Bước tới nội dung

Cười gượng/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ăn uống xong rồi chuyện chơi tới mười một giờ khuya, ông Hương Sư mới cho xe hơi đưa mẹ con thím giáo với vợ chồng ba Lân về.

Lối ba giờ chiều, trời trong gió mát. Cô Hảo xin phép bà Hương Sư mà dắt con xuống Bến Thành coi cậu mợ dọn tiệm bán thuốc bắc ra thế nào. Bà Hương sư đã cho phép, mà bà còn biểu lấy xe hơi mà đi, rồi luôn dịp chạỵ thẳng vô Chợ Lớn, trước cho sắp nhỏ hứng mát, sau mua ít cây hàng về may áo quần cho chúng nó.

Cô Hảo thay đổi áo quần, đeo đồ nữ trang, sửa soạn cho sắp nhỏ, rồi mẹ con dắt nhau ra xe hơi mà đi.

Xe chạy rồi, vợ chồng Hương Sư ngồi trên lầu mà uống nước trà, Bà mới hỏi ông rằng:

- Con Hai lãnh bạc trúng số, nó cho cậu nó có hai ngàn, còn tới mười bốn muôn rưỡi. Mình phải tính làm vệc gì có lợi giùm cho nó, chớ gởi trong Băng hoài hay sao?

- Lo gì? Gởi trong Băng cũng có lựi vậy chớ. Tôi tính để thủng thầng coi gần đây có cái nhà nào bán thì tôỉ mua đặng cho thím giáo thím ở. Còn muốn làm lợi thì phải mua ruộng mớì chắc. Để coi ai bán ruộng rồi sẽ mua.

- Con nhỏ kỳ quá, trúng số được mười mấy muôn đồng bạc, mà nó coi cũng như không, nó không biết mừng. Con nhà nghèo mà không ham tiền.

- Tánh nó như vậy tôi chịu lắm.

- May nó mua số Thượng Hải nó trúng nên thiên hạ không hay, chớ nó đánh số bên này nó trúng thì nhựt trình la ó lên, rồi mặc sức ông lớn ông nhỏ bu lại mà cưới.

- Mình coi ý nó muốn lấy chồng hay không?

- Không có ý đó đâu, nó cứ lo nuôi con mà thôi.

- Bộ nó còn thương thằng Hồng Xương hay sao?

- Thương hay không thì không biết, chẳng bao giờ nó nói tới.

- Tôi vái cho nó không thèm lấy chồng, đặng nó hủ hỉ với mình.

- Nó thương hai đứa con nó lắm mà, chắc nó không lấy chồng đâu.

Hai ông bà mới nói chuyện tới đó thì có một tên bồi chạy lên thưa rằng:

- Bẩm bà, có bà Cả lên thăm ông bà.

- Bà Cả nào?

- Bẩm, bà Cả ở dưới Láng Dài.

Hai ông bà nhìn nhau, miệng chúm chím cười. Ông Hương Sư biểu tên bồi xuống trước coi trầu nước, rồi ông nói với bà rằng:

- Chị Cả lên chi đây kìa? May mẹ con con hai đi chơi hết, chớ nếu nó ở nhà nó gặp thì coi kỳ quá!

- Kỳ giống gì? Chị lớn chị bậy, thì chị mắc cở chớ nó có sao đâu mà sợ, nhứt là bây giờ nó giàu to, nó gặp chị coi còn ngộ nữa a...

- Thà là gặp nó ở đâu, chớ gặp trong nhà mình thì nhột nhạt quá!

- Ông nói phải lắm. Chẳng những là gặp trong nhà mình thì khó coi mà thôi, mà tôi cũng không muốn cho chị biết con hai bây giờ nó ra làm sao nữa. Thà để lâu nữa rồi tự nhiên chị hay, chị càng hổ thẹn nhiều. Để lát nữa tôi dặn bày trẻ đón ngoài cửa, nếu con hai đi chơi về mà chị Cả còn ở đây, thì nó biểu con hai đi thẳng lên thím giáo mà chơi.

- Tính như vậy hay lắm. Cho chị gặp dâu với cháu nội mà làm gì.

Ông Hương Sư biểu bà xuống. tiếp khách rồi một lát ông sẽ xuống sau. Bà Hương Sư xuống lầu, thấy bà Cả Hoàng mà lại có cô Bang Biện Hồng Hạnh với Tú Tài Tô Hồng Xương nữa. Bà chào hỏi và mời ngồi lăng xăng.

Ông Hương Sư nghe có tiếng của Hồng Hạnh và Hồng Xương nói, ông mới thủng thẳng đi xuống lầu. Ông chào chị đâu, mừng hai cháu rồi hỏi rằng: “Ở dưới bà con mình mạnh giỏi hết hả? Chị với hai cháu lên tới hồi nào?”

Hồng Xương đứng dậy thưa rằng: “Thưa lên tới hồi một giờ”.

Ông Hương Sư châu mày hỏi nữa rằng:

- Đi bằng thứ gì mà lên tới một giờ?

- Thưa, đi xe đò ở Bắc Liêu chạy hồi khuya. Bị đi đường xa, má cháu mệt, nên lên tới Sài Gòn cháu lấy phòng ngoài khách sạn cho má cháu nghỉ một lát, đợi trời mát rồi cháu mới dắt đi kiếm nhà chú đây.

- Lên trên này chơi hay là có việc chi?

- Thưa, lên thăm chú thím.

Bà Hương Sư bèn tiếp mà nói rằng:

- Nhà trên này rộng rãi quá sao không đi thẳng lên đây mà nghỉ, lại ở nhà ngủ làm chi cho bực bội vậy?

Cô Bang Biện đáp rằng:

- Thưa, má cháu không dám làm cực lòng chú thím. Lại ở nhà ngủ cho gần bến xe đặng khuya đi về cho tiện.

Bà Hương Sư nghe nói như vậy thì châu mày hỏi răng:

- Ủa! Khuya về hay sao? Lên chơi hay là có việc chi mà về gấp dữ vậy?

- Thưa, cũng có chuyện. Để một lát rồi má cháu nói cho chú thím nghe... Đi hết bỏ nhà không ai coi sóc, nên ở lâu không được.

Bà Cả Hoàng nãy giờ ngồi ăn trầu, bây giờ bà nghe con mở hơi ra rồi, bà mới tằng hắng mà nói rằng: “Ở nhà không có ai hết, cực chẳng đã phải ráng mà đi đây. Mấy mẹ con tôi lên đây trước là thăm chú thím, sau nói việc nhà cho chú thím rõ. Số là năm trước, lúa còn cao giá, vợ chồng tôi có mua một sở ruộng dưới kinh Quan Lộ. Vì trong nhà không đủ bạc, nên phải vay mượn của Chà-và ba chục ngàn. Mua đất đó bị thất luôn mấy năm, rồi kế bị lúa không có giá nữa, trả nợ không nổi. Mấy năm trước còn ráng mà trả tiền lời được, rút hai năm nay lúa giá tệ quá, trả tiền lời cũng không nổi. Ông mất rồi, chủ nợ làm gắt, nó vô đơn nó kiện. Nó được án, đã biên tịch hết thảy nhà cửa, trâu bò, ruộng đất của vợ chồng tôi đứng bộ. Vợ chồng tôi làm cực khổ quá mới có chút đỉnh sự nghiệp; nay chủ nợ thi hành phát mãi, thiệt đau đớn biết chừng nào. Vì vậy nên mấy mẹ con tôi lên đây tỏ thiệt công việc nhà cho chú thím thương và xin chú thím thi ân bố đức mà cứu giùm mẹ con tôi. Bây giờ tôi đã cùng thế rồi, chỉ trông cậy chú thím mà thôi, nếu chú thím không thương thì ắt phải bó tay chịu chết, chớ không biết làm sao được!”...

Vợ chồng Hương Sư ngồi lóng tai mà nghe, chừng bà Cả nói dứt rồi, ông Hương Sư mới đáp rằng:

- Giúp cho chị, tôi sẵn lòng lắm, mà giúp cách nào bây giờ?

- Chú thím cho mấy mẹ con tôi vay đủ số bạc trả nợ cho Chà-và đặng khỏi bị thi hành phát mãi, rồi thủng thẳng mẹ con tôi lần hồi làm mà trả lại cho chú thím.

- Vợ chồng tôi mua nhà phố, tiền bạc sạch bách, đâu còn mà giúp chị. Hồi chị đi cưới vợ cho Tú Tài, chị nói sui gia của chị giàu bực nhứt, lại dâu của chị là con út, hễ Tú Tài vô đó thì no lắm, vậy thì chị cậy sui gia giúp giùm cho.

Bà Cả Hoàng nghe nhắc chuyện cũ thì bà mắc cở, mặt mày sượng trân, song bà phải ráng cười gượng mà đáp rằng:

- Ối! Còn giống gì mà sui gia, chú?

- Ủa, sao vậy?

- Họ thiệt là không biết điều...

- Giàu lắm mà sao lại không biết điều?

- Bởí tôi thấy giàu tôi mê, nên tôi mới lầm. Vợ thằng Xương thấy tôi mắc nợ nó khinh khi tôi, ở được vài năm rồi nó bỏ thằng Xương nó về bển, nó lấy trai có chửa. Hôm đầu năm đây nó vô đơn tại Tòa mà kiện xin để. Tòa mới xử xong, đã lên án phá hôn thú rồi.

Ông Hương Sư quay qua nới với Hồng Xương rằng:

- Quả báo của cháu đó! Cháu thấy hay không?

Hồng Xương mắc cở, nên cúi mặt ngó xuống đất, không nói chi hết. Ông Hương Sư lại nói với bà Cả rằng:

- Chị có tài làm sui với nhà giàu. Bây giờ Tú Tài đã để vợ rồi. Vậy thì chị kiếm nhà giàu khác mà làm sui hoặc may người ta giúp cho.

- Nhà giàu ngã hết, ai cũng mắc nợ lút đầu. Mà dẫu có nhà giàu đi nữa, bây giờ họ thấy tôi suy sụp họ cũng không chịu làm sui với tôi. Tôi chắc bây giờ duy còn chú thím có nhiều tiền, xin chú thím cứu mẹ con tôi.

- Tôi đã nói tôi mua nhà phố hết tiền rồi. Mà dẫu tôi còn tiền cũng phải để hộ thân tôi chớ.

- Chú nói vậy, chớ làm sao mà chú thím hết tiền được. Chú thím không có con. Bề nào gia tài của chú thím ngày sau cũng về cháu nó hưởng.

- Chị rủa vợ chồng tôi hay sao?

- Không, nói chuyện mà nghe vậy chớ. Bề nào gia tài của chú thím ngày sau cũng về cháu hưởng. Vậy thì bây giờ chú thím giúp lần cho tôi trả nợ, đặng nó níu sự nghíệp của cha nó lại!

- Chị để ý về gia tài của vợ chồng tôi quá, nhưng mà chị tính sai. Tuy vợ chồng tôi không có con đẻ, song cũng có con cháu nuôi chớ. Chừng nào vợ chồng tôi chết thì con nuôi tôi nó hưởng gia tài, chớ cháu hưởng sao được.

- Con nuôi mà hưởng gia tài sao được?

- Chừng vợ chồng tôi già, tôi làm rành rẽ chớ. Hoặc tôi làm chúc ngôn, hoặc tôi ra giữa Tòa tôi nhận là con tôi đẻ thì nó ăn gia tài được chớ gì.

- Con nuôi là người dưng, sao cho bằng cháu ruột là người trong thân tộc.

- Con nuôi mà nó ở có nghĩa thì cũng qúy vậy chớ.

- Chú nói như vậy, thì chú không thương hai đứa con tôi.

- Ruột thịt của tôi sao lại không thương. Nhưng mà người dưng mà họ ở có nghĩa, nhiều khi mình còn thương hơn là ruột thịt nữa.

Bà Cả cầu cứu, mà bà bị nạng ra hoài, nên bà ngồi buồn hiu, không còn phương thế chi mà nói nữa.

Cô Bang Biện thấy vậy cô mới chen vô khóc lóc và năn nỉ. Ông Hương Sư khăng khăng một lòng, không chịu giúp tiền trả nợ.

Mẹ con bà Cả năn nỉ tới gần tối mà cũng không đắc lời, trong lòng phiền, nên cáo từ mà trở xuống khách sạn đặng khuya về Bắc Liêu. Vợ chồng Hương Sư cầm ở lại ăn cơm, mời hết sức mà bà Cả không chịu, nên phải để cho mẹ con bà về.

Vợ chồng Hương Sư đưa ra cửa, thì ngoài đường đã đỏ đèn rồi. Ông Hương Sư hỏi Hồng Xương rằng:

- Chủ nợ biên tịch, mà có yết thị định ngày phát mãi hay chưa?

- Thưa, chưa. Chừng nào yết thị định ngày bán thì cháu sẽ cho chú hay.

- Cho hay đặng chú xuống coi chơi, chớ có biết làm sao!

Mẹ con bà Cả vừa bước ra khỏi cửa ngõ, thì xe hơi cô Hảo về tới, quanh vô cửa. Hai đàng gặp nhau, mà vì trời đã tối rồi, nên có lẽ không nhìn nhau được.

Cô Hảo về, mà vợ chồng Hương Sư không thuật việc mẹ con bà Cả đến nhà cho cô hay, lại hỏi thăm ba Lân dọn tiệm thuốc xong rồi hay chưa. Cô Hảo giúp được cho cậu làm ăn, thì cô lấy làm đắc ý, nên nghe hỏi thăm, cô liền đáp rằng: “Thưa, tiệm dọn xong rồi hết, dọn tốt quá. Cậu con có nói nay mai gì đây sẽ lên mời chú thím xuống dự tiệc rượu khai trương”.

Thiệt vợ chồng ba Lân mướn một căn phố lầu gần nhà ga xe lửa, dọn một tiệm thuốc bắc treo bản hiệu “KỲ LÂN ĐẠI DƯỢC PHÒNG”, tủ kệ mới tinh, chứa đủ thứ cao đơn hoàn tán, biểu thằng Hòa thôi làm nhà in về tiệm phụ coi bán thuốc.

Tối bữa sau, vợ chồng ba Lân lên mời vợ chồng Hương Sư xuống tiệm dự tiệc khai trương, lại căn dặn cô Hảo cũng phải đi và dắt hai đứa nhỏ theo với.

Tiệc rượu khai trương dọn rất trang hoàng. Ba Lân bịt khăn đen, bận áo lót mới, đi giày tây mới, đứng tiếp khách, bộ nghiêm chỉnh cao thượng phải mặt danh y, khác tướng mạo thầy bói ngày truớc xa lắm. Khách đông gần ba chục người, trừ vợ chồng Hương Sư cùng thím giáo Điểu, cô Hảo ra, thì toàn là thầy thuốc với chủ tiệm bào chế thuốc.

Tiệc mãn, vợ chồng Hương Sư với cô Hảo lên xe mà về, ông Hương Sư khen rằng: “Chú ba Lân làm coi được quá. Chú có vốn, chú chế các thứ thuốc như họ chú bán ít năm đây chú giàu chớ gì”.

May trong lúc này có một cái nhà bánh-ích[1] ở đường Mayer treo bản rao bán. Cái nhà ấy ở cách nhà ông Hương Sư chừng vài trăm thước. Vơ chồng Hương Sư dắt cô Hảo lại coi, thấy nhà còn mới, đất cũng rộng, nên trả giá bảy ngàn mà mua liền, để tên cô Hảo đứng bộ. Mua nhà xong rồi, ông Hương Sư mới mua ghế, giường, tủ, ván, mà dọn rực rỡ, rồi biểu cô Hảo rước mẹ với em về đó mà ở cho thong thả, còn cô với hai đứa con của cô thì cũng ở luôn với vợ chồng Hương Sư, vì bà Hương Sư không chịu lìa mẹ con cô. Tuy ở riêng, song ở gần, nên mỗi ngày cô Hảo đều có dắt sắp nhỏ về thăm mẹ, hoặc thím giáo chạy lại chơi, hai nhà như một, đúng bực phong lưu, không ham tiền mà vẫn có tiền, vợ chồng Hương Sư không con mà bây giờ cũng như có con, mẹ con thím trước kia nhục nhã mà bây giờ lại được mọi người kính trọng.

Ông trời cắc cớ lắm?...

Một bữa nọ, ông Hương Sư Thiện tiếp được thơ của Hồng Xương cho hay rằng Trưởng Tòa đã dán yết thị định ngày bán ruộng đất, nhà cửa. Trong thơ chàng năn nỉ xin chú cứu giùm, như chú không chịu ra bạc trả nợ, thì ngày đấu giá bán xin chú làm ân mua giùm nhà cửa với sở ruộng có mộ ông bà lại, đặng chàng có chỗ ở và có thế làm mà nuôi mẹ già.

Hôm truởc ông Hương Sư nói nặng nhẹ chị dâu mà ông không ăn năn chút nào hết. Nay ông đọc thơ của Hồng Xương rồi, thì trong lòng ông lại buồn. Ông nằm dàu dàu coi bộ ông suy nghĩ lắm.Đến tối ông lên lầu nói chuyện với bà một hồi, rồi ông kêu cô Hảo lên mà nói rằng:

- Chú cho con hay, hồi trưa chú có được thơ của thằng Hồng Xương gởi lên nói rằng anh Cả mất để nợ lại, chủ nợ kiện nên biên tịch nhà cửa ruộng đất đem ra giữa Tòa giảo giá bán. Con có bạc nhiều, mà gởi trong Băng không có lời bao nhiêu. Chú muốn lấy bạc ấy mà mua hết ruộng đất nhà cửa của anh Cả giùm cho con, đặng con thâu góp huê lợi, con bằng lòng hay không?

Cô Hảo không hay biết việc gì hết, trong trí cô tưởng vợ chồng ông Cả Hoàng giàu lắm, bởi vậy cô nghe nói bị chủ nợ kiện phát mãi nhà cửa ruộng đất thì cô chưng hửng, cô đứng ngó vợ chồng ông Hương Sư trân trân rồi đáp rằng:

- Chú tính lẽ nào tự ý chú, con có biết chi đâu.

- Chú cũng có bạc. Nếu chú lấy bạc của chú mà mua cũng được. Song chú muốn cho con mua, đặng ngày sau con Hồng với thằng Tô nó làm chủ sự nghiệp của ông nội chúng nó vậy mà.

- Cha chả! Chú làm như vậy thì còn gì thể diện của bà Cả với cậu Tú Tài.

- Con khéo lo dữ không! Vậy chớ hồi trước ai lại kể thể diện của con? Nếu con vì liêm sĩ con không nỡ mua, để cho người khác mua lại còn khổ hơn nữa!...

- Con nói mà nghe, chớ chú liệu thế nào phải thì thôi, con đâu dám cãi.

- Chú tính cho con mua, song con chẳng cần ra mặt làm chi. Để tới bữa đấu giá chú dắt một ông Trạng Sư đi theo đặng ông đứng ông đấu giá cho thiên hạ khỏi biết con. Chừng đấu xong rồi ông sẽ nói với Tòa sang tên cho con đứng, làm như vậy thì thiên hạ biết sao nổi.

- Nếu chú làm kín như vậy thì tốt lắm: Mà ông Cả giàu lớn, tại sao đến nỗi bị thi hành phát mãi?

- Con tưởng hễ ai giàu thì giàu hoài, còn ai nghèo thì nghèo hoài hay sao? Hồi trước giàu thì bây giờ phải nghèo, cũng như con hồi trước nghèo thì bây giờ được giàu. Thiên địa tuần hườn, có lạ gì. Thôi, việc mua ruộng đất để chú lính cho. Bây giờ có ai giành đâu mà lo, đấu giá mua gộp hết chừng vài ba chục ngàn chớ bao nhiêu.

Ông Hương Sư viết thơ trả lời cho Hồng Xương: ông nói rằng ông nghe có người muốn giành mua hết sự nghiệp Tòa bán đó, song bề nào đến bữa Tòa giảo giá bán thì cũng có mặt ông tại đó.

Vì ông đã có tính trước với một vị Trạng Sư, nên còn một bữa nữa tới đấu giá, ông ngồi xe hơi lại rước vị Trạng Sư ấy đi Bắc Liêu với ông. Xuống tới Bắc Liêu ông để vị Trạng Sư ở ngoài nhà hàng, còn ông thì ông vô trong nhà cũ của ông mà ở.

Xe ngừng trước cửa, thì ông thấy bà Cả với cô Bang Biện Hồng Hạnh và Tú Tài Hồng Xương đã lên chực sẵn trong nhà mà rước ông. Mấy mẹ con bà Cả khóc lóc năn nỉ quá, làm cho ông khó chịu vô cùng. Bà Cả bây giờ nhỏ nhoi khiêm nhượng chớ không có giọng cao giọng thấp nữa; ông Hương Sư thấy vậy động lòng thương, ông không nỡ nói cay nói đắng. Song việc ông đã nhứt định thì ông không chịu đổi ý, ông cứ nói để mai ra đấu giá, nếu có rẻ thì ông sẽ mua giùm cho, bằng có mắc thì thôi.

Bữa sau ra giữa Tòa, quan Chánh Tòa vừa ra giá thì ông Hương Sư đấu trước. Người Chà-và chủ nợ sợ người ta mua giá rẻ thì không đủ số nợ của mình, bởi vậy anh ta bốc cất giá chồng lên. Ông Trạng Sư chụp gác giá lần nữa, rồi đó, Trạng Sư với chủ nợ tranh nhau đấu tay đôi, ông Hương Sư không thế chen vô được.

Đấu rời từ miếng xong rồi, bây giờ Tòa gộp lại mà ra giá chung là ba chục ngàn. Ông Hương Sư lắc đầu, day lại nói với bà Cả rằng: “Theo bây giờ giá đó mắc lắm. Thôi, ai muốn mua thì để cho người ta mua”.

Ông Trạng Sư chịu mua ba chục ngàn năm trăm đồng.

Người Chà-và thấy mình đã lấy đủ số nợ, nên không theo nữa. Tòa kêu đủ ba lần mà không ai trả lên, nên cho ông Trạng Sư đấu được.

Mẹ con bà Cả ngồi chồm nhôm (chùm nhum) trong góc mà khóc.

Ông Trạng Sư qua phòng Lục sự xin sang tên cho Đặng Thị Hảo đứng mua, rồi ông trở ra nhà Hàng. Ông Hương Sư đi về nhà, mẹ con bà Cả đi theo. Bà Cả khóc than không biết chỗ đâu mà ở.

Ông Hương Sư cười mà nói rằng: "Tôi biết ông Trạng Sư đấu giá hồi nãy đó, không phải ông đấu cho ông. Ông thay mặt mà đấu cho một người đờn bà góa ở trên Sài Gòn. Người đờn bà ấy giàu lớn, có nhà cửa tử tế, không lẽ người ta mua được rồi đuổi chị ra khỏi nhà mà sợ. Để tôi về trển tôi nói giùm đặng chị ở luôn đó, rồi thủng thẳng tôi nài lại một hai miếng ruộng cho chị làm kiếm cơm ăn. Không có sao đâu, chị đừng lo."

Bà Cả lau nước mắt mà đáp rằng:

- Nếu chú nói giùm được thì mẹ con tôi mang ơn.

- Còn Hồng Xương vợ để rồi, sao không kiếm chỗ mà lo vợ khác cho nó?

- Bị nợ nần tôi rầu muốn chết, lo vợ cho nó sao được. Chú có thương nó, chú có chỗ nào được thì chú làm ơn lo giùm cho nó, chớ tôi bây giờ còn tiền bạc đâu mà lo nổi.

- Được. Nếu chị giao cho tôi lo thì tôi sẽ lãnh mà lo cho nó.

Ông Hương Sư day lại hỏi Hồng Xương rằng:

- Cháu ưng đàn bà góa hay không? Cháu có một đời vợ rồi kiếm con gái sao được?

- Thưa, cháu đã thèm, hết muốn cưới vợ nữa.

- Sao vậy? Phải có đôi bạn đặng lo làm ăn chớ.

- Cháu đã có vợ giàu có tử tế quá mà rồi có ra gì đâu. Thà ở một mình cho khỏi cực lòng.

- Tại má cháu ham giàu, làm sui bậy bạ, chớ nếu chú đứng làm sui thì chú lựa chỗ biết nhân nghĩa, có phải vậy đâu. Cháu chịu hay không?

- Thưa, chú thương chú dạy lẽ nào cháu cũng phải vâng.

- Được. Chú thấy có một chỗ giàu lắm, ngặt đã có tới hai đứa con.

- Thưa, có hai đứa con cũng không hại gì, mà họ giàu thì cháu ngại quá.

- Ngại nỗi gì?

- Cháu bị một lần, bây giờ cháu thất kinh. Họ giàu còn mình nghèo, họ khinh dễ mình chịu sao nổi.

- Cháu tưởng ai cũng như con vợ trước của cháu vậy sao? Hồi truớc cháu khi con nhà nghèo, nên trời sắp đặt một con nhà giàu nó khi cháu cho cháu tởn chớ. Chú sẽ kiếm vợ cho cháu, nó giàu mà không khi cháu đâu.

Hồng Xương làm thinh, coi bộ hết sốt sắng về sự cưới vợ giàu nữa.

Ăn cơm rồi, mấy mẹ con bà Cả từ giã ông Hương Sư mà về trước. Ông Hương Sư cho xe hơi đưa đi. Chừng lên xe, ông kêu Hồng Xương mà dặn lằng: “Việc lo vợ cho cháu, để chú dọ ý người ta rồi chú sẽ viết thơ cho cháu hay”.

Xe hơi đưa mấy mẹ con bà Cả xuống Láng Dài rồi trở về, thì ông Hương Sư ra nhà hàng rước ông Trạng Sư rồi cũng tuốt về Sài Gòn liền.

Ông Hương Sư Thiện về đến nhà, ông cho vợ với cô Hảo hay rằng ông cậy Trạng Sư mua hết sự nghiệp của ông Cả giùm cho cô Hảo, giá ba chục ngàn năm trăm đồng, nếu cộng tổn phí thì chừng ba mươi lăm ngàn. Ông nói bao nhiêu đó mà thôi, chớ không nói chuyện chi khác.

Bữa sau ông nghỉ khỏe rồi, ông mới sai bồi đi mời thím giáo Điểu lại cho ông nói chuyện. Ông ở trên lầu, chừng thím giáo lại tới thì bà Hương Sư dắt lên, bà lại kêu cô Hảo đi theo nữa.

Ông Hương Sư mời thím giáo ngồi, biểu vợ với cô Hảo ngồi một bên đó, rồi ông chẫm rãi nói rằng: “Bữa nay tôi nói hết việc nhà cho thím giáo với con hai nghe. Thằng Hồng Xương nó là ruột thịt của tôi. Tôi không có con, nên hồi trước tôi thương nó lắm. Tuy vợ chồng tôi không nói ra, chớ đã tính ngày nào vợ chồng tôi theo ông theo bà, thì để hết gia tài của vợ chồng tôi cho nó hưởng. Ở nhà tôi thì không có cháu, còn kiến họ Tô của tôi thì chỉ có một mình nó là trai, không để cho nó thì để cho ai. Nó học khá, thi đậu bực Tú Tài thì tôi mừng quá, tưởng nó có học thức ngày sau nó đủ sức mà nối nghiệp cho cha nó và cho tôi được.

Bữa tôi xuống Láng Dài tôi thăm, thình lình tôi hay nó tư tình với con hai đã có nghén rồi mà nó còn tính đi cưới vợ khác thì tôi bất bình lắm. Tôi khuyên nó ở đời phải giữ nhân nghĩa, chẳng nên “tham phú phụ bần”. Nó phải cưới con hai đặng một là cứu giùm danh dự cho con hai, hai nữa khỏi mang cái tội ác, ba nữa khỏi mang tiếng ham giàu. Nó nghe nói Bá hộ Chịnh giàu lớn nó mê, nó tính cưới con người ta đặng ngày sau ăn gia tài, bởi vậy nó không chịu nghe lời tôi. Còn chị Cả thì chỉ biết tham tiền, chớ không biết nhân nghĩa là gì; tôi nói quấy phải cho chị nghe, chị đã gạt ngang, mà chị còn trả lời nhiều ttếng nghe nhơ nhớp, độc ác hết sức. Chị dám nói Hồng Xương cưới con Bá hộ Chịnn ngày sau nó giàu hơn tôi nữa đa. Chị nói nhiều lời mích lờng quá. Vợ chồng tôi thấy cái óc của mẹ con chị Cả thiệt dững dưng!... Bữa nay tôi nói thiệt cho thím giáo biết, từ ngày ấy vợ chồng tôi nhất định không nhìn tới thằng Hồng Xương nữa mà cũng không thèm bước chân tới nhà chị Cả, thà gia tài của vợ chồng tôi đó sung vô mấy chùa phật, hoặc dưng cho mấy sở nuôi con nít mồ côi còn phải nghĩa hơn”.

Ông Hương Sư nhắc chuyện cũ mà ông hãy còn giận, nên ông đứng dậy đi rót nước trà mà uống cho hạ bớt cái nộ khí của ông.

Bà Hương Sư day qua nói với thím giáo rằng: “Hồi đó vợ chồng tôi giận lắm. Ngặt vì con của chị Cả thì chị muốn nói vợ nơi nào tự ý chị, mình ép sao được. Mà thằng đó nó xuôi thuận theo chị, thì còn gì nữa mà nói.

Mẹ con thím giáo ngồi nghe không nói chi hết.

Ông Hương Sư đốt một điếu thuốc mà hút và nói tiếp rằng: “Đến chừng thím bỏ xứ dắt sắp nhỏ lên Sài Gòn mà ở, thì vợ chồng tôi đau đớn hết sức, mà lại còn thêm ghét chị Cả với thằng Hồng Xương nữa. Đám cưới của Hồng Xương, anh Cả có sai nó lên mời mà vợ chồng tôi không thèm xuống. Làm việc bất nghĩa như vậy, mình dự vô làm gì. Vợ chồng tôi không thèm dự đám cưới đó, mà tính để đợi con hai nó đẻ rồi thì vợ chồng tôi lập thế nuôi mẹ con nó, sau để gia tài cho mẹ con nó hưởng, làm bỏ ghét chơi. Mà con của con hai bề nào cũng là máu thịt của họ Tô, nó ăn gia tài của tôi thì phải lý lắm nữa. Té ra thím lên Sài Gòn rồi bặt tin, vợ chồng tôi có đi kiếm mấy lần mà kiếm không được. Đến chừng vợ chồng tôi gặp được, mới hay con hai sanh tới hai đứa con, thiệt vợ chồng tôi mừng không biết chừng nào! Có trước mặt thím giáo đây, bữa nay chú nói thiệt cho con hai biết: chú thím đem con với hai đứa nhỏ về nuôi, thì chú đã quyết ý ngày sau chú lập tự cho thằng Tô với con Hồng, đặng để gia tài cho hai đứa nó hưởng, coi thằng cha với mụ nội nó làm sao giàu hơn nó được thì giàu đi. Người phải, lại được Trời phật độ mạng, khiến cho con trúng số nữa, coi đó, có phải ở đời chẳng cần tham tiền, hễ mạng có thì tự nhiên làm giàu hay không? Bụng chú có sao thì chú nói vậy, tuy chú ghét mẹ con chị Cả, song thuở nay chú chẳng hề rủa cho chị Cả mạt, hay là vái cho vự chồng Hồng Xương rã rời. Nhưng mà Phật trời cũng công bình lắm, thấy cái nhà đó tham tiền thì cho sự nghiệp điêu tàn, căn duyên điên đảo đặng họ ăn năn sám hối mà chừa cái thói bất nhân bất nghĩa. Bận chú về đám ma anh Cả, chú mới hay chị Cả mua đất nên mắc nợ mấy muôn, không thể trả nổi. Còn vợ của thằng Hồng Xương thì nó ỷ giàu, không kể chồng với cha mẹ chồng chút nào hết; nó thấy nhà suy sụp nó lại bỏ đi về bên cha mẹ nó, rồi lấy trai có chửa, lại vô đơn kiện xin để tưng bừng. Con hai với thím giáo nghĩ đó mà coi, có phải là quả báo đó hay không? Chị Cả tham tiền, bây giờ chị tàn mạt. Hồng Xương ở bất nghĩa lấy con hai có chửa bỏ đi cưới vợ giàu, nên khiến vợ nó bây giờ lấy người khác có chửa rồi cũng bỏ nó. Có vay có trả, lẽ trời thiệt là công bình.

Ông Hương Sư nói tới đó, kế có một thằng bồi lên lấy bình nước đem chế thêm, nên ông ngừng lại, không muốn cho tôi tớ biết việc riêng của ông.

Mẹ con thím giáo nghe rõ việc nhà của bà Cả với việc vợ của Hồng Xương, thì chắc lưỡi lắc đầu thở ra, chớ không đút miệng vô mà nói chi được.

Ông Hương Sư đợi bồi xuống lầu rồi ông mới nói tiếp rằng: “Hôm trước mấy mẹ con chị Cả có dắt nhau lên đây khóc lóc nói chủ nợ kiện đã biên tịch gia tài hết và xin hai vợ chồng tôi ra bạc giùm đặng trả nợ. Nhân dịp ấy tôi mới nói chuyện phải chuyện quấy cho mẹ con chị nghe, tôi làm cho một xừ mẹ con mắc cỡ dữ. Bữa họ lên đó con hai mắc dắt sắp nhỏ đi chơi nên nó không gặp. Tôi nhớ hồi xe nó về tới cửa ngõ, thì ba mẹ con chị Cả vừa đi ra, song mắc trời tối nên nó không biết.

Cô Hảo nói rằng: “Thưa chú, hôm đó con thấy chớ. Song chừng vô nhà chú thím không nói chuyện đó với con, nên con phải giả làm lơ như không thấy”.

Bà Hương Sư cười ngất mà nói rằng: “Con thấy hay sao? Nè, tôi không có bụng ác, chớ phải tôi như người ta, tôi cầm ở lại cho tới mẹ con nó về nó bẹo chơi thì chị Cả với Hồng Xương mắc cở chịu sao nổi”.

Ông Hương Sư nói rằng: “Thôi ai phải ai quấy có Phật trời biết. Mình làm nhục cho người ta mà làm chi. Sau đây Hồng Xương nó gởi thơ cho tôi hay rằng Tòa đã định ngày bán và năn nỉ xin tôi ra bạc mua giùm lại, như mua hết không được thì cũng mua cái nhà với miếng ruộng có mồ mả ông bà, đặng mẹ con nó có chỗ ở và có thế kiếm cơm ăn. Thiệt tôi giận tôi không muốn can thiệp đến, mà chừng thấy thơ nó nói như vậy, thì tôi động lòng. Tôi mới nói việc đó cho con hai hay và tính để nó đứng mua đặng làm bỉ mặt chị Cả chơi. Hôm xuống Bắc Liêu đấu giá mua đó nhờ Trạng Sư đứng trả giá, nên mẹ con chị Cả không dè. Mà mẹ con chị khóc lóc than thở quá, thật tôi chịu không nổi. Bây giờ chị Cả mềm mỏng nhỏ nhoi lắm, chớ không phải ỷ tiền, ỷ thế như hồi trước nữa. Còn Hồng Xương thì nó ăn năn, nó thất kinh, hết ham cưới vợ giàu nữa rồi! Tôi tưởng ở đời mình phải lấy lòng từ bi mà hỉ xả thì mới trúng đạo làm người. Bây giờ mẹ con chị Cả đã biết lỗi, xuống nước thì mình không nên cố chấp. Tôi nói với thím giáo như vầy: chắc là con hai của mình với thằng Hồng Xương có nhân duyên với nhau, nên ông Tơ bà Nguyệt mới khiến hai đứa nó lẹo tẹo rồi lại sanh con, sanh con tới một cặp rất đích đáng. Tại nhân duyên trắc trở sao đó, nên mới khiến trước phải tan một hồi rồi sau mới hiệp được. Bây giờ Hồng Xương đã phá hôn thú xong rồi, tôi muốn thím gả con hai cho nó, đặng vợ chồng sum hiệp, cha con vầy đoàn, thím nghĩ thử coi được không”.

Thím giáo nghe hỏi cái chuyện thím không dè mà tính trước, bởi vậy thím bối rối, ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi đáp rằng: “Ông bà thương mẹ con tôi, ông bà muốn thế nào mẹ con tôi cũng vâng chịu hết. Đều sợ nói ra mà bà Cả và cậu Tú Tài không chịu, thì mẹ con tôi còn mang xấu một lần nữa”.

Bà Hương Sư hớt mà trả lời rằng: “Thím khéo lo dữ không! Họ cầu mà chịu chớ. Trời ơi! Sợ con hai nó không thèm lấy chồng, chớ sức nó bây giờ hễ nó ưng thì thiếu gì bực Phủ, Huyện hoặc Cử nhơn, Tấn sĩ họ áp tới”.

Ông Hương Sư cười mà nói rằng: “Thím giáo có tính khiêm nhường, nên thím mới sợ như vậy. Thiệt việc mẹ con con hai tôi giấu kín lắm, tôi chưa nói cho mẹ con chị Cả biết. Nhưng mà tôi chắc hễ tôi nói ra thì mẹ con chị Cả mừng lắm, chớ có lý nào lại không chịu. Chú tính như vậy đó, ý con hai nghĩ thế nào, con nói cho chú nghe thử coi?”.

Cô Hảo liền đứng dậy nói một cách rất quả quyết rằng: “Thưa chú thím, thân con nhơ nhuốc, chú thím ra công tắm gội đặng cho thiên hạ trông vào tưởng là trong sạch; thân con nghèo nàn, chú thím thi ân tế độ làm cho cả nhà đều được ấm no. Con thường nói: nếu con phải chết mà đền ân đáp nghĩa cho chú thím được, thì con rất vui mà chết liền. Con chẳng tiếc thân con chút nào hết. Chú thím đã biết ngày trước cậu Hồng Xương đối với con, cậu ở bất nghĩa lắm! Con nói thiệt, nếu con không mang ân chú thím, nếu con không có bạc muôn của chú thím làm ra cho con đó, nếu con còn loi nhoi trong một căn phố dơ dáy bên Khánh Hội, dầu cậu Hồng Xương xe bạc đến xin cưới con, tuy nghèo thì con chịu, chớ con cũng không thèm. Ngặt bây giờ nhà cậu Hồng Xương suy sụp, còn phận con thì con nhờ chú thím nên con được sang giàu, nếu con kháng cự không ưng chịu cậu, thì té ra con được giàu rồi con phụ khó. Huống chi hồi nãy chú đã biểu con phải lấy chữ từ bi mà hỉ xả. Câu ấy làm con động lòng không biết chừng nào. Vậy con xin thưa với chú thím, tuy con đã nguyện không thèm lấy chồng, nhưng mà bây giờ cậu Hồng Xương xin cưới con thì con ưng, con ưng đặng con đỡ cho gia đạo của cậu đứng dậy, con ưng đặng con gỡ giùm tội ác cho cậu, nhứt là con ưng đặng con đền ân tế độ của chú thím”.

Ông Hương Sư nghe mấy lời đạo nghĩa thì ông cảm xúc hết sức, ông ngó ngay cô Hảo mà nói rằng: “Chú nuôi con thiệt là đáng lắm!”.

Bà Hương Sư nghe cô Hảo ưng Hồng Xương thì bà mừng, nên bà nói rằng: “Thôi, làm như vậy cho xong. Này, mà như Hồng Xương nó cưới con về dưới Láng Dài thì về một mình, chớ thím không cho đem hai đứa nhỏ theo đa, Hai đứa nó phải ở trên này đặng hủ hỉ với chú thím”.

Thím giáo với ông Hương Sư đều cho lời nói ấy là phải. Cô Hảo tuy thương con, song cô cũng không đám cãi. Ông Hương Sư bèn viết thơ mời bà Cả lên đặng tính việc hôn nhân, trong thơ lại dặn Hồng Xương phải đi theo nữa.

Bà Cả bây giờ kiêng nể ông Hương Sư lắm, bởi vậy bà tiếp được thơ thì bà mượn cô Bang Biện coi nhà rồi dắt Hồng Xương lên Sài Gòn liền.

Chuyến này xe hơi lên tới, thì mẹ con bà Cả đi thẳng lên nhà Hương Sư, chớ không ghé khách sạn nữa. Bà Cả bận một cái áo xuyến cũ với một cái quần lãnh nhục nhục, còn Hồng Xương thì bận một bộ đồ tây bố xám, bị đi xe hơi đường xa nên nhàu (nhầu) nhè không còn lằn.

Buổi trưa ấy, cô Hảo dắt hai đứa con lại thăm mẹ, nên khi mẹ con bà Cả đến thì không có cô ở nhà.

Vợ chồng Hương Sư tiếp khách ở từng dưới, kêu bồi lấy trầu chế nước, hỏi thăm công việc dưới Láng Dài, chớ chưa nói tới chuyện hôn nhân.

Cách chẳng bao lâu, cô Hảo đi chơi về, cô mặc áo quần bằng lụa trắng, tay ôm dù cán cụt với bốp đầm, chân mang giầy (giày) cao gót, con Hồng cũng mặc đồ như má nó, còn thằng Tô thì bận đồ tây cổ lật, quần nỉ vắn. Cô Hảo dắt con bước vô nhà, cô thấy bà Cả với Hồng Xương thì cô chắp tay cúi đầu mà chào, thủng thẳng đi lại cái giá áo mà cất cây dù, rồi khoan thai bước vô đứng tại cửa sau mà ngó xuống nhà bếp. Còn con Hồng với thằng Tô thì chúng nó kêu ông nội, bà nội om sòm, rồi chạy a lại, đứa ôm ông Hương Sư, đứa ôm bà Hương Sư mà nói lăng líu.

Cô Hảo nhờ y phục, lại có trang sức, nên cô đổi sắc, làm cho bà Cả nhìn không được, lại thêm có hai đứa nhỏ đi theo nên thiệt bà không biết là ai. Còn Hồng Xương, chàng vừa ngó thấy cô Hảo thì chàng đã biết liền, bởi vậy chàng chưng hửng cứ chong mắt ngó theo cô mà trong lòng ái ngại quá.

Bà Cả hỏi bà Hương Sư rằng:

- Hai đứa nhỏ này là con của ai?

- Cháu nội của tôi.

- Thím nó làm sao mà có cháu nội được?

- Ai mà dở như chị vậy, có con trai mà không có cháu nội. Vợ chồng tôi không có con mà có cháu nội mới giỏi chớ!

- Hai đứa giống nhau quá, mà lại có một chạn[2].

Bà Hương Sư nắm tay dắt hai đứa nhỏ lại đứng ngay trước mặt Hồng Xương mà hỏi rằng:

- Cháu coi hai đứa này giống ai?

Hồng Xương đứng dậy ngó hai đứa nhỏ rồi chảy nước mắt mà không dám rờ tới. Hai đúa nhỏ đứng nhìn Hồng Xương, ngó bà Cả, rồi vụt chạy lại ôm má nó. Cô Hảo day lại. Bây giờ bà Cả nhìn được rồi, nên bà đứng khựng một hồi rồi nói rằng: “Cô này là con của...”

Bà Hương Sư hớt mà đáp rằng: “Phải. Nó là con của thím giáo Điểu. Hôm trước nó cậy Trạng Sư mua hết sự sản của chị đó đa”.

Bà Cả mắc cở, mặt sượng trân.

Hồng Xương đứng xụi lơ mà hai giọt nước mắt chảy xuốnng mặt.

Ông Hương Sư không nỡ để cho mẹ con bà Cả hổ thẹn nhiều hơn nữa, nên ông nói với bà Cả rằng: “Nó trúng số mười mấy muôn, nên nó giàu lắm. Nó mua nhà cho má nó ở gần đây, nó lập tiệm cho cậu nó bán thuốc bắc dưới chợ Bến Thành, nó còn tính sắm ruộng đất đặng thêm huê lợi, nên nó mới mướn Trạng Sư đấu giá mà mua hết đất của chị đó. Chị thấy cuộc đời hay chưa?”.

Bà Cả gượng cười ngỏn ngoẻn mà đáp rằng:

- Bây giờ tôi mới thấy. Tôi nghĩ lại thiệt tôi quấy quá. Hồi đó tôi không nghe lời chú nó, mà tôi lại còn nói mích lòng chú nó nữa chớ. Chắc tôi phải cạo đầu đi tu.

- Chị biết chị quấy cũng đủ rồi. Mấy năm chị chịu buồn rầu, chị bị nhục nhã, thì chị chuộc cái tội của chị đã được rồi. Song tôi khuyên chị từ rày về sau chị phải trừ cái chứng tham thì chị mới định tâm mà hưởng vui sướng được!...

- Từ rày về sau tôi cứ nghe lời chú nó, tôi không dám cãi nữa. Mà cô đó sao lại có tới hai đứa con?

- Nó đẻ song thai chớ sao.

- Cha chả? May dữ há!

Bà Hương Sư thấy bà Cả mừng thì cười mà nói rằng:

- Chị đừng có mừng. Cháu nội của tôi, chị bắt không được đâu. Chị có giỏi lắm, cầu bắt mẹ nó đó mà thôi.

- Thím nó nói sao tôi phải nghe vậy, tôi đâu dám cãi

Ông Hương Sư kêu cô Hảo biểu sai bồi đi mời thím giáo lại chơi. Cô Hảo truyền lịnh rồi cô coi trầu nước, ra vô như thường, không ái ngại chi hết. Cử chỉ của cô tự nhiên chừng nào, thì Hồng Xương càng khó chịu chừng nấy, bởi vậy chàng nhắc ghế ngồi trong góc, mắt cứ ngó cô rồi ngó hai đứa nhỏ, mà không nói được một tiếng.

Cách một lát, thím giáo Điểu lại tới, quần áo nhổn nha, tóc tai vén khéo, tay xách giỏ trầu, chân mang giày nhung. Thím vừa bước vô cửa, thì bà Cả la lên rằng: “Thím giáo, thím giáo mạnh giỏi hả? Đi mấy năm nay sao thím không về dưới chơi lần nào hết vậy?”

Thím giáo cười mà đáp rằng: “Ủa bà đây mà. Thưa bà mới lên tới?” Thím lại thấy Hồng Xương đứng trong góc, đương chắp tay xá thím thì thím nói rằng: “Có cậu Tú lên nữa mà”.

Bà Hương Sư kéo một cái ghế mà nói rằng: “Ngồi đây thím giáo, ngồi nói chuyện chơi thím”.

Bà Cả với thím giáo nói chuyện, mà coi bộ bợ ngợ lắm. Ông Hương Sư muốn cho mọi người đều khỏi cực lòng, nên ông khởi đầu nói rằng: “Bữa nay tôi mới nói thiệt cho chị biết. Chị chê con Hảo nghèo hèn, chị xô đuổi nó, để chị cưới con nhà giàu cho Hồng Xương. Tòi kiếm tôi nuôi mẹ con nó, bây giờ nó như vậy đó. Chị coi con của Bá Hộ bằng nó hay không? Nó trúng số mười mấy muôn, nó hay chị bị chủ nợ thi hành phát mãi, nó mua giùm hết gia tài của chị đặng để dành cho con nó. Hôm tôi hay Hồng Xương phá hôn thú và chị cậy tôi kiếm chỗ mà cưới vợ khác cho nó, thì tôi nghĩ bây giờ cưới chỗ nào cũng không bằng con Hảo, cưới nó thì tiện mọi bề. Vậy tôi mới mời chị lên đây cho hai đàng giáp mặt nhau, coi có thuận ưng theo ý tôi muốn đó hay không?”

Bà Cả vừa mừng vừa thẹn, bà gượng cười mà đáp: “Tôi đã có nói, bây giờ tôi cứ nghe lời chú hó, hễ chú nó muốn sao thì tôi làm vậy”.

Ông Hương Sư hỏi Hồng Xương: “Còn cháu tính lẽ nào? Nói cho chú nghe thử coi, Cháu còn chê nữa thôi?”.

Hồng Xương đứng gục mặt, song cũng gượng cười mà đáp rằng: “Thưa, hồi trước cháu còn nhỏ nên cháu dại. Bây giờ nếu cô hai vui lòng quên hết chuyện cũ mà ưng cháu, thì cháu mừng mà lại kính trọng cô lắm, chớ đâu dám chê nữa”.

Chàng vừa nói vừa cười mà chảy nước mắt! Bà Hương Sư day vô phía trong kêu cô Hảo mà nói rằng: “Con hai đâu, con ra đây nói coi nào. Bây giờ chị Cả với Tú Tài xin cưới con đó con ưng hay không?”.

Cô Hảo ở trong buồng thủng thẳng bước ra, cô đi nghiêm chỉnh, hai bên lại có hai đứa con nắm tay đi theo. Cô liếc mắt ngó Hồng Xương nhích miệng cười hữu duyên mà đáp rằng: “Chú thím đã dạy con phải lấy lòng từ bi mà hỉ xả, nên con vâng lời, con bằng lòng quên hết chuyện cũ”.

Thím giáo vùng nói rằng: “Tôi cũng bằng lòng nữa. Thôi ở đời giận hờn mà làm chi, thuận hòa với nhau thì tốt hơn hết. Có vậy nó mới ở gần mà coi sóc mồ mả của ông bà và của cha nó”.

Vợ chồng Hương Sư xử trí hai bên được vuông tròn, thì mừng rỡ nên mời hết ở lại đó mà dùng bữa cơm chiều. Ông Hương Sư định ngày làm lễ cưới, rồi sáng bữa sau cho xe hơi đưa mẹ con bà Cả về sửa soạn nhà cửa và mời thân tộc họ hàng. Ông lại mua cho cô Hảo một cái xe hơi mới đặng về nhà chồng, còn bà thì lo sắm nữ trang, may quần áo.

Cô Hảo được phu thê tái hiệp, cô không quên cô Diệm Xuân, nên ghé tiệm cho cô nọ hay và mời cô nọ đi đám cưới.

Đám cưới dọn tại nhà thím giáo Điểu. Họ đàng trai lên hai xe, hiệp với vợ chồng Hương Sư Thiện rồi lại đàng gái. Làm lễ xong rồi, bà Cả đứng trình với hai họ mà xin rước dâu.

Thím giáo Điểu với dâu, rể thì ngồi cái xe hơi mới mua. Vợ chồng ông chủ tiệm thuốc KỲ LÂN với cô Diệm Xuân thì ngồi một cái xe mướn. Vợ chồng Hương Sư Thiện đi xe nhà với con Hồng và thằng Tô: Một đoàn xe hơi chạy rần rần; họ đàng trai đi trước, họ đàng gái theo sau.

Nhân dân ở xóm Láng Dài nghe nói mẹ con thím giáo Điểu bây giờ giàu có sang trọng thì lấy làm lạ, nên tựu nhau chờ chực mà coi, bởi vậy rước dâu về tới thì cả xóm đều đủ mặt.

Họ đàng gái ở lại một bữa đặng cho thím giáo với ba Lân viếng mồ mả, thăm anh em đồng lân. Đến chừng sửa soạn ra về, bà Hương Sư Thiện hỏi con Hồng với thằng Tô rằng: “Bây giờ hai cháu ở lại với ba má hay là về?” Con Hồng cũng vậy mà thằng Tô cũng vậy, hai đứa đều nói: “Con về với ông nội bà nội”.

Hồng Xương cười, ôm hai đứa con hun, rồi bồng để lên xe. Cô Diệm Xuân thấy cô Hảo được phu thê tái hội, được thân phận vẻ vang, cô nghĩ lại phận cô, thì cô tức tửi hết.sức, song lúc từ giã mà lên xe, cô phải gượng cười và nói rằng: “Gương bể mà ráp lại lành, xưa nay ít có. Cô được như vậy thì tôi lấy làm mừng cho cô lắm. Mà trong đám nữ lưu ta, còn bỉết bao nhiêu cái gương bể khác, tôi cầu chúc những cái gương bể ấy đều lành lại hết, thì mới thiệt là vui”.

Cô Hảo hiểu ý, nên cô nắm tay cô Diệm Xuân mà đáp rằng: “Tôi xin Phật trời nhậm lời cầu chúc đó. Nhưng mà dầu được dầu không, miễn là chúng ta ghi nhớ rằng cái gương bể mà trong thì qúy hơn cái gương lành mà đục”.

Cô Diệm Xuân gật đầu bước lên xe!

Xe chạy hết rồi, Hồng Xương ngó vợ, miệng chúm chím cười.

Saigon, Septembre 1935

   




Chú thích

  1. Kiến trúc nhà có 4 mái
  2. Dáng vóc