Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh
Các Quốc gia ký kết,
Nhận thấy rằng việc sử dụng các vệ tinh để phân phối các tín hiệu mang chương trình ngày càng tăng nhanh cả về mật độ lẫn tầm bao phủ địa lý;
Lo ngại vì hiện nay vẫn chưa có một hệ thống toàn cầu ngăn chặn các nhà phân phối trước việc phân phối các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh không chủ định dành cho họ, và vì thiếu sót này dường như cản trở sử dụng các truyền thông vệ tinh;
Công nhận, về vấn đề này, sự quan trọng của các lợi ích của tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát sóng;
Tin tưởng rằng một hệ thống quốc tế được thành lập để đặt ra các biện pháp nhằm ngăn chặn các nhà phân phối trước việc phân phối các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh không chủ định dành cho họ;
Ý thức được sự cần thiết không được làm ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào đến các thỏa thuận quốc tế đã có hiệu lực, bao gồm Công ước Viễn thông Quốc tế và các Quy định sóng Ra đi ô được ghi trong phần phụ lục của Công ước, và đặc biệt là không làm phương hại đến việc chấp nhận rộng rãi hơn nữa Công ước Rome ký ngày 26/10/1961 dành sự bảo hộ đối với người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng,
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1
[sửa]Trong Công ước này:
(i) "tín hiệu" là phần tử mang điện tích có khả năng truyền tải chương trình;
(ii) "chương trình" là nội dung của các tư liệu sống hoặc được ghi lại chứa đựng hình ảnh, âm thanh hay cả hai, được ấn định ở dạng tín hiệu được phát ra vì mục đích cuối cùng là phân phối;
(iii) "vệ tinh" là bất kỳ loại phương tiện nào trong khoảng không ngoài trái đất có khả năng truyền các tín hiệu;
(iv) "Tín hiệu đã phát ra " hoặc "tín hiệu đã được phát ra" là bất kỳ tín hiệu mang chương trình nào truyền tới hoặc qua vệ tinh;
(v) "tín hiệu đã mã hóa" là tín hiệu có được bằng việc làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật của tín hiệu phát ra bất kể có hay không có một hoặc nhiều lần ghi xen vào;
(vi) "tổ chức gốc" là thể nhân hoặc pháp nhân quyết định chương trình mà các tín hiệu được phát ra mang theo gồm những gì;
(vii) "nhà phân phối" là thể nhân hoặc pháp nhân quyết định việc truyền các tín hiệu đã mã hóa tới đại công chúng hoặc một bộ phận công chúng sẽ được thực hiện như thế nào;
(viii) "phân phối" là hoạt động của nhà phân phối truyền các tín hiệu đã mã hóa tới hoặc đại công chúng hoặc một bộ phận công chúng;
Điều 2
[sửa](1) Mỗi Quốc gia ký kết cam kết tiến hành các biện pháp thích đáng để ngăn chặn việc phân phối bất kỳ tín hiệu mang chương trình nào trên hoặc từ lãnh thổ nước mình của bất kỳ nhà phân phối nào mà các tín hiệu đã được phát đến hoặc qua vệ tinh là không chủ định dành cho họ. Nghĩa vụ này được áp dụng trong trường hợp tổ chức gốc mang quốc tịch của Quốc gia ký kết khác và đối với tín hiệu được phân phối là tín hiệu đã mã hóa.
(2) Tại bất kỳ Quốc gia ký kết nào mà việc áp dụng các biện pháp nêu tại khoản 1 bị giới hạn về thời gian, thì thời hạn của việc áp dụng đó sẽ được ấn định theo pháp luật quốc gia của Quốc gia đó. Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc được thông báo bằng văn bản về thời hạn đó vào thời điểm phê chuẩn, chấp nhận hay gia nhập, hoặc trong vòng 6 tháng từ khi luật hoặc sự sửa đổi của luật này có hiệu lực, nếu pháp luật nước đó có hiệu lực hoặc được sửa đổi sau đó.
(3) Nghĩa vụ được quy định trong Khoản 1 không áp dụng đối với việc phân phối các tín hiệu đã mã hóa lấy từ các tín hiệu đã được phân phối từ nhà phân phối cho đối tượng mà các tín hiệu đã phát ra này chủ định dành cho họ.
Điều 3
[sửa]Công ước này không áp dụng đối với các tín hiệu đã được phát ra bởi hoặc trên danh nghĩa tổ chức gốc chủ định dành cho việc thu trực tiếp từ vệ tinh của đại chúng.
Điều 4
[sửa]Không một Quốc gia ký kết nào bị buộc phải áp dụng các biện pháp nêu tại Điều 2(1) khi tín hiệu được phân phối trên lãnh thổ nước mình của nhà phân phối mà tín hiệu đã phát ra này không chủ định dành cho họ;
(i) Truyền tải các trích dẫn ngắn của chương trình được truyền bằng tín hiệu đã phát ra, bao gồm các bản tin tức thời sự, nhưng chỉ trong phạm vi đủ đáp ứng mục đích thông tin của các trích dẫn đó; hoặc
(ii) Truyền tải các trích dẫn ngắn của chương trình được truyền bằng tín hiệu đã phát ra, như các đoạn trích, với điều kiện là các đoạn trích này phù hợp với thực tiễn hợp lý đủ để đạt được mục đích thông tin của các đoạn trích đó, hoặc
(iii) Truyền tải một chương trình được truyền bằng tín hiệu đã phát ra này trong trường hợp lãnh thổ nói trên là của một Quốc gia ký kết được coi là một nước đang phát triển theo thực tiễn đã được xác lập của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, với điều kiện là việc phân phối này chỉ nhằm mục đích giảng dạy, kể cả việc giảng dạy trong khuôn khổ giáo dục người lớn, hoặc nghiên cứu khoa học.
Điều 5
[sửa]Không một Quốc gia ký kết nào bị buộc phải áp dụng Công ước này đối với bất kỳ tín hiệu nào đã được phát ra trước khi Công ước này có hiệu lực đối với Quốc gia đó.
Điều 6
[sửa]Không được giải thích Công ước này theo bất kỳ cách nào làm hạn chế hoặc làm phương hại đến sự bảo hộ dành cho cho tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, hoặc các tổ chức phát sóng, theo bất kỳ luật quốc gia hoặc hiệp định quốc tế nào.
Điều 7
[sửa]Không được giải thích Công ước này theo bất cứ cách nào là nó hạn chế quyền của bất kỳ Quốc gia ký kết nào trong việc áp dụng pháp luật quốc gia của mình nhằm ngăn chặn sự lạm dụng độc quyền.
Điều 8
[sửa](1) Theo Khoản (2) và (3), không cho phép bất kỳ bảo lưu nào đối với Công ước này.
(2) Bất kỳ Quốc gia ký kết nào mà vào ngày 21/5/1974 luật pháp quốc gia của mình quy định như dưới đây, có thể thông qua một thông báo bằng văn bản gửi tới Tổng Thứ ký Liên Hiệp quốc tuyên bố rằng vì mục đích của điều này, cụm từ "đối với tổ chức gốc mang quốc tịch của Quốc gia ký kết khác" trong Điều 2(1) sẽ được coi như là đã được thay thế bằng cụm từ "khi tín hiệu được phát ra từ lãnh thổ Quốc gia ký kết khác".
(3)
- (a) Bất kỳ Quốc gia ký kết nào vào ngày 21/5/1974 hạn chế hoặc từ chối bảo hộ đối với việc phân phối các tín hiệu mang chương trình bằng hữu tuyến, cáp, vô tuyến hoặc các kênh truyền thông tương tự khác tới bộ phận công chúng đặt mua, có thể thông qua một thông báo bằng văn bản gửi tới Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc, trong phạm vi và trong chừng mực luật pháp nước mình hạn chế hoặc từ chối bảo hộ đó tuyên bố rằng nước mình sẽ không áp dụng công ước này đối với việc phân phối đó
- (b) Quốc gia đã gửi thông báo để báo cho các Quốc gia nói tại Điều 9 (1) cũng như gửi thông báo theo quy định của Điểm (a) thông báo bằng văn bản cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc về mọi thay đổi trong pháp luật quốc gia của mình mà theo đó không còn áp dụng hoặc hạn chế thêm phạm vi bảo lưu nói tại Điểm (a) kể trên trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi các thay đổi đó có hiệu lực.
Điều 9
[sửa](1) Công ước này được nộp cho Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc. Công ước này sẽ để đến ngày 31/3/1975 cho việc ký kết của bất kỳ Quốc gia nào là thành viên của Liên Hiệp quốc, và các Cơ quan chuyên môn có mối quan hệ với Liên Hiệp quốc, hoặc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, hoặc nước là một bên của Quy chế của Tòa án Quốc tế.
(2) Công ước này phải được sự phê chuẩn hoặc chấp nhận của các Quốc gia ký kết. Công ước này sẽ để ngỏ cho việc gia nhập của bất kỳ Quốc gia nào nêu tại khoản (1).
(3) Các văn kiện phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập được nộp cho Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc.
(4) Được hiểu rằng, vào thời điểm một Quốc gia bị ràng buộc bởi Công ước này thì Quốc gia đó, theo pháp luật quốc gia của mình, phải làm cho các quy định của Công ước này có hiệu lực.
Điều 10
[sửa](1) Công ước này có hiệu lực sau 3 tháng kể từ khi nhận được văn kiện thứ 5 về việc phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập.
(2) Đối với mỗi Quốc gia phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập Công ước này sau thời điểm nhận được văn kiện thứ 5 về việc phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập, Công ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực sau 3 tháng kể từ khi nhận được văn kiện của nước đó.
Điều 11
[sửa](1) Các Quốc gia ký kết có thể rút khỏi Công ước này bằng một thông báo bằng văn bản nộp cho Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc.
(2) Việc rút khỏi Công ước này có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày nhận được thông báo nêu tại khoản (1).
Điều 12
[sửa](1) Công ước này được ký trên đơn bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, 4 văn bản này đều có giá trị ngang nhau.
(2) Các văn bản chính thức sẽ do Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hiệp quốc và Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới soạn bằng tiếng Ả Rập, tiếng Hà Lan, tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha sau khi tham khảo ý kiến các Chính phủ có liên quan.
(3) Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc thông báo cho các nước nêu tại Điều 9(1),cũng như Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hiệp quốc, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổng Thư ký Liên hiệp Truyền thông Quốc tế về:
- (i) Việc ký kết Công ước này;
- (ii) Việc nộp các văn kiện phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập;
- (iii) Ngày có hiệu lực của Công ước này theo Điều 10(1);
- (iv) Việc nộp bất kỳ thông báo nào liên quan đến Điều 2(2), Điều 8(2) hoặc Điều 8(3) cùng với nội dung của thông báo đó;
- (v) Nhận được thông báo rút khỏi Công ước.
(4) Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc gửi 2 bản sao Công ước này đã được chứng thực cho tất cả các Quốc gia nêu tại Điều 9(1).
Tác phẩm này được lấy từ một tài liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc. Chính sách của tổ chức này quy định hầu hết các văn bản đều thuộc phạm vi công cộng nhằm mục đích phổ biến "ngày càng rộng rãi các ý tưởng (nếu có) trong các ấn phẩm của Liên Hiệp Quốc".
Căn cứ vào văn bản Administrative Instruction ST/AI/189/Add.9/Rev.2 của Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Anh, các tác phẩm sau đây thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới:
- Các biên bản chính thức (biên bản hội nghị, biên bản theo đúng nguyên văn và bản tóm tắt, ...)
- Các tài liệu của Liên Hiệp Quốc có kèm theo biểu tượng Liên Hiệp Quốc
- Các tư liệu thông tin công cộng được thiết kế chủ yếu nhằm thông tin cho công chúng về hoạt động của Liên Hiệp Quốc (không bao gồm các tư liệu thông tin công cộng được dùng để bán).