Chúng tôi đọc Lê Văn Trương
ĐỨA CHÁU ĐỒNG BAC
Trong bài « bạn đọc văn » năm xưa trên mặt báo Tiểu-thuyết thứ bảy, ông Hoài-Thanh có nêu ra ba hạng đọc văn: một, đọc để ru giấc ngủ, hai, đọc để nhận thức trình-độ tiến thoái của văn-chương, ba. đọc để trau dồi, dự bị « một ngày kia » trả công tác-giả bằng cách trứ-tác một tác-phẩm.
Trong ba hạng trên, mãi đến giờ, tôi vẫn chưa biết mình thuộc về hạng nào.
...Có điều tôi vẫn đọc.
Và đọc xong, khi nào thấy hứng mới phê-bình.
Phê-bình cũng như trứ-tác. Không phải vì cảm-tình cá-nhân, và mỹ-ý muốn quảng-cáo hộ, mà ta có thể viết nên một bài phê bình thành thật được.
Đã lâu rồi, tôi đọc sách Lê văn-Trương. Nhưng vẫn không dám đặt bút phê bình họ Lê. Chỉn e mình lại không thành thật được với mình.
Không thành thật được là:
Một sự chóa mắt bởi sức tiêu thụ nhanh chóng của các tác phẩm ông;
Hai sợ người ta sẽ kêu ầm lên (như đối với ông Thiếu-Sơn: « Động ai cũng khen! », nếu mình có đủ can đảm để mà thành thật
Vả lại, tôi vẫn thường tự nhủ thầm: « Ông ấy được độc-giả nói đến nhiều lắm rồi...! »
Nhưng nay tôi lại phê bình họ Lê, thế nghĩa là: tôi đã xóa bỏ được các điều nghĩ lẩn thẩn.
Bỏ ra một phần tư ngày, tôi đọc được hết « Đứa cháu đồng bạc » của Lê văn-Trương. Tôi đọc thế, kể thì khí mau thật, và hơi giống cách « nhai » của các cậu bé đọc truyện kiếm-hiệp thật.
Nhưng, tôi không thể đọc chậm rãi được. Tôi say sưa vì ý truyện. Tôi bị cám dỗ bởi những hành động, những trạng huống gợi hiếu kỳ của các nhơn vật trong truyện nó như những móc sắt kết liên nhau cho đến dấu cuối cùng...
Nhu, một cô gái đẹp, có học, phải lấy một anh chồng « con-bố », nghiện ngập mà giàu, chỉ vì cha mẹ nàng lòe mắt bởi cái gia-tài bạc vạn của nhà chồng nàng. Đẻ được với người chồng, là « con chó giữ tiền cho mẹ », một đứa con gái, Nhu ngoại-tình với một thanh-niên bạn học của mình ngày bé. Đứa sở-khanh này chán Nhu ngay, khi biết Nhu không có quyền trên cái gia tài của nhà chồng. Va lầm. Không có quyền là khi mẹ chồng Nhu còn sanh thời kia..! Mẹ chồng Nhu chết. Chồng Nhu, là người đần! Nhu quan-niệm cuộc đời một cách hết sức lạc quan, vun tiền như đất nẻ. Con Nhu, Nhu cũng muốn cho nó có một quan-niệm như mình.
Ngọc-Yến quả thật giống mẹ. Nàng quả quyết lấy lẽ Nghị Thái, một tay thiên-hộ già, hơn là lấy chánh thức Bình, một nghệ sĩ hữu danh thành thật yêu nàng với một tâm hồn nghệ sĩ.
Bình là con người chồng sau của mẹ Ngọc-Yến (Mẹ Ngọc-Yến, vì chơi bời phóng túng, gia-tài khánh-kiệt, phải tìm chỗ gởi thân!) Bình yêu Ngọc Yến khi còn là một mảnh đào tơ, khi đã hoa tàn nhụy rữa, bị Ngọc Thái hất hủi một cách cay độc, khi ốm đẻ, thân tàn ma dại sắp nguy vong...
Bình, cao thượng thay con người ấy. Quân tử thay con người ấy. Càng đọc « Đứa cháu đồng bạc » về đoạn cuối, ta càng trầm trồ Bình.
Bình là một « nhân vật kiểu-mẫu » của ông Lê văn-Trương, một siêu-nhân (theo tiếng các nhà phê bình gần đây, đã mạng danh cho các nhân-vật chánh trong tiểu thuyết của họ Lê).
Một siêu nhân, thật vậy!
Bình ở đây khác nào Linh ở trong « MỘT NGƯỜI »[1] An ở trong MỘT LƯƠNG TÂM TRONG GIÓ LỐC »[1].
Trong phạm vi tả-thiệt, ông Lê văn-Trương thật đáng trách vì đã tạo nên những siêu nhân ấy.
Nhưng nếu Bernard Shaw, kịch-sĩ đại danh nước Đức, đã nói: « kịch không phải là đời », thì tưởng Lê văn-Trương cũng có thể nói được: « tiểu-thuyết đôi khi cũng không phải là đời ».
Làm tiểu-thuyết đôi khi không phải là đời, ông Lê văn-Trương đã bị một vài ngọn bút phê-bình công-kích: nhưng trái lại, ông được đa số thanh-niên hiếu thắng hăng hái hoan nghinh.
Thanh niên mê Lê văn-Trương, khác nào trẻ thơ mê « kiếm hiệp »! – mê những cao-siêu, những lý-tưởng.
Thanh niên ta phần đông hiện đang suy hèn bạc nhược... ông Lê văn-Trương mạnh bạo đem gieo rắc cho họ những tư tưởng anh hùng quân tử – mặc dầu đượm màu lý-tưởng – kể cũng là hay!
Đọc Lê văn-Trương, ta truy ra được ở ông 3 chủ-trương
– Một công kích đàn bà;
– Hai chưởi quan trường;
– Ba lật mặt thế lực kim iền.
« Ngựa thuần rồi mời ngài lên ». « Dưới bóng thần Vệ-nữ », « Đàn bà là thoi sắt đỏ, ta phải là anh thợ rèn » (xem Ich-Hữu). « Tôi đã sợ đàn bà lắm rồi » (xem Tiểu-thuyết thứ bảy) là những bản cáo-trạng lên án đàn bà nghiêm khắc.
« Một người » chưởi quan trường ngay mặt và thậm tệ.
« Trong ao tù trưởng giả », và « Đứa cháu đồng bạc » mạt sát thế lực kim tiền.
Hai tác-phẩm, một chủ trương. Có điều « Trong ao tù trưởng-giả » chưởi bọn trai « đảo mỏ » vợ; mà « Đứa cháu đồng bạc lại lên án bọn gái « đào mỏ » chồng.
Lê văn-Trương dàn truyện mạch lạc tinh túy, có ý truyện ly kỳ. Nhưng phải cái ông hay « rao » và hay triết-lý suông!
Bạn là người Hà-nội? Bạn tất phải phát cáu lên với ông trong quyển « Một người ». Về Hà-nội, ông nói ở đoạn đầu nhiều, nhiều lắm!
Bạn là người ở Sài-gòn? Bạn tất phải nổi nóng vì ông trong « Cô tư Thung » và « Một trái tim » Ai đời! ông lại kéo nhằng nhằng về Saigon và về Cholon trong hầu hết đoạn đầu của hai quyển nầy.
Nhưng nếu là người Hà-nội mà bạn đọc Cô tư Thung hay « Một trái tim », bạn sẽ hết cáu;
Nếu là người Sàigòn mà bạn đọc « Một người » bạn sẽ hết nóng.
Bạn càng sẽ hết nóng hết cáu nữa, nếu trước khi đọc Lê-văn-Trương, bạn đã đọc qua V. Hugo, Huxley, Sin-clair Lewis – nhà văn hào lải nhải nhứt của châu Mỹ. (Nhưng cũng chính cái lải nhải của ông ta nó đã bưng ông ta lên địa-vị quán quân giải văn-học Nobel năm 1929 với quyển « Babbit ».
Còn đến chuyện triết-lý suông phân tách tâm lý, thì bạn cũng chớ quá vội hớp tớp, bạn hãy đọc P. Bourget trước đi...
Tuy nhiên, tôi cũng công nhận rằng: « P. Bourget triết-lý, diễn tả trạng thái tâm hồn cá-nhân mà vẫn tự chủ được mình ».
Bourget nói dễ dàng như để dạy.
Lê văn-Trương nói khó nhọc như để ghi chép mà học.
Sự khó nhọc nầy thấy rõ rệt trong quyển « Một trái tim » Nghĩa là nhằm vào một thời-biểu hơi xa rồi.
Gần đây. bắt đầu từ quyển « Một người » đến « Một lương tâm trong gió lốc », « Trong ao tù trưởng-giả » cho chí « Đứa cháu đồng bạc » — nhứt là « Đứa cháu đồng bạc » này, Lê văn-Trương đã triết-lý bớt dài sòng sọc, diễn-tả tâm lý bớt theo những đoạn dịch hẳn của tây: ngòi viết ông đã phóng khoáng được, đã tự do được, đã làm ông được « mình lại thành thật với mình »,
· | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · |
Chú thích