Ba ngày luân lạc/Chương 14
Nghe Cu Nhớn bênh vực và giãi bày về tài năng của con trâu, Đức mới sực vỡ ra. Nó nắm tay Cu Nhớn, và nhìn như để xin lỗi:
- Thì tôi có biết đâu!
Cơn tức bực hình như chưa dẹp hết ở trong lòng Cu Nhớn:
- Ừ, thế tại anh không biết thì anh mới nói thế, chứ ở nhà quê, ai cũng quý trâu bò cả.
Rồi thì hình như nó sực nhớ ra một điều gì:
- À anh, có phải người ngoài tỉnh khinh người ở nhà quê lắm có phải không?
Đức chối lia, chối lịa:
- Không, không có. Đấy thì anh xem, tôi quý anh biết chừng nào!
Cu Nhớn đã hả lắm rồi:
- Tại tôi nghe thầy tôi đi tỉnh về nói thế, chứ tôi có ra tỉnh mấy đâu mà biết.
Rồi chợt đến một chỗ có mấy thửa mạ xanh rờn, Cu Nhớn trỏ tay:
- Đấy, không có trâu bò, sao có thể gieo được mạ? Mà đã không có mạ thì làm sao có lúa cấy? Mà đã không cấy được lúa thì lấy đâu ra thóc? Mà không có thóc thì có đâu cơm mà ăn?
Đức bật lên hỏi:
- Ồ, tôi tưởng cơm là ở gạo nấu ra, chứ có phải thóc đâu?
Lúc này thì Cu Nhớn nhìn Đức thật là ngơ ngác như người ta nhìn một quái tượng. Rồi thì sau nó hiểu ra:
- À, ra anh ở tỉnh không cày cấy bao giờ, nên anh không biết. Thóc tức là gạo. Thóc bỏ cái vỏ đi là gạo.
- Thế cái gì sinh ra thóc?
- Cây lúa.
- Thế cái gì sinh ra cây lúa?
- Mạ.
- Thế còn mạ?
- Hạt thóc gieo lên.
- Ồ, thế thì hay nhỉ. Ồ, thế thì về Hà Nội, tôi cũng gieo mạ chơi.
Cu Nhớn trề môi:
- Anh tưởng gieo mạ dễ lắm đấy à? Ồ, từ hạt thóc thành bông lúa, lâu lắm đấy chứ. Bao nhiêu công cày bừa khó nhọc, làm cỏ, tát nước, chứ lại chơi mà được. Nếu thế thì đã không có nhiều người bị đói.
Đức ngoái cổ, toan hỏi thì Cu Nhớn đã hiểu ý:
- Anh muốn biết từ đâu hạt thóc thành cây lúa phải không?
Đức gật đầu:
- Tôi chỉ có thể nói sơ sơ cho anh hiểu được thôi.
Rồi chỉ một thửa ruộng có một nông phu đang cày:
- Đấy là mùa chiêm nhé. Gặt xong mùa rồi cày ngay thế kia, gọi là cày vỡ. Để cho ải, rồi chờ mưa mới cày đi vài lượt nữa, rồi bừa, rồi mới nhổ mạ lên cấy từng túm nhỏ vào. Rồi chờ nó mọc, rồi phải làm cỏ, tát nước, còn bao nhiêu thứ nữa, rồi tháng tư, tháng năm mới được gặt, gặt về đem phơi. Rồi khi nào ăn thì bỏ vào cối xay, xay xong, còn giã, còn sàng cám, rồi mới thành gạo. Được hạt gạo, lâu công lắm lắm. Mà hễ có mưa nhiều hay hạn hán, lúa cứ đét đi mà chết nữa, chỉ còn có rạ thôi. Chà! Anh ở tỉnh không biết, chứ được hạt gạo ăn, phải thức khuya dậy sớm, phải chân lấm tay bùn, khó nhọc biết là chừng nào ấy chứ!
o O o
Một giọng hát véo von, lúc ấy từ ruộng xa đưa lại:
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Cu Nhớn lúc ấy lòng đang say sưa với hồn đất, và tưng bừng cái đời cần lao của thú quê, liền nối ngay:
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để cho ta lại làm mùa tháng năm,
Sớm ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm, ta sẽ vớt ra.
Gánh đi, ta ném ruộng ta,
Đến khi ra mạ thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi lại trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa làm đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười còn độ một hai.
Cao thời đóng một gàu dai,
Lúa thấp thời lại đóng hai gàu sòng.
Để cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Tiếng hát say sưa của Cu Nhớn vừa trong vừa ấm, như đưa bổng hồn Đức tới một chỗ cao vút và mát mẻ, khiến cho trong người Đức thấy lâng lâng…
Tới khi Cu Nhớn dừng tiếng hát, thì Đức như cảm thấy mình như bị đứt đoạn với một cái gì thú vị lắm:
- Chà, anh hát hay quá! Tôi không ngờ anh mà lại biết hát đấy.
Cu Nhớn được dịp để khoe nơi thôn ổ của mình:
- À, tôi con giai, giọng ồ ồ, hát không hay mấy, chứ con gái làng tôi vừa tát nước vừa hát thì phải biết. Tôi nghe cứ say như điếu đổ, như có cái gì, cái gì… ở trong người… nó… gì gì khắp cả ấy.
Đấy là ý Cu Nhớn muốn nói… như hồn đất nước nó dâng lên, rồi cuồn cuộn chảy ở trong mạch máu, nhưng Cu Nhớn không biết nói.
- Ồ, thế thì tôi phải về nhà quê luôn mới được. Ở Hà Nội, tôi có kèn hát. Tối nào mợ tôi cũng mở cho tôi nghe, nhưng tôi nghe như người hát bị ngạt mũi thế nào, rè rè chứ không véo von được như anh.
- Con gái làng tôi hát còn vèo von nữa. Úi chà, anh phải biết, hát thì làm việc quên mệt đi đấy. Nhà quê thì thường là ai cũng phải hát cả.
- Thế có ai dạy anh không?
- Chả có ai dạy cả. Cứ nghe người ta hát thì nhớ đấy thôi. Làm việc cả ngày, anh tính còn thì giờ đâu mà học hát?
Đức nghe Cu Nhớn nói thì thấy rằng người nhà quê chăm chỉ và ích lợi hơn người ở tỉnh và họ còn biết nhiều hơn nữa. Rồi thì nó sực nhớ tới những câu mắng: “Đồ nhà quê!”
Nó vụt nhận ngay ra rằng vì người tỉnh thành không hiểu người nhà quê mà mắng thế, chứ đến đúng như lới Cu Nhớn nói – mà lời Cu Nhớn nói thì phải đúng - nếu không có người nhà quê cày ruộng thời người hàng tỉnh cũng chết đói rã họng ra ấy.
Nó tự nhủ nó từ nay thì không bao giờ nó lại đi mắng ai là “đồ nhà quê” cả. Bởi mắng như thế, tức là vô ơn với những người đã làm ra thóc gạo để nuôi sống mình.
Và bây giờ thì nó đã hiểu hạt cơm là quý lắm lắm rồi. Bây giờ, nó mới nhận thấy rằng ra trước kia, nó khinh người rẻ của nhiều quá.
Nó như thế, bởi vì nó không biết, bởi vì nó đã chẳng đi đến đâu để biết cả.
Bây giờ thì nó mới thấy rằng giời đất còn rộng lắm, và nhiều cái đáng biết lắm, chứ không phải chỉ có tỉnh Hà Nội toen hoẻn, với những hàng tơ lụa và tạp hóa như của mợ nó đâu.
o O o
Nó khổ mất một buổi tối, nhưng may, nó đã biết ra được nhiều quá! Nó nhìn Cu Nhớn cứ thoăn thoắt đi, rồi thì nó vụt nói:
- Giá tôi cũng được như anh, về ở nhà quê…
- Ồ, nhưng anh về ở nhà quê thì anh lại không làm được những công việc của tôi. Thế thì anh lại không thể ở nhà quê được. Thầy tôi bảo mỗi người một nghệ.
Đức không hiểu, nhưng muốn chiều bạn, nó cũng gật lấy gật để:
- Ừ nhỉ.
Câu chuyện của chúng nó tới đây thì chúng nói tới Sen Hồ.
Thấy người tấp nập, Cu Nhớn reo ngay lên:
- A, hôm nay ngày phiên chợ! Chúng ta đứng lại xem chợ một tí cũng không sao.
- Nhưng đây là gì đã chứ?
- Là Sen Hồ. Người ta gọi thế bởi vì đây có những cái hồ sen to. Nhưng mùa này thì không có hoa.
Đức thấy người gồng, kẻ gánh, mua bán rộn ràng, liền hỏi Cu Nhớn:
- Sớm thế này mà họ đã họp chợ nhỉ? Thế họ dậy từ bao giờ?
- Họ dậy cũng bằng anh với tôi. Hay là còn sớm hơn nữa.
- Ồ, tôi tưởng chỉ có anh với tôi là có việc dậy sớm thôi đấy.
- Ồ, người ta ai chả có việc, ai chả phải dậy sớm!
- Thế ra trước kia tôi ngủ trưa, thì lúc ấy ở đâu đâu, có vô số người dậy sớm làm việc rồi đấy.
- Chứ sao. Có ăn thì phải có làm chứ.
- À, ra thế đấy.
o O o
Cu Nhớn đưa Đức đi xem khắp chợ một lượt, gặp cái gì Đức cũng không hiểu, cũng giảng cho Đức nghe.
Khi qua một hàng nước, Cu Nhớn nắm áo Đức, giữ lại:
- Anh có khát nước không?
Đức hơi khát, nhưng nghĩ đến năm đồng xu mà Cu Nhớn muốn dành để đong gạo, liền thoái thác.
- Thế thì ta lại đi.
Mặt giời lúc ấy đã lên hơi cao. Đi gần tới Đáp Cầu thì Đức thấy ráo cổ, và mỏi chân. Rồi thì nó cứ đi chậm dần, khiến đã mấy lần, Cu Nhớn phải giục.
Đức thấy bạn giục quá, sợ làm phiền lòng bạn, phải thú thật:
- Tôi khát nước quá cho nên tôi đi chậm, anh ạ.
- Thế sao anh không bảo?
Rồi thì nhìn trước nhìn sau, thấy toàn đồng không mông quạnh, không có hàng quán nhà cửa gì, Cu Nhớn liền moi ở túi ra một quả quít:
- Đây không có hàng nước, anh ăn tạm quả quít này vậy.
Đức thấy quít, đã sướng mê, nhưng chưa cầm vội:
- Quít anh mua ở đâu đấy? Lúc nãy ở chợ, tôi không thấy anh mua mà?
- À, quả quít chiều qua bu tôi cho tôi, nhưng tôi không ăn, vì tôi biết hôm nay đi đường, thế nào chúng ta cũng phải cần đến.
- Anh biết lo xa thật.
Rồi bóc quả quít, đưa một nửa cho Cu Nhớn:
- Anh với tôi, chia đôi.
Cu Nhớn chỉ cầm có hai múi.
- Không. Anh khát, cần nhiều, chứ tôi không khát thì cần gì.
Đức thấy Cu Nhớn chân thành, và biết nếu mình không ăn cả thì bạn sẽ không bằng lòng, liền ăn cả. Ăn xong, Đức nhìn Cu Nhớn bằng con mắt đầy cảm ơn:
- À, ngon quá, tôi thấy hết khát rồi.
Hết khát thì nó chưa thấy hết khát đâu. Nó chẳng qua được tấm lòng tốt của bạn nâng đỡ đấy thôi. Và vì cảm như thế, nó quên mệt.
Bây giờ thì nó hiểu thêm một điều rằng người ta không thể sống trơ trọi được. Người nọ cần được nâng đỡ, khuyến khích bởi người kia. Mà sự chơi bời với nhau, quý nhất ở tấm lòng thành thật và tử tế, và muốn cho sự chơi bời được bền lâu thì cần phải biết nhường nhịn.
Đi được mấy bước, nó lại xuýt xoa:
- Chà, ngon quá, ngọt quá! Tôi chưa ăn một quả quít nào ngọt hơn. Mà đến cam cũng không bằng.
Cu Nhớn tủm tỉm:
- Có đâu, ở tỉnh nhiều quít ngọt chứ?
- Không, thật mà.
Nó nói thật đấy. Quả quít này đã ăn trong lúc cần ăn, lại là của tình bạn đem cho thì còn quả quít nào ở trên đời ngon được bằng nữa.