Bước tới nội dung

Báo cáo tình hình buôn người năm 2014

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Báo cáo tình hình buôn người năm 2014  (2014) 
của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Báo cáo được công bố ngày 20 tháng 6 năm 2014.

Việt Nam - Danh sách loại 2

Việt Nam là quốc gia xuất phát của nhiều nam giới, phụ nữ và trẻ em bị mua bán vì mục đích tình dục hoặc bị cưỡng ép lao động trong nước và nước ngoài. Việt Nam là quốc gia có nhiều nam giới và phụ nữ di cư ra nước ngoài lao động thông qua con đường tự túc hoặc thông qua các công ty xuất khẩu lao động nhà nước, tư nhân và cổ phần. Sau đó một số người đã bị cưỡng ép lao động trong các ngành xây dựng, đánh bắt thuỷ sản, nông nghiệp, khai thác mỏ, khai thác gỗ, chế tạo, và một số ngành khác, chủ yếu tại Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, và Nhật Bản, và ở mức độ thấp hơn là tại Trung Quốc, Thái Lan, Cam-pu-chia, Indonesia, Vương quốc Anh, Cộng hoà Séc, Đảo Síp, Pháp, Thuỵ Điển, Trinidad và Tobago, Costa Rica, Nga, Ba-lan, Ucraina, Libya, Ả-rập Xê-út, Gioóc-đa-ni và một số quốc gia khác ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán sang các nước ở châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục – đặc biệt là Trung Quốc, Cam-pu-chia, Malaysia, và Nga. Nhiều nạn nhân người Việt của buôn bán tình dục cũng đã được tìm thấy ở Ghana. Họ thường bị lừa gạt bởi các cơ hội việc làm giả mạo và bị bán cho các nhà chứa ở biên giới với Campuchia, Trung Quốc và Lào; một số người sau đó bị đưa sang các nước thứ ba như Thái Lan và Malaysia. Một số phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Hong kong, Macau, Singapore hay Hàn Quốc qua những cuộc hôn nhân với người nước ngoài thông qua môi giới, sau đó đã bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành nghề mại dâm, hoặc cả hai. Làm công trừ nợ, thu giữ hộ chiếu, và dọa nạt bị trục xuất là những thủ đoạn thường được dùng để bắt các nạn nhân Việt Nam phải phục vụ. Các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam và Trung Quốc đã đưa những người dân Việt Nam, chủ yếu là trẻ em, sang Vương quốc Anh và Đan Mạch và buộc họ làm việc trong các trang trại trồng cần sa. Các nạn nhân làm việc trong các trang trại này bị mờ mắt bởi những hứa hẹn về công ăn việc làm có lợi nhuận cao, và đã bị cưỡng bức lao động qua việc làm công trừ nợ, các lời dọa dẫm đánh đập họ và gia đình họ, và nỗi sợ hãi bị các cơ quan chức năng châu Âu bắt giữ.

Các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, hầu hết là các đơn vị thành viên của các công ty nhà nước, và các cá nhân môi giới lao động trung gian không có giấy phép hoạt động, đôi khi đã bắt người lao động phải đóng những khoản phí vượt quá mức quy định của pháp luật để được đi xuất khẩu lao động. Kết quả là, người lao động Việt Nam phải gánh chịu những khoản nợ cao nhất trong số những lao động người châu Á, và họ rất dễ rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, bao gồm việc phải làm công trừ nợ. Sau khi đến nước tiếp nhận lao động, một số người mới nhận ra rằng họ bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất ít hoặc không được trả lương, bất chấp những khoản nợ đang đè nặng trên vai, cũng như không được tiếp cận với kênh trợ giúp pháp lý đáng tin cậy nào. Một báo cáo của một tổ chức phi chính phủ năm 2013 cho thấy người lao động thường không được xem trước hợp đồng hoặc bị ép ký các hợp đồng được soạn thảo bằng những ngôn ngữ mà họ không hiểu. Các công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu đôi khi không đáp ứng yêu cầu trợ giúp của người lao động khi họ bị bóc lột.

Có những báo cáo của nhà chức trách Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ về việc người Việt Nam bị cưỡng ép lao động ở trong nước. Trẻ em Việt Nam, trong đó nhiều em từ nông thôn ra và có những em mới chỉ 12 tuổi, là nạn nhân của buôn bán tình dục. Báo cáo của các tổ chức phi chính phủ và của chính phủ cho thấy những kẻ buôn người ngày càng nhắm đến các nạn nhân ở những vùng sâu vùng xa, là nơi mà mức độ nhận thức của người dân và chính quyền về nạn buôn người còn thấp. Trẻ em bị bắt phải đi bán hàng rong, ăn xin, hoặc bị bắt phải làm việc tại các quán ăn, nhà hàng ở các thành phố lớn tại Việt Nam, mặc dù một số nguồn tin cho biết hiện tượng này vào năm 2013 đã không còn nghiêm trọng như những năm trước đây. Một số trẻ em Việt Nam là nạn nhân bị cưỡng ép lao động hoặc phải làm công trừ nợ tại các nhà xưởng của các gia đình ở đô thị, đặc biệt là trong khu vực dệt may gia công gần thành phố Hồ Chí Minh, hoặc tại các mỏ khai thác vàng hoặc các lò gạch của tư nhân ở vùng nông thôn. Các tổ chức phi chính phủ cho biết các đối tượng mua bán người đang tăng cường sử dụng Internet để dụ dỗ các nạn nhân, dẫn đến số lượng những người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu ở thành thị trở thành nạn nhân của những vụ mua bán người cũng ngày càng tăng. Thủ đoạn thường được sử dụng nhất là những kẻ buôn người sẽ đóng vai các chàng trai trẻ dụ dỗ các cô gái trẻ hẹn hò trên mạng; sau khi được nạn nhân tin cậy, chúng thuyết phục các cô chuyển sang một địa điểm mới, sau đó các cô bị cưỡng ép lao động hoặc bị buôn bán tình dục. Các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng có khoảng 22.000 trẻ em đường phố, cộng với các em khuyết tật, ngày càng dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Các nạn nhân thường bị họ hàng hoặc người quen dụ dỗ, và thường là những người thân trong gia đình cũng biết về việc này, thậm chí còn ủng hộ hoặc giục giã họ. Chính phủ tiếp tục yêu cầu những người nghiện ma túy trong các trại cai nghiện/giáo dưỡng phải lao động, mặc dù nếu như luật năm 2013 và nghị định năm 2014 được thực hiện thì chỉ khi có quyết định của tòa án mới được phép đưa những người nghiện này vào các trung tâm giáo dưỡng. Theo cuộc khảo sát năm 2012 do tổ chức UNICEF tài trợ về vấn đề bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, Việt Nam là điểm đến của du lịch tình dục trẻ em, mà những kẻ mua dâm chủ yếu là những người đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Úc, Châu Âu và Hoa Kỳ.

Chính phủ Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người. Tháng Bảy năm 2013, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, và Bộ Tư pháp đã ban hành thông tư liên tịch trong đó quy định các khung hình phạt cụ thể đối với tội danh buôn người nêu trong Luật phòng chống mua bán người được ban hành năm 2012. Thông tư liên tịch này bắt đầu có hiệu lực vào tháng Chín năm 2013, nhưng từ đó đến nay chưa có vụ án nào được khởi tố theo luật năm 2012. Chính phủ cũng đã ban hành thêm hai thông tư và một nghị định để hướng dẫn thi hành các điều khoản về bảo vệ và phòng chống trong luật phòng chống mua bán người. Các nhà chức trách Việt Nam tiếp tục truy tố và kết án các thủ phạm buôn người xuyên quốc gia. Các nguồn tin báo chí cho thấy đã có 20 kẻ bị kết án vì dính líu đến hoạt động buôn người và cưỡng bức lao động ở tỉnh Tây Ninh vào tháng 12 năm 2013. Nhiều cán bộ chính phủ còn chưa hiểu rõ thế nào là buôn người, đặc biệt là buôn bán lao động cưỡng ép, do đó họ không nhận diện được các nạn nhân hoặc không thực hiện điều tra hình sự một cách hiệu quả trong các vụ đã khởi tố. Chính phủ Việt Nam đã không trợ giúp đầy đủ những người Việt Nam lao động ở nước ngoài bị bắt làm công trừ nợ hoặc các dạng lao động cưỡng bức khác.

Khuyến nghị đối với Việt Nam:

Sử dụng các quy định trong Luật Phòng chống Mua bán người mới để kiên quyết truy tố tất cả các hình thức mua bán người và kết án và xử phạt những kẻ buôn người – đặc biệt trong những vụ cưỡng bức lao động; chủ động theo dõi các công ty xuất khẩu lao động và thực thi nghiêm các quy định đối với các tập quán có thể tiếp tay cho nạn mua bán người, bao gồm cả việc thu phí môi giới quá cao; tăng cường công tác tập huấn cho các cán bộ về các quy định của Luật Phòng chống mua bán người, tập trung cụ thể vào việc xác định và điều tra các vụ án về lao động cưỡng bức và các vụ xảy ra hoàn toàn ở Việt Nam; chấm dứt ngay việc bắt những người nghiện ma túy phải lao động thương mại trong các trung tâm cai nghiện (cải tạo) của chính phủ; áp dụng các chính sách để chủ động xác định nạn nhân và cung cấp sự hỗ trợ cho nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các lao động Việt Nam di cư, gái mại dâm, và lao động trẻ em, và đào tạo cho các cán bộ chính phủ trong việc áp dụng các quy trình nói trên; hỗ trợ các nỗ lực của các tổ chức quốc tế hoặc các bên có liên quan khác nhằm nghiên cứu và báo cáo về các xu hướng mua bán người ở Việt Nam, bao gồm cả việc công bố các kết quả nghiên cứu; tăng cường hợp tác liên ngành trong các nỗ lực chống mua bán người nhằm giám sát và đánh giá các nỗ lực triển khai kế hoạch hành động quốc gia; đẩy mạnh việc thu thập và chia sẻ số liệu ở cấp độ quốc gia về các vụ truy tố vì tội danh mua bán người, đặc biệt là các vụ liên quan đến mua bán lao động; hỗ trợ các chương trình nâng cao nhận thức nhằm giảm kỳ thị và đẩy mạnh sự tái hòa nhập của những người trở về từ nạn mua bán người; và thực hiện và hỗ trợ chiến dịch nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người, trực tiếp hướng đến các đối tượng lôi kéo người lớn và trẻ em vào hoạt động mua bán tình dục.

Truy tố

Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục nỗ lực thực thi pháp luật chống lại nạn mua bán phụ nữ và trẻ em gái xuyên quốc gia, nhưng chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc truy tố các tội danh buôn người. Luật Phòng chống mua bán người năm 2012 đã mở rộng Điều 119 và 120 của Bộ luật Hình sự, định nghĩa rõ khái niệm và cấm buôn người vì mục đích cưỡng bức lao động hoặc tình dục. Tháng Bảy năm 2013, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, và Bộ Tư pháp đã ban hành thông tư liên tịch trong đó quy định các khung hình phạt đối với tội danh buôn người mặc dù không có trường hợp nào bị truy tố theo định nghĩa mở rộng nêu trong Luật Phòng chống mua bán người năm 2012. Với Thông tư mới này, Luật đã nêu rõ khung hình phạt từ 2 đến 7 năm đối với tội danh mua bán người vì mục đích lao động cưỡng bức, và từ 3 đến 10 năm đối với tội danh mua bán người vì mục đích tình dục. Đây là những chế tài đủ mức răn đe và tương ứng với các mức hình phạt dành cho các tội danh nghiêm trọng khác, như tội hiếp dâm.

Các hệ thống thu thập dữ liệu ở cấp trung ương của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến số liệu thống kê do các cơ quan chính phủ khác nhau báo cáo về thực thi pháp luật về các vụ truy tố và nhận diện nạn nhân vẫn còn khập khiễng và không nhất quán. Chính phủ cho biết trong năm 2013 đã có 697 nghi can mua bán người bị bắt giữ, 512 bị cáo bị đưa ra xét xử theo các điều của Bộ luật Hình sự, và 420 tội phạm mua bán người đã bị tuyên có tội và bị kết án, giảm so với số tội phạm năm 2012 (490 đối tượng). Tất cả các đối tượng bị kết án đều nhận mức phạt tù ít nhất 3 năm. Mặc dù đã có những quy định trong Luật Phòng chống mua bán người năm 2012, chính phủ Việt Nam chủ yếu chỉ điều tra truy tố các vụ mua bán người để cưỡng bức lao động từ góc độ vi phạm hành chính theo luật lao động, mà luật lao động thì không quy định về các mức phạt hình sự. Chính phủ cũng không cung cấp thông tin về số lượng các vụ mua bán cưỡng bức lao động mà họ đã điều tra truy tố. Vào năm 2013, các nguồn tin báo chí cho biết đã có 20 đối tượng bị kết án do dính líu vào việc cưỡng bức 40 phụ nữ làm việc ở quán karaoke ở tỉnh Tây Ninh, tuy nhiên cũng không rõ các đối tượng này bị kết án do tội cưỡng bức lao động hay còn tội danh nào khác. Các nguồn tin báo chí cũng cho biết có các quan chức chính quyền tham gia vào các hoạt động chung về điều tra và giải cứu nạn nhân với các đồng nghiệp ở Trung Quốc, Campuchia, và Lào, và các cán bộ chính quyền cho biết những hoạt động hợp tác đó đã dẫn tới việc bắt giữ 4 đối tượng mua bán người ở Việt Nam nhờ thông tin do phía Trung Quốc cung cấp. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng việc hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật còn yếu. Các tổ chức phi chính phủ cũng cho rằng nhiều cán bộ nhà nước chưa được đào tạo đầy đủ để có khả năng nhận diện nạn nhân và giải quyết các vụ việc mua bán người, nhất là mua bán người để cưỡng bức lao động, và đôi khi các cán bộ chính quyền đã quyết định không khởi tố điều tra do hạn chế về ngân sách. Việc thiếu phối hợp giữa các tỉnh và các cơ quan thực thi pháp luật cũng làm cản trở quá trình thực thi pháp luật về phòng chống mua bán người. Những tranh chấp về hợp đồng giữa lao động Việt Nam và các công ty tuyển dụng lao động có trụ sở ở Việt Nam hoặc các công ty ở nước ngoài—kể cả các hành vi lừa đảo trong tuyển dụng lao động và các trường hợp khác có dấu hiệu của cưỡng ép lao động—phần lớn được giao hoàn toàn cho công ty tuyển dụng lao động giải quyết. Mặc dù người lao động có quyền hợp pháp để đưa các vụ việc ra tòa, nhưng trên thực tế ít người có đủ nguồn lực để theo kiện, và không có số liệu nào cho thấy số nạn nhân Việt Nam bị mua bán vì mục đích lao động được nhận bồi thường trước tòa.

Nhiều tổ chức phi chính phủ cho biết tình trạng tham nhũng liên quan đến mua bán người tiếp tục xảy ra ở cấp địa phương, trong đó các cán bộ tại các cửa khẩu biên giới và các chốt kiểm soát nhận hối lộ từ các những kẻ mua bán người, và các cán bộ quyết định không can thiệp để bảo vệ nạn nhân trong những trường hợp mà kẻ mua bán người và nạn nhân có quan hệ họ hàng. Chính phủ không báo cáo về các vụ điều tra, truy tố, hoặc kết án các cán bộ nhà nước đồng lõa trong các vụ mua bán người.

Bảo vệ nạn nhân

Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục nỗ lực bảo vệ các nạn nhân của các vụ mua bán người xuyên biên giới vì mục đích tình dục. Tuy vậy, Chính phủ vẫn chưa nỗ lực hết mức trong việc xác định nạn nhân và bảo vệ nạn nhân của các vụ mua bán lao động hay các vụ mua bán diễn ra trong nước. Chính phủ có một quy trình chính thức để nhận diện nạn nhân, nhưng lại chưa sử dụng quy trình đó một cách hiệu quả để chủ động xác định nạn nhân trong các nhóm có rủi ro cao, như phụ nữ bị bắt vì hành nghề mại dâm, hoặc lao động di cư hồi hương, và lao động trẻ em; các nỗ lực nhận diện nạn nhân vẫn còn yếu ở tất cả các luồng nhập cư và mua bán người. Lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, và cán bộ ngoại giao của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền chứng nhận nạn nhân. Nhưng đôi khi các cán bộ lại nhập tội mua bán người với tội buôn lậu, dẫn đến việc không nhận diện được những nạn nhân di cư ra nước ngoài theo chủ ý của họ. Chính phủ đã chứng nhận cho 982 nạn nhân mua bán người vào năm 2013, trong số đó có 871 người được nhận diện ở nước ngoài và được đưa hồi hương về Việt Nam.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cung cấp dịch vụ và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 300 nạn nhân của nạn buôn người, và đã có 349 nạn nhân được các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ. Nhưng chính phủ vẫn tiếp tục có những hành động ép buộc lao động đối với những người nghiện ma túy trong các trung tâm cai nghiện (cải tạo). Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực vào tháng Bảy năm 2013, trong đó quy định rằng những người nghiện ma túy sẽ không bị đưa vào các cơ sở cai nghiện nếu không qua một quy trình xét xử của tòa án. Tuy nhiên trong năm qua, chính phủ vẫn tiếp tục chuyển những người nghiện ma túy đến các trại tạm giam, và ở đó một số người đã bị ép phải lao động. Các nhà chức trách có các quy trình chính thức tiếp nhận nạn nhân bị mua bán và chuyển họ đi chăm sóc, nhưng trên thực tế hệ thống này không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả, và một số nạn nhân đã không tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ.

Chính phủ không cung cấp các hình thức bảo vệ pháp lý đầy đủ hoặc hỗ trợ cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Việt Nam vẫn duy trì vị trí tùy viên lao động tại đại sứ quán ở 9 quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất; tuy nhiên, các cán bộ ngoại giao chưa được tập huấn và giám sát đầy đủ để có thể giải quyết các trường hợp mua bán người. Trong những năm qua, đã có những báo cáo rằng một số cán bộ đại sứ quan đã không bảo vệ được nạn nhân người Việt Nam bị mua bán ở nước ngoài. Việt Nam còn thiếu sự đại diện ngoại giao hoặc các thỏa thuận song phương với những nước mà công dân Việt Nam có nguy cơ bị mua bán nhiều nhất, khiến cho nạn nhân Việt Nam ở những nước này không thể tiếp cận được với sự hỗ trợ của chính phủ. Chính phủ không công bố số liệu về các trường hợp trong đó cán bộ lãnh sự quán hoặc cán bộ ngoại giao đã xác định hoặc hỗ trợ người Việt Nam bị mua bán tại nước ngoài. Mặc dù về nguyên tắc người lao động có quyền khởi kiện các công ty xuất khẩu lao động, nhưng trên thực tế không có dấu hiệu nào cho thấy các nạn nhân đứng ra khởi kiện tại các tòa án Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và các quỹ do nước ngoài tài trợ, tiếp tục điều hành ba nhà tạm lánh ở các khu đô thị, trong đó có một nhà tạm lánh dành riêng cho các nạn nhân mua bán người; các nhà tạm lánh này đã tư vấn và đào tạo nghề cho các nạn nhân nữ bị mua bán vì mục đích tình dục. Cán bộ địa phương cũng vận hành các nhà tạm trú nhỏ hơn để tiếp nhận và chuyển nạn nhân. Đôi khi, nạn nhân được sắp xếp ở tại các trung tâm bảo trợ xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nơi cung cấp dịch vụ cho nhiều nhóm người dễ bị tổn thương, mặc dù ở nhiều nơi, các trung tâm này rất thiếu thốn, thiếu kinh phí hoạt động và thiếu cán bộ được đào tạo cơ bản để hỗ trợ các nạn nhân mua bán người. Hiện vẫn chưa có nhà tạm trú hay dịch vụ nào dành riêng cho nạn nhân mua bán người là nam giới, trẻ em hoặc nạn nhân bị mua bán vì mục đích lao động, mặc dù các nhà tạm trú hiện có vẫn cung cấp dịch vụ cho một số nạn nhân là nam giới và trẻ em. Trong năm, chính phủ đã ban hành 2 thông tư liên bộ để tăng cường sự bảo vệ đối với các nạn nhân; một thông tư quy định rõ vai trò trách nhiệm của lực lượng biên phòng và cảnh sát biển trong việc giải quyết các hành vi buôn người, còn thông tư thứ hai tăng mức trợ cấp một lần tối đa của chính phủ cho các nạn nhân bằng tiền mặt lên khoảng tương đương 70 đô-la Mỹ. Chính phủ không cung cấp số liệu về số lượng nạn nhân được hưởng trợ cấp này.

Chính phủ đã khuyến khích các nạn nhân hỗ trợ quá trình truy tố những kẻ đã mua bán họ, nhưng các nạn nhân thường miễn cưỡng tham gia các vụ điều tra hoặc xét xử do lo sợ bị xã hội kỳ thị vì mình là nạn nhân mua bán người, đặc biệt khi liên quan tới mại dâm, sợ bị trả thù khi trở lại cộng đồng địa phương, sợ bị xử phạt vì những hành động vi phạm pháp luật mà mình đã làm trong quá trình bị mua bán, và do thiếu động lực để tham gia các hoạt động này. Pháp luật Việt Nam bảo vệ nạn nhân mua bán người khỏi những cáo buộc hình sự về những hành vi là hậu quả trực tiếp của việc bị mua bán; tuy nhiên, do nỗ lực nhận diện nạn nhân trong nhóm những người dễ bị tổn thương chưa đầy đủ nên một số nạn nhân có thể bị coi là đối tượng vi phạm pháp luật. Chính phủ không đưa ra lựa chọn pháp lý nào khác trong việc đưa các các nạn nhân nước ngoài tới những nước mà họ phải đối mặt với việc bị trả thù hay tình trạng cùng quẫn.

Ngăn chặn việc mua bán người

Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục nỗ lực trong việc ngăn chặn hành vi mua bán người, nhưng lại có những động thái khác đôi khi làm cản trở khả năng tham gia của các tổ chức nhà nước và tư nhân vào hoạt động phòng chống mua bán người, nhất là mua bán vì mục đích cưỡng ép lao động. Trong năm, chính phủ đã không cho phép công bố một báo cáo nghiên cứu của một tổ chức quốc tế trong đó đánh giá mức độ và phạm vi của hoạt động mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động tại Việt Nam và của các công dân Việt Nam ở nước ngoài – đây là lĩnh vực mà việc thiếu thông tin số liệu có thể làm chậm tiến bộ của các nỗ lực phòng chống. Chính phủ đã ban hành bản Kế hoạch hành động quốc gia 5 năm về phòng chống mua bán người, được triển khai cho đến năm 2015, với ngân sách được phân bổ tương đương khoảng 15 triệu đô-la Mỹ; vào tháng Giêng năm 2013, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống mua bán người, là cấp chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động nói trên, đã được nhập vào Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, do một phó thủ tướng đứng đầu. Chính phủ đã thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người thông qua các phương tiện truyền thông trực tuyến, tranh ảnh áp phích về phòng, chống mua bán người dựa trên cộng đồng, các chương trình phát thanh truyền hình, các bảng quảng cáo, tờ rơi, các chương trình học trong nhà trường và các cuộc họp cộng đồng. Chính phủ đã rút giấy phép của 2 công ty xuất khẩu lao động và xử phạt 8 công ty khác vì những vi phạm đối với các quy định về việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Chính phủ cũng đã ban hành một nghị định hướng dẫn việc không giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn cho các cặp vợ chồng nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ gian lận hoặc mua bán người. Tuy nhiên, các nỗ lực nói chung của chính phủ trong việc kiểm tra giám sát các công ty xuất khẩu lao động và môi giới hôn nhân vẫn còn yếu. Vào tháng 12 năm 2013, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành quy định nêu rõ mức phí và số tiền đặt cọc tối đa và tối thiểu mà người lao động Việt Nam phải đóng trước khi rời Việt Nam để ra nước ngoài làm việc, cụ thể là tương đương khoảng từ 300 đô-la đến 3.000 đô-la. Nếu được thực hiện nghiêm chỉnh, thì mức phí và đặt cọc tối đa này sẽ giảm bớt gánh nặng nợ nần của những người lao động; tuy nhiên, cơ chế phí và đặt cọc bắt buộc cũng khiến cho người Việt Nam lao động ở nước ngoài dễ bị cưỡng bức lao động để trừ nợ hơn. Chính phủ đã thực hiện một chiến dịch truyền thông chống lại nạn mại dâm, nhắm vào những khách hàng tiềm năng trong hoạt động mua bán dâm. Nhưng chính phủ đã không có nỗ lực gì trong việc giảm bớt nhu cầu đối với việc cưỡng ép lao động.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: