Chuyện giải buồn/29
29 — chuyện họ thân.
Bên sông Hà có họ Thân là con nhà học hành, nhà nghèo, bữa đói bữa no, bếp núc vắng lạnh, vợ chồng nhìn nhau không biết làm chi cho có mà ăn. Vợ nói với chồng rằng: Nghèo nàn thế nầy, anh phải đi ăn trộm mới nuôi nhau đặng. Họ Thân rằng: mình là con nhà lễ nghĩa, không lẽ làm nhục tông môn, thà thác theo ông Bá-gi, chẳng thà sống làm Đạo chích[1]. Vợ giận mà rằng: muốn sống mà còn sợ xấu nổi gì? Ở đời chẳng cày mà đặng ăn cũng có hai cách, anh chẳng muốn làm ăn trộm thì thà để tôi đi làm đĩ. Họ Thân bất bình nói nhiều tiếng xúc phạm, vợ hờn bỏ đi ngủ. Họ Thân nghĩ mình là trai, có hai bữa ăn mà lo không đặng, đến đỗi vợ đòi đi làm đĩ, thì sống cũng chẳng làm gì, lén ra sau vườn làm vòng thắt cổ. Họ thân mới đút cổ vào vòng, xảy thấy cha chạy tới dứt vòng, quỡ con sao cả gan làm chuyện dại, lại biểu rằng: chuyện ăn trộm cũng nên làm đở là đi coi chỗ nào lúa lên cao dày phải núp đó, như đi phen nầy có lẽ làm giàu, thì phải chừa cải không nên làm nữa. Vợ nghe té một cái đụi, giậc mình chờ dậy kêu chồng không lên tiếng, thắp đèn đi kiếm, thấy vòng trên cây đứt, chồng nằm dưới gốc cây mà chết, thất kinh ôm chồng vuốt ve một hồi, chồng mới sống lại, dịnh vào để nằm trên giường. Vợ thấy vậy không dám giận hờn nữa, sáng ngày mượn cớ chồng đau, đi xin lối xốm đặng một chén cháo đem về cho chồng húp đở. Họ Thân húp miếng cháo rồi, vùng chờ dậy ra đi, tới xế qua mới vác về một bao gạo. Vợ hỏi gạo ở đâu, họ Thân nói anh em bạn với cha tao đều giàu sang, bấy lâu tao lấy sự ngoắt đuôi làm hổ, cho nên tao không chịu đi xin. Người đời xưa có nói rằng: túng thì phải biến, nay tao tính đi ăn trộm thì còn luận gì xấu hổ. Mầy phải nấu cơm cho mau, tao tính nghe lời mầy, tao đi ăn cướp. Vợ tưởng là chồng nói lẩy, lật đật đi vo cơm. Họ Thân ăn no rồi, bèn đi kiếm cây chắc, chặt làm đoản côn, hăm hở vác ra đi. Vợ coi ý chồng thiệt đi ăn cướp, bèn kéo lại không cho đi. Họ Thân rằng: mày biểu tao, mai sau có mang họa, thì đừng trách; nói rồi bèn giựt vạc áo mà đi một bề. Mặt trời vừa chen lặn, họ thân ngó thấy xóm, bèn núp xa xa cách chừng một dặm; thình lình mưa lớn mình mẫy ướt dầm, mù mù ngó thấy một lùm cây, muốn đi cho tới đó mà nghỉ chơn, không dè trời chớp thấy mình đã hầu kề một bên tường có lúa mọc dày, bèn chạy sấn vào đó, ngồi chòm hỏm mà núp. Cách một chặp có một tên trai tráng vặm vở cũng vào trong đám lúa. Họ Thân sợ không dám máy động; may tên trai tráng ấy đi tránh, dòm theo thấy nó leo qua tường, chắc ý nó là quân tử ngồi rường[2], để nó đem đồ ra, sao vậy mình cũng có phần, mà nghĩ bộ tịch nó thì mạnh bạo hung ác, nếu mình lấy ngang ắt là có đánh lộn, làm sao mình đánh cũng không lại, chẳng bằng lừa thế mà đánh nó trước. Họ Thân lập tâm rồi cứ việc núp đó mà chực. Gà gần gáy sáng, thằng ấy xơn xao leo tường nhảy ra, chơn chưa tới đất, họ Thân nhảy tới đánh một côn trúng ngang lưng nó nhào xuống, thì là một con rùa lớn hả miệng ra bằng trang cái miệng chậu, họ Thân thất kinh đánh bồi nó mới chết.
Số là trong tường ấy có ông nhà giàu, có một đứa con gái xinh tốt trong đời, cha m yêu thương như vàng như ngọc. Đêm kia có một người cao lớn vào nhà làm bức, con gái ấy kêu la không ra tiếng; con gái ấy xấu hổ không dám nói ra, bắt đầy tớ gái nằm một bên, đóng cữa chắc, thằng dữ ấy cũng cứ việc tới như cũ. Ông nhà giàu giận, dạy tôi tớ canh khắp trong ngoài, cũng không bắt nó được. Lâu ngày con gái ấy ốm o gầy mòn, ông nhà giàu tức mình đặt cuộc: ai trừ đặng yêu quái ấy thì thưởng 300 lượng bạc. Họ Thân bình nhựt cũng có hay chuyện ấy, đêm nọ giết đặng con rùa, ngỡ là nó làm hại con ông nhà giàu, bèn kêu cữa xin lảnh thưởng. Ông nhà giàu mầng rước vào, cho người đi khiêng con rùa vào trước nhà dạy chặt ra từ khúc, rồi cầm họ Thân lại, quả không có yêu quái nữa, mới đem bạc ra thưởng đủ số. Vợ ở nhà thao thức đợi trông, thấy chồng vác bạc về để tại giường, sợ hỏi chồng đi ăn trộm thiệt sao? Họ Thân nói mầy biểu tao, mầy còn nói gì. Vợ khóc mà nói rằng: trước tôi có ý nói chơi, nay quả anh phạm tội chết chém, không lẽ tôi chịu tội chung với ăn cướp, tôi phải liều mình tôi trước, chẳng để cho người ta động tới tôi. Vợ nói rồi liền chạy đi, họ Thân kéo lại, cười mà nói thiệt, vợ đổi giận làm mầng, từ ấy vợ chồng có vốn làm ăn một ngày một thạnh lợi.
Sách Dị-sữ bàn rằng: con người ta chẳng phải lo nghèo một lo không có đức hạnh; người ở có hạnh dầu đói cũng không chết, nếu người ta không thương, cũng còn có quỉ thần phù hộ. Những người nghèo ở đời hay dục lợi chẳng vì nghĩa, tham ăn không biết hổ, một đồng tiền người ta cũng không muốn giùm, phương chi là quỉ thần có thương xót làm sao đặng.
Chú thích
- ▲ Châu vỏ vương phạt Trụ, Bá-gi, Thúc-tề, hổ vì vua, không chịu ăn thóc nhà Châu mà chết.
Đạo-chích sanh đời nhà Châu, hung hoang, trộm cướp, vô sở bất vi. - ▲ Đời Hậu-hán, ngươi Trần-thật bỉnh tánh ôn hòa, một bữa có ăn trộm ẩn bóng vào nhà, trèo ngồi trên thượng lương, chờ trong nhà ngủ. xuống mà lấy đồ. Trần-thật ngó thấy tên ăn trộm, làm thinh không nói, lật đật kêu các con dậy mà nói rằng: con người ta làm dữ, không phải là bổn tánh dữ, là tại tập dử tánh thành. Các con chớ bắt chước người quân tử ngồi trên rường, làm chi. Tên ăn trộm nghe nói liền tuột xuống mà lạy, Trần-thật khuyên rằng: con người cơ hàn, đại để là tại không lo làm ăn, coi tướng nhà ngươi không phải là dữ, nhà ngươi hãy giải nghiệp, phải làm nên người liêm sĩ; nói rồi liền đuổi nó đi.