Chị Đào, Chị Lý/Chương 3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chị Đào, Chị Lý của Hồ Biểu Chánh
Chương 3: MAY RỦI RỦI MAY

Anh Thái đọc dứt rồi, anh liền trao bức thơ cho vợ, vội vã vừa mở nút áo, vừa đi vào trong. Anh cởi áo máng trên vách. Bưng chong đèn nhỏ ra mà mồi, rồi trở vô bếp lui cui nhóm lửa nấu nước sôi đặng luộc hột vịt mà ăn cơm, không nói chi hết.

Chị Hòa cũng lặng thinh, lo đút bức thơ với 5 ghim giấy bạc vào bao thơ rồi để dưới bắp vế mà đè. Chị liếc mắt ngó ra cửa, dường như sợ có người ở ngoài dòm thấy công việc trong nhà, mặc dù chồng chị đã khép khít hai cánh cửa hồi nãy rồi. Thừa dịp hai em nhỏ nằm ngủ êm cả hai, chị để riêng hai hộp sữa với cái ve một chỗ, rồi sắp hết mấy gói kia vô rương, xếp cái mền tua lớn để phía dưới, khăn, áo để riêng một đầu, mền nỉ của em để khúc giữa, còn cái gói tả thì để đầu kia. Chị đậy nắp rương lại cho khít. Chị quên hết bịnh hoạn hổm nay.

Chị bước xuống đất lấy cái bao thơ nhét vào túi áo trong và bưng cái rương để sát trong vách. Chị mới lượm hai hộp sữa với cái ve đem để trên bàn chung một chỗ với sữa và ve của em Đào bú hổm nay.

Chị ngó chừng hai đứa nhỏ rồi đi thẳng vô trong, thấy Thái đương chụm lửa luộc trứng vịt, chị mới lấy cái siêu múc nước để một bên mà dặn anh hễ hột vịt chín rồi thì anh đặt dùm siêu nước lên bếp đặng có nước sôi mà khuấy hai ve sữa để hai em nhỏ thức dậy có sẵn sữa cho hai đứa bú liền.

Thái cứ ngồi ngó bếp lửa, không ừ hử, bộ lo lắng lắm.

Hòa lau chén đũa sửa soạn dọn cơm. Chén tương ăn hồi trưa còn phân nửa chị cũng để vô mâm. Trứng vịt chín, Thái nhắc cái ơ xuống, bắt siêu nước lên biểu vợ ra coi chừng hai em nhỏ để cho anh lột trứng vịt rồi anh bưng dọn ra được.

Hòa đi ra trước lấy hai ve sữa cầm vô, đợi nước sôi chị súc cho sạch rồi dùng hộp sữa mới khui mà khuấy mỗi ve một khúc cho em bú. Chị làm hai ve sữa xong thì Thái cũng dọn cơm rồi, chồng bưng mâm cơm để góc ván, vợ cầm hai ve sữa để trên bàn. Thái bưng đèn để gần mâm cơm và nhắc cái ghế đẩu mà ngồi. Hòa bới một chén cơm cho chồng trước rồi mới bới cho chị. Thái đói bụng nên cơm đã nguội lại ăn với tương và trứng vịt dầm nước mắm mà anh ăn coi ngon quá. Mấy bữa trước Hòa đắng miệng ăn cơm không được, mà hôm nay coi bộ chị ăn cũng ngon.

Vợ chồng vừa ăn vừa ngó chừng hai đứa nhỏ. Hòa nóng nảy muốn biết ý chồng coi việc nầy chồng tính phải làm sao. Thấy chồng cứ lặng thinh không thèm nói tới, Hòa mới nói: “Hồi mới về anh nói ăn cơm rồi đem cái rương ra bót mà cớ. Bây giờ có giấy của người ta viết như vậy thì cớ bót sao được“.

Thái cứ ngồi ăn không nói chi hết.

Hòa nói tiếp: “Tội nghiệp cho cô nào đó qua! Viết cái thơ đọc nghe thảm thiết hết sức! Chắc là giàu sang lung lắm nên sanh con sắm đủ đồ hết, mà sắm thứ nào cũng quí giá, tính hết cũng tới bạc ngàn chớ ít đâu. Vì gia đạo xào xáo sao đó mới ép buộc cô phải lìa con, cũng như cô phải cắt ruột mà quăng, bởi vậy cô viết thơ năn nỉ cậy mình làm phước nuôi dùm, lại còn để theo tới 5 ngàn đồng bạc mà đền ơn trước cho mình nữa. nếu người không giàu sang tột bực và không thương con đáo để, thì đâu có làm như vậy được. Người ta cậy bất luận là ai, hễ gặp thì làm phước đem về nuôi dùm. Trời đã xuôi khiến cho anh gặp rồi anh đem về nhà, vậy thì vợ chồng mình phải lãnh nuôi, chớ từ chối sao được“.

Thái châu mày ngó vợ mà hỏi:

- Em tính để mà nuôi hay sao?

- Trời đã khiến con nhỏ nầy về tay mình thì mình phải nuôi, chớ giao cho ai bây giờ?

- Em bịnh hoạn mà nuôi cho tới hai đứa nhỏ em nuôi sao nổi.

- Cho bú sữa bò mà cực khổ gì. Một đứa hay là hai đứa cũng vậy.

- Nuôi hai đứa em phải cực bằng hai chớ cũng vậy sao được.

- Em sợ là sợ không có sữa, phải mua sữa bò cho hai đứa bú, tốn tiền nhiều quá chịu không nổi, chớ em có sợ cực đâu. Mà người ta đã cấp cho mình một số tiền tới 5 ngàn thì mình khỏi lo về phía đó, cứ lo tắm rửa cho bú dỗ ngủ, có ấm đầu thì mua thuốc cho uống, làm việc như vầy có cực cho bằng buổi chiều quảy thúng đi mua trái cây rồi sớm mơi gánh ra chợ ngồi bán hay sao. Em nói thiệt với anh hổm nay em buồn lo lung lắm, buồn vì mắc con nhỏ không đi mua bán nữa được kiếm tiền thêm để phụ với anh, còn lo là vì mỗi tháng anh lãnh được có hai mươi mấy đồng làm sao mà đủ nuôi con thơ vợ yếu. Chưa mấy ngày mà đã thấy khổ về tiền bạc, đến nỗi anh phải tính bán xe đó thấy chưa. Ví như người ta mướn nuôi con nhỏ mà họ chịu chừng đôi ba trăm, em cũng lãnh liền. Người ta rộng rãi giao cho mình tới 5 ngàn thì còn dụ dự gì nữa, đây là cái phước đến cho mình, mà nuôi con nhỏ mình lại làm phước, làm ơn, làm nghĩa cho người ta nữa.

- Qua tính phải đem đến bót mà trình. Như nhà chức trách nói mình gặp được thì cứ đem về mà nuôi. Định như vậy thì mình nuôi mới hợp pháp. Còn như người ta định giao cho nhà mồ-côi nuôi thì thôi.

- Đâu mà được!… Anh tính đem trình hết ráo, trình luôn thơ từ tiền bạc nữa hay sao?

- Trình thì phải trình đủ hết chớ sao. Nếu mình dấu tiền bạc để lại mình xài, té ra mình gian tham, mình ăn cắp.

- Thiệt vậy … Nếu mình chận số tiền mà lấy, như rủi ro họ giao con nhỏ cho người khác nuôi thì té ra mình sang đoạt tiền bạc của con nhỏ, làm như vậy tội lắm. …Ý mà anh quên hay sao? Trong thơ người ta căn dặn rành rẽ, dặn ai gặp cái rương phải dấu kín mà nuôi dùm, đừng cho ai biết. Nếu mình đem ra làng ra bót mà trình, chi cho khỏi người ta điều tra, họ tìm kiếm cho ra người mẹ của em nhỏ họ làm tùm lum, tội nghiệp người nào đó quá. Có lẽ việc bí mật sao đó, cô nọ sợ xấu hổ cho phận cô, hoặc sợ nguy cho con nhỏ nên trong thơ mới dặn cặn kẽ phải dấu kín… mà lúc anh gặp cái rương cho tới lúc anh đem về tới nhà mình đây, có ai ngó thấy hay không.

- Không. Rương bỏ giữa khoảng trống, không có nhà cửa ai hết, mà qua dở ra coi rồi qua chở về đây qua không gặp người nào hết.

- Ôi!, Nếu vậy thì mình dấu luôn mà nuôi, cần gì phải đi báo cáo.

- Người ta giao một số tiền lớn mà cậy người nuôi, người ta buộc phải thương yêu dạy dỗ em nhỏ như con cháu ruột. Qua ái ngại vì qua sợ mình không thể làm tròn trách nhiệm của người ta phú thác chớ.

Hòa ăn cơm rồi. Nghe chồng nói như vậy chị buông đũa và chỉ con nhỏ mà nói: “Con nít phê phê ngộ nghĩnh như vầy mà ai nỡ lòng nào mà ghét nó cho được. Em nuôi nó em cũng thương nó như con Đào của mình vậy. Em yêu hai đứa đồng nhau, em chăm sóc như nhau, chúng nó lớn em cũng dạy dỗ chung hết hai đứa làm như vậy có lỗi trách nhiệm gì đâu mà sợ“.

Em Đào thức dậy quơ hai tay dụi mắt.

Thái vừa ăn cơm rồi, anh ngó thấy, anh liền bước lại bàn lấy hai ve sữa còn ấm hiểm đưa cho vợ mà nói: “Thôi để thủng thẳng rồi sẽ tính lại. Em ngồi đó coi chừng hai đứa nhỏ, nếu nó thức dậy thì đưa sữa cho nó bú. Để qua múc nước cho em uống“.

Thái bưng mâm cơm đi vô trong rồi bưng ra một tô nước cho vợ uống.

Em Đào khóc óe lên. Hòa cầm ve sữa cho nó bú. Em nhỏ kia cũng thức dậy chòi đạp nữa và mở mắt trao tráo. Thái lên ván ngồi mà cầm ve sữa thứ nhì cho nó bú, hai đứa chầm bú mạnh mẽ. Vợ chồng Thái ngó nhau mà cười.

Hòa nói: ”Trong thơ nói em nhỏ sanh được 28 ngày rồi. Vậy thì em mình lớn hơn 3 bữa, nó là chị“.

Thái cười mà nói:

- Trong thơ có nói đặt em nầy tên Lý. Em của mình tên Đào, Đào với Lý là chị em phải quá.

- Ừ! hai tên đều thuộc trái cây hết mà trái cây ngon nên bán mắc nữa. Em chắc vợ chồng mình phát tài rồi nên trời mới khiến trong nhà có trái Đào rồi mà trời còn cho thêm trái Lý nữa. Nếu mình nuôi hết hai đứa ai có hỏi thì mình nói con mình sanh đôi.

- Hai đứa coi gương mặt không giống nhau.

- Con nít sanh chưa đầy tháng, biết sao là giống hay không giống cho được anh. Cứ nói em sanh một cặp con gái thì ai biết gì đâu mà không tin.

Em Đào bú trước nên no trước rồi ngủ lại, Hòa cất ve sữa bước vô trong, dọn dẹp mâm cơm hồi nãy, để cho chồng ngồi cho em Lý bú mà coi chừng luôn hai em.

Chừng Hòa trở ra thì em Lý cũng bú no rồi ngủ nữa.

Thái rảnh rang mà mở cửa cước ra sàn đứng ngó mông mà suy nghĩ. Bổn tánh ngay thẳng nên hồi gặp cái rương có đứa con nít nằm trong thì anh tính chở về nhà, ăn cơm rồi sẽ đem ra bót mà cớ. Chừng soạn rương thấy bao thơ với một số bạc nhiều quá anh bối rối, không biết liệu lẽ nào: phải đem hết ra bót mà trình, hay là dấu luôn đặng hưởng số bạc đó, chẳng những nó giúp nghèo lúc nầy khỏi bán xe cho vợ uống thuốc, mà nó giúp vốn cho vợ chồng làm ăn hết túng rối thiếu hụt nữa. Tại không quen thói tráo trở theo thời như người ta nên anh lo ngại chưa dám quyết định. Chừng vợ chồng bàn qua cãi lại, anh nhận thấy lời vợ anh nói thảy đều có lý: người ta cậy nuôi dùm con, người ta dặn phải giữ kín, đừng cho ai biết, mình đem ra bót làm vỡ lỡ tùm lùm sao phải. Lại người ta mướn nuôi tới giá 5 ngàn đồng, mình còn sợ cực nỗi gì. Mình bỏ sở ở nhà phụ với vợ mà nuôi cũng đáng, miễn lúc nó còn nhỏ đây mình thương yêu săn sóc như con ruột của mình, rồi chừng nó lớn lên mình chăm nom dạy dỗ cả hai đứa như nhau thì mình giữ tròn lời của người ta phú thác, chớ có lỗi trách nhiệm chỗ nào đâu mà sợ. Gặp con nít của người ta bỏ giữa đường, người có lòng nhơn ai cũng phải bồng về mà nuôi, không nỡ làm lơ bỏ cho nó chết. Người ta năn nỉ cậy nuôi dùm em Lý, lại đền ơn trước với một số bạc quá lớn, chớ phải biểu mình làm phước xuất tiền mình mà nuôi hay sao nên sợ tốn tiền tốn công mà từ chối.

Thái nghĩ tới đó thì 10 phần đã xiêu lòng muốn nghe theo lời vợ hết 9 phần rồi. Nhưng vì cũng còn chút ái ngại nên anh trở vô khép cửa gài lại chặt. Thấy vợ đã lót mền gối sắp hai em nhỏ nằm song song một đầu ván để trống một đầu chị nằm. Thái bước lại bưng đèn để bên bàn rồi ngồi một bên vợ mà hỏi: “Bữa nay em còn nóng lại nữa hay không?”

Hòa ngồi dậy mà đáp:

- Hồi nửa chiều, trong mình có hơi en en ớn lạnh. Em khuấy một chén sữa nóng em uống nó tỏa mồ hôi rồi khỏe mạnh nên gần tối em mới nấu cơm được đó. Mà chuyện nầy nghĩ thiệt kỳ; từ hồi anh đem con Lý về tới bây giờ, sao trong mình em khỏe khoắn dường như không có bịnh chi hết. Hồi nãy em ăn được hơn một chén cơm đó, anh không thấy hay sao?

- Thế nào em cũng phải đi Đốc Tơ cậy ổng coi mạch rồi tiêm thuốc cho dứt nóng lạnh mới được. Nếu em muốn để em Lý mà nuôi thì em phải mạnh đặng có sức khỏe mà nuôi hai đứa con nổi chớ. Em cũng phải nói với Đốc Tơ hoặc tiêm thuốc bổ hoặc cho toa mua thuốc bổ mà uống cho thứ thuốc nào uống cho có sữa nhiều đặng đủ cho hai đứa bú.

- Sữa mẹ mới bổ, con nít bú mới mau lớn. Sữa bò sao bằng, nếu sữa em thiếu em cho bú giặm sữa bò vậy thôi.

- Nếu anh chịu để con Lý cho em nuôi chung với con Đào, thì em sẽ đi Đốc-Tơ. Em xuất chút đỉnh trong số tiền nầy mà uống thuốc cho mạnh đặng nuôi em có hại gì đâu.

- Người ta nói ngoài Tân Định có ông Đốc-Tơ Ân, ổng trị bịnh cho nhà nghèo ổng làm phước ăn tiền rẻ lắm, bởi vậy người ta gọi ổng là “Đốc-Tơ nhà nghèo”. Để em ra đó. Em chắc tốn không bao nhiêu đâu.

- Em đưa bức thơ hồi nãy cho qua đọc lại coi.

Hòa móc túi lấy bao thơ ra, rút lấy bức thơ mà đem cho chồng. Thái cầm lại cái bàn, nhắc ghế ngồi bên bàn để mà đọc lại. Anh ngồi coi mà suy nghĩ. Anh coi qua coi lại mấy lần rối xếp đưa cho vợ, dặn phải cất cho kỹ đừng bỏ mất. Hòa đút vào bao thơ lại mà nói chị để chung với số bạc mà giữ trong mình, làm sao mất được mà lo.

Thái ngồi dựa bên vợ to nhỏ nói: ”Qua tin chắc việc nầy là việc trời sắp đặt mà gây ra chớ không phải vợ chồng mình dụng mưu gian mà tạo thành được. Em nghĩ lại mà coi mấy năm nay vợ chồng mình lam lụ làm ăn, chồng lo theo sức chồng, vợ lo theo nghề vợ, mình cứ giữ lòng hiền lành ngay thẳng mà ở đời, ai có dạ hung dữ gian tham mặc họ. Có lẽ Trời thấy mình nghèo hèn cực khổ Trời thương nên trời đã cho một đứa con gái rồi, mà nghĩ chưa đủ cho mình vui nên Trời tạo ra một trường hợp phi thường mà cho mình thêm một đứa con gái nữa, lại còn giúp cho mình một số bạc to để mình làm vốn mà lập nghiệp, bây giờ qua thấy vợ chồng mìnnh đối với lòng chiếu cố của Trời Phật, mình có hai phận sự: một là săn sóc thương yêu dạy dỗ hai đứa con bằng nhau, cho khỏi trái với ý Trời mà cũng khỏi phụ lời của người ký thác, hai là phải sử dụng một cách đúng đắn số bạc của người ta giao cho mình đó, phải làm cho sanh lợi để ngày sau con người ta được chung hưởng, chớ không nên lãng phí xài bậy bạ tiêu hết, chừng sắp nhỏ lớn lên nó vất vả cực thân. Thuở nay vợ chồng mình không bao giờ có được một tấm giấy săng. Bây giờ tình cờ mình có tới 50 tấm. Đó là một gia tài lớn của Trời ban thưởng, mình lo giữ gìn không nên hơ hỏng, Việc sử dụng số tiền nầy để thủng thẳng em mạnh khỏe rồi vợ chồng mình sẽ bàn tính cho kỹ, không nên làm hốt tốc.Việc gấp phải lo trước việc hưỡn sẽ lo sau. Bây giờ sắp đặt cách thức nuôi sắp nhỏ cho kỹ lưỡng và việc lo trị bịnh cho em khỏe mạnh mà săn sóc hai con. Đó là việc gấp phải làm liền.

Hiện giờ trong túi qua chỉ còn có một đồng mấy bạc. Vậy phải xuất trong số tiền đó vài trăm đặng mua mùng chiếu cho sắp nhỏ ngủ và cho em đi Đốc-Tơ coi mạch tiêm thuốc. Còn lại bao nhiêu em giữ cho kỹ để rồi làm công việc. Trong nhà cứ giữ mức sống bình thường cho người ta khỏi nghi gì hết.“

Hòa nói: ”Em hiểu ý anh rồi. Sáng mai em sẽ đem cái rương vô để trong giường đặng kẻ qua người lại ngoài đường họ không để ý.“

Thái nói: ”Ừ phải giữ kỹ lưỡng như vậy mới được, phải giữ mức sống theo mức thường, đừng lên mặt có tiền mà sanh rắc rối, còn hai bữa nữa tới kỳ phát tiền. Hễ lãnh tiền rồi là qua xin thôi, viện lẽ em sanh tới một cặp, mà em lại có bịnh nên qua xin nghỉ ít ngày đặng ở nhà lo thuốc men cho em và săn sóc hai đứa trẻ, chừng nào em mạnh qua sẽ trở vô làm việc lại. Ngày mai qua sẽ lấy một trăm đem theo đặng mua gấp một cái ấm bằng nhôm để nấu nuớc cho mau sôi mà khuấy sữa cho em bú, mua một cái thau lớn để tắm cho em và một cái mùng với một đôi chiếu, mùng để giăng bộ ván nầy cho ba mẹ con ngủ rộng rãi khoảng khoát và em khỏi bị muỗi cắn, qua trải chiếu mới qua ngủ trong giường được. Phải mua mấy món đó là vật cần thiết, thế nào chiều mai cũng phải có. Làm vài bữa nữa qua xin nghỉ qua ở nhà coi em rồi em sẽ đi Đốc-Tơ. Trong lúc em bổ dưỡng sức khỏe, có qua ở nhà rồi sẽ bàn tính tới cuộc làm ăn”.

Hòa nghe chồng tính việc nào chị cũng vừa ý hết thảy. Chị rất vui vẻ khuyên chồng nằm coi chừng dùm hai đứa nhỏ. Chị vô dọn dẹp cái giường trong cho chồng ngủ. Luôn dịp chị nấu nước sôi khuấy một chén sữa chị uống rồi vợ chồng ngồi nói chuyện nữa, tính lần việc làm ăn. Hòa nói ra buôn bán nếu lập quán nhỏ thì không có lời bao nhiêu, còn mở lớn thì phải có vốn lớn phải mướn phố mắc, phải tốn sở phí nhiều mà tiệm mới chưa có khách hàng quen thì ế ẩm sợ lỗ. Thái nói lập tiệm ngoài Sài Gòn phải sang phố hết vốn. Mình có bốn năm ngàn thì làm ăn trên Bà Chiểu hoặc trên Phú Nhuận có lẽ hay hơn. Anh để ý thấy trên Phú Nhuận chưa có tiệm bán ván giường gỗ và bàn ghế. Anh có quen với ông thợ mộc già làm trong sở. Ông đóng tủ với bàn ghế khéo lắm. Anh lại có bà con một đầu ông cố với một chủ tiệm bán ván cùng đồ gỗ trên chợ Lái Thiêu. Vậy để thủng thẳng coi có nên lập một cái trại mộc dựa đường ra Cầu Bông rồi rước thợ đóng tủ bàn và lãnh ván trên Lái Thiêu mà bán.

Vợ chồng bàn tính tới gần nửa đêm mới khuấy sữa cho hai em nhỏ bú nữa rồi đi ngủ.

Anh Thái tính sao thì anh làm y như vậy. Trưa bữa sau đi làm về, anh đem về một cái thau, trong thau có một cái ấm nhôm, nửa chục trứng vịt, một gói mắm với một con khô lóc.

Chị Hòa ở nhà nấu cơm cạn rồi, thấy chồng mua đồ về, chị mới nướng khô và luộc trứng vịt đặng ăn cơm. Thái hỏi hai em nhỏ có cự nự hay không. Hòa nói hễ khát sữa thì la ít tiếng; bú no rồi nằm chơi một hồi rồi ngủ, hai em không làm cực lòng chi hết.

Ăn cơm rồi, Thái pha nước ấm ấm cho vợ tắm em. Thái mở rương lấy ra hai tấm tã, hai áo vải một cái mền nỉ nhỏ, dặn vợ hễ tắm rồi thì mặc áo vải, cột tã, quấn mền cho hai đứa như nhau, bởi vì hễ có con sanh đôi thì người ta thường cho ăn mặc giống nhau. Sẵn có đồ của Lý nhiều thì lấy mà dùng cho Đào đỡ, sau có mua thứ gì mới thì mua mỗi thứ hai cái. Tháng nầy nực không cần đội mũ mang vớ cho Lý. Để mua thêm một cái mũ với một đôi vớ giống như vậy, rồi qua mùa mưa có lạnh sẽ cho hai đứa đội mũ mang vớ như nhau.

Hòa sợ cho bận đồ tốt quá không thích hợp với gia đạo của mình, Thái dạy nếu ai có khen đồ tốt thì nói trong sở hay sanh tới một cặp, anh em hùn tiền mua đồ mà cho, chớ mình nghèo mua sao nổi.

Tối Thái mua đem về một đôi chiếu trắng với 2 cái mùng mà nói anh mua thêm một cái mùng chiếc để giăng trong giường, còn mùng đôi thì để giăng ngoài ván.

Đến bữa lãnh tiền rồi Thái hân hoan về nói anh đã xin nghỉ xong; sợ người ta nghi anh nói xin nghỉ ít tuần, chớ không dám nói xin nghỉ luôn. Anh lại cho vợ hay anh có tỏ ý với ông thợ mộc già trong sở rằng có người bà con ở Lái Thiêu muốn giúp vốn cho anh lập trại mộc tại Bà Chiểu và sẽ giao ván với tủ bàn cho anh bán.

Ông thợ già đó, nhà ở gần chùa Quản tám, ông hứa nếu lập trại mộc trong Bà Chiểu thì ông thôi làm Ba Son mà giúp cho, vì già rồi ông muốn làm gần nhà đặng mỗi bữa đi cho khỏe. Ông lại nói ông có quen nhiều thợ khéo. Nếu trại có khách hàng đông phải làm đồ gấp, thì ông kêu thợ dùm cho, ban đầu đóng đồ bằng cây dầu, cây sao mà bán cho dễ, sau khá rồi sẽ đóng đồ gõ hoặc cẩm lai .

Thái mới ở nhà coi em cho vợ qua Tân Định tiêm thuốc, Đốc-Tơ Ân tiêm thuốc rét ít bữa và cho toa mua thuốc bổ mà uống đặng phục sức lại. Trong 6 ngày Hòa dứt chứng nóng lạnh, khỏi đi tiêm thuốc nữa, ăn cơm biết ngon, đỏ da thắm thịt, lại có sữa. Chị mua thuốc bổ mà uống tiếp hoài. Chị đi chợ, nấu cơm xách nước, làm công việc trong nhà được như thường.

Thái mừng nên nói: ”Ở đời may rủi không chừng. Vừa mừng được con Đào rồi em lại bịnh làm cho qua bái xá. Đương buồn lo lại được thêm con Lý nên vui trở lại. Ai mà dè như vậy bao giờ.

Hòa nói: “May hay rủi đều do nơi Trời Phật. Em nhứt định được may em không dám mừng, mà gặp rủi em không thèm buồn, cứ ăn ở hiền lành ngay thẳng, phú rủi may do trời Phật liệu định.

Thái khen vợ nói phải. Sắp đặt việc nuôi con yên rồi, anh bắt đầu lo qua cuộc làm ăn.