Bước tới nội dung

Cành hoa điểm tuyết/Đoạn thứ hai/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VIII

Lúc đến phố hàng Bút, thì đã hơn 9 giờ. Hàng phố đông đúc, kẻ mua người bán tấp nập. Mợ ta vào nhà bà Phủ hỏi thăm, thì thấy nhà đóng cửa, không có cửa hàng bầy ra như khi trước nữa. Gõ cửa thì trong có một người đàn ông bước ra.... Mợ cả nói rõ sự tình trước sau, thì người ấy nhìn mợ một lúc, rồi nói: « Mợ về chậm quá! Quan-Phủ phải bệnh mất được mấy tháng trước, còn bà Phủ cũng mất luôn tháng sau.

Cậu cả Liễu-Oanh thì con sài mới chết, nên cậu phẫn-chí đã xin nhà nước đi tòng-chinh bên Đại-Pháp rồi, » Tin buồn đã qua, tin khác lại tiếp đến, làm cho mợ ấm đầu như búa bổ, ruột tợ giao đâm, bèn cả tiếng khóc giòng: « Giời làm khổ tôi!...... »

Kêu được một tiếng thì mặt mày đổi nét, hai mắt lờ đờ, sắp muốn té xuống đất. Lúc này người đàn ông thấy tình-hình mợ thảm thiết thế, liền hỏi mợ rằng:

« Thế mợ còn quen biết bà con nào ở đây nữa không? »

— Có, tôi nhớ có quen một bà dì ở phố hàng Nón, nhà cũng giầu có.

— Vậy thì sao mợ không lại đấy mà xin ở nhờ!

Mợ cả nghe người đàn ông ấy nói, liền cám ơn, song từ tạ rồi gọi xe xuống hàng Nón, hỏi thăm vào nhà bà dì. Lúc này bà dì mợ cả đương ngồi trong nhà đánh tổ tôm với mấy bà khác, khi nghe thấy người vú vào nói có mợ là cháu bà đến, thì bà nhăn mặt gãi tai, nói với mấy bà kia rằng:

« Không biết con này nó đến đây làm gì? »

Vừa nói xong thì mợ cả đã ẵm con vào đến nhà trong, bà này trông thấy mợ ta: khăn lấm, tóc rối, áo vá, quần rách, thì coi bộ ghét lắm, bèn cả tiếng mắng mợ mà bảo rằng:

« Đồ đĩ! con nhà hư! mày đi theo giai đến bây giờ mới về, còn trông thấy tao làm gì; bước ngay lập tức; đây tao không dung những của như thế! » Mợ cả cứ nép vào một bên vừa khóc lóc vừa kêu van, kêu van hết hơi, bà dì cũng chẳng động lòng.... Bèn chào bà dì ra cửa, thuê xe thẳng ra bờ sông. Chèo lên cầu sông Doumer đứng ngắm giòng nước, thuyền bè san sát đậu bên bờ, đứng trên mà nhìn xuống sông thì bao la rộng rãi, giải nước cuồn cuộn, trông ghê cả mình: « Thà chết cho xong! Sống làm gì!!! » Mợ cả vừa ôm con vừa nhìn đáy nước, bao nhiêu nỗi ưu-phiền trong bụng mợ lúc này đã hầu như chỉ hy-vọng cả vào cái chết, cái chết yên lòng. Trông thấy nước sông chẩy cuồn cuộn, con thuyền chìm nổi mà mợ muốn như đã sắp reo mình từ trên cao xuống dưới, phó mặc tấm thân cho chiều nước ngược suôi. Ôi, cái sức mạnh của giòng nước kia khá làm cho ta mát dạ đẹp lòng! Có nhẽ từ nay ai người như ta, cũng nên ra đây mà quy-y cửa giời, nhà Phật, mong thoát-ly chốn bụi trần, mà cầu đội bát hương! Hỡi ôi, chết chết, chết mà thoát cái khổ, cái sầu, cái đau đớn! chết mà rửa được tiếng sấu, khỏi thẹn với lương tâm! Vậy thì nên chết! Nhưng mợ cả vốn không sao mà quyên-sinh được, vì mợ còn chút con trai, nên muốn cho nó nhớn để lập tự cho nhà chồng, nay mợ chết mà bỏ nó, thì ai nuôi cho? hoặc hai mẹ con cùng đưa nhau xuống sông, thì ngày sau bên nhà chồng biết lấy ai phụng-thờ, giữ hương-đèn cúng lễ ông cha? Con này vẫn không phải là con chồng là con Bạc-Sở, nhưng cũng là mợ đẻ ra, bây giờ bỏ đi thì tội nghiệp biết bao? Chẳng thà để nuôi cho nó khôn lớn rồi cho nó lấy họ nhà chồng cũ thì hay hơn!

Bởi mợ nghĩ thế, nên mợ dùng dằng không muốn tự vẫn nữa, chỉ nhìn con, nhìn giòng nước mà khóc mùi, tiếng khóc thê thảm, giữa lúc gió thổi cây rung, cảnh hoàng hôn thảm-đạm thê-lương, ai nghe mà chẳng động lòng.....

Thời may, lúc bấy giờ có một người con gái tuổi độ 20, nhân lúc một mình thơ thẩn trên cầu, nghe thấy tiếng mợ khóc, thì lại gần hỏi hết đầu đuôi, rồi bảo mợ rằng:

Tôi nghe mợ nói truyện tôi cũng thương-tâm, lòng không nỡ để một người bạn hồng-quần một thuyền một hội với mình sa cơ vào nơi nước biếc rêu sanh.

Than ôi, tự cổ hồng-nhan đa bạc phận, cái xuân-xanh, cái tài, cái sắc là cái gương bạc-mệnh của bạn nữ-lưu như chúng ta, chúng ta là cái mồi dử của các gã ong bướm, thân bồ-liễu dẫu yếu mềm, nhưng con tạo ỡm ờ, biết lấy ai là người tri-kỷ, chơi hoa mà biết tiếc hoa? Như tôi với mợ đây mà gặp nhau, cũng như hai người bạn cùng chung một thuyền bơi trên sông to sóng cả, những lúc nguy hiểm, thời phải hết lòng hết sức giúp đỡ lẫn nhau, tuy ở đời, thân-mình đã là sa cơ nhỡ bước, mà đường duyên phận ông tơ chưa rứt hẳn thời mợ hẵng tạm nương náu, chờ nghe tin tức cậu cả ấy ra làm sao? May ra mà vợ chồng lại đoàn-viên một nhà tình vợ nghĩa chồng lại đằm-thắm như lúc mới gặp nhau thời đó là nợ ba-sinh mình còn được hưởng phúc, mợ sẽ đem cái tài sắc làm bạn với cậu ấy cho hết lòng, thờ chồng nuôi con cho hết đạo, cái danh hiền-phụ di truyền hậu-thế, thời ai chẳng phải khen?

Chớ bây giờ nước đã đánh phèn, muốn trong cũng lỡ ra rồi, không sao được. Mợ mà tự hủy mình đi, thời có ích chi, con thơ để lại cho ai, có phải là mang ác vào mình, mà lỗi đạo cùng chồng sau này, vì chồng mợ tòng chinh bên quí-quốc sống thác chưa tường, sao nỡ đành tâm không nghĩ giả nghĩa cho chồng vội đem thân bồ liễu chôn nơi dưới đất, nỡ lòng nào không nghĩ đến những lúc vợ chồng mới lấy nhau, đầu gối tay ấp, biết bao tình ân ái, bỏ đi không nghĩ đến sao nên? »

Mợ cả nghe nói cũng đã hồi tâm, im một lúc rồi hỏi:

« Cô bảo thế tôi rất cám ơn, nhưng chẳng biết bây-giờ tôi đi đâu? Mà cô là ai, xin cho tôi biết, để mai sau nếu tôi có được vẻ vang thì tôi sẽ đến mà tạ lại ơn lòng đã chỉ bảo điều hay! »

Người con gái ấy nói: « Tôi đây tên là Huệ-Lan năm nay cũng đã 20 rồi, bởi lúc bé song-thân sớm lên cõi tiên, một thân lưu lạc, họ hàng không có, cho nên phải vào sóm Bình-Khang, tập hát đã 3, 4 năm nay rồi. Tôi ở đây cũng là một sự bất-đắc-dĩ, một cái khổ, nên cũng không phải là quyết lưu luyến mãi chốn này đâu, chẳng qua cô-thân đất khách, thì phải mượn chốn ca-lầu này làm nơi túc-xá, chờ nghe tin tức xem bên họ còn ai quen thời đến nương nhờ. Tôi cũng biết chen chân vào với các chị em nhà nghề, chi cho khỏi miệng thế mai mỉa là đồ móc túi bom xu, tự nghĩ cũng lấy làm nhục nhã lắm, như những lúc quan viên đến hát, nào chị em người thì liếc, người thì đưa mắt, cười cười nói nói ôm ôm bế bế, mà mình nghĩ thẹn quá không sao như họ được. Nếu không thế, thì Cửu-Má lại la giầy mắng mỏ....

Chả biết làm sao, chỉ mình biết cho mình mà thôi, nghĩ đến đường duyên phận lúc nào thì thật là ngao ngán, thật là đời bây giờ duyên hờ hững thì nhiều, ai cũng nói có tình tri-kỷ, mà tri-kỷ đến lừa lọc nhau là hết, bọn chị em thời lả lơi vờ vĩnh, duyên ông bám duyên bà, đến đồng bạc trắng là xong, còn bọn nam-nhi họ, thời phần nhiều không như các cụ nho ngày trước cho hát là một cách chơi phong-nhã nữa, họ cũng chỉ chơi cho hoa tàn, chơi cho liễu chán hoa chê, thế rồi là thôi.

Thật trong các hạng tu-mi-nam-tử, ít khi gập được người văn-chương tao-nhã, biết câu truyện bạc-mệnh của chị em mình........ Thôi thời đã liều ba bẩy cũng liều, mợ cũng là người ngày nay nhỡ bước, thời hãy tạm ở cùng tôi nương náu ít lâu, chờ xem sau này sẽ liệu, chớ bây giờ mợ đi đâu được. Nếu mợ bằng lòng thế, thì đứa con mợ, để tôi gửi người bà con đem về nhà quê nuôi hộ, mỗi năm cho người ta ít quà bánh nhì nhằng, gọi là đền công dưỡng-dục..... Mợ có nhan-sắc, lại có chữ-nghĩa, vào đây thì chả sợ không bằng ai?

Mợ cả nghe nói mặt mày ngơ ngẩn, bụng bảo dạ: « Bây giờ đến nông nỗi phải đi hát nuôi thân thời nhục lắm, tiếng thơm của bố biết lấy đâu đắp điếm cho tròn như ngày xưa, nhưng đã đến nguồn cơn này thì đi đâu cho được, phải đành ở tạm đây ít lâu, xem sao đã...... Thôi cho hay hồng-nhan bạc phận, cũng liều nhắm mắt đưa chân, mà xem con tạo soay vần ra sao!.... »

Mợ nghĩ thế cho nên bảo cô Huệ-Lan: « Thôi được, cô bảo thế tôi cũng xin vâng, vậy trăm sự nhờ cô chỉ vẽ, thân tôi đã đến nước này, cũng đành ngậm đắng nuốt cay với giời! »

· · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · ·

Huệ-Lan bèn đưa mợ ra mắt Cửu-Má.....

Mụ này nguyên trước cũng là cô-đầu ở tỉnh N.... cách giao-thiệp, ngón lẳng lơ làm cho nhiều tay công-tử mất cửa mất nhà, bây giờ giở về già rồi, thì lại lấy lẽ một ông Chánh-Tổng.... Mụ nhờ trước có đi hát, được quen biết nhiều các chị em, cho nên mới lấy ít tiền của cụ Chánh lập nhà hát riêng ở Hànội. Các chị em ở với mụ cũng được tất cả là 4 người, đến mợ cả nữa là năm... Mụ nghe Huệ-Lan nói truyện, mợ cả, lại thấy hình-dung mợ có vẻ phong-lưu-nhan-sắc thì mụ có ý mừng.... Bèn lập-tức xuất tiền ra may cho mợ cả một cái áo suyến sài-gòn chơn, một đôi giầy mới để lấy bộ cánh chào mời tiếp đãi các quan viên. Cửu-Má bèn đổi tên cho mợ mà gọi là Chúc-lan.

Từ đó mợ ở yên đấy, ăn mặc không phải lo, nhưng lắm phen nghĩ cũng cực-thân, là vì cách tiếp đãi chào mời khách, mợ không quen cùng không chịu được những cách lả-lơi ong bướm của họ; Cửu-Má thường kiếm lời khuyên nhủ mợ, nhưng mợ không nghe, một niềm khép kín buồng loan mà mặc cho ong bướm đi về một ai, không màng chi tới. Cửu-Má thấy vậy lấy làm giận lắm, bèn cả tiếng la giầy, nhiều khi mụ nổi tam-bành mụ lên, nói mợ cả nhiều câu rất cay đắng, mợ cả phải bấm bụng chịu, không hề hở răng than vãn với ai.

Tuy vậy, mà cửa hàng Cửu-Má khách Tràng-khanh thường đua nhau lũ lượt ra vào, vì vốn biết nhan sắc mợ, lại thấy người con nhà thi-thơ, văn-chương có, nên bọn họ lấy làm mến lắm, tuy mắt xanh nhiều tay chưa lọt mà những bực hào-phú phong-nhã thường hát có chầu chi tới vài chục là thường, không kể những chầu hát các quan chi tới 4, 5 chục.

Thương ôi mảnh sắt vào lò,
Bấy lâu nay biết giầy vò đến đâu,

Chúc-Lan ơi, mợ cả ơi, thật mợ đã đem cái tài cái sắc làm gương cho khách hồng-quần soi chung, thương thay người bạc-mệnh!