Bước tới nội dung

Cư Kỉnh/Chương 12

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Cách ba tháng sau, người ta thấy tờ báo “Nam Kỳ Tân Văn”, có đăng mục “công lý” một bài như vầy :

NẠN DÂM THƠ

 Vụ án mạng xảy ra tại Ô Môn cho dư luận sôi nổi mấy tháng nay, nhứt là làm cho những nhà có con gái đều giựt mình, đã ra trước Tòa Đại Hình Cần Thơ ngày hôm qua.

Phạm nhơn là một thiếu nữ tên Ng…Th…T… có hai vị Trạng sư giúp bào chữa.

Tòa kên án phạt phạm nhơn một năm tù, nhưng mà ban ơn cho hưởng án treo.

Tòa xử rất công bình.

Đã biết tội sát nhơn là tội trọng, phạm nhơn thường bị án khổ sai, có khi bị tới tử hình nữa. Mà vụ án mạng nầy, cô Ng… Th…T khỏi bị kêu án nặng, ấy là nhờ tòa tra xét kỹ lưỡng, lại cũng nhờ hai vị Trạng Sư trưng rõ mấy duyên cớ này;

1) Phạm nhơn trẻ tuổi, mê mẩn những dâm thơ, rồi tâm hồn trở nên lãng mạn, bỏ hết luân lý, quên hết tiết trinh.

2) Tác giả của những dâm thơ ấy, là một thất phu vô lương tâm, thừa tâm hồn của người ta như vậy mới khuyến dụ gạt gẫm đặng làm cho phỉ tình dục của mình, không kể tiết giá của người ta.

3) Phạm nhơn hối ngộ rồi tức giận nên tìm đến nhà của đứa thất phu ấy mà kể tội của nó rồi đoạn tình. Đứa thất phu đã không biết rõ về sự giả dối của mình, mà lại còn dùng sức mạnh toan hãm hiếp người ta nữa. Đương lúc tức giận hổ thẹn, có sẵn con dao rọc giấy để đó, phạm nhơn mới chụp lấy mà đâm bậy, tưởng thoát thân, chớ không cố tâm giết chết người, chẳng dè mũi dao nhọn vô sâu quá lại rủi trúng nhầm trái tim nên đứa thất phu mới chết.

4) Phạm nhơn là con gái cuả một vị thân hào thuở nay được nhơn dân vùng ấy cung kính yêu mến, còn người bị giết có chứng cớ rõ ràng là một trai sớm đào tối mận, thuở nay dùng văn chương mà phá hoại nhơn luân.

Hai vị trạng sư lại thừa cơ hội mà bày tỏ giữa Tòa cái nạn dâm thơ rồi nhơn danh luân lý, nhơn danh gia đình, nhơn danh xã hội mà yêu cầu nhà cầm quyền mau mau ban hành lề luật để trừng trị tác giả những sách ấy, là kẻ mượn màu văn chương mà phá hoại phong thuần tục mỹ trong xứ.

Ai được xem tòa xử vụ án này hôm qua cũng đều vui lòng phỉ dạ.

Vĩnh hội , juillet 1941