Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhì/IV-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
IVLỐI VĂN SÁCH

Cách ra đầu đề

Văn sách là lối vấn, đáp, đặt lời ra để hỏi cho hết lẽ, mà đáp lại cũng phải có lý sự; hoặc hỏi sự cổ, hoặc hỏi sự kim, hoặc dẫn kinh-điển, sử-ký ra mà hỏi. (Hỏi nôm thì dẫn lời phong-rao, ngạn-ngữ mà hỏi). Đầu bài hỏi về sự gì thì trước hết dẫn câu thành-cú trong kinh, truyện, sử; hay là câu phương-ngôn để làm đề-án, rồi mới dẫn sự-tích, chứng-cớ ra mà hỏi, thí dụ như hỏi sự con gái kén chồng, thì dẫn phương-ngôn:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng, răng đen.

Đó là câu đề-án, rồi ở dưới cứ theo đề-án dẫn lời phong-rao, ngạn-ngữ đặt chứng cớ ra mà hỏi.

Còn như lối văn sách đạo, thì mỗi kinh, mỗi truyện, hỏi một vài câu, và một vài câu sử-ký, một hai câu sự hiện-thời, mục nào riêng ra mục ấy, đó là chia từng đạo một mà hỏi. Nếu hỏi nôm thì chỉ hỏi ngắn độ một vài câu, thế cũng là theo lối văn-sách đạo.

Lối bài làm trả lời

Trước hết làm một đoạn « Đối sĩ văn 對 士 聞 » (Thưa, sĩ nghe rằng) làm lời đàn bà thì: « Em nghe rằng » để nói kha mào đại-ý đầu đề lên trước. Làm xong đoạn đối-sĩ-văn rồi thì viết một câu: « Tư thừa sách vấn nhi lược trần chii 茲 承 策 問 而 畧 陳 之 » (Nay vâng lời sách hỏi mà lược bày ra) đó là chốn nhập-thức, nghĩa là phải theo tràng-qui mà. viết mấy chữ như vậy. Rồi tới một đoạn: « Thiết vị 竊 謂 » (trộm nghĩ rằng) để nói giải nghĩa câu đề-án, và cho rõ câu đề-án ấy là xuất-xứ ở đâu, (Lối văn-sách-đạo thì chỉ làm từ đoạn (Thiết-vị) này trở xuống).

Làm xong đoạn (Thiết-vị) giải nghĩa câu đề-án rồi, thì chuyển tới cớ đầu đề hỏi, xem cớ hỏi thế nào, thì mình biện-lý, dẫn-chứng, giải-nghĩa, mà đối đáp lại, hoặc đảo lên đảo xuống mà nói gỡ dần dần từng cớ một; hoặc thuật lại câu hỏi lên trước. mà giải cớ ở sau; hoặc vừa làm vừa giải cớ, phải biện bác cho có lý, lời lẽ cho đanh thép.

Còn như lối đặt câu, dàn bài, thì tùy xem đoạn nào nên phiến-đối[1] thì phải đối; đoạn nào nên làm lệch thì không phải đối, thường thường những câu vào bài, trả-bài thì không phải đối,

Khi làm bài giải cớ xong hết, phải theo lề lối viết mấy câu: « Sĩ giã, hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn trường, quản kiến như ti, vị tri thị phủ, nguyện chấp-sự kỳ trạch nhi tiến chi. Sĩ cẩn đối. 士 也, 幸 逢 盛 世, 從 事 文 場, 管 見 如 斯, 未 知 是 否, 願 執 事 其 擇 而 進 之. 士 謹 對 ». Nghĩa là: Sĩ nay may gặp đời thịnh, theo học trường văn, kiến thức hẹp như vậy, chưa biết phải hay không? Xin các quan chấp-sự chọn mà tiến lên cho, Sĩ cẩu thưa). Đó là chốn nhập-thức theo trường-qui phải viết như vậy; song những câu ấy tùy quan trường mỗi khoa cũng có đổi đi một vài chữ.

Đó là kể đại-lược qui-thức văn-sách như vậy; còn như úc làm bài mà đối đáp lại, thì phải nhận đầu bài, xét sự-ý, xem trong những câu hỏi việc cổ, việc kim, lời này, lẽ nọ, hoặc phải, hoặc trái, nên khen, nên chê, duyên cớ tại làm sao, phải biện bác ra thế nào cho phải mẹo, phải lẽ mới được.

Những bài chép sau này cũng tựa theo lề lối văn-sách chiều Lê cùng lối văn-sách hỏi từng đạo một mà đặt ra, xem đó thì biết lối văn chương nôm nước mình, đặt theo lối nào cũng được mà cũng hay.


  1. Đặt từng phiến dài đối nhau.