Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1985/Phần chung/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 37. Nguyên tắc quyết định hình phạt.[sửa]

Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào các quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Điều 38. Những tình tiết giảm nhẹ.[sửa]

1- Những tình tiết sau đây được coi là tình tiết giảm nhẹ:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm hoặc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại;

b) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cần thiết hoặc bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;

c) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình tự gây ra;

d) Phạm tội mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

đ) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức hoặc chi phối về mặt vật chất, công tác hay các mặt khác;

e) Người phạm tội là phụ nữ có thai, là người già hoặc là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

g) Phạm tội do trình độ lạc hậu hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém;

h) Người phạm tội tự thú, thật thà khai báo, ăn năn hối cải hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm.

2- Khi quyết định hình phạt, Toà án có thể coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi trong bản án.

3- Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà Điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ này phải được ghi trong bản án.

Điều 39. Những tình tiết tăng nặng.[sửa]

1- Những tình tiết sau đây mới được coi là tình tiết tăng nặng:

a) Phạm tội có tổ chức; xúi giục người chưa thành niên phạm tội;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

c) Phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác trong khi phạm tội hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

đ) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về vật chất, công tác hay các mặt khác;

e) Phạm tội vì động cơ đê hèn; cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

g) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng;

h) Phạm tội nhiều lần; tái phạm; tái phạm nguy hiểm;

i) Sau khi phạm tội, đã có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

2- Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

Điều 40. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm.[sửa]

1. Những trường hợp sau đây thì coi là tái phạm:

a) Đã bị phạt tù vì tội do cố ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do vô ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội do cố ý.

2- Những trường hợp sau đây thì coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hoặc tội nghiêm trọng.

Điều 41. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.[sửa]

Khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên.

Điều 42. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.[sửa]

1- Trong trường hợp một người đang chải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì Toà án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt đã tuyên.

Thời gian chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

2- Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới. Toà án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó cộng với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất mà Luật quy định cho loại hình phạt đã tuyên.

Điều 43. Tổng hợp hình phạt khác loại.[sửa]

Việc tổng hợp hình phạt nói ở Điều 41 và Điều 42 nếu là hình phạt khác loại thì theo những quy định sau đây:

1- Đối với hình phạt chính, nếu hình phạt cao nhất đã tuyên là tử hình, tù chung thân hoặc tù hai mươi năm thì lấy hình phạt đó làm hình phạt chung.

Nếu các hình phạt đã tuyên gồm cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội và tù có thời hạn, thì chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thành hình phạt tù để quyết định hình phạt chung. Cứ một ngày cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thành một ngày tù.

2- Đối với hình phạt bổ sung, Toà án quyết định một hình phạt chung trong giới hạn luật quy định về mỗi loại hình phạt ấy.

3- Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác. Các khoản phạt tiền được cộng lại thành hình phạt phải chấp hành.

Điều 44. án treo.[sửa]

1- Khi xử phạt tù không quá năm năm, căn cứ vào thân nhân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Toà án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

2- Toà án giao người bị án treo cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để theo dõi, giáo dục.

3- Người bị án treo có thể phải chịu thêm một số hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định quy định ở Điều 23 và Điều 28.

4- Nếu người bị án treo đã chấp hành được một nửa thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm theo dõi, giáo dục, Toà án có thể rút ngắn thời gian thử thách.

5- Nếu trong thời gian thử thách, người bị án treo phạm tội mới và bị xử phạt tù thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định ở khoản 2 Điều 42.

Điều 45. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.[sửa]

1- Không truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã qua những thời hạn sau đây:

a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật quy định hình phạt từ hai năm tù trở xuống hoặc hình phạt khác nhẹ hơn;

b) Mười năm tù đối với các loại tội pham ít nghiêm trọng mà Bộ luật quy định hình phạt tù trên hai năm;

c) Mười lăm năm đối với các loại tội phạm nghiêm trọng.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định thì hình phạt từ một năm tù trở lên thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.

2- Đối với những trường hợp nói ở điểm c khoản 1 Điều này nếu có lý do đặc biệt thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự và Toà án nhân dân tối cao có thể quyết định không áp dụng thời hiệu.

Điều 46. Thời hiệu thi hành bản án.[sửa]

1- Không buộc người bị kết án phải chấp hành bản án, nếu tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật đã qua những thời hạn sau đây:

a) Năm năm đối với các trường hợp xử phạt từ năm năm tù trở xuống;

b) Mười năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên năm năm đến mười lăm năm;

c) Mười lăm năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên mười lăm năm đến hai mươi năm.

Nếu trong trường hợp nói trên người bị kết án lại phạm tội mới và bị xử phạt tù thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn nói trên người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.

2- Đối với những trường hợp nói ở các điểm a và b khoản 1 Điều này, nếu bị kết án về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia và đối với những trường hợp nói ở điểm c khoản 1 Điều này không kể về tội gì, nếu có lý do đặc biệt, thì Toà án nhân dân tối cao, theo kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có thể quyết định không áp dụng thời hiệu.

3- Việc áp dụng thời hiệu đối với các trường xử phạt tù trung thân hoặc tử hình, sau khi qua thời hạn mười lăm năm, sẽ do Toà nhân dân tối cao quyết định theo kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong trường hợp không cho áp dụng thời hiệu thì tử hình sẽ đổi thành tù chung thân, tù chung thân sẽ đổi thành tù hai mươi năm.

Điều 47. Không áp dụng thời hiệu.[sửa]

Không áp dụng thời hiệu quy định ở Điều 45 và Điều 46 đối với các tội phạm quy định ở Chương XII Phần các tội phạm Bộ luật này.

Điều 48. Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.[sửa]

1- Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra hoặc xét xử, do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

2- Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nói ở Điều 38, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 49. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt chính.[sửa]

1- Người bị kết án cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội hoặc tù nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và đã chứng tỏ quyết tâm cải tạo, thì theo đề nghị của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có trách nhiêm trực tiếp giám sát việc chấp hành hình phạt, Toà án có thể quyết định giảm bớt thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đấu là một phần ba thời hạn đối với các hình phạt từ hai mươi năm tù trở xuống, mười năm đối với tù chung thân.

2- Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực sự chấp hành hình phạt là một nửa thời hạn hình phạt đã tuyên. Người bị xử phạt chung thân, lần đầu được giảm xuống hai mươi năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt là mười lăm năm.

Điều 50. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung.[sửa]

Người bị kết án cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một nửa thời hạn hình phạt và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của chính quyền địa phương, Toà án có thể quyết định miễn việc chấp hành phần hình phạt còn lại.

Điều 51. Giảm thời hạn và miễn việc chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt.[sửa]

1- Đối với người bị kết án mà có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Toà án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định ở Điều 49 và Điều 50.

2- Đối với người bị kết án chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện kiểm sát, Toà án có thể miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

3. Đối với người đã được giảm một phần thời hạn chấp hành hình phạt mà lại phạm tội mới nghiêm trọng thì Toà án chỉ xét giảm lần sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba thời hạn hình phạt tổng hợp đã tuyên hoặc mười lăm năm nếu là tù chung thân.

Điều 52. Xoá án.[sửa]

Người bị kết án được xoá án theo quy định ở các Điều từ 53 đến 56. Người được xoá án coi như chưa can án và được cấp giấy chứng nhận.

Điều 53. Đương nhiên được xoá án.[sửa]

Những người sau đây đương nhiên được xoá án:

1- Người được miễn hình phạt;

2- Người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách.

3- Người bị kết án không phải về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc về tội phạm quy định ở Chương XII Phần các tội phạm Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu, người ấy không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) Ba năm trong trường hợp hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội;

b) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù đến năm năm.

Điều 54. Xoá án do Toà án quyết định.[sửa]

1. Việc xoá án do Toà án quyết, căn cứ vào tính chất của tội đã phạm, vào nhân thân, vào thái độ chấp hành chính sách, pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án, trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị phạt tù đến năm năm về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia mà không phạm tội mới trong thời hạn năm năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu;

b) Đã bị phạt tù trên năm năm không kể về tội gì mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu.

2- Người bị Toà án bác đơn xin xoá lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xoá án. Nếu bị bác dơn lần thứ hai trở đi thì phải hai năm mới lại được xin xoá án.

Điều 55. Xoá án trong trường hợp đặc biệt.[sửa]

Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt, đã lập công và được cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội đề nghị, thì Toà án có thể xoá án nếu người đó đã bảo đảm được từ một phần ba đến một nửa thời hạn quy định.

Điều 56. Cách tính thời hạn để xoá án.[sửa]

1- Thời hạn để xoá án quy định ở Điều 53 và Điều 54 căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

2- Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.

3- Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.

4- Nếu chưa xoá án mà phạm tội mới thì thời hạn để xoá án cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.