai công nhận rằng các cơ sở tôn giáo và trường học tôn giáo đã được cấp phép có thể có quyền sử dụng đất và được giao đất hoặc cho thuê đất. Luật quy định các cơ sở tôn giáo đủ điều kiện được nhà nước bồi thường nếu đất của họ bị thu hồi vì mục đích công cộng. Luật cho phép ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất vì mục đích công cộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở tôn giáo. Theo luật, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “lâu dài và ổn định” cho các cơ sở tôn giáo nếu họ được phép hoạt động, đất không có tranh chấp, và đất không phải có được từ việc nhận chuyển nhượng hoặc tặng cho sau ngày 1/7/2004.
Các cơ sở tôn giáo không được phép chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho hoặc thế chấp quyền sử dụng đất của họ. Trong trường hợp có tranh chấp đất đai liên quan đến cơ sở tôn giáo, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Các bên không đồng ý với quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại tòa án.
Trên thực tế, nếu một tổ chức tôn giáo chưa được công nhận, các thành viên của giáo đoàn có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới danh nghĩa cá nhân.
Việc cải tạo hoặc nâng cấp cơ sở tôn giáo thuộc sở hữu của tổ chức tôn giáo phải được thông báo cho chính quyền, mặc dù không nhất thiết phải có giấy phép, tùy thuộc vào mức độ cải tạo.
Chính phủ không cho phép giảng dạy tôn giáo trong các trường công lập và trường tư. Quy định cấm này cũng áp dụng đối với các trường tư do các tổ chức tôn giáo điều hành.
Luật có các quy định riêng đối với người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam được xin phép sinh hoạt tôn giáo, giảng dạy, tham dự các chương trình đào tạo tôn giáo trong nước, hoặc giảng đạo trong các cơ sở tôn giáo trong nước. Luật yêu cầu các tổ chức tôn giáo hoặc công dân Việt Nam phải được chính phủ cho phép trước khi đăng cai tổ chức hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động tôn giáo nào liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc xuất cảnh ra nước ngoài. Pháp luật cũng quy định các điều kiện để người nước ngoài hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, bao gồm những người tham gia bồi dưỡng tôn giáo, phong phẩm và tham gia ban lãnh đạo, được phép tiến hành các hoạt động của họ.
Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Động thái thực tế của chính phủ
[sửa]Các tổ chức phi chính phủ báo cáo các vụ việc cán bộ chính quyền hành hung các cá nhân thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc, mặc dù không rõ các vụ việc này có liên quan đến tôn giáo của họ hay không. Ở miền núi phía Bắc và Tây Bắc, các chức sắc tôn giáo đại diện cho cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký cho biết nhà chức trách tăng cường sử dụng các cách thức phi bạo lực hoặc ít hung hăng hơn, chẳng hạn, mời các đại diện tổ chức tôn giáo đến uống trà hoặc đề nghị chi trả chi phí sửa chữa tài sản, nhằm gây sức ép buộc họ tuân theo những yêu cầu của chính quyền, bao gồm việc đăng ký và chấm dứt hội họp bất hợp pháp. Bởi các vấn đề tôn giáo, dân tộc và chính trị thường liên hệ chặt chẽ với nhau, khó khẳng định rằng nhiều vụ việc sách nhiễu xảy ra chỉ thuần túy bởi lý do tôn giáo.
Vào tháng 12, nhà chức trách ở tỉnh Tuyên Giang đã giam giữ ít nhất 56 tín đồ đạo Dương Văn Mình của người dân tộc thiểu số H’mông khi họ tụ tập để tưởng niệm tại đám tang của Dương Văn Mình, người sáng lập và lãnh đạo của tổ chức này. Do nhà chức trách cho biết những người dự lễ tang không tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 và không xét nghiệm sau khi đã có thể bị lây nhiễm COVID-19, công an khám xét nhà của Dương Văn Mình vào ngày 12 tháng 12, nơi các tín đồ người H’mông đã tụ tập. Khi đến hỗ trợ các cán bộ y tế địa phương, công an được cho là đã đánh đập và bắt những người không tuân thủ các quy định về xét nghiệm. Tuy nhiên, theo các nhà chức trách, chính quyền đã làm việc với gia đình của Dương Văn Mình để bảo đảm xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em có mặt tại đó và bảo đảm tang lễ được tổ chức tương đối kịp thời. Nhà chức trách cũng cho biết số lượng người tham dự tang lễ tại nhà của Dương Văn Mình đã vượt quá số người được phép tụ tập theo các quy định về phòng chống dịch COVID-19 và từ chối không chịu xét nghiệm sau khi phát hiện các ca nhiễm COVID-19. Theo báo cáo, công an đã buộc hơn 36 tín đồ phải vào các cơ sở cách ly mà không được phép liên lạc, những người bị giam giữ cho biết công an đã thẩm vấn họ trong nhiều giờ về hoạt động tôn giáo của họ và đe dọa họ để buộc họ từ bỏ đạo, trong đó công an sử dụng các thủ đoạn lấy cung được họ mô tả như là tra tấn và đánh đập. Những người khác báo cáo rằng họ bị giam giữ và đánh đập tại các đồn công an ở huyện Hàm Yên. Một số người cho biết công an “tra tấn” họ cho đến khi họ ký tên vào bản nhận tội và các văn bản khác tuyên bố từ bỏ đạo, và công an đe dọa sẽ kéo dài thời gian họ bị giữ tại cơ sở cách ly mà không được liên lạc với gia đình hay bạn bè nếu họ từ chối không ký. Đến cuối năm, 21 tín đồ đạo Dương Văn Mình vẫn đang bị giam giữ.
Theo báo cáo, chính quyền địa phương ở một số khu vực thuộc Tây Nguyên hăm dọa và đe dọa dùng bạo lực đối với thành viên một số nhóm Tin lành chưa đăng ký vì họ đã báo cáo về các vi phạm nhân quyền với các tổ chức quốc tế, hoặc cố gắng buộc thành viên các nhóm này từ bỏ đạo hoặc gia nhập một tổ chức tôn giáo đã được cấp đăng ký. Các cán bộ an ninh của Việt Nam đã bắt và giam giữ ít nhất 21 người ở tỉnh Đắk Lắk thuộc khu vực Tây Nguyên vào ngày 16 tháng 7. Tất cả những người này được trả tự do ngày 18 tháng 7. Nhiều người trong số các cá nhân bị giam giữ đã tham gia khóa bồi dưỡng về xã hội dân sự được tổ chức bởi một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ và họ là thành viên của hai hội thánh Tin lành người dân tộc thiểu số, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) và Hội thánh Truyền giảng Phúc Âm, vốn từ lâu đã bị chính quyền cho vào tầm ngắm. Ít nhất một nạn nhân báo cáo rằng công an đã đánh đập anh ta trong khi hỏi cung và dọa giết. Một số người bị giam giữ cũng cho biết nhà chức trách nói với họ rằng việc tìm hiểu các quyền của họ theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến pháp là bất hợp pháp, và đe dọa họ nhằm khiến họ phải từ bỏ đạo.
Theo báo cáo, các cán bộ chính quyền ở nhiều nơi trên cả nước tiếp tục giám sát, thẩm vấn, giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với một số cá nhân, ít nhất một phần vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo của họ. Đa số nạn nhân trong các vụ việc được báo cáo là thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký tham gia vào các hoạt động vận động chính trị hoặc nhân quyền hoặc có liên hệ với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài công khai chỉ trích chính quyền. Có một số báo cáo về việc nhà chức trách địa phương ngăn cấm, cắt ngang các sự kiện tập trung, tịch thu ấn phẩm của các phong trào tôn giáo mới như Đảng hoàng thiên thế giới đại đồng ở các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, đạo Tâm Linh Hồ Chí Minh và đạo Long Hoa Di Lặc I ở tỉnh Vĩnh Phúc, và trong nhiều trường hợp đã bắt các chức sắc và tín đồ của các nhóm tôn giáo khác, như Pháp môn cần khai vững trụ luật làm chính tâm ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Theo các báo cáo của Ủy ban cứu trợ thuyền nhân (BPSOS), trong năm qua, công an địa phương ở các tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đã thẩm vấn ít nhất 30 thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ, Hội thánh Truyền Giảng Phúc Âm và Hội thánh Tin lành Đề Ga Quốc tế tại các đồn công an địa phương hoặc tại nhà của họ. BPSOS cho biết trong một số trường hợp, công an địa phương ép các cá nhân đến trình diện đồn công an và sau đó thẩm vấn họ trong nhiều giờ trước khi thả họ ra mà không khởi tố. Theo báo cáo, nhà chức trách yêu cầu họ chấm dứt mối liên hệ với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và không được cung cấp các báo cáo có tính chất “tiêu cực” cho các tổ chức quốc tế. Trong một số trường hợp, công an địa phương yêu cầu một số tín đồ tôn giáo xin phép nhà chức trách trước khi đi ra khỏi xã của họ. Các tín đồ đạo Cao Đài độc lập cũng báo cáo rằng công an sách nhiễu họ nhằm ngăn cản họ tham gia các sự kiện xã hội dân sự, trong đó có việc sách nhiễu họ khi đang diễn ra Hội nghị trực tuyến về Tự do tín ngưỡng, tôn giáo Đông Nam Á vào tháng 12.
Vào tháng 9, nhà chức trách tỉnh Tiền Giang đã bắt ba chức sắc đạo Cao Đài độc lập và giam giữ họ trong nhiều giờ để chất vấn về các hoạt động tôn giáo của họ.
Có nhiều báo cáo về sự phân biệt đối xử của chính quyền giữa các tín đồ và các nhóm tôn giáo trên cả nước. Thành viên một số nhóm tôn giáo có thành viên là người nghèo hoặc người dân tộc thiểu số tiếp tục báo cáo rằng nhà chức trách từ chối không cho họ hưởng một số quyền lợi hợp pháp mà các thành viên được quyền hưởng. Liên hữu Tin lành Baptist Việt Nam, một nhóm tôn giáo chưa đăng ký, báo cáo rằng một số ít thành viên của nhóm không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào của chính quyền liên quan đến dịch COVID-19 trong khi sự hỗ trợ đó lẽ ra thường được phân bổ cho các cộng đồng ở địa phương. Một mục sư thuộc Liên hữu Tin lành Baptist Việt Nam ở Hà Nội cho biết ông gặp khó khăn trong việc xin cấp “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” từ các cán bộ địa phương và nói rằng những người hàng xóm của ông không thuộc nhóm tôn giáo nào lại không hề gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các nhóm Tin lành và Công giáo tiếp tục báo cáo rằng những hạn chế về mặt pháp luật và thiếu quy định pháp lý rõ ràng về việc vận hành các cơ sở y tế và giáo dục của tôn giáo đã khiến cho họ phải thận trọng khi có ý định mở các bệnh viện và trường học của giáo xứ, mặc dù các phát ngôn của chính phủ đều thể hiện sự hoan nghênh các nhóm tôn giáo mở rộng việc tham gia vào các hoạt động y tế, giáo dục và từ thiện. Các đại diện Công giáo nói rằng chính phủ từ chối trao trả các bệnh viện, phòng khám và trường học đã thu giữ của Giáo hội Công giáo vào năm 1954 và 1975.
Ngày 6 tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định phân công phụ trách các vấn đề tôn giáo và nhân quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực trong số 4 Phó Thủ tướng.
Theo Ban TGCP, ở các tỉnh miền núi phía bắc, chính quyền địa phương đã cấp đăng ký cho gần 800 chi hội địa phương được biết đến là các “điểm nhóm” và công nhận 14 hội thánh địa phương trong tổng số hơn 1.600 chi hội ở địa phương. Việc cấp đăng ký và công nhận này có tác động đến khoảng 250.000 thành viên (trong đó 95% là người dân tộc thiểu số, hầu hết là người H’Mông). Ở Tây Nguyên, chính quyền địa phương đã cấp đăng ký cho hơn 1.400 điểm nhóm và công nhận 311 hội thánh địa phương, điều này có tác động đến gần 584.000 thành viên.
Bộ Công an ước tính có khoảng 70 nhóm Tin lành với gần 200.000 thành viên hoạt động bên ngoài khuôn khổ pháp lý của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Các nhóm này không làm thủ tục và cũng không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hay công nhận trong năm qua.
Chính quyền không công nhận thêm tổ chức tôn giáo mới nào trong năm qua. Ban TGCP đã cấp đăng ký cho khoảng 70 nhóm tôn giáo ở địa phương trong năm 2020, bao gồm 4 Hội thánh Tin lành địa phương, khoảng 50 giáo xứ Công giáo và 12 Hội thánh Cao Đài địa phương. Nhiều nhóm tôn giáo chưa đăng ký tiếp tục báo cáo rằng việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền địa phương vẫn còn khó khăn. Một số nhóm tôn giáo đã hoạt động lâu năm và đã được công nhận như Giáo hội Công giáo cho biết họ gặp những thách thức trong việc cố gắng xin thành lập các giáo xứ mới ở miền núi Tây Bắc. Các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký tiếp tục cho biết các cơ quan nhà nước đôi khi không trả lời hồ sơ đăng ký hoặc đề nghị chấp thuận sinh hoạt tôn giáo trong đúng thời hạn do luật quy định, nếu có trả lời, và thường không nêu rõ lý do từ chối hồ sơ theo như luật yêu cầu.
Trong các trường hợp khác, có nhóm tôn giáo không biết việc họ đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo ở địa phương. Theo báo cáo, một số chính quyền địa phương yêu cầu cung cấp các tài liệu và thông tin ngoài những gì luật quy định. Một số chức sắc tôn giáo cho biết nhà chức trách đôi khi đòi quà hối lộ để chấp thuận hồ sơ dễ hơn. Các nhà chức trách thường giải thích việc trì hoãn và từ chối là do người nộp hồ sơ không khai đúng các mẫu hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin. Nhiều nhóm tôn giáo nói rằng quy trình đăng ký các điểm nhóm hoặc thông báo hoạt động ở các địa điểm mới hoặc địa điểm ở vùng sâu vùng xa là đặc biệt khó khăn. Một số nhóm tôn giáo báo cáo rằng chính quyền hối thúc họ đăng ký là tổ chức trực thuộc của các nhóm tôn giáo đã được công nhận thay vì đăng ký với tư cách là nhóm tôn giáo mới.
Các quan chức Ban TGCP cho biết chính quyền hỗ trợ các nhóm tôn giáo chưa đăng ký trong việc thực hiện các thủ tục hành chính quan liêu bắt buộc để được đăng ký, sử dụng các tính năng như cổng thông tin điện tử có tính tương tác trên trang web của Ban TGCP cho phép các tổ chức tôn giáo theo dõi tình trạng hồ sơ đã nộp của họ. Tuy nhiên, Ban TGCP thừa nhận rằng cổng thông tin đã không tỏ ra hữu ích với các nhóm tôn giáo ở vùng sâu vùng xa do họ thường thiếu kỹ năng công nghệ để sử dụng các mẫu hồ sơ điện tử do chính quyền cung cấp. Ban TGCP tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo ở cấp tỉnh để tạo thuận lợi cho việc đăng ký ở địa phương của các nhóm tôn giáo.
Chính quyền địa phương tiếp tục cản trở việc điều động, thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo đến các chi phái địa phương chưa đăng ký, nhất là những người đến từ địa phương khác. Trong một số trường hợp, nhà chức trách địa phương sách nhiễu thành viên các chi hội địa phương chưa đăng ký. Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc báo cáo rằng việc công nhận các chi hội địa phương của tổ chức này vẫn còn tốn nhiều thời gian, mặc dù nhiều chi hội đã hoạt động ổn định trong nhiều năm mà không có sự xác nhận chính thức về hồ sơ đăng ký của họ, và từ góc độ của họ thì họ hoàn toàn đáp ứng các điều kiện để được đăng ký. Theo Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc, chính quyền đã công nhận 23 chi hội địa phương và cấp đăng ký cho khoảng 500 trong tổng số khoảng 1.200 điểm nhóm. Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc báo cáo rằng họ tiếp tục gặp khó khăn trong việc đăng ký các điểm nhóm với chính quyền địa phương ở các tỉnh Quảng Bình và Nghệ An.
Đến cuối năm, Liên hữu Tin lành Baptist Việt Nam vẫn đang đợi kết quả đăng ký theo phương thức mới do tổ chức này khởi xướng từ năm 2020 để đăng ký các điểm nhóm ở địa phương, trên cơ sở phối hợp với Ban TGCP. Không như những lần trước đại diện của các điểm nhóm trực tiếp nộp hồ sơ cho chính quyền địa phương một cách khá riêng rẽ, Mục sư chủ tịch Liên hữu Tin lành Baptist Việt Nam đứng tên nhiều hồ sơ đăng ký để nộp cho Ban TGCP. Liên hữu Tin lành Baptist Việt Nam nói rằng tổ chức này đã nộp khoảng 30-40 hồ sơ đăng ký các điểm nhóm ở Tây Bắc trong những năm gần đây theo phương thức cũ nhưng không thể xác minh được số lượng hồ sơ đăng ký còn đang chờ xử lý.
Chính quyền yêu cầu hầu hết, nếu không phải là tất cả, các hồ sơ đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc xin công nhận tổ chức tôn giáo phải thể hiện trong hồ sơ khẩu hiệu nêu rõ tổ chức tôn giáo sẽ hòa hợp với dân tộc và phục vụ nhân dân Việt Nam. Ví dụ, Giáo hội Công giáo sử dụng khẩu hiệu “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam sử dụng khẩu hiệu “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Các nhóm tôn giáo tiếp tục phổ biến công khai các khẩu hiệu này sau khi được cấp đăng ký và được công nhận.
Theo các chức sắc tôn giáo địa phương, chính quyền tiếp tục áp đặt một cấu trúc quản lý chặt chẽ từ phía trên đối với các tổ chức tôn giáo. Theo các đại diện cộng đồng tôn giáo, nhà chức trách thích sử dụng cấu trúc hai cấp từ trên xuống dưới nhằm kiểm soát tốt hơn tổ chức tôn giáo và các tổ chức tôn giáo trực thuộc thông qua cơ cấu quản lý nội bộ của tổ chức tôn giáo.
Chẳng hạn, Giáo hội Công giáo báo cáo rằng chính quyền không còn công nhận các “giáo họ” như đã từng công nhận trước đây. Do vậy, Giáo hội buộc phải thành lập giáo xứ đầy đủ, một quy trình kéo dài và nhiều thách thức, hoặc phải đăng ký sinh hoạt điểm nhóm; còn nhà chức trách không công nhận bất kỳ cái gì nằm ở giữa hai loại đăng ký này. Theo cách tiếp cận cũ, địa vị “giáo họ” trao cho một cộng đồng tôn giáo nhiều quyền tự do hơn so với địa vị của “điểm nhóm” về một số vấn đề. Ví dụ, điểm nhóm không có quyền nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng cơ sở tôn giáo hoặc nhiều hoạt động tôn giáo mà giáo họ có thể
Theo một số giám mục Công giáo, các giáo xứ ở vùng sâu vùng xa hoặc đa số giáo dân là người dân tộc thiểu số tiếp tục gặp khó khăn trong việc đăng ký với chính quyền cấp tỉnh do việc áp dụng pháp luật thiếu nhất quán. Các chức sắc Công giáo báo cáo rằng các khu vực thường gặp phải những vấn đề khó khăn nhất là Tây Nguyên (các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng) và Tây Bắc, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lào Cai và Yên Bái.
Theo các chức sắc tôn giáo ở địa phương, các nhóm Tin lành cũng gặp phải sự giải thích và thực thi pháp luật không nhất quán của chính quyền khi nỗ lực đăng ký các chi hội địa phương và điểm nhóm. Chẳng hạn, nhà chức trách địa phương ở tỉnh Điện Biên tiếp tục từ chối hồ sơ đăng ký của một điểm nhóm thuộc Hội thánh Tin lành Ngũ tuần độc lập ở xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, với lý do điểm nhóm này trực thuộc một nhóm tôn giáo chưa đăng ký. Tuy nhiên, lãnh đạo của nhóm Tin lành Ngũ tuần trên nói rằng luật không yêu cầu một nhóm tôn giáo ở địa phương phải trực thuộc một tổ chức tôn giáo đã được công nhận thì mới được cấp đăng ký sinh hoạt. Vị lãnh đạo này cũng lưu ý rằng các thành viên đã thực hành tín ngưỡng của họ tại điểm nhóm này trong gần 30 năm và bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký vào tháng 4 năm 2017. Chính quyền tỉnh Điện Biên cũng từ chối cấp đăng ký cho một nhóm có tên là Hội thánh Phúc Âm Ngũ Tuần Người Việt với lý do giáo lý của nhóm này không khác biệt so với giáo lý của Giáo hội Phúc Âm Ngũ Tuần Việt Nam, một tổ chức tôn giáo đã được công nhận.
Liên hữu Tin lành Baptist Việt Nam báo cáo rằng chính quyền không cấp đăng ký cho các chi hội mới ở địa phương ở Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và miền núi Tây Bắc.
Các chức sắc tôn giáo báo cáo rằng chính quyền trung ương tiếp tục từ chối hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo của một số nhóm Tin lành – như Liên hữu Tin lành Baptist Việt Nam, Giáo hội Tin lành Trưởng lão Liên hiệp Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam do Mục sư Lý Xuân Hòa lãnh đạo. Các nhà vận động tự do tôn giáo nói rằng yếu tố quyết định việc chính quyền địa phương chấp thuận hồ sơ đăng ký có liên quan chặt chẽ hơn đến lập trường chính trị của nhóm tôn giáo hơn là giáo lý của tổ chức. Ban TGCP tiếp tục từ chối không cho công chúng tiếp cận các hồ sơ đăng ký đang chờ xem xét.
Có các báo cáo cho biết chính quyền địa phương từ chối các hồ sơ xin cấp căn cước công dân mới trong đó người nộp hồ sơ xác định rõ tôn giáo của họ, và nhà chức trách phớt lờ thông tin về tôn giáo đã thể hiện rõ của người nộp hồ sơ và xếp họ vào diện “không theo tôn giáo nào” hoặc xếp họ là thành viên của một tôn giáo khác. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam báo cáo rằng mặc dù có những khó khăn ban đầu, nhưng Giáo hội đã giải quyết được các vấn đề về căn cước công dân bằng cách phối hợp với chính quyền và đã có thể cung cấp các giấy tờ liên quan cho các thành viên.
Trong năm qua, hầu hết các cuộc lễ tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo bị hủy hoặc phải tiến hành trực tuyến do đại dịch COVID-19. Có các báo cáo về việc chính quyền cắt ngang các buổi sinh hoạt tập trung vi phạm các quy định hạn chế tụ tập đông người để phòng dịch, trong đó có các buổi sinh hoạt tôn giáo tập trung. Nhà chức trách tiếp tục theo dõi, ngăn cản, hoặc cắt ngang các buổi sinh hoạt tập trung của một số nhóm tôn giáo chưa đăng ký và sách nhiễu thành viên của họ bằng nhiều cách, trong đó có việc đưa các chức sắc Thiên Chúa giáo đến đồn công an để chất vấn và đe dọa rằng họ không được tổ chức Lễ Giáng sinh. Trong hầu hết các trường hợp, thành viên các nhóm tôn giáo này cũng tham gia vào các hoạt động vận động nhân quyền hoặc có liên hệ với các tổ chức, cá nhân chỉ trích chính quyền.
Các chức sắc tôn giáo ở khu vực đô thị và người dân tộc Kinh chiếm đa số báo cáo rằng chính quyền cho phép họ thực hành tôn giáo mà không có hạn chế đáng kể nào với điều kiện họ hoạt động minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi hoặc cho phép chính quyền giám sát chính thức. Điều này là đúng đối với cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký chính thức và chưa đăng ký. Các chi phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động ở Tây Nguyên và Tây Bắc và một số khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long – đặc biệt là những chi phái có đại đa số tín đồ là người dân tộc thiểu số - thường báo cáo bị sách nhiễu bởi cán bộ chính quyền hơn. Các chi phái tôn giáo đã được công nhận ở những khu vực này báo cáo về việc phát triển nhanh chóng và thường gặp ít vấn đề với chính quyền hơn.
Không có quy định rõ ràng về sinh hoạt tôn giáo trong quân đội, vì vậy cá nhân người chỉ huy đơn vị có quyền hạn rất lớn. Theo các chức sắc của nhiều tôn giáo, chính quyền không cho phép chiến sĩ trong quân đội được thực hành nghi lễ tôn giáo vào bất kỳ thời gian nào khi đang làm nhiệm vụ; họ phải xin nghỉ phép để thực hiện các hoạt động trên. Tuy nhiên, báo chí nhà nước đưa tin các quan chức quân đội vẫn cầu nguyện cho hòa bình và an lạc khi đến thăm các chùa.
Các tín đồ Phật giáo Khmer Krom, giáo phái mà theo truyền thống nam giới sẽ vào thiền viện để tu học trong thời gian ít nhất là 1 tháng trước khi đến tuổi 20, báo cáo rằng họ bị cưỡng ép tòng quân mà không có lựa chọn thay thế, điều này đã ngăn cản nam giới trong cộng đồng này hoàn thành nghi lễ tôn giáo của họ.
Vào tháng 3, lần đầu tiên chính quyền cho phép trưng bày các tác phẩm thư pháp thiền của Thiền sư Phật giáo Thích Nhất Hạnh tại một triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh.
Theo các nhà sư thuộc Đan viện Thiên An ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, các lãnh đạo cao cấp của tỉnh đã đến thăm Đan viện ngày 22 tháng 9 và trao đổi về các vấn đề liên quan đến đất đai. Tại buổi làm việc này, chính quyền cam kết thành lập một tổ công tác để giải quyết các vấn đề đất đai và giúp Đan viện phát triển “ổn định và hài hòa”.
Nhiều mục sư đã được phong phẩm vẫn thực hiện các công việc của mục sư mặc dù chưa hoàn tất các giấy tờ theo quy định của luật để chính quyền công nhận là chức sắc, chức việc. Chẳng hạn, Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc báo cáo rằng chỉ có khoảng một phần năm số mục sư của Hội thánh được chính quyền công nhận chính thức.
Một số mục sư của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký nói rằng nhà chức trách không can thiệp vào việc giảng đạo của họ, mặc dù chưa được cho phép một cách hợp pháp.
Theo người nhà của các nhà hoạt động, khác với những năm trước, tù nhân, trong đó có các tín đồ Công giáo Lê Đình Lượng, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Năng Tĩnh và tín đồ đạo Tin lành Nguyễn Trung Tôn, được tiếp cận Kinh thánh và các tài liệu tôn giáo khác.
Các nguồn tin báo chí tiếp tục báo cáo về tình trạng căng thẳng và tranh chấp giữa các tín đồ Công giáo và nhà chức trách ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Bình Thuận, hầu hết là về tranh chấp đất đai hoặc liên quan đến hoạt động của các nhóm vận động nhân quyền và quyền về môi trường. Vào tháng 3 và tháng 4, chính quyền địa phương ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngăn cản các giáo dân thuộc giáo xứ Dũ Thành xây dựng một ao cá. Chính quyền địa phương cáo buộc giáo dân lấn chiếm đất nông nghiệp và tiến hành xây dựng mà không có giấy phép, trong khi các giáo dân nói rằng công trình họ xây dựng trên đất của giáo xứ không bắt buộc phải có giấy phép. Báo chí nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền cáo buộc lãnh đạo của giáo xứ đã kích động giáo dân hành động chống lại chính quyền và gây ra tình trạng bất ổn xã hội trước các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trong khi lãnh đạo giáo xứ nói rằng chính quyền sách nhiễu họ bởi họ chỉ trích và phản đối chính quyền.
Các chức sắc của đạo Dương Văn Mình chưa đăng ký báo cáo rằng nhà chức trách địa phương ở các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên và Cao Bằng không còn phá hủy các Nhà Đòn được xây dựng từ nhiều năm trước để cất giữ các đồ dùng tang lễ và cho phép cải tạo một số ít các nhà đòn này. Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương ở tỉnh Tuyên Quang vẫn tiếp tục cấm và phá hủy các nhà đòn. Chính quyền vẫn coi đạo Dương Văn Mình là “tà đạo” hoặc là một “tổ chức bất hợp pháp”, và nhóm này báo cáo rằng nhà chức trách địa phương theo dõi các thành viên chủ chốt, công an địa phương thỉnh thoảng “đến thăm” nơi ở của họ hoặc “mời” họ đến trụ sở chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những người từ chối “lời mời” đó nói rằng họ không bị trả thù.
Chính quyền cấp tỉnh và địa phương tiếp tục thu hồi đất thuộc về các tổ chức tôn giáo và cá nhân với danh nghĩa thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nhà chức trách tiếp tục nhiều dự án mà đòi hỏi phải thu hồi quyền sử dụng đất và phá dỡ tài sản của các tổ chức tôn giáo hoặc các cá nhân trên cả nước. Theo báo cáo, nhà chức trách không can thiệp một cách có hiệu quả vào nhiều tranh chấp đất đai liên quan đến các tổ chức tôn giáo hoặc các tín đồ tôn giáo; trong hầu hết các trường hợp, các tổ chức tôn giáo hoặc tín đồ không thành công trong việc giữ lại quyền sử dụng đất của họ. Những hành động đó dẫn đến tranh chấp đất đai liên quan đến cả các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, đã đăng ký và chưa đăng ký.
Báo chí nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền khẳng định rằng các linh mục Công giáo ở nhiều giáo xứ đã chiếm giữ hoặc hối thúc giáo dân sử dụng hoặc chiếm giữ trái phép đất đai được sử dụng hợp pháp bởi những người dân khác không phải tín đồ Công giáo hoặc bởi chính quyền. Cũng có những trường hợp giáo dân được cho là đã “sử dụng đất không đúng mục đích”, ví dụ, chuyển đổi một thửa đất nông nghiệp thành sân bóng đá mà không được sự chấp thuận của nhà chức trách có thẩm quyền. Từ tháng 3 đến tháng 5, các giáo dân thuộc giáo xứ Đăng Cao ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã không thành công trong việc cố gắng san lấp một ao cá để mở rộng cơ sở của giáo xứ và xây một hàng rào xung quanh sân vận động mà họ cho là tài sản của giáo xứ. Giáo xứ cũng đòi một khu đất được sử dụng làm tài sản chung của xã. Nhiều giáo dân ở khu vực này nói rằng họ không bằng lòng với nhà chức trách về việc xây dựng đường cao tốc bắc – nam trong đó chính quyền địa phương thu hồi đất của giáo xứ mà không bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng. Chính quyền địa phương nói rằng các yêu cầu của giáo xứ là không có căn cứ và không hợp lý. Một số trang web ủng hộ chính quyền cáo buộc những người lãnh đạo giáo xứ đã cố ý gây ra tình trạng bất ổn xã hội trước các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vào tháng 5.
Từ tháng 6 đến tháng 10, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập ở An Giang báo cáo rằng chính quyền địa phương và các nhóm Phật giáo Hòa Hảo đã được nhà nước công nhận ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vận động họ phá dỡ chùa An Hòa có niên đại 100 năm, với lý do cần xây dựng một ngôi chùa mới. Đây là một trong những ngôi chùa Phật giáo Hòa Hảo độc lập đầu tiên được xây dựng bởi nhà tiên tri Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập Phật giáo Hòa Hảo. Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập phản đối việc phá bỏ ngôi chùa do ý nghĩa quan trọng về tôn giáo của nó; họ đề xuất cải tạo chùa thay vì phá bỏ. Theo báo cáo, cảnh sát mặc thường phục đã hành hung các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập cố gắng ngăn cản việc phá dỡ ngôi chùa. Chính quyền tạm thời ngừng việc phá dỡ ngôi chùa, và tính đến cuối năm, ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn.
Thành viên một số nhóm tôn giáo chưa đăng ký, bao gồm các nhóm Tin lành Ngũ tuần độc lập ở Điện Biên, các nhóm Tin lành Baptist chưa đăng ký ở Thanh Hóa, đạo Dương Văn Mình ở Tuyên Quang, Hà Giang và Cao Bằng, các nhóm Tin lành người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, báo cáo rằng họ gặp những khó khăn về thủ tục hành chính và không thể tiếp cận các chế độ phúc lợi xã hội. Có những trường hợp thành viên các nhóm này cho biết chính quyền địa phương nói với họ rằng “mọi khó khăn sẽ không còn” nếu họ từ bỏ đạo. Ví dụ, các tín đồ đạo Dương Văn Mình ở tỉnh Cao Bằng nói rằng nhà chức trách địa phương từ chối cấp đăng ký cư trú và sau đó từ chối hoặc trì hoãn chấp thuận đăng ký kinh doanh cho các tín đồ đạo Dương Văn Mình thiếu đăng ký cư trú. Nhà chức trách địa phương yêu cầu các tín đồ đạo Dương Văn Mình phải ký cam kết chấm dứt theo đạo Dương Văn Mình nếu họ muốn nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương cấp cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số để xây dựng nhà ở. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân nói rằng họ suy đoán việc nhà chức trách phân biệt đối xử với họ là vì lý do tôn giáo của họ.
Ngày 22 tháng 2, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành hướng dẫn về các vấn đề dân tộc và tôn giáo. Trong số các nội dung chủ yếu liên quan đến tôn giáo có nội dung khẳng định việc nhà nước tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo, các tôn giáo bình đẳng với nhau và bình đẳng trước pháp luật. Hướng dẫn này cũng nhấn mạnh quyết tâm của nhà nước trong việc chống lại những người hành động chống Đảng, chống nhà nước và “khối đoàn kết” ẩn dưới danh nghĩa tôn giáo. Nhiều quan chức nhà nước, Ban TGCP, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức khác cùng tham gia tuyên truyền, phổ biến các thông điệp quan trọng của hướng dẫn. Cùng với việc ban hành hướng dẫn, các cán bộ nhà nước, báo chí nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền nhấn mạnh việc thành lập và hoạt động của “các nhóm tôn giáo bất hợp pháp” tiến hành các hoạt động đi ngược lại các tôn giáo đã được thành lập lâu đời và đã được thừa nhận và đi ngược lại “truyền thống dân tộc tốt đẹp”.
Chính quyền tiếp tục các nỗ lực nâng cao nhận thức về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của các quan chức nhà nước và các tín đồ tôn giáo. Nhà chức trách cũng kêu gọi các tổ chức tôn giáo đã đăng ký và đã được công nhận chia sẻ công khai nhiều thông tin hơn về hệ thống giáo lý của họ để nỗ lực thuyết phục các tín đồ tôn giáo đi theo các nhóm tôn giáo đã hoạt động lâu năm thay vì đi theo “các phong trào tôn giáo mới” hoặc các nhóm mà chính quyền thiếu thông tin.
Báo chí nhà nước và các blog ủng hộ chính quyền tiếp tục lên án các chức sắc tôn giáo và các tín đồ lên tiếng phản đối chính quyền, cáo buộc họ lợi dụng tôn giáo để tư lợi hoặc “câu kết với các thế lực thù địch nhằm mục đích kích động gây mất trật tự công cộng và hoạt động chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước”. Ngày 12 tháng 7, tạp chí Tuyên giáo, một ấn phẩm của Đảng Cộng sản, đăng một bài viết phê phán các linh mục công khai thể hiện ý kiến của họ. Bài viết gọi các linh mục này là “những kẻ cực đoan” và khẳng định rằng những lời chỉ trích của họ là bịa đặt hoặc dựa trên thông tin xuyên tạc nhằm bôi nhọ Đảng Cộng sản và nhà nước, “gieo mầm chia rẽ” và “gây rối trật tự xã hội”.
Báo chí nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền đôi khi đồng nhất một số hệ phái Thiên Chúa giáo và các nhóm tôn giáo khác, thường là các nhóm gắn với các nhóm dân tộc thiểu số như đạo Vàng Chứ của người H’Mông ở Tây Bắc, Công giáo Hà Mòn và Tin lành Đề Ga của người Thượng ở Tây Nguyên, và nhóm Khmer Krom ở Tây Nam Bộ, với các phong trào ly khai, quy trách nhiệm cho họ đối với các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội.
Báo chí nhà nước cho biết chính quyền địa phương và cấp tỉnh ở các tỉnh miền núi phía bắc, bao gồm Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Thái Nguyên, tiếp tục khẳng định rằng đạo Dương Văn Mình là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Báo chí nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền tiếp tục gọi đạo Dương Văn Mình là “tà đạo” hoặc “nhóm tôn giáo bất hợp pháp”. Một số trang web ủng hộ chính quyền tiếp tục chia sẻ những câu chuyện giật gân về việc Dương Văn Mình sống sa đọa và chiếm đoạt tài sản do các tín đồ đóng góp để chi dùng cá nhân.
Một đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, tại một phiên họp Quốc hội vào tháng 3, đã chỉ trích các quan chức địa phương “thiếu trách nhiệm và thiếu hiểu biết về đạo Dương Văn Mình” và chỉ trích họ biến đạo này trở thành một tổ chức bất hợp pháp. Theo ông Cò, Dương Văn Mình và nhóm của ông ta đã giúp người H’mông cải sửa những thứ mà ông gọi là các hủ tục lạc hậu và nặng nề. Các trang web ủng hộ chính quyền đã phê phán gay gắt phát biểu của Thiếu tướng Cò.
Một số trang web của chính quyền cấp tỉnh, trang web của báo chí nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền tiếp tục đề cập đến Pháp Luân Công là một “tà đạo” hoặc một “nhóm tôn giáo cực đoan”. Nhiều trang web ủng hộ chính quyền gắn Pháp Luân Công với các hoạt động chống lại Đảng Cộng sản và nhà nước hoặc gắn với một chương trình chính trị thù địch. Một số trang cáo buộc Pháp Luân Công gây tổn hại đến văn hóa truyền thống, gây rối trật tự xã hội và mất an toàn công cộng. Trong năm qua, công an địa phương ở một số tỉnh, bao gồm Hà Nội, Yên Bái, Quảng Bình, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang và Trà Vinh, đã cắt ngang các cuộc sinh hoạt tập trung của những người thực hành Pháp Luân Công và tịch thu các ấn phẩm và các đồ vật khác của họ. Trong nhiều trường hợp, công an địa phương triệu tập những người thực hành Pháp Luân Công đến đồn công an địa phương để thẩm vấn hoặc xử phạt họ về vi phạm các quy định hạn chế tụ tập liên quan đến phòng chống dịch COVID- 19. Ngày 7 tháng 7, nhà chức trách địa phương ở xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã xử phạt 7 người thực hành Pháp Luân Công hơn 50 triệu đồng ($2,200) do vi phạm các quy định về giãn cách xã hội khi họ bị phát hiện đang tụ tập tại nhà của một tín đồ Pháp Luân Công. Ngày 29 tháng 9, công an địa phương ở xã Tân Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đã triệu tập 2 tín đồ Pháp Luân Công đến làm việc do phát tán tài liệu liên quan đến tổ chức này. Công an địa phương đã tịch thu gần 170 ấn phẩm và đồ vật liên quan đến Pháp Luân Công và yêu cầu họ chấm dứt phát tán các tài liệu tương tự.
Trong năm qua, chính quyền cấp trung ương và địa phương khuyến khích các nhóm tôn giáo đã được công nhận tham gia các hoạt động từ thiện và chăm sóc y tế. Nhiều nhóm tôn giáo và tín đồ tôn giáo trực tiếp tổ chức và điều hành các hoạt động này hoặc tham gia cùng với chính quyền và các tổ chức, cá nhân khác. Các nhóm tôn giáo cũng đóng góp và quỹ phòng chống dịch COVID-19 và các chiến dịch truyền thông. Hàng ngàn thành viên của các tổ chức tôn giáo khác nhau tình nguyện làm việc tại các bệnh viện dã chiến, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 hoặc giúp đỡ những người cần được hỗ trợ.
Trong một diễn biến mà các quan sát viên cho là xu hướng ngày càng gia tăng, chính quyền địa phương cho phép các tổ chức tôn giáo cung cấp các dịch vụ xã hội và đào tạo tập trung. Ví dụ, ở Hà Nội và các khu vực lân cận, các quan chức thành phố tiếp tục cho phép các hội thánh Tin lành tư gia vận hành các trung tâm cai nghiện ma túy.
Hầu hết các đại diện của các nhóm tôn giáo tiếp tục báo cáo rằng việc là thành viên của một nhóm tôn giáo đã đăng ký nhìn chung không gây bất lợi nghiêm trọng cho các cá nhân trong đời sống dân sự, kinh tế và thế tục ngoài nhà nước, nhưng việc là thành viên của một nhóm tôn giáo chưa đăng ký thì gặp bất lợi hơn. Các chức sắc tôn giáo nói rằng tín ngưỡng, tôn giáo thực tế không phải là nguyên nhân của tình trạng phân biệt đối xử chính thức, mà việc là thành viên bất kỳ một nhóm bất hợp pháp nào mới thu hút sự chú ý nhiều hơn từ chính quyền. Nhiều người theo các tôn giáo đã đăng ký khác nhau giữ các vị trí trong chính quyền địa phương và cấp tỉnh và có đại diện trong Quốc hội. Vào tháng 5, một linh mục Công giáo và bốn nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam trúng cử đại biểu Quốc hội trong tổng số 499 đại biểu được bầu. Nhiều tổ chức tôn giáo đã được công nhận trên toàn quốc như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như các chức sắc và tín đồ tôn giáo khác, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các quan chức chính phủ cấp cao gửi thiệp chúc mừng và đến thăm các nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh và tham dự các hoạt động của Đại lễ Phật đản Vesak kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Lý lịch chính thức của ba nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đều ghi rằng họ không theo một tôn giáo nào; tuy nhiên, theo báo cáo, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam có đức tin tôn giáo mạnh mẽ, đặc biệt là Phật giáo, nhưng họ nhìn chung không công khai bàn luận về tôn giáo của họ.
Trong năm qua, Ban TGCP triển khai sơ kết 3 năm thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và nghị định hướng dẫn thi hành Luật ở nhiều tỉnh. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng gặp mặt chính quyền địa phương và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo để giám sát việc thi hành Luật. Trong năm qua, chính quyền đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và thanh tra trực tuyến liên quan đến sơ kết thi hành luật. Ngày 24 tháng 7, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban TGCP Nguyễn Phúc Nguyên thuyết trình về Luật tín ngưỡng, tôn giáo và nghị định hướng dẫn thi hành tại trung tâm hoằng pháp online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 8 tháng 10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội làm việc với nhà chức trách tỉnh Tuyên Quang để chia sẻ thông tin về việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, trong số các quyền và nghĩa vụ pháp lý khác.
Mặc dù pháp luật cấm xuất bản tất cả các tài liệu mà không được chính phủ phê duyệt, bao gồm các tài liệu tôn giáo, trên thực tế, một số nhà xuất bản tư nhân không được cấp phép vẫn tiếp tục in ấn và phát hành không chính thức các kinh sách tôn giáo mà không bị chính phủ can thiệp. Các nhà xuất bản khác được cấp phép đã in ấn các sách về tôn giáo. Các nhà xuất bản đã được phép in kinh thánh bằng tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Trung, Ê đê, Jarai, Banar, M’nông, H’mông, C’ho và tiếng Anh. Các ấn phẩm khác bao gồm các ấn phẩm liên quan đến thờ cúng tổ tiên, đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi và đạo Cao Đài.
Giáo hội các thánh hữu ngày sau của chúa Giê su Ky tô tiếp tục báo cáo rằng chính quyền cho phép họ nhập khẩu đủ số lượng bản sao Kinh Mặc Môn, mặc dù đến cuối năm, Hội thánh vẫn đang làm việc với Ban TGCP để được nhập khẩu thêm các ấn phẩm xuất bản định kỳ về tôn giáo.
Chính quyền cho phép các nhóm Công giáo, Tin lành, đạo Hồi, Baha’i và đạo Phật được đào tạo tôn giáo cho các tín đồ tại cơ sở của họ, và các lãnh đạo tôn giáo khẳng định trong những năm gần đây số lượng người đăng ký học ngày càng tăng. Học sinh tiếp tục tham gia các khóa tu mùa hè trực tuyến, giảng dạy về triết lý Phật giáo cơ bản khi nhiều chùa không thể tổ chức các khóa tu trực tiếp do dịch COVID-19.
Phần III. Tình hình tôn trọng tự do tôn giáo của xã hội
[sửa]Có các báo cáo về các vụ xung đột, đôi khi có bạo lực, giữa thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký với các nhóm tôn giáo đã đăng ký hoặc đã được công nhận, hoặc giữa các tín đồ tôn giáo và người không theo tôn giáo. Các nhà hoạt động tôn giáo quy kết cho chính quyền “thao túng” thành viên các nhóm tôn giáo đã được công nhận và cáo buộc các đặc vụ đã ngụy trang gây ra những vụ xung đột này nhằm hăm dọa hoặc trấn áp hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký.
Ngày 14 tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt nhóm “Rap Nhà Làm” 45 triệu đồng ($2,000) về hành vi làm, phát tán clip âm nhạc xúc phạm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau những phản đối mạnh mẽ của cộng đồng Phật giáo và công chúng đối với clip này.
Phần IV. Chính sách và sự tham gia của chính phủ Hoa Kỳ
[sửa]Các đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bày tỏ những quan ngại về tự do tôn giáo với nhiều quan chức chính phủ và nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan khác ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và ở nhiều tỉnh, thành phố. Các đại diện này nhấn mạnh với các quan chức chính phủ rằng sự tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền có ý nghĩa cốt yếu để cải thiện quan hệ song phương.
Đại sứ Hoa Kỳ, Đại biện và các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán tiếp tục hối thúc chính quyền cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các hội thánh Tin lành và Công giáo tư gia, và các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo độc lập. Họ đề nghị cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận và đã đăng ký được hưởng nhiều tự do hơn; vận động để chính quyền cho phép người bị giam giữ được tiếp cận các tài liệu tôn giáo và chức sắc chức việc tôn giáo; và hối thúc chấm dứt những hạn chế đối với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký. Các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán đã nêu ra các vụ việc cụ thể về lạm dụng và sách nhiễu của chính quyền đối với các nhóm Công giáo, Tin lành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhóm Hòa Hảo độc lập, Cao Đài độc lập, và các hội thánh tư gia của người dân tộc thiểu số, với Ban TGCP, Bộ Ngoại giao, chính quyền cấp tỉnh và cấp địa phương. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đề nghị tăng cường việc cấp đăng ký cho các giáo đoàn trên cả nước và cải thiện chính sách đăng ký sao cho thống nhất và minh bạch hơn. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam giải quyết các tranh chấp đất đai còn tồn đọng với các tổ chức tôn giáo một cách hòa bình.
Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế đã nêu những vấn đề này tại Đối thoại nhân quyền thường niên Hoa Kỳ - Việt Nam vào tháng 11, và nêu ra những quan ngại cụ thể về việc thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tình trạng của các tín đồ tôn giáo đang bị tạm giam hoặc bị phạt tù, các vấn đề về tài sản liên quan đến các nhóm tôn giáo, và tình hình các nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số.
Đại sứ Hoa Kỳ và các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán đã gặp các chức sắc tôn giáo của cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký và tham dự các cuộc lễ tôn giáo để thể hiện sự ủng hộ đối với tự do tôn giáo. Ngày 25 tháng 3, Tổng lãnh sự ở thành phố Hồ Chí Minh đã gặp Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam trong chuyến thăm đến tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngày 12 tháng 4, Đại sứ và Tổng lãnh sự gặp Mục sư Lê Quốc Huy, Tổng thư ký Tổng hội Báp-tít Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 24 tháng 5, Tổng lãnh sự gặp Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng vào dịp đại lễ Phật đản Vesak.
Các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán đã có các chuyến công tác đến các địa phương trên cả nước, trong đó có Tây Bắc và Tây Nguyên, để theo dõi tự do tôn giáo và gặp gỡ các chức sắc tôn giáo. Các đại diện của đại sứ quán và tổng lãnh sự quán giữ mối liên hệ thường xuyên với nhiều chức sắc và thành viên của các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, đã đăng ký và chưa đăng ký.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).