Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1988/Phần thứ nhất/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự.[sửa]

Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Bộ luật góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giáo dục công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.

Điều 2. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự.[sửa]

Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Điều 3. Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.[sửa]

Khi tiến hành tố tụng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời huỷ bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

Điều 4. Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.[sửa]

Tố tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 5. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.[sửa]

Không ai có thể bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng quy định của Bộ luật này.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Điều 6. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân.[sửa]

Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm.

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 7. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.[sửa]

Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.

Điều 8. Việc tham gia tố tụng hình sự của các tổ chức xã hội và công dân.[sửa]

Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội nông dân, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ, các tổ chức xã hội khác và công dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật này, góp phần đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức xã hội và công dân tham gia tố tụng hình sự.

Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, nếu Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng thì có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Bộ luật này. Các cơ quan đó phải xem xét, giải quyết và trả lời cho các tổ chức xã hội đã kiến nghị biết.

Điều 9. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan khác của Nhà nước.[sửa]

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan Nhà nước phối hợp với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án trong việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Các cơ quan Nhà nước phải thông báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát biết mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình, thực hiện yêu cầu của các cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng.

Điều 10. Không ai có thể bị coi là có tội, nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của Toà án.[sửa]

Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 11. Xác định sự thật của vụ án.[sửa]

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Điều 12. Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.[sửa]

Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ.

Điều 13. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự.[sửa]

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án, trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.

Điều 14. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng hình sự.[sửa]

Thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, điều tra viên, thư ký phiên toà, người phiên dịch, người giám định không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 15. Phát hiện và khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội.[sửa]

Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toá án có nhiệm vụ tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời về việc thực hiện yêu cầu của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

Điều 16. Thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia.[sửa]

Việc xét xử ở Toà án có hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Bộ luật này. Khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán.

Điều 17. Thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.[sửa]

Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều 18. Toà án xét xử tập thể.[sửa]

Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Điều 19. Xét xử công khai.[sửa]

Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự.

Trong trường hợp đặc biệt, cần giữ gìn bí mật Nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.

Điều 20. Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án.[sửa]

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án và những người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu và tranh luận trước Toà án.

Điều 21. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự.[sửa]

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tiến hành và người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trong trường hợp này phải có phiên dịch.

Điều 22. Giám đốc việc xét xử.[sửa]

Toà án cấp trên giám đốc việc xét xử của Toà án cấp dưới, Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất.

Điều 23. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự.[sửa]

Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào.

Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 24. Bảo đảm quyền khiếu nại và tố cáo của công dân đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.[sửa]

Công dân có quyền khiếu nại và tố cáo những việc làm trái pháp luật của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án hoặc của bất kỳ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét và giải quyết nhanh chóng các khiếu nại và tố cáo, thông báo bằng văn bản kết quả cho người khiếu nại và tố cáo biết và có biện pháp khắc phục.

Cơ quan đã làm oan phải khôi phục danh dự, quyền lợi và bồi thường cho người bị thiệt hại. Cá nhân có hành vi trái pháp luật thì tuỳ trường hợp mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 25. Bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án.[sửa]

Bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân và tổ chức hữu quan trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án và quyết định của Toà án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

Điều 26. Hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự.[sửa]

Bộ luật tố tụng hình sự được áp dụng đối với hoạt động tố tụng do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam mà là công dân của nước đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hoạt động tố tụng được tiến hành theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các hiệp định quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hay công nhận hoặc theo tục lệ quốc tế, thì vụ án được giải quyết bằng con đường ngoại giao.