Bước tới nội dung

Chúa tàu Kim Quy/Phần 1/Chương VII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tàu ra khỏi cửa sông Đốc, lúc ấy mặt trời chen lặn, Trần Mừng vào phòng mà hỏi Chúa tàu coi phải chạy hướng nào. Thủ Nghĩa nghe kêu mình là Chúa tàu thì trong bụng tức cười thầm, nghĩ cho số mạng cũng dị kỳ, lúc nhỏ ở với mẹ cha rồi trọn mười một năm ở trong vòng lao lý, có lúc nào tính rằng một ngày kia mình phải thay hình đổi dạng làm một vị chúa tàu, tôi tớ đong đầy, bạc vàng cả đống như vầy đâu? Mà thôi bây giờ người ta kêu mình là Chúa tàu mà mình thiệt cũng là Chúa tàu, vậy thì rắn có chơn rắn biết, trời đã biểu mình làm Chúa tàu mới lân la nơi chốn cố hương được, mới đền ơn trả thảo được, mới hỏi thăm kẻ hại mình được, thôi thì mình cứ làm Chúa tàu có hại chi đâu. Chúa tàu nghe Trần Mừng hỏi liền bước ra đứng dựa cột buồm, ngó trước mặt thì minh mông trời biển, bèn giơ tay chỉ hướng bắc mà biểu Trần Mừng dạy tài công chạy lên Phú Quốc.

Chúa tàu đứng xem trời, hóng gió cho đến tối mới trở vào phòng nằm một hồi rồi kêu Trần Mừng vào mà tỏ rằng: “Chẳng giấu chi anh, tôi là người giàu có lớn, song báy lâu nay mắc lo buôn bán, khi ở chỗ nầy, khi đến chỗ nọ, chẳng nhứt định ở xứ nào cho chắc, bởi vậy cho nên tiền bạc tôi có bao nhiêu thì tôi đem mà giấu ở ngoài hòn Kim Qui. Nay tôi mua được chiếc tàu nầy đã mới mà lại chắc, vậy tôi tính chạy ra đó chở hết vàng bạc mà để ở dưới tàu, đặng người đâu của đó cho dễ. Song từ hồi ra biển đến bây giờ sao trong lòng tôi nó ngài ngại hoài, chẳng phải tôi nghi anh, bởi vì không lẽ nào anh là người có khiếu trung hậu mà anh lại nỡ phản tôi, tôi nghi là vì bạn dưới tàu mười mấy người tôi không biết gốc gác người nào hết, thoảng như khi ra đến đó họ thấy vàng bạc nhiều họ trở mặt rồi làm hại tôi với anh đặng họ đoạt của cải ấy, chúng ta có hai người còn họ hơn một chục, mà lại giữa biển không có quan làng chi hết thì chúng ta làm sao?”

Trần Mừng nghe Chúa tàu nói, ban đầu chăm chỉ mà nghe, chừng rõ ý Chúa tàu rồi liền đáp rằng: “Xin Chúa tàu cứ việc ăn no ngủ kỹ, đừng lo sợ chi hết, nếu ai muốn lấy một quan tiền hoặc muốn nhổ một sợi lông chưn của Chúa tàu thì phải giết tôi chết rồi có lẽ mới làm được. Mà giết được tôi chẳng phải dễ gì”. Trần Mừng nói tới đó vùng giơ cánh tay mặt ra, xắn tay áo và trợn cặp mắt coi dữ tợn lắm, rồi nói tiếp rằng: “Mười mấy người bạn dưới tàu nầy tôi đánh một tay cũng chết hết, không ai dám có ý gì đâu mà Chúa tàu sợ”.

Chúa tàu thấy Trần Mừng ý tứ thiệt tình nên hết nghi ngại nữa, sáng bữa sau thức dậy thì đã thấy hòn Tre. Chúa tàu uống nước rồi ngồi chơi ngoài trước mũi tàu, còn Trần Mừng thì lo dọn dẹp dưới tàu cho tử tế. Vả dưới tàu phía sau lái có hai cái phòng, một cái ở ngoài thì rộng rãi bề vô được mười hai thước mộc, còn một cái ở trong thì hẹp hơn, bề ngang bị lái tàu tóp lại nên vắn hơn mà bề vô cũng chừng sáu thước mộc mà thôi. Ở ngoài muốn vô phòng phải đi ngang qua cái phòng ngoài rồi vô phòng trong mới được. Hai cái phòng đều có làm cửa chắc chắn, hễ vô phòng khóa cửa thì kín mít, duy hai bên hông tàu có đục lỗ làm song đặng cho yếng sáng mặt trời vô mà thôi.

Trần Mừng biểu bạn quét lau cái phòng trong rất sạch rồi trải chiếu, tính dọn phòng đó cho Chúa tàu ngủ, còn mình thì ngủ ngoài mà gìn giữ. Khi Chúa tàu trở vào thấy Trần Mừng lo lắng như vậy lại càng tin bụng hơn nữa.

Bị gió ngược nên tàu chạy ba ngày ba đêm nên mới tới Phú Quốc. Tới đó trời đã hừng sáng: Chúa tàu ra ngồi một bên đà công mà chỉ đường. Trần Mừng cũng ngồi một bên. Đến bữa cơm, hai người xuống ăn cơm rồi liền trở lên mà ngồi đó. Từ Phú Quốc trở xuống Kim Qui nhờ gió xuôi nên chạy mau, lối xế thì tàu đã tới. Chúa tàu biểu chạy sát mé cho mình kiếm ụ, chừng tới chỗ đậu thuyền mà vào hang hôm nọ thì biểu đà công xả buồm rồi vào ụ mà neo. Chúa tàu coi trời còn sớm, biểu hạ hai chiếc tam bản xuống nước, lấy năm cái bao lớn, ba đường dây, năm cây đòn mà bỏ xuống tam bản, dạy Trần Mừng cầm theo một cái rựa đặng ngăn ngừa ác thú, rồi đi với Trần Mừng và mười tên bạn mà vô hòn. Chúa tàu dắt lại miệng hang thì dây bìm bìm cóc kèn đậy hôm nọ cũng còn y nguyên. Chúa tàu biểu bạn kéo cho trống miệng hang rồi mình cầm rựa đi trước, kế đó thì mười tên bạn kẻ vác bao người cầm đòn đi cả dọc.

Chúa tàu quen đường nên mạnh dạn chẳng nhút nhát chi hết, lại trong bụng nghĩ rằng khi trước một mình còn chưa sợ thay nay đi đến mười hai người mà sợ nỗi gì. Trần Mừng biết Chúa tàu đi lấy vàng bạc, song không dè của cải mà giấu chỗ u hiểm như vậy, nên tuy đi thì không sợ nhưng mà trong lòng cũng bồi hồi. Còn mười tên bạn đi theo không hiểu dắt đi đâu, tuy chủ biểu phải đi, song thấy hang mờ mờ thì lo sợ lắm.

Chúa tàu dắt đến chỗ rồi biểu bạn hốt đống ngà voi bỏ vào bao mà khiêng đem xuống mé biển để tại đó rồi lấy bao đem trở vô khiêng vàng bạc. Mười tên bạn thấy của cải nhiều quá thì chưng hửng, không hiểu của ở đâu đem để đây, lúc khiêng thì người bàn thế này, kẻ bàn thế khác, song không một ai dám tỏ ý gì quấy hết, khiêng đi năm bận mới hết ngà voi và vàng bạc. Chúa tàu và Trần Mừng ngồi đợi khiêng xong hết và biểu khiêng luôn mấy cái ché nữa rồi mới theo mà trở ra: ra tới ụ Trần Mừng coi lại thấy ngà voi và vàng bạc nhiều quá, bèn dạy bạn lấy hai chiếc tam bản mà chở lần ra tàu. Chúa tàu ngồi trên mé mà coi chừng bạn chở, còn Trần Mừng chở trước mấy cái ché đem xuống tàu rồi coi chỉ chỗ cho bạn đổ vàng bạc và chất ngà, chở đến tối mò mới xong hết. Chúa tàu xuống tới tàu thấy vàng bạc để trong phòng phía trong, còn ngà thì chất phòng ngoài thì vừa ý lắm, mới hối bạn dọn cơm ăn rồi nằm nghỉ mà nói chuyện với Trần Mừng.

Đêm ấy tàu đậu tại đó cho bạn nghỉ. Qua ngày sau cơm nước xong rồi mới dạy làm buồm kéo neo chạy qua Quảng Đông. Tàu mới vừa lui thì Trần Mừng xin phép Chúa tàu mà đếm vàng bạc và ngà voi coi mỗi thứ được bao nhiêu. Hai người đổ mấy ché ra mà đếm hết thì vàng được 1.200 thoi, bạc được 1.300 nén. Còn ngà voi biểu bạn đếm thì được bảy chục cặp.

Trần Mừng tính để vàng bạc trong phòng trong, còn ngà thì để phòng ngoài. Chúa tàu nói để như vậy thì chật phòng hết nên dạy ba ché vàng với hai ché bạc thì để dưới hầm phòng rồi Trần Mừng nằm ở trên mà ngủ, còn ngà thì cũng lót ván mà chất dưới hầm phía đằng trước mũi tàu.

Tàu chạy khỏi mấy cái hòn nhỏ nằm phía nam Phú Quốc rồi thì tư bề trời nước trên dưới một màu. Đến chiều thấy trời mát, Chúa tàu ra ngồi trước cửa phòng mà ngó mông thì chẳng biết đâu là cố lý, đâu là quê nhà, chẳng thấy ai là người quen ai là thân thích. Nhắm cảnh nhớ nhà chừng nào lòng xót chua chừng nấy. Buồn thay! Nay mình được bạc vàng cả đống mà mẹ cha không có đặng chung hưởng với mình, thế thì bạc vàng nầy mình dầu có mà có ích chi, chẳng thà mẹ cha còn dầu mình áo rách tay trơn, ăn bữa sớm lo bữa chiều hẩm hút với mẹ cha cũng là khoái lạc. Nghĩ trời đất khéo trớ trêu cắc cớ, mình thương mẹ cha sao lại không khiến mẹ cha trường thọ đặng phụ tử sum vầy, còn mình chẳng ao ước bạc vàng mà sao lại khiến của tiền chất đống, đến nỗi không biết làm việc chi cho hết? Hay là tạo hóa muốn gây cuộc tử biệt đặng cho cái lòng hiếu tử của mình nó thảm thiết trót đêm ngày, rồi lại muốn cho mình giàu có đặng hằng nhớ lúc bình sanh mẹ cha nghèo khổ? Mắt trông trời cao ngậm ngùi nhớ ơn cha nghĩa mẹ, tai nghe sóng bủa đau đớn thay mối thảm đoạn sầu, ngồi dưới tàu mà lòng dạ ở Tân Châu, trong tàu chứa bạc hai ngàn nén, vàng hơn một ngàn thoi mà lòng áo não chẳng khác chi người bạch thủ.

Đến tối, Chúa tàu trở vô phòng nằm cũng dàu dàu, Trần Mừng thấy vậy nằm ngồi không yên, nên kiếm chuyện mà nói, trước là giải khuây cho Chúa tàu, sau nữa dọ ý coi vì cớ nào mà buồn rầu cho biết. Té ra Trần Mừng nói thì Chúa tàu ừ hữ cầm chừng mà thôi, chớ không chịu nói chuyện; chừng Trần Mừng hỏi vàng bạc đã chở xuống tàu hết rồi bây giờ tính đi mua bán vật chi, châu lưu xứ nào, hay là về đâu mà cất nhà mà ở, chừng ấy Chúa tàu lặng thinh một hồi rồi mới đáp rằng: “Để thủng thẳng tôi sẽ tính”

Những mảng suy nghĩ việc quá vãng mà quên lửng việc tương lai, may nhờ có Trần Mừng hỏi mấy điều Chúa tàu mới để ý mà tính coi bây giờ mình đã có vàng bạc đầy thuyền như vậy phải làm thế nào cho sung sướng tấm thân mà cũng tròn ơn tròn nghĩa. Đêm ấy Chúa tàu mới nghĩ rằng mình được tiền của đây là nhờ ơn Mạc Tiển, vậy trước hết mình phải lo đền ơn cho người. Khi tàu ở hòn Kim Qui kéo neo mà chạy mình đã dạy chạy thẳng qua Quảng Đông đặng tìm mẹ Mạc Tiển, mà báo tin thì là phải rồi; mà khi mình kiếm được vàng bạc thì mình sẽ chở qua mà chia cho mẹ Mạc Tiển phân nửa, vậy để qua đến đó mình sẽ chia. Hễ báo tin và chia của cho mẹ Mạc Tiển rồi thì mình trở về Nam Việt đặng lập thế mà về Tân Châu, trước là báo hiếu cho cha mẹ, tìm mà trả ơn cho Kỉnh Chi, sau nữa mình hỏi thăm cho chắc coi hồi trước ai bày mưu thiết kế mà hại mình làm cho đến nỗi tan cửa nát nhà, mẹ cha cùng em đều chết hết.

Tàu chạy trọn hai mươi ngày mới tới tỉnh thành Quảng Đông. Trần Mừng khóa cửa phòng chắc chắn, giao cho đà công giữ tàu rồi mới dắt Chúa tàu lên thành đi kiếm mà hỏi thăm họ Mạc. Hỏi thăm hai ngày mới gặp người quen biết mẹ Mạc Tiển, song người ấy nói rằng mẹ và cậu Mạc Tiển đều đã chết hơn mười năm nay rồi; cậu Mạc Tiển có để lại một người con trai mà người ấy thi đậu Cử nhơn rồi bán nhà đi làm quan mấy năm nay biệt tích không biết làm quan tại tỉnh nào.

Chúa tàu cùng thế, nghĩ mình đã hết lòng với Mạc Tiển mà rủi mình không gặp được mà báo tin và chia của ấy cũng là bởi tại trời khiến vậy, thôi mình trở về chớ biết sao bây giờ. Trần Mừng gốc sanh đẻ tại tỉnh thành, hồi nhỏ cũng ở với mẹ cha tại đó, nên thấy Chúa tàu về liền xin phép viếng mồ cha mẹ. Chúa tàu thấy Trần Mừng đi viếng mộ thì cái lòng thương cha nhớ mẹ càng tha thiết, bởi vậy cho nên khi Trần Mừng trở xuống tàu thì Chúa tàu liền hối kéo neo mà về Rạch Giá.

Lúc tàu lui, Trần Mừng thì đứng sau lái mà ngó vô bờ còn Chúa tàu thì ngồi trước mũi mà trông ra biển, người thì mắt trông chừng từ biệt cố hương, kẻ thì lòng khấp khởi mong về xử sở. Tàu chạy ra khỏi cửa, Chúa tàu day lại thấy Trần Mừng còn đứng đó, thầm nghĩ lòng ly hương đau đớn ai cũng như ai, bởi vậy cho nên Chúa tàu nhè nhẹ đi vô phòng nằm, không kêu gọi chi hết. Cách một hồi lâu Trần Mừng mới vô. Chúa tàu nói rằng hồi nãy kéo neo mà chạy quên tính mua hàng hóa đặng chở qua Lục Tỉnh mà bán. Trần Mừng nghe nói cũng tiếc, song khuyên Chúa tàu cũng chẳng nên buồn, bởi vì nếu muốn mua hàng thì chừng tàu chạy ngang Hướng Cỏn ghé đó mà mua cũng đặng.

Trần Mừng có dặn trước đà công nên đà công nhắm Hướng Cỏn mà chạy, tàu tới nơi xán neo rồi Chúa tàu với Trần Mừng bước ra thì thấy cửa Hướng Cỏn cảnh đẹp đẽ lắm, lại thấy có ba bốn chiếc tàu lớn của người buôn bán ngoại quốc đậu đó nữa. Bởi Chúa tàu trong lòng bứt rứt, trông về riết cho tới Lục Tỉnh mà thôi, nên Trần Mừng mời lên bờ xem thành thị chơi, Chúa tàu không chịu đi, rồi biểu Trần Mừng lấy ba trăm nén bạc mà đi mua hàng hóa, chớ mình cũng không thèm đi nữa. Trần Mừng ngồi tam bản đi mua hàng, song trước khi đi có hỏi Chúa tàu tính mua thứ gì, thì Chúa tàu biểu kiếm hàng ngoại quốc coi thứ nào thiệt tốt và lạ thì mua chẳng cần mắc rẻ, bởi vì mình tính chở hàng tốt mà đi châu lưu chơi chớ không phải quyết mua bán mà tính lời tính lỗ.

Trần Mừng đi một buổi sáng mới chở hàng về tàu. Chúa tàu ra xem thì thấy: mền bông, vải láng, sô sa gấm nhiễu, dù, quạt, khăn đèn, thứ nào cũng nhiều, mà thứ nào thuở nay mình cũng chưa từng thấy. Trần Mừng lại cũng có mua một tấm nệm bông để trải cho Chúa tàu nằm, một cây súng nhỏ để hờ trong phòng, một cái đồng hồ để treo dưới tàu coi cho đẹp; lại cũng có sắm đồ vặt như: đồ uống trà, chén ăn cơm, khăn lau mặt, giày vớ đủ hết, để cho Chúa tàu dùng coi nhằm tư cách người cự phú. Chúa tàu thấy Trần Mừng lo lắng đến đồ ăn chỗ ngủ cho mình thì mừng lắm, mà thấy hàng hóa món nào cũng đẹp thì lại càng vui lòng hơn nữa.

Tàu đậu tại Hướng Cỏn một ngày một đêm, Chúa tàu thấy ý tứ Trần Mừng thì biết là người trung thành, nên chẳng những để lòng tin cậy mà thôi lại còn thương yêu Trần Mừng nữa, Chúa tàu biểu Trần Mừng giữ gìn bạc vàng mà xuất phát, muốn mua vật chi tự ý, chẳng cần hỏi thất công, Trần Mừng thấy vậy mới nói trước với Chúa tàu rồi coi dưới tàu hễ thiếu món nào thì đi mua món nấy, chừng tàu chạy thì dưới tàu đồ đạc có đủ hết chẳng khác nào như ở trên nhà.