Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015/Chương XII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương XII. LAI DẮT TÀU BIỂN[sửa]

Điều 256. Lai dắt tàu biển[sửa]

1. Lai dắt tàu biển là việc lai, kéo, đẩy hoặc túc trực bên cạnh tàu biển, các phương tiện nổi khác trên biển và trong vùng nước cảng biển bằng tàu lai.

2. Lai dắt tàu biển bao gồm lai dắt trên biển và lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển.

Điều 257. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển[sửa]

1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại Việt Nam phải được thành lập theo quy định của pháp luật; trường hợp là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm phần vốn góp theo quy định.

2. Có người chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ lai dắt tàu biển và người chuyên trách công tác pháp chế.

3. Có số lượng tàu lai dắt theo quy định. Tàu lai dắt phải là tàu thuyền Việt Nam.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và việc lai dắt tại Việt Nam của tàu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 258. Hợp đồng lai dắt tàu biển[sửa]

1. Hợp đồng lai dắt tàu biển là hợp đồng được giao kết bằng văn bản giữa chủ tàu lai và bên thuê lai dắt, trừ trường hợp lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển.

2. Giá dịch vụ lai dắt tàu biển do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 259. Quyền chỉ huy lai dắt tàu biển[sửa]

1. Tàu lai và tàu biển hoặc các phương tiện được lai dắt khác hợp thành đoàn tàu lai dắt. Đoàn tàu lai dắt được hình thành kể từ khi tàu lai và các thành viên khác của đoàn tàu lai dắt đã sẵn sàng thực hiện các tác nghiệp cần thiết theo lệnh của người chỉ huy đoàn tàu lai dắt và được giải tán khi tác nghiệp cuối cùng được thực hiện xong, các thành viên của đoàn tàu lai dắt đã rời xa nhau một khoảng cách an toàn.

2. Các bên tham gia hợp đồng lai dắt tàu biển thỏa thuận về người có quyền chỉ huy đoàn tàu lai dắt; nếu không có thỏa thuận thì xác định theo tập quán địa phương.

3. Quyền chỉ huy lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển thuộc thuyền trưởng tàu được lai. Trong trường hợp tàu được lai dắt không có thuyền trưởng hoặc đại phó thì quyền chỉ huy do người được Giám đốc Cảng vụ hàng hải chỉ định.

Điều 260. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng lai dắt tàu biển[sửa]

1. Chủ tàu lai có nghĩa vụ cung cấp tàu lai đúng địa điểm, thời điểm với điều kiện kỹ thuật thỏa thuận trong hợp đồng lai dắt tàu biển.

2. Bên thuê lai dắt có nghĩa vụ chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với tàu theo thỏa thuận trong hợp đồng lai dắt tàu biển.

Điều 261. Trách nhiệm bồi thường tổn thất trong lai dắt tàu biển[sửa]

1. Chủ tàu của tàu có thuyền trưởng giữ quyền chỉ huy đoàn tàu lai dắt phải chịu trách nhiệm về các tổn thất đối với tàu, người và tài sản trên tàu của các thành viên khác trong đoàn tàu lai dắt, nếu không chứng minh được rằng các tổn thất đó xảy ra ngoài phạm vi trách nhiệm của mình.

2. Các tàu dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng tàu khác không được miễn, giảm trách nhiệm quan tâm đến sự an toàn chung của đoàn tàu lai dắt; chủ tàu chịu trách nhiệm về các tổn thất đối với tàu, người và tài sản trên tàu của các thành viên khác, nếu tàu của mình có lỗi gây ra tổn thất.

3. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lai dắt tàu biển, nếu gây thiệt hại cho bên thứ ba thì các bên của hợp đồng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo mức độ lỗi của mỗi bên.

Điều 262. Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng lai dắt tàu biển[sửa]

Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng lai dắt tàu biển là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp.

Điều 263. Lai dắt tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi và thủy phi cơ[sửa]

Các quy định của Chương này được áp dụng đối với tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi và thủy phi cơ.