Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1985/Phần các tội phạm/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 151. Tội cướp tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ lực hoặc phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây thương tích nặng, gây tổn hại cho sức khoẻ hoặc gây chết người.

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 152. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 153. Tội cưỡng đoạt tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

b) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 154. Tội cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 151 thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát;

c) Chiếm đoạt tài sản có gia trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Điều 155. Tội trộm cắp tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào trộm cắp tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm;

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát;

c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

d) Tái phạm nguy hiểm

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm.

Điều 156. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

b) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 157. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Điều 158. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

b) Tái phạm nguy hiểm;

Điều 159. Tội chiếm giữ trái phép tài sản của công dân.[sửa]

Người nào cố ý không trả lại cho người có tài sản hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị lớn của người khác bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 160. Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân.[sửa]

1- Người nào huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thu đoạn nguy hiểm khác;

b) Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

c) Để che giấu tội phạm khác;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 161. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công dân.[sửa]

Người nào vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 162. Các tội xâm phạm tài sản của người nước ngoài.[sửa]

Người nào xâm phạm tài sản của người nước ngoài thì bị phạt theo các Điều tương ứng của Chương này.

Điều 163. Hình phạt bổ sung.[sửa]

1- Người nào phạm tội quy định ở Điều 156 thì có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm.

2- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 151 đến 155, Điều 157 và Điều 158, nếu là tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt quản chế hoặc bị cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

3- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 151 đến 158, tuỳ theo tính chất nghiêm trọng của tội phạm mà có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.