Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2020

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2020  (2021) 
của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Báo cáo được công bố vào tháng 3 năm 2021.

BÁO CÁO NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 2020

TÓM TẮT[sửa]

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – cầm quyền, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất được tổ chức vào năm 2016 đã diễn ra không tự do và không công bằng; có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng viên đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét kỹ lưỡng.

Bộ Công an chịu trách nhiệm về an ninh trong nước và quản lý đội ngũ công an, một cơ quan điều tra an ninh quốc gia đặc biệt và các đơn vị an ninh khác trong nước. Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ các nhà chức trách dân sự cung cấp hoạt động cứu trợ vào những thời điểm xảy ra thiên tai. Chính quyền dân sự duy trì sự kiểm soát hiệu quả đối với các lực lượng an ninh. Cán bộ các lực lượng an ninh đã thực hiện nhiều hành vi lạm quyền.

Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm: việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; buôn bán người; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức.

Đôi khi chính quyền đã có hành động khắc phục, bao gồm việc truy tố đối với các quan chức vi phạm pháp luật; nhưng công an và các quan chức nhà nước thường vi phạm mà không bị trừng phạt.

Phần 1. Tôn trọng sự toàn vẹn của con người, kể cả quyền không bị:[sửa]

a. Tước đoạt sinh mạng tùy tiện và giết người trái luật hoặc vì động cơ chính trị[sửa]

Đã có các báo cáo cho thấy các quan chức hoặc nhân viên khác dưới sự chỉ huy của Bộ Công an hoặc cơ quan công an cấp tỉnh đã giết những người chống đối một cách tùy tiện hoặc trái pháp luật. Có báo cáo về ít nhất 8 vụ chết người khi đang bị giam giữ, trong đó nhà chức trách thông báo ít nhất 3 trường hợp trong số đó là do tự tử hoặc do các vấn đề về sức khỏe và một trường hợp là do bị bạn tù đánh chết. Đôi khi nhà chức trách đã sách nhiễu và hăm dọa những gia đình chất vấn công an về việc xác định nguyên nhân cái chết. Trong một số ít trường hợp, chính quyền đã truy cứu trách nhiệm đối với các cán bộ công an, thường là vài năm sau khi nạn nhân chết. Mặc dù đã có hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về truy cứu các cán bộ công an làm chết người bị giam giữ về tội giết người, các cán bộ này thường chỉ bị truy cứu với tội nhẹ hơn. Công an đã tiến hành các cuộc điều tra nội bộ để xác định các vụ chết người khi đang bị giam giữ có lý do chính đáng hay không.

Ngày 9 tháng 1, một lực lượng lớn công an có vũ trang thuộc Bộ Công an và công an thành phố Hà Nội đã bao vây xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vào sáng sớm, họ đột kích nhà của ông Lê Đình Kình, một người cao tuổi ở địa phương đã lãnh đạo dân làng nhiều năm chống lại việc thu hồi 145 héc ta đất nông nghiệp để xây dựng một công trình quân sự mới. Trong cuộc đột kích đó, công an và những người dân có vũ trang đã đụng độ với nhau bằng bạo lực, dẫn đến cái chết của 3 cán bộ công an và ông Lê Đình Kình. Các nhân chứng, trong đó có vợ của ông Kình, nói rằng công an đã ném lựu đạn hơi cay vào nhà khi gia đình đang ngủ và bắn ông Kình chết tại chỗ. Các nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ sự nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc đột kích cũng như về các báo cáo chính thức của công an rằng ông Kình được vũ trang bởi lựu đạn cầm tay, trong khi ông cụ 84 tuổi này bị khuyết tật (xem thêm mục 1.c và 1.e.).

b. Mất tích[sửa]

Không có báo cáo nào của chính quyền về các trường hợp mất tích trong năm qua.

c. Tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hay đê hèn khác[sửa]

Hiến pháp và luật nghiêm cấm việc tra tấn, dùng bạo lực, cưỡng ép, trừng phạt thân thể hoặc bất kỳ hình thức đối xử nào xâm phạm thân thể, sức khỏe, hoặc danh dự, nhân phẩm người bị giam giữ. Tuy nhiên, các nghi can thường xuyên báo cáo về việc họ bị ngược đãi và tra tấn bởi cảnh sát, nhân viên an ninh mặc thường phục và nhân viên tại các trung tâm giam giữ người nghiện ma túy trong quá trình bắt, thẩm vấn và giam giữ. Công an, kiểm sát viên và các cơ quan giám sát chính phủ hiếm khi tiến hành điều tra các báo cáo cụ thể về tình trạng ngược đãi này.

Các nhà hoạt động cho biết các cán bộ Bộ Công an hành hung các tù nhân chính trị để lấy cung hoặc sử dụng các thủ đoạn khác để buộc họ viết bản nhận tội, trong đó có việc chỉ đạo bạn tù hành hung họ hoặc hứa hẹn đối xử tốt hơn. Sự bạo hành này không chỉ xảy ra đối với các nhà hoạt động hoặc những người có liên quan đến chính trị. Các nhóm theo dõi nhân quyền đã công bố nhiều báo cáo về việc công an sử dụng vũ lực quá mức trong khi thi hành công vụ và cáo buộc các điều tra viên tra tấn người bị giam giữ.

Vào tháng 6, truyền thông của nhà nước đưa tin về xét xử phúc thẩm vụ án Vương Văn Hùng và Phạm Văn Nhiệm, các bị cáo này từng bị xét xử và kết án về tội bắt cóc, hiếp dâm và giết người năm 2019, theo kháng cáo, các điều tra viên được cho là đã tra tấn Hùng và Nhiệm bằng cách phá giấc ngủ của họ liên tiếp trong 7 ngày, lột quần áo, liên tục đánh đập và sử dụng dùi cui điện trong quá trình tạm giam và thẩm vấn.

Một trong những người dân xã Đồng Tâm bị tạm giam và trả tự do sau vụ đụng độ với công an ngày 9 tháng 1 (xem mục 1.a) cáo buộc rằng các cán bộ thẩm vấn Bộ công an đã tra tấn nhiều người trong số 29 bị can bằng nhiều cách thức khác nhau, như giật điện, gí điếu thuốc lá lên khắp cơ thể, trấn nước và các phương thức khác không để lại dấu vết trên cơ thể.

Theo truyền thông của nhà nước, Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố bị can đối với Trưởng công an thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang và hai công an viên khác về hành vi đánh đập người bị giam giữ. Trưởng công an bị tạm giam, hai công an viên bị quản thúc tại gia trong quá trình điều tra. Tình trạng miễn trừ trách nhiệm cho các lực lượng an ninh là một vấn đề nghiêm trọng.

Điều kiện ở nhà tù và các trại giam giữ[sửa]

Có sự khác biệt đáng kể về điều kiện giam giữ giữa các trại giam và các tỉnh khác nhau. Điều kiện ở hầu hết các trại giam là khắc khổ nhưng nhìn chung không đe dọa đến tính mạng. Chế độ ăn uống không đầy đủ và thực phẩm không sạch, phòng giam quá chật chội, thiếu nước uống và điều kiện vệ sinh nghèo nàn tiếp tục là những vấn đề nghiêm trọng.

Điều kiện vật chất: Theo luật, người bị tạm giam chờ xét xử bị giam giữ tách biệt với tù nhân đã bị kết án. Trên thực tế, truyền thông và các nhà hoạt động báo cáo rằng đã có những trường hợp trong đó người bị tạm giam bị giam giữ chung với tù nhân đã bị kết án. Chính quyền thường giam giữ tù nhân nam và nữ tách biệt nhau, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ ở các trại tạm giam địa phương. Mặc dù chính quyền thường giam giữ người chưa thành niên tách biệt với người lớn, nhưng trong một số ít trường hợp, người chưa thành niên vẫn bị giam giữ chung với người lớn trong một thời gian ngắn. Nhà chức trách đôi khi giam trẻ em ở trong tù cùng với mẹ cho đến khi các em được ba tuổi, theo một cựu tù nhân chính trị.

Các cán bộ quản trại không ngăn chặn được tình trạng bạo lực giữa các tù nhân. Ngày 7 tháng 5, phạm nhân Lê Hoàng Quang được cho là đã đánh chết bạn tù cùng phòng là Nguyễn Quang Lập bằng gậy baton ở nhà tạm giữ công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau một cuộc cãi cọ.

Một số tù nhân đã từng hoặc đang bị giam giữ và gia đình họ cho biết các tù nhân nhận được lượng thức ăn không đầy đủ và kém chất lượng. Người nhà tù nhân vẫn tiếp tục khẳng định một cách đáng tin cậy rằng tù nhân sẽ được thêm thức ăn hoặc được đối xử tốt hơn nếu hối lộ cán bộ quản trại. Tù nhân được chăm sóc y tế cơ bản, mặc dù trong nhiều trường hợp các cán bộ quản trại đã ngăn không cho người nhà mang thuốc vào cho tù nhân dù họ không có cách nào khác để nhận được thuốc, và trạm xá trong tù không xem xét kỹ hồ sơ y tế trước khi giam giữ của tù nhân.

Một số nhà chức trách trại giam từ chối không cho phép gửi bất kỳ đồ vật nào cho tù nhân từ bên ngoài hệ thống trại giam, kể cả thuốc men, và họ viện lý do lo ngại lây lan COVID-19. Ví dụ, trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai từ chối mọi thuốc men gửi từ bên ngoài vào mặc dù các trại giam khác như trại giam số 6 tỉnh Nghệ An thì cho phép gửi thuốc theo đơn vào trại.

Nhà chức trách biệt giam tù nhân trong khoảng thời gian tiêu chuẩn là 3 tháng. Ngày 1 tháng 1, chính quyền bắt đầu thực thi Luật thi hành án hình sự, luật này quy định những người đồng tính, song tính, chuyển giới, hoặc liên giới tính (LGBTI) phải được giam giữ riêng biệt với những người bị tạm giam hoặc tù nhân thông thường. Nhiều tổ chức truyền thông đưa tin rằng luật này được thi hành một cách hiệu quả.

Quản lý trại giam: Theo luật, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam chuyên giám sát các tổ chức xã hội do chính phủ Việt Nam bảo trợ, thực hiện giám sát việc thi hành án hình sự. Không có hệ thống thanh tra trại giam nào hoạt động để tù nhân có thể nộp đơn khiếu nại. Bộ Công an cho biết các tù nhân có thể nộp đơn khiếu nại chính thức cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên, đơn khiếu nại trước hết phải nộp cho các cán bộ quản trại mà những người này thường là đối tượng bị khiếu nại, nên hầu hết các quan sát viên cho rằng quy trình này có khiếm khuyết.

Nhà chức trách chỉ cho tù nhân gặp gia đình mỗi tháng một lần không quá một giờ. Người nhà tù nhân cho biết nhà chức trách trại giam thường ngắt các cuộc gặp này chỉ sau 15 đến 30 phút. Nói chung người nhà tù nhân được phép chu cấp thêm đồ bao gồm tiền, thực phẩm và chăn đệm cho tù nhân.

Người nhà của các cựu tù nhân và tù nhân đang bị giam giữ và các luật sư cho biết một số nhà chức trách hạn chế hoặc cản trở tù nhân tiếp cận các ấn phẩm, bao gồm các tài liệu tôn giáo, mặc dù các quy định pháp luật cho phép tù nhân được tiếp cận các tài liệu đó. Chẳng hạn, gia đình tù nhân Lê Đình Lượng cho biết ông Lượng không được phép tiếp cận Kinh thánh. Mặc dù ông Lượng đã có đơn chính thức yêu cầu tiếp cận Kinh thánh trong các năm trước, trong năm qua, gia đình ông chỉ yêu cầu không chính thức bằng miệng với cán bộ quản trại, và yêu cầu này không được hồi đáp. Công an huyện Sóc Sơn ngăn cản bà Huệ Như nhận hiến pháp và các tài liệu pháp luật khác mặc dù đã nhiều lần yêu cầu, kể cả yêu cầu do luật sư đưa ra. Các quan sát viên cũng nói rằng mặc dù luật cho phép tù nhân tiếp cận chức sắc, chức việc tôn giáo, nhưng không có tù nhân Công giáo nào được linh mục đến thăm trong năm qua.

Giám sát độc lập: Bộ Công an, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý các trại giam, không cho phép tù nhân tiếp cận các giám sát viên quốc tế. Các cán bộ Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế địa phương và khu vực không yêu cầu và cũng không đến thăm các trại giam trong năm qua.

d. Bắt người hoặc giam giữ tùy tiện[sửa]

Hiến pháp quy định rằng việc bắt bất kỳ cá nhân nào cũng phải có quyết định của tòa án hoặc viện kiểm sát, trừ trường hợp “phạm tội một cách rõ ràng”. Luật cho phép chính quyền bắt và giam giữ người “đến khi kết thúc điều tra” đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có các vụ án về an ninh quốc gia. Người bị giam giữ có thể khiếu nại tính hợp pháp của việc họ bị giam giữ với cơ quan đã bắt họ, trừ trường hợp khiếu nại dựa trên căn cứ chính trị, nhưng người bị giam giữ hoặc người đại diện của họ không có quyền khiếu nại tính hợp pháp của việc bắt người trước tòa án. Có nhiều trường hợp nhà chức trách bắt hoặc giam giữ các nhà hoạt động hoặc những người chỉ trích chính quyền trái với quy định của luật hoặc dựa trên các căn cứ không xác thực. Nhà chức trách thường xuyên không cho các nhà hoạt động và nghi can phạm tội hình sự ra khỏi nhà mà không có cáo buộc phạm tội.

Thủ tục bắt và đối xử với người bị giam giữ[sửa]

Theo luật, công an nói chung cần có lệnh của Viện kiểm sát nhân dân về việc bắt nghi can, dù trong một số trường hợp công an cần quyết định của tòa án. Bộ luật tố tụng hình sự cũng cho phép công an có quyền “bắt người” mà không cần lệnh bắt trong “trường hợp khẩn cấp”, chẳng hạn như có bằng chứng chứng minh một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc khi công an phát hiện một người phạm tội quả tang. Các luật sư bảo vệ nhân quyền đồng quan điểm rằng việc giam giữ người mà không có lệnh bắt là một thực tiễn phổ biến. Các luật sư và các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền báo cáo rằng trong nhiều trường hợp, công an “mời” các cá nhân đến trình diện tại đồn công an mà không cung cấp lý do rõ ràng. Những cá nhân này sẽ bị giữ lại trong nhiều giờ và bị thẩm vấn hoặc bị yêu cầu viết hoặc ký vào các báo cáo. Nhiều trường hợp như vậy không có liên quan gì đến chính trị hoặc các vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các nhà hoạt động bị giam giữ bởi các cá nhân mặc thường phục mà không có lệnh bắt.

Công an có thể tạm giữ nghi phạm trong 72 giờ mà không cần lệnh bắt. Trong các trường hợp này, Viện Kiểm sát nhân dân phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn việc bắt người trong vòng 12 giờ sau khi nhận được thông báo từ công an. Trên thực tế, nhất là trong các vụ án có động cơ chính trị, các thủ tục này không được áp dụng thống nhất và chặt chẽ.

Luật quy định phải ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Trong trường hợp không thể tiến hành ghi âm, ghi hình, chỉ được phép hỏi cung nếu người bị hỏi cung đồng ý. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này không được áp dụng thống nhất. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, trong nhiều phiên tòa hình sự, các bản ghi hình được nhà chức trách sử dụng để gây ảnh hưởng đến nhận thức của tòa án và công chúng về bị can và về vụ án. Tại phiên tòa xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm hồi tháng 9 (xem mục 1.a.), Viện kiểm sát đã trình chiếu nhiều clip trong đó các bị cáo có vẻ như đã thừa nhận các cáo buộc phạm tội đối với họ. Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho biết clip này thể hiện không đúng ý chí của các bị cáo, và thực tế là họ đã bị ép buộc nhận tội trong clip đó.

Theo luật, Viện Kiểm sát nhân dân phải ban hành quyết định điều tra chính thức đối với người bị tạm giữ và thông báo cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong vòng ba ngày kể từ ngày bắt; nếu không, công an phải thả nghi phạm. Luật cho phép Viện kiểm sát nhân dân đề nghị tòa án có thẩm quyền đối với vụ án gia hạn thời gian tạm giữ hai lần, mỗi lần ba ngày, tối đa là chín ngày trước khi bắt đầu điều tra.

Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời hạn tạm giam để điều tra, kể cả đối với các tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, một người có thể bị tạm giam đến 16 tháng), nhưng luật cho phép Viện kiểm sát nhân dân tối cao tạm giam một người “đến khi kết thúc điều tra” trong trường hợp phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng”, trong đó có các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Chỉ sau khi kết thúc điều tra, các nghi phạm mới bị buộc tội chính thức.

Trong thời gian nghi phạm bị tạm giam, nhà chức trách có quyền từ chối không cho người nhà vào thăm; họ thường xuyên từ chối quyền này của những người bị bắt với cáo buộc xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các trường hợp phạm tội khác có động cơ chính trị.

Luật cho phép bảo lãnh tại ngoại dưới hình thức đặt tiền hoặc tài sản có giá trị như một biện pháp thay thế tạm giam, nhưng hiếm khi nhà chức trách áp dụng.

Luật yêu cầu các cơ quan chức năng phải thông báo cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về các quyền của họ theo quy định của pháp luật, bao gồm cả quyền có luật sư trong vòng ba ngày kể từ ngày bị bắt. Theo luật, chính quyền phải chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo nếu bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không nhờ luật sư bào chữa trong các trường hợp bị cáo bị buộc tội theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình theo quy định của bộ luật hình sự, hoặc bị cáo là người chưa thành niên hoặc người bị khuyết tật về thể chất hoặc bị coi là mất khả năng nhận thức. Chính phủ cũng có thể chỉ định luật sư và trên thực tế đã chỉ định luật sư trong một số vụ án nhất định, bao gồm các vụ án có bị cáo là người có công lao đóng góp đáng kể cho đất nước, thành viên hộ nghèo hoặc cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa, và người chưa thành niên. Chính phủ cũng có thể chỉ định luật sư trong các vụ án mà bị cáo hoặc gia đình họ là nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi hoặc người khuyết tật, người chưa thành niên, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân buôn người, người nhiễm HIV.

Mặc dù luật cho phép người bị giam giữ được tiếp xúc với luật sư từ lúc bị tạm giữ, nhưng nhà chức trách dùng nhiều cách trì hoãn quan liêu để ngăn không cho người bị giam giữ tiếp xúc với luật sư một cách kịp thời. Trong nhiều trường hợp, nhà chức trách chỉ cho phép luật sư tiếp cận với thân chủ của họ hoặc tiếp cận chứng cứ chống lại thân chủ ngay trước khi vụ án được đưa ra xét xử và do đó luật sư không có đủ thời gian để chuẩn bị bào chữa.

Trong những vụ án được điều tra theo luật an ninh quốc gia, chính quyền thường xuyên sử dụng các cách thức trì hoãn quan liêu để cấm luật sư bào chữa tiếp cận với thân chủ cho đến khi các cán bộ kết thúc điều tra và nghi phạm đã chính thức bị buộc tội.

Người bị giam giữ có quyền thông báo cho người nhà về việc họ bị bắt. Mặc dù công an nhìn chung có thông báo cho gia đình người bị giam giữ về nơi giam giữ, nhưng Bộ Công an đã giam giữ nhiều blogger và nhà hoạt động bị tình nghi xâm phạm an ninh quốc gia mà không cho họ liên lạc.

Bắt người tùy tiện: Việc bắt và giam giữ tùy tiện, đặc biệt đối với các nhà hoạt động chính trị và các cá nhân phản đối việc thu hồi đất hoặc các sự việc bất công khác vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng. Một số nhà hoạt động cũng báo cáo về việc công an thường xuyên thẩm vấn họ để lấy thông tin buộc tội các nhà hoạt động nhân quyền khác.

Nhà chức trách giam giữ nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị một cách tùy tiện ở các mức độ khác nhau như giam giữ tại nhà, trên xe, tại đồn công an địa phương, tại “các trung tâm bảo trợ xã hội”, hoặc tại cơ quan chính quyền địa phương. Nhà chức trách cũng thường chất vấn các nhà hoạt động nhân quyền khi họ trở về từ các chuyến đi ra nước ngoài. Việc giam giữ này xảy ra phổ biến nhất trong khoảng thời gian diễn ra các sự kiện có khả năng thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng.

Ngày 8 tháng 5, công an thành phố Hồ Chí Minh được cho là đã bắt giam nhà hoạt động Phùng Thủy mà không có lệnh bắt và thẩm vấn ông Thủy trong nhiều giờ về mối quan hệ của ông với Nhà xuất bản Tự do – một nhà xuất bản độc lập. Theo một nhà hoạt động, các cán bộ công an đã sử dụng các phương pháp lấy cung dùng bạo lực để buộc ông Thủy trả lời các câu hỏi của cán bộ thẩm vấn.

Tạm giam chờ xét xử: Thời gian cho phép tạm giam để điều tra là trong khoảng từ 3 tháng đến 16 tháng, tùy vào mức độ phạm tội. Không có quy định chuẩn trong luật hoặc văn bản hành chính về thời hạn nghi phạm phải được đưa đến trình diện một cán bộ tòa án. Thời hạn này là khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tính chất của hành vi phạm tội. Trong những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, luật cho phép tạm giam “cho đến khi kết thúc điều tra”.

Tương tự, thời hạn chuẩn bị xét xử cho phép là từ 45 đến 120 ngày. Theo luật, phiên tòa phải được mở trong thời hạn 30 ngày từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tổng thời gian tạm giam chờ xét xử là tổng tất cả các thời hạn này; thời hạn tạm giam chờ xét xử trên danh nghĩa tối đa là 21 tháng trong những trường hợp “phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”. Nhà chức trách thường tạm giam quá thời hạn này mà không bị xử phạt, và các nhà hoạt động cho biết công an và kiểm sát viên thường kéo dài thời hạn tạm giam chờ xét xử nhằm trừng phạt hoặc gây sức ép để những người bảo vệ nhân quyền phải nhận tội. Theo luật, nhà chức trách phải cung cấp căn cứ để tạm giam quá thời hạn 4 tháng, nhưng các báo cáo cho biết các cán bộ tòa án thường xuyên bỏ qua việc công an hoặc kiểm sát viên không tuân thủ quy định này khi xét xử các vụ án hình sự.

Chính quyền tạm giam 8 thành viên của nhóm Hiến pháp, một tổ chức xã hội dân sự độc lập, trong 23 tháng trước khi phiên tòa xét xử chính thức được mở vào ngày 31 tháng 7.

Việc kéo dài thời hạn tạm giam chờ xét xử không chỉ áp dụng đối với các nhà hoạt động. Truyền thông nhà nước cho biết trong năm 2018, 230 người bị tạm giữ, tạm giam vượt quá thời hạn quy định.

Khả năng của người bị giam giữ được yêu cầu xem xét lại tính hợp pháp của việc giam giữ trước tòa án: Người bị giam giữ không có quyền này. Người bị giam giữ có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định giam giữ. Nếu cơ quan này kết luận rằng việc bắt hoặc giam giữ là không đúng đắn, người bị giam giữ có thể được bồi thường thiệt hại.

e. Từ chối xét xử công khai và công bằng[sửa]

Luật pháp quy định tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân, song hệ thống tư pháp dễ chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Bộ Công an. Trong năm qua, có các báo cáo đáng tin cậy rằng ảnh hưởng chính trị, vấn nạn tham nhũng, hối lộ và sự thiếu hiệu quả đã bóp méo hệ thống tòa án rất nhiều. Hầu hết, nếu không phải là tất cả, các thẩm phán đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và đều do Đảng Cộng sản Việt Nam và các quan chức địa phương sàng lọc trong quá trình lựa chọn để quyết định sự phù hợp với vị trí thẩm phán. Thẩm phán được tái bổ nhiệm 5 năm một lần sau khi được các cán bộ đảng xem xét. Quyền lực của Đảng đặc biệt rõ ràng trong những vụ án nổi tiếng và những trường hợp mà trong đó nhà chức trách buộc tội bị cáo về hành vi tham nhũng, chống lại hoặc làm tổn hại đến Đảng và nhà nước. Các luật sư bào chữa thường phàn nàn rằng trong nhiều vụ án, có vẻ các thẩm phán đã xác định bị cáo có tội trước khi tiến hành xét xử.

Vẫn có các báo cáo đáng tin cậy cho rằng nhà chức trách đã gây sức ép để các luật sư bào chữa không nhận bào chữa cho các thân chủ là nhà hoạt động tôn giáo hay dân chủ và chất vấn luật sư về động cơ của họ khi bào chữa cho các thân chủ này. Nhà chức trách cũng hạn chế, sách nhiễu, bắt và khai trừ khỏi đoàn luật sư các luật sư bảo vệ nhân quyền làm đại diện cho các nhà hoạt động chính trị. Bộ luật hình sự quy định buộc luật sư phải vi phạm đặc quyền bảo mật thông tin giữa luật sư và thân chủ trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia hoặc các tội nghiêm trọng khác.

Ngày 14 tháng 9, phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm bị bắt sau cuộc đụng độ ngày 9 tháng 1 (xem mục 1.a.) đã kết thúc. Trong số 29 bị cáo, 2 bị cáo bị tuyên án tử hình, 1 bị cáo bị tuyên án tù chung thân còn 2 bị cáo khác lãnh án 12 đến 16 năm tù do đã gây ra cái chết của 3 cán bộ công an trong vụ đụng độ. Các bị cáo khác bị kết án về tội “chống người thi hành công vụ” và nhận các hình phạt nhẹ hơn. Các nhà nghiên cứu pháp luật, giới học thuật và các nhà hoạt động nhân quyền chỉ ra “những điểm bất thường nghiêm trọng” của phiên tòa này. Tòa án ngăn không cho người nhà của các bị cáo tham dự phiên tòa, trong khi người nhà của các cán bộ công an bị giết trong vụ đụng độ lại được tham dự.

Ngày 21 tháng 2, Tòa án phúc thẩm ở Khánh Hòa đã giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải, họ bị kết án và tuyên phạt 12 đến 15 tháng cải tạo không giam giữ về tội trốn thuế vào tháng 11 năm 2019. Với lý do ông Hải bị khởi tố vào tháng 7 năm 2019, Bộ Công an đã từ chối đề nghị của ông Hải về việc bào chữa cho nhà hoạt động đang bị giam giữ Trương Duy Nhất, người được cho là đã bị trả về Việt Nam từ Thái Lan vào tháng 1 năm 2019. Với việc khởi tố bị can, công an được khám xét nơi làm việc của ông Hải và tịch thu các tài liệu nhạy cảm liên quan đến việc bào chữa cho các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có Trương Duy Nhất.

Thủ tục xét xử[sửa]

Mặc dù Hiến pháp quy định quyền được xét xử công khai và công bằng, quyền này không được thực thi một cách thống nhất. Luật quy định rằng bị cáo vô tội cho đến khi chứng minh được người đó có tội. Bị cáo có quyền được cung cấp thông tin nhanh chóng và chi tiết về các cáo buộc chống lại họ, nhưng quyền này hiếm khi được tôn trọng. Quyền được xét xử kịp thời của bị cáo đã bị phớt lờ mà không có chế tài xử phạt, và mặc dù các phiên tòa thường công khai trước công chúng, nhưng trong các vụ án nhạy cảm, các thẩm phán đã xét xử kín hoặc hạn chế chặt chẽ người dự phiên tòa.

Nhà chức trách nhìn chung cho phép bị cáo thực hiện quyền có mặt tại phiên tòa. Đôi khi tòa án không cho bị cáo thực hiện quyền lựa chọn luật sư mà chỉ định luật sư cho họ. Bộ luật tố tụng hình sự quy định cho phép bị cáo được xếp ngồi cạnh luật sư bào chữa của họ, mặc dù đây không phải là thực tiễn phổ biến. Bị cáo có quyền liên hệ với luật sư tại phiên tòa đối với trường hợp họ bị cáo buộc về tội mà có thể phải chịu hình phạt 15 năm tù hoặc nặng hơn, bao gồm cả các vụ án mà bị cáo bị buộc tội theo khung hình phạt cao nhất là tử hình, tuy nhiên bị cáo thường không thể thực hiện được quyền này. Tại phiên tòa xét xử những người dân xã Đồng Tâm vào tháng 9 (xem mục 1.a.), các luật sư cho biết ban đầu công an ngăn cản họ nói chuyện với thân chủ và chỉ cho phép họ nói chuyện với thân chủ sau nhiều lần yêu cầu và có đơn đề nghị chính thức với tòa án.

Mặc dù luật sư bào chữa có quyền đối chất với các nhân chứng, nhưng đã có nhiều vụ án mà bị cáo cũng như luật sư của mình không biết nhân chứng nào sẽ được triệu tập, hoặc không được phép đối chất với các nhân chứng hoặc phản bác các lời khai chống lại bị cáo. Trong các phiên tòa xét xử các tội phạm về chính trị, bị cáo cũng như luật sư của họ không được phép thẩm tra hoặc xem xét các chứng cứ của bên công tố. Bị cáo có quyền bào chữa, nhưng luật không quy định rõ ràng về việc bị cáo có quyền triệu tập nhân chứng. Các thẩm phán chủ tọa những phiên tòa nhạy cảm về chính trị thường không cho phép luật sư bào chữa và bị cáo thực hiện các quyền của họ theo quy định của luật.

Luật quy định rằng ngôn ngữ nói và viết trong tố tụng hình sự là tiếng Việt, nhưng nhà nước cung cấp người phiên dịch nếu những người tham gia tố tụng sử dụng một ngôn ngữ nói hoặc viết khác. Luật không quy định cụ thể dịch vụ phiên dịch đó có miễn phí hay không.

Mặc dù các yếu tố của tố tụng tranh tụng đang được triển khai áp dụng, nhưng Tòa án vẫn duy trì hệ thống tố tụng thẩm vấn, trong đó thẩm phán đóng vai trò chủ yếu trong việc đặt câu hỏi và xác định các tình tiết của vụ án tại phiên tòa. Nhà chức trách đã cho phép các nhà ngoại giao nước ngoài quan sát phiên tòa thông qua truyền hình mạch kín trong ba vụ án nổi tiếng, trong đó có phiên tòa phúc thẩm xét xử blogger Trương Duy Nhất và phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm. Các nhà ngoại giao cũng đã quan sát hai phiên tòa hình sự thường trong năm qua. Trong hầu hết các phiên tòa này, luật sư bào chữa được tòa án cho thời gian để trình bày trước hội đồng xét xử và hỏi các thân chủ, nhưng họ không được phép triệu tập nhân chứng hoặc thẩm tra các chứng cứ của bên công tố. Trong các vụ án khác liên quan đến các cá nhân bị buộc tội xâm phạm an ninh quốc gia, thẩm phán đôi khi không cho luật sư bào chữa được lập luận thay mặt thân chủ của mình trước tòa. Người bị kết án có quyền kháng cáo ít nhất một lần.

Tù nhân chính trị và người bị giam giữ vì lý do chính trị[sửa]

Các tổ chức phi chính phủ ước tính rằng đến tháng 8, nhà chức trách đã giam giữ từ 140 đến 275 cá nhân vì lý do chính trị. Theo một tổ chức phi chính phủ, từ ngày 1 tháng 1 đến 23 tháng 8, nhà chức trách đã tạm giam 50 người và kết án 15 người (hầu hết là những người bị tạm giam trong những năm trước) vì họ thực hiện các quyền con người đã được quốc tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội. Đa số những người bị bắt và bị kết án có liên hệ đến việc đăng blog, và các bị cáo bị kết án về tội “làm, tàng trữ, phát tán, truyền bá thông tin, tài liệu, đồ vật” nhằm chống lại nhà nước và “lạm dụng các quyền tự do dân chủ”. Những người khác bị kết án bao gồm các cá nhân đăng blog và phản đối việc thu phí đường cao tốc theo mô hình xây dựng – kinh doanh – chuyển giao bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng”. Ngày 31 tháng 7, tám thành viên của nhóm Hiến Pháp muốn nâng cao nhận thức về quyền biểu tình hòa bình, một quyền hiến định của công dân, đã bị kết án về tội “gây rối an ninh” và bị tuyên phạt tổng cộng 40 năm tù.

Nhà chức trách ở trại giam thường giam tù nhân chính trị theo nhóm nhỏ tách biệt với cộng đồng tù nhân nói chung và đối xử với họ theo cách khác biệt. Một số tù nhân chính trị được hưởng điều kiện vật chất tốt hơn nhưng bị sách nhiễu về tâm lý nhiều hơn. Trong các trường hợp khác, tù nhân chính trị bị sách nhiễu bởi cả nhà chức trách ở trại giam và các bạn tù, và đôi khi, việc sách nhiễu của bạn tù là do cán bộ trại giam chỉ đạo. Trong nhiều trường hợp, lịch sinh hoạt hàng ngày của tù nhân chính trị khác biệt với lịch sinh hoạt của cộng đồng tù nhân nói chung và họ không có cơ hội rời buồng giam để làm việc hoặc tương tác với cộng đồng tù nhân nói chung. Các cán bộ trại giam thường biệt giam tù nhân chính trị với thời hạn dài hơn so với thời hạn biệt giam 3 tháng đối với các tù nhân khác. Vào tháng 1, theo báo cáo, Trại giam Ba Sao ở tỉnh Hà Nam đã biệt giam Phan Kim Khánh và Nguyễn Viết Dũng sau khi họ phản đối các quy định của trại giam. Nhà chức trách ở trại giam ngăn cản họ mua thực phẩm bổ sung tại cửa hàng của trại giam, và do đó đã hạn chế các bữa ăn của họ do trại giam cung cấp.

Khẩu phần được cấp cho tù nhân chính trị có vẻ bị hạn chế hơn so với các tù nhân khác. Các cựu tù nhân chính trị cho biết họ chỉ được nhận hai bát cơm nhỏ và rau mỗi ngày, thường bị trộn lẫn các chất lạ như côn trùng hoặc sạn. Người nhà của nhiều nhà hoạt động đang bị giam giữ đã từng bị ốm hoặc đổ bệnh trong tù khẳng định rằng việc điều trị y tế ở trại là không đầy đủ khiến cho bệnh tình diễn biến phức tạp hơn và để lại hậu quả lâu dài. Chẳng hạn, vào tháng 6, người nhà của Nguyễn Văn Đức Độ nộp đơn yêu cầu Trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai yêu cầu chấm dứt đối xử vô nhân đạo với ông Độ, cáo buộc rằng các cán bộ trại giam đã hành hung ông Độ, biệt giam, và đưa cho ông ta thức ăn lẫn với chất thải của người.

Các nhà chức trách thường giam giữ tù nhân chính trị ở các địa điểm xa gia đình của họ, gây khó khăn cho người nhà đến thăm và thường xuyên không thông báo cho người nhà về việc chuyển trại. Ngày 27 tháng 2, vợ của Võ Thương Trung đến thăm chồng ở một trại giam thuộc tỉnh Đồng Nai và phát hiện ra ông Trung đã bị chuyển đến Trại giam Gia Trung thuộc tỉnh Gia Lai, cách đó gần 300 dặm. Vào tháng 5, nhà hoạt động ở Hà Nội Nguyễn Tương Thụy bị bắt tại Hà Nội và bị chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để tạm giam.

Các tù nhân chính trị và người nhà của họ cho biết các cán bộ quản trại đôi khi thu hồi, hạn chế, từ chối hoặc trì hoãn quyền được thăm viếng và không cho phép họ chu cấp thêm đồ cho người thân.

Trong năm qua, nhiều tù nhân chính trị tổ chức tuyệt thực để phản đối việc ngược đãi tù nhân. Từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 17 tháng 4, Nguyễn Năng Tĩnh tuyệt thực để phản đối việc các cán bộ trại giam Nghi Kim từ chối không cho phép ông Tĩnh gặp linh mục Công giáo, mặc dù về nguyên tắc ông Tĩnh không đủ điều kiện được gặp linh mục trong khi vụ án của ông này còn đang chờ xem xét ở cấp phúc thẩm. Vào tháng 8, Trịnh Bá Tư tuyệt thực trong hơn 20 ngày để phản đối tình trạng ngược đãi trong nhà tù ở Trại giam Chăm Mát, tỉnh Hòa Bình.

Giống như các năm trước, tòa án tiếp tục tuyên án nghiêm khắc đối với các cá nhân có hoạt động vận động nổi bật hoặc có liên hệ với các nhóm ở nước ngoài. Ngày 2 tháng 3, một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên bản án tuyên phạt các nhà hoạt động môi trường Trần Văn Quyền và Nguyễn Văn Viên tương ứng là 10 và 11 năm tù về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” do họ bị cáo buộc là thành viên của Việt Tân, một nhóm vận động dân chủ ở hải ngoại bị cấm hoạt động. Hai bị cáo trên bị bắt cùng với công dân Australia Châu Văn Khảm, người bị kết án 12 năm tù và nhà chức trách cáo buộc là thành viên của một nhóm hoạt động ở hải ngoại. Một trong số các tội danh mà các nhà hoạt động thường bị cáo buộc nhiều nhất là tội “sản xuất, tàng trữ, phát tán, truyền bá thông tin, tài liệu chống lại nhà nước”. Trong năm qua, ít nhất 8 cá nhân đã lãnh án đến 11 năm tù về tội này.

Hành động trả thù có động cơ chính trị chống lại các cá nhân ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam Vào tháng 3, blogger Đài phát thanh châu Á tự do Trương Duy Nhất, người bị buộc trở về Việt Nam từ Thái Lan vào tháng 1 năm 2019 sau khi làm đơn xin quy chế tị nạn gửi Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), bị đưa ra xét xử và bị tuyên án 10 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi đang thi hành công vụ”. Bản án phúc thẩm vào tháng 8 đã giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trả lời câu hỏi của luật sư của ông Nhất tại phiên tòa phúc thẩm về thời gian, địa điểm ông Nhất bị bắt, kiểm sát viên nói rằng ông Nhất bị bắt tại Hà Nội vào tháng 1 năm 2019. Tòa án từ chối xem xét khoảng thời gian từ khi ông Nhất bị buộc trở về Việt Nam từ Thái Lan vào tháng 1 năm 2019 đến khi ông xuất hiện sau đó ở Hà Nội vào tháng 3, phớt lờ các yêu cầu ở trong nước và quốc tế về sự minh bạch liên quan đến hoàn cảnh dẫn đến ông Nhất bị giam giữ.

Vào tháng 3, Bùi Thanh Hiếu, một blogger sống lưu vong ở Đức, thông báo trên Facebook rằng ông sẽ chấm dứt đăng blog do nhà chức trách Việt Nam sách nhiễu gia đình ông ở Việt Nam.

Thủ tục và các biện pháp khắc phục tư pháp dân sự[sửa]

Hiến pháp quy định người nào bị bắt và giam giữ trái phép, bị khởi tố hình sự, bị điều tra, truy tố, đưa ra xét xử, hoặc bị thi hành án trái pháp luật có quyền được đòi bồi thường về vật chất và tinh thần và phục hồi danh dự. Luật quy định cơ chế khởi kiện dân sự nhằm giải quyết hoặc khắc phục hậu quả trong trường hợp nhà chức trách lạm quyền.

Những vụ kiện dân sự được xét xử bởi tòa hành chính và tòa dân sự, trong đó áp dụng thủ tục xét xử giống như trong các vụ án hình sự và được xét xử bởi các thành viên của cùng một hội đồng thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Các tòa án hành chính và dân sự tiếp tục có biểu hiện tham nhũng, chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, thiếu tính độc lập và thiếu kinh nghiệm. Rất ít nạn nhân của việc chính quyền lạm dụng quyền hạn đã khởi kiện hoặc đã nhận được số tiền bồi thường hay khắc phục thông qua hệ thống tòa án.

Chính quyền tiếp tục ngăn cấm các vụ kiện tập thể đối với các bộ thuộc chính phủ, do đó đã khiến cho quyền khiếu kiện chung của công dân về đất đai trở nên kém hiệu quả.

Bồi thường tài sản[sửa]

Theo luật, toàn bộ đất đai thuộc về chính quyền (“toàn thể nhân dân Việt Nam”). Luật trao quyền hạn lớn trong việc xác định giá đất, giao đất và thu hồi đất cho ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân địa phương, điều này đã góp phần dẫn đến những hành vi kinh doanh không công bằng và tham nhũng.

Trong năm qua, đã có nhiều báo cáo về các vụ đụng độ giữa người dân địa phương và chính quyền tại các địa điểm thu hồi đất. Tranh chấp về thu hồi đất cho các dự án phát triển vẫn là nguồn cơn chủ yếu gây bất bình trong dân chúng. Nhiều người dân có đất bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đã phản đối tại các cơ quan chính quyền do đơn khiếu nại của họ không được giải quyết. Một số vụ cưỡng chế thu hồi đất đã gây ra các vụ bạo lực và thương tích cho cả cán bộ nhà nước và người dân. Các báo cáo cũng cho biết những người được nghi là công an mặc thường phục và “côn đồ” do các công ty phát triển bất động sản thuê đã cưỡng chế thu hồi đất bằng cách hăm dọa và đe dọa người dân hoặc đột nhập vào nhà dân. Nhà chức trách đã bắt và kết án nhiều người biểu tình đòi quyền lợi về đất đai với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” hoặc “gây rối trật tự công cộng”.

f. Can thiệp tùy tiện hoặc trái pháp luật vào quyền riêng tư, gia đình, nhà ở hay thư tín[sửa]

Luật pháp nghiêm cấm các hành vi can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào quyền riêng tư, nhà ở hay thư tín, nhưng chính phủ không bảo hộ nhất quán và đôi khi vẫn vi phạm các quyền này.

Theo luật, lực lượng an ninh chỉ được phép xông vào nhà dân nếu có lệnh khám xét được viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn, song các cán bộ an ninh vẫn thường xông vào hoặc khám xét nhà dân, nhất là nhà của các nhà hoạt động mà không có lệnh theo quy định của luật. Họ thường hăm dọa người dân với lời đe dọa về các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu không cho họ vào nhà.

Ngày 3 tháng 1, theo báo cáo, công an huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã đột nhập vào căn hộ của Hồ Sỹ Quyết ở Ecopark, Hà Nội, lục soát căn hộ và tịch thu các tài sản cá nhân mà không có lệnh. Công an địa phương cũng đưa ông Quyết và vợ đến đồn công an huyện để thẩm vấn trong nhiều giờ, đe dọa bắt và truy tố ông ta nếu ông không chấm dứt việc tham gia vào các hoạt động mà nhà chức trách cho là hoạt động chống chính quyền. Ông Quyết là một trong hàng chục cá nhân bị công an sách nhiễu từ cuối năm 2019 vì phân phối các ấn phẩm của Nhà xuất bản Tự do, một nhà xuất bản tư nhân trái phép hiện đã chấm dứt hoạt động.

Mặc dù không có lệnh theo quy định của luật, các nhà chức trách thường xuyên mở và kiểm duyệt thư từ cá nhân, tịch thu đồ đạc và giấy tờ, theo dõi các cuộc nói chuyện điện thoại, e-mail, tin nhắn văn bản, blog và các giấy tờ gửi qua fax của nhiều đối tượng. Chính quyền cắt điện thoại và tạm ngưng cung cấp dịch vụ điện thoại di động và Internet của một số nhà hoạt động chính trị và người nhà của họ.

Bộ Công an duy trì hệ thống đăng ký nhân khẩu và đội ngũ cảnh sát khu vực để giám sát các hoạt động trái pháp luật. Mặc dù hệ thống này ít can thiệp vào đời tư của người dân hơn so với trước đây, nhưng Bộ Công an vẫn tiếp tục theo dõi sát sao những người tham gia hoặc bị nghi ngờ tham gia các hoạt động chính trị trái phép.

FireEye, một công ty an ninh mạng đặt ở nước ngoài, báo cáo về việc chính quyền vi phạm quyền riêng tư của công dân. FireEye viết rằng chính phủ đã phát triển năng lực hoạt động gián điệp mạng một cách đáng kể trong những năm gần đây. Công ty này cũng lưu lại tài liệu về các cuộc tấn công bởi một nhóm có tên là OceanLotus hay APT32 vào các mục tiêu bao gồm các nhà báo Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức thuộc khu vực tư và khu vực công ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam. Mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp giữa APT32 và chính phủ, FireEye cho rằng các thông tin và dữ liệu cá nhân tiếp cận được từ các tổ chức là mục tiêu bị tấn công “có giá trị sử dụng rất ít đối với bất kỳ bên nào khác ngoài chính phủ Việt Nam”.

Phần 2. Tôn trọng tự do của người dân, bao gồm:[sửa]

a. Tự do biểu đạt, trong đó có tự do báo chí[sửa]

Hiến pháp và pháp luật quy định quyền tự do biểu đạt, bao gồm tự do báo chí; tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền không tôn trọng các quyền này và một số luật can thiệp vào tự do biểu đạt. Chính quyền vẫn tiếp tục áp dụng các quy định chung chung về an ninh quốc gia và các quy định chống phỉ báng nhằm hạn chế tự do biểu đạt. Các luật này coi tội “phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”, “gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo” và “tuyên truyền chống Nhà nước” là những tội nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Pháp luật cũng quy định rõ là cấm “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”.

Tự do ngôn luận: Chính quyền tiếp tục hạn chế những phát ngôn có nội dung chỉ trích các cá nhân lãnh đạo chính quyền, chỉ trích đảng, ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên chính trị hoặc dân chủ đa đảng, hoặc chất vấn các chính sách về những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, tự do tôn giáo, hay vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Theo mạng xã hội và báo cáo của các nhà hoạt động, đại diện các tổ chức của nhà nước và các nhóm ủng hộ chính quyền đã đến nơi ở của các nhà hoạt động và tìm cách hăm dọa để buộc họ đồng ý rằng các chính sách của chính quyền là đúng đắn. Người nhà của các nhà hoạt động cho biết họ nhiều lần bị sách nhiễu về thân thể, hăm dọa và chất vấn bởi các cán bộ an ninh.

Trong tháng 9, các cán bộ an ninh tỉnh Đồng Tháp đã ba lần “mời” bà Nguyễn Thị Tình, vợ của tù nhân Nguyễn Năng Tĩnh, đến để trao đổi về những quan ngại của chính quyền về các bài đăng Facebook của bà. Bà Tình nói với nhà chức trách rằng bà chỉ chia sẻ thông tin về gia đình, trong đó có những thông tin cập nhật liên quan đến tình hình của chồng bà ở trong tù. Bà cho biết các cán bộ an ninh nói với bà rằng chính quyền coi những bài đăng trên mạng xã hội của bà là vi phạm một nghị định của chính phủ về viễn thông và bà có thể phải đối mặt với hình phạt trong tương lai.

Vào tháng 6, trong một chuyến thăm tỉnh Thanh Hóa của một nhà ngoại giao, các cán bộ an ninh đã hăm dọa bà Nguyễn Thị Lành, vợ của mục sư đang chấp hành án phạt tù đồng thời là nhà hoạt động vận động dân chủ Nguyễn Trung Tôn, và con trai ông Tôn là Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, hàm ý rằng họ có thể bị tổn thương về thể chất trừ khi họ ở nhà “đến khi có thông báo tiếp theo”. Các cán bộ an ninh giữ gia đình họ ở trong nhà bị khóa cửa trong vài ngày cho đến khi gia đình phá khóa thoát ra ngoài. Các cán bộ an ninh địa phương sau đó đã tạm giữ bà Lành và tiếp tục sách nhiễu bà tại đồn công an địa phương. Khi Nghĩa đến đồn công an địa phương để tìm hiểu tình hình của bà Lành, các cá nhân mặc thường phục được cho là đã hành hung anh ta trước sự có mặt của cán bộ an ninh và cảnh sát giao thông.

Tự do báo chí và truyền thông, trong đó có truyền thông trực tuyến: Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ và các tổ chức đoàn thể chịu sự lãnh đạo của Đảng kiểm soát tất cả các hoạt động in ấn, phát thanh truyền hình, truyền thông trực tuyến và điện tử, chủ yếu thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông, dưới sự chỉ đạo chung của Ban Tuyên giáo Trung ương. Luật quy định tổng biên tập phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều báo còn áp dụng quy định này đối với những chức vụ quản lý khác của tòa soạn.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức phi chính phủ sản xuất và phát hành các xuất bản phẩm dưới hình thức thuê xuất bản, liên kết xuất bản, hoặc mua giấy phép từ các tổ chức thuộc chính phủ hoặc các tổ chức xuất bản công lập. Báo chí nhà nước cho biết các tổ chức tư nhân sản xuất hơn 90% toàn bộ xuất bản phẩm ở Việt Nam, mặc dù việc sở hữu tư nhân hoặc vận hành bất kỳ cơ sở báo chí hoặc nhà xuất bản nào của tư nhân vẫn bị cấm. Báo chí độc lập với chính quyền hoạt động trực tuyến một cách hạn chế, chủ yếu thông qua blog và mạng xã hội, nhưng các nhà báo độc lập gặp phải sự sách nhiễu của chính quyền.

Nhà chức trách tiếp tục củng cố sự kiểm soát của chính quyền với các tổ chức truyền thông, bao gồm việc yêu cầu họ phải trực thuộc một cơ quan chính phủ trong tương lai và hạn chế nghiêm trọng số lượng báo và tạp chí có thể được xuất bản bởi một tổ chức hoặc trong một khu vực. Trong năm qua, nhà chức trách thành phố Hà Nội đã đóng cửa 6 tạp chí và 3 tờ báo và buộc sáp nhập 2 tờ báo. Nhà chức trách ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi có môi trường truyền thông sôi động nhất cả nước, đã tái cơ cấu 28 tổ chức truyền thông thành 19 tổ chức.

Ngày 20 tháng 6, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Thời báo Kinh tế Việt Nam, một tờ báo do Hiệp hội kinh tế Việt Nam xuất bản, phải chấm dứt hoạt động từ tháng 1 năm 2021 và thu hồi giấy phép của tờ báo. Ngày 26 tháng 6, Bộ này cấp phép cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tên mới của Thời báo Kinh tế Việt Nam đã bị chính thức đình chỉ hoạt động ngày 15 tháng 6, nhưng không có bài viết nào được xuất bản bởi tờ báo hay tạp chí nói trên từ tháng 1. Các ấn phẩm khác như báo điện tử Dân Trí được phổ biến trên toàn quốc đã tự mình liên kết với các bộ để tiếp tục hoạt động.

Nhà chức trách tăng cường trấn áp đối với các thành viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam, được thành lập nhằm vận động cho tự do biểu đạt, tự do báo chí và vận động dân chủ. Tháng 11 năm 2019, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội, và cáo buộc ông này phạm tội tuyên truyền chống nhà nước. Vào tháng 5 và tháng 6, nhà chức trách đã bắt giam các nhà báo độc lập Phạm Chí Thành, Nguyễn Tương Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, cũng là thành viên của hội, với các cáo buộc tương tự. Ngày 23 tháng 6, cơ quan điều tra công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với công an Vũng Tàu đã triệu tập nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải để thẩm vấn về mối quan hệ của ông với hội nhà báo độc lập.

Theo luật, chính quyền có thể xử phạt các nhà báo và báo chí về hành vi không trích dẫn nguồn tin hoặc “sử dụng tài liệu, hồ sơ từ các tổ chức, thư tín hay tài liệu của các cá nhân”.

Luật cho phép chính quyền xử phạt các nhà xuất bản nếu họ xuất bản “thông tin sai sự thật” trong các lĩnh vực thống kê; năng lượng nguyên tử; quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; giáo dục; hàng không dân dục; đào tạo nghề; khí tượng thủy văn; bản đồ; y tế.

Luật chỉ cho phép các quan chức cấp cao, người nước ngoài, khách sạn hạng sang và báo chí được tiếp cận truyền hình vệ tinh, nhưng người dân trên khắp cả nước vẫn có thể tiếp cận các chương trình nước ngoài thông qua thiết bị vệ tinh gia đình hoặc truyền hình cáp.

Chính quyền cho phép các nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông nước ngoài hoạt động với những hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, luật quy định việc phát sóng “trực tiếp” các chương trình truyền hình nước ngoài phải được phát chậm 30 đến 60 phút để có thể giám sát về nội dung. Người xem truyền hình cho biết nhiều bài bình luận, phim tài liệu, phim truyền hình về các sự kiện nhân quyền trong nước, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh lạnh, thời Xô Viết hoặc bài đưa tin về những căng thẳng thương mại đã bị phá sóng. Các nhà báo nước ngoài phải được chính quyền chính thức cho phép khi đi ra khỏi Hà Nội để đưa tin. Khi các nhà báo nước ngoài đề nghị tiếp cận một khu vực được cho là nhạy cảm, chẳng hạn như Tây Bắc hoặc Tây Nguyên, hoặc đưa tin về một vấn đề mà chính phủ có thể cho là nhạy cảm, nhà chức trách thường cố ý trì hoãn trả lời hoặc từ chối cấp phép đi lại cho họ.

Các hãng truyền thông lớn của nước ngoài cho biết chính quyền chậm trễ hoặc từ chối cấp thị thực cho những phóng viên trước đây đã viết bài về các chủ đề chính trị nhạy cảm, đặc biệt là các phóng viên của các báo Việt ngữ ở nước ngoài. Chính quyền thường tìm cách kiểm soát các phóng viên nước ngoài thường trú ở Việt Nam bằng cách đe dọa thu hồi hoặc không gia hạn thị thực cho họ.

Bộ Thông tin và Truyền thông có thể thu hồi giấy phép hoạt động của các nhà xuất bản nước ngoài, và các nhà xuất bản nước ngoài hàng năm phải làm thủ tục gia hạn giấy phép hoạt động.

Chính quyền cũng tìm cách ngăn chặn các chỉ trích bằng việc giám sát các cuộc gặp gỡ và hoạt động thông tin liên lạc của các nhà báo.

Bạo hành và sách nhiễu: Tiếp tục có nhiều báo cáo về việc các nhân viên an ninh đã tấn công hoặc đe dọa các nhà báo vì họ đã đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. Các nhà báo độc lập bị hạn chế tự do đi lại, chịu các hình thức sách nhiễu khác, kể cả tấn công thân thể dưới hình thức dàn cảnh gây tai nạn xe máy nếu họ đưa tin về những chủ đề nhạy cảm.

Nhà chức trách tăng cường sách nhiễu Nhà xuất bản Tự do. Theo một tổ chức phi chính phủ, các cán bộ công an đã chất vấn và thẩm vấn gần 100 cá nhân về việc mua và đọc sách do nhà xuất bản này ấn hành. Một tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng công an đã giam giữ, thẩm vấn và tra tấn nhà hoạt động Vũ Huy Hoàng ở thành phố Hồ Chí Minh vì tiến hành hoạt động cùng với nhà xuất bản này. Ngày 6 tháng 10, nhà chức trách bắt cây viết, nhà hoạt động nổi tiếng Phạm Đoan Trang vì “hoạt động chống nhà nước” sau khi chính quyền tổ chức một cuộc họp với các cán bộ nước ngoài về nhân quyền. Bà Trang bị buộc tội “sản xuất, tàng trữ, phát hành, truyền bá thông tin, tài liệu, đồ vật nhằm chống Nhà nước”. Vào tháng 7, bà Trang công bố trên trang Facebook của mình rằng bà đã thôi việc ở Nhà xuất bản Tự do và yêu cầu các cán bộ công an chấm dứt việc sách nhiễu tất cả các cộng sự ở nhà xuất bản này. Theo bà Trang, tất cả các thành viên nhà xuất bản đã lẩn trốn nhằm duy trì hoạt động xuất bản và tránh bị sách nhiễu.

Kiểm duyệt và hạn chế nội dung đăng tải: Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên can thiệp trực tiếp vào báo chí truyền thông để áp đặt hoặc kiểm duyệt nội dung.

Các quan chức tuyên giáo buộc các tổng biên tập của các tờ báo lớn họp định kỳ để thảo luận về các chủ đề vượt ra ngoài giới hạn đưa tin. Đảng Cộng sản và chính phủ có thể kiểm soát được các nội dung truyền thông thông qua hình thức tự kiểm duyệt, kể cả đối với các nhà báo độc lập và blogger, với lời đe dọa sẽ sa thải và có thể bắt giữ các nhà báo. Chính quyền trừng phạt các nhà báo không thực hiện tự kiểm duyệt, trong đó có việc thu hồi thẻ nhà báo.

An ninh quốc gia: Luật pháp quy định phạt tiền ở mức đáng kể đối với các nhà báo, báo chí và truyền thông trực tuyến nếu đăng tải hoặc phát thông tin được cho là làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, hoặc nếu phát tán thông tin được cho là xuyên tạc lịch sử và thành quả cách mạng. Trong một số trường hợp, các “vi phạm” này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cảnh sát đã bắt và khởi tố các nhà báo nhằm hạn chế việc chỉ trích các chính sách của chính quyền hoặc chỉ trích cán bộ, trên cơ sở viện dẫn pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia.

Tự do Internet[sửa]

Chính quyền hạn chế và ngăn cản việc truy cập Internet, kiểm duyệt nội dung trực tuyến, áp đặt chế tài hình sự đối với các biểu đạt trực tuyến, và giám sát các hoạt động thông tin liên lạc trực tuyến của tư nhân mà không được pháp luật cho phép. Chỉ có một số lượng hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ Internet được cấp phép, tất cả đều thuộc quyền sở hữu nhà nước hoặc là công ty với quyền kiểm soát đáng kể của nhà nước. Chính quyền theo dõi các bài viết đăng trên Facebook và trừng phạt những người sử dụng Internet để tổ chức các cuộc biểu tình hoặc công bố các nội dung chỉ trích chính quyền. Ngày 7 tháng 7, một tòa án ở tỉnh Lâm Đồng đã kết án người dùng Facebook Nguyễn Quốc Đức Vượng về tội tuyên truyền chống nhà nước và tuyên phạt ông 8 năm tù. Theo truyền thông nhà nước đưa tin, ông Nguyễn đã lập một tài khoản Facebook để đăng và chia sẻ nhiều bài viết với nội dung “chống nhà nước” trên Facebook được cho là “bôi nhọ đảng, nhà nước và chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Chính quyền đôi khi chặn một số trang web được coi là không phù hợp về chính trị hoặc văn hóa, trong đó có các trang web được điều hành bởi các nhóm chính trị người Việt Nam ở hải ngoại, ngoài các trang web của Đài phát thanh Châu Á Tự do, Đài tiếng nói Hoa Kỳ và trang tin tức BBC tiếng Việt. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet thuộc sở hữu nhà nước thường xuyên khóa các trang tiếng Việt tại Việt Nam chứa các nội dung chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc thúc đẩy cải cách chính trị.

Một quy định hành chính buộc chủ sở hữu tất cả các trang web và mạng xã hội phải hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn việc phát tán “tin xấu, tin độc”.

Một quy định khác yêu cầu tất cả các công ty và các tổ chức vận hành các trang web cung cấp thông tin về “chính trị, kinh tế, văn hóa, và xã hội” và các mạng xã hội, bao gồm cả blog, phải đăng ký với chính quyền. Chính quyền cũng yêu cầu các chủ sở hữu phải đệ trình các kế hoạch chi tiết về nội dung và phạm vi đưa tin để chính phủ phê duyệt. Các công ty và tổ chức nói trên phải đặt ít nhất một máy chủ tại Việt Nam để tạo thuận lợi cho chính quyền yêu cầu cung cấp thông tin và phải lưu trữ thông tin đã đăng trong 90 ngày và lưu trữ một số siêu dữ liệu đến hai năm.

Chính phủ cấm truy cập trực tiếp Internet thông qua nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chỗ làm việc cho các nhân viên an ninh giám sát các hoạt động trên Internet. Bộ Công an từ lâu đã yêu cầu “các đại lý Internet”, bao gồm cả các quán cà phê Internet, phải đăng ký thông tin cá nhân của khách hàng, lưu trữ các trang web mà khách hàng đã truy cập, và tham gia các cuộc điều tra của chính quyền về hoạt động trên mạng. Các quán cà phê Internet tiếp tục cài đặt và sử dụng phần mềm do chính phủ phê duyệt để theo dõi các hoạt động trực tuyến của khách hàng. Bộ Công an triển khai thực hiện những việc này và các yêu cầu khác và tiến hành theo dõi internet có chọn lọc.

Chính phủ tiếp tục gây sức ép lên các công ty như Facebook và Google để buộc họ xóa các “tài khoản ảo” và các nội dung được cho là “độc hại”, bao gồm các nội dung chống nhà nước. Tháng 10 năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố rằng Google đã gỡ xuống gần 8.200 video, YouTube đã khóa 19 kênh YouTube, và Facebook đã phong tỏa gần 2.500 đường link, 249 tài khoản ảo và 249 đường link bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường gây sức ép đáng kể buộc các nền tảng mạng xã hội phải tuân thủ một số lượng lớn yêu cầu gỡ xuống các phát ngôn chính trị, nhất là những bài đăng chỉ trích các cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo báo cáo, nhà chức trách đã tấn công các máy chủ ở Việt Nam của Facebook vào đầu năm, làm giảm đáng kể lưu lượng, cho đến khi công ty này đồng ý tăng cường đáng kể việc tuân thủ với các yêu cầu kiểm duyệt của chính quyền.

Lực lượng 47, một đơn vị đặc biệt thuộc Bộ Quốc phòng, giám sát internet để phát hiện các thông tin xấu và các hoạt động tuyên truyền chống nhà nước.

Nhà chức trách cũng trấn áp các phát biểu mang tính chính trị trên mạng bằng hành động trực tiếp chống lại các blogger như bắt, giam giữ ngắn hạn, theo dõi, hăm dọa, tịch thu bất hợp pháp máy tính và điện thoại di động của các nhà hoạt động và người nhà của họ. Chính quyền tiếp tục áp dụng các quy định về an ninh quốc gia và các quy định mập mờ khác của bộ luật hình sự đối với các nhà hoạt động thể hiện quan điểm chính trị ôn hòa trên mạng. Những người bất đồng chính kiến và các blogger cho biết Bộ Công an thường xuyên ra lệnh ngắt kết nối dịch vụ Internet tại nhà của họ. Ngày 13 tháng 6, công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thương với cáo buộc “lạm dụng các quyền tự do dân chủ” do họ tổ chức một nhóm thảo luận trên Facebook gọi là Thảo luận Kinh tế - Chính trị thu hút gần 50.000 người dùng Facebook, theo báo cáo của một tổ chức phi chính phủ.

Người sử dụng mạng xã hội và blog phải cung cấp họ tên đầy đủ, số chứng minh thư và địa chỉ trước khi tạo tài khoản. Các trang web trong nước và các tổ chức vận hành mạng xã hội phải cho phép nhà chức trách thanh tra máy chủ trong nước khi có yêu cầu và phải có cơ chế xóa nội dung bị cấm trong vòng 3 giờ kể từ khi nhà chức trách phát hiện hoặc thông báo.

Ngày 15 tháng 4, một nghị định của chính phủ bắt đầu có hiệu lực, quy định phạt tiền ở mức đáng kể đối với hành vi sử dụng mạng xã hội nhằm “cung cấp và phát tán thông tin sai lệch”, bao gồm việc sử dụng mạng xã hội để phát tán các bản đồ thể hiện không chính xác chủ quyền quốc gia và phát tán tin giả để gây hoang mang trong công chúng. Nghị định này được ban hành là một phần trong chiến lược của chính phủ nhằm kiểm soát tất cả các thông tin được chính quyền cho là thông tin sai lệch, chống chính quyền và bôi nhọ trên mạng xã hội.

Vào tháng 9, Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt 4 tờ báo tổng cộng 72 triệu đồng về đưa thông tin sai lệch về việc bắt và truy tố các cựu cán bộ thành phố, về Hồ Chí Minh và về một dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Tự do học thuật và các sự kiện văn hóa[sửa]

Chính quyền hạn chế tự do học thuật và các sự kiện văn hóa. Các chuyên gia nước ngoài làm việc tạm thời tại các trường đại học trong nước được phép thảo luận về các chủ đề phi chính trị một cách rộng rãi và tự do trên lớp học, nhưng các nhà quan sát của chính phủ thường xuyên tham dự những lớp học được các nhà khoa học nước ngoài và trong nước giảng dạy. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các tổ chức quốc tế và trong nước phải có sự phê duyệt của chính phủ trước khi tổ chức các hội nghị có sự tài trợ hoặc tham gia của nước ngoài. Chính quyền cho phép các trường đại học có nhiều quyền tự chủ hơn trong các hoạt động trao đổi quốc tế và các chương trình hợp tác quốc tế, tuy nhiên yêu cầu về thị thực đối với các học giả và các sinh viên trao đổi vẫn còn phiền phức.

Chính quyền tiếp tục cấm mọi chỉ trích công khai Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách của nhà nước, bao gồm các chỉ trích của các tổ chức khoa học và kỹ thuật độc lập, kể cả khi các chỉ trích đó hoàn toàn mang tính học thuật.

Chính quyền gây ảnh hưởng đến các cuộc triển lãm nghệ thuật, âm nhạc và các hoạt động văn hóa khác bằng việc yêu cầu thực hiện nhiều thủ tục xin phép.

Nhiều nhà hoạt động cho biết các cán bộ Bộ Công an đã đe dọa lãnh đạo các trường đại học nếu họ không đuổi học các nhà hoạt động tham gia các hoạt động mang tính ôn hòa và gây sức ép không cho họ và người nhà tham dự một số cuộc hội thảo. Nhiều nhà hoạt động cũng cho biết các cơ sở đào tạo từ chối cho họ hoặc con cái họ tốt nghiệp vì lý do họ vận động nhân quyền.

b. Tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình[sửa]

Chính quyền hạn chế tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình.

Tự do hội họp hòa bình[sửa]

Chính quyền hạn chế tự do hội họp hòa bình. Luật và các văn bản dưới luật yêu cầu những người muốn tụ tập theo nhóm phải xin phép, chính quyền địa phương có thể đồng ý hoặc từ chối cấp phép mà không nêu lý do. Chỉ những người tổ chức tụ họp công khai để bàn về các vấn đề nhạy cảm thì mới phải xin giấy phép. Chính quyền nói chung không cho phép tiến hành bất kỳ cuộc biểu tình nào có thể được cho là mang tính chất chính trị. Luật pháp cho phép các lực lượng an ninh bắt giam các cá nhân tụ tập hoặc phản đối bên ngoài trụ sở tòa án trong khi diễn ra các phiên tòa. Mọi người vẫn thường xuyên tụ tập theo các nhóm không chính thức mà không bị chính quyền can thiệp, miễn là việc tụ tập đó không được cho là có tính chất chính trị hoặc đe dọa đến nhà nước.

Bộ Công an và công an địa phương thường xuyên ngăn cản các nhà hoạt động tham gia hội họp một cách ôn hòa. Có nhiều báo cáo về việc công an giải tán các cuộc tụ tập của các nhà hoạt động vì môi trường, các nhà vận động đòi quyền lợi về đất đai, các nhà bảo vệ nhân quyền, các blogger, các nhà báo độc lập và các cựu tù nhân chính trị. Chẳng hạn, ngày 18 tháng 7, công an địa phương ở xã Cẩm Vinh, tỉnh Hà Tĩnh đã giải tán một cuộc tụ tập của các tín đồ Pháp Luân Công tại nhà riêng.

Công an và cán bộ mặc thường phục thường xuyên ngược đãi, sách nhiễu và hành hung các nhà hoạt động và những người biểu tình phản đối chính quyền.

Tự do lập hội[sửa]

Hiến pháp cho phép cá nhân có quyền lập hội, song chính quyền tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do lập hội trong những lĩnh vực mà chính quyền cho rằng hoạt động “nhạy cảm” như chính trị, tôn giáo và lao động. Khung khổ pháp lý và quy định của Việt Nam thiết lập các cơ chế nhằm hạn chế tự do của các tổ chức phi chính phủ, trong đó có các tổ chức tôn giáo, về tổ chức và hoạt động. Chính phủ nói chung cấm thành lập các tổ chức tư nhân, độc lập, yêu cầu mọi người hoạt động trong khuôn khổ các tổ chức quần chúng do đảng thành lập hoặc kiểm soát, thường là dưới sự bảo trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật pháp và các quy định điều chỉnh các tổ chức phi chính phủ hạn chế khả năng của các tổ chức này trong việc tham gia vận động chính sách hoặc tiến hành các nghiên cứu ngoài các chủ đề được nhà nước phê duyệt, và luật cấm các tổ chức khoa học xã hội và công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực như chính sách kinh tế, chính sách công, các vấn đề chính trị và một loạt các lĩnh vực khác được coi là nhạy cảm. Chính quyền cũng không cho phép họ thể hiện công khai các lập trường vận động chính sách.

Luật yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng ký với cơ quan chức năng và phải được nhà chức trách chấp thuận hoạt động của họ. Một số nhóm tôn giáo chưa đăng ký như Liên hữu Tin lành Báp tít Việt Nam và các nhóm Ngũ tuần độc lập có báo cáo về sự can thiệp của chính quyền.

Theo một số tổ chức tôn giáo đã được công nhận và các tổ chức khác đang làm thủ tục đăng ký, có sự thực thi luật không đồng đều giữa các tỉnh. Một số tổ chức đã đăng ký, trong đó có các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quản trị, nữ quyền và môi trường, cho biết các hoạt động của họ bị giám sát nhiều hơn.

c. Tự do tôn giáo[sửa]

Xem Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại trang web: https://www.state.gov/religiousfreedomreport/.

d. Tự do đi lại[sửa]

Hiến pháp quy định quyền tự do đi lại trong nước, ra nước ngoài, di trú và hồi hương, nhưng chính quyền vẫn áp đặt một số giới hạn về tự do đi lại đối với một số cá nhân, đặc biệt là những người bị kết án về các tội an ninh quốc gia hoặc các tội có liên quan hoặc những người bày tỏ quan điểm chỉ trích chính quyền.

Đi lại trong nước: Một số nhà hoạt động chính trị đang bị quản chế hoặc quản thúc tại gia, cùng với những người khác không chịu sự hạn chế theo quy định của pháp luật, chính thức bị hạn chế đi lại. Nhà chức trách tiếp tục theo dõi và hạn chế có chọn lọc sự đi lại của nhiều nhà hoạt động nổi bật và các chức sắc tôn giáo như Nguyễn Đan Quế, Phạm Bá Hải, Nguyễn Hồng Quang, Thích Không Tánh, Trần Ngọc Sương, Lê Công Cầu và Dương Thị Tân. Nhà chức trách tiếp tục ngăn cản các nhà hoạt động đi lại bằng việc ngăn họ rời khỏi nhà trong thời gian diễn ra các sự kiện mà có thể thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Một số nhà hoạt động cho biết nhà chức trách đã tịch thu chứng minh thư của họ, ngăn không cho họ đi lại trong nước bằng đường hàng không cũng như thực hiện các việc hành chính thông thường.

Trong thời gian diễn ra phiên tòa xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm vào tháng 9 (xem mục 1.a.), các lực lượng an ninh đã ngăn không cho người dân Đồng Tâm, người nhà của các bị cáo và các nhà hoạt động nổi bật rời khỏi nhà của họ. Người dân cáo buộc các lực lượng an ninh của chính quyền chủ động ngăn cản các nỗ lực của họ trong việc di chuyển ra Hà Nội để tham dự phiên tòa.

Các chức sắc tôn giáo bị yêu cầu phải xác định cụ thể các khu vực địa lý nơi họ sẽ giảng đạo. Một số cho biết nhà chức trách nói với họ rằng việc giảng đạo bên ngoài các khu vực đã được chấp thuận là bất hợp pháp, mặc dù quy định này của luật không được thực thi một cách thống nhất.

Các quy định hạn chế đi lại của chính quyền yêu cầu công dân và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải xin giấy phép đến thăm các khu vực biên giới, các cơ sở quốc phòng, các khu công nghiệp liên quan đến quốc phòng, các khu “dự trữ chiến lược quốc gia” và những “công trình cực kỳ quan trọng vì mục đích chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội”.

Công dân (và chủ nhà trọ) phải đăng ký với cảnh sát địa phương khi ngủ qua đêm ở bất kỳ nơi nào bên ngoài nhà riêng của họ; chính quyền dường như thực thi yêu cầu này một cách nghiêm ngặt hơn ở một số huyện miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên. Người mang hộ chiếu nước ngoài cũng phải đăng ký nếu tá túc ở nhà dân, mặc dù không có trường hợp nào bị chính quyền địa phương từ chối cho phép du khách nước ngoài tá túc tại nhà bạn bè hay gia đình họ. Có nhiều báo cáo về việc công an viện lý do “kiểm tra đăng ký cư trú” để hăm dọa và sách nhiễu các nhà hoạt động và ngăn không cho họ đi khỏi nơi đăng ký cư trú (xem các mục 1.d. và 1.f.).

Nhìn chung, luật cư trú không được chính quyền thực thi một cách nghiêm ngặt đối với người dân và việc di cư từ nông thôn ra thành thị vẫn không giảm. Tuy nhiên, việc di cư không phép đã gây khó khăn cho người dân trong việc xin giấy phép cư trú hợp pháp và hưởng các phúc lợi về giáo dục công lập và chăm sóc sức khỏe.

Xuất cảnh: Những công dân có ý định di cư đôi khi gặp khó khăn trong quá trình xin hộ chiếu hoặc giấy phép xuất cảnh; các nhà chức trách thường tịch thu hộ chiếu của các nhà hoạt động và những người chỉ trích chính quyền, đôi khi là tịch thu không thời hạn. Có nhiều báo cáo về những người trốn ra nước ngoài qua biên giới trên bộ với Lào hoặc Campuchia vì họ không thể có được hộ chiếu hoặc giấy phép xuất cảnh; trong một số trường hợp bao gồm những người bị truy nã do bị cáo buộc phạm tội hoặc do hoạt động chính trị hay hoạt động khác.

Bộ Công an tiếp tục cấm xuất cảnh đối với một số nhà hoạt động và chức sắc tôn giáo. Nhà chức trách cấm và ngăn cản hàng chục cá nhân xuất cảnh, thu hộ chiếu vì những cáo buộc mập mờ, hoặc từ chối cấp hộ chiếu cho một số nhà hoạt động hoặc chức sắc tôn giáo mà không có giải thích rõ ràng, mặc dù các nhà hoạt động cho rằng việc từ chối cấp giấy phép xuất cảnh là nhằm giảm thiểu cơ hội lên tiếng phản đối chính phủ Việt Nam của các nhà hoạt động này. Nhà chức trách cũng từ chối cấp hộ chiếu cho người nhà của một số nhà hoạt động.

Vào tháng 5, nhà chức trách từ chối gia hạn hộ chiếu của linh mục Công giáo Nguyễn Văn Toản mà không giải thích lý do. Cha Toản, người đã từng có các phát ngôn chỉ trích chính quyền và tham gia vào các cuộc biểu tình, sau đó nói rằng ông tìm thấy một ghi chú rằng hộ chiếu của ông không được gia hạn bởi vì ông “tiến hành hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

e. Tình trạng và sự đối xử với người bị buộc di cư ở trong nước[sửa]

Không có thông tin.

f. Bảo vệ người tị nạn[sửa]

Chính quyền nhìn chung không hợp tác với UNHCR và các tổ chức khác về đối xử với người bị buộc di cư ở trong nước, người tị nạn, người xin tị nạn và người không có quốc tịch.

Xin tị nạn: Luật không quy định việc cấp quy chế tị nạn và chính phủ cũng không thiết lập hệ thống bảo vệ người tị nạn.

g. Người không có quốc tịch[sửa]

Theo thống kê của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn () năm 2019, có khoảng 30.600 người không quốc tịch được công nhận và người không xác định được quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam. Con số nói trên tăng đáng kể so với con số ước tính năm 2016 là 11.000 người không quốc tịch; sự gia tăng này là do chính quyền đẩy mạnh nỗ lực xác định người không quốc tịch. Phần lớn những người này là người dân tộc H’mông sống ở khu vực biên giới, ngoài ra những người không quốc tịch còn bao gồm nhiều phụ nữ đã mất quốc tịch Việt Nam sau khi kết hôn với người nước ngoài nhưng sau đó lại mất quốc tịch nước ngoài, chủ yếu vì ly hôn. Trong quá khứ, chính quyền đã nhập tịch cho những người dân tộc thiểu số Việt Nam không quốc tịch từng sống ở Campuchia, nhưng trong năm qua, không có thông tin về các nỗ lực hoặc các phương án nhập tịch cho những người được xác định là không có quốc tịch.

Phần 3. Tự do tham gia các quy trình chính trị[sửa]

Công dân không thể lựa chọn chính quyền thông qua bầu cử tự do, công bằng theo định kỳ dựa trên việc bỏ phiếu phổ thông, bình đẳng và kín, bảo đảm quyền tự do biểu đạt và ý chí của nhân dân. Mặc dù Hiến pháp quy định khả năng bầu trực tiếp đại biểu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước khác, các quy định của Hiến pháp và pháp luật thiết lập độc quyền về quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Đảng Cộng sản Việt Nam giám sát tất cả các cuộc bầu cử. Các cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra năm năm một lần bằng phương thức bỏ phiếu kín. Hiến pháp quy định rằng công dân có quyền bỏ phiếu khi đủ 18 tuổi và ứng cử vào Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân khi đủ 21 tuổi. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất diễn ra vào năm 2016; cuộc bầu cử tiếp theo được ấn định vào năm 2021.

Bầu cử và tham gia chính trị[sửa]

Các cuộc bầu cử gần đây: Cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016 đã cho phép cạnh tranh hạn chế giữa các ứng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng không tự do và không công bằng, và chính quyền không cho phép các tổ chức phi chính phủ giám sát bầu cử. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lựa chọn và xem xét kỹ lưỡng tất cả các ứng viên thông qua một quy trình không rõ ràng với nhiều giai đoạn. Các ứng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành 475 trong số 496 ghế được bầu. 21 người còn lại là những ứng viên ngoài Đảng không có liên hệ với bất kỳ đảng phái nào. Không có ứng viên nào thuộc một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo chính phủ, 99% cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016 - một con số mà các nhà hoạt động và các quan sát viên quốc tế cho là cao một cách khó tin. Cử tri có thể đi bỏ phiếu thay, và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả các cử tri đủ điều kiện đều đi bỏ phiếu bằng cách tổ chức bầu cử theo các đơn vị bầu cử, và phải xác thực rằng tất cả các cử tri đủ điều kiện trong khu vực bỏ phiếu mà họ phụ trách đã đi bỏ phiếu. Có nhiều báo cáo trên cả nước về việc các cán bộ bầu cử đã nhét đầy các hòm phiếu để đạt tỷ lệ đi bầu cao một cách giả tạo.

Luật cho phép công dân “tự ứng cử” đại biểu Quốc hội và nộp đơn ứng cử để bắt đầu quy trình xem xét ứng viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong nhiều tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016, một liên minh không chính thức gồm các nhà cải cách pháp luật, các học giả, các nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền đã cố gắng đăng ký tự ứng cử với tư cách là những ứng viên là “nhà hoạt động độc lập” ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Trái ngược với các ứng viên của Đảng, các ứng viên này chủ động sử dụng Facebook và mạng xã hội để quảng bá về lập trường chính sách của họ. Tuy nhiên, các cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từ chối chấp nhận các ứng viên là nhà hoạt động độc lập là ứng viên đủ điều kiện, và nhà chức trách chỉ đạo các phương tiện truyền thông chính thức lên tiếng phê phán một số ứng viên là nhà hoạt động độc lập. Theo báo chí đưa tin, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép hai ứng viên tự ứng cử được vào vòng bỏ phiếu cuối cùng, nhưng cả hai ứng viên này đều là Đảng viên.

Đảng phái chính trị và tham gia chính trị: Các phong trào đối lập chính trị và các đảng phái chính trị khác được coi là bất hợp pháp. Mặc dù hiến pháp quy định rằng “tất cả các tổ chức Đảng và Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, song trên thực tế, Bộ Chính trị có vai trò là cơ quan ra quyết định tối cao, mặc dù về nguyên tắc, Bộ Chính trị phải báo cáo trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự tham gia của phụ nữ và các dân tộc thiểu số: Không có luật nào hạn chế phụ nữ hoặc người dân tộc thiểu số tham gia vào quy trình chính trị. Luật quy định 35% ứng viên chính thức đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là phụ nữ và 18% ứng viên chính thức đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. 132 đại biểu là nữ chiếm 27% tổng số đại biểu Quốc hội. 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 18% tổng số đại biểu Quốc hội.

Phần 4. Tham nhũng và sự thiếu minh bạch trong chính quyền[sửa]

Mặc dù luật pháp quy định các hình phạt hình sự đối với hành vi tham nhũng của quan chức, nhưng chính quyền không phải lúc nào cũng thực thi pháp luật một cách hiệu quả, và các quan chức có hành vi tham nhũng mà không bị trừng phạt, bao gồm cả các quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu thuộc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quân đội và công an.

Tham nhũng: Việc thiếu sự tham vấn của công chúng về kế hoạch sử dụng đất và khung bồi thường đất đai của chính phủ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tham nhũng trong chuyển nhượng đất đai - một dạng tham nhũng chiếm đa số. Tham nhũng trong các ngành tài chính, ngân hàng, khai thác tài nguyên thiên nhiên và đầu tư công vẫn là vấn đề chính trị và xã hội lớn.

Bộ Công an báo cáo đã xử lý 123 vụ án tham nhũng trong 6 tháng đầu năm. Báo chí đưa tin trong 6 tháng đầu năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kỷ luật 186 đảng viên về hành vi tham nhũng. Trong số những đảng viên bị kỷ luật có các cựu bộ trưởng, cựu thứ trưởng và lãnh đạo cấp tỉnh.

Ngày 20 tháng 9, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt cựu phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài 8 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước” do đã cho một nhóm nhà đầu tư có được một lô đất thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2007 mà không thông qua quy trình đấu thầu đúng đắn.

Kê khai tài chính: Luật yêu cầu tất cả các cán bộ nhà nước, sĩ quan công an và quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải kê khai với cơ quan thu nhập và tài sản của mình trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được bổ nhiệm hoặc tuyển dụng.

Mọi biến động về thu nhập, tài sản từ 300 triệu đồng trở lên phải được kê khai bổ sung. Người giữ chức vụ giám đốc sở trở lên hoặc người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc người có ảnh hưởng đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Chính phủ phải thực hiện kê khai hàng năm. Người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân phải kê khai theo quy định của luật bầu cử. Luật quy định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ công tác hoặc cách chức nếu không tuân thủ quy định về kê khai tài chính.

Phần 5. Thái độ của chính quyền đối với điều tra quốc tế và điều tra phi chính phủ về các cáo buộc vi phạm quyền con người[sửa]

Chính quyền không cho phép các tổ chức nhân quyền độc lập trong nước được thành lập hoặc hoạt động, cũng như không dung thứ cho các tổ chức hay cá nhân chỉ trích công khai về các thực tiễn nhân quyền. Một số nhà hoạt động cho biết họ bị đe dọa đến tính mạng bởi các cá nhân mặc thường phục mà họ tin rằng có mối liên hệ với chính quyền. Liên Hợp quốc nhận được báo cáo từ Việt Nam về việc các nhà hoạt động nhân quyền bị trả thù do tham gia các diễn đàn quốc tế, bao gồm phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát đối với Việt Nam năm 2019.

Phần 6. Phân biệt đối xử, Bạo hành xã hội và Nạn buôn người[sửa]

Phụ nữ[sửa]

Hiếp dâm và bạo lực gia đình: Luật nghiêm cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực đối với phụ nữ, trong đó có hiếp dâm, bao gồm cả hành vi hiếp dâm bạn đời, “hành vi quan hệ tình dục khác” và “tội cưỡng dâm”. Luật cũng tội phạm hóa hành vi hiếp dâm nam giới. Người phạm tội hiếp dâm có thể phải chịu hình phạt đến 15 năm tù, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Các cơ quan chức năng đã truy tố các trường hợp phạm tội hiếp dâm, nhưng không công bố số liệu thống kê về số vụ bắt, truy tố, kết án và trừng phạt đối tượng phạm tội này. Có rất ít thông tin về mức độ phổ biến của tội hiếp dâm hoặc báo cáo về tội phạm này.

Các cơ quan chức năng coi các vụ bạo lực gia đình là vụ việc dân sự, trừ trường hợp nạn nhân bị thương tích lên đến hơn 11%. Luật quy định cụ thể các hành vi cấu thành bạo lực gia đình và quy định các mức hình phạt đối với người phạm tội từ cảnh cáo đến phạt tù đến ba năm.

Tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ là khá phổ biến. Vào tháng 11 năm 2019, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam báo cáo rằng có ít nhất 58% phụ nữ đã kết hôn lo lắng về bạo lực gia đình xảy ra hàng ngày và 87% không tìm kiếm sự giúp đỡ. Các quan chức chính phủ thừa nhận bạo lực gia đình là một mối quan ngại xã hội đáng kể, và truyền thông đã thảo luận vấn đề này một cách công khai. Sự kỳ thị xã hội khiến cho nhiều nạn nhân không dám đối mặt do lo sợ bị bạn đời hoặc gia đình họ quấy rối.

Mặc dù lực lượng cảnh sát và hệ thống pháp luật nói chung vẫn chưa đủ để đối phó với các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, song với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước, chính phủ vẫn đang tiếp tục đào tạo về pháp luật cho lực lượng cảnh sát, các luật sư, những người hoạt động cộng đồng và các cán bộ tư pháp; hỗ trợ các cuộc hội thảo và hội nghị chuyên đề nhằm mục đích giáo dục phụ nữ và nam giới về bạo hành gia đình và về các quyền của phụ nữ, nhấn mạnh vấn đề này thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.

Quấy rối tình dục: Luật pháp nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Tuy nhiên, các ấn phẩm và chương trình đào tạo về đạo đức đối với cán bộ, công chức không đề cập đến vấn đề quấy rối tình dục.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân có thể kiện người phạm tội ở ngoài nơi làm việc theo điều luật quy định về tội “làm nhục người khác” với các hình phạt bao gồm cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Cưỡng chế trong việc kiểm soát dân số: Không có báo cáo nào về việc nhà chức trách cưỡng ép người dân phá thai hoặc triệt sản bắt buộc.

Hiến pháp quy định xã hội, gia đình và mọi công dân thực hiện “chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình”, cho phép các cặp vợ chồng hoặc cá nhân có thể có một hoặc hai con với ngoại lệ được quy định trong nghị định của Chính phủ. Không có quy định pháp luật nào trừng phạt công dân có nhiều hơn hai con.

Đảng Cộng sản Việt Nam và một số bộ và chính quyền địa phương ban hành quy định riêng về số con trong một gia đình để áp dụng đối với đảng viên, nhân viên. Chẳng hạn, Bộ chính trị đã ban hành quy định rằng đảng viên sẽ bị kỷ luật khiển trách nếu có ba con, bị cách chức nếu có bốn con, và bị khai trừ ra khỏi Đảng nếu có năm con. Vi phạm quy định này cũng khiến đảng viên bị hạn chế khả năng thăng tiến và có thể dẫn đến bị buộc thôi việc. Đảng Cộng sản Việt Nam không thực thi quy định này một cách thống nhất.

Phân biệt đối xử: Pháp luật quy định về bình đẳng giới, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của xã hội. Mặc dù phần lớn các đạo luật và các quy định dưới luật đều bảo vệ các quyền của phụ nữ trong hôn nhân và tại nơi làm việc, đồng thời, có nhiều quy định kêu gọi đối xử ưu đãi đối với nữ giới, song phụ nữ không phải lúc nào cũng được đối xử bình đẳng trong tuyển dụng, giáo dục, hoặc nhà ở, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Mặc dù pháp luật quy định về quyền thừa kế bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ, nhưng con trai thường được thừa kế tài sản nhiều hơn con gái, trừ khi được quy định khác trong một văn bản mang tính pháp lý như di chúc.

Lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới: Theo số liệu năm 2019 của Bộ Y tế, tỷ lệ giới tính bé trai/bé gái trung bình của trẻ sơ sinh ở Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái, còn cách xa so với mức chuẩn tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái. Để giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, chính phủ cấm xác định giới tính trước khi sinh và cấm các hành vi bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới. Người vi phạm các quy định này có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí là phạt tù. Ở cấp địa phương hoặc cấp tỉnh, một số cơ quan chức năng thưởng bằng tiền mặt cho các gia đình để khuyến khích sinh con gái. Chẳng hạn, chính quyền tỉnh Hậu Giang thưởng cho các cặp vợ chồng sinh hai con gái số tiền thưởng một lần từ 390.000 đồng đến 1,3 triệu đồng ($17 đến $56). Ở một số tỉnh, nữ giới được hưởng các ưu đãi trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo nghề và khởi sự kinh doanh.

Trẻ em[sửa]

Đăng ký khai sinh: Theo quy định của luật, bất cứ ai có cha hoặc mẹ là người Việt Nam đều được chính phủ công nhận là công dân Việt Nam. Những người có cha mẹ không phải là người Việt Nam cũng có thể được cấp quy chế công dân trong một vài trường hợp nhất định.

Trẻ em có cha mẹ là người không có quốc tịch hoặc mẹ là người không có quốc tịch và không biết cha là ai có thể được công nhận là công dân Việt Nam nếu cha mẹ hoặc người mẹ không có quốc tịch thường trú ở Việt Nam, điều này khiến cho quy trình cấp quy chế công dân trong hầu hết các trường hợp là khó khăn.

Luật yêu cầu phải trình giấy khai sinh khi sử dụng các dịch vụ công cộng, chẳng hạn như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, một số cha mẹ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vẫn không đăng ký khai sinh cho con, và nhà chức trách địa phương đã ngăn cản một số cha mẹ đăng ký khai sinh cho con để hạn chế tình trạng di cư trong nước.

Giáo dục: Theo luật, giáo dục là bắt buộc, miễn học phí, và phổ cập cho đến khi trẻ 14 tuổi, mặc dù các trường học thường thu các loại phí. Theo một chương trình trợ cấp của chính phủ, học sinh dân tộc thiểu số được miễn học phí. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng thực hiện đúng quy định về giáo dục bắt buộc này, hoặc chưa thực hiện một cách đồng đều đối với các bé trai và bé gái, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi mà ngân sách của chính phủ và gia đình dành cho giáo dục còn hạn chế và đóng góp của trẻ em trong lực lượng lao động nông nghiệp vẫn được đánh giá cao.

Khoảng cách về giới trong giáo dục đã giảm nhưng vẫn còn. Có sự chênh lệch đáng kể về hồ sơ giáo dục của nam và nữ ở trình độ trên trung học, nhất là ở trong các chương trình công nghệ ứng dụng.

Chính quyền đôi khi từ chối không cho trẻ em thuộc các gia đình không đăng ký nhân khẩu ở địa phương tiếp cận giáo dục, điều này tạo ra sự phân biệt đối xử chủ yếu đối với các cộng đồng người H’mông ở Tây Nguyên và con cái của một số nhà hoạt động chính trị và tôn giáo.

Xâm hại trẻ em: Chính phủ không thực thi có hiệu quả các luật hiện hành về xâm hại trẻ em; tình trạng trẻ em bị đối xử tệ về thể chất và tinh thần còn phổ biến.

Các quan sát viên đồng thuận rằng bạo lực đối với trẻ em xảy ra ở nhiều môi trường, bao gồm cả trường học và gia đình, và thường do người có quen biết với trẻ em gây ra. Các hình thức phổ biến nhất của bạo lực học đường là bắt nạt và hình phạt thân thể do các giáo viên áp dụng. Số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em được báo cáo, đặc biệt là số vụ xâm hại tình dục trẻ em, đang gia tăng. Tháng 7 năm 2019, UNICEF cho biết không có các thủ tục và quy trình hiệu quả mang tính liên ngành để xử lý các tố cáo xâm hại trẻ em, và trách nhiệm của các cơ quan chức năng là không rõ ràng. Lực lượng bảo vệ trẻ em, đặc biệt ở các cấp địa phương, từ những cán bộ công tác xã hội đến những người làm công tác chuyên môn có liên quan như công an, thẩm phán, kiểm sát viên, giáo viên và chuyên viên y tế chỉ được đào tạo rất sơ sài, không được cung cấp thông tin và nói chung không đủ để giải quyết vấn đề này, nhất là ở cấp địa phương.

Kết hôn sớm và bị ép buộc: Theo luật, độ tuổi kết hôn tối thiểu là 18 tuổi đối với nữ và 20 tuổi đối với nam, và luật quy định hành vi tổ chức kết hôn hoặc kết hôn với người chưa đủ tuổi là hành vi phạm tội.

Bóc lột tình dục trẻ em: Pháp luật quy định tất cả các hành vi mua bán, tước đoạt tự do của trẻ em cũng như tất cả các hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em và cưỡng bức lao động trẻ em đối với trẻ em dưới 16 tuổi là phạm tội. Hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em đối với trẻ em 16 tuổi và 17 tuổi không bị coi là tội phạm. Án phạt cho những người phạm tội này là từ 3 năm tù đến tù chung thân và phạt tiền ở mức đáng kể. Pháp luật cũng quy định hình phạt tù đối với các hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em, trong đó có hành vi chứa chấp mại dâm trẻ em (từ 12 đến 20 năm tù), môi giới mại dâm trẻ em (từ 7 đến 15 năm tù), và mua dâm người chưa thành niên (từ 3 đến 15 năm tù). Việc sản xuất, phân phối, phổ biến, hoặc bán các sản phẩm khiêu dâm trẻ em là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Việt Nam là một điểm đến của du lịch tình dục trẻ em.

Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi đối xử tàn bạo, làm nhục, bắt cóc, mua bán và cưỡng bức trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động nào có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ; đồng thời quy định về bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Tuổi được quan hệ tình dục có sự đồng thuận tối thiểu là 18. Hành vi hiếp dâm có thể bị kết án tù chung thân hoặc tử hình. Hình phạt cho hành vi quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên từ 16 đến 18 tuổi là từ 5 đến 10 năm tù tùy từng trường hợp cụ thể. Hình phạt đối với tội hiếp dâm trẻ em trong độ tuổi từ 13 đến dưới 16 là từ 7 đến 15 năm tù. Nếu làm nạn nhân có thai, hiếp dâm có tính chất loạn luân, hoặc người phạm tội là người giám hộ của nạn nhân thì mức án tăng lên từ 12 đến 20 năm tù. Luật quy định tất cả các trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều được coi là hiếp dâm trẻ em, và người phạm tội có thể bị kết án từ 12 năm tù đến tử hình. Chính quyền thực thi pháp luật và những kẻ phạm tội hiếp dâm phải nhận những bản án nghiêm khắc.

Trẻ em lang thang: Báo chí đưa tin rằng có khoảng 22.000 trẻ em sống lang thang trên đường phố và đôi khi các em bị cảnh sát quấy rối, bóc lột tình dục và bạo hành.

Bắt cóc trẻ em quốc tế: Việt Nam không phải là thành viên của Công ước Hague năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế. Xem Báo cáo thường niên về việc cha mẹ bắt cóc trẻ em quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại trang web: https://www.travel.state.gov/content/travel/en/International-Parental-Child-Abduction/for-providers/legal-reports-and-data/reported-cases.html.

Thái độ thù địch đối với người Do Thái[sửa]

Có rất ít người nước ngoài là người Do Thái sinh sống tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, và không có báo cáo nào về những hành vi chống lại người Do Thái.

Nạn buôn người[sửa]

Xem Báo cáo về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trên trang web: https://www.state.gov/trafficking-in-persons-report/.

Người khuyết tật[sửa]

Hiến pháp có các quy định bảo vệ người bị khuyết tật về thể chất và tâm thần. Luật pháp nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử hoặc ngược đãi đối với người khuyết tật về thể chất, hoặc tâm thần, hoặc cả hai, và bảo vệ quyền của họ trong việc tiếp cận giáo dục và các dịch vụ khác của nhà nước, nhưng chính phủ gặp khó khăn trong việc thực thi các quy định này. Người khuyết tật phải đối mặt với sự kỳ thị xã hội diễn ra trên diện rộng.

Luật pháp bảo vệ các quyền của người khuyết tật bao gồm quyền tiếp cận giáo dục, việc làm, dịch vụ y tế, thông tin, truyền thông, xây dựng, giao thông vận tải, hệ thống tư pháp và các dịch vụ khác của nhà nước; tuy nhiên, đa số người khuyết tật vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện các quyền của họ.

Các dịch vụ cho người khuyết tật còn hạn chế, và các chính sách đã công bố không được thực thi. Chẳng hạn, mặc dù pháp luật quy định việc xây dựng và tu bổ các tòa nhà làm việc của chính phủ và các công trình công cộng lớn phải tính đến việc tạo thuận lợi cho người khuyết tật di chuyển, nhưng việc thực thi quy định này còn rời rạc, nhất là đối với các dự án ở bên ngoài các thành phố lớn.

Tiếp cận giáo dục đối với trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ bị điếc và trẻ bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ vẫn còn cực kỳ hạn chế.

Pháp luật không có quy định nào hạn chế quyền bỏ phiếu của người khuyết tật, tuy nhiên nhiều điểm bỏ phiếu khó tiếp cận đối với những người bị khuyết tật về thể chất.

Mặc dù việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho người khuyết tật còn hạn chế, song chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ thành lập các tổ chức trợ giúp người khuyết tật và tham vấn ý kiến của các tổ chức đó khi xây dựng hoặc rà soát các chương trình quốc gia, chẳng hạn như chương trình giảm nghèo quốc gia, pháp luật về hướng nghiệp và các chính sách giáo dục. Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam và các thành viên của các tổ chức này từ nhiều bộ ngành tiếp tục phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để bảo vệ, hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận về thể chất cũng như tiếp cận giáo dục và việc làm của người khuyết tật. Chính phủ điều hành một mạng lưới nhỏ các trung tâm phục hồi chức năng để cung cấp dịch vụ vật lý trị liệu lâu dài cho bệnh nhân nội trú.

Các tổ chức phi chính phủ cho biết họ tiếp tục gặp phải những thách thức trong việc đề nghị chính quyền cấp tỉnh cấp kinh phí và tổ chức các khóa đào tạo cho các chương trình liên quan đến người khuyết tật, chính quyền cấp tỉnh đã gây trở ngại cho các nhân viên quốc tế trong việc tiếp cận để tiến hành đào tạo cho người khuyết tật.

Thành viên các nhóm Dân tộc/Chủng tộc/Dân tộc thiểu số[sửa]

Luật nghiêm cấm phân biệt đối xử đối với người dân tộc thiểu số, nhưng sự phân biệt đối xử của xã hội đối với người dân tộc thiểu số đã tồn tại từ lâu và tiếp tục dai dẳng. Các quan chức địa phương ở một số tỉnh, nhất là ở khu vực cao nguyên, đã phân biệt đối xử đối với người dân tộc thiểu số hoặc thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số. Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách kinh tế giữa nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số và các cộng đồng dân tộc đa số. Các nhóm dân tộc thiểu số vẫn chiếm một tỷ lệ lớn dân số ở một số nơi, trong đó có khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và một phần của đồng bằng sông Cửu Long.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế và người tị nạn tiếp tục cáo buộc chính quyền giám sát, sách nhiễu và hăm dọa các thành viên của một số nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là các nhóm dân tộc-tôn giáo thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên, trong đó có người H’mông theo Thiên Chúa giáo. Theo một tổ chức phi chính phủ, các cán bộ địa phương ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, bao gồm thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông tiếp tục từ chối đăng ký nhân khẩu cho hơn 1.000 người H’mông theo đạo Thiên Chúa di cư đến địa phương này trong những năm gần đây. Hệ quả là các cán bộ quản lý trường học không cho phép con cái của những người này đến trường.

Một số thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số này đã chạy sang Campuchia và Thái Lan, xin quy chế tị nạn với tư cách là nạn nhân của sự đàn áp. Chính phủ khẳng định những người này là người di cư bất hợp pháp đã rời Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội kinh tế. Các nhóm nhân quyền nói rằng chính phủ đã gây áp lực lên Campuchia và Thái Lan để các nước này từ chối cấp quy chế tị nạn hoặc quy chế xin tị nạn tạm thời cho những người này và gửi trả họ về Việt Nam.

Nhà chức trách viện dẫn các quy định về an ninh quốc gia để bỏ tù những người dân tộc thiểu số do họ có liên hệ với các tổ chức ở nước ngoài mà chính phủ cho là có mục đích ly khai, và đã kết án những người này nhiều năm tù. Ngoài ra, các nhà hoạt động thường cho biết lực lượng an ninh cũng hiện diện đông hơn trong những ngày có ý nghĩa lịch sử quan trọng và các ngày lễ ở các khu vực có cộng đồng dân tộc-tôn giáo thiểu số sinh sống.

Chính phủ tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách kinh tế-xã hội giữa các nhóm dân tộc thiểu số và cộng đồng dân tộc đa số thông qua các chương trình của chính phủ. Chính phủ tiếp tục giao đất cho các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mặc dù việc thu hồi đất ở các khu vực này cũng diễn ra phổ biến.

Chính phủ cũng đã phối hợp với các quan chức địa phương để xây dựng khung chương trình giảng dạy bằng ngôn ngữ địa phương. Chương trình này được thực hiện một cách toàn diện hơn ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long so với ở miền núi Tây Bắc. Chính phủ cũng trợ cấp một số trường kỹ thuật và dạy nghề dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ dành điều kiện ưu đãi cho các công ty trong nước và nước ngoài đầu tư ở khu vực miền núi nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chính phủ cũng hỗ trợ các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng tại những khu vực nghèo đói, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và xây dựng các chương trình khuyến nông cho các khu vực nông thôn xa xôi hẻo lánh.

Các hành vi bạo hành, tội phạm hóa và hành vi xâm hại khác dựa trên khuynh hướng tính dục và bản dạng giới[sửa]

Luật pháp không cấm phân biệt đối xử với những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới về nhà ở, việc làm, pháp luật quốc tịch, tiếp cận dịch vụ của chính phủ. Vẫn còn sự kỳ thị xã hội và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở khuynh hướng tính dục và bản dạng giới. Bộ luật dân sự quy định cá nhân đã “chuyển đổi giới tính” có quyền đăng ký hộ tịch mới.

Kỳ thị xã hội đối với những người nhiễm HIV và AIDS[sửa]

Người bị nhiễm HIV tiếp tục đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử trong việc tiếp cận và duy trì việc làm. Việc bị bắt và giam giữ trong các trung tâm cai nghiện bắt buộc do tiếp tục sử dụng heroin hoặc ma túy tổng hợp đã ngăn cản người sử dụng ma túy tiếp cận các dịch vụ điều trị HIV và dịch vụ y tế, mặc dù việc điều trị này được coi là quyền cơ bản của các bệnh nhân nhiễm HIV.

Phần 7. Quyền của người lao động[sửa]

a. Tự do lập hội và quyền thương lượng tập thể[sửa]

Pháp luật quy định người lao động có quyền thành lập và tham gia các tổ chức công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, một tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam báo cáo trực tiếp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quy định này không bảo vệ các tổ chức công đoàn trước sự can thiệp và kiểm soát của chính quyền đối với hoạt động công đoàn. Bộ luật lao động được thông qua tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021 cho phép người lao động thành lập hoặc tham gia các tổ chức đại diện người lao động độc lập do họ lựa chọn, các tổ chức này không nhất thiết phải thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Chỉ công dân Việt Nam có quyền thành lập hoặc tham gia công đoàn.

Pháp luật cũng hạn chế tự do lập hội khi không cho các tổ chức công đoàn có quyền tự chủ hoàn toàn trong điều hành các công việc của họ. Tất cả các tổ chức công đoàn phải tuân theo các quy định pháp luật và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luật trao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyền sở hữu mọi tài sản của công đoàn, đồng thời trao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyền đại diện cho các công đoàn cấp dưới. Theo luật, những người lãnh đạo và cán bộ công đoàn được bổ nhiệm chứ không phải do các công đoàn viên bầu ra.

Luật quy định ở nơi nào không có tổ chức công đoàn, “công đoàn cấp trên trực tiếp” phải thực hiện các nhiệm vụ của công đoàn cơ sở, kể cả khi người lao động không đề nghị hoặc đã tự nguyện lựa chọn không có tổ chức công đoàn.

Đối với người lao động ở nơi không có công đoàn cơ sở, để tổ chức đình công, họ phải đề nghị cuộc đình công “được tổ chức và lãnh đạo bởi công đoàn cấp trên”. Nếu người lao động ở nơi không có công đoàn cơ sở muốn thương lượng tập thể, công đoàn cấp trên thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải đại diện cho họ.

Luật cấm người lao động đình công trong những lĩnh vực mà chính phủ cho là thiết yếu đối với nền kinh tế quốc dân, quốc phòng và trật tự công cộng. “Các dịch vụ thiết yếu” bao gồm sản xuất điện; bưu chính viễn thông; vận tải, giao thông và quản lý vận tải biển và hàng không; các công trình công cộng; sản xuất dầu khí. Luật cũng cho chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyền được đình chỉ những cuộc đình công bị coi là gây hại đến nền kinh tế quốc dân hay an toàn công cộng.

Luật cấm đình công ở cấp độ ngành và lĩnh vực, và cấm người lao động và công đoàn kêu gọi đình công để ủng hộ các hợp đồng ký kết giữa nhiều người sử dụng lao động.

Luật quy định công đoàn có quyền tổ chức và lãnh đạo các cuộc đình công, đồng thời luật đặt ra các hạn chế về nội dung và thủ tục đối với đình công. Luật chỉ cho phép đình công trong trường hợp cuộc đình công xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể và trường hợp thỏa ước lao động tập thể không được ký kết trong thời hạn luật định, hoặc trường hợp hội đồng trọng tài lao động chưa được thành lập. Người lao động phải báo trước 5 ngày cho người sử dụng lao động và cán bộ phụ trách lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện trước khi đình công. Các cuộc đình công không tuân theo đúng trình tự do luật quy định bị coi là bất hợp pháp.

Luật quy định ban chấp hành công đoàn chỉ được ban hành quyết định đình công khi có ít nhất 50% người lao động ủng hộ việc này. Người lao động phải yêu cầu và phải trải qua một quy trình hòa giải và trọng tài phức tạp và rườm rà trước khi được phép đình công hợp pháp. Công đoàn hoặc đại diện của người lao động có quyền kháng cáo quyết định của hội đồng trọng tài cấp tỉnh lên tòa án nhân dân cấp tỉnh, hoặc có quyền tổ chức đình công. Luật cũng quy định rằng những người đình công sẽ không được hưởng lương trong thời gian không làm việc. Luật cấm trả đũa người đình công. Theo luật, các cá nhân tham gia các cuộc đình công mà bị tòa án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp và gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì phải bồi thường các thiệt hại đó, tuy nhiên quy định này chưa bao giờ được thực thi.

Luật có những quy định cấm hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn và can thiệp vào các hoạt động của tổ chức người lao động, đồng thời áp đặt các chế tài hành chính và phạt tiền đối với hành vi vi phạm. Tuy nhiên, luật không phân biệt giữa người lao động và người quản lý và không cấm các nhân viên dưới quyền của người sử dụng lao động, chẳng hạn như người quản lý tham gia hoặc can thiệp vào hoạt động công đoàn.

Bộ luật lao động được thông qua năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021 có các quy định về thương lượng tập thể.

Chính quyền không thực thi pháp luật một cách hiệu quả. Không có hình phạt nào đối với các hành vi chống lại công đoàn, và quy định về trách nhiệm của người lao động đối với các cuộc đình công bất hợp pháp cũng không được thực thi.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam được truyền thông nhà nước đưa tin, có 121 cuộc đình công tự phát phát sinh trong năm 2019 và 91 cuộc đình công tự phát trong nửa đầu năm 2020. Hầu hết các cuộc đình công này xảy ra ở các tỉnh phía nam. Khoảng 82% các cuộc đình công xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (chủ yếu là các công ty Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc). Những người đình công yêu cầu tăng lương, có chế độ bảo hiểm xã hội tốt hơn cho người lao động và nâng cao chất lượng bữa ăn giữa các ca làm việc. Không cuộc đình công nào trong số này tuân theo quy trình hòa giải và trọng tài, do đó, chính quyền coi đây là những cuộc đình công "tự phát" bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính phủ đã không thực hiện hành động nào chống lại những người lao động tham gia đình công, và trong một số trường hợp còn chủ động đứng ra làm trung gian hòa giải để đi đến thỏa thuận có lợi cho người lao động. Trong một số trường hợp, chính phủ đã phạt tiền nặng các chủ sử dụng lao động, đặc biệt là với các công ty nước ngoài do đã có những hành động bất hợp pháp đối với người lao động, dẫn đến các cuộc đình công..

Do việc thành lập hoặc tìm cách thành lập tổ chức công đoàn độc lập là bất hợp pháp trước khi có Bộ luật lao động mới, nên không có tổ chức phi chính phủ trong nước nào về lao động tham gia vào việc tổ chức lao động. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ về lao động chưa được đăng ký của địa phương đã hỗ trợ các nỗ lực nâng cao nhận thức về quyền của người lao động và các vấn đề về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, đồng thời hỗ trợ người lao động di trú trong nước và nước ngoài. Nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế về lao động đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc đào tạo cho các đại diện công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức lao động, thương lượng tập thể và các vấn đề công đoàn khác. Chương trình Better Work Vietnam của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết sự can thiệp của những người quản lý vào hoạt động của công đoàn là một vấn đề lớn tại các nhà máy dệt may và nhà máy sản xuất giày dép ở Việt Nam.

b. Cấm lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc[sửa]

Hiến pháp và luật nghiêm cấm mọi hành vi lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc. Tuy nhiên, định nghĩa về lao động cưỡng bức trong Bộ luật lao động không bao hàm lao động để trừ nợ. Luật tội phạm hóa tất cả các hình thức buôn bán lao động là người thành niên và trẻ em dưới 16 tuổi. Hình phạt cho các tội này không tương xứng với hình phạt dành cho các tội phạm nghiêm trọng tương tự; trên thực tế, pháp luật không quy định chế tài xử phạt nào đối với hành vi vi phạm quy định về cấm lao động cưỡng bức. Các tổ chức phi chính phủ tiếp tục cho biết lao động cưỡng bức đối với nam giới, phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. (xem thêm mục 7.c.).

Các công ty xuất khẩu lao động, phần lớn có liên kết với các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị môi giới không có giấy phép đã thu tiền của người lao động có nguyện vọng xuất khẩu lao động cao hơn mức phí pháp luật quy định mà không bị xử phạt. Những lao động này phải gánh chịu những khoản nợ lớn và do đó dễ trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức, kể cả việc phải lao động để trừ nợ.

Xem thêm Báo cáo về tình trạng buôn bán người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại trang web: https://www.state.gov/trafficking-in-persons-report/.

c. Cấm lao động trẻ em và quy định độ tuổi lao động tối thiểu[sửa]

Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021 quy định rằng người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi. Luật cũng quy định rằng người lao động từ trên 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được làm các công việc có thể gây tổn hại cho sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của người chưa thành niên, như mang vác các vật nặng, làm việc liên quan đến chất cồn, hoặc hóa chất, khí gas nguy hiểm. Người lao động chưa thành niên từ 13 tuổi đến 15 tuổi có thể làm các công việc nhẹ trong danh mục do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành. Trẻ em dưới 13 tuổi có thể làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và thể dục, thể thao trong một số trường hợp nhưng không được quá 20 giờ 1 tuần. Lao động chưa thành niên phải được sự đồng ý của cha mẹ. Hiến pháp cấm lao động trẻ em.

Chính quyền không thực thi luật một cách có hiệu quả, và hình phạt không tương xứng với hình phạt dành cho những tội phạm nghiêm trọng tương tự.

Có báo cáo về việc sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp trong các ngành sử dụng nhiều lao động như xây dựng, sản xuất hàng dệt may, sản xuất gạch, ngư nghiệp, sản xuất đồ nội thất, giày dép, đồ da, nông nghiệp và một số ngành chế tạo. Báo chí địa phương cũng đưa tin về việc trẻ em làm nghề ăn xin theo các băng nhóm, và những người lãnh đạo các băng nhóm này đã bạo hành trẻ em và chiếm đoạt phần lớn thu nhập của các em. Một số trẻ em bắt đầu lao động ở độ tuổi 12 và gần 55% lao động trẻ em không đi học.

Trong ngành may mặc, có các báo cáo về việc trẻ em từ 6 tuổi đã làm công việc sản xuất hàng may mặc trong các điều kiện lao động cưỡng bức. Thông tin có được gần đây nhất từ các cuộc thanh tra của chính phủ, từ các tổ chức phi chính phủ và tin tức truyền thông trong năm qua cho thấy tình trạng này diễn ra phổ biến nhất trong các nhà máy sản xuất hàng may mặc quy mô nhỏ thuộc sở hữu tư nhân và trong các xưởng may không chính thức.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thực thi các chính sách và pháp luật về lao động trẻ em. Các quan chức chính phủ có thể phạt tiền và truy tố người sử dụng lao động trong các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về lao động trẻ em. Là một phần của Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2016- 2020 và Chương trình Quốc gia về bảo vệ trẻ em của chính phủ, chính phủ tiếp tục các nỗ lực nhằm ngăn chặn lao động trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ em ở khu vực nông thôn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với các điều kiện làm việc độc hại.

Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế ghi nhận sự hợp tác thành công với chính quyền cấp tỉnh để thực thi các chính sách quốc gia về đấu tranh chống tình trạng lao động trẻ em.

Xem thêm Danh mục hàng hóa được sản xuất bởi lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức của Bộ Lao động Hoa Kỳ tại trang web: https://www.dol.gov/agencies/ilab/reports/child-labor/list-of-goods.

d. Phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp[sửa]

Luật pháp nghiêm cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng, quan hệ lao động và làm việc nhưng không nêu rõ là cấm phân biệt đối xử trong mọi khía cạnh việc làm và nghề nghiệp. Luật cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, khuyết tật, màu da, địa vị xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, tình trạng nhiễm HIV và tư cách thành viên công đoàn hoặc sự tham gia vào các hoạt động công đoàn. Luật không cấm phân biệt đối xử dựa trên quan điểm chính trị, tuổi tác, ngôn ngữ, nguồn gốc dân tộc, khuynh hướng tính dục hoặc bản dạng giới. Các chế tài xử phạt đối với hành vi phân biệt đối xử không tương xứng với các hành vi vi phạm theo quy định của các luật liên quan đến quyền dân sự.

Không có luật nào cấm người sử dụng lao động hỏi về tình trạng gia đình hoặc tình trạng hôn nhân trong các buổi phỏng vấn xin việc.

Bộ luật lao động có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021 có định nghĩa về quấy rối tình dục và giao trách nhiệm cho người sử dụng lao động trong việc phòng ngừa tình trạng quấy rối tình dục. Người sử dụng lao động phải thực thi các quy định chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc và coi quấy rối tình dục là một trong các căn cứ để sa thải người lao động.

Chính phủ không thực thi hiệu quả các luật liên quan đến phân biệt đối xử về việc làm, nhưng đã có một số hành động nhằm khắc phục tình trạng phân biệt đối xử về việc làm đối với người khuyết tật. Các công ty có tối thiểu 51% người lao động là người khuyết tật sẽ được vay vốn ưu đãi đặc biệt của chính phủ.

Hoạt động tuyển dụng mang tính phân biệt đối xử vẫn tồn tại, bao gồm phân biệt đối xử liên quan đến giới tính, tuổi tác, khuyết tật và tình trạng hôn nhân. Phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, trong khi độ tuổi nghỉ hưu ở nam giới là 62, điều này ảnh hưởng đến khả năng của phụ nữ được thăng tiến lên các cấp bậc chức vụ quản lý và hưởng lương hưu và thu nhập cao hơn. Theo quy định của Bộ luật lao động mới có hiệu lực từ năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với nam giới và 55 tuổi 4 tháng đối với phụ nữ, và mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng đối với nam giới và 4 tháng đối với nữ giới.

Các doanh nghiệp có phụ nữ làm lãnh đạo vẫn gặp hạn chế trong việc tiếp cận tín dụng và các thị trường quốc tế. Mức lương của lao động nữ hàng năm thấp hơn mức lương của nam giới trung bình là một tháng lương. Nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong việc tìm việc làm sau tuổi 35, và có những báo cáo về việc phụ nữ nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động vào tuổi 35. Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý rằng phụ nữ trên 35 tuổi chiếm khoảng một nửa số người lao động thất nghiệp ở Việt Nam. Vẫn còn những hạn chế theo quy định của luật đối với phụ nữ trong một số nghề nghiệp và công việc, bao gồm các công việc được cho là “nguy hiểm” trong các ngành như khai thác mỏ, xây dựng và vận tải.

Các rào cản về xã hội và hạn chế trong việc tiếp cận nơi làm việc vẫn là vấn đề cần khắc phục đối với việc làm cho người khuyết tật.

e. Điều kiện làm việc có thể chấp nhận được[sửa]

Mức lương tối thiểu của mỗi khu vực là khác nhau. Ở tất cả các khu vực, mức lương tối thiểu vượt ngưỡng thu nhập người nghèo chính thức của Ngân hàng Thế giới.

Luật quy định chế độ làm việc bình thường là 48 giờ một tuần, và người lao động làm việc vượt quá thời gian đó phải được trả lương làm thêm giờ. Bộ luật lao động có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021 giới hạn thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ mỗi tháng, tăng so với mức quy định của luật cũ là 30 giờ mỗi tháng. Bộ luật lao động mới quy định giới hạn làm thêm giờ không quá 200 giờ trong một năm, nhưng vẫn có ngoại lệ trong trường hợp đặc biệt, với mức tối đa là 300 giờ làm thêm một năm nhưng phải được chính phủ chấp thuận sau khi tham vấn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đại diện người sử dụng lao động.

Bộ luật lao động mới mở rộng định nghĩa “quan hệ lao động” nhằm thừa nhận quan hệ lao động hợp pháp tồn tại khi hai bên thỏa thuận bằng văn bản trong đó có điều khoản về mô tả công việc, tiền lương, quản lý điều hành và các điều kiện về giám sát. Quy định của Bộ luật này dẫn đến khả năng khi hợp đồng với “nhà thầu độc lập”, “nhà cung cấp dịch vụ”, “người làm việc tự do”, hoặc các thỏa thuận không chính thức khác giữa hai hay nhiều bên chứa đựng các điều khoản có tính chất tương tự như quan hệ lao động, thỏa thuận đó có thể được công nhận là một hợp đồng lao động chính thức. Bộ luật lao động mới cũng giới hạn số lần ký hợp đồng lao động xác định thời hạn. Luật mở rộng sự bảo vệ đối với người lao động bán thời gian và người giúp việc gia đình.

Luật quy định các tiêu chuẩn an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, đưa ra các thủ tục giải quyết quyền lợi cho người lao động là nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, và quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp. Luật quy định về quyền của người lao động trong việc tự đưa mình ra khỏi các tình huống gây nguy hiểm đến sức khỏe hoặc sự an toàn mà không ảnh hưởng tới việc làm của họ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chính có thẩm quyền về lĩnh vực lao động, giám sát việc thực thi pháp luật lao động. Thanh tra Lao động chịu trách nhiệm tiến hành thanh tra tại nơi làm việc để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật lao động và các tiêu chuẩn về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp. Thanh tra viên được quyền tiến hành các cuộc thanh tra mà không báo trước và tiến hành xử phạt. Thanh tra có thể áp dụng các chế tài xử phạt, phạt tiền, thu hồi giấy phép hoạt động hoặc đăng ký, đóng cửa doanh nghiệp, đào tạo bắt buộc đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động. Thanh tra viên có thể tiến hành ngay lập tức các biện pháp xử lý khi có lý do cho thấy sự tồn tại một mối nguy hiểm hiện hữu và nghiêm trọng đối với sức khỏe hoặc sự an toàn của người lao động, bao gồm biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, mặc dù hiếm khi các biện pháp này được áp dụng. Hình phạt đối với các vi phạm về tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp tương xứng với hình phạt đối với các tội phạm tương tự như lừa đảo.

Số lượng thanh tra viên lao động là không đủ để đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động. Chính phủ không thực thi có hiệu quả pháp luật lao động, đặc biệt là trong trong khu vực kinh tế phi chính thức,

Các báo cáo đáng tin cậy cho biết các nhà máy dệt may và giày dép thường vượt quá số giờ làm thêm tối đa và không thực hiện đúng quy định của luật về số ngày nghỉ, trong đó có Báo cáo thường niên của Chương trình Better Work của ILO-IFC năm 2019. Báo cáo này chỉ ra rằng mặc dù đa số các nhà máy tham gia chương trình tuân thủ quy định về số giờ làm thêm tối đa mỗi ngày là 4 giờ, nhưng 77% số nhà máy vẫn không tuân thủ quy định về số giờ làm thêm tối đa mỗi tháng (30 giờ) và 69% vượt quá số giờ làm thêm tối đa mỗi năm (300 giờ). Ngoài ra, do việc làm thêm vào chủ nhật là rất phổ biến, 40% số nhà máy vi phạm quy định phải dành ít nhất 4 ngày nghỉ mỗi tháng cho người lao động.

Những người lao động di cư, gồm cả những người đi tìm việc làm trong nước và người lao động không có hợp đồng, là những người lao động dễ bị tổn thương nhất và thường phải chịu những điều kiện làm việc nguy hiểm. Những người lao động thuộc các nhóm dân tộc thiểu số thường làm việc trong khu vực kinh tế không chính thức, và theo ILO, người lao động không chính thức ở Việt Nam thường có thu nhập thấp và không ổn định, thời giờ làm việc kéo dài và thiếu sự bảo vệ của các thiết chế thị trường lao động. Ngoài ra, người lao động trong khu vực kinh tế không chính thức chỉ đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện này chỉ bao gồm chế độ hưu trí và tử tuất. Người lao động trong khu vực kinh tế chính thức và người sử dụng lao động của họ đóng bảo hiểm xã hội với các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cũng như hưu trí và tử tuất.

Hiện tượng bị thương khi làm việc do sức khỏe kém, điều kiện an toàn lao động và đào tạo nhân viên không đầy đủ vẫn là một vấn đề đáng quan ngại. Số vụ thương tích và tử vong liên quan đến lao động trong năm 2019 (theo dữ liệu gần đây nhất) vẫn ở mức xấp xỉ năm 2018. Trong năm 2019, chính phủ cho biết có 8.150 vụ tai nạn lao động với 8.327 nạn nhân, trong đó có 927 vụ tai nạn chết người với 979 người thiệt mạng. Trong số những vụ tai nạn chết người, có 610 vụ liên quan đến người lao động có hợp đồng và 369 vụ liên quan đến người lao động không có hợp đồng.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: