Biên dịch:Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí
Nguyên văn | Phiên âm Hán - Việt |
---|---|
|
|
Dịch nghĩa
Phu nhân của Thần Tông Nhân hiếu hoàng đế, họ Lê húy là Lan Xuân, con gái út của Phụ Thiên Đại Vương. Mẹ[1] là công chúa Thụy Thánh, con gái cả của Dự Tông chính hoàng[2]. Lớn lên, bà làm con gái cả của Thánh Tông Hoàng đế, vẫn gọi là công chúa Thụy Thánh[3]. Ông nội, Phò ký úy Quan sát sứ ở bảo sở châu Chân Đăng[4], tức là cháu gần của Ngự Man Đại Vương[5], là cháu nội của Đại Hành Hoàng đế nhà Lê. Phụ Thiên Đại Vương có hai mươi người con : một thái hậu, ba phu nhân, bốn công chúa, mười hai thái tử[6].
Năm Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự thứ hai (1134), lúc đầu hoàng đế lấy con gái cả của Phụ Thiên Đại Vương, bà Cảm Thánh hoàng thái hậu[7]. Thấy phu nhân có nhan sắc và tứ giáo[8], hoàng đế lại đón về làm phi. Mới vào trong cung đã hiểu rõ đạo lý làm vợ, lên trên tông thất thì giữ bền phong độ nữ lưu. Ăn mặc điểm trang ắt đúng độ, nói năng cử chỉ ắt đúng phép.
Bính Thìn, năm thứ tư (1136) được tiến phong Phụng Thánh phu nhân. Bấy giờ phu nhân giữ bền tâm hạnh, thời thường lại sửa mình theo giáo hóa, bổn phận dâu hiền[9] không hề thiếu sót, ân huệ lễ mọn cũng thấm xuống dưới. Sánh ngang Hoàng Anh vợ Thuấn[10], dâng lời phò trí giúp mưu , giống như Nhâm Khương giúp Chu[11], trước hết nêu cao đế đạo.
Đinh Tỵ, năm thứ năm (1137), gào khóc đi theo xe tang[12], nguyện ở lại trông lăng tẩm. Lòng không trễ biếng mà vẫn rõ ràng, tu đâu Thượng đạo[13] mà giáo hóa hoàn bị. Phu nhân dung nhan đoan chính, tính tình kín đáo ; mừng giận không lộ ra hình sắc, dùng người khiến vui mà ở lại, chẳng cần roi vọt bức bách. Đến khi đức kim thượng lên ngôi, thái hậu phụ chinh, thường sóc vọng đều đến dự chầu. Kim thượng một lòng kính mến, chuyện trò rất mực ân cần mà không điều gì lầm lỗi. Mỗi khi dự tính việc gì, đều yết kiến riêng. Vua và hoàng thái hậu thường đến tư thất, thấy việc nhà nề nếp, bèn khen phẩm cách và than rằng "Bậc phu nhân thời thịnh trị ngày trước". Đối với tật riêng từng người, vẫn giữ được tấm lòng cung thuận, hợp lễ ; danh vọng sánh ngang các bậc vương công mà nếp nhà vẫn một niềm cung kính. Thường vinh hiển thì không quên tiên tổ, cội nguồn nguyện được mở thắng duyên để đền đáp ơn quyến ngộ của tiên thánh. Lại mong khi từ giã cõi đời được gần gũi mẹ cha, ấy là lễ vậy. Thế rồi chọn vùng xóm bãi giữa sông, được hương Tuế Phong là nơi đất đẹp. Núi đồi thanh tú vây quanh ; sông hồ biếc trong bao bọc. Được hướng nhìn sông dựa núi, nhờ thế rồng ấp hổ chầu. Đặc ân thánh chỉ cấp nhân công, cho gỗ ngói để dựng bảo sở. Công việc chạm vẽ vừa xong thì khói hương không dứt, thật là ơn cao huệ cả của chúa thượng.
Tháng chín năm Chính Long Bảo Ứng thứ chín (1171), phu nhân lâm bệnh. Hoàng thượng thân hành thuốc thang cơm cháo, chạy chữa trăm cách bệnh vẫn không khỏi. Sáng sớm ngày kỷ mùi mười tám tháng mười năm ấy, phu nhân tạ thế, thọ sáu mươi ba tuổi. Kim thượng rất thương xót, bỏ triều giảm ăn. Sắc ban lễ phúng gấp bội lệ thường, có thể gọi là lễ tang rất hậu. Chiếu sai Thái phó họ Trần, Nội thị sảnh Phụng nghi lang họ Lê trông coi việc tang việc táng, mật dụ theo nghi thức của Chiêu Thánh hoàng hậu trước đây.
Sáng sớm ngày bính dần, mồng tám tháng chạp mùa đông năm thứ mười một (1173), ân chỉ biệt táng tại địa phương, núi Phác Sơn, phía tây chùa Diên Linh Phúc Thánh. Lại sai quốc sử thuật đạo đức tốt đẹp ấy ghi vào bia mộ.
Minh rằng:
Rồng cuộn hổ chầu chất chứa khí đẹp,
Đất giữa dòng luôn luôn sinh người quý hiển hào kiệt
Đức hạnh phu nhân rực rỡ đương thời,
Thần bà duyên dáng hợp thành sự linh dị.
Lâu đài cung thất ngọc vàng, sánh ngôi á hậu,
Tâm đồng cầm sắt hài hòa, không lòng ghét ghen.
Xa giá quy tiên, ở lại thờ phụng lăng tẩm,
Khiến cho gió mưa không hủy hoại được.
Mặt trời khuất sau núi cao, khí âm u,
Người đời thương tiếc, tuôn giọt lệ.
Dựng bia trên ngôi mộ chưa xanh cỏ ở hương Tuế Phong,
Truyền cho dân giữ mãi nghìn vạn đời.
Cung tiến khai vào mặt sau
Sáng sớm ngày Kỉ Vị mười tám tháng chín niên hiệu (Chính) Long Bảo Ứng năm thứ chín (1171)
Mộ chí phu nhân Phụng Thánh nước Hoàng Việt
Thần Tông Nhân hiếu hoàng đế
Là con gái út của Phụ Thiên đại vương, mẹ là công chúa Thụy Thánh, trưởng bà Cảm viết[14], ban cho ruộng ao cúng tam bảo, làm hương hỏa lưu truyền vạn đời, một tọa lạc chỗ ao xứ Đầu Đình, một chỗ ruộng tọa lạc xứ Cửa Ngõ, một chỗ ruộng tọa lạc xứ Bến Sông, xem trong bia đã ghi.
Sau này không phải nộp sưu, hàng năm lấy ngày mười tám tháng mười làm ngày lễ kị của thần.
Một là giao phó cho hương thôn giữ bia mộ không được bỏ để ghi chuyện cũ mà tôn kính.
Nữa là tu tạo chùa Diên Linh Phúc Thánh, tại góc Tây, nơi anh linh cổ tích đại danh lam.
Chú thích
- ▲ Có lẽ ý chỉ mẹ của Phụ Thiên Đại Vương
- ▲ Không thấy vua Lý nào mang miếu hiệu Dự Tông nên có thể phỏng đoán đó là danh hiệu được con hay cháu ông truy tôn khi lên làm vua, giống như trường hợp Sùng Hiền Hầu được Lý Thần Tông truy tôn là Cung Hoàng đế. Theo sách Thiền uyển tập anh thì ni sư Diệu Nhân là con gái lớn của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung - con trai của vua Lý Thái Tông và là em (anh?) trai với vua Lý Thánh Tông. Bà được Thánh Tông nuôi trong cung, rồi gả cho châu mục châu Chân Đăng họ Lê. Hành trạng của ni sư Diệu Nhân rất giống với Thụy Thánh công chúa, mẹ của Phụng Thánh phu nhân. Phải chăng chính Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung là Dự Tông chính hoàng ?
- ▲ Nguyên văn là Trưởng bà viết Thụy Thánh công chúa, Thánh Tông hoàng đế chi mạnh nữ dã. Có lẽ nên tách chữ trưởng và chữ bà ra để dịch như trên
- ▲ Nay thuộc tỉnh Phú Thọ
- ▲ Ngự Man Vương Lê Đinh, con trai thứ tư của Lê Đại Hành
- ▲ Công chúa và Thái tử ý chỉ Vương tử và Vương nữ của Phụ Thiên Đại Vương
- ▲ Cảm Thánh phu nhân, vợ vua Lý Thần Tông và là mẹ ruột của Lý Anh Tông. Như vậy, Phụng Thánh phu nhân vừa là mẹ kế vừa là dì ruột của Lý Anh Tông
- ▲ Công, dung, ngôn, hạnh
- ▲ Nguyên văn thái phồn, lấy chữ trong bài Thất nguyệt, Bân phong, Kinh Thi ; nghĩa là lấy lá rau phồn cho tằm ăn, ý nói người vợ đảm đang chăm lo việc nhà
- ▲ Nga Hoàng và Nữ Anh, hai người vợ của vua Thuấn
- ▲ Thái Nhâm là mẹ Quý Lịch, Thái Khương là mẹ Chu Văn Vương, đều có công với nhà Chu
- ▲ Vua Lý Thần Tông mất
- ▲ Đạo Thượng thừa, chỉ Phật giáo
- ▲ Chưa hiểu văn nghĩa, để tồn nghi
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1930, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.
Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.
Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.
Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.