Cười gượng/Chương II
Cô Bang-Biện thấy việc tính chưa xong nên cô không chịu về. Cô muốn để cho mẹ bình tĩnh lại rồi sẽ bàn tính nữa, nên cô hối trẻ ở trong nhà dọn cơm ăn.
Trong lúc ăn cơm, bà Cả mới trách cô Bang-Biện rằng: "Việc nhà của mình thì để thủng thẳng mà tính, nói cho họ hay làm chi rồi họ nói giọng thấp giọng cao nghe ghét quá".
Cô Bang-Biện chống đũa ngó mẹ mà đáp rằng:
- Má nói kỳ quá! Chú Hương-Sư là chú ruột của con, chú cũng như cha vậy, chớ phải ai xa lạ gì hay sao mà giấu.
- Thuở nay chú có thương mình bao giờ đâu, bởi vậy con nói cho chú nghe, rồi chú mới kiếm chuyện chú rủa má đó.
- Chú rủa giống gì đâu?
- Chú nói má ở ác, không có đức, nói như vậy không phải rủa sao?
- Chú nói việc phải quấy cho má nghe, chớ rủa giống gì. Bữa nay chú giận mình lắm.
- Ối giận thì giận, ai mà cần, chớ cho mình đồng nào mà bợ chú. Để thằng Xương cưới con gái của ông Bá Hộ đây, rồi sau nó giàu bằng mười chú nữa!
Cô Bang-Biện day qua hỏi Tú-Tài Xương rằng: “Việc lộn xộn như vậy đó bây giờ em tính lẽ nào, em phải nói cho dứt khoát đặng má với chị sẽ liệu cho”.
Tú-Tài Xương nói quả quyết rằng:
- Tôi nhứt định cưới con của ông Bá Hộ.
- Còn con Hảo em làm sao?
- Đồ chơi qua đường, bậy bạ mà kể gì.
- Em nói như vậy mà chắc không? Chớ cưới vợ mà còn đeo theo con Hảo nữa đây rồi sanh giặc, không được đa.
- Tôi nhứt định rồi. Hễ cưới vợ rồi thôi, còn chơi bời chi nữa.
- Ờ, em nói thì em phải nhớ lời. Mà bây giờ con Hảo nó muốn liều mạng, nó nói nếu em không nói dứt khoát thì nó không chịu đi, em mới tính làm sao?
- Không hại gì, chị đừng lo. Để trưa tôi xuống tôi nói một tiếng thì nó đi liền, không có sao đâu mà sợ.
- Sợ em xuống nhà nó, rồi nó liều mạng, nó níu kéo làm rầy-rà xấu hổ chớ.
- Đâu mà dám! Chị tưởng nó gan trời hay sao? Để ăn cơm rồi tôi đi.
- Em xuống nói với nó làm sao đâu em nói cho chị nghe thử coi.
- Chuyện riêng của tôi, nói cho chị nghe làm chi?
- Nói nghe thử coi em lấy cớ gì mà nói cho nó xiêu, đặng nó đi tránh xa xứ khác cho em cưới vợ.
- Để xuống đó rồi tôi sẽ liệu, chớ bây giờ nói trước không được.
- Nè, chị nói trước cho em biết. Con Hảo nó hay em đi coi vợ nó tức giận lắm. Xuống đó em phải liệu mà nói cho xuôi đặng mẹ con nó đi phứt cho rồi, chớ đừng có chọc nó giận mà làm rầy-rà mang tiếng rồi ông Bá Hộ ổng hay, ổng không thèm gả con cho em đa.
- Được mà. Chị tưởng tôi dại lắm sao?
Ăn cơm rồi, Tú-Tài Xương đón xe ra đi.
Cô Bang-Biện không an trong lòng, ngặt cô đi theo thì khó coi, cô mới kêu một đứa nhỏ ở trong nhà mà dặn rằng: “Cậu Ba mầy đi kia thấy không? Ờ, cậu đi xuống nhà thím giáo Điểu mà chơi. Mầy phải đi theo cậu, đi xa xa chớ đừng có lại gần. Xuống tới đó, cậu vô nhà, thì mầy phải ngồi ngoài hè, làm bộ ngồi chơi, đừng có nói tới ai hết. Ngồi đó mà phải lóng tai nghe trong nhà, như không có việc chi hết thì chừng cậu Ba về, mầy theo mà về. Còn nếu mầy nghe trong nhà rầy rà thì mầy phải chạy riết về đây cho tao hay. Nhớ hay không?”.
Thằng nhỏ gật đầu rồi thủng thẳng ra cửa ngõ.
Trời nắng chan chan, dân cư trong xóm từ già tới trẻ đều rút ở trong nhà, thậm chí gà heo mà cũng không đi kiếm ăn, cứ núp dưới bóng mát mà nghỉ, gà sẻ cánh rỉa lông, heo nằm nghiêng nhắm mắt.
Cậu Tú-Tài Xương lơn-tơn đi theo bờ nhỏ trong xóm mà xuống nhà thím giáo Điểu. Cậu mặc một bộ đồ mát bằng lụa trắng, chân mang giày da vàng, đi bộ khoan-thai, mặt tự-đắc, không lo không buồn chi hết. Những người ở trong xóm đều là tá-điền tá-thổ hoặc của ông Cả hoặc của thầy Bang-Biện, bởi vậy ai thấy cậu cũng phải chào, mà chừng cậu đi qua khỏi rồi thì họ lại chúm-chím cười; dường như họ biết trước cái nhà cậu sẽ đến vậy.
Thím giáo Điểu đương nằm trên võng mà đưa cọt-kẹt, tay gác qua trán, mắt nhắm lim-din. Thình lình thím nghe động đất, thím mở mắt ra thấy Tú-Tài Xương bước vô cửa thì thím đứng dậy chào và mời ngồi.
Cậu Tú-Tài ngó quanh-quất rồi hỏi rằng:
- Con hai nó đi đâu thím?
- Thôi, cậu. Cậu báo hại mẹ con tôi quá, còn hỏi con hai con ba làm chi nữa?
- Có gì đâu mà báo hại?
- Con tôi nghèo hèn quê mùa, cậu báo hại bây giờ nó có chửa có nghén xấu hổ quá, mẹ con tôi ở đây nữa sao được.
- Nói chuyện chơi có lẽ nào có chửa.
- Nó nói nó có thai đã ba tháng rồi, bây giờ biết làm sao!
- Con hai nó sợ nó nói như vậy, chớ không có đâu.
- Ý! Tôi coi bộ nó có thai thiệt đa cậu. Tôi là đờn bà, tôi không biết hay sao. Thiệt hết sức khổ.
- Có gì đâu mà khổ?
- Việc như vậy mà cậu nói nghe như chuyện chơi chớ.
- Chị hai tôi có tính để cho thím ít trăm đồng bạc đặng thím làm vốn đến xứ khác mua bán làm ăn, tính như vậy thì xong, sao thím còn than khổ?
- Phải, hồi sớm mơi cô Bang-Biện có nói như vậy. Mà tôi nghĩ cô tính đó cũng phải. Bề nào mẹ con tôi cũng bỏ xứ mà đi, chớ xấu hổ quá, ở đây nữa sao được. Ngặt con nhỏ tôi không chịu đi, nó phiền cậu lung lắm. Thiệt cậu báo hại không biết chừng nào.
- Sao nó lại không chịu đi? Nó ở đâu bây giờ?
- Nó nằm trong buồng. Từ sớm mơi tới bây giờ nó khóc hoài, không ăn uống chi hết.
- Đâu thím kêu nó ra đây coi nó nói sao mà nó không chịu đi?
Thím giáo Điểu bèn day mặt vô buồng kêu rằng: “Hảo a, ra má biểu một chút con”.
Cô Hảo trong buồng bước ra liền. Cô mặc áo vải đen, tóc dã-dượi, nhưng mà sắc mặt nghiêm chỉnh. Cô ngó cậu Tú-Tài mà cô không chào. Cậu Tú-Tài nãy giờ làm cứng, mà chừng thấy mặt cô Hảo thì cậu vừa thẹn-thùa vừa buồn-bực, nên cậu day mặt ra cửa, không dám ngó cô.
Cô Hảo vùng hỏi lớn rằng: “Cậu gạt tôi, cậu lấy tôi có chửa, rồi bây giờ cậu bỏ tôi, cậu cưới vợ khác phải không?”.
Cậu Tú-Tài nghe câu hỏi rõ-ràng mà cứng-cỏi quá thì cậu biến sắc, trong trí bối rối không dè cô Hảo nghị-lực đến thế. Cậu làm thinh một hồi rồi cười ngỏn-ngoẻn mà hỏi rằng: “Em giận qua lung lắm hả? Ai học với em rằng qua đi cưới vợ?”.
Cô Hảo châu mày mà đáp rằng:
- Cô Bang-Biện nói hồi sớm mơi chớ ai. Phải như vậy không?
- Phải, nhưng mà qua mới đi coi vợ, chớ chưa có cưới.
- Cậu thề với tôi nặng lắm, sao bây giờ cậu dám bỏ tôi mà cưới vợ?
- Tại cha mẹ ép, biết làm sao.
- Hồi trước tôi vẫn biết phận tôi nghèo hèn, còn bực cậu giàu sang, không thế nào kết tóc trăm năm với nhau được. Cậu nói dóc rằng việc vợ chồng là việc riêng của cậu, cậu đành nơi nào thì cậu cưới nơi đó, không ai được phép ép cậu. Sao bây giờ cậu lại đổ thừa cho cha mẹ?
- Thì hồi muốn phải nói bướng vậy mà. Làm con không nghe lời cha mẹ sao được.
- Tôi nghĩ lại thiệt tôi dại lắm. Bây giờ tôi biết khôn thì đã lỡ rồi. Bữa nay có trước mặt má tôi đây, cậu phải nói cho dứt khoát. Tôi có thai được ba tháng rồi, bây giờ cậu tính sao đâu, cậu tính đi.
Cậu Tú-Tài Xương ngồi gục mặt, không trả lời được. Cậu tính trong trí thế nào không biết, mà cậu thò tay vô túi móc khăn ra lau cặp con mắt, rồi cạy móng tay và thủng thẳng nói rằng: “Qua xin em đừng có phiền qua. Qua thương em lắm, nhưng mà nếu qua đem em về làm vợ thì cha mẹ không chịu, lại xóm riềng họ cũng chê cười, đem em về làm vợ sao được. Qua tính như vầy: để chị hai qua cho em ít trăm đồng bạc đặng em đi với thím đến xứ khác mà ở. Qua chẳng bao giờ bỏ em đâu. Em ở chỗ nào yên rồi thì gởi thơ về cho qua hay, đặng lâu lâu qua đến qua thăm. Qua nói thiệt với em, chỗ qua coi vợ đó họ giàu lung lắm. Nếu qua cưới vợ được chỗ đó, thì tiền bạc qua biết làm gì cho hết. Qua thề với em bề nào qua cũng cấp dưỡng cho em trọn đời no ấm. Còn như em muốn lấy chồng khác thì việc đó tự ý em, qua không dám cản, mà cũng không dám xúi”.
Cô Hảo nghe mới bao nhiêu đó, cô vùng tức cười mà nói lớn lên rằng: “Thôi, cậu đừng nói nữa. Bao nhiêu đó cũng đủ cho tôi hiểu tánh tình đê tiện của cậu rồi. Thiệt tôi chẳng hiểu tại sao cậu là con một vị điền chủ làm tới chức Hương-Cả tròng làng, cậu học thi đậu tới bực Tú-Tài, mà cái óc của cậu thấp-thỏi dơ-dáy đến thế. Chớ chi cậu nói như vầy: Thấy mày tao muốn, tại mày dại mầy lấy tao thì mày chịu. Bây giờ tao không thèm mày nữa”. Cậu nói như vậy thì bất quá tôi tức, tôi hổ phận tôi, chớ tôi không khinh bỉ cậu được. Sao cậu lại nói cậu thương tôi, mà vì tôi nghèo hèn cậu không thể làm vợ chồng với tôi được, để cậu cho tiền đặng tôi lánh mặt đến xứ khác mà ở, cho cậu được vợ giàu, rồi cậu cấp dưỡng tôi. Phận tôi tuy nghèo hèn, thân tôi tuy bị cậu mà phải nhơ nhuốc rồi, song cái óc của tôi vẫn còn trong sạch chớ không phải dơ dáy như óc cậu vậy đâu. Tôi trọng là trọng nhơn nghĩa chớ không phải tôi mê tiền bạc đâu mà cậu mong lấy đồng tiền làm mồi để bẹo tôi. Tôi vẫn biết hễ tôi nói cho rõ ra, thì chắc cậu phải buồn. Nhưng mà nín không nói thì uất ức trong lòng tôi quá, nín không được, nên phải nói cho cậu biết”.
Cô Hảo đứng nói một hơi, sắc cô giận, mặt cô đỏ au… Cậu Tú-Tài ngồi gục đầu mà nghe, không biết tiếng chi mà đáp lại.
Thím giáo điểu thấy con giận nên nói nặng lời thì thím can rằng: “Thôi, việc đã lỡ rồi, con nói nhiều lời làm chi. Người ta gạt, mà tại con dại mới mang nhơ, chớ phải con khôn, con cho má hay, thì có đâu đến đỗi như vậy. Bây giờ má tính có cái bỏ xứ mà đi thì mới khỏi người ta chê cười. Vậy con phải lo việc đó, chẳng nên nói lộn xộn xóm riềng người ta hay mà xấu hổ”.
Cô Hảo cười mà nói rằng: “Con nói phải quấy cho cậu Tú-Tài nghe vậy thôi chớ có làm lộn xộn chi đâu. Nè cậu Tú-Tài, tôi nói cho cậu biết, theo người ta họ lì ở đây, chừng nào cưới vợ họ níu lưng cậu, họ làm rầy rà cho thiên hạ biết mặt cậu là thằng điếm, dùng văn nói, dùng thế lực mà phá tiết hạnh con gái quê mùa. Cậu có giỏi bất quá cậu cậy thế cậy thần mà làm cho tôi ở tù, cái ác, cái xấu của cậu còn lớn hơn nữa. Nhưng mà tôi không phải như họ vậy đâu. Làm xấu cho cậu mà có ích gì. Để danh tiếng của cậu cho vẹn toàn chớ, để cho thiên hạ quí trọng cậu là bực giàu sang học giỏi coi mới ngộ chớ. Nay mai đây mẹ con tôi sẽ đi để cho cậu ở đây thong thả mà cưới vợ giàu rồi sanh con đẻ cháu cho nhiều mà nối dòng. Mẹ con tôi đi mà không thọ đồng tiền dơ dáy của cậu đâu, để tiền ấy cho cậu cho vay đặt nợ, mua ruộng sắm vườn đặng làm giàu thêm cho lớn mà vinh mặt vinh mày với thiên hạ. Tôi nói đủ rồi, thôi cậu về đi, về mà lo cưới vợ”.
Cậu Tú-Tài lau nước mắt, đứng dậy ngó xuống bếp không thấy dạng cô Hảo, cậu bèn nói nhỏ với thím giáo rằng: “Tôi hổ thẹn lắm, không dám thấy mặt con Hai nữa. Tuy nó giận tôi, nó nói không thèm đồng tiền của tôi, song xin thím trước khi đi thì lên nhà chị hai tôi, đặng chị hai tôi đưa tiền bạc để làm vốn đến xứ lạ mua bán làm ăn. Nếu thím nghe lời nó, không lấy tiền, thì tôi buồn lắm”.
Thím giáo gật đầu. Cậu Tú-Tài từ giã bước ra về, mặt mày buồn hiu, chớ không phải dúc dắc như hồi mới vô nhà vậy.
Cô Hảo ở dưới bếp thấy Tú-Tài Xương về rồi, cô mới bước lên nói với mẹ rằng: “Con là gái, mà con không biết giữ trinh tiết, để nhục đến cha mẹ thì cái tội của con lớn lắm. Việc con đã lỡ dại rồi con xin má tha tội cho con. Con nguyện từ rày về sau con không dám làm nhơ danh tiết của con nữa. Bây giờ con xin má một điều, là lo sắp đặt mà đi khỏi xứ nầy cho mau, đi mà đừng có thèm lấy đồng tiền của nhà đó”.
Thím giáo điểu ngó con mà đáp rằng:
- Con dại quá, chuyện gì mà không thèm lấy tiền?
- Mình lấy tiền, người ta khinh mình lắm.
- Ối, đời nầy mà kể gì. Mình nghèo cần phải có đồng tiền. Nếu người ta cho mà mình không thèm lấy, rồi lên Sài-Gòn lấy gì mà ăn.
- Con ở đợ mà nuôi má.
- Mà mình bán nhà cửa đồ-đạc thì mình lấy bạc, chớ mình xin ai mà ngại.
- Bỏ hết mà đi, bán chác làm gì.
- Hứ! Con nói dại quá! Sao lại bỏ kìa? Xế chiều rồi, thôi đi nấu cơm.
Ăn cơm chiều rồi, thím giáo mới đi lên nhà thầy Bang-Biện.
Vì Tú-Tài Xương về nói trước hồi xế nên cô Bang-Biện thấy thím giáo bước vô thì cô niềm nở chào hỏi mời ngồi tử tế lắm. Cô kêu người biện làm việc với thầy Bang mà nói rằng: “Né biện, em làm ơn viết giùm cho thím giáo một cái tờ bán hết nhà cửa đồ-đạc cho qua, giá một trăm đồng. Em liệu mà đặt tờ, làm riết đi đặng thím giáo lăn tay mà lấy bạc”.
Chú biện chưng-hửng hỏi thím giáo rằng:
- Sao thím bán nhà vậy thím? Bán rồi chỗ đâu mà ở.
- Qua lên Sài-Gòn mà ở.
- Cha chả, lên chi trên ấy?
- Qua có thằng em ruột ở trên, nó biểu qua lên đặng nó bao bọc cho qua làm ăn.
- Ờ, có vậy chăng.
Chú biện làm tờ rồi đọc lại cho thím giáo nghe. Thím giáo lăn tay vào tờ theo phép. Cô Bang-Biện kêu thím vào buồng, mở tủ lấy đưa cho thím ba trăm đồng bạc và nói rằng: “Lấy tiền đây mà đi. Đừng nói cho ai biết nghe không. Thôi đi mạnh giỏi”.
Thím giáo điểu lấy bạc bỏ vào túi, bước ra ngoài têm trầu ăn rồi từ giã mà về, miệng cười ngỏn-ngoẻn.
Tảng sáng, ngọn cỏ còn đọng giọt sương, chân trời mây còn chớn chở. Trâu thả ra đồng cho ăn đi ní-na ní-nần, thằng chăn theo hát rấm-ra rấm-rít.
Mấy mẹ con thím giáo Điểu dắt nhau đi lần ra lộ đặng đón xe hơi đò mà lên Bắc-Liêu rồi hoặc kiếm xe hơi khác, hoặc đi tàu mà lên Sài-Gòn.
Thằng Hòa với thằng Hiếu nghe nói được đi Sài-Gòn thì vui mừng, bởi vậy hai đứa nó đi trước, mặt tươi cười, lòng khấp-khởi. Cô Hảo với thím giáo đi sau, mỗi người bưng một cái thúng nhỏ đựng mùng mền cùng quần áo, cái cũ, cái đã rách, chẳng có vật chi quí, cô Hảo rất nghiêm trang, thím giáo coi bộ buồn nghiến.
Ra tới lộ, mẹ con để thúng trên lề rồi đứng xúm xít chung quanh mà chờ xe. Thím giáo ngó lại xóm Láng Dài, trong lòng ngậm ngùi. Kìa, chỗ bụi tre còi là chỗ cái mộ của thầy giáo nằm, còn xít tới một chút, chỗ gò nổng lúp xúp đó là mộ phần của cha mẹ. Cái nhà ở đầu xóm có mấy cây đu đủ đó, là nhà của mình ở thuở nay, ở trong nhà ấy có khi ưu sầu mà có khi cũng vui vẻ. Từ rày về sau mình không được thăm mấy gò mả kia, mà cũng hết vô cái nhà lá nọ. Dầu trong túi có ba trăm đồng bạc mà trong lòng lại không biết vui như mấy năm nay ăn bữa trước thiếu bữa sau. Còn mình đi đây là đi lên Sài-Gòn, mà Sài-Gòn là chỗ nào? Bước đường mình sẽ đi coi sao mênh- mông. Cái chỗ mình sẽ tới coi sao mịt-mù quá!
Thím giáo đương suy nghĩ, thình lình thằng Hòa hỏ rằng: “Mình lên Sài-Gòn ở luôn trên, không về đây nữa phải không má?”. Thím giáo gật đầu và ừ.
Thằng Hòa hỏi tiếp rằng:
- Còn cái nhà của mình má bỏ hay sao?
- Nhà má bán rồi.
- Sao má không bắt mấy con gà theo, để ở nhà họ ăn cắp còn gì?
- Gà má đã cho chị Cai Tuần rồi.
- Tôi chịu ở Sài-Gòn lắm. Họ nói ở trên thật là vui. Lên trên rồi má cho tôi với thằng Hiếu đi học chữ Tây nghe không má.
- Ừ.
Hướng đông mặt trời đã ló ra một vừng đỏ lòm. Có một cái xe hơi ở phía chợ Hòa Bình chạy lên, bụi bay mịt mù. Cô Hảo đương ngồi trên lề đường dựa bên hai cái thúng, cô tưởng xe đò tới nên lật đật đứng dậy, tè ra xe của nhà giàu ở đâu miệt Cà Mau chạy lên Bắc-Liêu, chạy ngang qua một cái vù làm cho thằng Hòa với thằng Hiếu sợ nên níu tay má nó.
Bà hai Hiền, là người xóm Láng Dài, gánh một gánh gạo trắng đem ra chợ Hòa Bình mà bán. Bà ra tới lộ thấy mẹ con thím giáo thì để gánh xuống mà nghỉ và hỏi thím giáo rằng:
- Nghe nói mấy mẹ con bán nhà mà đi lên Sài-Gòn ở mua bán phải không?
- Phải, bà ở lại mạnh giỏi nghe bà hai.
- Ừ. Mấy mẹ con lên trên cũng mạnh giỏi nghe. Đi ra hoặc may khá được, chớ ở đây nghèo hoài.
- Tôi có hai chị em, thằng em tôi cứ viết thơ biểu về trên ở cho gần gũi nó, đặng nó bảo bọc cho mẹ con tôi làm ăn. Tôi bị nó nói quá, thôi nghe lời nó lên trên thử coi.
- Con Hảo nó lớn rồi, lên đó coi có chỗ nào khá gả nó đặng nó có chồng mà làm ăn với người ta. Gả nó ở chợ cho sung-sướng thân nó một chút, chớ ở dưới đồng, gả nó cho mấy nhà làm ruộng cực khổ thân nó tội nghiệp.
- Để lên trên rồi sẽ hay.
Cô Hảo nghe nói tới chuyện của mình thì cô hổ ngươi, nên day mặt chỗ khác.
Có một cái xe hơi khác ở phía Hòa Bình chạy lên nữa, chuyến nầy thấy mui cao, xe lớn, rõ-ràng là xe đò chớ không phải xe nhà giàu. Xe gần tới, thím giáo đưa tay mà ngoắc. Xe chạy chậm-chậm rồi ngừng.
Trên xe có một người thấy cô Hảo ngộ, muốn ghẹo chọc nên kêu mà nói lớn rằng: “Má đi Bắc-Liêu phải không má? Lên xe mau mau đi”.
Cô Hảo mắc cở nên cúi mặt xuống đất. Thím giáo từ giã bà hai Hiền rồi bưng thúng lên xe với ba đứa con. Xe phát chạy, thằng Hòa với thằng Hiếu cười ngỏn ngoẻn, còn thím giáo với cô Hảo ngó vô xóm Láng Dài, mặt mày buồn hiu.
Xe lên tới Bắc-Liêu, thím giáo hỏi thăm thì họ nói bữa nay không có tàu, có mấy xe đò đi Sài-Gòn thì đã chạy hết từ hồi khuya. Họ biểu phải chờ đến mười giờ rưỡi, xe thơ dưới Cà Mau lên rồi đi mới được.
Thím giáo bèn dắt mấy đứa con đi lại chợ tính kiếm tiệm cơm mà ăn cho no rồi sẽ trở lại bến xe mà chờ xe. Mấy mẹ con đương đi thơ-thẩn ngoài đường, bỗng có một người đờn ông, ở trong tiệm hàng-xén bước ra kêu lớn rằng: “Thím giáo, thím đi đâu đó?” Thím giáo day lại thấy Hương-Sư Thiện thì chưng-hửng. Thím nói hơi bợ-ngợ rằng: “Ủa! Ông Hương-Sư. Tôi đi lên Sài-Gòn. Mà xe hơi chạy hết rồi, họ biểu phải chờ tới mười giờ rưỡi có xe Cà Mau lên rồi đi mới được”.
Hương-Sư Thiện ngó cô Hảo với hai đứa nhỏ rồi hỏi rằng:
- Sắp nhỏ của thím đây phải không?
- Thưa phải.
Hương-Sư Thiện chăm chỉ ngó cô Hảo rồi nói rằng: “Thím khoan đi đã. Về nhà tôi đặng tôi hỏi thăm một chút”.
Thím giáo dụ-dự không biết liệu lẽ nào. Hương-Sư nói tiếp rằng: “Đi theo tôi về nhà, đặng tôi hỏi thăm công chuyện. Đi theo tôi đây”.
Hương-Sư đi trước, mấy mẹ con thím giáo theo sau, cứ làm thinh mà đi, không nói chuyện chi hết.
Hương-Sư Tô Hồng Thiện ở đường xuống xóm Lăng. Ông ở một cái nhà ngói ba căn, vách tường, nền đúc. Nhà cất gần sát mé lộ, chừa sân chừng vài ba thước mà thôi, bên tay mặt có một cái nhà nhỏ để xe hơi. Còn nhà bếp thì cất phía sau. Nhà bề ngoài coi không đẹp, nhưng mà ở trong chưng dọn rực-rỡ, ghế, bàn, tủ, ván toàn bằng danh mộc, gần cửa buồng lại có để một cái tủ sắt thiệt lớn.
Hương-Sư Thiện về tới nhà thì đi thẳng vô phía trong. Thím giáo bước vô hàng ba, để cái thúng vô góc tường rồi rón rén bước vô cửa. Cô Hảo cũng để cái thúng của cô dựa bên thúng của thím giáo, rồi đứng xớ rớ ngoài hàng ba với hai đứa em.
Hương-Sư trở ra thấy thím giáo đứng dựa đầu một bộ ván bên phía tay trái thì biểu rằng: “Thím ngồi trên ván đó thím giáo; ngồi chơi mà, còn sắp nhỏ đâu?” Thím giáo ít hay tới nhà giàu, nay vô đây thấy đồ đạc rực-rỡ thì thím khớp nên cóm róm không dám ngồi.
Bà Hương-Sư mặc áo bà ba lụa trắng mà quần cũng lụa trắng, tóc chải láng nhuốt, da mặt coi trắng đỏ, ở trong buồng bước ra, vừa chúm-chím cười vừa hỏi rằng: “Thím giáo đây phải không? Hồi trước thầy giáo đi chợ thầy hay ghé nên tôi biết thầy. Còn thím tôi không có gặp lần nào. Thím ngồi mà, ngồi đó chơi. Bầy trẻ đâu, lấy trầu ăn coi bây”.
Bà Hương-Sư vừa nói vừa ngồi trên ván. Thím giáo thấy chủ nhà mời quá nên ngồi ghé lại đầu bộ ván, mà phía trong vách. Bà Hương-Sư hỏi:
- Nghe ở nhà tôi nói thím đi có dắt mấy đứa nhỏ. Đâu, sắp nhỏ đâu?
- Thưa, nó ở ngoài trước.
- Ủa, biểu nó vô chớ, sao lại ở ngoài. Thím kêu hết vô đây coi được mấy đứa.
Ông Hương-Sư bước ra kêu cô Hảo và hai đứa nhỏ mà biểu vô nhà. Ba đứa lỏn-lẻn bước vô, cúi đầu chắp tay xá ông bà Hương-Sư rồi lại đứng dựa bên thím giáo.
Bà Hương-Sư chăm-chỉ ngó ba đứa một hồi rồi hỏi rằng:
- Thím được tới ba đứa con lận sao?
- Thưa phải, tôi có ba đứa đó.
- Thím có phước quá, được tới hai đứa con trai. Vợ chồng tôi không có con trai thì cho tôi một chút con gái cũng được. Cái nầy bạch tuột, thiệt buồn quá.
- Thuở nay bà không có sanh lần nào sao?
- Có đâu.
- Bà còn trẻ, có lẽ sớm muộn gì rồi cũng có con chớ lẽ nào không.
- Tôi vái hết sức, chùa nào tôi cũng có cúng mà không biết tại sao không có con không biết … Nghe nói thím tính dắt sắp nhỏ lên Sài-Gòn ở phải không?
- Thưa phải.
- Lên Sài-Gòn ở làm nghề gì mà nuôi con. Đất Sài-Gòn khó lắm, chớ không phải như ở dưới mình vậy đâu. Thím có bà con ở trên hay không?
- Thưa có. Tôi có một thằng em trai ở trên.
- Phải có quen mới được, chớ mình lạ lên đất Sài-Gòn mà không có ai chỉ dẫn thì có dễ gì đâu. Người em thím làm việc gì ở trên?.
- Thưa nó làm thầy thuốc Việt Nam.
- Thầy thuốc gì? Hốt thuốc bắc phải không?
- Thưa phải.
- Có học làm thuốc hay sao?
- Thưa có. Hồi trước cha sắp nhỏ tôi có dạy ít năm nên nó biết chút đỉnh, coi mạch hốt thuốc được.
- Em thím ở Sài-Gòn mà ở lối nào, nhằm đường gì, thím biết không? Sài-Gòn mênh mông lắm, phải biết rõ chỗ ở kiếm mới đặng.
- Thưa, hôm tết nó có gởi thơ về nói nó ở Khánh Hội. Nó nói trên dốc cầu mống đi thẳng xuống một khúc tới ngã ba, có đường tẻ qua tay trái. Đừng có đi đường dó, phải vô cái đường đất bên phía tay mặt, vô một chút thì có nhà có phố nhiều, vô đó hỏi thăm thì người ta chỉ cho.
- Biết rõ như vậy thì được.
Bà Hương-Sư biểu cô Hảo dắt hai đứa em vô phía trong mà chơi và kêu con Sáu, là đứa ở hầu trầu nước mà dặn mở tủ lấy bánh cho hai đứa nhỏ ăn. Mấy chị em cô Hảo theo con Sáu vô trong. Chừng cô Hảo đi ngang trước mặt bà Hương-Sư thì bà chăm bẳm ngó cô, đến cô vô khuất tấm màn rồi, bà mới day lại mà nói với thím giáo rằng: “Con nhỏ ngộ thiệt. Bộ nó có nghén phải rồi”.
Thím giáo Điểu hổ thẹn nên cúi mặt xuống không nói chi hết.
Nãy giờ ông Hương-Sư nằm trên ghế xích đu giữa nhà mà hút thuốc. Bây giờ ông mới ngồi dậy mà nói rằng: “Thím giáo, việc nhà của thím vợ chồng tôi biết rõ hết. Mây mẹ con chị Cả đều là người không có lương tâm. Còn anh Cả của tôi thì anh yếu ớt quá, ở trong nhà anh không dám quyết đoán việc gì hết. Nhà có tiền, mà con cháu ít, lẽ thì ta phải lấy nhân đức mà ở đời chớ sao lại còn ham giàu mà làm việc bất nghĩa. Tôi can không được tôi ghét tôi bỏ, làm sao đó họ làm. Tôi cũng chống mắt mà coi họ ham giàu rồi họ giàu đến bực nào cho biết. Tuy hồi trước thầy giáo nghèo, song thầy là một nhà lễ nghĩa. Bây giờ thầy khuất rồi, mình cưới con gái thầy cho con mình, thiên hạ thấy vậy họ càng kính phục, chớ ai dám chê cười. Huống chi con mình nó lỡ làm việc không phải, dầu nó có tháo trút, mình cũng phải ép nó chuộc tôi của nó, như vậy mới nhằm đạo lý chớ. Và chẳng những là con thầy giáo, dầu con ăn mày đi nữa mình cũng phải làm như vậy. Chị Cả chị không biết điều, chị nói nhiều tiếng nghe bất nghĩa lắm. Tôi thấy mấy mẹ con thím thiệt tôi chịu không được. Tôi muốn bắt ở lại đây tôi nuôi, người ta lấy ruộng lại không cho thím mướn, tôi cho thím mướn ruộng của tôi đặng thím làm; người ta đuổi thím phải dỡ nhà mà đi, không cho ở trong đất nữa, tôi cất nhà khác trong đất tôi cho thím ở, coi ai dám làm sao tôi cho biết. Ngặt vì tôi với anh Cả là anh em ruột, bề nào cũng ruột thịt với nhau, làm như vậy té ra tôi là em mà tôi ngỗ-nghịch với anh, tôi làm điều nhục-nhã cho anh, thiên hạ thấy vậy người ta chê cười tôi. Thôi, thím có một người em ở Sài-Gòn thì thím lên đó mà nương náu cũng được. Mà thím đi làm chi gấp, ở đây chơi một hai bữa rồi sẽ đi”.
Thím giáo không ngờ Hương-Sư biết việc riêng của mình, bởi vậy thím ngồi nghe Hương-Sư nói chuyện thì thím lấy làm lạ hết sức. Chừng Hương-Sư nói dứt rồi thím mới hỏi rằng:
- Việc của con nhỏ tôi sao ông bà hay?
- Bữa hổm hai vợ chồng tôi có xuống dưới. Xuống thình lình, mà vợ Bang-Biện nó đọc hết công chuyện cho tôi nghe rồi nó hỏi tôi coi phải tính làm sao. Chuyện dễ quá, có gì khó đâu mà phải tính. Tôi nói ngay: Tú-Tài Xương nó tư tình lỡ với con thím có chửa rồi thì nó phải cưới. Tôi cắt nghĩa nếu cưới con thím thì được ba điều: 1. Cứu danh giá một người con gái khỏi mang nhơ nhuốc; 2. Làm cho thằng Xương khỏi mang tội ác; 3. Được tiến khen không tham phú phụ bần. Tôi lấy lẽ phải tôi nói cho mà nghe, mà chị Cả ham giàu, không biết nhân nghĩa gì hết, chị quyết làm sui với Bá Hộ Chịnh đặng ăn của, bởi vậy chị đã không nghe lời tôi mà chị còn mắng tôi nữa. Còn thằng Xương nó có học, mà nó cũng không ra gì, nó nghe lời bà già nó, thôi còn kể gì nữa. Tôi nghe vợ Bang-Biện bàn soạn cho thím ba trăm đồng bạc đặng thím dắt con đi xứ khác làm ăn. Nó có cho hay không mà thím đi đây?
- Thưa, có. Tôi làm tờ bán hết nhà cửa đồ đạc cho cô Bang-Biện rồi cô cho tôi ba trăm đồng bạc. Con nhỏ tôi nó rầy, nó không cho tôi lấy, mà tôi nghĩ phận tôi nghèo, nếu không lấy thì đến xứ lạ có vốn đâu mà mua bán làm ăn, bởi vậy tôi lấy.
- Con nhỏ nó rầy thím đó phải lắm. Họ không ra gì mà lấy đồng tiền của họ làm chi.
Bà Hương-Sư tiếp mà nói rằng: “Bữa hổm ở nhà tôi gây với chị Cả dữ quá. Mà chị đó chị nói kỳ lắm, không gây không được. Hôm đó ở nhà tôi giận, muốn đi thẳng cuống nhà thím đặng nói công chuyện cho thím nghe. Tôi sợ làm vỡ-lở thiên hạ họ hay họ chê cười, tôi can hết sức nên ông mới chịu về. Hổm nay ông còn phiền lung lắm, ông nhứt định không thèm bước chân đến nhà anh Cả nữa. Ông lại nói chị Cả chê thím nghèo, không thèm làm sui với thím, để ông nuôi con nhỏ rồi ông gả nó coi có hơn con chị hay không.
Thím giáo bèn nói rằng: “Ông với bà thương mẹ con tôi, thiệt tôi đội ân lung lắm. Nhưng mà có lẽ nào tôi dám chen vô giữa mà làm cho ông Hương-Sư với ông Cả mích lòng nhau”.
Vợ chồng Hương-Sư nghe lời nói trung hậu dè dặt như vậy thì ngó nhau mà cười.
Bà Hương-Sư lại nói rằng: “Con nhỏ ngộ quá, cho nó trang sức ăn mặc tử tế thì con nhà giàu nào mà dám bì với nó. Tôi biết con gái út Bá Hộ Chịnh mà. Con đó xấu lắm, coi không được. Chị Cả chị mê giàu, rồi chị chóa mắt, chị khen bướng.
Vợ chồng Hương-Sư theo cầm thím giáo ở lại ít bữa. Thím giáo thấy người ta thương, thím không dám từ, nên phải vâng lời.
Bà Hương-Sư kêu thợ may mà mướn may cho thím giáo với cô Hảo mỗi người một cái quần lãnh, một cái áo xuyến và may cho hai đứa nhỏ mỗi đứa một bộ đồ vải trắng.
Ở mấy ngày, vợ chồng Hương-Sư tánh nết của cô Hảo thì càng thương thêm, mà thương cô Hảo chừng nào lại càng phiền vợ chồng Hương-Cả Hoàng chừng nấy.
Thím giáo Điểu ở được mấy bữa rồi nghĩ không lẽ ở hoài, nên xin phép vợ chồng Hương-Sư mà đi Sài-Gòn. Vợ chồng Hương-Sư liệu nuôi không được, mà cũng không lẽ cầm hoài, nên chịu cho đi và nói để khuya rồi sẽ sai người nhà đưa ra xe hơi và mua giấy cho.
Tối lại Hương-Sư mới nói với thím giáo rằng: “Vợ chồng tôi muốn nuôi thím với mấy cháu lắm, ngặt làm như vậy thì khó coi, nên nuôi không được. Thôi thím lên Sài-Gòn kiếm công chuyện mà làm ăn. Bề nào vợ chồng tôi cũng không bỏ thím đâu. Việc con cháu đã lỡ rồi, thím chẳng nên buồn. Thím ráng mà nuôi nó. Ai quấy thì để cho họ quấy, thím cứ làm phải thì phật trời không phụ thím đâu. Thím lên Sài-Gòn làm ăn, nếu có xảy ra việc gì nguy biến, thì phải gởi thơ cho tôi hay. Còn chừng cháu sanh sản, thím cũng gởi thơ cho tôi biết coi con trai hay con gái”.
Đến khuya, mấy mẹ con thím giáo thức dậy sửa soạn đi. Bà Hương-Sư đưa một trăm đồng bạc mà nói rằng: “Bây giờ thím có tiền nhiều, nên tôi không cần giúp nhiều nữa mà làm gì. Thôi thím lấy một trăm đồng bạc đây để dành chừng nào con cháu sanh sản thì trả tiền nhà thương và mua thuốc men cho nó uống. Thím hãy nhớ, hễ có việc chi uất trắc thì gởi thơ về cho vợ chồng tôi hay”.
Thím giáo tạ ơn rồi từ giã mà đi. Ông Hương-Sư cho một người trong nhà dắt ra bến xe hơi mua giấy cho mấy mẹ con và coi lên xe ngồi tử tế rồi mới về.
Xe rút chạy, mẹ con thím giáo Điểu đã ngậm ngùi nỗi ly hương lại ái ngại thân lữ khách.