Bước tới nội dung

Biên dịch:Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
(Đổi hướng từ Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh)
Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh  (1744) 
của John Wesley, do Wikisource dịch từ tiếng Anh


John Wesley giảng luận tại St Mary’s, Oxford, trước viện đại học ngày 24 tháng 8 năm 1744.


Bấy giờ, hễ ai nghe tiếng kèn mà không chịu nghe lời cảnh báo, và nếu gươm đến bắt lấy nó, thì máu của nó sẽ đổ lại trên đầu nó. - Ezekiel 33: 4

Ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh. – Công vụ các Sứ đồ 4: 31



1. Chương 2 của sách Công vụ các Sứ đồ chép rằng, “Đến ngày Lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ” (các sứ đồ, các phụ nữ, mẹ của Chúa, và anh em Ngài). “Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Chúa Thánh Linh. Họ khởi sự nói các thứ tiếng;” những người Parthian, Mede, Elamite và các khách lạ khác tụ tập lại khi “nghe tiếng ấy vang ra, ai nấy đều sửng sờ vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình.”[1]

2. Chương 4 của sách Công vụ thuật lại rằng đang khi các môn đồ cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa, thì “nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều đầy dẫy Chúa Thánh Linh.” Ở đây chúng ta không thấy sự xuất hiện của lưỡi lửa như đã ký thuật trong chương 2, cũng không có sự ban cho từ Chúa Thánh Linh các ân tứ đặc biệt như “chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân biệt các thần, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, và thông giải các thứ tiếng ấy.”[2]

3. Các ân tứ này của Chúa Thánh Linh có được ban cho và duy trì trong hội thánh trải qua mọi thời đại hay không, và những ân tứ này sẽ được phục hồi khi sắp đến “kỳ muôn vật đổi mới” vẫn còn là những tra vấn mà chúng ta chưa cần phải giải đáp. Song điều chúng ta cần biết là, ngay trong thời kỳ sơ khai của hội thánh, Thiên Chúa đã phân chia các nhiệm vụ khác nhau. “Có phải cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao? Cả thảy đều được ơn chữa bệnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao?”[3] Không, không hề như vậy. Có lẽ trong ngàn người không có một. Song, có một sự ban cho lớn hơn, ấy là “mọi người đều đầy dẫy Chúa Thánh Linh.”

4. Tuy nhiên, điều chúng ta cần biết (không ai có thể phủ nhận được đây là yếu tố căn cốt cho tất cả tín hữu Cơ Đốc trong mọi thời đại), ấy là trong Chúa Cơ Đốc, những trái của Thánh Linh – ai không có những trái ấy nghĩa là không thuộc về Ngài – được đầy trọn trong họ với “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ,”[4] để họ mặc lấy đức tin (hoặc sự trung tín), nhu mì và tiết độ, để họ có thể đóng đinh xác thịt mình cùng cả tư dục và dâm dục, hầu có thể trải nghiệm sự thay đổi từ bên trong, và thể hiện sự công chính ấy ở bên ngoài. Như thế, họ “có đồng một tâm tình như Chúa Cơ Đốc đã có,” trong “công việc của đức tin, sự bền đỗ về sự trông cậy, công lao của tình yêu thương”.[5]

5. Chúng ta không cần phải bận tâm, hoặc vì tò mò, mà xem xét những ân tứ đặc biệt của Thánh Linh, nhưng hãy tìm hiểu kỹ hơn về những trái bình thường này của Ngài, là những yêu cầu bức thiết trải qua mọi thời đại – là công việc vĩ đại của Thiên Chúa thể hiện trong con cái loài người, mà vẫn thường được trình bày bởi từ này, “Cơ Đốc giáo”, không chỉ là những quan điểm, hoặc hệ thống thần học, nhưng là lòng người và cuộc sống của họ. Sẽ là hữu ích nếu chúng ta xem xét Cơ Đốc giáo trải qua ba giai đoạn:

I. Hình thành trong lòng các cá nhân.
II. Lan truyền đến những người khác.
III. Bao phủ khắp đất.

I.

[sửa]

1. Trước tiên, chúng ta xem Cơ Đốc giáo ngay từ lúc khởi đầu, hình thành trong các cá nhân

Giả sử khi ấy có một người lắng nghe Sứ đồ Peter (Phê-rô hoặc Phi-e-rơ) rao giảng về sự ăn năn và tha thứ tội lỗi, lòng bị cáo trách, nhận biết tội lỗi mình mà hối cải, và tin nhận Chúa Giê-xu. Do đức tin vận hành bởi Thiên Chúa, đây là yếu tố căn cốt, cho niềm hi vọng của chúng ta,[6] là chứng cứ hiển hiện của những điều mắt thường không thấy được, ngay lập tức người ấy nhận thức danh phận nghĩa tử của mình, tiếp nhận Linh của Thiên Chúa, nhận lãnh sự ấn chứng của Ngài mà dạn dĩ gọi Thiên Chúa là Cha, “Abba, Cha!”[7] Nay thì, bởi sự vận hành của Chúa Thánh Linh, người ấy có thể gọi Giê-xu là Chúa,[8] Thánh Linh mang lời chứng trong tâm linh người ấy, xác chứng rằng người ấy là con cái của Thiên Chúa.[9] Lúc này, người ấy có thể khẳng quyết, “Mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa Cơ Đốc sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Thiên Chúa, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.”[10]

2. Đây là yếu tố nền tảng cho đức tin, một chứng cứ thiên thượng (elegchos) về tình yêu của Chúa Cha, qua Con của Ngài, đến với tội nhân, nay đã được chấp nhận là người yêu dấu của Chúa. Bấy giờ người ấy được “xưng công chính bởi đức tin, thì được phục hòa với Thiên Chúa.”[11] Vâng, “sự bình an của Thiên Chúa cai trị lòng người ấy," sự bình an vượt quá mọi sự suy tưởng và hiểu biết, giữ lòng và tâm trí người ấy khỏi hoài nghi và sợ hãi, qua sự hiểu biết về Đấng người ấy tin, người ấy cũng không sợ hung tin vì lòng đã vững vàng tin cậy Chúa. Người ấy sẽ không sợ những tác hại đến từ con người vì biết rằng từng sợi tóc trên đầu minh Chúa đã đếm rồi, cũng không sợ quyền lực bóng tối vì biết rằng Thiên Chúa đã giày đạp sức mạnh của Satan dưới chân Ngài. Song, người ấy khao khát “muốn đi ở với Chúa Cơ Đốc là điều rất tốt hơn."[12] Chúa Cơ Đốc là Đấng “bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỷ, lại giải thoát cho mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.”[13]

3. Do đó, linh hồn người ấy chúc tụng Chúa, và tâm linh vui thỏa trong Thiên Chúa là Cứu Chúa của mình. “Người ấy thỏa nguyện trong Ngài với niềm vui không kể xiết, ”là Đấng hòa giải người ấy với Thiên Chúa là Chúa Cha. “Ấy là trong Ngài, người ấy được cứu chuộc bởi huyết Ngài, và được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.”[14] Người ấy vui mừng vì lời chứng của Linh Thiên Chúa trong tâm linh rằng người ấy là con cái của Thiên Chúa, càng thêm dư dật trong niềm hi vọng về sự vinh hiển của Thiên Chúa, linh hồn người ấy được làm mới lại trong sự công chính và thánh khiết thật, trong niềm hi vọng về mão triều thiên vinh hiển, là “cơ nghiệp không hư hao, không ô uế, không suy tàn.”

4. “Tình yêu của Thiên Chúa rải khắp trong lòng người ấy bởi Chúa Thánh Linh đã được ban cho người ấy.”[15] “Lại vì người ấy là con, nên Thiên Chúa đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng người ấy, kêu rằng: A-ba! Cha!”[16] Tình phụ tử của Thiên Chúa liên tục gia tăng bởi lời chứng trong lòng người ấy[17] về sự tha thứ tội lỗi bằng cách “xem Chúa Cha đã tỏ cho người ấy sự yêu thương dường nào, mà cho người ấy được xưng là con cái Thiên Chúa; và thật là con cái Ngài,”[18] Đến nỗi Thiên Chúa đã trở nên niềm khao khát của mắt, niềm vui thỏa của lòng, và là cơ nghiệp của người ấy trong đời này và trong cõi vĩnh hằng.

5. Không chỉ yêu Thiên Chúa, người ấy còn yêu anh em mình; không chỉ “bằng lời nói, mà bằng hành động trong sự chân thật.” Người ấy nhận thấy, “Nếu Thiên Chúa đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau.”[19] Vâng, yêu thương mọi linh hồn, giống như “sự từ bi của Thiên Chúa giáng đổ trên mọi vật Ngài làm nên.”[20] Như thế, tình cảm của người yêu kính Thiên Chúa bao trùm trên cả nhân loại vì cớ danh Ngài; cả những người chưa từng thấy mặt, chỉ biết rằng họ là tạo vật do tay Chúa dựng nên, và Con Ngài đã chết để cứu rỗi linh hồn của họ; không loại trừ những kẻ gian ác và vô ơn, ngay cả kẻ thù của người ấy, là những người từng căm ghét, bức hại, hoặc khinh miệt người ấy vì cớ Chúa. Những người này được dành một chỗ đặc biệt trong lòng và trong sự cầu nguyện của người ấy. Người ấy yêu thương họ giống như Chúa Cơ Đốc yêu họ vậy.

6. “Tình yêu thương chẳng lên mình kiêu ngạo.”[21] Mọi linh hồn chịu chế ngự bởi tình yêu thương đều hạ mình xuống bụi đất. Người ấy không tìm kíếm sự tán dương của con người, nhưng chỉ chăm tìm sự vinh hiển đến từ Thiên Chúa. Người ấy nhu mì, nhẫn nại, hòa nhã với mọi người, và không đòi hỏi. Sự trung tín và chân thật không bao giờ rời khỏi người: chúng được “buộc vào cổ và ghi khắc trong lòng.” “Thế gian đối với người ấy đã bị đóng đinh, và người ấy đối với thế gian cũng vậy,” nhờ đó mà thắng hơn “sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời.” Bởi tình yêu của Đấng Toàn Năng mà người ấy được cứu khỏi dục vọng và kiêu hãnh; khỏi lòng dâm dục và tính phù hoa, khỏi cuồng vọng và tham lam; khỏi mọi tâm tính không thuộc về Chúa Cơ Đốc.

7. Cũng không khó khăn gì để chúng ta có thể nhận ra rằng người ấy không hề có ý xấu nào đối với người lân cận. Người ấy không thể, có ý thức và có định ý, gây tổn hại cho bất kỳ ai. Tấm lòng người ấy hoàn toàn xa lạ với ác tưởng, sự thô bạo, và tính hiểm độc, với sự bất công và với mọi hành vi bất chính. Trong sự cẩn trọng này, người ấy “giữ miệng mình và canh cửa môi mình,” kẻo xúc phạm người khác trong lời nói, làm sai lệch lẽ phải, hoặc đi ngược với từ tâm hoặc chân lý. Người tránh xa mọi điều dối gian, giả trá, và lừa đảo; cũng không một lời xảo quyệt nào ra từ miệng người, cũng không hề nói xấu ai, càng không có những lời hiểm độc.

8. Người ấy nhận thức sâu sắc về lẽ thật trong câu nói này của Chúa chúng ta, “Ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được,” do đó luôn cảm thấy cần phải được nối kết với nguồn sự sống là Thiên Chúa, thường xuyên tham dự các thánh lễ để tiếp nhận ân điển, dọn mình để nhận lãnh bánh nuôi sống linh hồn khi thông công với thân thể của Chúa Cơ Đốc, và trong sự cầu nguyện cùng chúc tụng được dâng lên giữa hội chúng. Như thế, người ấy lớn lên trong ân điển, tăng trưởng trong sức mạnh thuộc linh, và càng thêm hiểu biết về tình yêu của Thiên Chúa.

9. Song, người ấy cũng biết rằng chỉ tránh khỏi tội lỗi là không đủ. Linh hồn người ấy khao khát các việc lành. Trái tim người ấy luôn nhắc nhở lời này của Chúa Giê-xu, “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta cũng làm việc như vậy.” Chúa chúng ta đã đi ra làm việc lành, cớ gì chúng ta không tiếp bước Ngài? Người ấy nắm bắt mọi cơ hội có được để đem thức ăn cho người đói, áo quần cho người rách rưới, giúp đỡ kẻ mồ côi và khách lỡ đường, thăm viếng người bệnh hoặc người đang bị giam cầm, và lấy của cải mình mà giúp người nghèo. Với lòng nhẫn nại, người ấy vui thỏa trong nỗ lực giúp đỡ người khác theo như lời Chúa dạy, “Hễ các ngươi làm việc đó cho một người trong những anh em ta, dầu là kẻ nhỏ hơn hết, tức là làm cho chính ta vậy.”[22]

10. Ấy chính là sự khởi đầu của Cơ Đốc giáo. Ấy là hình ảnh một tín hữu Cơ Đốc tiêu biểu trong thời kỳ hội thánh tiên khởi. Chính những người này khi nghe lời hăm dọa của các thầy thượng tế và trưởng lão dân Do Thái, thì “đồng lòng hiệp ý cất tiếng kêu cầu Thiên Chúa, ai nấy đều được đầy dẫy Chúa Thánh Linh, đông đảo tín hữu đều một lòng một ý.” Như thế, tình yêu của Đấng họ tôn thờ đã thúc đẩy họ yêu thương lẫn nhau đến nỗi “chẳng ai kể vật gì của mình là của riêng, nhưng mọi vật đều dùng chung cả.” Họ thực sự “chịu đóng đinh đối với thế gian, và thế gian đã bị đóng đinh đối với họ! “Và họ cứ bền lòng trong sự dạy dỗ của các sứ đồ, sự tương giao, sự bẻ bánh và sự cầu nguyện.”[23] “Hết thảy đều được ơn lớn. Trong họ cũng không ai thiếu thốn cả, bởi hễ có ai có ruộng hay nhà đều bán đi, đem tiền đặt dưới chân các sứ đồ, rồi tùy sự cần dùng của mỗi người mà phân phát cho.”[24]


II.

[sửa]

1. Nay chúng ta sang một thời kỳ khác của Cơ Đốc giáo, phúc âm lan tỏa từ người này sang người khác, dần dà tiến vào thế giới theo như ý chỉ của Thiên Chúa, “Không ai thắp đèn mà để dưới cái đấu, nhưng để trên giá đèn, thì nó soi sáng cho mọi người trong nhà.” Và lời dạy của Chúa cho các môn đồ đầu tiên, “Các ngươi là muối của đất,” và là “sự sáng của thế gian;” cùng lúc là mạng lịnh Ngài ban cho họ, “Sự sáng các ngươi hãy soi ra trước mặt người ta, để họ thấy việc lành của các ngươi mà tôn vinh Cha các ngươi ở trên trời.”[25]

2. Thật vậy, hãy ngẫm xem, những con người hết lòng yêu thương nhân loại này khi nhìn thấy “cả thế gian đang phục dưới quyền ma quỉ” thì làm sao mà không quan ngại về tình trạng của những người Chúa của họ đã chết thay cho? Làm sao mà lòng họ không thương cảm, tim họ không tan nát vì cớ những người này? Làm sao họ có thể dửng dưng không chịu làm gì để cứu những người họ yêu thương? Vâng, họ sẵn lòng làm việc cật lực, tận dụng mọi phương tiện để cứu những người đang trong tình trạng hiểm nghèo, để đem “những con chiên lạc trở về cùng Đấng Chăn chiên nhân lành và Giám mục của linh hồn họ.”[26]

3. Tín hữu Cơ Đốc thời kỳ tiên khởi đã sống như thế. Họ làm việc, tận dụng mọi cơ hội để “làm việc thiện cho mọi người”,[27] cảnh báo họ cần phải tránh khỏi cơn thịnh nộ sắp đến; và ngay bây giờ, cần phải thoát khỏi sự đoán phạt dành cho hỏa ngục. Họ rao giảng rằng, “Thiên Chúa đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay truyền cho hết thảy các người trong mọi nơi phải ăn năn.”[28] Họ kêu gọi mọi người hãy trở lại và từ bỏ đường tà hầu cho “sự gian ác không trở nên cớ hư nát cho các người.”[29] Họ trình bày về sự công chính và sự tiết độ - những đức hạnh đối nghịch với các loại hình tội ác tràn lan khắp xã hội đương thời – và về “sự phán xét ngày sau.” – cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chắc chắn sẽ giáng đổ trên kẻ làm ác trong ngày Ngài phán xét thế gian.[30]

4. Họ tìm đến tiếp xúc với từng cá nhân, tùy theo nhu cầu của mỗi người. Đối với người vô tâm đang ở trong tối tăm dưới bóng sự chết, họ kêu to, “Hỡi người đương ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Chúa Cơ Đốc sẽ chiếu sáng ngươi.” Nhưng đối với ai đã được đánh thức khỏi giấc ngủ mê, đang than khóc vì cảm nhận được sự khủng khiếp của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, họ sẽ khuyên bảo, “Chúng ta có một Đấng Biện hộ ở nơi Cha, là Chúa Giê-xu Cơ Đốc, đấng công chính.” Trong khi đó, đối với người đã có đức tin, họ khuyến khích người ấy học biết yêu thương và làm việc thiện; kiên định trong lẽ phải; và ngày càng tăng trưởng trong đời sống thánh khiết, “vì nếu không nên thánh thì không ai được thấy Chúa.”[31]

5. Họ đã không lao khổ luống công trước mắt Chúa. Lời của Ngài được rao giảng, tôn vinh, phát triển mạnh mẽ và thắng hơn. Song, cũng có không ít chống đối. Nhìn chung, thế gian cảm thấy bị xúc phạm “bởi vì họ làm chứng rằng công việc của thế gian là gian ác.”[32] Những người ham mê lạc thú cũng bị xúc phạm, không chỉ vì đó là bản chất của họ mà còn vì ý tưởng của họ bị quở trách, nhiều người đồng hội đồng thuyền với họ cũng tách ra, không còn dự phần vào sự dâm dật phóng đãng như trước. Những người có tiếng tăm cũng bị xúc phạm, bởi vì khi phúc âm được rao giảng thì sự tôn trọng dành cho họ bị giảm sút; họ không còn được người khác tôn vinh với các danh hiệu cao quý, cũng không được dành cho sự tôn sùng xứng hiệp với chỉ một mình Thiên Chúa. Còn giới doanh nghiệp thì bàn luận với nhau, “Các bạn ơi, các bạn biết chúng ta nhờ nghề này mà phát tài, nhưng như các bạn đã thấy và nghe những người này đã khuyên dỗ và làm trở lòng nhiều người, khiến cho nghề nghiệp chúng ta bị gièm chê.”[33] Nghiêm trọng hơn hết là giới lãnh đạo tôn giáo, là những người chỉ theo tôn giáo của nghi thức, “những vị thánh của thế gian”, bị xúc phạm. Họ tận dụng mọi cơ hội để lớn tiếng kêu gọi, “Hỡi người Israel, hãy đến giúp! Chúng tôi đã gặp những người này, như là đồ ôn dịch, đã gây loạn trên khắp thế giới.”[34] “Những người này giảng dạy khắp thiên hạ, nghịch cùng dân, nghịch cùng chốn này nữa.[35]

6. Và như vậy, bầu trời trở nên tối sầm và đen kịt vì những đám mây giông, rồi bão tố kéo đến. Cơ Đốc giáo càng phát triển càng có nhiều người giận dữ khi nhìn thấy “những người này làm đảo lộn thiên hạ,”[36] họ kêu gào, “Chúng phải bị đuổi đi khỏi giữa loài người; chúng không đáng sống,” vâng, khi làm vậy họ thực sự tin rằng mình đang phụng sự Thiên Chúa.

7. Song, những trụ cột của địa ngục bị rúng động, và vương quốc của Thiên Chúa càng phát triển. Tội nhân ở khắp mọi nơi “xây khỏi tối tăm mà hướng về sự sáng, khỏi quyền bính của Satan mà hướng về Thiên Chúa.” Chúa ban cho con dân Ngài, “sự khôn ngoan qua lời nói mà kẻ chống đối họ không bắt bẻ được,” và đời sống của họ cũng mạnh mẽ như lời chứng của họ.

8. Như thế, Cơ Đốc giáo phát triển trên khắp đất. Ngay lập tức, cỏ lùng xen kẽ với lúa mì,[37] và Satan thiết lập chỗ đứng của mình ngay trong đền thờ của Chúa,[38] cho đến khi “người đàn bà trốn vào đồng vắng”[39] và “người thành tín biến mất khỏi giữa con loài người.”[40] Đến đây, chúng ta đang trở lại con đường mòn: sự bại hoại miên viễn của các thế hệ kế tiếp nhau như nhiều lần được vạch rõ bởi các chứng nhân được Thiên Chúa dấy lên, hầu cho mọi người thấy rằng Chúa đã “lập hội thánh Ngài trên vầng đá này, cửa âm phủ chẳng [hoàn toàn] thắng được hội thánh.”[41]

III.

[sửa]

1. Chúng ta sẽ còn có thể chứng kiến điều gì kỳ diệu hơn nữa sao? Vâng, còn kỳ diệu hơn bất kỳ điều gì kể từ buổi sáng thế. Có thể nào Satan khiến chân lý của Thiên Chúa bị thất bại, hoặc lời hứa của Ngài trở nên vô hiệu? Nếu không phải thế thì khi kỳ hạn đến Cơ Đốc giáo sẽ toàn thắng và bao phủ khắp đất. Hãy lặng yên trong giây lát, và ngắm xem điều kỳ diệu này, một Thế giới Cơ Đốc. Các tiên tri thời xưa đã tìm tòi tra xét kỹ càng điều này:[42] Linh của Thiên Chúa là đấng ngự trong họ đã xác chứng: “Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Chúa sẽ được vững lập trên đỉnh các núi, cao hơn các ngọn đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó, và nhiều dân tộc sẽ đến. Bấy giờ, họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước này chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập tành chiến tranh.”[43] “Trong ngày đó, Rễ của Y-sai sẽ đứng lên làm cờ cho muôn dân, các nước đều tìm đến Ngài, nơi an nghỉ của Ngài sẽ được vinh hiển. Trong ngày đó, Chúa còn đặt tay một lần nữa đặng chuộc dân sót của Ngài. Chúa sẽ dựng một ngọn cờ cho các nước, nhóm những người Israel bị đuổi, thâu những người Judah lưu lạc, từ bốn góc đất.”[44] “Bấy giờ muông sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa trẻ sẽ dắt chúng đi. Chúng chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh ta. Vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết về Chúa, như các dòng nước che lấp biển.”[45]

2. Tương tự như thế là lời của Sứ đồ Phao-lô chứng thực rằng điều này chưa hề được ứng nghiệm, “Thiên Chúa há đã xua bỏ dân Ngài chăng? Đời nào có vậy! Nhân sự quá phạm của họ mà sự cứu rỗi đã đến dân ngoại bang. Sự thiếu kém của họ là sự giàu có của dân ngoại, thì huống chi là sự đầy đủ của họ? Anh em ơi, tôi chẳng muốn anh em không biết sự mầu nhiệm này, ấy là sự cứng cỏi đã xen vào dân Israel đôi phần cho đến chừng nào số dân ngoại bang được đầy đủ, rồi thì cả dân Israel sẽ được cứu.”[46]

3. Giả sử khi kỳ hạn được trọn, và lời tiên tri được ứng nghiệm. Điều gì sẽ xảy ra? Mọi người sống trong an bình, “yên tĩnh và an ổn mãi mãi”. Sẽ không có tiếng náo động của binh khí, không có sự ồn ào hỗn loạn, cũng không có “áo xống vấy máu.” Sự tàn diệt đã chấm dứt, và chiến tranh không còn trên đất. Không còn cảnh nồi da xáo thịt; anh em ruột thịt không chống nghịch nhau, không đất nước nào bị chia cắt và giết hại lẫn nhau. Xã hội an bình vĩnh viễn, và chẳng còn ai muốn làm hại người láng giềng mình. Chẳng còn ai muốn bóc lột người khác và “dày vò mặt kẻ nghèo khó,” cũng không còn cướp bóc, trấn lột hay áp chế, bởi vì mọi người thỏa lòng với những gì mình có. Như thế, “sự công chính và sự bình an đã hôn nhau,”[47] chúng đâm rễ và tràn khắp mặt đất; sự công chính sẽ trổ hoa, và hòa bình nhìn xuống từ trên cao.

4. Cùng với công lý là lòng thương xót. Trái đất không còn đầy dẫy sự bạo tàn. Chúa hủy diệt người khát máu lẫn kẻ hiểm độc, người ganh tị lẫn kẻ hiềm thù. Không còn lời khích bác, cũng chẳng có ai muốn lấy ác trả ác; thật vậy, chẳng còn ai làm ác, dẫu một người cũng không, vì mọi người hiền lành như chim bồ câu. Mọi người sống trong hòa bình, vui thỏa và đức tin, hiệp một với nhau trong một thân thể, trong một Linh, vì mọi người đều là anh em, cùng một tấm lòng, cùng một linh hồn. Chẳng ai xem điều mình có là của riêng. Không còn ai thiếu thốn, bởi vì mọi người yêu thương người lân cận như chính mình. Và mọi người đều tuân giữ lời dạy này, “Hễ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ.”[48]

5. Như thế, không ai có thể nghe những lời xấu xa, không đấu khẩu, không tranh chấp, không gièm pha, nhưng ai nấy nói lời khôn ngoan và nhân ái. Họ đã đánh mất khả năng làm điều dối trá hoặc giả hình. Tình yêu thương của họ là hoàn toàn chân thật: lời nói bộc lộ tấm lòng, cởi mở với mọi người. Mọi người có thể nhìn thấu suốt lòng nhau, và tìm thấy tình yêu của Thiên Chúa trong đó.

6. Khi ấy, Chúa Toàn năng tể trị, “bắt phục muôn vật”, khiến lòng mọi người tràn ngập tình yêu thương, và môi miếng mọi người đầy lời chúc tụng. “Phước cho dân nào được quanh cảnh như vậy! Phước cho dân nào có Chúa làm Thiên Chúa mình!”[49] “Hãy dấy lên và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh quang của Chúa đã mọc lên trên ngươi.”[50] “Ngươi sẽ biết ta, Đức Giê-hô-va, là Đấng Giải cứu ngươi, Đấng Chuộc ngươi, và là Đấng Toàn năng của Jacob. Ta sẽ khiến sự bình an làm quan cai trị ngươi, và sự công bình làm quan xử đoán ngươi. Trong xứ ngươi chẳng còn nghe nói về bạo loạn nữa, trong bờ cõi ngươi sẽ không còn sự hoang vu và phá hủy nữa; nhưng ngươi sẽ gọi tường mình là “Cứu rỗi”, cổng nhà mình là “Ngợi khen”.[51] “Còn dân ngươi hết thảy sẽ là công bình. Họ sẽ hưởng xứ này đời đời, ấy là nhánh ta đã trồng, việc tay ta làm, để ta được vinh hiển.”[52] “Ngươi sẽ chẳng nhờ mặt trời soi sáng ban ngày nữa, và cũng chẳng còn nhờ mặt trăng chiếu sáng ban đêm; nhưng Chúa sẽ làm sự sáng đời đời cho ngươi, Thiên Chúa ngươi sẽ làm vinh quang cho ngươi.”[53]


IV.

[sửa]

Chúng ta vừa tóm tắt tiến trình phát triển của Cơ Đốc giáo, từ lúc khởi đầu, lan tỏa, rồi bao phủ khắp đất, duy chỉ còn một điều tôi muốn trình bày để kết thúc bài giảng luận này, ấy là phần ứng dụng trong thực tiễn.

1. Thứ nhất, chúng ta cần biết hình mẫu Cơ Đốc giáo này có thực sự hiện hữu trên đất? Ở đâu? Xứ sở nào, cư dân nào đã được đầy dẫy Thánh Linh như thế? – đến nỗi mọi người đều đồng một lòng, một linh hồn? Không ai chịu đựng nỗi khi thấy anh em mình thiếu thốn nhưng sẵn lòng giúp đỡ để tất cả được sống đầy đủ; tấm lòng mọi người tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa, và yêu người lân cận như chính mình; mọi người đều đầy lòng thương xót, khiêm nhường, dịu dàng và nhẫn nại? Không ai muốn làm tổn thương người khác, bằng lời nói hoặc việc làm; không ai bẻ cong công lý, thiếu sự khoan dung, hoặc căm ghét sự thật; nhưng đối xử với người khác như chính mình? Tìm đâu ra một xứ sở Cơ Đốc như thế, một đất nước phù hợp với những phẩm chất miêu tả ở trên? Vậy thì, chúng ta bị buộc phải thú nhận rằng chưa hề nhìn thấy một xứ sở Cơ Đốc như thế từng hiện hữu trên mặt đất.

2. Tôi nài xin anh em, trong ơn thương xót của Thiên Chúa, ngay cả nếu anh em xem tôi là người ngu dại hoặc kẻ hoang tưởng thì xin hãy nhẫn nại với tôi. Rất cần cho chúng ta lắng nghe những lời chân thật, còn cấp bách hơn nữa vào thời điểm này; ai biết được đây là thời kỳ sau cùng, rồi Đấng Phán xét tuyên cáo, “Ta không còn muốn nghe lời nài xin cho dân này nữa”, và “dẫu Noah, Daniel, và Job ở đây, họ cũng chỉ cứu được linh hồn mình mà thôi.”[54] Vậy thì, ai là người sẽ nói ra điều này nếu tôi im lặng. Do đó mà tôi lên tiếng. Tôi nài xin anh em, trong danh của Đấng Hằng sống, là đấng không hề làm cứng lòng anh em đến nỗi khước từ phước hạnh này. Chớ nói trong lòng rằng, “Dù lý lẽ của ông là đúng cũng đừng hòng thuyết phục được tôi”, hoặc là “tôi thà bị hư mất trong huyết mình, còn hơn được cứu bởi người này!”

3. Hỡi anh em, tôi chỉ mong muốn điều tốt lành hơn cho anh em, hãy cho phép tôi hỏi anh em, trong tình yêu thương, bởi lòng khiêm nhường, Thành phố này có phải là thành phố Cơ Đốc? Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh có hiện hữu ở đây? Chúng ta, như là một cộng đồng dân cư, mỗi người đều “đầy dẫy Thánh Linh”, nhờ đó mà vui thỏa trong lòng, và thể hiện trong cuộc sống những trái của Thánh Linh? Có phải tất cả quan chức, lãnh đạo các trường đại học, các hội đoàn (chưa nói đến dân chúng trong thành phố), đều đồng một lòng và một linh hồn? Tình yêu của Thiên Chúa đang tràn lấp lòng mỗi người? Tâm tính chúng ta có giống như Ngài? và đời sống chúng ta có phù hợp với giáo huấn của Ngài? Có phải chúng ta “thánh khiết trong mọi cách ăn ở mình như Đấng gọi chúng ta là thánh?”[55]

4. Tôi xin anh em hãy suy xét kỹ càng, chẳng có điều gì kín giấu ở đây, cũng không có gì đáng nghi ngờ. Nhưng đây là yếu tố nền tảng của Cơ Đốc giáo. Xin hãy tra vấn lương tâm mình dưới ánh sáng của Lời Chúa, nếu ai không bị cáo trách trong lòng, xin hãy tiếp tục.

5. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng mà mỗi người chúng ta đều phải ứng hầu, tôi nài xin anh em là những người đang có trọng trách, hãy xét mình xem đã được đầy dẫy Thánh Linh chưa? Người khác có thể nhìn thấy Chúa Giê-xu qua anh em? “Ta đã phán, Các ngươi là thần,”[56] anh em là quan quyền cai trị dân. Trong một mức độ, anh em cần tỏ cho mọi người thấy “Chúa là Đấng Tể trị”. Ý tưởng, tâm tính và ước nguyện của anh em có phù hợp với ơn gọi cao quý ấy? Mọi việc làm của anh em đều thể hiện phẩm cách và tình yêu thương? – tính cách này chỉ có thể đến từ tấm lòng tràn ngập hình ảnh của Thiên Chúa với nhận thức sâu sắc về sự thấp hèn và phù du của đời người, vì “loài người chỉ như loài sâu, con cái loài người giống như giòi bọ?”[57]

6. Anh em là những người đáng kính được ơn gọi làm nhiệm vụ định hình nhân cách giới trẻ, trục xuất bóng tối của sự ngu dốt và sai lầm, dạy dỗ họ sự khôn ngoan để nhận lãnh ơn cứu rỗi, anh em có đầy dẫy Thánh Linh chưa? Anh em có những trái của Thánh Linh là điều hết sức cần thiết cho chức trách của anh em? Lòng anh em có tràn ngập tình yêu Thiên Chúa và khao khát thiết lập vương quốc của Ngài trên đất? Anh em có luôn nhắc nhở những người trẻ tuổi ấy rằng mục tiêu thuần lý của mọi nỗ lực học tập là hiểu biết, yêu thương và phụng sự “Thiên Chúa có một và thật, cùng Chúa Giê-xu là Đấng Cha đã sai đến?” Anh em có cố ghi khắc vào tâm trí họ rằng, “tình yêu thương sẽ chẳng hư mất bao giờ” (dù “sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ”); rằng “nếu không có tình yêu thương” thì học thức cũng chỉ là sự ngu dốt tráng lệ, sự xuẩn ngốc hoa mỹ, và chỉ làm quấy nhiễu tâm linh mà thôi? Cho phép tôi hỏi thêm một điều, anh em có toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ, có tận lực trong mọi công việc, có tận dụng khả năng Chúa ban cho?

7. Nhiều người trong số chúng ta hiến dâng đời mình cho Chúa, nhận lãnh ơn gọi cho thánh chức. Vậy thì, anh em có “làm gương cho tín đồ trong lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự trong sạch?”[58] Có phải lời này đã được ghi trên trán và khắc sâu trong lòng anh em, “Thánh cho Đức Giê-hô-va?” Điều gì thúc đẩy anh em tìm kiếm chức thánh? Có phải vì anh em toàn tâm toàn ý muốn “phụng sự Thiên Chúa, xác quyết rằng Chúa Thánh Linh đã cảm động lòng anh em để đảm nhận chức trách, tôn vinh danh Chúa, và gây dựng dân Ngài?” Anh em có quyết tâm, bởi ân điển của Thiên Chúa, hoàn toàn biệt riêng mình cho thánh chức? Anh em có từ bỏ, và gạt bỏ mọi sự dối giả, và mọi lo toan cho đời này để chuyên tâm nghiên cứu Lời Chúa? Anh em đã từng được Chúa dạy dỗ để có thể dạy người khác? Anh em đã nhận biết Thiên Chúa chưa? Đã nhận biết Chúa Giê-xu Cơ Đốc chưa? Thiên Chúa đã bày tỏ Con Ngài cho anh em, đã “khiến anh em có đủ tư cách để làm chấp sự của giao ước mới?”[59] Ai là người từng chết trong tội lỗi và vi phạm mình đã được đánh thức bởi lời giảng của anh em? Lòng anh em có như nung như đốt vì khát khao cứu giúp người khác thoát khỏi sự chết đến nỗi quên ăn quên uống? Anh em có thể công khai giãi bày rằng “trước mặt Thiên Chúa chúng tôi bày tỏ lẽ thật, khiến lương tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng?”[60] Anh em đã thực sự chết đối với thế gian, với mọi sự trong thế gian để “tích lũy của cải trên trời”? Anh em đang mưu tìm chức quyền trong nhà Chúa, hay thực sự xem mình là người thấp hèn hơn hết, và là tôi tớ của mọi người? Anh em có mang sự sỉ nhục của Chúa Cơ Đốc, nặng nề mệt nhọc mà gánh chịu, hay là anh em vui mừng vì cớ Ngài mà chịu sỉ nhục? Khi bị vả vào má, anh em có tức giận không kìm giữ được, hay là anh em không chịu lấy ác trả ác, nhưng để điều lành thắng hơn điều ác?

8. Một lần nữa, tôi sẽ nói gì với những người trẻ tuổi đang có mặt tại đây? Anh em chỉ có hình thức hay là anh em có quyền bính của sự tin kính Cơ Đốc? Anh em là người khiêm nhường, dễ khyên bảo hay là kẻ bướng bỉnh, cao ngạo? Anh em có thuận phục bậc trưởng thượng như vâng phục cha mẹ mình? Anh em có chuyên cần trong công việc, và hết sức mình mà học tập? Anh em có biết quý trọng thời gian? Anh em có “nhớ ngày Sabbath đặng làm nên ngày thánh?” Anh em có biết tôn trọng thân thể mình và gìn giữ nó như của lễ sống và thánh?[61] Anh em có say sưa và bất khiết? Có ai trong vòng anh em “lấy danh Chúa làm chơi” dần dà trở thành thói quen mà không hề ân hận hoặc sợ hãi? Nhiều người ở đây vẫn thường thề thốt? Tôi e rằng ngày càng có nhiều người thích thề thốt…

9. Bởi vậy, nhiều người trong số anh em thuộc về một thế hệ thích báng bổ: báng bổ Thiên Chúa, gièm chê người khác, và khinh suất với linh hồn mình. Hiếm có ai từ tuần này sang tuần khác dành một giờ để cầu nguyện! Hiếm có ai nhớ đến Chúa trong giao tiếp hằng ngày! Ai trong anh em là người từng nhận biết quyền năng siêu nhiên của Chúa Thánh Linh cứu rỗi linh hồn người ta? Anh em có chịu lắng nghe người khác nói về Chúa Thánh Linh, trừ khi ngồi trong nhà thờ? Trong danh của Chúa chúng ta là Thiên Chúa toàn năng, tôi muốn hỏi, đạo giáo anh em ở đâu? Ngay cả nói về Cơ Đốc giáo mà anh em cũng không muốn nghe! Ôi hỡi anh em, thành phố Cơ Đốc này là thành phố gì! “Lạy Chúa, đã đến lúc rồi, xin Ngài ra tay hành động!”[62]

10. Thật vậy, có cơ may nào (nói theo cách loài người) mà Cơ Đốc giáo, Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh, lại trở thành tôn giáo của nơi chốn này? để mọi người trong mọi tầng lớp đều nói và sống như là những người đầy dẫy Thánh Linh? Ai sẽ phục hồi Cơ Đốc giáo? Chính là anh em, những người có thẩm quyền. Anh em có tin rằng đây là Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh? Anh em có khao khát rằng Cơ Đốc giáo này được phục hồi? Anh em có sẵn lòng hi sinh sản nghiệp, sự tự do, sự sống – những điều thiết thân với anh em – để trở thành công cụ trong tay Chúa mà phục hưng hội thánh? Giả sử anh em muốn vậy, thì ai là người có đủ quyền năng? Có lẽ một vài người từng cố gắng đôi chút, nhưng chẳng thành công bao nhiêu. Có lẽ một số người sẽ lớn tiếng, “Này, anh bạn, anh đang muốn xúc phạm chúng tôi?” Song hãy tra xét kỹ càng, có phải tội lỗi đang phủ lấp chúng ta như cơn lũ lớn. Rồi Chúa sẽ làm gì với chúng ta? Đói kém, dịch lệ (những sứ giả sau cùng Chúa sai đến xứ sở tội lỗi), hoặc gươm đao, những đạo binh hung tợn, để đem chúng ta trở lại tình yêu ban đầu?[63] “Xin sa vào tay Chúa, vì sự thương xót Ngài rất lớn; chớ để sa vào tay loài người.”[64] Lạy Chúa, xin hãy cứu, kẻo chúng con hư mất! Xin đem chúng con ra khỏi vũng lầy, kẻo chúng con chìm đắm! Xin cứu chúng con khỏi tai họa hầu đến, vì sự cứu giúp của loài người là vô ích. Theo sự vô hạn của quyền bính Ngài, xin hãy bảo toàn mạng sống những người định cho sự chết, và bảo vệ chúng con theo cách Ngài cho là tốt lành; không phải theo ý chúng con, nhưng theo ý Ngài!

Xem thêm

[sửa]

Chú thích

[sửa]
  1. Công vụ các Sứ đồ 2: 1-6
  2. 1Cor. 12: 9-10
  3. 1 Corinthians 12: 29, 30
  4. Galatians 5: 22-24
  5. 1 Thess. 1: 3
  6. ”Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” – Hebrew 11: 1
  7. ”Vì anh em chẳng nhận lãnh tâm linh của danh phận tôi mọi để lại sợ hãi, bèn là đã nhận lãnh tâm linh của danh phận con cái, và nhân đó chúng ta kêu: Abba, Cha!” – La Mã 8: 15
  8. ”Nếu không chịu cảm động bởi Chúa Thánh Linh, chẳng ai có thể xưng Giê-xu là Chúa.” – 1Corinthians 12: 3
  9. ”Chính Thánh Linh cùng tâm linh chúng ta chứng rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.” – La Mã 8: 16
  10. Ga-la-ti 2: 20
  11. La Mã 5: 1,”Vậy, chúng ta được xưng công chính bởi đức tin, thì được phục hòa với Thiên Chúa bởi Chúa chúng ta là Giê-xu Cơ Đốc.”
  12. Phi-líp 1: 23, 24, “Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Chúa Cơ Đốc, là điều rất tốt hơn; nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em.”
  13. Hebrew 2: 14, 15
  14. Ê-phê-sô 1: 7
  15. La Mã 5: 5
  16. Ga-la-ti 4:6
  17. ”Ai tin đến Con Thiên Chúa, thì có lời chứng ấy trong mình; còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến lời chứng Thiên Chúa đã làm về Con Ngài.” – 1Giăng 5: 10
  18. 1Giăng 3: 1
  19. 1Giăng 4: 11
  20. Thi thiên 145: 9
  21. 1Corinthians 13: 4
  22. Phúc âm Matthew 25: 40
  23. Công vụ các Sứ đồ 2: 42
  24. Công vụ các Sứ đồ 4: 31-35.
  25. Phúc âm Matthew 5: 13-16
  26. 1 Peter 2: 25
  27. Galatians 6: 10
  28. Công vụ các Sứ đồ 17: 30
  29. Ezekiel 18: 30
  30. Công vụ các Sứ đồ 24: 25
  31. Hebrew 12: 14
  32. Phúc âm Giăng 7: 7
  33. Công vụ các Sứ đồ 19: 25
  34. Công vụ các Sứ đồ 24: 5
  35. Công vụ các Sứ đồ 21: 28
  36. Công vụ các Sứ đồ 17: 6
  37. Phúc âm Matthew 23: 23-30
  38. Phúc âm Matthew 13: 36-43. Xem Dụ ngôn Lúa mì và Cỏ lùng
  39. Khải Huyền 12: 6
  40. Thi thiên 12: 1
  41. Phúc âm Matthew 16: 18
  42. 1 Peter 1: 10, “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em.”
  43. Isaiah 2: 1-4
  44. Isaiah 11: 10-12
  45. Isaiah 11: 6-9
  46. La Mã 11: 1, 11, 12, 25, 26.
  47. Thi thiên 85: 10
  48. Phúc âm Matthew 7: 12
  49. Thi thiên 144: 15
  50. Isaiah 60: 1
  51. Isaiah 60: 16, 18
  52. Isaiah 60: 21
  53. Isaiah 60: 19
  54. Ezechiel 14: 20
  55. 1 Peter 1: 15-16, “Như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh.”
  56. Thi thiên 82: 6, “Ta đã phán, Các ngươi là thần. Hết thảy đều là con trai của Đấng Chí cao.”
  57. Job 25: 6
  58. 1 Timothy 4: 12
  59. 2 Corinthians 3: 6, “Ngài đã khiến chúng tôi có đủ tư cách để làm chấp sự của giao ước mới, chẳng phải giao ước bằng văn tự, bèn là bằng thần linh; vì văn tự làm cho chết, còn thần linh làm cho sống.”
  60. 2 Corinthians 4: 2, “Nhưng chúng tôi đã từ bỏ mọi điều giấu kín đáng thẹn, chẳng bước theo sự quỷ quyệt, cũng chẳng mưu pha trộn đạo Thiên Chúa, nhưng trước mặt Thiên Chúa chúng tôi nhờ sự biểu minh lẽ thật mà tự tiến dẫn mình cho lương tâm của mọi người.”
  61. La Mã 12: 1, “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Thiên Chúa mà khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Thiên Chúa, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.”
  62. Thi thiên 119: 126, “Phải thì cho Chúa hành động, Vì loài người đã phế bỏ luật pháp Ngài.”
  63. Khải Huyền 2: 4-5, “Nhưng điều ta trách ngươi, là người đã bỏ tình thương yêu ban đầu. Vậy, hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại công việc ban đầu. Bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, cất giá đèn ngươi khỏi chỗ nó, miễn là ngươi ăn năn thì thôi.”
  64. Sử ký 21: 13
 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.