Bước tới nội dung

Ba ngày luân lạc/Chương 17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Mặt trời đương râm, bỗng hửng nắng. Vừng ô đúng ngọ, như một cái đĩa lửa tròn vành vạnh, hắt cái oi bức xuống đường nhựa.

Đức trông con đường nhựa ánh lửa, đã thấy sợ. Nó sợ, bởi nó đã hiểu thế nào là đi bộ hàng hai, ba chục cây số.

Cu Nhớn đã từng đi bộ, nhìn cái nhìn của nó, hiểu ngay, liền khuyến khích:

- Đây già nửa đường rồi. Chỉ còn qua phủ Từ Sơn thì đến Yên Viên. Chúng ta phải cố lên, kẻo tối. Tối thì biết ăn đâu, ngủ đâu?

Lời nói của bạn đem nghị lực đến cho Đức. Đức dạng chân, bước mạnh: - Không, không thể tối được.

Nó can đảm lật mũi, giơ đầu ra nắng:

- À, nắng tôi cũng không sợ, nóng tôi cũng không sợ.

Can đảm là một lẽ khác, mà sức gân là một lẽ khác. Cho nên người thật can đảm là người biết can đảm theo cái sức gân của mình. Chẳng biết những người ấy có khôn không? Nhưng tôi biết chắc rằng những người ấy thường đi tới đích.

Lúc ra đi, Đức hăng hái lắm. Nhưng cái nóng, cái mệt, chỉ trong năm cây số đã thắng được sự hăng hái của nó. Thật đúng như lời Cu Nhớn tiên tri, nó phải cõng lên gậy, mới lết được tới phủ Từ. Ấy là không kể Cu Nhớn phải đỡ nó bao nhiêu bận.

Mồ hôi nó vã ra như tắm. Nó cởi áo ngoài, nó cởi áo len, nó cởi cả giày, cả tất. Mà trời ơi, nóng vẫn hoàn nóng! Cái rét mùa đông không còn có nghĩa gì.

Tới phủ Từ Sơn, Đức ta chỉ còn là cái vỏ cam đã bị vắt hết chất nước. Cu Nhớn phải dìu nó vào hàng nước.

Lần này, vì nó mệt quá, nên nó chẳng còn có từ tốn, chẳng còn có nghĩ trước, nghĩ sau gì hết. Thấy nước là nó nốc. Nó chẳng còn nghĩ đến chỗ chúng nó gần hết tiền rồi.

Uống nước xong là nó thở như bễ lò rèn.

Cu Nhớn thấy thế, thương hại quá, lấy cái mũ quạt cho nó. Quạt đến mười phút, nó mới mở được mắt:

- Chà! Lúc nãy tôi chả còn trông thấy gì nữa.

Rồi nhìn cái nắng hắt trên thềm hè, nó rùng mình.

Người bán hàng bây giờ là người đàn ông, nên những sự thực tàn nhẫn cứ từ miệng hắn ra:

- Mày cùng đi với nó mà mày thở như bò rống. Những thằng ăn mặc sang trọng thực là đoảng!

Đức cáu lắm, nhưng đó là sự thực, nên nó đành im. Cu Nhớn vội cãi cho nó:

- À, nếu ông không đi bao giờ thì thử đi từ Sen Hồ về đây xem ông có mệt như nó không nào. Tôi quen, kể gì! Nó đi vài lần, rồi xem nó có quen không nào?

Người bán hàng trề môi:

- Thế mà mày còn cãi cho nó thì thực là mày cãi lấy được. Trông “công tử bột” thiểu não thế kia kìa.

Cu Nhớn thấy người hàng nước tàn nhẫn quá, cũng sửng cồ:

- Ồ, thì nó thế, việc gì đến ông?

- À, thì tao thấy thế tao nói, chứ việc gì đến tao.

Rồi khi thấy hai đứa chỉ uống nước không chứ không ăn uống gì, liền đuổi xa xả:

- Thôi, uống nước xong rồi, cút đi để chỗ cho người ta bán hàng!

Cu Nhớn biết với những người như thế, không thể nói gì được, móc túi lấy tiền trả, rồi dắt Đức đứng dậy:

- Ồ! Bác này mới lạ chứ! Tôi chưa thấy ai bán hàng như bác.

Cu Nhớn dìu Đức ra một gốc cây:

- Sao ở đời có những người độc ác như thế nhỉ? Họ thấy mình nhỏ thế này, mệt thế này, họ không thương nhỉ?

Đức đã mệt chết đi, cũng góp một câu:

- Những người như thế thì cần gì họ thương! Từ rày tôi qua đây là tôi không vào hàng nó rồi.

Nó chỉ nói được có thế, rồi lăn ra gốc cây. Cu Nhớn lấy gói áo đưa ra cho nó gối, rồi lại lấy mũ quạt cho nó.

Đức mệt quá rồi, không còn sức để từ chối nữa, nên cứ để yên cho bạn hầu.

Cu Nhớn quạt cho nó ráo mồ hôi xong, lại bóp cả chân, cả tay cho nó nữa.

Ngoài đường, nắng vẫn còn le lói. Cu Nhớn nhìn mặt trời từ từ ngả, đâm lo. Nhưng nó biết không thể giục bạn được, vì bạn mệt lắm. Nó lại biết ra đi ngay như thế này thì nguy. Nó lại biết giời mùa đông chóng tối lắm, nên nó càng lo.


o O o


Đức nhìn nó thì cũng biết nỗi lo sợ của nó đấy, nhưng làm thế nào được, trong khi người đã bã ra như thế này?

Nó nghỉ. Nó nghỉ đến một giờ. Rồi thì nó cố vùng dậy:

- Chúng ta phải đi chứ! Không thì tối mất rồi.

Cu Nhớn liền giơ tay cản:

- Không sao! Không sao! Tôi biết đường, tối không cần gì. Và có cùng lắm thì tôi đưa anh đến đầu cầu. Anh cứ nằm nghỉ cho hết mệt.

Nó không nằm nữa. Nó cố ngồi dậy. Ngoài đường, nắng vẫn le lói.

Đức ngùi ngùi nhìn bạn:

- Vì tôi mà làm cho anh cũng khổ lây.

Cu Nhớn cau mày:

- Ồ, anh em, sao anh lại nói thế? Anh cứ yên tâm nghỉ đi. Đằng nào thì sớm chậm cũng đến nơi kia mà.

Có lẽ cái phúc của chúng nó hay sao – mà có lẽ cái phúc của thằng Đức thì đúng hơn - mặt trời đang le lói, bỗng xịu mặt xuống, rồi thì râm.

Cu Nhớn mừng quá, reo lên:

- A, mát giời rồi! Anh nghỉ đi một chốc nữa, rồi ta đi một mạch đến nơi. Đây đến Yên Viên chỉ bằng đây đến Lim thôi. Mà từ Yên Viên đến lò gạch của thầy tôi, chỉ phải đi qua một cái cầu.

Nhắc tới lò gạch, tức là nhắc tới chặng đường cùng mà Đức được đi với Cu Nhớn, Đức ta bồi hồi nghĩ đến sự chia tay. Rồi sự bồi hồi ấy làm tiêu tan đi một phần mệt nhọc, nó đứng dậy:

- Thôi, ta đi.

Cu Nhớn lại cản:

- Thì anh hãy nghỉ cho thật hết mệt đi đã nào.


o O o


Đức chỉ cố được cho tới Yên Viên, rồi nó lại ngồi lả ra. Nó lại nốc gần hết một xu nước, chỉ để có một ít cho Cu Nhớn. Và sau khi nghỉ nửa giờ, thì nó lại thấy đói cồn ruột.

Sự nhọc mệt khiến cho người ta yếu đuối. Nó thú ngay với Cu Nhớn, rồi thì còn một xu trong túi, nó muốn rằng Cu Nhớn mua kẹo cho nó ăn nửa xu, còn nửa xu để dành uống nước.

Cu Nhớn gạy ngay đi:

- Không phải ăn kẹo. Anh cứ ăn một xu bún riêu đi. Sông kia, ta xuống uống nước sông. Và nếu cần tiền, đi qua lò gạch, tôi vào xin thầy tôi mấy xu cho anh. Anh phải biết cái bún riêu này tốt lắm, hết mệt ngay.

- Thế còn anh?

- Tôi bây giờ không thấy đói. Đi quá Hà Nội cũng chưa đói. Tôi bao giờ cũng tối mịt mới ăn cơm kia mà!

Đức ăn bún xong rồi, Cu Nhớn lại nói khôn khéo với nhà hàng để thêm cho Đức nửa bát nước mà không bị mất giá.

Đã được ăn uống no nê, vả lúc ấy giời đã mát, Đức ta thấy rằng mình lại có thể đi được.

Có lẽ trong cái đời nghèo nàn của Cu Nhớn, nó đã kinh nghiệm thấy rằng sự hy vọng cũng cần cho người ta như sự nỗ lực. Trước khi đi, nó ôn tồn bảo Đức:

- Đây đến chỗ thầy tôi thì chỉ đi qua cái cầu kia kìa. Một tí là đến nơi. Mà từ chỗ thầy tôi thì đã có thể trông thấy cầu Hà Nội. Vậy chúng ta không cần phải lo ngại gì. Chúng ta cứ thủng thỉnh mà đi. Và nếu cần, tôi sẽ vào lò gạch xin thầy tôi cho anh ba xu. Ba xu đi một chặng đường như thế thì thừa chán. Mà biết đâu, thầy tôi lại chẳng có cái cho anh ăn nữa. Chắc chắn là tí nữa tôi tới lò gạch, mà tối thì anh tới nhà. Anh hiểu chưa?

Nó lại tạt vào bên đường, bẻ cho Đức một cái que nhỏ hơn:

- Cái gậy này nặng, anh cầm cái que này. Bây giờ ta cứ thủng thẳng như đi chơi, anh hiểu không? Rồi khi ta lên tới cầu kia, ta đứng trông nước chảy. Sông Đuống, nước chảy mạnh lắm kia. Thầy tôi nói những thuyền về đến cầu này, không khéo lái va phải cột cầu, đắm ngay.


o O o


Lúc chúng nó bắt đầu ra đi thì gió chiều hây hây thổi. Vì thế cho nên Đức cũng đỡ mệt. Muốn khuyến khích bạn, Cu Nhớn lại hát bài hát Đinh Tiên Hoàng mà trong khi chăn trâu, bọn trẻ vẫn thường hát:

Phân tranh hội ấy nực cười,

Mười hai quan sứ, mỗi người mỗi phương.

Xoay vần trong cuộc tang thương,

Trải bao phân loạn mới sang trị bình.

Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh,

Con quan Thứ sử ở thành Hoa Lư.

Khác thường từ thuở còn thơ,

Rủ đàn mục tử mở cờ bông lau.

Dập dìu kẻ trước người sau,

Trần ai đã thấy Vương hầu uy dung.

Một mai về với Trần Công,

Hiệu xưng Vạn Thắng, anh hùng ai qua.

Bốn phương thu lại một nhà,

Mười hai sứ tướng đều là quét thanh.

Tràng An đầu dựng đô thành,

Cải nguyên là hiệu Thái Bình từ đây.

Nghìn năm cơ tự mới xây,

Lên ngôi Hoàng Đế, đặt bày trăm quan.

Có đường bệ, có y quan,

Đẳng uy có biệt, giai ban có thường.

Hồng Bàng để mối đến nay,

Kể trong chính thống, từ đây là đầu.