Bước tới nội dung

Chút phận linh đinh/Chương XIV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tưởng đã chết nào dè sống lại,
Thương hèn lâu, mới đặng nhìn nhau.


Thầy thuốc Lê Hiển Vinh đi Tây giữa đường bị tàu lặn Ðức bắn chìm tàu biệt tích, các quan cũng nói vậy.

Lê Hiển Vinh không chết. Khi chiếc tàu "Hải Phòng" bị bắn chìm, chàng đeo trái nổi thả lêu bêu trên mặt biển. Sáng ngày có một chiếc tàu buôn chạy ngang, quan tàu ngó thấy chàng, bèn thả ca nô đi rước. Chàng lên tới tàu thì đuối sức nên nằm ngay đơ. Dưới tàu cho thuốc trót nửa ngày chàng mới tỉnh dậy. Chàng coi lại thì chiếc tàu nầy là tàu buôn của nước Áo. Quan tàu xét giấy tờ, bắt chàng đem về nước cầm tù.

Hiển Vinh bị cầm tù bên nước Áo cho đến mãn giặc, nước Pháp với nước Áo bãi chiến đổi tù với nhau, chàng mới về được. Về tới nước Pháp chàng muốn đánh dây thép cho vợ, nhưng vì trong túi không có tiền dư nên chàng đánh dây thép không được. Chàng vừa viết thơ lại gặp kỳ tàu chạy qua Á Ðông, quan trên dạy chàng về kỳ tàu ấy, chàng nghĩ gởi thơ vô ích, nên viết rồi chàng xé bỏ. Về tới Sài Gòn chàng muốn đánh dây thép cho cha hay, mà rồi chàng nhớ bận đi có gởi thơ trước mà cha không thèm lên đón đưa, bây giờ đánh dây thép nữa, dầu cha có muốn lên Sài Gòn, lên cũng không kịp, nên chàng cũng bỏ qua.

Hiển Vinh đi thẳng ra Hải Phòng. Tàu tới rồi, chàng tưởng vợ con còn ở chỗ cũ, nên bươn bả chở rương lên đó. Nào dè đến nơi đồ đạc dọn trong nhà coi khác, mà người ở trong nhà cũng lạ. Chàng hỏi thăm vợ con thì không ai biết ở đâu mà chỉ, chàng lấy làm bối rối, bèn ngồi xe đi thẳng lại nhà thầy ba Thiện. Chàng bước vô thấy thầy ba Thiện đương ăn cơm, thoáng thấy chàng, thầy chưng hửng, lật đật buông đũa đứng dậy nhìn chàng trân trân, không nói tiếng chi được hết. Hiển Vinh cười và hỏi:

- Anh quên tôi rồi hay sao? Tưởng tôi chết rồi phải không?

Thầy ba Thiện chạy lại ôm Hiển Vinh cười mà chảy nước mắt:

- Trời ơi! Ai cũng tưởng anh chết chìm rồi! Sao mà về được?

Hiền Vinh thuật sơ việc của mình cho thầy ba Thiện nghe, rồi hỏi thăm vợ con mình bây giờ ở đâu. Thầy ba Thiện thuật việc Thu Vân ở nhà nghe tin tàu chìm, chàng biệt tích, nàng rầu và nhuốm bịnh, ốm xanh xao như tàu lá. Nàng sợ chết xứ người, bỏ con bơ vơ, nên dắt con về Nam , giao cho cha chồng rồi tự vận chết treo chàng mà đáp nghĩa xưa.

Rủi thay! Nàng về tới Sài Gòn ở đậu nhà người ta, bị ăn trộm lấy sạch trơn áo quần vàng bạc. Nàng lại mang bịnh nặng, có viết thơ mà trối rồi từ ấy biệt tích, sợ nàng đã chết rồi.

Thầy ba Thiện thuật tới đó rồi đi mở tủ kiếm bức thơ của Thu Vân gởi cho thầy trao cho Hiển Vinh xem. Hiển Vinh mở bức thơ ra thấy tuồng chữ của vợ thì tay run bây bẩy. Chàng coi thơ nói như vầy:

"Thầy ba ơi! Khốn nạn cho thân tôi lắm. Tôi về tới Sài Gòn bị ăn trộm lấy tiền bạc áo quần sạch trơn. Mấy bữa rày tôi đau dậy không nổi. Không có tiền cho con ăn cơm hằng ngày, có đâu mà uống thuốc. Tôi biết trong mình tôi đau nhiều lắm, chắc không bữa nay thì qua ngày mai tôi phải chết. Vậy truớc khi nhắm mắt theo chồng, tôi viết ít chữ cho thầy hay. Tội nghiệp cho con Thu Cúc bơ vơ, không biết nó có đủ trí mà tìm về Nha Mân hay không, mà về đó rồi không biết ông nội nó nhìn hay không nữa.

Khổ lắm thầy Ba ơi! Thôi, chúc cho thầy mạnh giỏi,

tôi chết..."

Hiển Vinh đọc thơ rồi, chàng gục đầu, hai tay bụm mặt mà khóc. Ðã chết đi sống lại về tới quê nhà tưởng là vui, nào dè sống về được lại còn thảm khổ hơn là chết chìm nơi đáy biển nữa! Phải dè như vầy thì thà là buông tay mà chìm phứt cho mát thân khỏe trí hơn.

Chàng khóc một hồi rồi nói với thầy ba Thiện:

- Anh cho tôi ở đậu ít bữa.

Thầy ba Thiện biểu trẻ trong nhà ra ngoài xe khiêng hành lý của Hiển Vinh vô. Hiển Vinh đến sở Ðiều dưỡng trình diện. Ông quan năm, làm đầu Sở ấy đã hay tin Hiển Vinh khỏi chết rồi, bởi vậy Hiển Vinh bước vô thì ông mừng rỡ lắm.

Ông hối mấy thầy giúp việc mau mau làm giấy cho Hiển Vinh lãnh lương; rồi ông lại nói Hiển Vinh muốn xin việc gì ông sẵn lòng cho hết thảy. Hiển Vinh tỏ thiệt với ông rằng lúc chàng vắng mặt, ở nhà vợ chết con xiêu lạc, nên chàng muốn xin phép nghỉ sáu tháng sắp đặt việc nhà. Ông làm giấy cho phép nghỉ liền.

Hiển Vinh được nghỉ rồi chàng từ giả thầy ba Thiện xuống tàu trở về Nam .

Tàu chạy ra biển, lúc chiều mát, chàng đứng dựa lan can ngó trời, ngó nước, chàng ngắm cảnh chừng nào càng đau lòng chừng nấy. Có khi chàng dở thơ của vợ ra mà đọc, hễ đọc đến đâu thì nước mắt chảy tuôn tràn đến đấy. Chàng trách ông trời sao chẳng công bằng, chàng làm tội lỗi gì mà mười mấy năm nay khiến cho cha giận, để cho chàng chịu thảm đêm ngày, rồi bây giờ lại còn nỡ giết vợ chàng, nỡ bắt đứa con nhỏ của chàng cũng phải xiêu lạc như đứa con lớn nữa.

Từ ngày chàng vì danh dự mà xe tơ kết tóc với Thu Vân, cha của chàng không suy xét giùm cho chàng nên đoạn tình phụ tử.

Tuy chàng xét mình không có tội lỗi, nhưng buồn thì có buồn, chớ chẳng bao giờ chàng dám để ý giận cha. Hôm nay vợ chàng chết dọc đường, con chàng xiêu lạc mất. Trong lòng chàng ưu phiền thống khổ, nên chàng trách ông trời rồi chàng lại cố hờn cha. Con trong nhà chỉ có một trai, mà nay lại được hai đứa cháu nội gái. Gắt gao chi lắm vậy, sao chẳng biết thương con thương cháu, khiến cho con buồn thảm, làm cho cháu lạc loài? Mặt mày cũng da cũng thịt như người, mà lòng dạ sao cứng như đá vậy?

Hiển Vinh rầu quá cuồng trí, chàng tính cùng rằng để chàng đi riết về nhà tỏ cho hết cái ác của cha cho cha biết, rồi chàng tự vận mà chết trước mặt cha, cho cha thấy cái tánh khư khư giữ phong hóa hủ bại của cha đó đã làm tiêu tan hết hai đứa cháu nội, giết chết một con dâu, rồi bây giờ giết luôn tới thằng con trai nữa. Sống nữa mà làm gì? Lòng cố giữ chữ hiếu mà cũng mang tiếng thất hiếu?

Vợ hiền con thảo nay đều tiêu tuyệt hết, sống vui sướng gì mà sống?

Hiển Vinh tính tới đó rồi đứng ngó mặt biển chơn trời mà khóc, thầm kêu trời kêu nước mà xin chứng minh giùm cho lòng chàng. Chàng khóc cho đến tối rồi trở xuống phòng nằm dàu dàu, trông tàu tới bến cho mau đặng có đi riết về Nha Mân nói cho hả hơi rồi chết.

Từ ngày ông Hội đồng Lê Hiển Ðạt nhìn được dâu với cháu nội đến nay, kể đã hơn sáu tháng rồi. Ban đầu ông lên Sài Gòn mướn hai tờ nhựt báo để lời rao, hứa chắc rằng ai biết tin tức con Thu Ba chỉ giùm cho ông thì ông thưởng năm trăm đồng bạc. Ông đợi hoài không nghe động tịnh chi hết, còn ở trong nhà thì Thu Vân ngày như đêm cũng nhắc nhở Thu Ba hoài. Ông thấy vậy nên ông dắt mẹ con Thu Vân đi Sài Gòn hai lần, lần nào cũng ở chơi một tuần lễ đặng dọ dẫm tin tức. Thu Vân đi kiếm nhà hai Thình đã dọn đi đâu mất, không còn ở Bàn Cờ nữa. Hai Thình mà còn trốn nữa thì có phương gì mà gặp chín Hô! Ði Sài Gòn hai lần mà lần nào cũng ngơ ngơ ngáo ngáo đi không rồi về cũng không, chớ không nghe tin tức con Thu Ba chút nào hết.

Một buổi sớm mai con Thu Cúc đi với ông nội lên thăm lò gạch, nó thấy vắng mặt con Nuôi nó mới hỏi thăm bà Sáu coi con Nuôi đi đâu. Bà Sáu nói rằng "Má con Nuôi đau hơn nửa tháng nay. Vài bữa rày má nó bịnh nặng quá nên nó ở nhà, không thấy xuống làm gạch". Thu Cúc nghe nói như vậy thì mặt nó buồn xo. Ðến trưa nó xin phép với ông nội và má nó đặng đi thăm con Nuôi.

Ông Hội đồng thấy trời nắng quá; nên ông dục dặc cho đến xế ông mới chịu kêu thằng Hiếu biểu dắt con Thu Cúc đi.

Nhà con Nuôi đóng cửa sùm sụp trong ngoài vắng tanh. Lên tới đó, Thu Cúc biểu thằng Hiếu đứng trước sân chơi, rồi nó cúi đầu chun vô nhà. Nó nghe ở trong buồng có tiếng rên nho nhỏ, rồi lại nghe có tiếng khua lộp cộp. Nó đi nhẹ lại chỗ cửa phòng mà dòm, thấy cơm Nuôi đương sắc chén thuốc đặng bưng cho má nó uống. Con Nuôi thấy Thu Cúc thì gật đầu chào, tuy miệng nó chúm chím cười song mặt nó buồn bực lắm. Thu Cúc bước vô ngó má con Nuôi rồi hỏi:

- Má chị đau sao đó? Hôm trước chị có nói mà tôi tưởng ể mình sơ sài vậy thôi. Hồi sớm mơi nầy tôi lên lò gạch, tôi không thấy chị tôi hỏi thăm, bà Sáu nói tôi mới hay. Bữa nay có bớt chút đỉnh gì hôn?

Con Nuôi chảy nước mắt mà đáp:

- Bịnh của má chị một ngày một nhiều.

- Chị có rước thầy hốt thuốc cho uống không?

- Có ông thầy thuốc Bảy, xóm trên, hôm trước ổng coi mạch giùm một lần và hốt cho hai thang thuốc. Chiều hôm qua, hốt thêm thang nữa uống còn một chút đây, mà coi bộ cũng không khá.

- Sao chị không rước ông Mộng Liên trên Sa Ðéc, ổng giỏi lắm, nhờ có ổng nên má tôi mạnh, mấy tháng nay lại có da có thịt, chị không thấy hay sao?

- Thưa cô...

- Chị đừng kêu tôi bằng cô nữa! Nếu chị kêu tôi bằng cô tôi về đa! Tôi nói cứ kêu bằng em như hồi trước vậy mà, bày đặt kêu cô hoài.

- Nghèo quá có tiền đâu mà rước thầy giỏi.

- Hại gì! Ông nội tôi nói ông Mộng Liêm không phải làm thuốc kiếm tiền như người ta vậy đâu. Giàu thì ổng mới ăn tiền, còn nghèo thì ổng làm phước.

- Dầu ổng làm phước, mình cũng phải có tiền hốt thuốc chớ. Má tôi có chút đỉnh hổm nay hốt thuốc mua dầu hết rồi còn đâu nữa mà rước thầy khác.

- Ðể tôi về tôi thưa cho ông nội tôi hay, xin ông nội tôi sai thằng Hiếu đi rước. Như ông Mộng Liêm có ăn tiền bao nhiêu thì ông nội tôi trả cho.

Tuy hai đứa nói chuyện nhỏ nhỏ, song má con Nuôi nghe, nên nhướng mắt ngó. Chị ta thấy Thu Cúc bèn ngoắt nó lại đứng gần, và hỏi nhỏ nhỏ rằng:

- Cô lên thăm con Nuôi chơi hay có việc chi?

Thu Cúc lắc đầu đáp:

- Cháu nghe nói dì ể mình, nên lên thăm dì, chớ có chuyện chi đâu.

Má con Nuôi lặng thinh một hồi rồi nói:

- Cô là cháu nhà giàu, mà cô không kiêu căng, nghe tôi đau cô đi thăm, thiệt tôi cám ơn quá.

Chị ta nói mấy là rồi chảy nước mắt rưng rưng.

Thu Cúc đáp:

- Có chi đâu mà ơn nghĩa. Bây giờ cháu giàu mà cách mấy tháng trước cháu cũng nghèo vậy chớ. Hồi đó dì thương cháu, bây giờ cháu giàu rồi cháu quên dì với chị Nuôi hay sao.

Má con Nuôi nói:

- Thiệt đáng quá! Nhỏ mà ở như vậy hèn chi mới được phước. Con Nuôi phải bắt chước cô đó mà ở đời nghe hôn con.

Chị ta nói tới đó rồi coi bộ mệt nên nín mà nghỉ. Cách một hồi chị ta mới nói rằng:

- Thuở nay cô thương con Nuôi cô làm chị em với nó, đến chừng cô được giàu sang rồi cô cũng không phụ nó. Bữa nay nhơn có cô lên đây, vậy tôi xin tỏ với cô một điều. Tôi biết trong mình tôi đau nhiều lắm, sợ sống không lâu nữa. Vậy nếu tôi có theo ông theo bà rồi, thì xin cô làm phước thưa với ông Hội đồng đặng cho con Nuôi nó ở mà hầu hạ cô, chớ tôi chết thì nó bơ vơ, còn ai đâu mà nương dựa.

Con Nuôi nghe má nó trối như vậy thì nó động lòng nên ngồi ghé bên giường mà khóc, Thu Cúc thấy vậy cũng thảm thiết, song muốn làm cho yên lòng người bịnh nên đáp:

- Dì đừng nói như vậy, chị Nuôi chỉ buồn. Không có sao đâu mà sợ. Cháu mới nói với chị Nuôi để cháu thưa với ông nội cháu cho người lên Sa Ðéc rước ông Mộng Liêm hốt thuốc cho dì uống. Dì uống của ông vài thang thì mạnh chớ gì. Còn phần chị Nuôi thì xin dì cũng đừng lo. Cháu thương chỉ cũng như chị ruột cháu vậy. Nói cùng mà nghe, ví như trời khiến dì mất đi nữa thì cháu lo cho chỉ, hễ cháu sướng thì chỉ sướng, chừng nào cháu nghèo mạt, thì chỉ mới cực khổ. Dì đừng có lo, cứ an tâm mà dưỡng bịnh.

Má con Nuôi nghe nói như vậy thì mặt có sắc vui. Chị ta nằm suy nghĩ một hồi nữa rồi nói tiếp:

- Bữa nay nhơn có cô đây, tôi phải tỏ thiệt chuyện riêng của con tôi cho nó biết luôn thể. Nuôi ơi má nói thiệt cho con biết. Con không phải là con ruột của má đâu. Hồi con được năm sáu tháng má thấy con ngộ nghĩnh má mua má nuôi, nên má mới đặt tên con là Nuôi đó.

Con Nuôi với Thu Cúc nhìn nhau chưng hửng. Con Nuôi đứng dậy nói:

- Má bày chuyện chi vậy má? Má không thương con nữa hay sao mà má nói như vậy?

Má con Nuôi đáp:

- Má sợ má chết nên má nói thiệt cho con biết chớ.

Con Nuôi ngồi xuống khóc nữa.

Thu Cúc hỏi:

- Dì nói chị Nuôi là con nuôi của dì. Vậy chớ cha mẹ ruột của chỉ là ai đâu?

- Tôi không biết.

- Ủa! Vậy chớ hồi trước ai bán chỉ cho dì?

- Hồi trước tôi ở trên Sài Gòn, ở gần con đó nó nuôi vú cho người ta. Không biết tại sao họ mướn vú nuôi rồi họ bỏ, nên con vú nó bán cho tôi mười đồng bạc.

- Hồi trên Sài Gòn dì ở chỗ nào?

- Tôi trở trong đường hẻm gần bên chợ Tân Ðịnh.

Thu Cúc nghe nói như vậy thì run tay, biến sắc lật đật hỏi nữa:

- Người vú bán chị Nuôi cho dì có phải hồi trước lấy săn đá[1] hôn?

- Phải.

- Phải tên là hai Thình hôn?

- Phải. Sao mà cô biết? Con đó sau nó đụng[2] một thằng chồng làm dưới hãng, mặt rỗ chằng, họ kêu là hai Rỗ, rồi dọn nhà về ở đâu phía Chợ Ðuổi.

- Khi trước răng dì hô, nên lối xóm kêu dì là chín Hô phải không?

- Phải. Sao cô biết rõ như vậy?

Thu Cúc chạy a lại ôm con Nuôi vừa khóc vừa nói rằng:

- Trời đất ơi! Chị hai tôi đây mà tôi không biết, để đi kiếm xứ nào chớ. Chị hai ơi, em không dè ngày nay mà chị em gặp nhau như vầy, thiệt là phước lớn không biết chừng nào. Ði, chị đi với em xuống nói với má và ông nội hay. Ði mau mau, cha chả, tôi mừng quá?... Anh Hiếu a anh Hiếu, anh chạy riết về kêu má tôi chút... Mà thôi để hai chị em tôi đi. Ði, chị hai, đi.

Thu Cúc bôn chôn quýnh quít, cứ níu tay con Nuôi mà kéo và thúc đi.

Con Nuôi không hiểu Thu Cúc làm việc gì kỳ cục như vậy, nên nó vịn thành giường trì lại mà mắt nó ngó má nó trân trân. Má con Nuôi thấy vậy cũng lấy làm lạ nên hỏi Thu Cúc:

- Cô nói cái gì vậy? Tôi không hiểu. Ðâu cô nói cho tôi nghe thử coi tại sao cô kêu con Nuôi bằng chị hai?

- Ðể cháu nói cho dì nghe. Hồi trước má cháu ở trên Sài Gòn, đẻ chỉ đây rồi mướn dì hai Thình nuôi vú. Ba với má cháu có việc phải đi ra Bắc gấp, mà lúc ấy chị hai cháu đau, nên đem đi một lượt không được. Ba cháu để tiền bạc cho dì hai Thình và dặn, hễ chị hai cháu hết đau rồi mua giấy tàu đem ra sau. Dì hai Thình ăn hết tiền bạc rồi bán luôn tới chị hai cháu mà trốn mất.

- Tôi có dè như vậy đâu? Phải hồi đó dì hai Thình bán cho dì hôn?

- Phải. Nó bán cho tôi mười đồng bạc.

- Dì bất nhơn quá! Mười mấy năm nay ba với má cháu tìm chị hai cháu không được rầu rĩ không biết chừng nào. Cách mấy tháng trước má cháu về tới sài Gòn thời may gặp dì hai Thình. Má cháu hỏi, dì chối, nói cho dì chớ không phải bán. Má cháu có lên Tân Ðịnh kiếm dì nhưng trong xóm dì ở hồi trước đó không ai biết dì đi đâu. Có dè dì đây đâu.

- Hồi con Nuôi được bốn năm tuổi, ở nhà tôi mất, vì ở Sài Gòn không có phương thế làm ăn, nên tôi phải trở về đây.

- Sao dì về ở một bên ông nội cháu đây, mà từ hồi đó đến bây giờ dì không nói thiệt?

- Tôi có biết con Nuôi là con của ai đâu mà nói.

- Phải. Dì có biết đâu. Mà mấy tháng nay ông nội cháu rao trong nhựt trình hỏi ai biết chín Hô chỉ ra, ông nội cháu cho tiền sao dì lại không nói?

- Ông có rao nhựt trình hay sao? Tôi có hay bao giờ đâu mà nói. Phải tôi dè con Nuôi là cháu nội ông Hội đồng thì tôi nói liền đặng nó sung sướng tấm thân, chớ tôi để nó cực khổ làm chi. Cha chả, con tôi có phước quá? Nếu thiệt như vầy tôi hết lo cho phận nó rồi.

- Thiệt là may quá! Ông nội với má cháu chắc mừng lắm.

Thu Cúc nói mà hào hển, nó nói với má con Nuôi rồi day lại kéo con Nuôi nữa:

- Thôi đi chị hai, đi xuống dưới nhà một chút, đặng cho má với ông nội mừng. Ba đi Tây chìm tàu chết rồi. Rủi quá, phải ba còn sống thì vui lắm. Thôi đi.

Con Nuôi nghe rõ đầu đuôi rồi thì nó chưng hửng, nửa mừng nửa nghi, nên đứng ngó Thu Cúc rồi lại ngó má nó. Thu Cúc thúc đi nữa, con Nuôi mới nói rằng:

- Chuyện em nói đó qua không hiểu. Bây giờ má qua đau qua bỏ mà đi sao được. Thôi em về thưa lại má em hay, coi má em liệu làm sao đã chớ.

Thu Cúc gật đầu buông tay con Nuôi ra, rồi chạy ra sân, hối thằng Hiếu về. Nó vừa đi vừa chạy hào hển, thằng Hiếu chạy theo hỏi việc gì nó không thèm nói, cứ co giò chạy riết. Vừa bước vô cửa, Thu Cúc kêu rân:

- Má ơi má! Con tìm được chị Thu Ba rồi. Má lên đem chỉ về cho mau má.

Thu Vân đương đứng dưới nhà bếp, nghe con kêu om sòm, bèn chạy lên hỏi:

- Gì vậy con?

- Con tìm được chị Thu Ba rồi.

- Ở đâu?

- Trên kia.

- Trên nào?

- Chị Nuôi đó đa.

- Hả? Ai nói với con rằng con Nuôi là Thu Ba.

- Má chỉ, má chỉ là chị chín Hô đa.

- Úy, cha chả! Thiệt hôn?

- Sao lại không thiệt. Con hỏi rồi. Má lên hỏi lại mà coi.

Thu Vân mừng quýnh, nên rộn rực chạy đi kiếm ông Hội đồng. Ông đương tắm trong nhà tắm, nàng đứng ngoài kêu mà nói:

- Thưa cha, Thu Cúc nó nói con Nuôi đó là Thu Ba cha à. Cha cho con lên nhà con Nuôi hỏi lại coi, nghe hôn cha.

Ông Hội đồng ở trong đáp lại:

- Ừ con lên trển hỏi lại coi. Con đi trước đi, cha tắm rồi cha sẽ lên sau

Thu Vân với Thu Cúc dắt nhau mà chạy; trời còn nắng mà quên đội khăn. Ông Hội đồng tắm rồi bước ra kêu thằng Hiếu lấy áo quần mau mau cho ông thay, đặng ông đi theo mẹ con Thu Vân. Ông thay đồ xong rồi, ông hỏi thăm thằng Hiếu coi nhà của mẹ con Nuôi ở chỗ nào rồi ông lấy dù đi. ông ra khỏi cửa ngỏ, ông sực nhớ bỏ quên xâu chìa khóa trên đầu giường của ông, ông bèn vội vã trở lại lấy.

Ông lên lầu coi tủ sắt, tủ cây đều đóng tử tế, ông bỏ chìa khóa vô túi, kêu thằng Hiếu mà dặn coi nhà rồi ông mới đi nữa.

   




Chú thích

  1. (gendarme): cảnh sát
  2. Lấy