Con nhà nghèo/Chương bảy
Con gái đến tuổi lấy chồng, vì mắc cỡ nên không dám nói ra chớ nằm đêm một mình trong phòng, tai nghe tiếng dế ngâm nga, mắt ngó ngọn đèn leo lét, thường hay nghĩ ngợi duyên phận, nhắm nhía tiền trình, tưởng tượng trong trí người bạn chung thân của mình, thầm tính hễ có chồng rồi mình phải ăn ở với chồng cách nào, mình phải dọn dẹp trong nhà làm sao, sắp đặt gia cảnh gia đình tương lai vừa đầm ấm, vừa vui vẻ, không có một gia đình nào sánh kịp.
Cô Tư Thục là con gái nhà giàu, lại được cha mẹ cưng, nên cô ăn no rồi đi chơi, chớ không làm một việc chi hết. Hơn một năm nay trong nhà cha mẹ hay bàn tính về việc gả cô lấy chồng, mà lại mai mối tới nói dóng giùm cho vài chỗ rồi nữa. Cái vấn đề "lấy chồng" đã len dần vào trong trí cô, nhưng mà lúc ban đầu nó còn lu mờ, chớ chưa tỏ rõ cho lắm. Đến chừng cô đi với cha mẹ vô nhà Hương chủ Khanh cô lén trong cửa buồng coi Kinh lý Hai ăn cơm, nghe Kinh lý Hai nói chuyện, rồi chừng về nhà lại nghe cha mẹ bàn soạn gả cô cho Kinh lý Hai, bà khen Kinh lý Hai vui vẻ dễ thương, ông khen Kinh lý Hai nhỏ tuổi mà chí lớn, thì sự "lấy chồng" nó hoá ra tỏ rõ trong trí cô; cô thấy người chồng mặc âu phục bộ tướng gọn gàng, nói chuyện lanh lợi mà lại được người ta kêu là "quan Kinh lý ". Cô nghĩ cô sẽ được người ta kêu "bà Kinh lý ", còn chị Hai của cô thì người ta kêu là "thím Thôn" thì cô mỉm cười, trong lòng hớn hở vô cùng.
Cách ít ngày cô lại thấy cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, cô lại nghe cha mẹ nói quan Kinh lý Hai sẽ ra ăn cơm chơi. Cô mừng thầm trong lòng, mừng Kinh lý Hai sẽ biết nhà, cô mừng vì sẽ được thấy Kinh lý Hai nữa. Cô đương mong cho mau tới ngày rước khách, bỗng đâu bà chủ Khanh ra, bà nói lăng xăng, bà dặn cặn kẽ, làm cho cô chắc rằng chẳng bao lâu nữa cô sẽ trở nên "bà Kinh lý ", bởi vậy chừng quan Kinh lý đến nhà, cô mừng rỡ, chớ cô không nhút nhát bợ ngợ chi hết. Từ trước đến giờ, cô chỉ tưởng tượng trong trí đến sự lấy chồng mà thôi. Tại quan Kinh lý đến nhà, cô bưng nước mời uống, cô sớt đồ ăn, cô đứng gần một bên, cô ngó tận trong mặt, cô thấy chồng tỏ rõ, lòng trở nên khoan khoái bồi hồi. Ngọn lửa ái tình nhen nhúm trong lòng cô kể từ ngày ấy, cô trông đến ngày đám cưới cho mau, cô tính biểu chồng mướn nhà mà ở, chớ đừng có ở nhà việc, ai nhắc tới chuyện chồng cưới thì cô vui mừng lắm, chớ cô không mắc cỡ.
Cô đương say sưa về sự lấy chồng, cô đương ái mộ quan Kinh lý, cô đương sửa soạn mà về nhà chồng, cô đương toan tính chỗ ăn chỗ ở, thình lình cô lóng tai nghe bà Chủ nói với bà Hội đồng rằng cha mẹ ông Kinh lý Hai đã nói vợ khác cho ổng rồi. Cô vừa nghe tin khốn nạn ấy, ruột gan cô lạnh ngắt, cặp mắt cô chói lòa, lỗ tai cô lùng bùng, tay chơn cô bủn rủn. Còn gì là chồng! Những sự mơ ước, các điều toan tính, cái tin ấy làm tan như bọt, tiêu như khói! Cô ráng bước lại đứng dựa cửa hông mà ngó ra vườn, cô không thấy vật chi hết, cô không nghe chuyện chi nữa, cô không khóc mà nước mắt tự nhiên chảy ròng ròng, bởi vậy chừng mẹ kêu biểu về, cô lau nước mắt mà lên xe, song cặp mắt còn đỏ chạch.
Đi về dọc đường, bà Hội đồng thì giận thầm, cô Tư Thục tủi duyên, bởi vậy hai mẹ con ngồi trên xe lặng thinh, mỗi người ngó một bên, không nói chuyện với nhau một tiếng chi hết.
Xe vô tới sân, cô Tư Thục leo xuống rồi đi riết vô buồng mà nằm. Bà Hội đồng quen tánh ó ré, hễ có việc chi không vừa ý bà thì bà không dằn được, bởi vậy bước vô nhà vừa thấy mặt chồng, thì bà quăng cây dù trên ván một cái xạch rồi bà nói ong óng:
- Thứ đồ khốn nạn! Ai mà màng gì nó hay sao nên nó làm phách. Để rồi ta gả con Thục coi có bằng mười nó hay không mà.
Ông chồng không hiểu chuyện gì, thấy vợ tỏ sắc giận, nghe vợ nói xẵng, thì ông hỏi rằng:
- Chuyện gì vậy?
- Chuyện Kinh lý đó chớ chuyện gì.
- Kinh lý làm sao?
- Nó ra nhà, mình đãi nó ăn no say, nó thấy con mình nó muốn nên nó tính cậy nói đặng nó cưới. Mình chịu nên biểu nó gởi thơ mời cha mẹ nó lên đây. Thằng cha nó lên nói sao với nó không biết, mà bây giờ nó nói cha mẹ nó đã nói vợ dưới Cà Mau cho nó rồi, nên nó hồi con Thục. Coi có phải là đồ khốn nạn quá hay không, hử?
- Người ta chê con mình thì thôi, la om sòm làm chi vậy. Tại cha mẹ người ta đã nói vợ lỡ cho người ta rồi, bây giờ biết làm sao.
- Thời hồi đó nó đừng có nói bướng! Ai xúi giục hay sao nên nói lăng xăng làm thiên hạ hay hết, rồi bây giờ lại nói như vậy.
- Lăng xăng là tại mình, chớ ổng có nói giống gì đâu. Ổng nói để ổng thưa lại cho cha mẹ hay; như cha mẹ bằng lòng thì ổng cậy cô Ba nó nói. Tại mình bôn chôn quá, bây giờ mình trách ổng nỗi gì.
- Khéo nói dữ hôn! Tôi không thèm nói chuyện với mình nữa đâu. Tôi biết mà, mình thấy tôi muốn gả con Thục cho ông nầy ông kia tử tế, mình ghét lắm. Mình muốn để mình gả cho quân bài bạc rượu trà như chồng con Diệu đó mình mới vừa lòng.
- Khéo nói bậy hôn! Gả cho ai thì gả, tôi có cản trở bao giờ. Gả không được, bây giờ trở lại rầy tôi hay sao?
Bà Hội đồng ngoe nguẩy bỏ đi xuống nhà dưới, không thèm nói chuyện nữa. Thầy Hội đồng ngó theo vợ, không hiểu tại cớ nào mà vợ gả con không được, lại trở oán mình.
Cô Tư Thục nằm trong mùng, nước mắt tuôn đầm đìa, lòng không còn muốn, trí không còn tính việc chi nữa hết. Số phận gì mà vô duyên đến thế, mới chắc có chồng đó, bây giờ lại hoá ra không, mình thương người, mà người lại nỡ phụ mình. Thôi cái kiếp vô duyên bạc phận nầy mà còn tiếc làm gì, thà là chết cho yên tấm thân, cho khỏi sầu não chớ sống mà thấy người mình thương đi cưới vợ khác còn thân mình lửng đửng lờ đờ, nói ra không phiền trách cũng không được, thế thì sống làm sao cho kham!
Từ nhỏ chí lớn cô Tư Thục chưa biết rầu việc chi hết, mà cô lại mới nếm mùi ái tình lần nầy là lần đầu, bởi sự đau đớn nó quặn trong lòng cô, sự bối rối nó vướng trong não cô, cô chịu không nổi. Cô bần thần dã dượi, bữa chiều đó cô không ăn cơm. Đêm ấy cô nằm nhớ Kinh lý Hai hoài, cô nhớ gương mặt, cô nhớ tướng đi, cô nhớ giọng cười, cô nhớ tiếng nói. Cô nhớ rồi cô thương, cô thương rồi cô giận, cô giận rồi cô tiếc, cô nhớ quanh nhớ quẩn rồi nhớ tới Kinh lý Hai cưới vợ khác, cô nghẹn trong cổ, cô tức trong ngực, cô ôm gối mà khóc sáng đêm.
Người ta nói: "rầu chết", quả thiệt có như vậy. Cô Tư Thục không có bịnh chi hết, mà cô rầu có một đêm đó, rồi sáng ngày cô dậy không nổi, chẳng khác nào như người đau. Cô cứ nằm liệt trong mùng hoài, chị hỏi cô không thèm nói, cha mẹ kêu cô cũng không thèm ra. Cô Hai Diệu là người chỉ biết ham tiền, chớ không biết nhơn tình thế thái. Bà Hội đồng là người thô tục biết nói ồn ào xổn xảng, chớ không biết dịu ngọt vỗ về. Thầy Hội đồng là người bơ thờ biết ve gái, chớ không hiểu ái tình tâm lý. Cô Tư Thục rủi sanh trong gia đình như vậy đó, bởi vậy cô đau về phần trí mà không có một người nào biết rõ chứng bịnh của cô. Mẹ với chị thấy cô nằm trong mùng hoài, đã không biết cô thất chí uất tình, nên không có nói một lời chi để khuyên dứt, mà lại theo rầy rà biểu phải ráng ăn cơm, ăn cháo, rồi lại cứ mắng nhiếc Kinh lý Hai, làm như tuồng nhắc nhở đặng cho cô Tư Thục buồn thêm nữa.
Cô Tư Thục tuy vóc lớn, nhưng mà cô bỏ ăn bỏ ngủ trong mấy ngày thì ốm teo như tàu lá, người xóp ve, đi ngã tới. Thầy Hội đồng rước thầy thuốc chẩn mạch đặng hốt thuốc cho con uống. Thầy thuốc tuần mạch, coi sắc diện, rồi lắc đầu nói cô Tư Thục có đủ chứng bịnh, mà nhứt là có cái tâm bịnh khó điều trị được lắm. Chừng ấy vợ chồng thầy Hội đồng mới lo sợ, xúm năn nỉ với thầy ráng cứu giùm con mình. Thầy thuốc thiệt cũng điều trị hết lòng, nhưng bịnh càng ngày coi càng liệt, chớ không thấy thuyên giảm. Vợ chồng thầy Hội đồng bàn với nhau rằng thầy thuốc nói con mình bị tâm bịnh, chắc là tại Kinh lý Hai nói nó rồi hồi nên nó phiền mà phát đau. Nay bịnh nó thập tử nhứt sanh, vậy nên vô mượn bà Chủ cho Kinh lý Hai hay đặng ổng liệu coi như ổng chịu ra thăm nó một chút rồi tính cuộc hôn nhơn, họa may nó có vui lòng mà hết bịnh.
Bà Hội đồng cho cái kế đó là hay nhứt đã cứu con bà được, bà lại cũng còn gả con bà được nữa, bởi vậy bà hối chồng thắng xe mà đi cho mau. Thầy Hội đồng vô tới nhà Hương chủ Khanh đã trưa rồi. Hương chủ Khanh ăn cơm rồi mới đi qua nhà việc mà nhóm hội tề, có mình bà Chủ ở nhà thôi. Bà Chủ ra chào anh, mời anh ngồi và hỏi:
- Anh vô có việc chi mà đi trưa nắng dữ vậy?
- Con Thục đau nhiều, sợ không xong.
- Úy! Nó đau sao đó? Đau từ hôm nào tới bữa nay?
- Bữa hổm nó đi với má nó vô trong nầy rồi về nó đau liền. Nó nằm liệt hổm nay, có dậy được đâu.
- Bất nhơn dữ không? Sao anh không hốt thuốc cho nó uống?
- Có chớ. Uống thuốc hổm nay bộn rồi mà thuốc uống cũng như không, bịnh coi càng thêm nặng. Bữa nay thầy thuốc chạy, ổng nói có tâm bịnh, nên cứu không nổi.
- Tâm bịnh là bịnh gì?
- Tôi chắc Kinh lý Hai gạt rồi không chịu cưới nó nên nó phiền mà đau đó chớ gì, bởi vậy má nó biểu tôi vô nói cho cô nó hay, rồi cậy cô nó nói giùm lại với quan Kinh lý, xin ổng nghĩ tình mà thương con Thục. Bây giờ ổng chịu cưới nó có lẽ nó mới mạnh được.
Bà Chủ nghe rõ duyên cớ, bà biến sắc không biết nói sao cho được. Thầy Hội đồng nói tiếp:
- Cô nó làm ơn giùm cho cháu. Có cái phương đó thì cứu nó được, chớ không còn phương nào khác nữa hết.
Bà Chủ lại đứng gần anh mà nói:
- Không được đâu.
- Sao vậy? Nếu ông Kinh lý không chịu đi thì ổng ác lắm. Ổng báo hại cho con nhỏ đau như vậy, mà ổng không nghĩ lại, thì ổng giết nó chớ gì.
- Anh biết Kinh lý đó là con ai hay không, mà anh biểu tôi ép cưới con Thục?
- Con ai dưới Bạc Liêu, ai biết đâu mà.
- Con của anh chớ, không phải là con của ai hết.
- Cô nó nói cái gì kỳ quá vậy?
- Con của con Lựu hồi trước ở dưới Đập Ông Canh đó đa. Con Lựu là em của Cai tuần Bưởi, anh nhớ hay chưa?
Thầy Hội đồng nghe nói thì biến sắc, ngồi ngó bà Chủ trân trân, không hiểu tại sao mà sanh chuyện kỳ quái như vậy. Thầy ngẫm nghĩ một hồi, rồi hỏi rằng:
- Tại sao mà cô biết? Kinh lý Hai nói hay là ai?
- Không. Kinh lý Hai không có nói mà hổm nay ổng cũng không có qua bên nầy nữa nên tôi chưa dọ được coi ổng biết hay không.
- Vậy chớ ai nói?
- Hương sư Cu nói.
- Hương sư Cu nào?
- Thằng Cu hồi trước nó ở đợ với ông Cả Tri đó. Chừng Cai tuần Bưởi đem con Lựu về ở trên Bình Phú Tây, nó mới nói mà cưới con Lựu. Hồi đó tôi hay anh có con mà anh bỏ rơi bỏ rớt, tôi mới tìm tới nhà tôi xin tôi nuôi. Tôi chịu cho tới hai ba trăm đồng bạc mà vợ chồng Cu cũng không bằng lòng cho tôi bắt. Sau vợ chồng nó dắt xuống Bạc Liêu làm ruộng, ra công nuôi con cho ăn học, nên bây giờ mới được như vậy đó.
- Không biết chừng con của nó, rồi nó kiếm chuyện nói gạt mình chơi.
- Nói gạt chi vậy? Chừng nó nói rồi tôi mới nhớ lại. Hồi tôi ra xin tôi nuôi đó, tôi có hỏi thằng nhỏ đặt tên gì. Vợ chồng nó nói đặt tên Hai. Mà anh không thấy gương mặt của Kinh lý giống gương mặt anh hay sao.
- Cô gặp Hương sư Cu hồi nào?
- Kinh lý gởi thơ về nhà, Hương sư Cu tuốt lên đây. Cha con nói với nhau làm sao không biết, mà Kinh lý không chịu nói con Thục. Tôi giận tôi hỏi thăm rồi tôi tuốt ra Bình Phú Tây mà kiếm đặng hỏi coi tại sao chê con Thục. Tôi gặp tại nhà Hương giáo Rạng là em vợ của Cai tuần Bưởi. Tôi chưa nói kịp thì đằng kia họ xì ra. Tôi ngẩn ngơ. . . Hổm nay tôi suy nghĩ, tôi khen thầm. Nếu họ cố oán, họ không thèm nói ra, họ để cho hai đứa nhỏ ở với nhau, thì khốn nạn cho mình biết chừng nào mà kể.
Thầy Hội đồng nghe rõ rồi thì thầy đổ mồ hôi hột. Không biết trong lúc ấy thầy rầu về bịnh con trầm trệ, hay là thầy hổ vì thói quấy ngày xưa, mà thầy ngồi im lìm một hồi lâu rồi thầy thở ra rồi đứng dậy từ bà Chủ Khanh mà về. Bà Chủ nghe cháu đau nặng bà cũng nóng nảy trong lòng, nên bà xin đi theo xe ra mà thăm cháu.
Xe của hội Đồng Nghĩa về tới Bình Phú Tây, tại chỗ thầy bị Ba Cam đón ngựa mà chém hồi trước, thì gặp người nhà cỡi ngựa chạy vô. Hai đàng ngừng lại, rồi người nhà nói rằng cô Tư Thục đã tắt hơi nên bà Hội đồng sai đi báo tin. Thầy Hội đồng với bà Chủ đều khóc hết thảy và hối thằng đánh xe giục ngựa chạy cho mau.
Bà Chủ khóc một hồi rồi nói:
- Tại anh ở ác lắm, nên bây giờ mới khiến có chuyện như vậy. Chớ chi hồi trước anh nhìn con của Lựu thì bây giờ anh có con trai phụng sự ông bà, mà con Thục lại cũng khỏi chết nữa. Thôi, gia tài của anh thằng Thôn Kỉnh nó sẽ phá hết, còn giống gì mà kể.
- Thầy Hội đồng Nghĩa vừa khóc vừa đáp:
- Không biết bây giờ tôi nhìn, Kinh lý Hai chịu hay không?
- Bây giờ người ta như vậy, tôi sợ người ta không thèm chớ.
- Cô nói giùm thử coi.
- Anh nhìn, mà biết chị Hai chỉ chịu hay không?
- Chịu hay là không chịu cũng mặc kệ, không cần gì. Tại con quỷ đó nên bây giờ trong nhà mới bị khốn nạn như vầy đa.
Xe về tới, thầy Hội đồng với bà Chủ chạy a vô buồng, tốc khăn đậy mặt cô Tư Thục, rồi anh em đứng khóc rấm rứt. Bà Hội đồng khóc đã nhiều rồi, mà bà cũng tiếp khóc thêm nữa, song bà khóc mà bà mắng nhiếc Kinh lý Hai, bà kêu trời kêu đất, bà nói Kinh lý Hai giết chết con bà.
Chiều lại Hương chủ Khanh ra tới, vợ chồng ở luôn 4 bữa cho đến tống táng cô Tư Thục xong rồi mới về. Tối lại bà Chủ sai đứa ở qua nhà việc mời quan Kinh lý qua nhà cho bà nói chuyện. Ông Chủ nghe sai đi mời quan Kinh lý thì nói:
- Hổm tôi đi nhóm thì không có quan Kinh lý ở bển, hai người phái viên nói ổng xin phép đi Sài Gòn. Không biết bữa nay ổng về hay chưa.
Cách một hồi đứa ở chạy về thưa rằng quan Kinh lý đi Sài Gòn hổm nay chưa về.
Bà Chủ Khanh tánh bải buôi vui vẻ mà từ hôm bà gặp Hương sư Cu đến nay, nhứt là từ hôm cô Tư Thục chết, thì bà dàu dàu, ăn cơm rồi bà cứ nằm gác tay qua trán, nhắm mắt lim dim, bà không đi đâu hết. Bà toan tính trong trí hoài, không biết phải nói thế nào cho Kinh lý chịu để cho anh mình nhìn làm con mà phụng sự ông bà.
Một buổi chiều, lối 4 giờ, Hương chủ Khanh mắc lum khum cắt lá, uốn nhánh mấy cây kiểng ngoài sân, còn bà Chủ thì xẩn bẩn coi cho trẻ ở nấu cơm trong bếp. Kinh lý Hai bước vô sân rồi xâm xâm đi lại chỗ Hương chủ sửa kiểng, quan Kinh lý đi giày cao su, nên Hương chủ không hay. Chừng lại một bên, quan Kinh lý cất tiếng hỏi:
- Ông làm gì đó ông Chủ?
Hương chủ giựt mình day lại, thấy ông Kinh lý thì mừng quýnh, lật đật mời vô nhà rồi kêu trẻ mà biểu bưng trà lấy thuốc.
Bà Chủ nghe nói có quan Kinh lý, thì bà vội vã bước lên chào, lần nầy trong lòng bà rất bợ ngợ mà quan Kinh lý sắc mặt coi cũng không vui vẻ chút nào. Chủ khách đều ái ngại, nên ngồi lặng thinh một hồi rồi bà Chủ mới nói:
- Con Thục là con của anh Hội đồng chết rồi, có lẽ quan Kinh lý chưa hay?
Kinh lý Hai chưng hửng, ông hỏi:
- Chết hồi nào. Đau bịnh chi vậy?
- Nó chết sáu bảy bữa rày. Đau sơ sài, không có chi nặng, mà rồi nó chết!
- Tôi mắc đi Sài Gòn trọn một tuần nay. Tôi mới về trưa hôm qua. Bất nhơn dữ quá! Tôi có hay đâu.
- Anh Hội đồng ảnh rầu lắm.
Câu chuyện nói có bao nhiêu rồi dứt, làm chủ khách ngồi nín khe nữa. Không biết Hương chủ Khanh nghĩ thế nào, mà ông ngồi một hồi rồi ông nói rằng:
- Ở đời ai có phần số nấy. Chết nhỏ cũng chết; mà chết già cũng chết; chết thì hết cực, rầu giống gì.
Bà Chủ đương rộn trong trí, nên bà không cãi với chồng. Mà Kinh lý Hai đương lo ra, nên ông cũng không nghe rõ mấy lời của Hương chủ luận. Ông liệu không có chuyện chi nữa để nói, ông bèn đứng dậy lấy nón cầm trong tay rồi nói:
- Có giấy quan trên rút tôi về Sài Gòn mà làm việc. Bữa nay tôi qua đây là qua mà từ giã ông Chủ bà Chủ đặng sáng mai tôi đi. Ông Chủ bà Chủ ở lại mạnh giỏi. Bữa nào có ông Hội đồng vô, xin bà Chủ làm ơn nói giùm tôi kính lời tạ ơn ông bà có lòng chiếu cố đến tôi.
Vợ chồng Hương chủ Khanh nghe mấy lời thì sửng sốt. Hương chủ hỏi:
- Tại sao mới đổi ông xuống rồi lại rút ông đi? Tại ông xin hay là tại quan trên định?
Kinh lý Hai do dự một chút rồi mới đáp:
- Tại quan trên định.
- Ông nói như vậy, chớ tôi chắc tại ông xin đi. Ông đối với Hương chức trong làng tử tế quá, ai cũng yêu mến ông. Ông đi đây ai cũng tiếc.
- Tôi cũng tiếc lắm; ngặt vì quan trên định như vậy, mình cãi sao được. Quan Kinh lý mới đã xuống rồi. Ổng cũng tử tế lắm. Để bữa nào ông Chủ qua nhà việc thì sẽ gặp ổng. Tôi về ở đỡ trên Sài Gòn ít ngày rồi tôi đi Bạc Liêu. Quan trên đã hứa cho tôi về đó đặng gần cha mẹ.
Bà Chủ ứa nước mắt mà nói:
- Quan Kinh lý đi thình lình quá, thiệt không ai dè chút nào hết. Cha chả! Anh Hội đồng ảnh hay đây, ảnh rầu thêm nữa. Xin lỗi với quan Kinh lý cho tôi hỏi: anh Hội đồng ảnh nói ảnh thấy quan Kinh lý ảnh thương cũng như thương con ruột ảnh vậy. Hôm con Thục mất rồi, ảnh có nói với tôi ảnh muốn nhìn quan Kinh lý làm con nuôi đặng ảnh để gia tài lại cho quan Kinh lý hưởng. Quan Kinh lý nghĩ coi ảnh thương quan Kinh lý là dường nào.
- Xin bà làm ơn tỏ giùm lại với ông Hội đồng; ổng thương thì tôi rất cám ơn ổng lắm. Nhưng mà ổng tính vậy sao được. Tôi có cha mẹ, dầu cha mẹ tôi nghèo hèn mấy đi nữa, có lẽ nào tôi nỡ bỏ mà đi làm con người khác. Còn gia tài, tôi là người dưng mà tôi đòi ăn nỗi gì, có lẽ nào tôi vô liêm sĩ đến đỗi bỏ cha, bỏ mẹ mà giựt gia tài của con cháu người ta mà ăn hay sao?
- Ông ngồi, ông ngồi nán lại đây đặng nói chuyện chơi. Mai ông đi, thôi vợ chồng tôi mời ông ở ăn cơm chiều với vợ chồng tôi một bữa nữa rồi sẽ đi.
- Cám ơn bà, xin bà cho phép tôi từ. Vì có quan Kinh lý mới nên không lẽ tôi ở bên nầy ăn cơm mà bỏ ông.
- Nội đây có một mình vợ chồng tôi với ông. Vậy tôi tỏ thiệt với ông, hôm trước tôi ra nhà Hương giáo Rạng, tôi có gặp ông già của ông, tôi đã hiểu tại sao mà ông già của ông không chịu làm sui với anh Hội đồng. Bây giờ tôi xin ông cũng lấy lòng thành thiệt mà nói cho tôi biết coi ông có hiểu cội rễ của ông hay chưa?
Kinh lý Hai ngước mắt ngó ngay bà Chủ, tuy sắc buồn hiu, song miệng chúm chím cười và đáp:
- Bà hỏi thiệt khó cho tôi trả lời quá. Bà hỏi chi vậy?
- Ậy, tôi muốn biết một chút. Quan Kinh lý trả lời rồi tôi sẽ nói chuyện cho mà nghe.
- Tôi không hiểu chi hết, mà tôi cũng xin bà đừng nói chuyện chi nữa hết. Tôi xin từ ông bà, tôi đi về.
- Khoan đã. Xin quan Kinh lý ngồi nán lại cho tôi nói vài lời. Anh Hội đồng ảnh cũng biết rồi, ảnh nghĩ lại. . .
- Xin bà tỏ giùm lại với ông Hội đồng rằng tôi kính ông như cha tôi vậy, ngặt vì tôi thương má tôi, tôi trọng cha tôi lắm, nên tôi không muốn nghe, không muốn hiểu chuyện gì hết. Nếu trách thì tôi cam chịu, nhưng mà tôi chắc không có lỗi trong việc nầy. Gần nhau thì càng thêm hổ thẹn chớ không ích gì. Thôi, tôi xin kiếu ông bà, tôi đi về.
Kinh lý Hai cúi đầu mà chào rồi vội vã bước ra cửa.
Bà Chủ ngó theo mà hai hàng nước mắt rưng rưng. Chừng Kinh lý Hai ra khỏi cửa ngõ rồi, bà lau nước mắt mà nói:
- Anh đó ảnh ở bậy quá. Bây giờ nói làm sao được?
An Trường 7 - 8 năm 1930