Bước tới nội dung

Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương III. THUYỀN BỘ VÀ THUYỀN VIÊN

[sửa]

Mục 1. THUYỀN BỘ

[sửa]
Điều 50. Thuyền bộ
[sửa]

Thuyền bộ là những thuyền viên thuộc định biên của tàu biển, bao gồm thuyền trưởng, các sĩ quan và các chức danh khác được bố trí làm việc trên tàu biển.

Điều 51. Trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền bộ
[sửa]

1. Bố trí đủ thuyền viên theo định biên của tàu biển và bảo đảm thuyền viên phải có đủ điều kiện làm việc trên tàu biển quy định tại khoản 2 Điều 59 của Bộ luật này.

2. Quy định chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên, trừ các chức danh do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

3. Bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt của thuyền viên trên tàu biển theo quy định của pháp luật.

4. Mua bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên làm việc trên tàu biển theo quy định của pháp luật.

Điều 52. Địa vị pháp lý của thuyền trưởng
[sửa]

1. Thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất ở trên tàu biển, chỉ huy tàu theo chế độ thủ trưởng. Mọi người có mặt trên tàu biển phải chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng.

2. Thuyền trưởng chịu sự chỉ đạo của chủ tàu hoặc người thuê tàu, người khai thác tàu; trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường trong khi vận hành tàu, thuyền trưởng có thể tự mình quyết định nhưng sau đó phải báo cáo với chủ tàu hoặc người thuê tàu, người khai thác tàu.

Điều 53. Nghĩa vụ của thuyền trưởng
[sửa]

1. Tổ chức quản lý, khai thác tàu biển theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện trách nhiệm để tàu biển có đủ các điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cần thiết, phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn, các quy định về trang thiết bị, vỏ tàu, dự trữ, chất lượng thuyền bộ và các vấn đề khác có liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển và người ở trên tàu biển trước và trong khi tàu biển đang hành trình.

3. Thường xuyên giám sát để hàng hóa được bốc lên tàu biển, sắp xếp và bảo quản trên tàu biển, dỡ khỏi tàu một cách hợp lý, mặc dù các công việc này đã được giao cho những người có trách nhiệm thực hiện.

4. Có biện pháp để hàng hóa trên tàu biển không bị hư hỏng, mất mát; áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của những người có lợi ích liên quan đến hàng hóa; phải tận dụng mọi khả năng thông báo cho những người có lợi ích liên quan biết về những sự kiện đặc biệt liên quan đến hàng hóa.

5. Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tàu biển, người và các tài sản khác trên tàu biển; ngăn ngừa việc vận chuyển người, hàng hóa bất hợp pháp trên tàu biển.

6. Đưa tàu biển đến cảng an toàn gần nhất và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tàu, người, tài sản trên tàu và tài liệu của tàu trong trường hợp cảng trả hàng hoặc cảng trả khách bị phong tỏa, chiến tranh đe dọa hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác.

7. Tận dụng mọi khả năng cho phép để trước hết tổ chức cứu hành khách và sau đó cứu thuyền viên trong trường hợp tàu biển có nguy cơ bị chìm đắm hoặc bị phá hủy.

Thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu biển sau khi đã tìm mọi cách cứu nhật ký hàng hải, hải đồ và tài liệu quan trọng khác của tàu biển.

8. Không được rời tàu biển khi tàu biển đang gặp nguy hiểm, trừ trường hợp việc rời tàu là hết sức cần thiết.

9. Trực tiếp điều khiển tàu biển đến, rời cảng, kênh đào, luồng hàng hải và khi tàu hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc khi xảy ra tình huống đặc biệt khó khăn, nguy hiểm.

10. Sử dụng hoa tiêu hàng hải, tàu lai trong trường hợp do pháp luật quy định hoặc để bảo đảm an toàn cho tàu biển.

Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải không loại trừ nghĩa vụ của thuyền trưởng quy định tại khoản 9 Điều này.

11. Thực hiện mẫn cán các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình theo đúng lương tâm nghề nghiệp.

12. Tổ chức tìm kiếm và cứu nạn những người đang trong tình trạng nguy hiểm trên biển, nếu việc thực hiện nghĩa vụ này không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu biển và những người đang ở trên tàu của mình. Chủ tàu không chịu trách nhiệm về việc thuyền trưởng vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản này.

13. Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Quyền của thuyền trưởng
[sửa]

1. Đại diện cho chủ tàu và những người có lợi ích liên quan đến hàng hóa khi giải quyết những công việc trong điều khiển, quản trị tàu và hàng hóa được vận chuyển trên tàu biển.

2. Nhân danh chủ tàu và người có lợi ích liên quan đến hàng hóa thực hiện các hành vi pháp lý trong phạm vi công việc quy định tại khoản 1 Điều này, có thể khởi kiện hoặc tham gia tố tụng trước Tòa án hoặc Trọng tài khi tàu biển ở ngoài cảng đăng ký, trừ trường hợp chủ tàu hoặc người có lợi ích liên quan đến hàng hóa tuyên bố hạn chế một phần hoặc toàn bộ quyền đại diện đó.

3. Không cho tàu biển hành trình, nếu xét thấy chưa đủ điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

4. Áp dụng các hình thức khen thưởng hoặc biện pháp kỷ luật đối với thuyền viên thuộc quyền; có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc phải rời khỏi tàu biển những thuyền viên không đủ trình độ chuyên môn theo chức danh hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

5. Nhân danh chủ tàu vay tín dụng hoặc vay tiền mặt trong trường hợp cần thiết nhưng chỉ trong giới hạn đủ để sửa chữa tàu biển, bổ sung thuyền viên, cung ứng cho tàu hoặc vì nhu cầu khác để có thể tiếp tục chuyến đi.

6. Bán một phần tài sản hoặc phần dự trữ dư thừa của tàu biển trong phạm vi quy định tại khoản 5 Điều này, nếu việc chờ nhận tiền hoặc chỉ thị của chủ tàu không có lợi hoặc không thực hiện được.

7. Trong thời gian thực hiện chuyến đi, nếu không còn cách nào khác để có đủ các điều kiện cần thiết cho việc kết thúc chuyến đi thì có quyền cầm cố hoặc bán một phần hàng hóa sau khi đã tìm mọi cách xin chỉ thị của người thuê vận chuyển và chủ tàu mà không được. Trong trường hợp này, thuyền trưởng phải giảm tới mức thấp nhất sự thiệt hại của chủ tàu, người thuê vận chuyển và những người có lợi ích liên quan đến hàng hóa.

8. Trong khi đang hành trình mà trên tàu biển không còn lương thực, thực phẩm dự trữ thì có quyền sử dụng một phần hàng hóa là lương thực, thực phẩm vận chuyển trên tàu; nếu thật cần thiết thì có quyền sử dụng lương thực, thực phẩm của những người đang ở trên tàu. Việc sử dụng này phải được lập biên bản. Chủ tàu phải thanh toán số lương thực, thực phẩm đã sử dụng.

9. Trường hợp tàu biển đang trong tình trạng nguy hiểm trên biển thì có quyền yêu cầu cứu nạn và sau khi thỏa thuận với các tàu đến cứu nạn, có quyền chỉ định tàu thực hiện việc cứu hộ.

Điều 55. Trách nhiệm của thuyền trưởng về hộ tịch trên tàu biển
[sửa]

1. Ghi nhật ký hàng hải và lập biên bản với sự tham gia của nhân viên y tế của tàu biển, hai người làm chứng về các trường hợp sinh, tử xảy ra trên tàu biển và các sự kiện có liên quan; bảo quản thi thể, lập bản kê và bảo quản tài sản của người chết để lại trên tàu biển.

2. Thông báo về các trường hợp sinh, tử xảy ra trên tàu biển và chuyển di chúc, bản kê tài sản của người chết cho cơ quan hộ tịch có thẩm quyền ở cảng Việt Nam đầu tiên mà tàu biển ghé vào hoặc cho cơ quan đại diện của Việt Nam nơi gần nhất, nếu tàu biển đến cảng biển nước ngoài.

3. Sau khi đã cố gắng tìm mọi cách để xin chỉ thị của chủ tàu và hỏi ý kiến của thân nhân người chết, thuyền trưởng nhân danh chủ tàu làm thủ tục và tổ chức mai táng. Mọi chi phí liên quan đến việc mai táng được thanh toán theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Trách nhiệm của thuyền trưởng trong việc bắt, giữ người trên tàu biển
[sửa]

1. Khi phát hiện hành vi phạm tội quả tang, người đang bị truy nã hoặc giữ người trong trường hợp khẩn cấp trên tàu biển khi tàu đã rời cảng, thuyền trưởng có trách nhiệm sau đây:

a) Bắt hoặc ra lệnh bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã; giữ người trong trường hợp khẩn cấp;

b) Áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết, lập hồ sơ theo quy định của pháp luật;

c) Bảo vệ chứng cứ và tùy theo điều kiện cụ thể, chuyển giao người bị bắt, giữ và hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cảng Việt Nam đầu tiên tàu biển ghé vào hoặc cho tàu công vụ Việt Nam gặp ở trên biển hoặc thông báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam nơi gần nhất và làm theo chỉ thị của cơ quan này, nếu tàu biển đến cảng nước ngoài.

2. Trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn, trật tự cho tàu biển, người và hàng hóa vận chuyển trên tàu, thuyền trưởng có quyền tạm giữ người đang chuẩn bị phạm tội, người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã trên tàu biển tại một phòng riêng.

Điều 57. Trách nhiệm của thuyền trưởng trong việc thông báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam
[sửa]

1. Khi tàu biển đến cảng nước ngoài, trong trường hợp cần thiết thuyền trưởng phải thông báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam nơi gần nhất.

2. Thuyền trưởng có trách nhiệm xuất trình các giấy chứng nhận, tài liệu của tàu biển nếu cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước đó yêu cầu.

Điều 58. Trách nhiệm báo cáo của thuyền trưởng khi xảy ra tai nạn hàng hải
[sửa]

Khi xảy ra tai nạn hàng hải đối với tàu biển hay phát hiện tai nạn hoặc vụ việc khác liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và báo cáo tai nạn hàng hải theo quy định.

Mục 2. THUYỀN VIÊN

[sửa]
Điều 59. Thuyền viên làm việc trên tàu biển
[sửa]

1. Thuyền viên là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhiệm chức danh trên tàu biển Việt Nam.

2. Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển Việt Nam;

b) Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, tuổi lao động và chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

c) Được bố trí đảm nhận chức danh trên tàu biển;

d) Có sổ thuyền viên;

đ) Có hộ chiếu để xuất cảnh hoặc nhập cảnh, nếu thuyền viên đó được bố trí làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế.

3. Công dân Việt Nam có đủ điều kiện có thể được làm việc trên tàu biển nước ngoài.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể chức danh và nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên; định biên an toàn tối thiểu; tiêu chuẩn chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên; đăng ký thuyền viên và sổ thuyền viên; điều kiện để thuyền viên là công dân nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Điều 60. Nghĩa vụ của thuyền viên
[sửa]

1. Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam có nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật của quốc gia nơi tàu biển Việt Nam hoạt động;

b) Thực hiện mẫn cán nhiệm vụ của mình theo chức danh được giao và chịu trách nhiệm trước thuyền trưởng về những nhiệm vụ đó;

c) Thực hiện kịp thời, nghiêm chỉnh, chính xác mệnh lệnh của thuyền trưởng;

d) Phòng ngừa tai nạn, sự cố đối với tàu biển, hàng hóa, người và hành lý trên tàu biển. Khi phát hiện tình huống nguy hiểm, phải báo ngay cho thuyền trưởng hoặc sĩ quan trực ca biết, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tai nạn, sự cố phát sinh từ tình huống nguy hiểm đó;

đ) Quản lý, sử dụng giấy chứng nhận, tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ và tài sản khác của tàu biển được giao phụ trách.

2. Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động đã ký với chủ tàu hoặc người sử dụng lao động nước ngoài.

Điều 61. Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên
[sửa]

1. Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trường hợp chủ tàu hoặc thuyền trưởng yêu cầu thuyền viên phải rời tàu biển thì chủ tàu có trách nhiệm chu cấp mọi chi phí sinh hoạt và đi đường cần thiết để thuyền viên hồi hương; trong trường hợp thuyền trưởng yêu cầu thuyền viên rời tàu biển thì thuyền trưởng phải báo cáo chủ tàu.

3. Trường hợp tài sản riêng hợp pháp của thuyền viên bị tổn thất do tàu biển bị tai nạn thì chủ tàu phải bồi thường tài sản đó theo giá thị trường tại thời điểm và địa điểm giải quyết tai nạn. Thuyền viên có lỗi trực tiếp gây ra tai nạn làm tổn thất tài sản của mình thì không có quyền đòi bồi thường tài sản đó.

4. Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài và của thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam được thực hiện theo hợp đồng lao động.

Điều 62. Hợp đồng lao động của thuyền viên
[sửa]

1. Trước khi làm việc trên tàu biển, thuyền viên và chủ tàu phải ký kết hợp đồng lao động.

2. Hợp đồng lao động của thuyền viên phải bao gồm nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động và phải có nội dung sau đây:

a) Việc hồi hương của thuyền viên;

b) Bảo hiểm tai nạn;

c) Tiền thanh toán nghỉ hằng năm;

d) Điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều 63. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên
[sửa]

1. Thời giờ làm việc được bố trí theo ca trong 24 giờ liên tục, kể cả ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, tết.

2. Thời giờ nghỉ ngơi được quy định như sau:

a) Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ và 77 giờ trong 07 ngày bất kỳ;

b) Số giờ nghỉ ngơi trong khoảng thời gian 24 giờ có thể được chia tối đa thành hai giai đoạn, một trong hai giai đoạn đó ít nhất là 06 giờ và khoảng thời gian giữa hai giai đoạn nghỉ liên tiếp nhiều nhất là 14 giờ.

3. Trường hợp khẩn cấp đối với an ninh, an toàn của tàu và người, hàng hóa trên tàu, giúp đỡ tàu khác hoặc cứu người bị nạn trên biển, thuyền trưởng có quyền yêu cầu thuyền viên làm bất kỳ vào thời điểm nào. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khẩn cấp, thuyền trưởng có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên nghỉ ngơi đủ thời gian quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

4. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được lập Bảng phân công công việc và được niêm yết tại vị trí dễ thấy trên tàu.

5. Trường hợp tập trung, thực tập cứu hỏa, cứu sinh hoặc thực tập khác theo quy định, thuyền trưởng có thể bố trí thời giờ nghỉ ngơi khác quy định tại điểm a khoản 2 Điều này nhưng phải hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến thời giờ nghỉ ngơi, không gây ra mệt mỏi cho thuyền viên và phải được quy định trong thỏa ước lao động tập thể hoặc trong hợp đồng lao động của thuyền viên theo nguyên tắc sau đây:

a) Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ và 70 giờ trong khoảng thời gian 07 ngày. Việc áp dụng trường hợp ngoại lệ không được thực hiện nhiều hơn 02 tuần liên tiếp. Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn áp dụng ngoại lệ không được ít hơn hai lần khoảng thời gian của giai đoạn đã áp dụng ngoại lệ trước đó;

b) Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu quy định tại điểm a khoản 2 Điều này có thể được, chia tối đa thành ba giai đoạn, một trong số ba giai đoạn đó không được dưới 06 giờ và hai giai đoạn còn lại không được dưới 01 giờ;

c) Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn nghỉ ngơi liên tiếp không được vượt quá 14 giờ;

d) Việc áp dụng trường hợp ngoại lệ không được vượt quá hai giai đoạn 24 giờ trong khoảng thời gian 07 ngày.

6. Thuyền trưởng hoặc người được thuyền trưởng ủy quyền có trách nhiệm lập Bản ghi thời giờ nghỉ ngơi và cung cấp cho thuyền viên.

Điều 64. Nghỉ hằng năm, nghi lễ, tết của thuyền viên
[sửa]

1. Thuyền viên làm việc trên tàu biển được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết và hưởng nguyên lương. Trường hợp thuyền viên chưa được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết thì được bố trí nghỉ bù.

2. Số ngày nghỉ hằng năm được tính theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật không tính vào số ngày nghỉ hằng năm.

3. Cấm mọi thỏa thuận để thuyền viên không được nghỉ hằng năm.

Điều 65. Tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác của thuyền viên
[sửa]

1. Chủ tàu có trách nhiệm thanh toán tiền lương, phụ cấp hằng tháng trực tiếp cho thuyền viên hoặc cho người được thuyền viên ủy quyền hợp pháp.

2. Tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác của thuyền viên được trả bằng tiền mặt hoặc trả vào tài khoản cá nhân của thuyền viên hoặc của người được thuyền viên ủy quyền. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, chủ tàu phải thỏa thuận với thuyền viên về chi phí liên quan đến việc mở, chuyển tiền và duy trì tài khoản theo quy định.

3. Chủ tàu có trách nhiệm lập và cung cấp cho thuyền viên bản kê thu nhập hằng tháng bao gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác.

Điều 66. Hồi hương thuyền viên
[sửa]

1. Chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương và thanh toán chi phí trong trường hợp sau đây:

a) Hợp đồng lao động của thuyền viên hết hạn;

b) Thuyền viên bị ốm đau, tai nạn lao động hàng hải cần phải hồi hương;

c) Tàu bị chìm đắm;

d) Bán tàu hoặc thay đổi đăng ký tàu;

đ) Tàu hoạt động tại khu vực chiến tranh mà thuyền viên không đồng ý tiếp tục làm việc trên tàu;

e) Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

2. Trường hợp thuyền viên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải thì chủ tàu vẫn phải có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên về đúng nơi quy định trong hợp động lao động của thuyền viên nhưng thuyền viên phải hoàn trả chi phí cho chủ tàu.

3. Chi phí liên quan đến việc hồi hương của thuyền viên do chủ tàu thanh toán bao gồm:

a) Chi phí đi đến địa điểm hồi hương được quy định trong hợp đồng;

b) Chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương;

c) Tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương;

d) Chi phí vận chuyển tối đa 30 kilôgam (kg) hành lý cá nhân của thuyền viên đến địa điểm hồi hương;

đ) Chi phí chăm sóc y tế cần thiết cho tới khi thuyền viên đủ điều kiện sức khỏe để đi đến địa điểm hồi hương.

4. Chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương bằng các phương tiện phù hợp và thuận lợi. Thuyền viên hồi hương được đưa tới địa điểm quy định trong hợp đồng lao động của thuyền viên hoặc địa điểm nơi thuyền viên cư trú.

5. Thời hiệu khiếu nại liên quan đến hồi hương của thuyền viên là 01 năm kể từ ngày hồi hương.

6. Chủ tàu có trách nhiệm lưu giữ trên tàu bản sao và cung cấp cho thuyền viên các văn bản pháp luật quy định về hồi hương.

7. Chủ tàu có trách nhiệm bảo đảm tài chính để chi trả cho thuyền viên khi hồi hương theo quy định của pháp luật.

8. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải thu xếp cho thuyền viên hồi hương, chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả các chi phí đó.

9. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều này.

Điều 67. Thực phẩm và nước uống
[sửa]

1. Chủ tàu có trách nhiệm cung cấp miễn phí thực phẩm và nước uống bảo đảm về số lượng, giá trị dinh dưỡng, chất lượng, đa dạng về chủng loại và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho thuyền viên trên tàu biển; phù hợp về tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của thuyền viên.

2. Thuyền trưởng hoặc người được thuyền trưởng chỉ định phải thường xuyên thực hiện kiểm tra và lập hồ sơ về các nội dung sau đây:

a) Việc cung cấp thực phẩm và nước uống;

b) Kho, két và thiết bị được sử dụng để bảo quản, dự trữ thực phẩm và nước uống;

c) Nhà bếp và thiết bị khác để chuẩn bị và phục vụ bữa ăn.

3. Chủ tàu có trách nhiệm bố trí bếp trưởng và cấp dưỡng phục vụ thuyền viên trên tàu biển. Trường hợp trên tàu bố trí dưới mười thuyền viên thì không bắt buộc có bếp trưởng nhưng phải bố trí cấp dưỡng.

4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm và nước uống, định lượng bữa ăn của thuyền viên làm việc trên tàu biển.

Điều 68. Chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên
[sửa]

1. Thuyền viên được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, kịp thời và miễn phí trong thời gian làm việc trên tàu biển và tại cảng khi tàu ghé vào.

2. Chủ tàu có trách nhiệm thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên làm việc trên tàu biển theo quy định sau đây:

a) Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe thuyền viên trên tàu như người lao động làm việc trên bờ về thuốc, trang thiết bị y tế, tài liệu hướng dẫn y tế, thông tin y tế và tham vấn chuyên môn về y tế;

b) Bảo đảm cho thuyền viên được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở nha khoa tại cảng mà tàu ghé vào;

c) Có các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động hàng hải, bệnh tật thông qua tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho thuyền viên.

3. Chủ tàu có trách nhiệm thực hiện quy định về bố trí bác sĩ trên tàu như sau:

a) Đối với tàu biển có từ một trăm người trở lên và thực hiện chuyến đi quốc tế dài hơn 03 ngày phải bố trí ít nhất một bác sĩ;

b) Đối với tàu biển có dưới một trăm người và không có bác sĩ trên tàu, phải bố trí ít nhất 01 thuyền viên chịu trách nhiệm chăm sóc y tế và quản lý thuốc hoặc một thuyền viên có khả năng sơ cứu y tế.

Thuyền viên chịu trách nhiệm chăm sóc y tế, sơ cứu y tế phải là người đã hoàn thành khóa đào tạo về chăm sóc y tế, sơ cứu y tế theo quy định của Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên.

4. Thuyền trưởng hoặc người có nhiệm vụ chăm sóc y tế trên tàu có trách nhiệm lập biểu mẫu báo cáo y tế theo quy định. Biểu mẫu báo cáo y tế dùng để trao đổi thông tin với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên bờ. Thông tin trong biểu mẫu báo cáo y tế phải được giữ bí mật và chỉ sử dụng cho việc chẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho thuyền viên.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Công bố các cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên;

b) Quy định về tủ thuốc, trang thiết bị y tế, tài liệu hướng dẫn y tế trên tàu biển, biểu mẫu báo cáo y tế.

Điều 69. Trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp
[sửa]

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả, bao gồm: điều trị y tế, phẫu thuật, nằm viện, các loại thuốc, trang thiết bị điều trị cần thiết, chi phí ăn, ở của thuyền viên từ khi sơ cứu cho đến khi thuyền viên bình phục hoặc đến khi xác định là bệnh mãn tính.

2. Trả đủ tiền lương ghi trong hợp đồng lao động thuyền viên trong thời gian điều trị.

3. Thanh toán chi phí mai táng trong trường hợp thuyền viên bị tử vong trên tàu hoặc trên bờ trong thời gian đi tàu.

4. Vận chuyển thi thể hoặc tro cốt của thuyền viên bị tử vong về địa điểm hồi hương.

5. Chủ tàu không phải thanh toán chi phí cho thuyền viên trong trường hợp sau đây:

a) Bị thương, bị bệnh xảy ra ngoài thời gian đi tàu;

b) Bị thương, bị bệnh do hành vi cố ý của thuyền viên.

6. Bảo vệ và trả lại tài sản của thuyền viên để lại trên tàu cho thuyền viên hoặc thân nhân của họ trong trường hợp thuyền viên rời tàu khi bị bệnh, bị thương hoặc tử vong.

Điều 70. Khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động hàng hải và bệnh nghề nghiệp
[sửa]

1. Khi xảy ra tai nạn lao động hàng hải, chủ tàu hoặc thuyền trưởng có trách nhiệm khai báo tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động với cơ quan có thẩm quyền sau đây:

a) Cảng vụ hàng hải nếu tàu đang hoạt động trong vùng nước cảng biển;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải nếu tàu đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam hoặc vùng biển quốc tế;

c) Cơ quan đại diện của Việt Nam nếu tàu đang hoạt động ở vùng biển nước ngoài.

2. Việc điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, an toàn lao động.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động hàng hải.

Điều 71. Phòng ngừa tai nạn lao động hàng hải và bệnh nghề nghiệp
[sửa]

1. Chủ tàu có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các biện pháp phù hợp với quy định hiện hành về an toàn, vệ sinh lao động hàng hải và bệnh nghề nghiệp cho thuyền viên, bao gồm:

a) Hướng dẫn, tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho thuyền viên trước khi giao nhiệm vụ trên tàu biển hoặc khi giao công việc khác hoặc công việc có mức độ rủi ro cao hơn;

b) Huấn luyện định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

c) Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại; đề ra biện pháp loại trừ, giảm thiểu mối nguy hiểm, có hại; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên;

d) Phân định trách nhiệm cụ thể cho thuyền viên về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên tàu;

đ) Đối với tàu có từ năm thuyền viên trở lên, phải thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban an toàn lao động;

e) Trang bị đầy đủ và hướng dẫn việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, bảo hộ lao động và các thiết bị khác để phòng ngừa tai nạn cho thuyền viên. Trang thiết bị bảo vệ cá nhân phải bảo đảm chất lượng theo quy định;

g) Bảo đảm các loại máy, thiết bị, vật tư trên tàu có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng và phải được kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng theo quy định của pháp luật;

h) Bảo đảm người không có nhiệm vụ không được tiếp cận những khu vực trên tàu có ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn;

i) Xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp đối với tai nạn lao động hàng hải liên quan đến thuyền viên và tổ chức diễn tập hằng năm.

2. Chủ tàu có trách nhiệm mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định cho thuyền viên trong quá trình làm việc trên tàu biển.

3. Thuyền trưởng có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra thường xuyên và định kỳ việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động của thuyền viên do chủ tàu lập ra; khắc phục các điều kiện mất an toàn trên tàu và báo cáo chủ tàu.

4. Thuyền viên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động do chủ tàu lập ra.

5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các loại máy, thiết bị của tàu biển có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 72. Đào tạo, huấn luyện thuyền viên
[sửa]

1. Cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên theo quy định của Chính phủ.

2. Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên phải phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chủ tàu có quyền và trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho học viên thực tập trên tàu biển.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.