Bước tới nội dung

Câu chuyện một tối của người tân hôn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Câu chuyện một tối của người tân hôn  (1921) 
của Nguyễn Bá Học

Truyện ngắn này được đăng lần đầu tiên trong Tạp chí Nam Phong số 46 - 1921.

Người bạn tôi ở góa đã sáu bảy năm, tuổi ngót bốn mươi, mới tục lấy một người con gái. Hôm sau lấy tình thân mật, tôi cười mà hỏi: « Đêm qua cái quang cảnh tân hôn[1] thế nào? » — Bạn tôi nét mặt tần ngần, có ý cảm thương, tôi coi lấy làm lạ.

Hồi lâu bạn tôi thở dài mà nói: « Tôi không muốn giấu bác chuyện này. Người tân nhân[2] tôi cũng là con em một nhà tai mắt, về sau sa sút mới phải đi làm thuê trong nhà máy sợi gọi là « con gái nhà máy ». Với nhà tôi từ xưa vốn là nhà thế nghị[3], xa cách nhau đã hơn mười năm lại được sum họp một nhà, bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa, tưởng cái ý vị đoàn viên hôm ấy càng đằm thắm lắm là phải. Sao mà trong lúc đứng ngồi lui tới tân nhân cứ thời thời[4] giấu một tay tả, như có sự gì bí mật, không có thể để cho ai biết mà tiết lộ ra ngoài. Tôi lấy làm nghi, cầm lấy tay mà hỏi. Tân nhân càng hoảng hốt thất thố[5], cứ dựa mình vào vách. Thừa lúc vô ý, tôi kéo tay ra mà xem, thì thấy bàn tay chỉ còn có ba ngón. Tân nhân tinh thần thê thảm, nói thật là máy kẹp phải tay, nhân kể nguyên ủy thậm tường[6], vừa cho đến sáng. Thương ôi, người tân nhân tôi khổ thật, mà thiên hạ trầm luân trong khổ ấy biết là bao nhiêu!

Tôi nghe chuyện càng cảm càng thương, dù có là sự không may riêng của một người, mà cũng là cái dấu thương tâm chung cho đồng loại. Nhân thuật lời tân nhân nói như sau này:

« Than ôi! cái khổ cảnh của thiếp sao nỡ để cho chàng nghe; song thiếp cũng không dám giấu chàng mà không nói. Trong mấy năm nay, trên thờ mẹ già, dưới nuôi cháu mồ côi, một thân thiếp vừa làm con gái, vừa làm con dâu; ngày ngày còn phải đi làm thuê làm mướn để hồ khẩu[7] một ngày, ngày không được ngồi, đêm không được ngủ, dù người sắt cũng phải đau lòng. Hồi tưởng những ngày cha anh tôi còn, đang như cây ngọc đầy sân, hạt châu trên án, nào bao lâu vật đổi sao dời, nay đã thành ra cảnh mộng.

« Sau khi cha tôi đã mất, liền bị mấy lần tàn phá, mẹ tôi đem chúng tôi về ở làng Cổ Sự, là nơi mẫu quán[8]. Anh tôi đi dạy học làng xa, cũng mất ở đó. Chị dâu tôi ở nhà nhân sản nạn[9] mà chết, để lại cho mẹ tôi một chút con thơ; sự bất hạnh trong gia đình tôi đến thế là cực.

« Bấy giờ tôi mới có mười bảy tuổi, mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi, bình thời tinh thần linh mẫu như người ba bốn mươi. Mới hai năm khóc con khóc dâu mà tóc bạc hồ hết, mắt càng lòa, tay càng run như người bảy tám mươi tuổi. Thiếp đã lo gia biến, lại thương mẹ già, cũng muốn chia cay sẻ đắng, lấy chữ cần che chữ chuyết[10] để mẹ con nương náu qua thời. Tiếc thay, từ xưa cha tôi làm quan, không tập cho chúng tôi theo đường thực nghiệp[11], chỉ tưởng những nỗi một người đội ơn vua, cả nhà ăn lộc nước; lấy phấn sức làm thanh cao cho doanh sinh[12] là trục mạt, để cho con em tập thói kiêu xa[13] đem thân biếng nhác, chỉ xu hướng về sự phù hoa không có thể suy ra thực dụng. Đến bây giờ trí vụng tài kém, cơ hàn thiết thân, còn giữ sao cho được phong thể[14].

« Sau tôi đến nhà một bà láng giềng, kể cảnh ngộ cho bà nghe, và xin bà bày tỏ cho tôi một lối đi làm mướn. Bà nói: « Đã lâu nay, trong vùng này, còn có nghề gì là làm ăn được. Từ khi có máy sợi, máy dệt, thì bao nhiêu khung cửi guồng sợi đều gác lên xà nhà; từ khi có máy rượu máy xay, thời khó nhọc nhất là nghề đầm xay nuôi lợn, cũng không làm cho đủ mà ăn được. May thuê vá mướn là nghề của con gái nhà nghèo, mà từ khi có máy khâu, thời còn ai hỏi đến đường kim mũi chỉ nữa. Tội nghiệp thay! Làm thân con gái, gặp buổi nghèo nàn như con ngày nay, trừ một cách bán cái sỉ nhục[15] đi mà kiếm ăn thời không còn phương kế gì là tự cứu được. Nay có một lối là vào làm công trong nhà máy, suốt ngày dùng hết sức, hai tay hai mắt cũng chỉ đủ cung một cái dạ dày. Còn đến điều nguy biến xảy ra nguy hiểm trong việc làm, thực chưa có pháp luật nào bảo hộ bênh vực cho kẻ khổ công cả ».

« Tôi nghe nói lại càng ngao ngán, trong thích lý[16] đã không có cha chú nào tí hộ[17], ngoài xóm làng lại cũng gặp buổi gian nan. Thôi! đã sinh ra làm một đời dân vô cốc[18], còn tránh sao cho khỏi kiếp lầm than; thà chịu một thân mình nắng dãi mưa dầu, còn hơn là ngồi mà trông thấy một nhà đói rét. Tôi xin bà dẫn lối cho tôi vào nhà máy sợi.

« Bà đưa ngay tôi đến một người con gái. Người cai cũng nói cho nghe các chương trình về công việc làm trong nhà máy. Công nhất mỗi ngày là 25 xu, công nhì 20 xu, công ba 17 xu, còn con gái mới vào làm việc chưa quen, công ăn mỗi ngày 14 xu, lâu lâu sẽ lên hạng nhì, hạng nhất. Chỉ giờ làm việc có điều hơi ngặt, mỗi ngày phải làm 15 giờ; từ sáu giờ sáng cho đến 9 giờ tối, trừ cho nửa giờ ăn. Ai đến làm trễ giờ thời phải phạt.

« Nghĩ mà chán thay! thân giá[19] một người khổ công hèn hạ đến thế là cực; cả ngày lao động, tổn phí bao nhiêu là tinh lực, mà một giờ không đáng được một xu. Cũng là việc có ít, người thì nhiều, cho nên người ta thắt buộc người mình, bói rẻ còn hơn là ngồi rỗi. Tưởng những thuở cha anh mình đang đắc ý, cứ tập thói xa xỉ, huy hoắc[20] tiền như đất bùn; nghĩ đâu nông nỗi con em phải đi làm thuê làm mướn cho người ta, cực khổ không bằng thân trâu ngựa. Hôm sau tôi dậy từ lúc 4 giờ sáng, thổi cơm cho mẹ và cháu ăn rồi, 5 giờ tôi từ làng ra đi, vừa đến sáu giờ thì vào làm nhà máy. Việc làm ở máy con (xe cúi thành sợi) cũng việc giản dị, chỉ phải đứng, không được ngồi.

« Các chú đốc công trong nhà máy lại là những người Hoa kiều, các chú ngôn ngữ bất đồng, chỉ nghe những tiếng sì sồ, tiếng roi vọt đánh mắng người ta mà mình đã khiếp. Tính các chú sạch sẽ, thấy người ta ăn mặc rách rưới cũng ghét; tính các chú mạnh mẽ, thấy người ta yếu đuối cũng ghét; hễ một lời không hiểu là chửi mắng theo ngay; hễ một bước sai lầm là roi vọt theo liền. Tội nghiệp thay! cũng là một lòai người, sao nỡ coi nhau như thù nghịch? Cũng vì nhà mình nghèo nên thân mình yếu; vì thân mình yếu cho nên người mình hèn. Ôi! các chú ăn của ta, ở đất ta, sao nỡ ngược đãi người ta. Đối với nhân đạo thời các chú có phụ với lương tâm; song cứ lẽ tự nhiên, thời thực là mình có điều tự thủ[21].

« Cơ cực nữa là cái lúc ăn. Người đem cơm cho con gái cứ phải đứng chực ngoài hàng rào, chờ các chú gọi từng tên như điểm số tù, cho ra nhận lấy cơm, vào ngồi bên chỗ làm mà ăn. Còn hàng quà, hàng nước đi lại đi qua đều phải phạt.

« Từ khi tôi vào làm trong nhà máy, không còn được trông thấy mặt trời. Từ 4 giờ sáng, còi nhà máy gọi lần thứ nhất, tôi trở dậy mà nấu ăn, đến 5 giờ, còi gọi lần thứ hai, tôi bắt đầu ra đi, đến 6 giờ đến nơi vào làm, lại cho đến 9 giờ tối ra về, 10 giờ đến nhà, dọn dẹp cho đến 12 giờ thì đi ngủ.

« Nghe nói các nước văn minh trên thế giới, đều có hạn chế giờ làm giờ nghỉ cho những kẻ khổ công, có đâu ép uổng người ta làm quá sức mình, mất cả đạo dưỡng sinh[22] đến như thế?

« Tính các chú lại hay cợt nhợt, thấy con gái sạch sẽ hay thương yêu, khi ra béo má khi vào nắm tay, con gái nhà máy là cái quà của các chú. Chị nào vô ý chống cự lại thì các chú nói với ông chủ phải đuổi, mất việc làm ngay. Bấy giờ tôi mới hiểu lời bà láng giềng nói « bán cái sỉ nhục đi mà kiếm ăn » là vì thế.

« Một hôm trước ngày phát tiền công, theo lệ, tôi đang lau cái máy chỗ mình làm cho sạch sẽ, thấy một chú nhăn nhở đi lại, tôi đã sợ, đứng nép vào một bên. Bỗng chốc thấy có tay ai mó vào mình tôi, giật mình tôi ngã xô vào cái máy đang chạy. Nghe một tiếng « soẹt » thấy máu ở tay tóe ra, đau buốt lên tận óc, tôi kêu lên một tiếng thời liền ngã ra, không còn biết gì nữa.

« Đang bàng hoàng sợ hãi, thân hình tiều tụy, cứ đi vơ vẩn bên đường không biết đâu là làng, không biết đâu là nhà. Chợt thấy những lũ đông người, kẻ thời đang chen chen chúc chúc trong đám chèo hát, kẻ thời đang cười cười nói nói trong cuộc tỉnh say, tôi lại gần mà trông thời là những người có quen biết với cha anh tôi khi trước cả, là những người trong họ, ngoài làng với chúng tôi cả. Tôi cứ kêu cứ gọi mà không có một người nào ngoảnh lại nhìn tôi. Cũng có người đứng lại mà hỏi, thấy con nhà khốn khổ cũng ra ý ngậm ngùi, rồi có bọn khác lại kéo lại, thời lại xô tôi ngã xuống một bên đường mà đi mất.

« Nhớ ngày nào cha tôi còn sống, với những người này vốn là đồng chí, hay luận bàn những việc tiến hóa cho quốc dân, nào khai trương thương điếm[23], nào là lập công xưởng, nào là chấn hưng thổ hóa[24], nào là bảo thủ lợi quyền; rút cục đến bây giờ để con em nình chết mòn sống tủi dưới những tay chuyên lợi, tay cường quyền, thậm chí điên nguy không ai cứu ai, thân cô[25] cũng không ai nhìn ai, những bọn này chẳng qua là mượn hai chữ « đồng bào » để làm cái mặt nạ xu thời phụ thế. Tôi càng kêu càng khóc, họ càng làm thinh, thành ra một lũ vừa câm vừa điếc ».

« Tôi đương thiêm thiếp, nghe thấy tiếng gọi văng vẳng bên tai, bừng mở mắt, thấy mẹ tôi đang đứng một bên, năn nỉ mà nói: « Mẹ đây, con có biết không, con? Mẹ nghe tin con phải máy kẹp mất tay, người ta đưa con vào nhà thương từ trưa đến nay, mẹ lật đật đến đây, con có biết không, con? » . Tôi mới bàng hoàng tỉnh lại, thấy mình đã mất hẳn hai ngón tay: « Mẹ ôi! mười mấy đồng xu, con đã bán rẻ cái mệnh con, may mà con còn trông thấy mẹ đây, biết bao giờ trả cái tủi nhục này cho được! »

« Tôi phải ở lại nhà thương hai tuần lễ nữa, bình phục rồi lại về nhà, không còn đi làm con gái máy sợi nữa.

« Ngày chàng cho băng nhân[26] lại hỏi chính là ngày mẹ tôi đang phải chứng đau tức kịch lắm. Mẹ tôi cứ bối rối mà nhận lời. Tôi nghe nói thất kinh rụng rời, vì mẹ đang đau, cháu còn dại, chưa biết ỷ thác vào đâu. Nghĩ mình thiếp đã vô đức vô tài, lại mang lấy tiếng tàn tật vào thân, dù trượng phu có đức bao dung, song tự mình cũng lấy làm hổ thẹn lắm. Mẹ tôi gạt nước mắt mà nói: « Mẹ nay đã già, con cũng đã lớn, trước sau sao cũng phải về nhà người ta; dữ kỳ mẹ con tạm luẩn quẩn với nhau mà cùng khốn, sao bằng gửi thân vào nơi có đức để phòng khi hoãn cấp mà dựa nương. Vả mẹ nay bệnh ngày một nặng, biết có nay, nào biết có mai, mong cho con được yên vợ yên chồng thì mẹ nhắm mắt dưới cửu toàn cho đành dạ ». Tôi nghe bấy nhiêu điều, không còn muốn cưỡng lời mẹ tôi nữa. Than ôi! sự mình càng nói càng đau, dẫu người đá cũng sa châu nghìn hàng. Trời đã rạng đông, xin chàng đi nghỉ ».

   




Chú thích

  1. Đêm đầu tiên mới cưới vợ về nhà.
  2. Ở đây có nghĩa là người vợ mới cưới.
  3. Quen biết lâu đời.
  4. Luôn luôn.
  5. Mất thăng bằng, mất bình tĩnh.
  6. Nguyên ủy: nguyên do; Thậm tường: rất rõ.
  7. Kiếm ăn.
  8. Quê mẹ.
  9. Tai nạn trong khi đẻ.
  10. Dốt, vụng về.
  11. Ở đây có nghĩa là làm ăn thực sự.
  12. Kinh doanh để sống.
  13. Kiêu ngạo xa hoa.
  14. Phong cách, thể diện.
  15. Ở đây có nghĩa là biết thẹn, biết nhục.
  16. Xóm làng có bà con mình ở.
  17. Giúp đỡ.
  18. Không biết kêu với ai.
  19. Giá trị của thân mình.
  20. Ở đây có nghĩa là tiêu pha.
  21. Ở đây có nghĩa là tự gây ra cho mình.
  22. Ở đây có nghĩa là bồi dưỡng sinh mạng của mình. Trang tử có bài Dưỡng sinh thiên nói rằng mình yếu đuối chết sớm vì không biết dưỡng thân mình.
  23. Mở cửa hiệu buôn.
  24. Có nghĩa như chữ thổ sản, tức là sản vật địa phương.
  25. Ở chữ thân bằng cố hữu nghĩa là bạn bầu thân thiết.
  26. Người làm mối.