Biên dịch:Trịnh thị thế gia/Đời thứ 10
Vương húy là Doanh, là con trai thứ tư của Nhân Vương, em trai cùng mẹ của Thuận Vương. Ngài sinh vào ngày mùng 5 tháng 11, năm Canh Tý, niên hiệu Long Đức thứ hai thời đức Dụ Tông Hòa hoàng đế. Lúc ban đầu, được phong làm Quận công. Năm Kỷ Mùi, khi ngài 20 tuổi, được cho nắm quyền nhiếp chính Bình chương quân quốc trọng sự. Năm Canh Thân, Thuận Vương lâm bệnh, ngài được các tướng và quan thần suy tôn, kế thừa đại thống, được phong làm Đại Nguyên Soái, Tổng Quốc Chánh Thượng Sư, Thượng Phụ, Anh Đoán, Văn Trị, Võ Công, Minh Vương. Ngài phò giúp Lê Hiển Tông Vĩnh Hoàng Đế, phía nam dẹp giặc Ngân Già, phía tây dẹp yên quân giặc, phá tan giặc Chất trừ được họa loạn, lập lại thái bình. Vào năm Cảnh Hưng thứ 28, ngày mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Hợi, ngài hoăng hà, chung niên 48 tuổi. Được truy phong là Thần Mưu Duệ Toán, Thịnh Đức Phóng Huân, Hoằng Từ Đạt Hiếu, Hoành Mưu Đại Liệt, Xiển Du Cơ Tích, Định Võ Khai Bình, Địch Văn Phu Huấn, Viễn Mưu Hậu Trạch (32 chữ) Ân Vương. Miếu hiệu là Nghị Tổ, an táng tại xã Trịnh Điện, huyện An Định. Sau này, vào năm Quý Mão, Đoan Nam Vương dời hài cốt của ngài về xã Kim Thành (có chỗ gọi là Kim Vực).
Thái phi được tôn phong là Long Đức Chí Công, Ý Phạm Gia Mô, Tự Huy Dục Triết, Đốc Khánh Tuyên Hòa, Bảo Dận Dực Cơ, Phúc Hoằng Di Mưu, Miên Tự Đại Tông Quốc Thánh Mẫu Nguyễn Quý Thị. Tên thụy là Từ Trạch, húy là Ngọc Diễm, sinh vào ngày 21 tháng 2 năm Canh Tý, người xã Cẩm Đường, huyện Thanh Trì, con gái của Triệu Khánh Công. Bà sinh ra Thịnh Vương và có công phù lập Đoan Nam Vương. Bà mất vào ngày 28 tháng 7 năm Giáp Thìn (1784), thọ 65 tuổi, được an táng tại xã Đa Bút, huyện Vĩnh Lộc. Lăng tẩm của bà được xây dựng dưới chân núi Mộ Sơn, phía bên trái ngôi đền đã bị quân Tây Sơn phá bỏ để làm chỗ chứa đồ, chỉ còn lại các tượng võ sĩ bằng đá.
Chính phi được tôn phong là Trang Từ Thục Hành, Khiêm Nhu Cung Ý, Bảo Dực Sùng Đức, Địch Triết Hoằng Hưu, Nguyễn Quý Thị. Tên thụy là Trang Trinh, húy là Ngọc Vinh, sinh vào ngày mùng 3 tháng Giêng, người xã Thịnh Mỹ, huyện Lê Dương, con gái của Luân Trung Công Nguyễn Luân. Bà mất vào ngày 11 tháng 12 năm Quý Mùi, năm Cảnh Hưng thứ 24 (1764), lúc đầu an táng tại xã Trịnh Điện, sau được cải táng về xã Kim Thành, cùng chôn với lăng mộ của Ân Vương.
Ngài có được 3 con trai và 4 con gái: Mẫn Tuệ Công, Thánh Tổ Thịnh Vương, Thụy Quận Công, công chúa Ngọc Giả (có chỗ gọi là Ngọc Lan), Quận chúa Ngọc Cúc, Ngọc Kính, và Ngọc Viêm.
Mẫn Tuệ Công, húy là Nhuận - 橍 (có chỗ ghi là Phí - 杮), là con trưởng của Ân Vương, do bởi chính phi Nguyễn Thị sinh ra, là anh của Thịnh Vương, nhưng mất sớm. Ông được an táng tại phường Hồng Mai, huyện Thọ Xương. Sau đó, phường này lập miếu thờ ông và gọi là Phúc Thần; tuy nhiên sau này, có người trong phường đã phá hoại lăng mộ và miếu của ông. Giám thủ Trịnh Hòe lên tiếng phản đối, và người ấy đã phải xin lỗi và sửa chữa như cũ.
Thái phó Thụy Quận Công, húy là Lệ, bị quân Tây Sơn giết hại. Con trai cả của ông, Đồng tri phủ Quang Hưng, là Trịnh Lan, phụng tự.
Trưởng nữ Tiên Hoa công chúa, húy là Ngọc Lan (quốc sử ghi là Ngọc Nhuận), con của chính phi Nguyễn Thị, hứa gả cho Hoàng Thái Tử Lê Duy Vĩ, chưa kịp xuất giá thì mất sớm, tục gọi là Bà chúa Đỏ. Bà mất vào ngày 23 tháng 7, năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760).
Quận chúa, húy là Ngọc Cúc, kết hôn với Tham đốc Minh Vũ Hầu Vũ Đình Minh.
Quận chúa, húy là Ngọc Kính, kết hôn với Tạo sĩ Điển Quận Công Hoàng Đình Bảo (sau đổi thành Tường Quận Công), nhưng Bảo bị quân kiêu binh giết chết.
Quận chúa, húy là Ngọc Viêm, kết hôn với Tạo sĩ Cung Vũ Hầu Nguyễn Đình Cung.