Bước tới nội dung

Chị cùng em/1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Chị cùng em của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Chương thứ nhất
CHỊ CÙNG EM

CHƯƠNG THỨ NHẤT

Đức-Lan-Sĩ-Ngõa ở Phi-châu là một xứ khí-hậu rất nóng. Đồng đất mông mênh, phần nhiều là bãi cát. Từ sáng đến chiều, có một thứ gió thổi qua rất mạnh. Thứ gió ấy thường xoáy thành cơn lốc, cuốn đất cát lên từng đám như cái cột! Khi gió ngớt thì cát lại đổ xuống cánh đồng. Không mưa trong hai tuần lễ thì khó chịu vô cùng. Người trong xứ cũng quen đi, không biết thế là khổ. Cỏ héo hoa tàn, trời nung đất nấu, cơn gió thổi đùng đùng, quạt lửa và ném cát vào mặt hành khách. Một vài con đường đi chia lối ở trên cánh đồng rộng, khác nào trên một lần da trắng nõn, gợn lên mấy thớ gân xanh. Trên một con đường ấy, có một người lính kỵ ghì cương xông. qua cơn gió-lốc mà đi. Những là lạ nước lạ non, người, ngựa đều ra chiều mệt nhọc. Bỗng rưng chàng dừng cương lại, trông luồng gió-lốc đã ngớt mà nói:

— Làn gió kia cuốn những bụi cát từ đâu đem đến đây, mà bây giờ lại chịu bỏ vạ xuống đấy? Cái cảnh của đời người thế, âu cũng thế này. Nói xong lại đánh ngựa đi. Mắt xanh biêng biếc, tóc đỏ hung hung, tầm vóc đẫy đà, trông chàng trạc độ 30 tuổi. Khi ngựa đi đến chỗ rẽ, chàng lại ngần ngừ mà nói:

— Họ dặn ta đi đến đây thì rẽ, chả biết có phải rẽ lối này không? À mà kia! họ bảo hễ trông thấy cái đồi con là sắp đến nhà ông Phất-Thế đó rồi. Nhà ông Phất-Thế ở khuất sau đồi. Qua đồi đi độ nửa tiếng đồng-hồ thì đến. Người Hà-Lan tuy hay nói dối, song ta cũng cứ đi liều xem sao?

Nguyên xứ ấy là đất thực dân của người Anh và người Hà-Lan. Người kỵ-sĩ nói câu ấy, ta đủ biết chàng là người nước nào vậy. Khi ấy chàng ngồi trên lưng ngựa, lại lảm nhảm mà rằng:

— Đời con người ta nghĩ cũng lạ! Như mình năm nay ngoài ba mươi tuổi, hơn 10 năm ở trong quân đội. Lúc đầu còn mong được thăng-quan, tiến-chức, bây giờ lại quay ra làm ruộng chung với ông lão nhà quê!... Thôi thì cũng là cái vận-mạnh nó xoay mình; mình có thể cưỡng làm sao được. Bụng đương nghĩ thì ngửng lên đã thấy cái đồi cao ngay trước mặt. Trên đồi có một người con gái cưỡi ngựa, ra roi chạy xuống dưới-đồi. Sau người con gái, có một con đà-điểu đang xòa cánh đuổi theo, cách nhau chỉ độ 20 thước. Năm giây sau, con chim đã đuổi kịp, bay chồm lên, lấy hai chân đá người con gái ngã lộn xuống. Lúc con chim đá xuống, tiếng nghe rất rữ. Người kỵ-sĩ thấy thế phải chết khiếp! May sao móng chân chim không tin phải người con gái, chỉ tin vào đùi ngựa mà thôi. Con ngựa ngã quay ra, người con gái vội vàng ghì cương rậy. Con ngựa chồm lên cố sức chạy. Con chim lại đuổi đánh theo. Móng chim chưa tới thì người con gái đã nằm-rạp xuống ngã lộn ra phía trước rồi. Con chim sấn đến, vừa đập bằng cánh, vừa đá bằng chân, đánh người con gái xuýt chết. Ngay lúc ấy, ngựa người kỵ-sĩ đã đến gần con đà-điểu. Con đà-điểu lập tức bỏ người con gái mà chạy xông đến trước chàng. Con ngựa vốn giống bên Anh, chửa từng gặp đà-điểu bao giờ, bấy giờ sợ hoảng lên, chạy lui trở lại. Giá chàng khéo tránh thì cũng được, song trông thấy một người con gái gặp nạn, không cứu sao đang! Chàng thấy ngựa chạy giật lùi, liền xuống ngựa cầm roi xông lại. Con chim trước còn nghiêng đầu nghễn cổ, hình như làm lễ chào ông khách! Sau bỗng xòe cánh ra rồi chạy xông lại. Chàng tránh không kịp, móng chim đã trúng vào vai. Vội vàng tránh ra bên này, thì vai kia lại trúng nốt. Chàng ngã quay ra, trong lòng tức giận lắm, cố nhịn đau mà vùng rậy, lấy roi vút sươn-sướt vào cổ chim. Con chim phải đòn, lảo-đảo hình như sắp ngã. Chàng liền xông lại, túm lấy cánh. Con chim quay mình đi mấy vòng để gỡ, song chàng nhất định không bỏ, thành ra cứ quay long-lóc theo cánh con chim. Trước còn thong thả, sau nhanh tít hẳn đi. Chàng chóng mặt quá, rời tay ra, ngã nằm sóng-sượt xuống. Con chim chạy sấn đến đá. May chàng nằm sát đất, nên tha hồ cho con chim đá thế nào thì đá, đá cũng ít nhát trúng, vả trúng cũng không đến nỗi nào. Nửa phút đồng hồ như thế, chàng đã chắc chết mười mươi. Bỗng thấy có người cố sức nắm lấy chân chim, và nghe thấy tiếng gọi rằng:

— Mau mau nắm lấy cổ nó! Bóp chết nó đi! Nếu không thì ông chết đến nơi bây giờ. Chàng nghe gọi chợt nghĩ ra, gượng vùng rậy thì thấy người con gái với con chim đang vật nhau ở dưới đất. Chàng cố chạy lại, nắm lấy cổ chim mà vặn. Một lúc, con chim chết mà chàng cũng ngã người ra. Khi chàng ngã xuống, trông thấy người con gái cũng nằm sóng-sượt, chân tay chẳng cựa cậy gì. Chàng tự nghĩ rằng: Có lẽ người con gái cũng chết đấy ư? Nói thế thì nói, song đầu thấy nặng như đá-đeo, cố sức gượng rậy không xong thì dương mắt lên mà nhìn người con gái. Người con gái bấy giờ nằm chết-thiếp đi ở trên lưng con đà-điểu, trán hơi rộng mà mái tóc thấp, miệng hơi to song cặp môi xinh. Nước da xanh nhợt, mầu tóc hung vàng, trông bóng-dáng vẫn ra con người đẹp. Người Kỵ-Sĩ cố gượng bò đến bên cạnh, cầm tay người con gái mà lay. Bàn tay da-dẻ hơi giầy, đủ biết là kẻ làm ăn, chứ không phải hạng khuê-các ăn không làm biếng. Người con gái chợt tỉnh, mở cặp mắt xanh-biếc ra mà nhìn. Khi nhìn thấy người kỵ-sĩ nằm ở cạnh mình, thì chống tay ngồi dậy, rồi mỉm cười mà nói:

— Con chim nó đánh tôi. Tôi xuýt ngất người đi đấy. Nghĩ mà thẹn, còn có ai hèn nhát như tôi. Người kỵ-sĩ thấy nàng đã tỉnh, liền giơ tay định cất mũ chào, song khi rờ lên đầu thì mũ đã rơi đâu mất, liền nói:

— Thưa cô! Sự đó cũng chẳng lấy gì làm lạ. Vừa rồi con chim dữ thật, song tôi tưởng có lẽ vết thương cũng chẳng hề chi. Người con gái nói:

— Nhờ ngài giết được nó giúp tôi, vết thương nặng hay nhẹ thì bây giờ cũng chưa thể biết được. Nó là chim của nhà tôi nuôi đấy. Ba năm trước, nó đã đánh chết một đứa trẻ con. Bấy giờ tôi đã khuyên bác tôi nên giết nó đi. Bác tôi tiếc nó tốt-mã nên để lại. Trước đây ba ngày, nó bỗng lại sổng chuồng đi mất. Tôi đi tìm mãi hôm nay mới gập nó đây... Nói đến đấy thì người kỵ-sĩ vội hỏi rằng:

— Nếu vậy thì có lẽ cô cũng về họ Phất-Thế? Người con gái đáp:

— Thưa ngài phải! Nhà tôi có hai chị em. Bối-Sắc tức là tôi. Cứ ý tôi xem thì ngài có lẽ là Ước-Hàn đại-úy? Nếu vậy, bác tôi đang mong ngài đến để cùng làm ruộng và nuôi chim. Ước-Hàn mỉm cười mà rằng:

— Nuôi chim mà con nào cũng như con này thì tôi cũng xin chịu! Bối-Sắc cười, để hở bộ răng trắng như ngà-chuốt, mà nói:

— Chim nhà tôi nuôi chỉ có nó là dữ, còn thì con nào cũng hiền. Chỉ có một điều rằng đại-úy đến đây thì cũng không được vui. Ở vùng này nhiều người Hà-Lan, chứ người nước ta ở không có mấy. Cách nhà tôi một ít, về Ngõa-Khắc thì người nước ta ở nhiều. Ước-Hàn thấy nàng tuy sinh trưởng ở nơi mọi rợ, mà ăn nói rất có vẻ nhu-mì, liền đáp:

— Tôi đến ở đây đã có ông-bác cùng chị em cô thì hà-tất phải tìm ai làm bạn nữa. Bối-Sắc nói:

— Không dám! Như tôi học-thức chẳng bằng ai, sao đáng làm bạn với đại-úy, có chị Cơ-Tư tôi là người học nhiều biết rộng, hoặc-giả còn nói chuyện được một đôi câu. Tôi ngày trước cũng cùng đi học với chị tôi, song kém nhau xa lắm. Ô! Ngựa của tôi nó chạy về nhà mất rồi. Có lẽ ngựa của ngài cũng theo về đấy. Bây giờ không có ngựa thì chúng ta đi sao được. Nhà tôi ở mãi Mộ-phương-đằng, cách đây cũng hơi xa một chút. Đại-úy liệu có thể đứng dậy đi được không? Ước-Hàn nói:

— Để tôi thử xem sao! Vừa nói vừa gượng ngồi lên, rồi cố đứng dậy. Đứng dậy mấy lần xuýt ngã, hai chân sưng đẫn, đau đớn lạ thường. Chàng có ý ngại mà hỏi rằng:

— Đây về nhà cô con độ bao nhiêu đường nữa? Bối-Sắc đáp:

— Qua cái đồi này là trông thấy, song cũng đến một dậm đường. Tôi đau đã khỏi rồi. Bấy giờ sợ quá mà ngất đi, chứ không phải vết thương nào nặng. Nàng nói xong, vùng đứng dậy ra chiều nhanh nhẹn, rồi lại nói:

— Chân tôi cũng hơi đau một chút. Chúng ta nên giắt nhau thì mới đi được. Thế nhưng tấm thân yếu-ớt, không biết có đáng là người giắt đại-úy không? Ước-Hàn mỉm cười mà rằng:

— Sao cô lại dậy quá làm vậy. Nói xong đưa tay cho Bối-Sắc. Hai người bước cao bước thấp, cùng giắt nhau về.