Cư Kỉnh/Chương 7
Ở trong vườn người ta thường hay ngủ sớm. Thế mà đêm ấy, đồng hồ đã gõ 9 giờ rồi, song nhà ông Huyện Hàm Tân còn đốt đèn măng sông sáng trưng.
Hai bữa rày cô Túy nhức đầu chóng mặt lại, cô cứ nằm trong phòng hoài, không chịu ra ngoài. Đêm ấy cô cũng nằm im lìm trong phòng một mình, không biết cô còn thức hay đã ngủ. Còn cô Huyên với em Ngọ thì vừa mới dắt nhau đi nghỉ.
Ông Huyện bà Huyện đương nằm chơi trên bộ ván phía trước, thình lình có tiếng người ta kêu bồi ở ngoài cửa ngõ mà biểu mở cửa. Gia dịch nghe kêu lật đật chạy ra ngoài, còn ông Huyện bà Huyện thì ngồi dậy đi lại cửa giữa đứng lóng nghe coi có việc chi.
Cửa ngõ mở ra, nhờ có đèn chói ra sân nên thấy quan Chủ quận ở ngoài đường đi vô, sau lưng có chú bếp theo hầu.
Ông Huyện vội vã bước xuống thềm tiếp khách rồi mời vào nhà. Ông lấy cái áo dài mà mặc cho đủ lễ. Bà Huyện chào quan lớn, mời quan lớn ngồi, rồi kêu gia dịch biểu lo trà nước.
Quan Chủ Quận nói với ông Huyện:
- Đã khuya rồi mà tôi còn đến làm rộn ông Huyện bà Huyện, xin ông bà tha lỗi.
- Bẩm quan lớn, có lỗi chi đâu. Quan lớn đến thăm vợ chồng tôi mừng lắm chớ.
- Hồi ra đi, tôi sợ ông đã nghỉ rồi.
- Bẩm, tôi thức khuya, thường thường đến 10 giờ tôi mới nghỉ.
- Tôi vô đây chủ ý muốn hỏi thăm ông Huyện một việc. Ấy là việc Chí Cao bị đâm chết.
- Bẩm, vụ ấy quan lớn tra xét đã xong chưa?
- Rồi mà cũng như chưa, bởi vì không biết kẻ sát nhơn là ai nên phải tìm hoài.
- Té ra tra không ra mối?
- Không. Tôi cho người dọ dẫm thiệt kỹ, bổn thân tôi tra hỏi mấy người tôi nghi, song không dọ được, tra không ra. Tôi muốn xin ông Huyện cho tôi biết coi hổm nay ông có nghe thiên hạ xầm xì điều chi về vụ án mạng đó hay không.
- Bẩm quan lớn hổm nay trong xóm người ta bàn luận vụ ấy lung lắm, song không ai hiểu tại sao Chí Cao bị đâm và cũng không ai hiểu đứa đâm đó là ai.Tôi có ý muốn lóng nghe cho biết, song không có nghe sự chi lạ. Nghe nói quan lớn dạy giam tên bồi thì tưởng nó là đứa sát nhơn, té ra chiều lại quan lớn cho nó về. Không có nghi cho nó hay sao?
- Có chỗ nghi, mà cũng có chỗ không nghi được. Một mình nó ở trong nhà với chủ; đêm ấy nó đi coi hát Tiều, chủ nó bị đâm trong lúc 12 giờ tới 12 giờ rưởi. Nó không có ai chứng thấy nó ở đám hát từ 10 giờ tới 3 giờ. Đó là những chỗ nó làm cho mình nghi được. Mà tớ giết chủ bởi cớ gì? Hoặc oán nên muốn trả thù, hoặc muốn đoạt tiền bạc. Không ai nghe nó thốt lời chi oán chủ. Nó không có vợ lại mới ở có vài tháng. Còn tài vật thì còn y nguyên trong nhà, không mất món chi hết, đến cái đồng hồ vàng để trên trên bàn viết mà cũng còn đó. Ấy là những chỗ làm cho mình không nghi được.
- Vụ nầy thiệt là bí mật.
- Bí mật lắm. Tôi nghi Chí Cao có giấy tờ gì quan hệ nên người ta giết mà đoạt giấy tờ ấy. Mà các hộc tủ đều khóa chặt, không có dấu cạy. Tôi coi trên bàn viết thì có một xấp tiểu thuyết đương viết, chớ không có giấy tờ chi hết. Chừng gởi hồ sơ xuống cho quan Biện Lý tôi sẽ xin phép với ngài mà cạy các tủ đặng kiếm coi có thơ từ, hoặc có vật chi có thể dắt đường cho tôi tìm ra kẻ sát nhơn hay không. Đêm Chí Cao bị giết đó, ông huyện bà Huyện hay là người trong nhà có nghe tiếng nói chuyện, hoặc tiếng cãi lẫy, hoặc tiếng la lối ở bên phía đó hay không?
- Bẩm, không. Tôi cũng vậy mà hết thảy mấy người trong nhà cũng vậy, đêm ấy không có nghe tiếng chi hết. Đến sáng ngó thấy làng xóm xôn xao, hỏi thăm mới hay. Chớ đêm trước vợ chồng Chí Cao cãi lẫy với nhau, ở nhà tôi nghe rõ ràng.
- Chí Cao về ở gần ông Huyện đã hơn một tháng rồi, vậy chớ ông Huyện bà Huyện có biết tánh nết người ra thể nào hay không?
- Hôm mới về ở đó người có qua nhà tôi thăm một lần, song không có tôi ở nhà. Chừng về, tôi nghe nói lại, tôi muốn đi thăm trả lễ, thì đờn bà tôi cản, nói người đó không xứng đáng, không nên làm quen, rồi tôi không thăm; bởi vậy gần nhau đã hơn một tháng rồi, mà tôi ngó thấy xa xa vậy thôi, chớ chưa có dịp nói chuyện.
- Bà huyện có khi nào nghe người đó rầy la đứa ở hay không?
Nãy giờ bà Huyện ngồi bên bộ ván ngang đó mà nghe nói chuyện. Chừng nghe quan Chủ quận hỏi, bà mới vội vã đáp:
- Bẩm quan lớn, tôi không có nghe rầy la đứa ở lần nào, mà mấy đứa ở nhà đây cũng không có nói sự ấy cho tôi hay.
- Thiệt là khó! Thái độ của Chí Cao cách đây 3 năm trước thì tôi được biết rõ. Còn tánh tình của người đó lúc sau này, tôi dòm vô thì tối đen, tôi không thấy chi hết. Người về ở đây không thèm giao thiệp với làng xóm, nên có ai biết bề cư xử hoặc tâm tánh thế nào đâu.
- Chí Cao có qua nhà tôi mà thăm một lần. Bữa đó ông Huyện tôi mắc đi đám cúng đình với quan lớn. Tôi muốn dọ coi như chịu bán miếng vườn lại thì tôi mua, nên tôi tiếp rước. Ngồi nói chuyện với tôi một lát thì tôi biết người đó rất hiểm nghèo cho đờn bà con gái. Người có cái văn nói thiệt là hay, song hay theo đời nay, nghĩa là giọng nói déo dắt lãng mạn, bụng một đường nói một ngả, nói đặng gạt gẫm hoặc khêu tình dục của người ta, câu nói đủ lễ mà ý nghĩa thật là bất chánh. Mới đến thăm lần đầu đặng làm quen, mà dám tỏ ý muốn chọc ghẹo tới tôi lận. Tại như vậy đó nên tôi không muốn ông Huyện tôi trả lễ. Người như vậy làm quen không ích gì.
Quan Chủ quận nghe như vậy thì ngài ngồi lặng thinh mà suy nghĩ.
Ông Huyện chau mày hỏi vợ :
- Người như vậy mà sao họ nói viết tiểu thuyết hay lắm?
- Hay theo đời nay, hay về thói gian xảo điếm đàng, hay với người không kể can thường luân lý.
- Bậy bạ quá ! Phải làm sao mới được, chớ để hạng người như vậy viết sách cho nhơn dân đọc, thì hư phong tục còn gì !
Quan Chủ quận cười mà đáp với ông Huyện :
- Phong tục của mình đã hư rồi, bây giờ người ta có trọng tình chồng vợ, nghĩa cha con, người ta có kể nghĩa nhơn liêm sỉ gì nữa đâu. Tại phong tục suy bại như vậy, nên người như Chí Cao viết tiểu thuyết mới được thiên hạ hoan nghênh đó chớ.
- Phải làm thế nào, chớ nếu để như vậy thì hại lớn lắm. Tôi tưởng các viên quan An Nam với các vị dân biểu phải hết lòng tố cáo sự tồi tệ ấy cho quan trên hay đặng quan trên liệu định phương chước mà cứu nền luân lý cho dân An Nam mới được.
- Xin ông Huyện hãy an tâm. Chánh phủ đã dòm thấy nền phong hóa của nước nhà suy bại nhiều lắm, nên đương tìm phương chước để chấn hưng lại. Sự cần là điều thiết yếu của cuộc dân sanh. Gia tộc là nền tảng của xã hội. Tổ quốc là tinh thần của nước nhà. Nhơn dân không biết ham cần lao thì sự sanh hoạt làm sao mà khỏi khốn khổ. Nếu lo phá hoại gia tộc, cứ làm cho con hết kính cha, vợ hết trọng chồng, anh hết thương em, thì làm sao xã hội được vững bền và có trật tự. Nếu mỗi người đều lo riêng thân mình được sung sướng mà thôi, không biết tổ chức là gì, thì làm sao nước Nhà được cường thạnh. Đại Pháp Quốc Trưởng quyết trừ các sự tồi tệ ấy, nên đã lấy mấy chữ : Cần lao, gia tộc và Tổ quốc mà làm nghi biểu trong nước, Chánh phủ của xứ mình sẵn lòng thương dân, đã lo cho dân no ấm, mà cũng lo cho dân rộng trí thức, biết lễ nghĩa nữa.
Nay Chánh phủ quyết thi hành hẳn hòi các chủ nghĩa của Quốc Trưởng tuyên bố, thế thì chúng ta nên an lòng mà tin cậy nơi Chánh phủ, chúng ta chẳng nên thối chí.
- Bẩm quan lớn, nếu Chánh phủ để ý dùm thì lo gì không trừ tệ được. Hiện nay sự tồi tệ của mình nó tràn lan cùng hết, từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội. Trong nhà trường thì học trò không biết cung kính mang ơn thầy, mà cũng khổ, có nhiều thầy không biết kính trọng cái thiên chức giáo dục, coi môn đệ là kẻ nạp lương cho mình xài mà thôi. Trong gia đình thì vợ không biết kính trọng chồng, mà nhiều ông chồng cũng không biết thương yêu vợ; con không biết ơn sanh thành dưỡng dục, mà nhiều cha mẹ cũng không cần dạy dỗ con; anh không biết thương em, mà em cũng không biết kính trọng anh, còn xã hội thì quá lắm, mọi người đều đuổi theo một chủ nghĩa này: "Kiếm tiền cho nhiều đặng ăn xài cho ngỏa nguê sung sướng" kiếm tiền mà không ưa cần lao, dùng phương chước tốt xấu gì cũng được, miễn là được đồng tiền là thôi, không kể nhơn nghĩa, không kể liêm sỉ, không kể danh dự.
- Những lời ông Huyện nói đó thì đúng với sự thiệt. Mùi phong hóa của mình hết thơm, nền luân lý của mình hết đẹp rồi. Tôi nghe bực thượng lưu trí thức Tây Nam đương hiệp nhau mà trừ các mối tệ ông mới chỉ ra đó, mà Chánh phủ cũng đã lưu tâm rồi nữa. Vậy chúng ta cũng phải vững lòng mà chờ. Mà giải quyết cái vấn đề chấn hưng phong hóa thì hết thảy chúng ta phải tận tâm giúp sức với Chánh phủ và bực thượng lưu trí thức mới được, chớ không nên làm lơ. Chúng ta ở trong làng trong xóm, chúng ta chung lộn với nhơn dân, chúng ta phải khuyên bảo dân cho chúng biết đường phải mà đi, biết nẻo quấy mà tránh, chúng ta phải rèn tập cho chúng nó biết lễ nghĩa liêm sỉ, biết ham cần lao, biết ghét thói xấu. Mỗi người tùy địa vị của mình mà dạy dân thì mới có thể vãn hồi phong thuần tục mỹ được.
- Giáo dân là một nghĩa vụ cao thượng. Làm cái nghĩa vụ ấy ai cũng vui mà làm hết thảy.
- Tôi bày chuyện nói dong nói dài làm cho ông Huyện bà Huyện buồn ngủ.
- Bẩm, không. Quan lớn nói chuyện luân lý là chuyện cần ích của dân, vợ chồng tôi lấy làm vui mà được nghe. Sợ quan lớn mệt, chớ vợ chồng tôi có buồn ngủ đâu.
- Để bữa nào rảnh rồi tôi sẽ hiệp với ông Huyện mà lập cái chương trình để dạy dân ở trong làng trong xóm cho chúng nó biết ham cần lao, biết trọng gia tộc, biết thương Tổ quốc. Bữa nay trí tôi mắc bận lo vụ án mạng nầy lắm. Thế nào cũng phải tìm cho ra kẻ sát nhơn mới được. Muốn cho hồ sơ được hoàn toàn, tôi xin ông Huyện viết rồi nạp cho tôi một lá khai, nói coi đêm Chí Cao bị giết đó ông ở gần mà ông có nghe rầy nghe la ở bển hay không.
- Bẩm, tôi không có nghe rầy la chi hết.
- Ông biết sao thì ông cứ khai ngay, viết vắn tắt đủ ý mà thôi, chẳng cần phải viết dài.
- Để sáng mai, rồi sẽ nạp khai cho quan lớn. Theo ý kiến của quan lớn thì vì lẽ nào mà Chí Cao bị giết?
- Theo trí tôi nghĩ, thì có lẽ bị giết vì tình. Mà giết đó có lẽ ngộ sát, chớ không phải cố sát, bởi vì đâm bằng con dao rọc giấy, tức thị đến nói chuyện gì đó rồi nổi giận nên lấy con dao đó mà đâm, chớ không phải đem con dao ở nhà theo. Còn kẻ sát nhơn có lẽ là một phụ nữ, hoặc một chú trai kiêm thời, bởi vì tại một góc bàn viết tôi có lượm được một cái khăn mu xoa bằng lụa xanh, mà tên bồi của Chí Cao khai thuở nay nó không thấy chủ nó có khăn ấy. Duy đờn bà con gái, hoặc mấy cặp thanh niên kiêm thời có khăn mu xoa lụa.
Bà Huyện nghe nói như vậy thì hỏi gấp quan Chủ quận :
- Bẩm, quan lớn nói quan lớn có lượm được một cái khăn lụa màu xanh?
- Thưa, phải.
Bà Huyện ngồi suy nghĩ.
Quan Chủ quận nói tiếp :
- Theo lời bà Huyện thuật tánh nết của Chí Cao hồi nãy, thì tôi càng thêm chắc Chí Cao bị giết vì tình. Tôi sẽ đi qua đường đó mà tìm kẻ sát nhơn, hoặc may mới gặp được.
Ông Huyện đáp :
- Quan lớn luận biện như vậy thì có lý lắm.
Nghe đồng hồ gõ 11 giờ, quan Chủ quận mới đứng dậy cáo từ mà về. Ông Huyện đưa ngài ra khỏi cửa ngõ rồi ngài đi về với chú bếp.
Khi ông Huyện trở vô nhà thì bà Huyện đã vào trong phòng của cô Túy. Ông Huyện coi cho gia dịch đóng cửa tắt đèn rồi ông đi nghỉ, mà bà Huyện vẫn còn lục đục ở trong phòng của con.
Sáng bữa sau ông Huyện viết lá khai rồi chừng nghe trống hầu đánh thì ông đem ra quận mà nạp.
Hồ sơ về vụ án lập đã hoàn toàn rồi, quan Chủ quận mới viết tờ phúc bẩm, mà chuyển đạt đến quan Biện Lý. Trong tờ phúc thẩm ngài tóm các lời khai trong hồ sơ. Đến khoảng kết luận, ngài nói như vầy :
1) Tìm kẻ sát nhân chưa ra mối.
2) Tuy không có bằng cớ chắc chắn, song có vài lẽ làm cho người tra vấn có thể nghi tên Quận có nhúng tay trong vụ này, nên phải giải nó đến cho quan Biện Lý định đạt.
3) Không có lẽ nào làm cho phải nghi Ngô Thị Lịnh được; tuy vậy đã có truyền cho người đàn bà ấy phải ở tạm nơi nhà Chí Cao đãi lịnh.
4) Đoán quyết Chí Cao bị giết vì tình và kẻ sát nhơn là một phụ nữ, hoặc một thanh niên kiêm thời, vì có cái khăn mu xoa lụa xanh đính theo hồ sơ, khăn ấy lượm tại góc bàn viết của Chí Cao mà tên Quận khai mấy tháng nay nó không thấy chủ nó có.
5) Cuộc dọ dẫm mà tìm kẻ sát nhơn còn tấn hành hoài và xin phép cạy các tủ của Chí Cao đặng xét coi có thơ từ hoặc vật chi có thể giúp cuộc điều tra hay không; như Tòa cho phép làm việc nầy thì sẽ lập tờ vi bằng biên các tài vật của Chí Cao rồi giao cho làng sở tại giữ tạm mà đợi người có quyền kế nghiệp ra mặt xin hưởng gia tài của người bị giết.