Buổi sớm
Cả đêm Bính trằn trọc không ngủ được, tuy chàng đi chơi về khuya. Trên tấm gối đẫm mồ hôi, Bính áp má nằm nghiêng cổ nhắm mắt. Nhưng hể chập chờn một ít lâu, những mơ mộng kỳ dị, không liên lạc, lại đến ám ảnh chàng. Bính mở mắt, ngơ ngác nhìn lên đỉnh màn rồi lại nhìn nếp màn lặng rũ yên trong bóng sáng lờ mờ của ngọn đèn con vặn nhỏ. Chàng nghe chiếc đồng hồ treo trên tường buồn bã đánh hết giờ nọ sang giờ kia, và cái tiếng tích tắc đều đều kêu se sẽ cái sống ban đêm của giây cót thép. Bính thấy mệt mõi vô cùng hơn bao giờ hết, đè nặng trên đầu các tay chân và thấm vào thớ thịt rời ra: tất cả những cuộc chơi trác táng từ trước đến nay như cùng dồn cái mệt đến người Bính trong lúc này.
Một tiếng gà gáy đầu tiên êm từ xa đưa lại. Ðêm tàn, buổi sớm bắt đầu; ánh sáng mờ và yếu ớt len vào khe cửa và khe hở của lá gói lợp nhà mà cái nóng ban ngày đã làm hé tách ra - một thứ ánh sáng lạnh và biêng biếc như thiếc mới.
Bính tung màn ngồi dậy. Không khí trong căn nhà tranh ẩm ướt qua một đêm đã trở nên u uất và nặng nề, đè nén trên mí mắt chàng. Bính toan nằm lại, như mọi khi; nhưng về sau, không hiểu tại sao, chàng bước xuống đứng dậy hẳn. Ðất lạnh dưới bàn chân cho chàng một cảm giác mát và dễ chịu; chàng để chân đi đến mở cửa buồng, và một lát sau, chàng đã ở ngoài sân.
Bính ngồi trên thểm gạch, bên gốc cau. Thật là lạ lùng, ban sớm yên tĩnh mà mát quá, một cái yên tĩnh mát hay một cái mát yên tĩnh chàng cũng không biết nữa. Nước trong bễ nhỏ lắng trong và mát lạnh, sương ở trong bể nhỏ lắng trong và mát mát, đất sân cũng mát khô và sạch sẽ (nước giữ cái mát của đêm trên mặt, và cây hồng giữ cái mát của đêm trong kẽ lá). Bính bắt đầu thấy cái mệt mõi trong người tan dân, máu bắt đầu chảy mạnh như xô nhau đi đón khí trời trong.
Ðã lâu lắm, chàng không dậy sớm. Chàng đã quên không biết buổi sáng thế nào. Bao nhiêu năm nay miệt mài trong những cuộc hành lạc của đêm, chàng trở về nhà trong đêm khuya khi người ta bắt đầu đi bán hàng. Nhiều lần nằm mệt mỏi trên chiếc xe, mắt díu vì buồn ngủ, chàng gặp những người đàn bà gánh hàng rau lên chợ bán ; những gánh rau mới hái, tươi xanh và ướt nước, khác hẳn cái thân hình rời rã và khan ráo của chàng lúc ấy. Ba, bốn giờ đêm! Giờ Hà Nội đang ngủ yên trong các căn nhà đóng kín, giờ mà ở ngoài, giẫy đàn điện chiếu sáng những con đường dài vắng, yên lặng và trống trải, chỉ có lá khô rơi. Lúc ấy chàng mới ở những ngõ hẻm tối tăm đi ra, mũ đội sụp, hai tay bỏ túi và bước chân nặng trên hè gạch. Cái chấm đỏ thắm như màu mệt, của một ngọn đèn lục lộ treo giữa lối, lặng chiếu từ đầu xa, tận đầu đàng phố kia.
Chàng đã sống như thế, bao nhiêu lâu nay rồi ? Bính cũng không nhớ nữa. Lâu lắm, trước ngày vì hết tiền, mất việc, chàng phải về ở căn nhà cũ này, cái dinh cơ nghèo nàn độc nhất còn lại của nhà chàng.
Bính đưa mắt nhìn mảnh vườn nhỏ trước mắt, cái sân đất khô hãy còn vết chổi quét của mẹ chàng chiều hôm trước. Cảnh vật quen thuộc này đối với chàng thành lạ, vì đã lâu chàng không nhìn thấy trong buổi sớm bao giờ. Cái núi non bộ nhỏ mà thầy chàng, khi còn sống, vẫn hay đứng lặng ngắm hàng giờ; cái bể con rêu phủ,hai thân cau mốc trắng, luống rau mà mẹ chàng vun xới, cây hồng nhung nảy hoa cùng buổi sớm, tất cả những vật đó bây giờ trở lại dần thân mật như ngày xưa.
Cái mát và rộng thoáng của buổi mai khiến Bính nhớ lại ngày tuổi trẻ. Ðộ ấy, chàng dậy sớm cũng như mọi người, khỏe mạnh và tỉnh táo như mọi người. Chàng lấy thau múc nước trong bể ra rửa mặt, nước mưa lạnh thấm mát vào da. Buổi sớm bấy giờ chàng thích lắm. Chàng ưa nhìn trời cao và trong xanh, những lá cây ngoài vườn tươi và mướt với một vẻ riêng, hình như chúng cũng mới tỉnh dậy như người. Qua giậu thưa, thấp thoáng những người đi chợ sớm, tiếng cười nói vang lần với tiếng đòn gánh kĩu kịt vì những bì gạo nặng. Rồi vùa học ôn lại bài nhà trường bên chiếc án thư đầu nhà, chàng vừa lặng nghe những tiếng gù gù của bầy chim bồ câu trong chuồng bên xóm.
Không bao giờ Bính nhớ lại những ngày tươi trẻ ấy. Chàng vẫn quên đi, và đêm tối sau mệt mỏi làm mất cái quá vãng đã xa xăm ấy. Giấc ngủ nặng nề không để chỗ cho những nhớ lại mong manh, còn lúc tỉnh chàng đắm đuối dẫn mình vào những cuộc vui chơi chán nản.
Bính không muốn nghĩ đến cái cớ tại sao chàng trụy lạc. Từ khi thầy chàng mất đi Bính đâm ra ăn chơi mà mệt. Ðêm quyến rũ chàng như ngọn lửa quyến rũ con thiêu thân. Ðêm và ánh sáng rực của đèn, ánh sáng làm đẹp mịn má hồng và làm thắm cặp môi của những gái đàng điếm lẳng lơ : rượu sánh trong cốc, với gói thuốc phiện thơm càng làm trí chàng say sưa. Bao nhiêu lần chàng đã giằng tay mẹ già níu giữ con trước cửa, bước vội ra để không nghe tiếng nức nở ở lại trong bóng tối. Chàng chơi mãi cho của cải hết, nhà cửa bán dần, và sức khỏe của chàng ngày một mất đi. Một sự chua chát thấm vào tâm hồn chàng, một sự chán nản cho mình và cho người khác. Có lẽ mối thất vọng trước sự tan vỡ của những mộng tưởng cao quý và đẹp đẽ trong đời chàng đã đẩy Bính xuống vực sâu. Trong thâm tâm, chàng mơ hồ cảm thấy như một bóng lửa sáng chiếu ngoài đêm tối, đáng lẽ chàng theo mà chàng đã không theo.
Nhưng hôm nay, cái mát của buổi mai làm tươi lại những cảm giác trong sạch, thanh cao ngày nhỏ. Tiếng gù gù của chim bồ câu bên hàng xóm không còn nữa, nhưng tiếng cười nói của những người đi chợ sớm vẫn vang lên bên giậu thưa. Nước mưa trong bể vẫn mát như ngày còn trẻ; trên cao, trời xanh thẵm không một gỡn mây, trời lát nữa sẽ rực rỡ những ánh hồng của nắng.
Bính đứng dậy bước đến bên bụi hồng nhung cạnh bể. Chàng cúi xuống ngắt một bông hoa. Như ngày xưa, chàng ngắt để trên đĩa xứ sớm mai ; bông hoa vừa hé nở, cánh nhỏ còn khép giữ một giọt sương long lanh trong như ngọc. Tự đóa hoa bốc lên một mùi hương quen mến, mùi hương mộc mạc và đầm ấm của hồng nhà ; Bính tưởng mùi hương dịu dàng và cao quý cũng như tình yêu của mẹ chàng đối với chàng.
Lòng thương mẹ rung động khẽ trong tâm Bính. Chàng muốn sớm nay, khi trở dậy, bà mẹ già đã nhiều lần khóc vì con lại thấy trên đĩa sứ mấy bông hoa hái trong sương sớm như ngày xưa. Ðây là thức dâng của buổi sớm mai, của cái mát thanh cao giữ trong khe lá và trên mặt nước mưa. Bính thấy tâm hồn cũng trở nên mát rợi và yên tĩnh. Chàng thấy mình, lại như ngày trẻ, đang cúi người nhìn sương đọng trên chùm lá tươi non. Và tiếng buổi sớm, tiếng gù của đôi chim bồ câu đôi bên hàng xóm từ những ngày đã qua trọng thời niên thiếu, lại hình như vang vang ở đây.
Chàng đứng dậy ; gió mát từ ngoài đồng rộng quanh nhà nhẹ nhàng đưa lại mùi cỏ ướt. Trời đã đổi mầu xanh ra mầu hồng phơi phới, trên cao. Bình minh của ngày rực rỡ bắt đầu tươi sáng ở phía xa.
Trong nhà, bà mẹ đã trở dậy, vén màn, ngồi lần tràng hạt, cụ niệm trăm câu kinh Phật. Tiếng mẹ chàng còn trong và nhẹ như xưa.
Bính rón rén đi vào ; không dám động mạnh. Chàng đến bên bàn thờ đặt hoa trên đĩa, thay nước mưa trong chiếc bát cổ. Và khi đặt tràng hạt xuống, mẹ chàng hỏi như ngày xưa, dịu dàng và âu yếm, như khi chàng còn nhỏ:
- Sao dậy sớm thế, con ?...
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)
Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 và tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)