Bước tới nội dung

Cành hoa điểm tuyết/Mấy nhời nói đầu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

MẤY NHỜI NÓI ĐẦU


Một xã-hội hay hay dở cũng bởi về đạo-đức phong-tục. Phong-tục dở, đạo-đức nguy-vong, là cái cơ một xã-hội sắp đến lúc suy-đồi vậy, bởi vì bao giờ lòng người còn biết theo cái lẽ đoàn-thể-tối-yếu biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thì nhiên-hậu đạo-đức mới còn, phong-tục mới hay, xã-hội mới khỏi vong-bản.

Nước ta trải mấy nghìn năm theo cái luân-lý Á-Đông, gây dựng ra gia-đình, ra xã-hội, mở mang đường đạo-đức, đào-luyện được bao nhiêu nhà lỗi-lạc xuất-chúng, hoặc về đạo-đức, về văn-học, về chính-trị vân vân, lại nhờ ơn Bảo-Hộ ngày nay đem cái tư-tưởng bên Âu-Châu mà truyền-bá cho ta, Âu Á giao thông, chẳng phải là một cái hạnh-phúc cho ta rư?

Nhưng về phương-diện phong tục luân lý nước nhà, nhiều nhà trí-thức đã phải công-nhận rằng đương buổi giao-thời, người nước mình thường nhiều người hiểu lầm cái phong-trào tự-do bình-đẳng, giữ theo cái thái-độ quá ư vô-tình với đường đạo-đức, rẻ rúng phong-hóa, ngoài xã-hội, trong gia-đình, thường thấy thói kiêu-bạc, phóng-đãng của người mình hiển hiện ra hằng ngày, đâu xa!

Ôi, luân-thường đảo-ngược, đạo-đức suy-đồi, phong-tục suy-vi là ba cái trở-lực của con đường văn-minh tiến-bộ nước ta sau này vậy.......

Bởi thế bên Âu-Châu, nói ngay như nước Pháp là một nước rất trọng đường tư-tưởng, đường đạo-đức thường thấy xuất-hiện ra biết bao nhiêu nhà văn-sĩ, lấy ngòi bút mà tả rõ cái tình-trạng một xã-hội về phong-tục, về tâm-lý con người, như A. Daudet, Paul Bourget là hai nhà làm tiểu-thuyết có tiếng về phong-tục (mœurs), về tâm-lý (psychologie)..... Những tiểu-thuyết của các tiên-sinh thật như ngọn đèn pha-lê chiếu thấu tới chốn hang hầm tối tăm, đọc qua tưởng-tượng như trông thấy cả cái đoàn-thể một xã-hội về đường phong-tục luân lý vậy..... Nước ta từ xưa đến nay chưa có mấy quyển Tiểu-Thuyết nói rõ về phong-tục, phần nhiều là những Tiểu-thuyết dịch ở sách ngoài ra, ảnh-hưởng không mạnh, mà cái kết-quả về đường luân-lý giáo-dục không được to tát, vì sách là sách nước người, phong-tục là phong-tục của người ta, dẫu hay hay dở, cũng không can-dự gì đến ta vậy.

Sao bằng của mình mình theo, còn gì hơn?

Nước ta, may nhờ được cụ Nguyễn-Du để lại quyển Kim-Vân-Kiều làm cái gương soi chung cả nước về phong-tục đạo-đức, bởi thế mà truyện Kim-Vân-Kiều đã thành như một cái cột vững vàng chống giữ cái nhà Việt-Nam này, làm cho con người ta khi đọc đến, cái lòng cảm-động như chứa chan giọt lệ, truyện sâu xa, cảm-động như thế, có ảnh-hưởng cho đường luân-lý biết bao nhiêu?......

Một nhà văn-sĩ Thái-Tây đã có câu nói: « Muốn cho người ta yêu mình, không gì làm cho người ta biết cảm bụng mình! » Thế thì những truyện cảm-động ai-oán như truyện Kim-Vân-Kiều chẳng phải là tình nhân-loại-tương-ái rư?........

Bởi vậy ký-giả, không hiềm tài sơ học siển, hiến độc-giả chư-quân-tử một quyển tiểu-thuyết về phong-tục này, lời lẽ quê mùa, may ra có lọt được đến tai các ngài, ấy là cái may mà thôi, còn khen chê, hay hay dở, kẻ thơ-sinh đã đâu dám!

Tiểu-thuyết này rất cảm-động, những người chủ-động trong truyện trải cái cảnh-ngộ rất ai bi, ký-giả nghĩ muốn dễ cảm-hóa lòng người, không chi bằng cái buồn, cái thảm, cái khổ, như truyện Kim-Vân-Kiều trên kia đã nói, có phải dễ làm cho lòng người cảm-động bao nhiêu, cái thân-thế hồng-nhan-bạc-mệnh của cô Kiều ai là người không ngậm ngùi thương tiếc?

Ước mong rằng các ngài sẽ lượng biết cho.

Hanoi, Avril 1921
Đặng-Trần-Phất