Bước tới nội dung

Bả phồn hoa/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ tư

HỒI THỨ TƯ

Ra lệnh rượu, chủ khách đua vui
Bàn chuyện tuồng, chị em nói ý

Lý-Hoa theo tiếng gọi trông lại, thì thấy nơi phòng ăn đó trên có đề ba chữ « Ngọc-hà-sanh », vội vàng bước lại chào Thiếu-my. Thiếu-my mừng lắm, mắt chăm chăm nhìn vào Quan-đoàn. Trông dong-nhan riệm rã, quần áo thướt tha, chẳng khác gì sen đua mặt nước, lan nở đầu thu, thật đáng bậc nghiêng thành nghiêng nước. Nhất là cặp mắt sắc như đôi dao cau, hình như có một cái sức mạnh thu được linh hồn người khác. Thiên hạ gọi là « hồ tinh mặt ngọc » thực cũng không ngoa. Thiếu-my nhìn ngẩn người ra, sực nhớ lại mới bắt tay Lý-Hoa và toan giơ tay bắt cả tay Quan-đoàn nữa. Nàng vội-vàng lấy tay khép áo, sẽ cúi đầu chào. Thiếu-my không được bắt tay, ngượng quá, vội giơ bàn tay ấy ra mời ngồi. Uống nước xong, Thiếu-my mới cất tiếng nói rằng:

— Bà chị sang đây đã mấy hôm, chưa kịp đặt tiệc tẩy-trần, lòng tôi lấy làm áy-náy lắm. Nàng sẽ nhích mình mà đáp:

— Không dám!

Câu nói chỉ có hai tiếng. Thiếu my thấy nàng mát lời quá, lại gợi chuyện mà hỏi:

— Trước đây, bà chị đã ra hải-cảng bao giờ chưa? Nàng đáp:

— Thưa chưa! Thiếu-my lấy tay-vuốt tóc, rồi cầm mùi soa lau miệng mà rằng:

— Hương-cảng là đất phồn hoa. Bà chị đã đi chơi những đâu rồi? Lý-Hoa vội trả lời thay:

— Nhà tôi mới đến, tôi lại không mấy lúc rảnh, nên cũng chưa đi chơi được mấy chỗ. Ngay lúc ấy, hầu-sáng đã bưng quả-tươi lên. Thiếu-my đứng rậy đỡ, đưa đĩa quả tỳ-bà đến mời nàng. Nàng đứng rậy mà rằng:

— Xin ông cứ để mặc. Em ăn em sẽ lấy. Vừa nói vừa đỡ lấy đĩa quả đặt vào bàn ăn, đưa tay bứt một quả rồi lại về chỗ ngồi. Thiếu-my nhân lúc nàng ngồi nghiêng mặt, đưa mắt nhìn suốt từ đầu đến chân. Lý-Hoa lúc ấy đương cầm khăn rửa mặt không trông thấy... Thiếu-my miệng ngậm xì-gà, đem con mắt làm bộ máy chụp ảnh mỹ-nhân, song thuỷnh thoảng lại giả vờ gạt tàn thuốc, kéo khăn lau, làm ra bộ tự nhiên, để che lấp cái cặp mắt « quạ vào chuồng lợn! » Nàng ăn xong trái tỳ-bà, rút mùi soa lau mồm, đưa mắt nhìn quanh, hình như biết ông chủ nhìn trộm mình, vội vàng đưa mắt làm thinh, hai má đỏ hồng hồng, vội cất tiếng gọi con hầu đến, rồi sẽ ghé tai nói nhỏ... Nói xong, con hầu gật đầu bước ra mà nét mặt nàng cũng không còn có vẻ ngượng-ngập như trước nữa. Thiếu-my thấy vậy, lại đánh bạo mà hỏi rằng:

— Nghe nói bà-chị xưa kia học ở tỉnh, chữ viết khá lắm. Có thì giờ tôi sẽ làm một bức hoành-phi, xin bà chị viết cho mấy chữ, phỏng có tiện không? Nàng mỉm cười mà rằng:

— Ông quá khen! Em tuy đi học mấy năm song dạ tối tính lười, chỉ vọc-vạch biết được dăm ba chữ, nét chữ viết thì như gà bới, chẳng tổ làm bửn cho hoành-phi. Ông nói đùa làm chi vậy! Thiếu-my thấy nàng nói nói cười cười, đương toan thừa thế tán vào, thì bỗng thấy Lý-Hoa quay lại mà nói:

— Ta hãy đi chơi quanh nhà cho tiêu-khiển một chút. Câu nói đó chính là ý nàng nói thầm với con hầu ra bảo chồng. Nói vừa dứt thì nàng ùng con hầu vội đứng rậy bước ra, Lý-Hoa cùng Thiếu-my đi sau, đi riễu quanh cả gác một lượt. Bấy giờ đã bẩy giờ tối. Đèn điện sáng như ban ngày. Dưới bóng đèn, nào tranh treo, nào đồ cổ, nào câu-đối, nào tứ-bình, bài trí trông choáng cả mắt. Xem xong trở về « Ngọc-hà-sanh », thì thấy tiệc hoa đã dọn sẵn sàng, ba người liền cùng ngồi vào uống rượu. Tiếng nói tiếng cười, chén anh chén chú, chủ khách ăn uống rất là vui vẻ. Rượu được vài tuần thì nàng cũng không còn có vẻ e-lệ như trước nữa mà Lý-Hoa cũng có ý say. Chàng tự nghĩ: Mình là một đứa làm công mà được ông chủ tử-tế đến thế này, nào cho tiền, nào cho nhà, nào là mời vợ chồng mình cùng ăn-cơm, nghĩ thực cũng là vinh hạnh. Trong khi đắc ý, ngảnh-lại nhìn vợ, đầu mày cuối mắt không khỏi lả lơi. Cái cảnh chồng quý vợ, vợ chiều chồng, thật làm chướng mắt cho người ngồi đấy... Thiếu-mỵ uống suông hơi buồn, muốn ra « lệnh-rượu » song lại ngại về nỗi Lý-Hoa ít chữ. Vì thế chàng mới xướng ra cái nghị « quay thìa »: Để chiếc thìa vào đĩa mà quay, hễ chuôi thìa chỉ vào ai thì người ấy phải uống một cốc đầy rượu. Vợ chồng Lý-Hoa, nhường cho chàng quay trước. Quay thế nào chuôi thìa lại chỉ vào mình. Vợ chồng Lý-Hoa cùng vỗ tay cười. Chàng đỏ mặt tía tai, bất-đắc-dĩ phải uống một cốc rượu đầy rồi lại đứng rậy cầm lấy chuôi thìa mà quay, vừa quay vừa khấn thầm rằng:

— Kiếp này nếu có duyên với mỹ-nhân, thì cốc-rượu thứ hai này xin cho về phần mỹ-nhân uống! Một lát sau, cái chuôi thìa ấy quay đến trước mặt chàng, đã sắp đứng lại, chàng vội vàng chỉ tay quát một tiếng, thì cái chuôi thìa hình như cũng có quỷ-thần dun-dủi thật, quay ngay sang phía Quan-đoàn rồi đứng lại không đi. Chàng vỗ tay cười mà rằng:

— Bà chị phải uống cốc này mới được. Vừa nói vừa đứng rậy rót một cốc rượu đầy. Nàng vội vàng đứng rậy đỡ lấy, cười mà rằng:

— Cám ơn ông! Nói xong, cúi xuống nhắp thấy rượu có mùi cay, cau mày không muốn uống. Chàng vừa dục vừa cầm cốc cố ép, thế nào chạm mấy ngón tay vào má nàng. Nàng thẹn đỏ mặt, cười chữa thẹn mà rằng:

— Ông để tôi uống, không phải dục... Lý-Hoa cũng túng-dũng mà nói:

— Một cốc rượu có gì là khó uống, mà phải kiểu cách thế! Nàng đưa mắt lườm chồng rồi cố uống cạn ngay. Kết quả cuộc quay-thìa hôm ấy, nàng phải uống rượu nhiều nhất, Thiếu-my thứ nhì, đến Lý-Hoa vốn là tay uống được thì lại uống ít nhất. Canh khuya tan tiệc, ba người lại ngồi truyện suông một lúc, bấy giờ mới cùng nhau từ-dã ra về.

Tòa nhà của vợ chồng Lý-Hoa ở, tất cả bốn tầng Hai tầng dưới cho người tỉnh ngoài thuê, không từng cùng nhau chào hỏi trò truyện bao giờ cả. Chỉ có nhà ở tầng thứ ba, thì vì ở liền với nhau, nên người hai nhà thường thường trông thấy nhau luôn. Một hôm Quan-đoàn đương đứng tựa cửa song trông ra ngoài đường, chợt thấy một người trẻ tuổi ăn mặc tây xuống xe đi vào tòa nhà của mình ở. Khi người ấy đi lên đến cửa tầng gác thứ ba, nàng tò mò ngó ra ròm xem, thì ra « một chàng vừa độ thanh-xuân, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao!.. » Ngày xuân vắng vẻ, thấy cảnh sinh tình, nàng bất giác đứng ngẩn người ra mà nghĩ vẩn nghĩ vơ, tự nghĩ mình thật là duyên phận hẩm hiu, lấy chồng chả đáng mặt chồng, suốt đời đi làm thuê làm mướn cho người, thật hoài-phí cả tài lẫn sắc! Nhân nhớ lại câu thơ cũ mà đọc:

Hoa rụng sang năm hoa lại nở,
Thuốc nào giữ mãi được hồng nhan!

Nghĩ thế rồi thì nằm vật xuống giường, một mình những than dài thở ngắn. Buổi chiều rậy, trong lòng vẫn còn uất ức, định ra chơi phố một lúc cho khoan khoái, liền bước chân xuống gác, vừa bước xuống đến gác dưới thì cửa gác chợt mở, một người thiếu-phụ ăn vận rất lộng lẫy, đương đứng tựa cửa, trông thấy Quan-đoàn hơi quen mặt, liền gật đầu chào. Nàng cũng dừng chân lại hỏi thăm, đôi bên đều ra ý ân-cần quyến-luyến...

Người thiếu-phụ nói:

— « Anh em xa không bằng láng diềng gần ». Xin bà thường thường xuống chơi. Nàng cũng ừ-ào xằng vì mới quen không tiện nói nhiều, rồi tất tả đi ngay. Hôm sau, cơm sáng xong, thấy có một đứa ở gái đem một cái quả thếp-vàng ở từng dưới bước lên, chào nàng mà thưa rằng:

— Mợ Tư tôi bảo đưa sang biếu bà ít bánh để bà xơi nước. Nàng mừng hí-hởn, nhận ít nhiều còn thì lại trả về. Xong đó nàng liền tô son điểm phấn rồi cùng với con hầu là Yến-vân bước xuống gác dưới để đáp lễ. Bước vào cửa trông thấy bầy biện lịch sự lắm, trong là phòng nằm, ngoài là nhà khách. Chủ-nhân mời nàng ngồi, hỏi họ tên. Nàng đáp lại và hỏi lại, thì ra người thiếu-phụ đó họ Lương tên là Ngọc-nhân, vợ thứ tư một tay làm công cao lương trong một công-ty tây, tên là Trần-Úy-nùng. Nàng nhân gọi là Mợ Tư. Mợ Tư tiếp đãi rất lễ phép, sai đầy tớ pha nước. Nói mấy câu chuyện khách-sáo xong, nàng đang tính đứng rậy thì lộp cộp nghe có tiếng giầy bước vào. Nàng nhìn ra thì chính là chàng trẻ tuổi đẹp trai hôm trước. Chàng cúi đầu chào, ngẩn người ra vì sắc đẹp, đương tính hỏi thì Mợ Tư đã nói đỡ:

— Đây là mợ-cả ở trên tầng trên, cậu ấy làm ở Đào-hoa quán. Chàng gật đầu, dương mắt cứ nhìn nàng mãi, tưởng đâu như « cõi trần mà được gặp người tiên-cung. » Người vợ tư của chàng vốn là ả-đào ở Tần-hoài, má đào mắt hạnh, đôi tám xuân-xanh, lại thêm đàn giỏi hát hay, thật là kẻ có thanh có sắc. Kể so với nàng cũng không kém gì mấy, song nghề đời có mới nới cũ, ở mắt chàng lúc ấy thì cái đẹp của mợ Tư chẳng qua chỉ là hạng hương thừa hoa thải mà thôi Ngay lúc ấy thì Mợ Tư đã cầm một cái chương trình nhà hát đưa cho chàng. Chàng đương inh gọng vàng lên coi, vừa đọc vừa đưa mắt nhìn trộm nàng, rồi nói:

— Trước lạ sau quen, mời mợ chiều cùng đi coi hát với chúng tôi, hôm nay có đào kép mới, hay lắm. Nàng đã chối song Mợ Tư cố mời mãi đành phải nhận lời Chàng liền rở ra một cuộn giấy bạc, đưa một tờ cho người đầy tớ gái đi mua vé trước, dặn lấy một lô. Xong đó lại ngảnh lại nàng, mỉm cười mà rằng:

— Mời mợ ngồi chơi, tôi còn chút việc bận phải đi Đúng bẩy giờ sẽ về đưa các mợ đi coi hát. Xin đừng làm khách, ở lại dùng cơm với nhà-tôi cho vui. Nói xong đội chiếc mũ pa-na-ma lên đầu rồi gật đầu làm lễ. Nàng cũng đứng rậy mỉm cười đáp lại. Chiều hôm ấy, nàng ở lại ăn cơm rồi cùng vợ chồng chàng đi xem hát. Tấn hát thứ nhất không có gì là lạ, nàng không chú ý lắm, đưa mắt trông sang các hàng ghế ngồi chung quanh. Đang lúc nhìn thì trống ngực nàng bỗng đập thình thình, vì nàng trông thấy một người con trai hơi quen mặt mà không nhớ rằng ai, ngồi tận ghế đàng xa, nhằm thẳng mặt nàng mà nhìn lại. Nàng thấy hơi khó chịu, nghiêng mặt đi để tránh, ai ngờ người ấy lại đứng phắt rậy, lấc láo như Long-thần mất oản. Bấy giờ nàng mới sực nhớ ra thì người ấy chính là ông chủ-hiệu Thiếu-my. Nàng giận lắm, sẽ ghé vào tai Mợ Tư mà nói rằng:

— Kìa mợ coi! Có đứa nó lấy ống-nhòm để nhìn chúng ta, thật là hạng người hốn nạn. Trai gái cũng là người, cớ chi chúng trông thấy đàn bà con gái là mắt đăm đăm như mèo thấy mỡ. Chỉ tổ cho người ta ghét, nào có được việc gì đâu. Mợ Tư cười mà rằng:

— Thế nhưng tại mợ đẹp lắm kia! Tôi không là con trai, chứ là con trai thì cũng chả phải bảo. Trần-Úy nùng ngồi bên cũng hơi nghe rõ câu chuyện của hai người nói, vội đứng rậy lấy mình che khuất nàng đi, không cho Thiếu-my ròm. Thiếu-my tức lắm, nhưng cũng không biết làm thế nào đượ, thì lại làm ra dáng đạo mạo, quay vào coi hát, không hề trông ngang trông ngửa nữa. Bấy giờ trên sân khấu đã diễn sang tấn thứ hai, hồi Mạnh-Lệ-quân hầu vua ra Thượng-uyển. Úy-nùng xem đến chỗ đắ-ý, nhìn chăm chăm vào Quan-đoàn, tự ví mình là vị phong lưu thiên-tử, mà coi nàng là Mạnh-Lệ quân! Hồi lâu, Mợ-Tư cũng biết ý chồng, liền ngảnh lại mà nói:

— Cậu thử trông cái ông hoàng-đế kia, thấy gái thì tít mắt lại, còn có ra thể thống gì. Chàng biết ý, đưa mắt nhìn. -Tư lại kéo áo nàng mà rằng:

— Mợ cả thử trông cái cô Mạnh-Lệ-quân kia, đỗ đến Trạng-nguyên, làm đến Tể-tướng. Tôi tưởng rằng đứng đắn thế nào, chẳng hóa cũng õng-ẹo lả-lơi chẳng khác chi những người đàn bà khác, thật là nhục cả cái tiếng Trạng-nguyên Tể-tướng đi. Nàng bật cười mà rằng:

— Õng ẹo lả lơi đã kể vào đâu! Lúc bé em đi học, thấy sách dậy chán vạn ông Trạng nguyên Tể-tướng mút mủ nếm phân, cùng làm đủ mọi điều đê tiện hác nữa. Nói đến đấy thì trên sân khấu đã diễn đến quãng Mạnh-Lệ-quân say rượu nằm ngủ bọn Thái-giám xúm lại trút hài tháo mũ, còn ông hoàng-đế thì mắt la mày lét, chẳng khác gì bướm liệng vườn hoa. Nàng lại mỉm cười mà rằng:

— Trạng-nguyên Tể-tướng trông đàn-bà đã đành, đến cả cái ông hoàng-đế kia cũng điên dại ngông cuồng, ấy vua chúa là như thế đấy. Mợ tư cũng cười mà nói:

— Thì chết cái chị Mạnh-Lệ-quân cũng ..không được nghiêm chính, cho nên ông Hoàng-đế mới vô-lễ được, chứ không thì đời nào! Nàng đáp:

— Tội nghiệp! Nhan sắc là tự trời sinh. Lệ-quân cũng hết sức giữ gìn nhưng chỉ tại ông Hoàng-đế đã đâm mê nên mới thành ra như thế, chứ có chi là tại nàng không nghiêm chính Cái kiếp đàn bà thiệt thòi là thế, mợ chẳng thương thì chớ, còn cười nữa sao...

Imprimerie thực-nghiệp Mai-du-Lân Succ.
83, Rue du Chanvre, hanoi
1928



Nguyễn-Văn-Cư, 46, Hàng Tre, Hanoi
Xuất-bản