Bước tới nội dung

Cái ngộ điểm của nhà chính trị cùng cái ngộ điểm của nhà đọc báo

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái ngộ điểm của nhà chính-trị cùng cái ngộ-điểm của nhà đọc báo  (1928) 
của Huỳnh Thúc Kháng

Bài đăng trên Tiếng Dân, Huế, số 111 (8 tháng 9 năm 1928)

Báo Tiếng-dân số 95, 96, 97, 98, có bài «Ngộ điểm nhà chánh-trị», gần đây độc-giả nhiều người viết thư tham hợp ý kiến, có nhà nói rằng: «Cứ như ý tác-giả thì chỉ còn có hai thuyết là thoát khỏi ngộ điểm đó:

Một là người Pháp bỏ Việt-nam mà về;

Hai là nước Nam đừng lập vua nữa. Trừ hai cách đó không sao mà tránh cái ngộ điểm đó được v. v

Ôi! cứ như hai thuyết đó thì lại là cái ngộ-điểm của nhà đọc báo! Khổng-tử nói rằng: «cứ một góc này thì lấy ba góc kia mà chứng lại». Mạnh-tử nói rằng: «Trương lên mà không bần, kẻ có ý đã biết cái đích nhắm vào nơi nào.» Ấy đọc báo cũng thế, nếu cứ đọc qua mà không tìm được bản-ý của tác giả chỉ lấy ý riêng mình ma suy trắc thì không sao tránh khỏi sự lầm.

Theo thuyết thứ nhất, thì không những tác-giả không có ý đó mà dầu cho người nước Nam có cái tư-tưởng đó, cũng không khi nào đạt được. Quan Toàn-quyền Varenne từng nói rằng: «Người Nam có muốn mà người Pháp không về thì sao?». Mà thực vậy, người Nam có muốn mà người Pháp không về thì sao? Đương thời đại xưa, người riêng một trời, đất riêng một cõi, không giao-thông nhau mà không quen biết nhau thì chả nói làm gì, còn như ngày nay, năm châu chung chợ, sáu giống một nhà, cái mối liên lạc của các dân-tộc với nhau không làm sao mà dứt được. Huống chi hai dân-tộc ở chung trên một miếng đã hơn nửa thế-kỷ nay, cái quan-hệ với nhau không phải là tuyệt nhiên không có. Người Pháp vượt mấy lần biển sang đây không phải là không dung ý, nào quyền-lợi, nào lợi-ích, trong mấy lâu nay đã gây thanh một mối quan-hệ không thể nào rời được, mà từ nay về sau mối quan-hệ ấy không dễ một ngày mà mất đi. Vậy thì theo học thuyết thế-giới giao-thông ngày nay, ta đã không vì lẽ gì mà đuổi người Pháp về, mà theo tình thế thực hiện bây giờ, ta cũng không thể nào mà mời người Pháp về được.

Thế thì trừ một cách trời nghiên đất đổ, địa cầu này thông với tinh cầu kia, thì cái thuyết thứ nhứt đó mới có thực sự được, không thì chỉ là một cái ảo-tưởng mà thôi: ảo-tưởng đó tức là ngộ-điểm vậy.

Theo cái thuyết sau thì một số nhiều thanh-niên ta ngày nay, cho là một sự hợp thời, song xét trong sự thực cũng chưa thực hành được mà dầu cho có thực hành được, vận mạng quốc dân cũng không thêm bớt gì. Sao thế? Nước Nam ngày xưa vẫn theo chánh thể quân chủ, song quân chủ không phải chỉ một cái tên trống mà cốt có những đều thực sự làm cho dân trong nước sinh lòng sợ oai mến đức. Như những việc tha thuế, nhẹ hình, dung kẻ có tài, trị người có tội, tai mắt dân gian thấy rõ như thế nên công nhận là ông vua có ân, có oai với mình. Từ có cuộc bảo hộ đến nay, thì những đều nhân chánh của vua không được thi hành như trước, việc xâu vụ thuế chỉ nghe lịnh quan Sử, trát ông Tây, xuống biển, lên rừng thì chỉ nghe ông Đoan, ông Kiếm, những lợi bệnh trong dân gian không nghe ai nói đến vua (Trừ ra về bằng sắc và phẩm hàm thì chỉ có vua, song cũng phải theo ý Bảo-hộ). Tức như ngày nay vua Bảo-đại sang Pháp đã ba bốn năm mà ở xứ Trung-kỳ nầy chỉ một quan Khâm-sứ đủ thay quyền mà cai trị. Xem thế thì rõ là không cần noi dân-quyền dân-chủ theo học-thuyết mới, đu theo học-thuyết xưa thì vua cũng là hư-vị mà thôi. Thế thì vua ở Trung-kỳ ngày nay, vua cũng kể cho là một người trong mấy triệu người, dầu mà anh hùng hào kiệt, cũng không tự minh mà làm được việc, mà dầu có yếu ớt ươn hèn thì đã có Bảo-hộ dìu dắt cho. Chúng ta chỉ nhận rằng «quân chủ vô trách nhiệm» ấy là đủ. Cái thuyết thứ hai cũng là thừa đó thôi.

Ấy cái ngộ-điểm mà tác-giả phơi bày trước không phải tại hai thuyết đó mà khỏi được.

Người xưa có câu rằng: «nói thấp thấp đừng nói cao quá, nói những đều hiện ngày nay có thể làm được».

Ấy là bản-ý tác-giả là thế, vậy nên xin nói rõ một câu cho độc-giả khỏi mất công suy trắc:

Nhà chánh trị mà muốn cho không lạc vào cái ngộ-điểm đó (người Pháp và người Nam không hiểu nhau) thì chỉ có ba chữ:

THÂN-DÂN-QUYỀN

Trong ba chữ đó, công việc cơ cuộc có phiền phức, bài này chưa có thể giải rõ được, song nói cái đại thì Bảo-hộ đứng về địa-vị Bảo-hộ, Quân chủ thì đứng về phương diện hành chánh có Tòa Nội-các chịu trách nhiệm, mà việc nước thì nhất định phải có Quốc hội, mà Quốc-hội tức do dân bản-xứ tổ chức cho có một cái cơ quan vậy.

M. V.