Chút phận linh đinh/Chương I
Lỡ bước thương người không dám ngó
Nhớ lời cám nghĩa phải làm khuây
Mùa thu vừa qua, mùa đông đã tới. Cỏ đổi xanh ra đỏ, cây rụng lá phơi nhành. một buổi sớm mai chúa nhựt, ở Hải Phòng bầu trời mù mịt, gió phất lạnh lùng. Mưa phùn phay pháy, cảnh thêm buồn, đường sá bầy lầy đi lấm cẳng. Người đi chợ, tay xách giỏ, tay dấu trong vạt áo, bươn bả bước mau cho bớt lạnh; sắp xa phu, mình mặc áo tơi, đầu đội nón lá, nghễu nghến ngoài đường mà rước khách.
Đồng hồ gõ 11 giờ. Đường từ chợ xuống bến tàu thiên hạ đi dập dìu. Kẻ đi bộ thì choàng áo lạnh, tay che dù, người đi xa thì ngồi trong mui, mình phủ bố[1]. Đã vậy mà còn có kẻ vác rương mà chạy. Xe chở hàng, bánh lăn rầm rầm chen lấn giành nhau đi trước, làm cho người đi bộ phải nép hai bên lề mà tránh.
Tại bến tàu đi Tây, thiên hạ lại còn lao nhao lố nhố hơn nữa: đầu nầy máy cất hàng lên tàu quây tiếng rầm rầm, đầu nọ kẻ khiêng rương lên thang kêu nhau hè hụi. Trên bờ thì đàn bà bồng con đứng chung với mấy ông già chống gậy. Mỗi người đều chong mắt ngó xuống tàu; dựa mé sông thì trẻ trai chen lấn với đàn ông, chộn rộn chàng ràng giành nhau đứng trước.
Chiếc tàu ở Hải Phòng sửa soạn trở về Tây nhúm lửa khói lên nghi ngút. Những người giàu sang mua giấy đi Pháp đã đem hành lý xuống rồi nên ra đứng chống tay lan can mà chơi. Phía trước mũi có mấy trăm lính đã xuống tàu từ hồi sớm mai, nên đứng lóng nhóng ngó lên bờ, kẻ chỉ chỏ vui cười, người lấy khăn lau nước mắt. Trời càng trưa thiên hạ xuống tàu càng thêm đông. Cách một lát thấy có 4 cái xe kéo chạy xuống nữa. Cái xe đi trước không có ai ngồi duy chở cái rương lớn trên nắp có đề nhãn như vầy:
Monsieur LÊ HIỂN VINH
Médecin auxiliaire
Marseille
Cái xe kế đó thì có một người ngồi. Chừng xe ngừng, mở tấm bố phủ rồi người ấy bước ra, thì thấy một người đàn ông trạc chừng 32 hoặc 35 tuổi, mặt mày sáng láng, bộ tướng gọn gàng, đầu đội nón nỉ màu xám, mình choàng áo mưa màu "nu", không rõ mặc áo gì. Nhưng mà thấy lòi hai ống quần ra thì biết y phục toàn bằng nỉ xám.
Ai thấy cái rương lớn cũng đều ngó mà hễ ngó thấy nhãn đề trên nắp rương rồi thì tự nhiên biết người ấy tên là Lê Hiển Vinh.
Cái xe tới sau nữa lại có một người đàn bà ngồi với một đứa con gái nhỏ chừng 12 tuổi. Người đàn bà nầy với đứa con nhỏ đều mặc áo lạnh, song y phục tầm thường chớ không phải đồ tốt, mà gương mặt coi không được vui. Còn cái xe sau chót thì một tên gia đinh vạm vỡ ngồi, xe vừa ngừng nó liền nhảy xuống rồi lật đật chạy phụ với tên xa phu tới trước đó mà khiêng cái rương đem xuống.
Lê Hiển Vinh tay dắt con gái, miệng kêu tên gia đinh ấy mà hỏi rằng:
- Em biết phòng của qua không?
- Dạ con biết. Cái phòng số 7, ông chỉ cho con hồi sớm mai đó phải không?
- Ừ, phải. Em biểu sắp xa phu khiêng rương xuống trước đi rồi em ở dưới tàu chơi mà coi chừng. Chừng tàu gần chạy qua xuống rồi em sẽ lên.
- Vâng.
Tên trai ấy phụ với hai đứa xa phu khiêng rương lên thang. Đứa con gái mới hỏi Lê Hiển Vinh rằng:
- Bây giờ mấy giờ đó ba?
Lê Hiển Vinh móc đồng hồ trong túi ra coi rồi đáp rằng:
- 11 giờ 3 khắc!
Người đàn bà đi chung một lượt hồi nãy đó là Đoàn Thu Vân vợ của Hiển Vinh, mới bước lại gần mà nói rằng:
- Tàu một giờ mới chạy, nếu vậy thì mình còn nói chuyện chơi được hơn một giờ nữa.
Lê Hiển Vinh day lại cười, rồi cúi xuống ôm mặt con mà hun chụt chụt và dặn rằng:
- Ba đi rồi, con ở nhà phải ráng mà học, chớ đừng có ham chơi nghe hôn con. Má con dạy biểu con phải nghe lời, nếu con cứng đầu cứng cổ, ba giận không thèm về nhà đa.
Con nhỏ nắm tay, níu áo cha nó rồi cười nói rằng:
- Ba về mau mau nghe hôn ba, ba đừng có gạt con với má đa. Ở nhà con ráng học đặng năm nay con thi lấy bằng sơ học cho ba coi.
Lê Hiển Vinh nghe con nói như vậy thì cuối xuống hun nữa, rồi mới day lại dặn vợ rằng:
- Mình phải nhớ lời dặn nhé! Thế nào mình cũng ở ngoài nầy chờ tôi, chớ đừng về Sài Gòn, bởi vì mình về ông già càng giận thêm chớ không ích gì.
Mà mình cũng nhớ hỏi thăm coi chị hai Thình chỉ đem con Thu Ba đi đâu; nếu biết chỗ thì mướn người ta đem nó ra mà nuôi; phải ráng mà tìm nó chớ đừng bỏ nó tội nghiệp.
Thu Vân nghe mấy lời chồng dặn thì rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào trong cổ, không nói chi được hết. Hiển Vinh thấy vợ buồn, không muốn dặn dò chi nữa bèn kiếm chuyện khác mà nói rằng:
- Chiếc tàu nầy lớn, đi vững quá. Hồi sớm mai tôi rủ mình xuống coi chơi mình không chịu đi, phòng rộng rãi, chớ không lủm tủm như mấy chiếc tàu nhỏ vậy.
Thu Vân cứ lặng thinh hoài, một lát lấy khăn lau nước mắt một lần. Hiển Vinh thấy vậy trong lòng đau đớn không biết chừng nào, không dám ngó vợ nhìn con, cứ day mặt qua phía chiếc tàu rồi kiếm chuyện khác mà nói nữa rằng:
- Ở ngoài Bắc có thứ mưa phùn khó chịu quá, mình lạnh hôn? Nếu có lạnh thì đem con về.
Thu Vân lắc đầu rồi nói nhỏ rằng:
- Không lạnh đâu. Ở đặng coi tàu chạy chơi.
Thu Vân nói ở chơi mà giọng nghe buồn thảm lắm; làm cho Hiển Vinh chịu không được; muốn kiếm chuyện nói cho vợ con giải buồn, mà sợ nói ra tiếng bệu bạo rồi vợ con càng buồn thêm nữa, nên đứng trân trân, không nói chi được. May lúc ấy tên xa phu đem rương lên phòng rồi trở xuống. Hiển Vinh móc túi lấy tiền trả bớt cho ba cái xe, còn một cái thì cầm lại đó đặng cho vợ con về.
Hàng hóa đã cất lên tàu hết rồi, nên máy không quay nữa. Những người đi đưa bà con, anh em đi Sài Gòn, hoặc đi Tây, rảnh rang nên đi xuống tới dưới tàu, thì lần lần cũng đã trở lên bờ. Hiển Vinh móc đồng hồ ra coi nữa, thấy đã 12 giờ rưỡi rồi, day lại nói với vợ rằng:
- Gần tới giờ xuống tàu rồi, mẹ con ở nhà mạnh giỏi nhé, tới đâu tôi gởi thơ tới đó cho mà hay, đừng có buồn, mình ráng ở nhà chịu cực vài ba năm tôi sẽ về, không hại chi đâu mà sợ.
Thu Vân ngó chồng đáp rằng:
- Em cũng chúc anh đi mạnh giỏi.
Nàng nói có mấy lời mà nước mắt tuôn như mưa, không nói chi được nữa. Hiển Vinh đau đớn quá, nên lật đật ôm con hun, rồi bước lại thang đi xuống tàu, không dám ngó mặt vợ. Con nhỏ thấy cha đi, lại thấy mẹ khóc, tuy nó chưa hiểu vợ biệt chồng, cha lìa con đau đớn là thế nào, nhưng nó cũng mủi lòng, nên đứng ngó theo cha mà nước mắt tuôn rơi không cầm lại được.
Hiển Vinh lên khỏi thang rồi đi khuất, mẹ con Thu Vân ngó hoài mà không thấy nữa. Cách chừng 5 phút, bỗng thấy tên gia đinh coi khiêng rương xuống hồi nãy bước lại thang mà trở lên bờ. Con nhỏ tên là Thu Cúc, lật đật ngoắt tay kêu mà hỏi rằng:
- Ba em đâu mất rồi anh Bảy?
- Ông còn ở trong phòng.
- Tàu chưa chạy, sao ba không ra đứng ngoài mà chơi như họ đó, lại ở trong phòng làm chi vậy?
- Ổng cất đồ một chút rồi ổng ra.
Thu Cúc nghe nói vậy thì mừng nên chong mắt ngó cái cửa chỗ đầu thang hoài, có ý trông cha ra đứng đó, đặng cho mình thấy mặt thêm giây lát nữa. Mưa tuôn lác đác, gió thổi lao xao, mẹ con Thu Vân mặc áo lạnh, tay che dù, mà nước mưa ướt mặt, hơi gió lồng lạnh lẽo. Thu Cúc đứng tựa một bên mẹ mà núp gió, song mắt cứ ngó xuống tàu hoài. Cách một hồi Thu Vân chỉ dưới tàu và trên từng trên mà nói với con rằng:
- Kìa ba con kia kìa! Con thấy hôn? Đứng gần ông Tây đội nón nỉ xám đó. Thu Cúc ngó theo tay của mẹ, chừng dòm thấy được cha rồi, thì mừng rỡ hết sức, nên tay thì ngoắt, còn miệng thì kêu:
- Ba, ba! Ba đi mạnh giỏi nghe hôn ba! Sao ba lên đứng đó?
Thu Vân nói rằng:
- Xa quá, con nói ba con không nghe đâu. Phòng của ba con gần chỗ đó nên đứng đó.
Thu Cúc đáp rằng:
- Vậy mà nãy giờ con dòm chỗ đầu cái thang đó hoài chớ!
- Chỗ đó cửa xuống tàu. Phòng của ba con ở từng trên chớ không phải ở chỗ đó.
- Đi xích ra ngoài đặng gần cầu một chút coi ba có nói chuyện chi hôn má.
Hai mẹ con lần lần đi nới ra gần chiếc tàu.
Hiển Vinh đứng trên tàu cứ lấy tay ngoắt hoài chớ không nói chi hết. Thình lình nghe tiếng chuông rung dưới tàu, rồi thấy người ta chen chỗ cái thang, giành nhau mà trở lên bờ. Cách chẳng bao lâu thổi súp-lê[2] nghe rền tai rồi mở dây. Tàu quạt máy nghe rầm rầm, hai ống khói thảy khói lên đen kịch. Thu Vân với Thu Cúc, mắt nhìn Hiển Vinh không dám nháy, nước mắt chảy có giọt theo gò má rồi hòa với nước mưa. Hiển Vinh đứng trên tàu cũng ngó vợ con trân trân, cặp mặt ướt dầm, nhưng sợ vợ con thấy nên không dám lấy khăn lau.
Tàu lần lần dang ra giữa sông, mỗi tiếng chưn vịt quạt nước nó làm đau đớn Thu Vân cũng như nó quạt trong gan ruột. Tàu đứng sững ngay giữa sông rồi rề rề chạy tới. Thu Vân ngó theo thì thấy chồng cũng còn đứng chỗ đó mà ngoắt mình. Cô bủn rủn tay chơn chịu không nổi nữa, nên sập dù dầm mưa để ngó cho dễ. Thu Cúc cũng dầm mưa đứng ngoắt mà kêu "Ba" om sòm. Phía sau lưng họ vợ con của lính xuống đó đưa chồng, đưa cha cũng đều khóc hết thảy. Tàu chạy đã xa rồi, dòm không thấy rõ người ở dưới tàu nữa, thiên hạ lần lần kéo nhau đi về.
Hai mẹ con Thu Vân che dù ngồi chồm hổm tại đó mà ngó theo hoài, không chịu về với họ. Tàu chạy khuất rồi, duy còn thấy khói bay xa xa mà thôi, mà Thu Vân cũng không về, ngồi tại đây mà trí nhớ ở dưới chiếc tàu, thấy mình đứng tựa một bên chồng, thấy chồng hun con, thấy con níu tay chồng, nghe chồng ở nhà dặn ráng nuôi con, nghe chồng chúc ở nhà mạnh giỏi, nghe biểu đi về kẻo lạnh, thấy chồng đưa tay mà ngoắt mình, tai cứ lóng nghe, mắt cứ ngó thấy hoài, nên đứng dậy mà đi về không được.
Thu Cúc thấy thiên hạ về hết rồi, duy còn có một cái xe kéo chờ đó mà thôi, nên ngó mẹ mà nói nhỏ nhỏ rằng:
- Thôi đi về má. Ba đi rồi mình còn ở đây làm gì? Mình về nhà chờ ba cũng được mà.
Thu Vân nghe tiếng con nói dường như tỉnh giấc mộng, nên vùng đứng dậy rồi dắt con đi lại xe. Đi mới được vài bước, cô ta lại đứng lại, ngó mong phía tàu chạy, lấy khăn lau nước mắt rồi thở ra. Thu Cúc thấy mẹ như thế thì cũng buồn nghiến trong lòng, nên đứng nắm tay mẹ không biểu về nữa. Mẹ con đứng ngó trước mặt thì thấy dưới sông minh mông dòng nước, trên trời mù mịt vừng mây, người đã buồn mà cảnh lại thêm buồn, nước minh mông đưa khách biệt ly, mây mịt mù che người lưu lạc... Hai mẹ con nhìn cảnh và nhìn nhau mà khóc, khóc một hồi nữa rồi mới chịu lên xe về.
Hiển Vinh làm việc tại nhà thương Hải Phòng mấy năm nay mướn một căn phố trệch tại đường Bonnal ở với vợ con. Thu Vân dắt con về đến nhà thì đồng hồ đã gõ 3 giờ. Thằng Bảy về trước phụ với vú già dọn dẹp quét tước trong nhà, bởi vậy Thu Vân bước vô thì thấy bàn ghế đã sắp đặt chỗ nào để hốc nấy, chớ không còn lộn xộn như mấy bữa trước nữa. Trời lạnh quá nên mẹ con Thu Vân vô nhà rồi thì vú già đóng cửa lại liền.
Thu Vân nằm co ro trên ván, biểu vú già đi lấy mền đem ra đắp cho nàng. Thằng Bảy vặn đèn lên rồi đi ra nhà sau. Vú già cũng dắt Thu Cúc ra nhà sau thay quần áo. Thu Vân nằm lim dim, trong trí cứ tưởng tới chồng, thấy chồng đứng dưới tàu, thấy tàu lướt ra khơi rồi bị gió dập sóng dồi chổng mũi hụp lái, nghiêng qua lắc lại. Một giây lâu cô mở mắt ra nhìn trên bàn viết thì thấy mấy cuốn sách của chồng hay đọc còn sắp trên bàn, cái ghế ban đêm chồng hay ngồi viết cũng còn để đó, hình vật còn đây mà nhớ người đi vắng, thì chín chiều ruột thắt lã chã dòng châu. Chiều bữa ấy nàng không ăn cơm, làm cho Thu Cúc không vui nên cũng không ăn được. Tối lại khí trời càng lạnh hơn lúc ban ngày. Thu Vân đắp mền nằm thiêm thiếp rồi ngủ quên, chiêm bao thấy chồng về dặn rằng:
- Mình ở nhà mạnh giỏi, phải ráng mà dạy con, tôi đi vài ba năm tôi về, đừng có buồn.
Đồng hồ gõ 10 giờ, làm vỡ tan giấc mộng. Thu Vân thức dậy ngồi suy nghĩ rằng: “Chồng mình vì mình nên phải lướt biển băng ngàn, mà lập chút công danh, đặng chuộc tội bất hiếu. Khi trước mình cảm cái tình của chồng rất nặng, rồi sau mình mang cái nghĩa của chồng rất dày, trót hơn 10 năm nay mình chưa hề trả được. Nay chồng mình muốn vẹn niềm phụ tử, muốn trọn đạo phu thê, nên bước chưn ra đi, chẳng biểu mình làm việc chi khó, duy dặn mình đừng buồn rầu, phải ráng nuôi con chờ ngày sum hiệp, nếu mình nằm co mà khóc hoài thì té ra mình trái ý chồng mình lắm, thương chồng thì phải nghe lời chồng, chớ thương chồng mà trái ý chồng thì thương nỗi gì“.
Thu Vân nghĩ như vậy nên lấy khăn lau nước mắt rồi kêu vú già biểu dọn cơm mình ăn. Thu Cúc đang nằm thiu thiu ngủ trong buồng nghe tiếng mẹ nói nên thức dậy chạy ra, rồi mẹ con ăn cơm với nhau, cũng như ngày thường, không buồn thảm nữa.
Chú thích