Chị Đào, Chị Lý/Chương 9
Khánh với Tòng đã tạo ra sẵn một đầu cầu rồi, hai bà mẹ bà nào cũng có ý muốn thăm nhau, thế thì hai gia đình liên lạc nhau chẳng có chi khó nữa.
Qua tuần sau, đến chiều thứ sáu, Tòng đi học về với hai chị, mới bước vô nhà Tòng thấy mẹ, Tòng liền nói Khánh có cho hay một chút nữa Khánh sẽ qua nhà chơi.
Bà chủ hay như vậy bà dặn cô Thành chậm chậm chờ tối rồi sẽ dọn cơm, Đào với Lý mở tủ coi có nước cam hay không để lát nữa đãi khách.
Chẳng bao lâu thiệt quả Khánh qua. Cậu vẫn còn mặc áo sơ mi với quần ống dài là đồ bận đi học. Tòng ra tiếp Khách mời vào phòng khách. Bà chủ với hai cô chào, bà mời Khánh ngồi cái ghế đầu ngoài, còn bà ngồi cái ghế phía bên kia mà đầu trong. Tòng ngồi một bên khách, đối diện với mẹ.
Đào với Lý bưng ra hai ly nước đá, Lý để trước mặt Khánh với Tòng, chờ Đào mở nút ve mà rót nước cam rồi hai cô ngồi cái ghế ca-na-pê ngang phía trong, quen với Khánh rồi nên không cần trốn tránh.
Bà chủ mời Khánh giải khát với Tòng, rồi theo phép xã giao bà hỏi thăm sức khỏe của bà lớn bên nhà.
Khánh mới nói: “Thưa bác, má cháu yếu trái tim rồi hay mệt, hay chóng mặt, nên không dám đi đâu, chớ không có bịnh chi lắm. Hổm nay má cháu muốn qua bên nầy thăm chơi cho biết bác với hai chị. Má cháu dợm hoài mà không dám đi. Má cháu biểu cháu qua xin lỗi với bác và luôn dịp chuyển lời của má cháu mời bác với hai chị và em Tòng bữa chúa nhựt tới đây qua nhà chơi rồi ở ăn cơm trưa với cháu. Vì phận góa bụa trong nhà không có đàn ông, nên má cháu không dám mời bác trai, sợ không có người hầu chuyện. Má cháu dặn mời chừng chín mười giờ qua đặng có thì giờ nói chuyện lâu lâu chơi. Cháu xin bác với hai chị vui lòng mà nhậm lời qua chơi cho má cháu một chút kẻo bấy lâu nay có bịnh, đi đâu không được, bộ má cháu buồn quá“.
Bà chủ muốn nhậm lời qua ăn cơm đặng làm quen với bà lớn đó. Nhưng bà không biết đi như vậy có thất thể diện hay không. Bà muốn bàn việc nầy với ông rồi bữa sau sẽ trả lời. Bà đương dụ dự tìm cách mà đình đãi, thì cô Đào quen cách tọc mạch và mau mắn, cô biết nhà lầu của Khánh, biết bà lớn là mẹ của Khánh và nhứt là muốn xem tủ sách của Khánh coi thể nào mà hổm nay Tòng trầm trồ hoài, bởi vậy không đợi mẹ trả lời chấp thuận lời mời, cô vụt nói với Khánh: “Hổm nay Tòng cứ khen sách của anh tốt lại có đủ hết. Mấy em qua ăn cơm chơi, anh có thể cho em xem tủ sách của anh hay không?“.
Khánh nói: “Được, được. Tôi sẵn lòng. Hai chị muốn xem quyển nào thì lấy về mà đọc, đọc hết rồi đổi lấy quyển khác. Má tôi nói hồi trước sách bán rẻ mà ba tôi mua tới mấy ngàn đồng bạc, bởi vậy sách nhiều lắm“.
Tòng cũng hăm hở nói hai chị qua đó thấy sách hai chị cũng phải mê, sách học sắp riêng hai ngăn, còn sách cao kỳ riêng hai ngăn khác, học cho hết hai tủ sách đó thông thái lắm. Bà chủ nghe nói như vậy cũng như chúng nó đã nhậm lời mời rồi bà không thể đình đãi được, bởi vậy bà cậy Khánh về trao lời với bà lớn rằng mẹ con bà cảm ơn và hứa sớm mơi chúa nhựt sẽ qua đặng cho biết bà lớn.
Khánh mừng nên uống cạn ly nước cam rồi từ tạ mà về đặng cho mẹ hay.
Ăn cơm tối rồi bà chủ với mấy đứa con vô tiệm cho ông hay chuyện mời ăn cơm. Ông chủ nói mình mời thì Khánh đã qua ăn cơm với mình trước rồi. Bây giờ mẹ con Khánh mời ăn cơm để trả lễ. Vậy mấy mẹ con nên đi đặng quen với hàng xóm, có thất thể diện chỗ nào đâu mà ngại.
Bà chủ yên lòng nên sáng chúa nhựt bà nói với mấy con rằng mình đến nhà giàu có sang trọng mà ăn tiệc, lại mới đến lần đầu thì phải ăn mặc cho đàng hoàng. Đào với Lý phải bận đồ mới và đeo nữ trang coi mới đựơc.
Đào với Lý là nữ học sinh chưa biết ham lòe loẹt mà cũng không chịu sửa dáng, bởi vậy hai cô rửa mặt rửa tay sạch sẽ, tóc bới vén khéo vậy thôi, không dồi phấn son. Quần áo mặc toàn đồ mới, quần sa-tanh trắng, áo hàng màu tím dợt, mang săng-đanh trắng giống nhau, mà một tay đeo một cái đồng hồ một tay đeo một chiếc vàng chạm cũng giống nhau nữa.
Bà chủ muốn cho người ta thấy rõ bà là một người mẹ chơn chất hiền lành, lo làm ăn mà nuôi con mà thôi, nên bà mặc quần áo đen, đi giày nhung đen, một tay đeo chiếc cẩm thạch, còn tai đeo bông xoàn hột trọng. Tòng bận đồ theo hạng học sinh niên thiếu, quần vằn, áo cụt tay, giày da đen.
Vì người ta mời chín mười giờ, nên bà chủ chần chờ gần 10 giờ rồi mới biểu con đi, mặc dầu Tòng cứ theo thúc hối từ hồi 9 giờ rưỡi.
Tòng qua lại đã quen rồi nên xăng xái đi trước, để cho mẹ với hai chị thủng thẳng theo sau.
Vô tới sân bà chủ thấy mấy đám bông còi cọc xác xơ không ai tưới nước nhổ cỏ, còn những cây xoài, mít, đu đủ, vú sữa, trồng dài theo tường rào, nhờ mùa mưa nên nhánh lá sum xuê, nhưng không tay người săn sóc, nên nhánh giao bì bịt, gốc thì cỏ mọc tràn lan, xem như vườn hoang u tệ.
Nhà lầu không lớn, nhưng cất kiểu thiệt đẹp, bữa nay các cửa mở hết nên thấy trong nhà đồ đạc hực hỡ, liếc mắt qua biết là nhà giàu sang.
Ba mẹ con bà chủ vô gần tới thềm thì thấy cậu Khánh y phục đàng hoàng, mặc một bộ đồ ga bạt đinh trắng, mang giày đen, cậu đứng chực trên mà tiếp chào khách, có Tòng đứng sau lưng. Cậu mời khách vào.
Bà chủ đi trước, Đào với Lý theo sau. Bà chủ vừa bước vô cửa thì một thiếu phụ tướng mạo thanh tao, dung nhan kiều diễm, ở bên phía tay mặt đi lại chấp tay cúi đầu và nói: “Tôi chào bà với hai cô ”.
Ba mẹ con bà chủ chấp tay cúi đầu đáp lễ, nhưng không biết có phải bà lớn hay không nên ngạc nhiên ngơ ngẩn.
Khánh xông tới giới thiệu: “Thưa bác, má cháu mừng bác đó“. Cậu xây lại nói với mẹ: “Thưa má bác đây là má của em Tòng. Còn hai chị đây, chị nầy là chị Đào, chị nầy là chị Lý“. Nói câu sau cậu vừa nói vừa đưa tay chỉ từng cô.
Bà chủ nhà nghe con tiến dẫn rành như vậy thì bà lộ vẽ ngạc nhiên, bà nhìn hai cô trân trân, rồi bà cũng đưa tay chỉ mà lặp lại: “Té ra cô nầy tên cô Đào, còn cô nầy tên cô Lý“. Bà nhìn cô Lý từ trên đầu xuống tới dưới chưn rồi bà cười mà nói: “Thôi tôi mời bà với hai cô đi thẳng lại đây ngồi nói chuyện chơi“.
Bà chủ nhà đi trở lại phía tay mặt, là chỗ tiếp khách đàn bà, có lót một bộ ván gõ hai tấm, bề dày trên 2 tấc tây, chung quanh thành đều cẩn ốc xa cừ, 4 chưn tiện thiệt khéo. Trước bộ ván có để một cái ghế nghi đóng theo kiểu xưa, mà cũng bằng gỗ cẩn ốc, lau chùi láng bóng, trên ghế có để ô ăn trầu bằng bạc, với bộ đồ trà, bình chén đều là đồ xưa. Dựa vách tường, ngang cửa sổ, có đặt một cái bàn với 4 cái ghế, mỗi bên hai cái, bàn ghế đóng cây cẩm lai kiểu vở xưa cũng hay.
Bên phía tay trái là phòng tiếp khách đàn ông, nên có dọn một bộ ghế sa-lông theo kiểu tây, nệm ruột gà bao nỉ xanh, ngồi rất êm, lại có lót một cái di-văn đóng bằng gõ phía vách và trên đầu có hộc tủ, để nằm nghỉ trưa hoặc đọc sách.
Bà chủ nhà mời khách lại bộ ván cẩn ngồi uống nước. Đào với Lý để cho mẹ ngồi với bà chủ nhà, hai cô lại ngồi chỗ cái bàn dựa vách. Tòng cũng lại đó ngồi một bên Lý.
Khách mắc ngó cùng trong nhà mà xem đồ đạc. Bà chủ nhà lại mắc liếc ngó Lý với Đào. Bà quên nói chuyện tiếp với khách theo phép xã giao, làm cho khách khó chịu với không khí nguội lạnh. Chừng bà sực nhớ lại bà lật đật nói với bà chủ: “Hôm trước tôi nghe trẻ trong nhà nói có người mua căn nhà dựa bên đây đương sửa soạn trong ngoài đặng dọn về mà ở, tôi không hiểu là ai. Sau thằng Khánh của tôi nó quen với cháu Tòng nó mới nói người mua nhà đó là ông chủ xưởng đóng bàn ghế mà bán trong Bà Chiểu, ông mua để cho vợ với 3 người con ở đi học. Tôi xẩn bẩn ở trong nhà hoài, tôi buồn quá, nghe bà có phước nên có con trai con gái đủ hết, tôi có ý muốn qua thăm bà đặng làm quen tới lui với nhau chơi cho vui. Ngặt tôi không được khỏe, nên không dám nới ra khỏi nhà. Chừng Khánh với hai cô ở bển thi đậu, ông bà vui mừng cho mời Khánh qua ăn cơm đặng chung vui một bữa. Tôi cảm tình quá. Khánh qua chơi rồi về nói ông bà hiền lành tử tế, còn hai cô học giỏi đàng hoàng thì tôi hết sức mừng, vì được lân cận với nhà biết điều, thì có ích cho con tôi, nó bắt chước mà học ở đời cho đúng đắn, tôi càng muốn qua thăm bà nhiều hơn nữa mà đi không được. Tôi sợ bà tưởng tôi là người vô tình, tôi mới làm gan vô lễ sai thằng Khánh qua mời bà với ba cháu qua ăn cơm chơi, tuy nói mừng con tôi thi đậu, song kỳ thiệt là tôi muốn nhơn dip nầy mà làm quen với nhau mà tôi xin bà đừng chấp phận tôi góa bụa, tại thiếu sức khỏe, hóa ra vô tình với bà con lối xóm”.
Bà chủ hổm nay tưởng bà lớn trọng tuổi, oai nghiêm kiêu hãnh lắm, không dè đến đây gặp thiếu phụ trẻ lại đẹp, mặc đồ đen sắc sảo, không có son phấn, đeo đôi bông tai cặp hột thiệt lớn trưu trứu, chớ không cần nữ trang gì khác, mà tướng mạo lại mỹ miều, lời nói lại thanh nhã, bởi vậy bà có ý mừng thầm nên bà mới cười mà nói:
- Hôm mấy mẹ con tôi dọn ra đây được ít bữa, tôi nghĩ về ở gần bà lớn mà không qua thăm bà lớn trước vậy là vô lễ.
- Tôi xin lỗi với bà cho phép tôi nói một lời, tôi yêu cầu bà đừng kêu tôi là bà lớn. Chị em ở gần với nhau tôi nhỏ tuổi hơn bà. Bà kêu tôi bằng em cũng được, mà có vị lắm thì kêu bằng cô vậy thôi.
- Mới biết nhau tôi đâu có dám vô lễ như vậy.
- Tôi bình dân lắm. Tôi lấy thiệt tình mà xin bà, chớ tôi không muốn phỉnh phờ hay là có ý khác đâu. Thiệt vậy đời nay mà còn bà lớn bà nhỏ làm chi.
- Thôi, tôi xin phép kêu bằng bà trơn vậy thôi.
- Muốn vậy cũng đựơc. Kêu bằng bà, bằng cô, bằng dì cũng vui lòng hết. Tôi chỉ xin đừng kêu bà lớn.
- Tôi muốn thăm bà mà chưa biết, chưa quen, tôi sợ qua rồi bà không ra khách nên tôi không dám tới. May thằng Tòng tôi đi học, nó quen cậu Khánh. Rồi hai con nhỏ tôi đi thi tôi theo tôi gặp cậu Khánh tôi làm quen với cậu nữa. Tòng tôi qua bên nầy chơi, cậu Khánh thiệt tình, cậu không ái ngại, cậu qua ăn cơm với sắp nhỏ tôi nữa. Tại vậy chiều hôm kia cậu Khánh thay mặt cho bà mời mấy mẹ con tôi. Tôi nhậm lời liền, mừng có dịp thăm bà đặng làm quen chớ ở khít bên nhau mà không quen, gặp nhau lấy mắt mà ngó thì kỳ cục quá.
- Tánh tôi cũng ưa giao thiệp lắm. Từ ngày tôi có bịnh đến giờ tôi không đi đâu được, giống như người tu trong nhà kín không biết trần gian nữa. Mà bà có con trai con gái đủ hết dầu sao bà cũng ít buồn. Thảm cho tôi có một mình Khánh chen ngoẻn, ban ngày nó lại mắc đi học. Tôi nằm chèo queo một mình, thiệt buồn hết sức.
Bồi bưng ra một mâm có ba dĩa bánh tây, có nước cam có nước đá đủ hết. Khánh đi theo lấy 2 cái ly với một dĩa bánh để trên ghế nghi, chỗ hai bà ngồi. Cậu biểu anh bồi để cái mâm trên bàn chỗ Đào với Lý rồi qua bên sa-lông nhắc đem cho cậu một cái bàn nhỏ để trong góc. Cậu rót hai ly nước cam, mời hai bà ăn bánh và uống cho mát. Thấy anh bồi đã xách cái ghế nhỏ qua để trong góc, cậu kêu anh lại biểu bưng một dĩa bánh với hai ly nước cam để trên cái bàn nhỏ đó. Cậu mời Đào với Lý ăn uống thiệt tình như ở bên nhà, đừng ái ngại chi hết. Cậu biểu Tòng xách một cái ghế đem lại góc ngồi ăn uống với cậu rồi cậu cũng xách một cái ghế theo Tòng.
Bà chủ bị mời ép quá phải ăn một cái bánh và uống vài hớp nước cam rồi bà hỏi bà chủ nhà:
- Thưa bà, thuở nay bà sanh có một mình Khánh rồi thôi hay sao?
Bà chủ nhà dụ dự một chút dường như suy nghĩ rồi mới đáp:
- Tôi có sanh một đứa con gái đầu lòng … Rủi nó … mất hồi còn trong tháng. Qua năm sau tôi sanh Khánh rồi nín luôn không có con nữa. Tôi không có phần nuôi con gái bởi vậy bây giờ thấy con gái của ai tôi cũng thương quá. Bà có phước được tới 2 người gái, hồi nhỏ theo thỏ thẻ cho bà vui, lớn lên giúp bà các việc trong nhà, chừng bà già yếu có người chăm nom săn sóc. Bà sung sướng hơn tôi nhiều. Tôi có một đứa con trai chen ngoẻn. Thiệt nó cũng thương tôi lắm. Mà đối với mẹ, con trai sao bằng con gái. Con trai hồi nhỏ nó mắc lo ăn học, chừng lớn nó mắc lo cho vợ con nó, một ngày nó thêm xa mẹ nó một chút chớ có nhờ cậy gì đâu.
- Thưa bà, con gái đời nay nó cũng phải học như con trai. Như hai đứa con gái cũa tôi đó, tôi có nhờ cậy gì đâu.
- Cũng nhờ lắm chớ. Nhờ tình mẹ con dan díu, hai cô đi học về nói lăng líu cho bà vui. Nhờ hai cô là máu thịt của bà, nuôi hai cô là mục đích đời sống của bà, có sẵn người thân yêu trước mắt cho bà xây hạnh phúc, đỡ tai ương, con vui là bà vui, con buồn là bà buồn. Vậy chẳng phải khá hơn là sống giữa tối tăm mù mịt, không biết đâu là may đâu là rủi hay sao?
Bà chủ nhà nói tới đây thì sắc mặt buồn hiu. Bà ngừng suy nghĩ một chút rồi bà day qua ngó ngay hai cô Đào với Lý mà hỏi: “Hai cô em năm nay được bao nhiêu tuổi?“.
Cô Đào mau mắn nên đáp liền: “Thưa bà, con 19 tuổi“.
Bà hỏi cô Lý: “Còn cô Lý, mấy tuổi?“.
Cô Lý đáp: “Thưa con cũng 19 tuổi, như chị Đào“.
Bà ngạc nhiên hỏi: “Ủa! Sao hai chị em một tuổi với nhau“.
Cô Đào đáp: “Thưa chị Lý sanh một lượt với con, má con sanh đôi, nên chị em con một tuổi“.
Bà càng ngạc nhiên hơn nữa. Bà hỏi: “Chị em sanh đôi sao coi không giống nhau? Mà ai ra trước, ai ra sau? Sao tôi nghe cô nào cũng kêu cô kia bằng chị hết vậy? Phải có một người chị, một người em chớ“.
Bà chủ cười và vội vã đáp: “Thưa bà, tôi sanh con Đào trước, con Lý sau. Theo thế tục thuở nay con Đào là chị, con Lý là em. Ai cũng nói như vậy hết. Có một mình cha nó không chịu vậy. Ổng nói thiên hạ hiểu không đúng theo ý của Tạo Hóa, họ thấy trước mắt chớ họ không xét sâu xa. Con sanh đôi đứa đậu thai trước nó nằm trong nên nó phải ra sau. Còn đứa đậu thai sau nó nằm ngoài nên tự nhiên nó ra trước. Con Lý ra sau, vì nó đậu thai trước, nên làm chị mới hợp lý, tôi không chịu ý đó. Vợ chồng cứ cãi nhau hoài. Ổng muốn thuận hòa ổng định hai đứa phải kêu nhau bằng chị hết. Tại vậy nên từ khi hai đứa biết nói, vợ chồng tôi dạy chúng nó kêu nhau bằng chị hết nên nó quen“.
Bà chủ nhà nói: “Ông chủ cải tục mà nghe cũng có lý chớ!“
Bà khách nói: “Còn sự hai đứa không giống nhau, người ngoài ai thấy cũng đều nói như vậy hết. Duy có vợ chồng tôi biết chúng nó giống chớ, song một đứa giống bên ngoại, một đứa giống bên nội. Con Đào giống cha nó còn con Lý giống bà Ngoại nó“.
Bà chủ nhà cười rồi bà mời khách đi lên lầu chơi cho biết, bà dắt bà chủ với hai cô trở lại cửa đứng mà nói: “Từ ngày ổng mất đến giờ đồ đạc ổng dọn làm sao tôi để y như vậy, tôi không sửa đổi chi hết. Phía bên kia đó là phòng của ổng tiếp khách đàn ông của ổng. Cái bàn nầy để ngay cửa cái đây là bàn để cho khách đánh bài với ổng hoặc bữa nào khách ăn cơm thì dọn đồ tráng miệng.
Khánh với Tòng đi với nhau ra ngoài sân kiếm coi có vú sữa chín mà hái chơi.
Bà chủ nhà dắt khách đi vô trong. Phòng chính giữa là phòng ăn, có để một cái bàn lớn và dài, 12 người ngồi còn rộng. Vô phòng bên tay mặt bà nói đây là phòng Khánh học, có bàn viết, có một tủ kiếng lớn đựng sách từ trên xuống dưới ngăn nào cũng đầy. Còn phòng bên tay trái là phòng của Khánh ngủ, có giường đồng, có tủ áo, có bàn rửa mặt.
Bà dắt khách đi luôn lên lầu coi chỗ bà thờ phượng coi phòng riêng của bà ngủ, coi một cái phòng nữa dọn cũng hực hỡ để đó đêm nào bà buồn bà kêu con lên nói chuyện cho vui rồi bắt nó ngủ luôn trong đó cho lợt bớt cái cảnh hiu quạnh. Lại có ván lót dựa cửa sổ để khi nực nằm đón gió cũng có phòng nhỏ lót bàn ghế thiệt đẹp đẽ để bà tiếp khách thân mật của bà.
Đi xem đủ hết rồi, mấy mẹ con bà chủ lại thang mà xuống, cả ba đều thầm nghĩ không hiểu tại sao ở nhà cửa rộng minh mông, đồ đạc sắm hực hỡ, sống trong cảnh thần tiên, ăn không cần làm, muốn thì phải được, mà bà chủ nhà cứ thở coi bộ không vui, còn muốn gì nữa?
Ba mẹ con đứng tại cửa sau ngó xuống nhà bếp, nhà bồi, thấy gia dịch lăng xăng lo nấu nướng, ngó trong ga ra thấy chiếc xe hơi lộng lẫy nằm chình ình chờ người lên máy đặng chạy đi dạo phố phường, hoặc đi xem phong cảnh.
Bà chủ nhà mời khách trở ra phía trước, đi ngang qua phòng ăn thấy trên bàn đã trải tấm nắp trắng tinh, hai anh bồi lui cui làm việc không hở tay, một anh đương rải hoa hường trên bàn, một anh thì đem muỗng nĩa mà đặt 6 chỗ.
Khánh đương xẻ trái đu đủ chín mà ăn với Tòng, thấy mẹ với khách ra thì nói: “Con gặp trái đu đủ chín con hái đây má. Đu đủ chín cây ngọt lắm. Chị Đào chị Lý ăn thử coi”. Cô Đào lấy một miếng mà ăn. Cô Lý lắc đầu nói cô không thích đu đủ.
Tòng hỏi hai chị: “Chị Hai chị Ba thấy tủ sách của anh Khánh hay không“.
Đào nói: ”Thấy rồi, sách nhiều thiệt, nhưng tủ khóa nên chưa coi cho biết sách gì“.
Khánh nói: “Gần tới giờ ăn cơm, để ăn cơm rồi tôi sẽ mở tủ cho hai chị xem, hai chị mượn đọc quyển nào thì tôi cho mượn đem về mà đọc”.
Hai bà đi lại di-van mà ngồi uống trà. Đào với Lý đứng xem mấy tấm tranh với mấy tấm hình vẽ treo trên tường rồi dắt qua phòng khách đàn ông, Khánh với Tòng đi theo.
Bà chủ nhà ngồi ngó theo mấy người nhỏ, nhứt là chăm chú ngó cô Lý hơn hết.
Gần 12 giờ, một anh bồi ra nói nhỏ cho cậu Khánh hay tiệc sắp đặt xong rồi hết, mời khách ngồi được.
Khánh bước lại trình cho mẹ hay rồi mẹ con mời khách nhập tiệc. Khách không dè bà chủ nhà đãi đồ Tây, nên Đào với Lý có vẻ ngạc nhiên.
Khánh mời hai bà ngồi giữa, mỗi bà một bên, cô Đào ngồi bên phía tay mặt bà chủ, để Tòng ngồi bên tay trái, còn cô Lý ngồi bên tay mặt bà chủ nhà, Khánh ngồi bên tay trái thành ra Khánh với Đào lần nầy ngồi đối diện.
Trong bữa cơm, bà chủ nhà ráng làm vui mà đãi khách, bà ân cần mời khách ăn, cứ ngó cô Lý ngồi một bên hoài, ngó bàn tay, ngó cách cầm dao cầm nĩa, liếc ngó miệng cười, lóng nghe giọng nói. Ai cũng thấy bà đặc biệt để ý đến cô Lý, bà kiếm chuyện mà nói với cô Lý nhiều hơn cô Đào mặc dầu Đào vui vẻ hay nói chuyện hơn Lý. Mà Lý, tuy trầm tịnh ít nói ít cười, song mẹ con cậu Khánh hỏi điều chi thì cô cũng lễ phép trả lời luôn luôn, cô không sụt sè hay lúng túng chi hết.
Tuy lúc ăn cơm cho tới lúc ra cái bàn ngoài gần cửa giữa ăn tráng miệng uống cà phê, bà chủ nhà vẫn vui luôn luôn mà nói chuyện, song người nào có ý quan sát, có lẽ nhận thấy trong cái vui của bà có lộn nét buồn rầu ngầm ngầm, nét buồn ấy gốc ở trong thâm tâm mà phát hiện trên mặt, bởi vậy nếu gốc còn hoài thì không làm sao mà tuyệt ngọn được.
Ăn uống xong rồi bà chủ muốn từ mà về đặng bà chủ nhà nghỉ trưa. Bà chủ nhà không cho, cứ cầm ở lại nói chuyện chơi cho vui, mà hai cô Đào và Lý cũng muốn xem tủ sách của Khánh, bởi vậy hai bà dắt nhau đi lại bộ ván mà nằm, còn 4 người nhỏ thì vô phòng học của Khánh rồi Khánh mở tủ sách cho Đào với Lý xem và lựa quyển nào thích hợp thì mượn đem về nhà mà đọc.
Đến 3 giờ chiều mấy người nhỏ mới trở ra ngoài. Tòng có ôm 4 quyển sách trong tay. Bà chủ thấy con ra mới ngồi dậy từ bà chủ nhà mà về. Bà chủ nhà đưa mấy mẹ con ra tới thềm. Bà mời bà chủ hễ có rảnh thì qua đàm đạo chơi với bà cho bà bớt buồn cái cảnh hiu quạnh. Bà lại nắm cánh tay Đào và Lý mà dặn chúa nhựt nghỉ thì qua bên bà chơi, ở gần thì cũng như bà con, đừng ái ngại chi hết.
Khánh đưa khách đi ra cửa ngõ. Bà mẹ đứng trên thềm chong mắt ngó theo, nhứt là ngó tướng đi của hai cô Đào với Lý, rồi bà nhếch miệng cười, cái cười ấy đã gần 20 năm rồi, không có ai ngó thấy.