Bước tới nội dung

Cảm sự

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cảm sự
của Nguyễn Hàm Ninh
Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

Cảm sự
Thùy khiển tây minh chiến hạm lai,
Hải cương kỷ xứ động xuân lôi,
Cần Giờ[1] dĩ thất kim thang hiểm,
Đà Nẵng không lưu phong hỏa đài.
Tam kỷ long xà[2] hoàn chướng tế,
Tứ lân phong hạc[3] mạn kinh xai.
Dao liên Lộc Dã[4] cao sưu địa,
Nhị thập dư niên hựu kiếp thôi[5].

Cảm xúc trước việc xảy ra
Ai khiến chiến hạm từ bể tây tiến vào đất ta,
Làm cho dọc ven biển nhiều nơi vang dậy tiếng sấm mùa xuân,
Cửa Cần Giờ đã mất hẳn cái thế hiểm trở của thành vàng ao nóng,
Cửa Đà Nẵng luống để lại cái pháo đài khói lửa.
Dân "long xà" sau ba kỷ đang còn làm trở ngại,
Chuyện "phong hạc" từ bốn phía quanh nước đừng nên nghi sợ.
Đoái thương xứ Đồng Nai là chỗ đất màu mỡ,
Mới hết loạn được hơn vài mươi năm, nay lại bị giặc cướp tàn phá!

   




Chú thích

  1. Cần Giờ: một cửa bể thuộc tỉnh Gia Định (Nam Kỳ). Năm 1859, giặc Pháp tấn công vào cửa ấy, mở đầu cuộc xâm lăng của chúng vào Nam Kỳ, sau mấy tháng đánh phá đồn ải ta ở Đà Nẵng.
  2. Long xà: rồng rắn, chỉ những dân chống lại nhà Chu sau khi Chu đã cướp ngôi nhà Thương được ba kỷ (một kỷ là 12 năm). Đây chỉ dân Nam Kỳ vẫn không chịu hàng phục Pháp.
  3. Phong hạc: do câu "Phong thanh hạc lệ", gió thôi hạc kêu. Quân Bồ Kiên nước Tần bị Tạ Huyên (nước Tấn) đánh thua; ban đêm, nghe gió thổi hạc kêu, tưởng quân Huyên đuổi theo, liền bỏ chạy (Tấn thư).
  4. Lộc Dã: Đồng Nai, chỉ đất Nam Kỳ.
  5. Từ cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi đến khi Pháp gây biến, có hơn vài mươi năm.